Phần 1
Đang lúc giữa mùa hè, Người Cừu được yêu cầu phải viết vài khúc nhạc Giáng Sinh. Cả Người Cừu và thanh tra cừu, đến để yêu cầu Người Cừu phải đảm trách việc sáng tác nhạc, lúc đó mồ hôi mồ kê đầm đìa trong bộ trang phục cừu mùa hè. Mùa hè càng kéo dài chừng nào thì Người Cừu càng khổ chừng nấy vì anh ta chỉ là một chú cừu nghèo và không thể sắm nổi một chiếc máy điều hòa nhiệt độ. Khi cái quạt quay tròn phành phạch xung quanh, tai của hai gã cừu ve vẩy nhẹ nhàng trong cơn gió nhẹ.
- Chúng tôi, Hội đồng Người Cừu - Vị thanh tra cừu vừa bắt đầu nói vừa thả lỏng cổ áo cho cái quạt thổi gió vào - Mỗi năm chúng tôi chọn một chú cừu đã được trời ban phước cho một tài năng âm nhạc phi thường, để sáng tác một bản nhạc vinh danh vị bảo trợ thần thánh nhất, vị Thánh Cừu. Bản nhạc này sẽ được trình diễn trong ngày giáng sinh. May mắn thay là năm nay anh đã được chọn.
- Ồ tôi hiểu. Người Cừu nói.
- Đặc biệt, năm nay là lễ kỷ niệm 2.500 năm ngày vị thánh qua đời, do đấy mà chúng tôi thật sự mong muốn có một bản nhạc thật hoành tráng, thích hợp với sự kiện linh thiêng này - Vị thanh tra kết luận.
- Tôi hiểu, tôi hiểu. Người Cừu nói và gãi gãi đôi tai.
- Vẫn còn bốn tháng rưỡi nữa mới đến Giáng Sinh kia mà - Người Cừu nghĩ thầm - Với thời gian dài như thế, chắc chắn mình sẽ sáng tác được vài bản nhạc cừu tuyệt diệu.
- Tôi rất vui được đảm trách công việc này. Xin ông cứ tin tưởng tôi - Người Cừu đáp lời, ngực anh ta dâng lên niềm hãnh diện - Chắc chắn tôi sẽ gắng hết sức mình để viết một bản nhạc cừu xuất sắc.
Tháng chín đã trôi qua, rồi tháng mười, tháng mười một cũng thế mà sao Người Cừu vẫn chưa thể bắt đầu viết nhạc theo yêu cầu của Hội đồng Người Cừu. Bởi vì Người Cừu làm việc trong một cửa hàng bánh rán gần đó nên anh ta cũng có ít thời gian dành cho công việc sáng tác. Hơn thế, mỗi khi Người Cừu bắt đầu dạo nhạc bằng chiếc piano cũ kỹ xập xệ của mình, vợ của người chủ nhà kiêm chủ tiệm cơm trọ lúc nào cũng mò đến và gõ cửa.
- Thôi ngay cái trò ồn ào đó đi. Tôi không thể nào mà xem tivi được cả.
- Tôi thật sự xin lỗi. Nhưng bởi vì tôi phải viết xong bản nhạc này trước Giáng Sinh nên bà có thể chịu đựng thêm một chút nữa được không ạ?. Người Cừu ngoan ngoãn nói.
- Anh nói điều ngu ngốc gì vậy? - Bà vợ chủ nhà tức điên người - Nếu không thích thì anh có thể rời khỏi đây ngay lập tức. Chúng tôi để cho những người lập dị như anh sống ở đây không có nghĩa là anh có thể cười nhạo báng chúng tôi đâu nhé. Nếu chuyện này là vấn đề đối với anh thì thật là tệ quá.
Người Cừu nhìn chăm chú vào tấm lịch với cảm giác hãi hùng. Cho dù chỉ còn một tháng ngắn ngủi nữa là đến Giáng Sinh, nhưng do không thể chơi piano nên Người Cừu vẫn chưa viết được một nhịp nhạc nào cho bài ca đã hứa.
Một ngày, Người Cừu ngồi nơi công viên, ăn bánh rán với vẻ mặt lúng ta lúng túng, thì anh ta gặp một giáo sư Cừu đi ngang qua.
- Có chuyện gì vậy, hỡi chú Cừu thân mến của tôi? - Vị giáo sư hỏi thăm.
- Tôi mệt mỏi quá. Dù cho Giáng Sinh đang đến gần mà tôi vẫn có điều muộn phiền khó chịu. Có thể nói rằng Giáng Sinh là một phần của vấn đề đấy. Người Cừu bắt đầu nói và trút hết bầu tâm sự cho vị giáo sư cừu.
- Hừm - giáo sư cừu nói, và đưa tay vuốt râu - Nếu là trường hợp đó thì tôi nghĩ mình có thể giúp chú được.
- Thật vậy ư? - Người Cừu hoài nghi hỏi lại. Bởi vì giáo sư cừu đã dành cả đời mình chỉ để nghiên cứu những vấn đề liên quan đến cừu nên dân quanh vùng nghi ngờ rằng vị giáo sư này có đầu óc hơi không được bình thường.
- À, thật sự đấy - Giáo sư cừu đáp lời - Hãy đến nhà tôi vào lúc sáu giờ tối nay. Tôi sẽ chỉ cho chú những phương pháp và kỹ thuật sáng tác xuất sắc. À nhưng mà này, tôi có thể ăn một cái bánh rán vàng rộm này chứ?
- Vâng, dĩ nhiên rồi. - Người Cừu nói và hơi bực mình trong thâm tâm - Dạ đây ạ. Và họ ngồi bên nhau trên chiếc ghế đá công viên, cùng nhai bánh rán.
Buổi tối đó, Người Cừu ghé thăm nhà của vị giáo sư cừu, mang theo một gói sáu cái bánh rán vàng ươm làm quà tặng. Đó là một căn nhà gạch cũ kỹ và những đám cây bụi xung quanh được cắt tỉa thành hình những chú cừu. Cả cái chuông cửa, hai cái cột cổng, những phiến đá lót đường đều có hình cừu. Người Cừu nghĩ thầm: "Chà, tay này tôn sùng cừu như bò thần" .
Vị giáo sư Cừu ngấu nghiến ăn ngay bốn cái bánh rán trong vòng chưa đầy một làn hơi thở. Còn hai cái bánh kia, ông ta đặt trong tủ chén như thể chúng quan trọng lắm. Cuối cùng ông ta đưa lưỡi liếm láp các ngón tay, rồi nhặt nhạnh các mảnh bánh vụn rải rác trên bàn, dùng lưỡi liếm láp mấy ngón tay cho sạch.
- Chắc thằng cha này thích bánh rán lắm đây - Người Cừu khá có ấn tượng và nghĩ thầm như thế.
Sau khi những ngón tay đã sạch tinh, vị giáo sư cừu lấy trên giá sách xuống một quyển sách lớn. Trên bìa sách có in "Lịch sử của Người Cừu".
- Này cậu Cừu - vị giáo sư bắt đầu trịnh trọng - Trong quyển sách này có viết tất cả những điều khả thức liên quan đến Người Cừu đấy. Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu lý do tại sao cậu lại không thể viết được một khúc nhạc cừu nào cả.
- Nhưng thưa giáo sư, tôi đã biết được lý do rồi ạ. Đó là bởi vì bà chủ nhà không cho tôi dạo piano - Người Cừu nói - Nếu như tôi có thể chơi được piano...
- Tầm bậy - Vị giáo sư cừu nói và lắc đầu - Cho dù cậu có thể chơi được piano thì cậu cũng chẳng thể nào sáng tác được bản nhạc nào đâu. Nguyên nhân sâu xa hơn nằm ở trong đây này.
- Thế đó là gì vậy? - Người Cừu hỏi.
- Đó là do cậu đã bị nguyền rủa - Vị giáo sư cừu nói và cau mặt lại.
- Bị nguyền rủa ư?
- Đúng vậy đấy - vị giáo sư cừu gật gù liên tục -Vì bị nguyền rủa nên cậu không thể chơi piano cũng như sáng tác nhạc được.
- Ôi - Người Cừu rên rỉ - Nhưng tại sao ông cho là tôi bị nguyền rủa? Tôi có làm hại ai bao giờ đâu?
Vị giáo sư cừu lật lật mấy trang sách một cách khéo léo.
- Có lẽ cậu đã nhìn lên mặt trăng vào đêm rằm tháng sáu?
- Không. Từ năm năm nay tôi có thấy mặt trăng bao giờ đâu.
- A, nếu vậy thì cậu đã ăn một cái gì có lỗ vào đêm Giáng Sinh năm ngoái?
- Tôi ăn bánh rán vào mỗi bữa tối. Tôi không thể nhớ chính xác là tôi đã ăn loại bánh rán nào vào đêm Giáng Sinh năm ngoái, nhưng tôi khá chắc chắn rằng tôi đã ăn bánh rán.
- Trong bánh rán có lỗ chứ?
- Vâng, tôi hình dung là vậy. Ý tôi muốn nói là hầu như tất cả bánh rán đều có lỗ cả.
- Chính là vì thế đấy - Vị giáo sư cừu nói, gật đầu quả quyết - Kết quả của chuyện ấy là cậu đã bị nguyền rủa. Chắc một giáo viên cừu nào phải nói với cậu là không ăn những thức ăn có lỗ thủng vào đêm Giáng Sinh rồi chứ?
- Tôi chưa từng nghe thấy điều này bao giờ - Người Cừu ngạc nhiên nói - Đó hoàn toàn là sự thực đấy à?
- Cậu chẳng biết gì về Ngày lễ của vị thánh cừu cả... Thật quá sửng sốt - Vị giáo sư đáp lời, thậm chí ông còn ngạc nhiên hơn Người Cừu nữa - Lũ trẻ bây giờ quả thật chẳng biết gì hết. Bộ người ta không dạy cậu những điều này ở Trường Cừu trước khi cho cậu làm lễ thành Người Cừu hay sao?
- À, tôi đoán là có chứ. Nhưng chắc do tôi học hành cũng chẳng giỏi giang gì lắm - Người Cừu nói, gãi gãi đầu.
- Nhìn đây này. Tai hoạ này giáng xuống bởi vì cậu là một con cừu vô cùng bất cẩn. Cậu phải tự chịu trách nhiệm lấy. Tuy nhiên - vị giáo sư cừu tiếp tục - Bởi vì cậu đã mang bánh rán đến cho tôi nên tôi sẽ chỉ dẫn cho cậu. Ngày hai mươi tư tháng mười hai là ngày Giáng Sinh, cũng là ngày lễ của vị Thánh cừu. Vào ngày này, khi vị Thánh cừu tối linh đang đi dạo trên đường lúc nửa đêm, Ngài đã rơi xuống một cái hố và qua đời. Vì thế mà ngày này rất linh thiêng. Do đó, việc ăn thực phẩm có lỗ thủng bên trong vào ngày này đã d-ứ-t kh-o-á-t bị cấm từ thời xa xưa. Những loại thức ăn như mỳ ống, pho mát Thụy Sĩ, bánh rán, những lát hành tây và dĩ nhiên là những khoanh bánh mì có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng đấy.
- Xin thứ lỗi cho tôi nhưng vị Thánh cừu tối linh lang thang trên đường lúc nửa đêm để làm gì vậy? Và tại sao lại có một cái hố giữa đường?
- Tôi không được biết câu trả lời. Những sự kiện đó xảy ra từ 2.500 năm trước, vì thế nên chúng ta không thể biết được nguyên do. Nhưng dù sao điều luật đã được quy định từ lúc ấy. Đó là một điều luật bất khả xâm phạm. Dù cậu có biết hay không nhưng sự vi phạm sẽ dẫn đến hậu quả là sự rủa nguyền sẽ giáng xuống cậu. Một khi đã bị nguyền rủa, cậu không còn là Người Cừu nữa. Cũng chính lý do này đã làm cậu không thể sáng tác nhạc cừu được. Đúng như vậy đấy.
- Tôi thật là thằng ngu ngốc quá - Người Cừu yếu ớt nói - Có cách nào để hóa giải lời nguyền rủa này không ạ?
- Hừm - Vị giáo sư cừu nói - Có một cách nhưng tôi sợ là sẽ chẳng dễ dàng gì đâu. Nhưng có cách làm là được rồi, phải không?
- Tôi chẳng quan tâm. Tôi sẽ làm bất cứ cái gì có thể được. Làm ơn chỉ bảo cho tôi.
- Cái cách phải làm là cậu phải rơi xuống một cái hố.
- Hố à? - Người Cừu nói - Cái hố à, chính xác là cái hố như thế nào? Cái hố nào cũng được ư?
- Đừng ngu ngốc thế. Không phải cái hố nào cũng được đâu. Kích thước và chiều sâu cần thiết của hố để hoá giải lời nguyền được quy định rất rõ ràng. May mắn là nó khá nhỏ. Tôi sẽ cố gắng tìm cho cậu bây giờ.
Vị giáo sư cừu lấy ra một quyển sách rách nát có tựa "Huyền thoại về vị Thánh cừu tối linh" và lật lật qua trang.
- À, Hừm... Đây rồi. Trong đây có nói rằng vị Thánh cừu tối linh đã ngã xuống một cái hố đường kính hai mét và chiều sâu hai trăm lẻ ba centimet rồi Ngài qua đời. Vì thế, chúng ta sẽ phải làm một cái hố có kích cỡ tương đương.
- Nhưng tôi không thể tự mình đào một cái hố sâu như thế. Với lại, nếu té xuống một cái hố như vậy, tôi sẽ chết trước khi lời nguyền được hủy bỏ còn gì?
- Đợi chút đã. Trong đây có viết thêm là khi cố gắng hóa giải lời nguyền thì chúng ta có thể giảm chiều sâu xuống một phần một trăm cũng không sao. Vì thế mà cậu có thể đào một cái hố đường kính hai mét và chiều sâu ba căn-ti-mét cũng được.
- Ồ, tốt quá. Nếu chỉ thế thì tôi sẽ đào được. Không thành vấn đề - Người Cừu thanh thản nói.
Người Cừu mượn vị giáo sư cừu quyển sách và mang về nhà. Trong sách có viết hằng hà sa số những điều luật, giải pháp phải làm để hóa giải những bùa mê. Người Cừu cố gắng viết ra từng điểm một.
(1). Cái hố phải được đào bằng một cái xẻng làm thủ công bằng gỗ tsuneriko . (Bởi vị thánh cừu có mang một cái gậy bằng loại gỗ này).
(2). Việc té hố phải diễn ra đúng lúc 1 giờ mười sáu phút sáng ngày hai lăm tháng mười hai (Bởi vì vị thánh cừu té hố vào thời điểm này).
(3). Vào thời điểm té hố, phải mang theo thực phẩm không có lỗ thủng làm thức ăn nhẹ.
Điều luật (1) và (2) thì được rồi, và ngay cả điều luật liên quan đến chiều cao của quãng rơi cứ cho là có ý nghĩa đi nữa, nhưng Người Cừu thật không thể hiểu nổi sự cần thiết phải có một bữa ăn nhẹ.
- Thật lạ lùng - Người Cừu thầm nghĩ - Nhưng mình đoán tốt hơn hết là cứ làm theo những cách viết nơi đây.
Chỉ còn ba ngày nữa là đến Giáng Sinh. Trong ba ngày ngắn ngủi này, Người Cừu phải làm một cái xẻng làm bằng gỗ tsuneriko và đào một cái hố có đường kính hai mét và chiều sâu hai mét ba cm.
- Những điều xảy ra thật quá lạ lùng - Người Cừu nói và thở dài.
Người Cừu vào rừng tìm một cây gỗ tsuneriko, chặt lấy một cành nhỏ. Chỉ trong một ngày, anh ta đẽo thành một cái cán xẻng. Ngày hôm sau, Người Cừu bắt đầu đào một cái hố ở cái sân phía sau nhà.
Trong khi Người Cừu đào hố, bà chủ nhà đã phát hiện ra.
- Này cậu, cậu đào hố làm gì thế? - bà chủ nhà gặng hỏi.
- Tôi đào hố để đổ rác thôi mà - Người Cừu đáp - Tôi nghĩ nó sẽ rất tiện dụng đấy.
- Ồ, vậy à? Nhưng nếu cậu thử làm cái gì khác thường là tôi sẽ gọi cảnh sát đấy - bà chủ nhà khinh miệt nói. Sau đó, bà ta quay ngoắt người đi mất.
Sử dụng một cái thước đo, Người Cừu cẩn thận đo chính xác từng chi tiết của cái hố đang đào cho đúng với đường kính và chiều sâu.
- Ta phải làm thế thôi - Người Cừu thầm nói và che một miếng gỗ trên mặt hố.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top