tĩnh dạ tình
1. Người phụ nữ khom lưng nhóm lửa, vai áo đã bạc phết, tóc hoa râm. Bà không nhận ra người sau lưng đã tỉnh lại. Trên đống lá khô truyền đến âm thanh sột soạt. Gian nhà kho ẩm tối chỉ nghe mùi khói bay lên nghi ngút từ những thanh củi chưa ráo, dằng dặc u ám bao trùm. Hiệu Tích lọ mọ ngồi dậy, bước ra ngoài.
Bên ngoài dường như mới trải qua một trận giông lớn, gió lành lạnh tạt vào mảnh áo mỏng tanh một hơi buốt giá. Hiệu Tích run rẩy tự ôm lấy mình, bàn chân trần vô thức đi về phía bên kia đồng bãi. Đó là một bãi đất rất rộng được ngăn cách bằng một con kênh khá nông. Những hàng lạc đều tăm tấp vừa nhú chồi non ngả người trong cơn gió lộng. Đất dưới chân rất mềm, tựa hồ như vừa thấm mưa, lớp bùn non bám lấy gót chân mát rượi. Những cơn giông rối rít đuổi tới giữa chốn đất trời hoang vu không rõ hư hay thực. Chúng tạt vào thân ảnh ốm yếu của Hiệu Tích một cách hung hăng, như hối thúc, như muốn trốn chạy. Hiệu Tích mơ hồ nhìn xuống dưới chân mình, thấy lành lạnh rã rời. Y đứng lặng đã một lúc, để trận run rẩy qua đi, rồi đột nhiên không do dự nhảy qua con kênh, cong lưng chạy về cánh đồng lạc miên man không rõ bến bờ.
2. Y đã sống trong ngôi nhà này ba mươi năm. Ba mươi năm không một danh phận. Ba mươi năm không một lần được gọi tên. Ba mươi năm mà không từng trốn chạy. Ba mươi năm, không-một-ai hay biết.
Bởi, y là một người vô diện*.
(Vô diện ở đây mình dùng theo nghĩa là không có hiện diện, tức là "vô hình" theo nghĩa đen)
À, may mắn trên đời cũng có một người biết đến sự tồn tại kỳ lạ của y. Đó là Doãn Kỳ. Bằng một phép màu (hay bi kịch) nào đó mà trước lúc hoàn toàn biết mất, y đã kịp gặp và yêu gã. Không có một lời nguyền nào. Dường như, đó chỉ đơn thuần là một sự gắn kết của phận số hai con người lầm lạc. Lầm lạc trong cái nhìn của người đời. Về một thứ tính dục kỳ lạ, không đúng với lẽ thường.
Lẽ thường là một thứ rất mơ hồ. Những gì sinh ra đã thế, như đạo đức, văn hóa, phong tục. Nhưng tình yêu làm gì có lẽ thường. Tình yêu làm gì phải tuân theo lẽ thường? Nó chỉ là những biến số ngẫu nhiên mà duyên phận đưa đến, chẳng theo một quy luật nào. Không có một luân lí đạo đức nào nói rằng tình yêu phải được diễn ra giữa hai cá thể khác nhau giới tính, thế nhưng người ta vẫn mượn cái "lẽ thường" ấy để vùi dập những tình yêu dẫu chân thành mà chỉ mong thiên hạ cho họ một cái gật đầu.
Là con người, ai mà chẳng muốn được yêu thương.
Có lẽ vì vậy mà gã đã từ bỏ cuộc tình éo le với người đàn ông vô diện ấy để nghe theo sự định đoạt của mẹ, để còn được yêu thương bởi một ai đó đúng nghĩa "con người". Có lẽ vì vậy mà dẫu đã bị phụ bạc, Hiệu Tích vẫn chọn ở lại ngôi nhà ấy, chứng kiến người tình lấy vợ, sinh con. Bởi y sợ cô đơn. Y sợ sẽ không còn ai biết mình từng tồn tại trên cuộc đời này. Y khao khát đến dại khờ một tình yêu chỉ được đáp lại trong lúc đất trời không còn ai, khi những định kiến ngủ sâu sau cuộc ngày mê mải. Ừ, y thèm đến hóa dại, đến quên mất mình đã sống như thế nào. Ba mươi năm.
Người đàn ông ấy sống rất hạnh phúc, kể cả khi y chỉ còn là một tiếng nói không chút hình hài. Gã cùng vợ sinh ra bốn người con, hai gái hai trai. Người ta bảo gã thật có phúc. Gái trai đều có đủ, mẹ già mạnh khỏe, gia đình viên mãn đằm ấm. Nhưng ai biết rằng gã cũng có những lúc ưu tư không kể được với ai, ngoài y. Gã hay lọ mọ ra nhà kho vào đêm muộn, lúc cả nhà đã ngủ hết. Gã vùi mặt vào một khoảng không trên mớ lá khô, nghe nhịp thở vẫn đều đặn như hơi người. Củi được thêm vào ngay lúc lửa sắp cháy đến tàn tro. Đó là lúc gã tìm đến y. Những đêm như vậy không nhiều, nhưng rất dài. Đêm nào cũng như đêm ấy. Dằng dặc, hoang hoải, mỏi mòn. Những đêm ấy là lần hiếm hoi y thấy mình còn sống. Còn cháy bừng như đám lửa đỏ trong lò than kia. Y nhớ đến xiết bao cái vòng ôm nóng hổi của gã, những da thịt chẳng rõ tròn méo ra sao nhưng vẫn rạo rực mỗi khi được gã chạm vào. Biết bao nhiêu năm. Không tính tháng, tính ngày.
3. Gã bảo thỉnh thoảng hãy ra nhà trước chơi. Nằm ở trong này sẽ có một ngày y thành que củi, mà gã không biết rằng y vốn đã thành que củi tự đời nào. Trơ trọi. Khôn khan. Mục rữa.
Bà lão chợt dừng đũa, miệng cũng thôi nhai. Thật kỳ lạ. Chiếc ghế ngoài sân đang ngả về phía trước nhưng không chịu bất cứ tác động nào. Cứ như có thứ gì đó chống lên, lơ lửng nhưng lại có cảm giác rất chắc chắn. Và mặc dù nó cách mặt đất một khoảng không lớn, nhưng đủ nhiều để khung cảnh trở nên quỷ dị. Bà lão đứng dậy, định tiến lên trước để nhìn cho rõ. Khoảng sân cách bàn cơm rất xa, bà cũng cho rằng mắt đã mờ. Nhưng chiếc ghế ngay lập tức giật mình, một lực rất vội đẩy nó ngã ra. Một chiếc ghế gần đó cũng chao đảo một lúc như có vật gì đó vừa vụt qua. Ngoài sân gió lặng, nhưng trong lòng bà lão đã dậy sóng.
Bã lão nhớ lại những chuyện kỳ lạ mình đã trải qua.
Có một thời gian, chừng nửa năm từ ngày con trai bà lấy vợ. Gã trở nên lầm lì và ít nói. Ban ngày, gã tất bật công việc trên cửa hàng. Đêm đến cũng thức rất khuya. Thường trầm mặc ngồi trước sân nhà, châm điếu thuốc. Bà lão vốn cho rằng con trai còn chưa quên chuyện cũ, thỉnh thoảng có chút ưu tư nên cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều. Nhưng có một lần bà thấy gã khóc, miệng vẫn ray rứt câu xin lỗi đứt quãng. Cứ như vậy tầm vài ba tháng lại thấy gã ra trước sân ngồi, lần nào cũng lầm bầm chuyện phiền muộn trong những ngày qua. Bà lão thấy rất nghi hoặc. Rõ ràng con trai ngồi một mình, nói chuyện một mình, nhưng lại luôn có cảm giác đang ngồi cùng người khác, chốc lát lại thấy gã đảo mắt nhìn về phía kế bên, tình ý không thể che giấu. Chuyện như vậy bà lão chưa bao giờ kể con dâu nghe. Cũng chẳng biết tại sao. Nhưng trong một lần nhìn trộm, con trai bỗng dưng không nói gì nữa, ném điếu thuốc đang cháy dở xuống dưới chân, đạp cho chúng tắt đi, rồi bình thản vào nhà. Từ ngày đó, đã ba mươi năm rồi gã không ra sân ngồi nữa.
Và vẫn còn nhiều lắm, như những lần có cảm giác thức ăn vơi đi, gian nhà trở nên chật chội, ánh mắt nào như hờn tủi lắm nhìn chằm chằm về phía bà, như muốn trách cứ bà lão sao mà cay độc. Không chịu nổi dày vò, bà lão quyết định mời thầy về đuổi vong.
4. Đó là một ngày gã vắng nhà.
Bàn cúng tế được đặt ngay ngắn trước sân, cả gia đình dõi theo không rời mắt. Lúc thầy cúng lẩm bẩm vài câu kì lạ trong miệng, cả gian nhà liền có một luồng khói đen bao phủ. Trong mơ hồ, bà lão như được nhìn thấy khung cảnh éo le ba mươi năm về trước. Lão thầy cúng trầm ngâm một lúc, rồi nói:
- Sinh linh này đã tồn tại trong gia đình bà được ba mươi năm. Không có oán khí, nhưng có chấp niệm không thể buông bỏ. Bà có gây ra tội nghiệt gì trong những năm ấy không?
Bà lão lặng người, trí nhớ chậm chạp đến ngược lại thời điểm ba mươi năm về trước.
- Mẹ, đây là bạn học của con. Hiệu Tích, chào mẹ anh đi!
Thiếu niên nhỏ nhắn, e dè không dám mở lời. Rõ ràng là một nam nhi, nhưng dáng người lại như đào liễu, ngoại hình có đến tám phần giống nữ nhân. Ánh mắt rụt rè nhìn sang người bên cạnh như chỉ chờ một cái gật đầu. Thiếu niên lúng túng mãi mới lên tiếng, vụng về:
- Cháu chào cô...
Giọng nói thiếu niên như mảnh lụa mềm, quấn quít rồi xiết chặt lấy trái tim người mẹ. Bàn tay cô run rẩy không cầm nổi tách trà. Một luồng gió lạnh đến buốt hồn thổi qua khiến nụ cười trên khuôn mặt cứng lại, cô thận trọng hỏi:
- Doãn Kỳ...chẳng phải con nói hôm nay con dẫn người yêu về ăn cơm với mẹ sao? Sao lại là...
Đứa con trai hít một hơi thật sâu như đem hết không khí vào buồng phổi để tuyên bố điều gì trịnh trọng lắm. Nó lấy can đảm vài giây, rồi nói, ánh mắt kiên định như có thể dời cả quan san.
- Mẹ, đây là người yêu con. Con muốn sống cùng cậu ấy, trường trường cửu cửu.
Chén trà trong tay rơi xuống, vỡ vụn.
- Con nói gì, Doãn Kỳ? Con nói gì? Con muốn sống cùng một đứa con trai trường trường cửu cửu? Mẹ nuôi dạy con hai mươi mấy năm qua chỉ để con trở thành một thứ kinh tởm như thế này sao?
Một thứ kinh tởm như thế này sao?
Doãn Kỳ, đó không phải là tình yêu. Không có tình yêu nào giữa hai người đàn ông cả. Đó là bệnh, con à, đó là bệnh. Nghe lời mẹ, đừng giao du với những người như thằng bé đó nữa.
Đi, mẹ dắt con đi chữa bệnh. Nghe lời mẹ, khỏi bệnh rồi, con sẽ có thể lấy vợ, sinh con, nối tiếp hương khói cho họ Mẫn nhà ta.
Con gái nhà họ Trần là người đoan chính, nhỏ hơn con hai tuổi, vừa vặn với nhà ta, môn đăng hộ đối. Nghe lời mẹ, lấy vợ rồi, con sẽ không còn thích cậu ta nữa.
Nghe lời mẹ
Doãn Kỳ
Nghe lời mẹ.
Tròn năm ngày, hai tháng, một năm. Thiếu niên ấy không còn xuất hiện nữa. Mọi tăm tít như bốc hơi khỏi cuộc sống của bà. Như vậy cũng tốt, không còn nó nữa, bà cũng bớt đi một tảng đá cản đường, bớt đi một mối lo dằn vặt bao đêm bà mất ngủ. Con trai bà cuối cùng cũng như ý nguyện của bà. Lấy vợ, sinh con. Nhìn xem, có ai sáng suốt hơn bà. Nếu năm ấy bà mềm lòng, ai sẽ thay Doãn Kỳ nối dõi tông đường, ai sẽ thay Doãn Kỳ làm tròn đạo hiếu, ai sẽ thay Doãn Kỳ làm nở mặt nở mày bà trong những buổi hội họp họ hàng, thôn xóm, để bà cười cong đuôi mắt bảo họ khách sáo quá, chỉ là tôi có phúc thôi.
Người mẹ như bà, phúc phần tựa bể.
Bà lão nhớ rồi. Bà nhớ rồi. Thiếu niên đó, ba mươi năm về trước đã biến mất mà không rõ sống chết. Hóa ra nó vẫn ở đây, bên trong ngôi nhà ngỡ như đầm ấm thuận hòa này. Suốt ba mươi năm chỉ để mòn mỏi vì không thể dứt khỏi đoạn tình cảm oan nghiệt ấy. Suốt ba mươi năm. Bà lão thấy lạnh sóng lưng, tim nhói lên liên hồi, cả người bỗng chốc cứng đờ không nói nên lời mà ngã khuỵ xuống. Bọt mép tràn ra, mắt trợn lớn hằn đầy tia máu, miệng méo đi nhưng vẫn gắng gượng thốt lên:
- Trịnh...Hiệu...Ti-ích...
5. Gã về nhà rồi, nhưng cũng chẳng mò ra căn bếp củi thăm y nữa.
Đã nửa năm qua kể từ ngày bà lão mất bởi một cơn nhồi máu cơ tim đột ngột. Căn bếp thôi đỏ lửa, chỉ còn tàn tro đã nguội lạnh tự đời nào. Củi mục nát nằm chơ vơ trong gian nhà ủ dột. Nghe xao xác như đã qua ngàn năm. Y không hiểu vì sao gã không tìm y nữa. Thật lòng y nhớ gã xiết bao. Y muốn nắm lấy cổ áo gã để hỏi cho tường tận, rốt cuộc tôi có tội tình gì, tại sao phải giữ lửa chái bếp cho anh? Để mỏi mòn ngần ấy năm chờ được một lần anh âu yếm? Tôi có tội tình gì...
Có vài lần Hiệu Tích thẫn thờ ra trước nhà ngồi, mặt đối mặt với di ảnh bà lão. Gương mặt hiền từ mà sao cay độc. Nhưng chẳng rõ vì sao y không thể hận bà. Y nào có nhân từ đến thế. Rõ ràng nhiều năm qua, đã có vô số lần y có thể một tay kết liễu bà bằng những cái chết thật tình cờ mà không sợ vòng lao lí. Nhưng vì sao y vẫn nhân từ đến thế. Y đã tự hỏi mình không dưới hai nghìn lần, mỗi khi đứng trước di ảnh mẹ gã. Hương khói nhà họ Mẫn đúng là thượng hạng, nghi ngút phủ lấy cả kiếp người.
6. Thiên trường địa cửu hữu thời tận
...
Thiên địa bất nhân (*)
(Ý chỉ trời rộng đất dài cũng có lúc cùng tận, đó là quy luật của trời đất, không có thiên vị, không có ngoại lệ - trích thơ của Khổng Lão Trang)
Cả đời Hiệu Tích chưa có chuyện gì thực sự tỏ tường. Cả đời y là một vòng luẩn quẩn trong những mập mờ nghi hoặc. Nó cũng giống như sự tồn tại nghiệt ngã của chính y. Không một danh phận gọi tên. Không một hình hài trọn vẹn.
Nhưng có một chuyện mà mãi đến năm thứ ba mươi bảy sống dưới chái nhà ám mùi khói bếp này y mới hiểu, đó là bốn chữ "trường trường cửu cửu" mà Doãn Kỳ từng nói. Lúc còn trẻ, ý niệm về bốn chữ "trường trường cửu cửu" thật đẹp, chỉ cần ở bên nhau, không luận thời thế, không màng danh phận đều sẽ là "trường trường cửu cửu". Nhưng hóa ra chỉ là một giây phút thi hứng tuôn trào, nhìn chiều buông biển lặng nên trót hẹn chân trời. Tất cả chỉ là niên thiếu hay mơ mộng. Làm gì có "trường trường cửu cửu" bao giờ. Ngay cả người thốt ra câu nói ấy cũng đã bảy năm chưa từng đến thăm y. Một lần táo tợn, bởi nhớ nhung đã căng lên tức ngực, y lọ mọ tìm đến gã. Trên chiếc giường phu thê gã nằm xoay lưng lại, y lặng lẽ nằm lên, chui rúc vào trong lồng ngực gã. Tham lam hít lấy mùi hương, bấu víu chút hơi ấm mong manh trước lúc ngày chưa tới. Nhưng rồi, gã tỉnh lại. Phũ phàng đứng dậy, rời đi. Lúc ấy gã lại đến trước di ảnh mẹ, thắp một nén hương như một sự trừng phạt tinh thần kẻ đã gián tiếp gây ra cái chết cho bà lão tội nghiệp.
Kể từ ngày đó, y chẳng còn tìm gã nữa.
Đã có nhiều lần, y muốn bỏ trốn. Chẳng rõ trong lúc mơ màng hay khi tỉnh táo, nhưng y đã từng nghĩ về nó. Đó sẽ là lúc Hiệu Tích bỏ lại tất cả thuộc về mình, hoặc từng thuộc về mình. Kể cả cái tên mà lâu lắm rồi, người duy nhất biết cũng không còn gọi nữa - cái tên đã chết đi cùng bao khao khát chôn vùi, y cũng chẳng muốn thiết tha. Nhưng mỗi lần nhìn về phía đồng bãi mênh mông ấy, những hàng lạc típ tắp đến chân trời, y lại sợ bản thân không nhớ nổi đường về. Sự tồn tại của Hiệu Tích trong ngôi nhà ấy, giống như cây gỗ đã bị đốn đi thân, dẫu đã chết đi một nửa nhưng vẫn còn gốc rễ bám sâu trong đất, không thể đứt lìa.
Một mối ràng buộc mà, người ta tình nguyện vì nó như thể số phận an bài như vậy.
Có vẻ như những năm qua họ làm ăn phát đạt, căn nhà trước đã tu sửa lại, cái chái bếp ám khói này cũng chẳng còn dùng tới nữa. Ngày con trai gã lấy vợ, vài đứa trẻ con nghịch ngợm chạy ra chái bếp, giẫm lên làm tan nát mớ lá khô y nằm. Chúng dùng những thanh củi đã mục ruỗng ném đi để xem ai ném xa hơn. Khi bị người lớn gọi, chúng vội vàng bỏ lại mớ tan hoang trả cho y. Y chỉ biết chui rủi trốn trên mái nhà, đắng lòng nhìn chút tài sản nhỏ nhoi của mình bị phá hoại không chút tiếc thương. Sau nửa ngày, căn chái bếp chỉ còn đổ nát.
7. Mùa đông năm ấy, Mẫn Doãn Kỳ tạ thế.
Căn bệnh lạ khiến ông ấy gần như tuyệt thực, cả tháng trời chỉ ăn được một ít cháo cùng ít thuốc bắc xin từ một vị thầy lang trên núi về. Ngày cuối đời, tấm di chúc được ông lão cẩn thận cất dưới gối nằm cũng trao đến tay con cái. Ai cũng có phần, không ai thiên vị hơn ai. Chỉ riêng mảnh vườn nhỏ xíu - nơi có căn chái bếp cũ kỹ là ông không nhắc đến. Không một ai thắc mắc. Cả gia đình lặng câm nhìn ông lão thoi thóp những giây phút cuối đời, rồi từ từ nhắm mắt.
Hôm đưa tang, y đi theo cuối đoàn người. Nhìn những vàng bạc giấy tiền rải khắp đường đi, y không khóc, chỉ cúi người nhặt lấy. Năm mươi năm trước, có một người đã chọn yêu y trong hàng vạn nhân dáng đã gặp trong đời. Thế mà cũng chính gã đưa y trở về với cuộc sống lạnh lùng của một người vô diện. Mẫn Doãn Kỳ y yêu gần năm mươi năm hôm nay đã vĩnh viễn bỏ lại cuộc đời mà phút cuối vẫn không gặp y một lần từ tạ. Lần đầu tiên Hiệu Tích thấy hận thù, nhưng lại chẳng thể nào hả hê khi nhìn "kẻ thù" gầy sọp lạnh tanh nằm trong chiếc quan tài chất đầy hoa trắng. Y chợt nhớ đến lão thầy cúng năm xưa, tự dưng lại muốn được lão làm phép cho mình rời khỏi cái thế gian cô độc chật chội này, để còn kịp tương phùng nhân tình thêm lần nữa. Y không nặng nợ gì đâu. Người như gã, y chỉ ước kiếp này không bao giờ gặp nhau, biết đâu còn tránh được thêm bao lần bi kịch. Y chỉ muốn đến đó để đánh cho gã một trận, cho thỏa bao nhiêu uất ức, tủi hờn suốt ngần ấy năm qua.
Những người khiêng quan tài hôm ấy ra về vẫn truyền tai nhau một chuyện rất kỳ lạ. Rõ ràng ông Mẫn rất gầy, lúc còn sống đã gầy, vài tháng trước khi mất còn gầy hơn. Nhưng đoạn đường từ nhà đến nghĩa trang lại vất vả vô cùng. Khối lượng chiếc quan tài như tăng thêm gấp hai lần, tựa hồ như có ai đó vừa nằm vào. Chuyện kì lạ như vậy cuối cùng cũng đến tai bà Mẫn. Nhưng bà lại không cho điều tra, chỉ nhẹ bẫng bảo rằng họ vất vả quá nên tự sinh ảo tưởng, chỉ cần cho thêm ít bạc làm lộ phí. Không ai biết người phụ nữ đó nghĩ gì, nhưng trong đáy mắt đã trũng sâu, cơ hồ có chút an nhiên, như vừa trút xuống được một mớ tơ lòng.
Trịnh Hiệu Tích, tôi trả Doãn Kỳ về cho anh.
End.
-
Xin chào, mình là Xuân. Cảm ơn vì vẫn chờ mình ❤
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top