việt nam và cư berne
Không đơn giản chỉ cần ký vào Công ước Berne là tài sản trí tuệ của các tác giả sẽ được tôn trọng. Để thực hiện được điều này đòi hỏi theo đó là hàng loạt công việc về quản lý, luật pháp. Trong đó việc quản lý tập thể quyền sao chép được xem là biện pháp khả thi nhất để bảo vệ quyền tác giả theo tinh thần Công ước Berne.Hiện nay, trên thế giới có hai loại hình quản lý tập thể quyền sao chép chính. Dạng đầu tiên được xây dựng như một hiệp hội trong đó hội đứng ra thay mặt cho hội viên (chủ sở hữu tác phẩm) để cấp phép, thương lượng về tỷ lệ bản quyền và thu tiền bản quyền sau đó trả lại cho hội viên theo những điều khoản đã định sẵn. Cá nhân hội viên sẽ không tham gia vào quá trình này. Dạng thứ hai là theo mô hình trung tâm, công ty, theo đó chính tác giả, chủ sở hữu bản quyền là người quyết định các điều kiện sử dụng và mức thù lao.
Công ty hay trung tâm trong trường hợp này như một đại lý đứng ra tìm kiếm và làm trung gian thương lượng cho người có nhu cầu và chủ sở hữu. Cả hai loại hình này đều có ưu, nhược điểm. Nếu mô hình hiệp hội tạo điều kiện cho tác giả toàn tâm toàn ý sáng tác nghệ thuật nhưng lại giới hạn quyền quyết định việc phát hành tác phẩm thì mô hình công ty, trung tâm chỉ thích hợp cho tác giả hay chủ sở hữu có kinh nghiệm trong thương trường.
Hiện nay, với đà phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin khiến cho việc phổ biến tác phẩm trở nên rộng lớn và đa dạng đã đẩy các tổ chức quản lý có khuynh hướng liên hiệp lại với nhau. Hình thức này giúp bổ sung chỗ ưu khuyết để đảm bảo việc cấp phép, đàm phán sử dụng và thu tiền bản quyền được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, một điều cần phải nhấn mạnh là dù dưới hình thức nào tổ chức quản lý cũng phải đảm bảo mang lại lợi ích cho nhà sáng tạo, nhà khai thác, kinh doanh và cho công chúng.
Tại Việt Nam, dù mới gia nhập Công ước Berne nhưng chúng ta có một lợi thế rất lớn khi mà hầu như lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học nào cũng được nhà nước cho thành lập các hội nghề nghiệp như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Sân khấu, Hội Điện ảnh... Các hội này đều có mục tiêu hoạt động là nhằm bảo vệ quyền lợi của hội viên, mà quyền lợi đối với những tác giả này chính là các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được nhà nước bảo hộ.
Đây là một thuận lợi rất lớn cho việc hình thành các tổ chức quản lý tập thể quyền sao chép. Điển hình như trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) sau hơn hai năm hoạt động (từ tháng 4-2002) đã được sự ủy thác của 400 trên tổng số 500 nhạc sĩ chuyên nghiệp để thu tiền bản quyền từ việc sử dụng tác phẩm trong lĩnh vực ca nhạc, xuất bản, sản xuất chương trình...để thanh toán cho các nhạc sĩ.
Bên cạnh đó, Luật Xuất bản sửa đổi được Quốc hội thông qua 2008 sẽ tác động tích cực vào việc thực thi Công ước Berne. một số nội dung trong Luật theo hướng bổ sung thêm các chế tài còn thiếu, dẫn chiếu các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và các bộ luật Dân sự, Hình sự để bảo đảm thống nhất.
Mặt khác, theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam chỉ mở cửa trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm nhập khẩu. Theo đó, từ 1/1/2009, công ty nước ngoài được quyền nhập khẩu và phân phối vào VN tất cả các loại xuất bản phẩm, trừ báo, tạp chí chuyên ngành. Luật sửa đổi lần này đã quy định chi tiết về cấp giấy phép kinh doanh và hợp tác nước ngoài.
Luật sửa đổi này có thể sẽ cho phép các công ty phát hành sách, nhà xuất bản nước ngoài mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, hoặc liên kết với các nhà xuất bản, nhà sách Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm của họ. Hoạt động của họ sẽ làm sôi động thêm thị trường sách trong nước; đồng thời qua họ (có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện Công ước Berne) sẽ giới thiệu các nhà xuất bản Việt Nam liên hệ với các nhà xuất bản thế giới trong giao dịch bản quyền, văn phòng đại diện của họ tại Việt Nam cũng sẽ là nơi để các nhà xuất bản trong nước giao dịch bản quyền với bên ngoài.
Luật sửa đổi này cũng sẽ cho phép tư nhân tham gia liên kết-liên doanh không chỉ in, phát hành mà cả xuất bản. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực dịch và xuất bản sách dịch trong nước phát triển, vì tư nhân sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm với sản phẩm khi liên kết với nhà xuất bản. Điều này sẽ tạo nên mặt tích cực trong lĩnh vực xuất bản do hạn chế được các loại sách không đảm bảo chất lượng (hiện sách do tư nhân liên kết với nhà xuất bản chiếm tỷ trọng khá lớn trên thị trường). Trước do không được thừa nhận về mặt pháp luật nên khi xảy ra sự cố trong xuất bản họ không bị buộc chịu tránh nhiệm.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top