Hôm nay mưa rất lớn,
Chiều.
Con gái tôi không thèm ăn, đút miếng nào miếng nấy lại nhè ra. Rồi nó òa lên khóc, người lần đầu làm cha như tôi không biết phải làm như thế nào, chỉ còn cách ẵm nó lên dỗ.
Nắng đổ từng giọt vào căn phòng trống trải.
"Nào, Châu bảo bối, há miệng ba thương."
Đứa nhỏ cứ khóc, còn tôi bất lực thở dài. Được một lúc thì nó cũng yên cho, tôi đặt con vào nôi, rút điện thoại bấm gọi mẹ nó về.
Tôi mệt nhoài ngả lưng xuống ghế, không biết đã bao lâu không dọn mà dính đầy bụi bẩn. Ấm trà trên bàn còn bã chưa đổ, đĩa không rửa, quần áo chất đầy chậu cũng chẳng nhớ mà đem đi giặt. Tôi day day thái dương, nhìn con ê a trong nôi, lòng rộn ràng không yên nổi.
Mấy năm trước ông bà nhà tôi ép cưới một cô gái trẻ, kêu là con gái bên hàng xóm, tiện vừa mới đi du học về. Thì tôi cũng có từ chối, nói rằng mình không có tâm tư yêu đương, lại càng không muốn lấy vợ sinh con, nhưng ai ngờ, ông bà cứ khăng khăng khuyên nhủ tôi, bỏ ăn bỏ uống mấy ngày để tôi đồng ý.
Nhanh lắm, hai tháng sau đã cỗ cưới linh đình rồi. Tôi mặc đồ tây, gài bông hoa đỏ rực trước ngực, đứng chờ cô dâu từng bước từng bước đi tới. Khách mời bên dưới hò reo, tôi rũ mắt nhìn gương mặt xinh đẹp của người con gái ấy, nhưng giây phút trọng đại đó tôi lại chần chừ. May thay, em đã cứu tôi một vố, nhón chân lên chạm nhẹ vào môi tôi rồi mỉm cười, bảo: "Anh nợ em một lần rồi nhé."
Cuộc sống mấy năm gần đây của chúng tôi không quá thuận lợi. Cô ấy làm ở bệnh viện, thường xuyên trực đêm, lịch mổ thì dày đặc, từ lúc bé Châu được 6 tháng đã tất bật vừa học vừa làm. Hầu hết thời gian là bé con ở nhà với bà nội, thi thoảng tôi cũng ghé qua chơi với con một lát, rồi lại vội vàng đến công ty tăng ca. Mối quan hệ giữa tôi và cô ấy vốn đã không gần gũi, giờ lại càng lạnh lẽo.
Tôi ngửa đầu nhìn chằm chằm trần nhà, định bụng chợp mắt một lát. Đã hai ngày tôi không được ngủ, giờ nếu mà có cơ hội nhìn bản thân trong gương, tôi đoán chắc phải hốc hác rã rời lắm.
Mây đong đưa theo nhịp, gió thổi người, quay về miền xưa kia.
Cái nắng oi ả của mùa hè khiến từng tấc da đổ hơi bỏng cháy. Đàn trâu lững thững thả từng bước chân trên đồng ruộng, vàng óng. Những ngày này, mấy người nông dân nơi đây toàn phải ra đồng từ sớm, đến khoảng năm, sáu rưỡi chiều mới được về nhà. Rồi thì chân lấm tay bùn, đỉa cắn tóe máu, nhưng cứ cười cười, cầm đôi ủng trên tay phì phèo điếu thuốc lá.
Tôi thường ngồi bên gốc cây đa đọc lại bài trên lớp cho thuộc. Hồi đấy cũng coi như con cháu gia đình khá khẩm, so với những đứa trẻ suốt ngày mặc một chiếc áo caro cũ thì tôi có hẳn một chiếc tủ với số lượng đồ muôn màu muôn vẻ. Mấy bà dì hàng xóm gọi tôi là "cậu ấm", ban đầu nghe còn ngại ngại, nhưng riết thì quen, có khi từ đấy mọi người cũng quên mất tên thật của tôi rồi.
Tôi thích mặc chiếc sơ mi trắng, mẹ cũng bảo trông tôi có hương vị của thanh xuân. Thế là sáng tôi mặc áo sơ mi đến trường, trưa về lại thay cái mới, vạt áo lúc nào cũng trắng phau không dính một vết bẩn.
. . .
Hôm ấy, như thường lệ tôi cùng thằng bạn đạp xe về nhà. Nhưng được nửa đường, chiếc xe đạp nát của tôi chẳng hiểu cán vào cái gì mà thủng lốp, tôi đành ngậm ngùi dắt xe vào tiệm sửa, đi tong mất mấy nghìn tiền tiêu vặt. Con đường mòn dưới chân đầy bùn đất, tới đầu ngõ nhỏ tôi dừng lại, nhặt một cành cây nhỏ gạt bùn trên giày, vô tình lại nghe thấy tiếng hú hét phía góc tường.
Tôi ngó qua thấy mấy thằng to con vạm vỡ đang bu lấy một thân thể gầy gò, đứng bên cạnh còn có thêm hai ba thằng loắt choắt cõng cặp sách trên lưng, trông có vẻ như đang đánh nhau. Tôi biết là bản thân mình không nên dây dưa đến mấy chuyện này, muốn trở về như chưa nhìn thấy gì. Nhưng ngay lúc tôi đứng dậy, ném cành cây đi, thì tôi nghe một trong mấy thằng cuối ngõ hét lên.
"Mẹ mày, đéo cần sống nữa đúng không?"
Theo bản năng, tôi ngoảnh lại.
Lúc chúng nó né ra, hình ảnh người con trai mặt mũi lem nhem máu hiện ra mồn một trước mắt tôi. Tôi nhìn cậu ấy mãi.
Về sau bọn họ giải quyết thế nào tôi cũng không biết. Chỉ là mấy buổi tối sau ngày hôm đó, trong đầu tôi cứ lặp đi lặp lại một giấc mơ y hệt nhau. Trong mơ thấy cậu ấy mặc chiếc áo đen dính máu, đôi mắt vẩn đục nhìn tôi vô hồn. Tôi hoảng sợ lắm, còn chăm chỉ đi chùa cầu sư vài lần, nhưng vẫn không thoát được khỏi cảnh u ám kia. Mỗi đêm điên cuồng chạy trong bóng tối, mồ hôi chảy ròng, lồng ngực úa lên nỗi nghẹn ngào không dám tả, chẳng mấy chốc mà gương mặt tôi đã trở nên hốc hác.
Tôi lo lắng muốn điên lên, đi khắp nơi tìm lại khuôn mặt lạ hoắc ấy, muốn hỏi cậu ấy sao lại dày vò tôi như thế. Nhưng ngày hôm sau thấy cậu ấy đờ đẫn ngồi giữa đồng, bàn tay siết chặt của tôi không hiểu sao lại buông thõng.
Cậu ấy gầy lắm, chỉ mặc một cái ba lỗ trắng với chiếc quần cũ rách tả tơi, da thịt trần trụi phơi dưới nắng vàng. Tôi lưỡng lự chìa tay ra trước mặt, đề nghị kéo cậu ta dậy, nhưng cái tên công chúa này lại ngoảnh mặt đi không thèm để ý tới tôi. Tôi trợn mắt phồng má, túm lấy cánh tay lôi cậu ta đứng lên. Bình thường tôi đã tính là cao nhất nhì làng, nhưng thằng nhóc này còn cao hơn tôi kha khá, điều này khiến một đứa luôn tự hào về đôi chân dài của mình như tôi vô cùng ghen tị.
Đám cò lang thang bên bờ ao ngoắt cổ quay đi, đàn cá nhàn nhàn dật dật quẫy đuổi trở về.
Lúc đó tôi không hề biết rằng, sau này mình sẽ vô cùng hối hận vì mùa hè năm đó đã nắm lấy bàn tay ấy.
. . .
Tôi thuộc loại khá giỏi, nhưng không quá thông minh. Điểm chác trên lớp toàn do chăm chỉ luyện đề, đọc sách mới đạt được. Tôi luôn làm bài theo khuôn mẫu, học thuộc các dạng bài tập nhất định, cho nên lái sang dạng mới là tôi đơ ngay, không thể nào hoàn thành cho tốt được.
Bà tôi nói, người đầu óc như tôi cần phải chịu khó, nếu không mai sau ra ngoài xã hội sẽ phải chịu thiệt rất nhiều.
Ban đầu tôi không để lời bà lọt tai, vì cái tôi của bản thân vốn cao lắm. Chỉ là đến khi thấy cậu ta ngoắng tay giải một bài tập mà cả lớp tôi không ai làm được, tôi mới nhận ra mình chẳng là cái gì cả. Vậy nên từ ngày đó, mỗi buổi chiều tan trường, tôi lại lóc cóc chạy tới gốc đa thân thuộc mà hai đứa hẹn nhau để cùng giải bài tập khó trên lớp.
Ngày xưa trẻ con dễ thân nhau lắm, chia nhau miếng bánh cũng thân.
Tôi gập sách lại, nghiêng đầu hỏi: "Thế rốt cuộc cậu tên là gì? Tụi mình chơi với nhau một tháng rồi mà tui cứ phải gọi cậu là "đằng ấy". Tui hổng thích từ "đằng ấy" chút nào!"
Cậu ta cười cười: "Thì có sao? Gọi như vậy cũng được mà." Xong, ném hòn sỏi dưới chân ra đằng xa, "Tui không thích tên tui đâu, tốt nhất là không gọi."
Tôi trợn mắt, đánh một cái vào vai cậu ấy: "Lí do này tui không chấp nhận! Có nói không thì bảo?"
Cái thằng đó vẫn không chịu hé một lời, cho đến một hôm mưa to xối xả.
Nhà tôi xa nên chạy về không kịp, cậu ấy bất đắc dĩ đành mời tôi về trú tạm. Ấn tượng đầu tiên của tôi về nơi này là một căn lều (?) xập xệ, mái lợp bằng rơm rạ, góc tường tre còn phải hứng mấy hũ nước vì dột. Cậu ấy bảo tôi ngồi lên cái chõng, man mát, còn mình thì đi lấp lại lỗ dột trên trần nhà.
Tôi đung đưa chân nhìn xung quanh, ánh mắt vô tình va phải một tấm ảnh trên tủ, bèn nhòm vào xem. Thấy một người phụ nữ xinh đẹp ôm một đứa nhỏ, môi nở một nụ cười vô cùng dịu dàng. Tiếc thay là tấm ảnh vốn không có màu, do thời gian lại bạc đi, không thấy rõ gương mặt của đứa trẻ.
"Đây là cậu à?" Tôi tò mò hỏi.
"Ừ."
"Đáng yêu thế" Tôi hào phóng tặng cho cậu ấy một lời khen.
"Mờ tịt thế kia có thấy gì đâu." Cậu ta buông một câu lạnh lùng, còn không thèm liếc nhìn tôi một cái.
Tôi bĩu môi đặt tấm ảnh về lại chỗ cũ, nhưng bất chợt, một tờ giấy nho nhỏ rơi ra.
"Châu?" Tôi ngẩn người, đột nhiên phát hiện thấy nét chữ mềm mại in dấu mực nằm gọn trên tờ giấy cũ đã phai sờn qua năm tháng.
Tay cậu ấy khựng lại một chút. Dưới con mắt ngạc nhiên của tôi, cậu loạng choạng lao đến giật mất tờ giấy tôi đang cầm, nhét vào trong túi quần.
"Cậu làm thế thì nát mất đấy." Tôi nhẹ giọng nhắc nhở.
"Nát càng tốt." Cậu ấy quay mặt đi, không nhìn tôi: "Ngớt mưa rồi, cậu về đi."
Tôi xoay người đứng dậy, chậm chạp rời đi. Nói dối, rõ ràng cậu ấy nói dối. Mưa vẫn còn ào ào như trút nước mà con người đấy lại nói là ngớt rồi. Tôi phồng má tức giận. Này là cậu ấy muốn đuổi khách đúng không? Hết muốn chơi với mình rồi chứ gì? Nghĩ như vậy nhưng tôi vẫn lưu luyến nhìn về phía góc phòng, cậu ấy vẫn giữ tư thế đó. Chép miệng một cái, tôi đành nhón một chân ra ngoài, rồi từ từ nhảy vào màn mưa, che đầu chạy hối hả.
Vốn là một thành viên cốt cán trong hội mù đường, tôi, Trương Gia Nguyên đã thành công giữ vững phong độ, chẳng biết lớ ngớ thế nào lại chạy ngược sang làng bên. Mưa vẫn xối xả không ngừng, che mất đi tầm nhìn về phía trước, tôi thở dài ngồi bệt xuống vệ đường. Ấm ức không thôi.
Cậu ta đúng là cái đồ đáng ghét, không nói không rằng đuổi người ta về trong lúc mưa to bão bùng thế này.
Đáng ghét đáng ghét đáng ghét đáng ghét!!!!
"Nhớ mặt đấy cái thằng này, tôi mà gặp cậu lần nữa tôi đấm cho cậu bờm đầu luôn!" Tôi nghiến răng ken két, dùng sức bẻ gãy cành cây vớ được dưới lòng đường.
"Đấm đi." Cái bóng trên đỉnh đầu đổ xuống, làm tôi ngượng ngùng đứng phắt dậy.
Cậu ấy cầm ô, hờ hững nhìn tôi.
"Tính ngồi đây đến bao giờ?"
Không hiểu sao khi nghe lời này, lòng tôi bỗng dâng lên một nỗi tủi thân nho nhỏ.
"Cậu là ai mà quản tôi?" Tôi hét lên.
Cậu ấy thoáng ngạc nhiên, rồi lại mỉm cười, nghiêng ô về phía tôi: "Ừ, không quản cậu. Về thôi."
"Biết đường không?"
"Ai như cậu."
Bờ vai sóng đôi đi xuyên qua làn mưa, trái tim tuổi mười bảy mang chút tâm sự không nói nên lời. Tôi không nói chuyện, cậu ấy cũng không mở lời, yên lặng đến nỗi tôi chỉ có thể nghe thấy tiếng mưa rơi và tiếng trống thình thịch trong lồng ngực. Đôi lúc khuỷu tay chạm nhau, tôi lại cảm thấy từng tấc da thịt nơi đó nóng như muốn nổ tung. Cổ họng tôi khô không khốc, lén lút ngẩng đầu nhìn cậu ấy, làn da rám màu nắng khỏe khoắn ướt át từng giọt mưa rơi. Tôi nuốt nước bọt ực một cái, bối rối rời mắt đi.
Trong lòng ước đường về nhà xa thêm một chút.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top