Phân tích vẻ đẹp sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông?

Đề bài: Về hình tượng sông Hương trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường (sách Ngữ văn 12), có ý kiến cho rằng: Vẻ đẹp nổi bật của sông Hương là cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tình tứ. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: Vẻ đẹp bề sâu của sông Hương là những trầm tích văn hóa, lịch sử. Bằng cảm nhận về hình tượng sông Hương, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.>>

GỢI Ý
Yêu cầu chung Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, có căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.Yêu cầu cụ thể

Dựa trên những hiểu biết về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường và bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? thí sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo được những ý sau:

1.Vài nét về tác giả, tác phẩm

- Khái niệm về thể loại bút ký: Đây thật sự là một thiên tùy bút. Tùy bút là thể loại văn học hòa quyện yếu tố tự sự với trữ tình, nghĩa là tác giả vừa miêu tả, trần thuật sự việc hình tượng một cách khách quan, vừa xuất hiện trực tiếp cái tôi trữ tình của tác giả

– Hoàng Phủ Ngọc Tường là một gương mặt nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại, cũng là một trí thức yêu nước luôn tích cực tham gia các phong trào đấu tranh chống Mĩ- ngụy ở miền Nam thời kì trước 1975. Ông là nhà văn có phong cách độc đáo và đặc biệt sở trường về thể bút kí, tuỳ bút. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí..

Ai đã đặt tên cho dòng sông? là tác phẩm xuất sắc, là đoạn văn xuôi súc tích và đầy chất thơ thể hiện tình yêu của tác giả dành cho xứ Huế và cũng là cho đất nước. Vẻ đẹp của đoạn văn là cảm xúc sâu lắng được tổng hợp từ vốn hiểu biết phong phú về lịch sử, văn hóa, địa lí và văn chương cùng với tình yêu đắm say của tác giả dành cho quê hương xứ sở qua hình tượng sông Hương.

- Trích dẫn 2 ý kiến: "Vẻ đẹp nổi bật của sông Hương là cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tình tứ", "Vẻ đẹp bề sâu của sông Hương là những trầm tích văn hóa, lịch sử"

2. Giải thích ý kiến

– Vẻ đẹp nổi bật là vẻ đẹp hiện trên bề nổi, gây ấn tượng vượt trội, dễ nhận thấy bằng trực cảm. Ý kiến thứ nhất coi cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tình tứ là vẻ đẹp nổi bật của sông Hương.

– Vẻ đẹp bề sâu là vẻ đẹp ẩn chìm, đòi hỏi phải có tri thức sâu rộng và chiêm nghiệm công phu mới khám phá được. Ý kiến thứ hai coi những trầm tích văn hóa, lịch sử là vẻ đẹp bề sâu của sông Hương.

- Khái quát chung về hai ý kiến: Hai ý kiến này bổ sung cho nhau tạo nên vẻ đẹp toàn vẹn của sông Hương trong cả sự khách quan của bức tranh thiên nhiên và sự chủ quan của cảm nhận con người, sông Hương vì thế vừa đẹp ở nét thơ mộng, trữ tình vừa đẹp ở chiều sâu của những trầm tích văn hoá, lịch sử.

3. Cảm nhận về hình tượng sông Hương

Thí sinh có thể cảm nhận về các vẻ đẹp khác của hình tượng sông Hương, nhưng cần bám sát các ý kiến nêu trong đề. Dưới đây là những ý tham khảo:

– Vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tình tứ: những cảnh trí, sắc màu của sông nước, núi đồi, bãi biền, cây cỏ,... giàu chất thơ, đầy gợi cảm; những dáng nét của khúc uốn, đường cong, điệu chảy, nhịp trôi,... gợi nhiều liên tưởng về mĩ nhân, về tình tự lứa đôi đầy quyến rũ và say đắm.

– Vẻ đẹp của những trầm tích văn hóa, lịch sử: sông Hương là "người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở", là bản anh hùng ca hào hùng bi tráng; là chứng nhân nhẫn nại và kiên cường của cuộc đời qua bao thăng trầm lịch sử., và bao đời nay vẫn được tô điểm bởi vô vàn công trình thi ca, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điêu khắc; sông Hương gắn với biết bao võ công oanh liệt qua các thời đại lịch sử.

– Nghệ thuật: phối hợp kể và tả; biện pháp ẩn dụ, nhân hóa, so sánh; ngôn ngữ giàu chất trữ tình, chất triết luận.

4. Bình luận về ý kiến

Thí sinh có thể đồng tình với một trong hai, hoặc với cả hai ý kiến trên; cũng có thể đưa ra nhận định khác của riêng mình. Dưới đây là những ý tham khảo:

– Cả hai ý kiến đều có tính khái quát, sâu sắc, nhấn mạnh những vẻ đẹp khác nhau của hình tượng sông Hương: cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tình tứ là vẻ đẹp nổi bật; những trầm tích văn hóa, lịch sử là vẻ đẹp bề sâu.

– Hai ý kiến tuy khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau, hợp thành sự nhìn nhận toàn diện và thống nhất về vẻ đẹp của sông Hương.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #thơ-ca