Truyện tâm lý xã hội: Độc Thoại
Zhihu – Truyện tâm lý xã hội
#ĐỘC_THOẠI
(Truyện mang màu sắc u ám, xem xét trước khi đọc tránh phá vỡ niềm vui ngày Tết của các bạn. Chúc năm mới vui vẻ và hạnh phúc.)
---------------
Group Weibo Việt Nam: https://www.facebook.com/groups/245234876341228
Fanpage: https://www.facebook.com/weibovietnam
Dịch bởi: Thy Nga (Hoa Ngữ Nhất Tâm)
---------------
I)
Trời đen sẫm.
Tôi rút con dao gọt trái cây, ngồi xuống bên cạnh giường. Lão Mã nằm nghiêng trên giường, hai mắt mở trừng trừng, trên mặt đầy vẻ kinh hoàng.
“Làm một điếu không?” Tôi lắc lắc bao thuốc, vẫn còn vài điếu. Lão Mã không nói gì, tôi gọt vỏ táo, nói chuyện một mình.
“Sợ rồi hả?” Tay tôi từ từ đưa dao gần về, tay phải sờ lưỡi dao bén nhọn, “Lão Mã, tôi còn tưởng trên thế gian này, không còn gì có thể khiến ông sợ hãi nữa chứ?”
II)
Lão Mã, ông còn chưa nghĩ ra tôi là ai phải không? Không sao, thời gian còn nhiều lắm, tôi từ từ kể cho ông nghe.
Khi mẹ tôi sinh ra tôi, vốn là một cặp sinh đôi, chỉ là nhà tôi nghèo đến nỗi không còn gạo mà đổ vô nồi, vì không nuôi nổi nên đành gửi em gái tôi đến nhà một người họ hàng xa làm con nuôi.
Đến khi tôi tám tuổi, chính sách kinh tế thay đổi, điều kiện gia đình bớt khó khăn hơn, mẹ tôi bàn với bố tôi đi đón em tôi về, bọn họ sống ở ngoại thành.
Vậy là năm đó, lần đầu tiên tôi gặp em gái ruột của mình.
Tôi đến giờ vẫn còn nhớ rõ, lúc đó em gái mặc một cái váy đỏ mới tinh, trốn sau cánh cửa lấp ló nhìn trộm chúng tôi. Bố mẹ tôi tay cầm những món quà mua cho em gái bước lại gần, em gái mở miệng nhắm mắt gào khóc lên ầm ỹ.
Bố tôi mặt xám đen lại, móc ra một gói thuốc, châm một điếu. Mẹ tôi đứng bên nhìn em gái mà chảy nước mắt, kể lể trách móc bản thân lúc trước không ra gì, dù sao cũng không nên bỏ rơi con gái mình như vậy. Hai người họ hàng dỗ dành em gái, khuyên em gái đi cùng bố mẹ, nói trong thành phố nào là có đồ ăn ngon, nào là có lắm thứ để chơi… Em gái không thèm nghe một câu, chỉ khóc nức nở, lắc đầu nguầy nguậy, ai khuyên gì cũng không muốn nghe.
Nói thật, lão Mã, lâu như vậy rồi, rất nhiều chuyện tôi đã sắp quên hết rồi, trong bọc to bọc nhỏ bố mẹ mang theo cái gì tôi đã quên từ lâu. Chỉ có dáng vẻ khóc lóc hai mắt đỏ ngầu đến thương tâm của em gái là còn khắc sâu vào trong trí óc tôi, bướng bỉnh không chịu phai nhạt.
Tôi lo lắng bước khỏi bố mẹ tôi, lại gần em gái, ôm mặt em, áp trán tôi vào trán em.
Tôi nói: “Em gái, em đừng khóc nữa, chúng tôi sẽ không đưa em đi đâu.”
Em gái cố gắng ngừng khóc, gương mặt nhỏ đỏ ửng, đôi vai khóc nấc giật lên từng hồi, liên tục hỏi tôi có thật không?
Hai người họ hàng nhìn thấy em gái từ từ không khóc nữa, đưa mắt ra hiệu bố mẹ tôi lại gần em. Bố tôi cau mày, rít một hơi thuốc, không để ý. Mẹ tôi vội vàng bước lại gần, nhét túi lớn bọc nhỏ vào tay em gái, khiến em gái sợ hãi đến nỗi lùi về phía sau, lại khóc to lên. Tôi đưa tay chặn mẹ tôi lại, nói: “Em gái không muốn đi thì để em ở lại đi.”
Bố tôi bước lại gần, phun một ngụm đầy khói lên mặt tôi: “Nhóc con, làm gì có chỗ cho mày nói chuyện.”
Tôi trong lòng sợ hãi, run rẩy hai tay. Tôi nói: “Bố, em gái không muốn đi, chúng ta để em ở lại đi, nếu bố cứ bắt em đi thì để con ở lại thay em.”
Bố tôi nhìn tôi, ngớ người không nói gì. Đến khi ông bình tĩnh lại, ném điếu thuốc, đầu thuốc quẹt qua mặt tôi để lại một đường bỏng không nông không sâu, sau đó ông kéo mẹ tôi, quay người đi. Hai người họ hàng nhìn chúng tôi, nhìn bố mẹ chúng tôi đang đùng đùng bỏ đi, cuối cùng cũng đuổi theo.
Lão Mã, tôi đến bây giờ vẫn không hiểu nổi, năm tôi tám tuổi đó lấy đâu ra dũng khí mà dám nói nói như thế với bố tôi.
Tôi không đi xem bốn người lớn đó nói gì, tôi ôm em gái không ngừng rơi nước mắt của mình vào lòng, cố gắng ôm em thật chặt. Tôi nói: “Em gái đừng khóc, em phải nhớ anh, anh là anh trai của em. Chỉ cần em không muốn đi, sẽ không ai đưa em đi đâu.”
Em gái tôi lúc đó còn cao hơn tôi một chút, nhưng em đã khóc đến không còn chút sức lực nào, chỉ có thể dựa vào người tôi. Em gái nấc lên, không nói ra lời chỉ có thể gật gật đầu.
Mãi nửa ngày sau, tôi mới nghe thấy tiếng người đang dựa vào trong lòng mình nhỏ giọng nói: “Anh trai”.
III)
Lão Mã, nghe lâu như vậy rồi, ông đã nhớ lại chút gì chưa?
Chưa nữa hả?
Không sao đâu, thời gian còn nhiều, tôi không vội, ông cũng không vội.
Ngày hôm đó bố mẹ không đưa em gái về cùng chúng tôi. Khi bố mẹ đi, chiếc váy đỏ em gái mặc đã khóc đến dơ hầy, rụt rè đứng một bên.
Tôi nói: “Em gái, anh đi đây, sau này anh sẽ đến thăm em.”
Em gái nhào đến ôm tôi, nói: “Anh trai hứa với em, anh nhất định phải đến thăm em nhé.”
Tôi còn chưa kịp trả lời, bố mẹ đã tôi kéo tôi đi, nhét vào trong xe. Tôi nhoài ra ngoài cửa sổ, tiếng gọi của tôi không thể lọt ra ngoài được. Tôi chỉ còn cách dùng sức đập vào cửa xe bùm bụp. Tôi thấy em gái bị cản lại, tôi thấy bụi đất bám đầy gấu váy đỏ của em. Xe đi càng ngày càng xa, ngày càng không nhìn thấy rõ gương mặt của em gái. Sau cùng đến màu váy đỏ cũng biến mất không thấy được nữa.
Xe vừa chạy vào thành phố, bố tôi dừng xe, kêu tôi cút xuống xe. Tôi không lên tiếng, lăn lộn qua một nửa thành phố, tự mình đi bộ ba tiếng đồng hồ về đến nhà.
Lão Mã, ông có thể tưởng tượng được không? Tôi lúc đó mới chỉ tám tuổi.
Từ đó về sau, bố tôi đi sớm về khuya suốt, một năm ba trăm sáu lăm ngày, số lần gặp được ông chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Mẹ tôi cả ngày thở ngắn than dài, chỉ vài năm mà già đi mười tuổi, không lâu sau đó họ ly hôn, tôi về sống với mẹ.
Lão Mã, ông nói xem nếu như tôi lúc đó…
Không nhắc lại nữa, lão Mã à, tất cả đều một đi không trở lại nữa rồi.
Từ đó về sau mẹ tôi gồng gánh cuộc sống, cũng không nhắc đến việc đón em gái tôi về nữa. Hai người họ hàng lúc đầu chỉ muốn nịnh bợ bố tôi, sau đó thấy không được nữa cũng không liên hệ lại với chúng tôi nữa.
Năm mười bốn tuổi đó, tôi không nói cho bất cứ ai, mò mầm tìm đường đi đến nhà người họ hàng nọ.
Người họ hàng nọ ngăn tôi ở cửa, nói em gái tôi không có nhà, khản giọng đuổi tôi biến đi cho nhanh, trên mặt đầy vẻ thiếu kiên nhẫn và coi thường. Lão Mã à, tôi lúc đó tuy nhỏ nhưng đã biết qua vẻ mặt người khác mà nhìn ra mọi thứ từ lâu rồi.
Tôi nhìn thấy mắt bà ta không ngừng liếc vào trong nhà, tôi dùng sức đẩy tay bà ra, xông vào trong nhà. Chồng bà ta chạy ra, ép tôi vào tường. Tôi gào lên: “Em gái, em có ở nhà không, anh trai đến thăm em đây.”
Lời còn chưa nói xong, hai cái bạt tai đã giáng xuống.
Rất đau, hai má nóng rát bừng bừng.
Tôi trợn mắt nhìn ông ta, tôi mang gương mặt ông ta khắc rõ trong đầu mình.
Lão Mã, ông có hiểu cảm giác đó không. Hận, là nỗi hận không gì diễn tả được, hận đến mức muốn người trước mắt mình đó ngay lập tức chết đi.
Người chết là hết, tôi nghĩ nếu trong tay có một con dao, tôi nhất định sẽ đâm vào, sau đó rút ra rồi lại đâm vào, từng nhát từng nhát một, cho đến khi tôi không còn sức lực nữa thì thôi.
Ông ta bị tôi nhìn cho phát hoảng, chửi tôi một câu, tay giữ tôi lỏng ra một chút.
Tôi căn đúng lúc đó, há miệng cắn mạnh vào ngón trỏ của ông ta. Ông ta cố gắng rút ra, tôi phát điên, càng cắn chặt hơn. Răng của tôi cắn rách da ông ta, từng chút ngập vào thịt ông ta.
Vị mặn của máu theo lưỡi tôi chảy vào cổ họng. Vợ ông ta sửng sốt vài giây rồi lao đến cậy miệng tôi, ông ta nhanh chóng rút tay về.
Tôi liếm liếm răng nói, “Em gái, anh đến thăm em đây.”
IV)
Bọn họ không cản tôi nữa.
Tôi đẩy cửa bước vào, em gái tôi ngồi trong góc nhà, hai tay ôm vòng lấy chân, đầu kê lên đầu gối khóc nấc lên từng hồi. Tóc em gái xõa tung, bẩn bết thành từng đám. Em gái vẫn mặc cái váy đỏ đó, cái váy rách te tua cứ như trước giờ chưa từng thay. Trên tay, trên đùi em gái lộ ra những mảng những vết xanh tím. Tôi bước lại gần, quỳ xuống, nâng gương mặt đầy nước mắt của em lên, tì trán vào trán em gái,
Tôi nói: “Em gái, anh đến thăm em đây, anh trai đã hứa với em rồi mà.”
Em gái nức nở nói: “Anh, anh đưa em theo với.”
“Được, anh sẽ đưa em đi, anh hứa với em.”
Lão Mã, ông có thể tưởng tượng được em gái tôi đã trải qua những năm tháng đó như thế nào không? Tôi muốn hỏi em gái, nhưng tôi không mở miệng được. Trên người đầy vết bầm xanh tím, đầy những miệng vết thương còn rỉ máu, chúng cứa vào mắt tôi, chúng cứa vào tim tôi.
Năm đó hai người họ hàng này vốn chỉ mong nhờ em gái tôi mà nịnh bợ được bố tôi. Sau thấy con đường đó đi không được nữa, lại dày mặt đòi tiền. Có lẽ là không được như ý, thẹn quá hóa giận, bao năm nay đều hành hạ em gái, bao nhiêu tức giận oán trách cứ thế trút hết lên người em.
Lão Mã, những việc này tôi lúc đó đều hiểu ra hết rồi. Nhưng tôi chẳng làm được bất cứ gì cả, tôi chẳng làm được gì cả ông hiểu không. Tôi không có cách nào làm lành những vết thương trên người em gái, cũng không có cách nào đưa em gái đi.
Tôi có thể làm gì? Không, tôi chẳng làm được gì cả.
Tôi đứng dậy đi ra ngoài, hai người nọ đang băng bó ngón tay.
Tôi nói họ đối xử với em gái tôi cho tốt, tôi sẽ quay lại đón nó.
Người đàn ông cười một tiếng trầm đục, không nhìn tôi một cái.
Tôi ngây người bước đi về phía nhà mình, chỉ bước chân một cách máy móc, trong lòng trống rỗng, không nghĩ được gì.
Ánh sáng trên đường càng ngày càng ít, càng ngày càng ít. Cuối cùng đến ánh trăng cũng không thấy, tôi bước đi lặng lẽ trong bóng tối dày đặc.
Con đường đó tôi đi không biết bao lâu, không biết bao xa, nhưng tôi mãi vẫn không thấy mệt, Tôi chỉ cảm thấy thân thể nhẹ bẫng như không phải của tôi, trong mắt long lanh lóng lánh những nước, sợ rằng hụt chân một cái là nước mắt trào ra khắp mặt.
Nhưng khi đã sắp đi đến cuối con đường, khi trời sắp sáng, một cảm giác mệt mỏi từ tận trong trái tim tôi truyền ra ngoài, chẳng bao lâu đã lan đến từng tế bào trong tôi.
Sau đó tôi ngủ thiếp đi ở đầu ngõ nhà mình, trong bóng đêm trước khi mặt trời bừng sáng.
Sau này tôi mới biết, mẹ tôi hôm đó vì tìm tôi, lặn lội trong đêm đi khắp nửa thành phố, trong bóng tối ngay trước khi ánh sáng bình minh chiếu rọi, trong lúc tôi ngủ thiếp đi vì mệt mỏi, bị xe của người ta đụng chết trên đường.
Lão Mã, bây giờ thì sao, ông đã nhớ ra chút gì chưa?
V)
Sau khi mẹ mất, tôi bị giao cho bố tôi. Bố tôi vứt cho tôi mấy trăm đồng, kêu tôi mang mẹ xử lý đi.
Xử lý? Cái gì là xử lý? Thế nào là xử lý?
Trong lòng tôi đầy phẫn uất. Sờ mấy đồng tiền trong tay, trăn qua trở lại, rất nhanh đã vo thành một cục.
Đám ma sơ sài của cho có của mẹ tôi cũng qua. Buổi tối đầu thất (bảy ngày sau khi mất) của mẹ tôi, tôi quỳ trước mặt bố tôi, quỳ trọn một buổi tối, tôi cầu xin ông đón em gái tôi về. Bố tôi đưa mắt lạnh lùng nhìn tôi, nói trong nhà nuôi một đứa nhàn rỗi là đủ lắm rồi.
Tôi nói: “Được, bố đón em gái về đi, đây sẽ là lần cuối con gọi người là “Bố”.”
Sau đó tôi cúi đầu thật thấp dưới nền đất.
Tôi không nhìn thấy biểu cảm của bố, tôi nghe tiếng ông cười lạnh, sau đó nói “Được”.
“Người đụng chết mẹ mày bỏ tiền ra để mua người khác nhận tội thay.”
Bố tôi không nói rõ với tôi, chỉ đơn giản một câu như vậy.
“Bỏ tiền mua một người khác nhận tội thay?”
Bố tôi lái xe đi, không đáp lại câu hỏi của tôi, thả lại trong gió mấy tiếng
“Đây chính là thói đời.”
“Chính là thói đời, Lão Mã.”
Tôi lúc đó tưởng rằng mình hiểu rồi, lão Mã à.
_________________
Hai người họ hàng nọ gặp bố tôi, mặt mày đột nhiên trắng bệch. Tôi hỏi, em gái tôi đâu, tôi đến đưa em gái tôi đi. Bọn họ im thin thít không dám trả lời. Tôi xông cửa bước vào: “Em gái ra đây đi, anh trai đến đón em này.”
Không có người trả lời.
Bố tôi hút xong điếu thuốc đang hút, ném đầu lọc xuống đất. Người họ hàng quỳ sụp xuống, đưa tay tát bôm bốp vào mặt mình, nói mình không phải là người, là lòng lang dạ sói, ma dẫn lối quỷ đưa đường mới làm ra việc táng tận lương tậm như vậy.
Tôi nghe thấy vậy, đột nhiên như cảm thấy trái tim đang trôi dạt, như rơi xuống một cái hố tối đen vô cùng vô tận. Sự lạnh lẽo từ tận trong tâm can tôi trào ra, khiến tôi run rẩy.
Tôi mở miệng tính nói, tôi muốn la hét, nhưng tiếng nói kẹt lại trong cổ họng, không phát ra được bất cứ âm thanh gì. Tôi không còn cách nào khác ngoài việc để cái lạnh đó len lỏi vào tim mình, bật ra khỏi xương, rồi quấn lấy cơ thể tôi.
Chính là sau ngày tôi rời khỏi, có một người lái xe đến, ra một cái giá, muốn mang em gái tôi đi. Họ hàng đúng lúc muốn xử lý em gái tôi, trả giá hai ba câu, chẳng thèm hỏi gì thêm cứ thế bán em gái tôi đi.
Đúng vậy, cứ thế mà bán đi.
Dù gì để lại cũng chỉ tốn cơm, còn phải lo lắng khi nào thằng điên là tôi lại đến làm phiền, nuôi cũng lâu như vậy rồi chi bằng bán đi còn có thể thu lại chút vốn, coi như là tiền cơm, cũng coi như trả lại chút ơn nuôi dưỡng.
Đúng vậy, cứ vậy đi.
Em gái tôi bị lôi đi xềnh xệch, trên người mặc chiếc váy đỏ rách nát, vải mục vụn rách nát còn vương vãi trên nền đất chưa kịp quét đi. Em gái sống chết bám vào cửa không buông, bị người nọ gỡ từng ngón tay một khỏi cửa rồi kéo đi, miệng không ngừng gào khóc gọi anh trai, anh trai.
Nhưng tôi không có ở đó.
Em gái bị đưa đi đâu rồi?
Em gái tôi, bị đưa đi đâu rồi?
Em gái tôi, em gái tôi, nó….
Tôi hét lên bằng cổ họng câm đặc, cơn lạnh run rẩy siết chặt lấy tôi, tôi nghĩ rằng mình đã rát cổ bỏng họng rồi, tôi dùng hết sức mà la hét, nhưng âm thanh nhỏ đến nỗi chính tôi cũng không nghe rõ.
Họ hàng còn rên rỉ kể lể gì đó, mỗi câu lại tự tát mình một cái. Tôi nhìn thấy vết thương tôi cắn trên ngón tay trỏ hắn ta, có lẽ do dùng sức quá sức, lại rỉ máu ra. Vị máu mặn lại cuộn lên trong miệng tôi, mùi vị như thể bị nấu chín quá mức, thành một thứ gì sền sệt dính dính, dính vào lưỡi, vào răng, trượt xuống cổ họng và lại lần nữa cuộn lên trong dạ dày tôi.
Bố tôi đi lại gần, nói một câu: “Hỏi xong rồi chứ?”
Tôi đưa đầu lưỡi, liếm liếm răng. Tôi hỏi; “Có phải bố đã sớm biết việc này?”
Bố tôi lại châm thuốc, hít một hơi.
“Đây chính là thói đời.”
Mấy chữ này trôi trôi dạt dạt theo làn khói thuốc, thốc vào mặt tôi.
Lão Mã, trước đây tôi cứ nghĩ tôi hiểu rồi, tôi cứ nghĩ chỉ cần tôi cho đi tất cả thì chắc chắn sẽ nhận lại được chút gì đó. Vào thời khắc đó tôi mới biết, hóa ra thói đời muốn ăn thịt người ta đến xương cũng không chịu nhả ra, tôi còn được nhận lại gì đây?
VI)
“Bố tôi nói tôi đừng gây rắc rối cho ông. Tôi nhận lời rồi.”
Tôi chuyển dao gọi trái cây đến ngực lão Mã, máu đã đông lại từ lâu, dính vào bàn tay và ánh lên màu đỏ đen nhờn dính. Ngực của lão Mã đã bị rữa nát từ lâu. Tôi không thể nhớ đây là lần thứ mấy, chỉ là máy móc đâm vào rút ra, rồi lại đâm vào, rồi lại rút ra. Đến khi tôi đã hết sức lực, tôi dừng lại và ngồi trước giường, nhìn vào đôi mắt mở to trên khuôn mặt sợ hãi của lão Mã và nói chuyện với lão, nói chuyện về tôi, nói chuyện về em gái tôi, nói chuyện về hai người họ hàng và chuyện bố mẹ tôi.
Trái táo gọt rồi vẫn còn một chút máu đỏ, tôi cắn một miếng, máu đông tan chảy trong miệng tôi, vị mặn bám vào răng, một số chảy qua lưỡi, trượt xuống cổ họng và cuộn lên trong dạ dày.
“Hôm nay con và bố chính thức cắt đứt quan hệ.”
“Lúc tôi ra khỏi cửa bố đang hút thuốc, ông không nhìn tôi một cái.”
“Lão Mã, ông trước đây không trải qua loại cảm giác này, trong lòng đều là hận, đến hít thở cũng mang vị máu, hận không thể giết ai đó, nhất định phải giết chết ai đó.”
“Rất nhiều lần tôi khống chế không được bản thân đi lấy dao. Nhưng tôi nghĩ, tôi giết ai bây giờ?” Tôi từ từ lật lưỡi dao lại, nắm chặt trong lòng bàn tay, cảm nhận nỗi đau hận sâu sắc và tự hỏi: “Nên giết bố tôi? Giết hai người họ hàng nọ? Hay là nên giết chính tôi?”
“Không quan trọng. Lão Mã, thật sự là không quan trọng. Ai đáng chết ai không, tất cả đều không quan trọng. Tôi nên làm gì, tôi có thể làm gì, tôi làm gì cũng đều không quan trọng, Quan trọng chính là những năm gần đây, nỗi hận của tôi với bọn họ cũng đều nhạt dần. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi chỉ hận ông, chỉ muốn giết mỗi ông mà thôi.”
Tôi liếm liếm răng, đối diện với gương mặt cứng đơ của lão Mã, tôi nói: “Lão Mã à, từ buổi sáng sớm khi tôi ngủ gục ở đầu ngõ năm đó tôi đã biết, hôm nay trời sáng rồi là tôi sẽ không thể đợi thêm được nữa.”
“Ông đụng xe trúng chết người, mua người chịu tội thay, có phải cũng biết có ngày hôm nay?”
“Lão Mã ông nói xem, ông chết rồi, tôi có nên tha thứ cho ông rồi không?”
Tôi lại đưa dao đâm mạnh xuống một nhát.
“Tôi nói đùa đấy.”
Lão Mã, ông xem, trời sắp sáng rồi.
Còn tôi đã sớm không đợi được nữa rồi.
– Hết –
---------------
Vui lòng cmt về nội dung truyện, góp ý nếu bản dịch có vấn đề hay để lại vài lời khuyến khích để mình có thêm động lực dịch, vui lòng không (.) hoặc (hóng). Cám ơn và yêu thương.
---------------
Nguồn: https://zhuanlan.zhihu.com/p/20907199
(Vui lòng không Repost nếu không được sự đồng ý. Cám ơn)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top