TIẾNG GỌI QUÊ HƯƠNG

TIẾNG GỌI QUÊ HƯƠNG

- oOo -

Đời tôi không có tuổi thơ dài vất vả. Bởi thế tôi có ít kỷ niệm nhưng khó quên. Nhà tôi ở trên một con dốc. Phía trước nhà là một cái sân bằng đất, bao quanh là hàng cây chám không bao giờ có quả. Nhìn chung, nhà lợp lá cọ, chia hai gian, tường bằng gỗ xẻ mỏng. Tất cả đều bằng gỗ mua lại của một cái nhà khác dỡ bán, ngoại trừ cái giếng là xây bằng gạch ống, có chát xi măng phía ngoài vẫn lẻ loi bên hông nhà tưởng chừng hơi mới. Bên trong lòng giếng không chát xi măng là rong rêu mọc xanh um, thỉnh thoảng bố tôi bắc vội cái thang lội xuống nhổ cụm rong rêu vất đi, đất rơi xuống nước kêu bì bõm, như vậy đã vệ sinh xong cái giếng.

Nói đến vườn. Nhà tôi có một khoản đất ở vườn để trồng sắn, còn lại thì trồng chuối. Nhưng tôi không chú ý đến những cái cây này, tôi chỉ nhớ đến chúng vào đầu mỗi bữa ăn và sau mỗi bữa ăn lại thấy trong nồi đã hết sạch cơm độn sắn.

Thật lâu, từ buổi sáng sớm mẹ nấu sẵn cho hai anh em tôi một nồi cháo đỗ đen ăn cả ngày. Mẹ gọi hai anh em tôi dậy. Mẹ múc cho mỗi đứa một bát nóng hổi. Tôi thì mẹ chỉ cho ăn một bát, em tôi ăn hai bát, chắc mẹ sợ con bé đói lả. Chiếc áo len màu nâu con bé mặc vừa khít, chỉ để hở đôi bàn tay nhỏ nhắn đang cầm thìa xúc cháo ăn, miệng thổi phù phù xua đi hơi nóng trên đầu các ngón tay sắp đỏ. Lúc đó là vào mùa rét.

Tôi ở nhà trông em, còn mẹ thì vào rừng gánh tế về làm củi đun bếp. Đến trưa con bé cứ đòi mẹ như đòi ăn. Tôi bảo nó cố gắng nhịn đợi tí nữa mẹ về cùng ăn chung. Quá trưa, mẹ tôi mới gánh hai gánh tế to đùng về tới cổng. Mẹ mệt rồi. Lúc đó mẹ vẫn còn rất trẻ.

Tôi nhớ lại đã có lúc mình ngưỡng mộ anh hàng xóm vì cái biệt tài bắn chim bằng súng cau su của anh khá chuẩn. Nhất định tôi muốn học hỏi. Bố tôi liền đẽo cành ổi, cắt miếng xăm xe đạp hỏng thành hai sợi dây chun nhỏ bằng ngón tay trỏ, móc vào miếng da trâu làm súng cau su cho tôi đi săn chim. Trăm phát trăm trượt chẳng lần nào giống lần nào. Đến khi súng cau su bị đứt dây muốn bố sửa lại nhưng mà bố đã đi Phú Lu gánh gạch cho người ta rồi.

Mùa nước ngập, bố trở về với túi ba lô dắt vài bịch kẹo, nửa cân thịt ba rọi, luộc chín để cả nhà cùng ăn. Đấy là lúc tôi được ăn sướng nhất năm.

Từ nhà tôi nhìn ra chục mét, thấy có một cái ao nhỏ do chính tay bố đào từ một sào đất ruộng không trồng lúa. Bố mua cá giống thả và không cho chúng ăn bao giờ, để chúng lớn bằng cổ tay thì bố thuê người mang lưới vét sạch đem bán lấy tiền đong gạo. Bấy giờ tôi vẫn còn rất nhỏ.

Cánh đồng Nga mênh mông nước, soi ánh trăng vằng vặc. Bố tôi nửa đêm đi thuyền ra đồng đặt lưỡi câu, thả ống lươn, giăng lưới hai bên bờ vách đá đoạn có nước chảy riu riu. Gần sáng, bố kéo về được mẻ lưới cá nhưng lại cũng vẫn đem bán nốt. Đến chiều hoàng hôn suy sụp, nước sông tụt hẳn, tôi theo bố chèo thuyền đi ra đoạn bẫy cá xem xét từng lưỡi câu một hòng có con cá rô đồng nào mắc mồi thì gỡ bỏ vào khoang thuyền giữa hai người ngồi. Mặt nước sóng lăn tăn ánh lên màu hổng nhạt của đất khiến tâm hồn tôi rộng lớn muốn thâu tóm dòng nước lạnh vào lòng. Lớt phớt vài cọng lúa lặng trôi khi thuyền bố đưa lướt qua rẽ nước, tôi ngỡ tưởng là đồng nước nông có thể thò chân lội xuống được nhưng lầm, mấy lá lúa này đã úa nát sau mùa gặt bị nước kéo đi. Và tôi nhận định con sông quê tôi đẹp, bởi ai đó như tôi không biết bơi chắc đều cho là thế. Đến đây thì đã hết chuyện kỷ niệm giữa tôi với bố mẹ, phần vì lúc này tôi với em mình sang ở nhà nội, phần vì bố mẹ đã lên tàu vào Nam kiến tạo sự nghiệp. Một năm sau mới quay về đón hai anh em tôi vào trong đó sống. Nhưng đoạn này tôi xin kể sau vậy.

-oOo-

Nay đã sang nhà ông bà nội ở, cuộc sống của tôi khác xưa nhiều. Nhà ông bà ở trên một con dốc đứng, trước mặt là cái sân rộng tráng xi măng để mùa gặt hai ông bà phơi thóc. Xê xuống cái sân là một vườn cau nhỏ, một chục cây hồng xiêm ông nội trồng. Xê xuống nữa là một cái áo rộng vừa phải để mùa hè tôi đào giun đi câu cá. Vào mùa học, buổi chiều tôi lên vườn bạch đàn ngắt cành cây khô, cầm chổi cọ quét lá trên dọc theo đỉnh vườn gom lại một gốc cây để bà mang về nhóm bếp. Quét lá bạch đàn xong, tôi ngồi lại nơi này để ngắm cánh đồng nước lẫn trong sương mờ hôn ám, bắt gặp một con tàu chạy chậm qua, ấy thế mà lòng tôi nảy sinh sự buồn chán.

Nửa năm đã trôi, mọi cái ăn cái mặc đều sướng tất. Ngặt nỗi, bây giờ tình cảm của hai anh em tôi ngày một xấu hơn, chúng tôi đã không còn nói chuyện với nhau nhiều như hồi ở nhà cũ, lúc này tôi cũng phải đi chăn trâu nữa. Đến một sáng nọ, tôi sợ hãi khi phải chứng kiến cảnh con trâu sa xuống giếng hoang bên hông nhà. Hai chúng tôi cố hết sức cầm dây thừng kéo mũi con trâu thật mạnh đoạn vãn hồi kết cục, nhưng nó đã bị sa chân rồi. Lúc bà về đến, biết chuyện bà bẻ ngay một cành cây nhỏ quất luôn tay thật mạnh vào mông em của tôi. Con bé khóc thét lên van nài đến khi ông về mới ngừng lại, còn tôi thì bà chẳng đánh roi nào, chắc ông giận tôi lắm, còn cả con bé nữa – chắc bà đánh đau lắm. Đến chiều, bà gọi thợ đến cột dây thừng quanh mình trâu kéo lên xẻ thịt bán. Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi được ăn thịt trâu. Thứ thịt có vị ngọt không xơ như thịt bò không xác như thịt lợn nên chẳng lẫn vào đâu được. Còn hai cái sừng, chú út tôi đem rửa sạch, phơi khô rồi chả biết gọt đẽo thế nào mà lại làm thành chuôi dao. Năm ấy, tôi bảy tuổi rưỡi.

Tháng 11 âm lịch rồi. Bưởi trong vườn ông nội đã chín, cần thu hoạch. Tôi theo ông xuống vườn, thấy ông hái những quả vàng ươm như màu quýt chín thả vào xọt. Ông bảo đây là giống bưởi quý Đoan Hùng nổi tiếng nhất nước. Xưa nay chỉ thấy người xã Chính Đàm với Bằng Luân là trồng được bưởi ngon hơn cả. Đặc biệt, bưởi Đoan Hùng có thể để được vài tháng tới nửa năm, vỏ héo quắt lại nhưng khi bổ ra múi vẫn gọn gàng vàng tươm, ăn ngọt mát chứ không thé. Ở với ông bà, hiếm lắm mới được ăn giống bưởi ngon thế này, trừ phi quả không đạt lái buôn muốn trả lại.

Lại nói từ ngày trâu chết, tôi không phải dắt trâu ra đồng thả nữa. Nhưng nay đã sang xuân, ông bà chuẩn bị cày cấy. Mấy hôm nay, nghe phong phanh hai ông bà bàn tính tậu con trâu về để bừa. Cũng phải, bảy tám đứa con của ông bà chưa người nào đủ tiền mua nổi một con trâu, lúc cấy cày gấp rút thế này trong nhà không có trâu phải mượn xóm làng e không ổn. Đến chiều này, người ở đâu không rõ dắt đến nhà ông tôi con trâu cái. Trông nó thú tính thế kia, tôi đã chăn thử mà cứ sợ chả dám lại gần.

Trẻ con biết là không được nói leo, nghe lén người lớn nói chuyện sau bức vách cũng đã là một tật xấu, nhưng tôi không xấu - tôi đi lởn vởn quanh đó kiếm cái gì cho có việc làm để còn nghe hết câu chuyện hay. À, thì ra lão già này người huyện Thanh Sơn đây. Bên ấy có vườn quốc gia Xuân Sơn – khu du lịch nghỉ dưỡng dành cho việc cắm trại. Khoảng tuần trước, ông nội tôi có sang bên này thương thảo việc mua bán, nghe nói được người ta đãi cho bữa thịt gà ngon hết xẩy. Về nhà, ông cứ khen mãi. Ông bảo : “bà ơi, tôi sống đến tuổi này mới được cầm gặm cái chân gà chín cựa, quả là ngon lắm bà ạ.” Thật vậy, thịt gà chín cựa rất ngọt, miếng thịt dai vừa chín tới, thường chỉ có thực khách chơi sang mới không tiếc tiền nếm thử. Tới đây, tôi xin không bàn chuyện vớ vẩn này nữa để khỏi quên những việc quan trọng sắp nói tới.

Trước tiên, xin nói một chút về làng của tôi. Sau sẽ nói tới làng khác, huyện khác. Như vậy mới phải lẽ.

Nói về làng Yên Luật của tôi, tuy không có danh thắng gì nhưng ít ra cũng còn có cây đa Đình Nghè trăm ngàn tuổi vớt vát lại. Dạo trước ở gốc cây đa to này có một con rắn hổ mang chúa chạy từ trong Đình ra chui vào hốc cây. Mấy anh thợ gạch liền chọi gạch  vào hốc cây, hun khói bắt rắn. Qua hôm sau, gặp tai nạn nghề nghiệp lấy đi cả thảy bảy nhân mạng. Tin này vang xa, bỗng chốc cây đa Đình Nghè trở nên nổi tiếng, nên rằng về sau có nhiều khách thập phương càng muốn ghé thăm.

Ngược dòng chảy sông Hồng về làng Ấm Thượng, Ấm Hạ, Y Sơn có một nơi cảnh đẹp vô cùng. Sự tương giao giữa ba xã tạo thành đầm Ao Châu nước xanh trong phẳng lặng phản chiếu hai đồi cọ xòe bóng. Từ trên trực thăng nhìn xuống đầm Ao Châu trông như một cái đầu rồng, thấy rõ chín mươi chín ngách sâu ví như chín chín con giao long đang luồn ra đầm ngậm nước. Chả gì sánh bằng việc ngồi trên thuyền ăn những con cua đồng nướng vàng, tôm luộc ... Y Sơn hòa nhập với dòng chảy của sông Hồng từ xã Hiền Lương đổ về như mái tóc mẹ hiền buông thả. Ngày xưa ở chính cái xã Hiền Lương này, mẹ Âu Cơ cùng các tiên nữ bay về trời để vướng lại tấm lụa đào trên cành đa giữa đồng. Tại gốc đa này dân làng đã lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn mẹ cùng các tiên nữ chỉ dạy dân làng cách trồng lúa, nuôi tằm …Hằng năm, vào ngày mồng bảy tháng giêng âm lịch, đền Mẫu Âu Cơ mở hội đón hàng trăm du khách xa gần phúng viếng. Mé phía Đông cách đền Mẫu là Đình Ông Đột Ngột Cao Sơn – Thánh Vương Nam Việt và hai vị tướng quân nổi tiếng của vua Hùng. Mé phái Tây cách đền Mẫu vài trăm mét là chùa Linh Phúc với hai mươi pho tượng cổ từ hàng thế kỷ qua. Lòng tôi đã rất tha thiết được ghé thăm chốn u tịch này để cùng các sư đọc bài kinh Bát Nhã Ba La Mật, song có lẽ vận mệnh trong đời thường hay dời đổi chưa cho mình cái dịp được về đây du lãm.

Xuôi dòng chảy sông Hồng qua làng tôi về huyện Thanh Ba, nước sông trở nên sắc lạnh, tinh khiết như ánh gươm của nàng Hạnh Nương ngụ đền Du Yến trong làng Chí Tiên. Mô đất khi xưa Hạnh Nương đã khao quân ăn mừng sau khi giết chết Tô Định. Đấy cũng chính là nền của ngôi đền Du Yến bây giờ. Cứ mỗi độ rằm tháng giêng nam thanh nữ tú khắp vùng đổ về chẩy hội xem rước kiệu, múa tiên và cầu nguyện.

sông Hồng bắt đầu leo dốc từ từ chảy về huyện Lâm Thao nơi có Đền Hùng nổi tiếng khắp cả nước. Khúc sông này mỗi năm không biết đưa đón bao nhiêu lượt khách qua đò về dự hội.

Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.

Thêm những đoạn chảy dài uốn lượn như eo thiếu nữ tuổi trăng xinh, sông Hồng gặp lại người em sông Đà, sông Lô ở ngã ba Bạch Hạc thuộc địa phận thành phố Việt Trì. Nửa đêm trên lầu Bạch Hạc giữa dòng sông nghe nổi lên tiếng duyệt binh của tướng quân Trần Nhật Duật thuở trước như khơi lại màu lịch sử. Dưới mặt sông từng đàn cá Anh Vũ lượn bơi ngàn năm tắm máu quân thù. Đến nay tính đã được mười bốn năm tròn tôi xa quê cha đất tổ chưa về lại, lần về gần đây nhất cũng khoảng cách nay sáu năm rồi. Còn một chút mến yêu xin gửi lòng tôi vào dòng sông Hồng đang chảy, vào ánh trăng sáng mãi trên bầu trời nước Việt Nam ta.

Mã Trọng

23/07/2012

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #mã