Oneshot

Chiến tranh.

Hai từ chẳng ai muốn nghe đến nhất là những người đang trong tình trạng đó. Chính vì nó mà đã có rất nhiều người mất đi gia đình, và người thương.

Tôi, một người lính đã sẵn sàng hy sinh để đem hai từ "hòa bình" về với muôn dân. Nhưng tôi không cần danh phận, càng không cần những huân chương danh giá, tôi chỉ thích làm mọi việc trong thầm lặng. Không cần nhiều người nhớ đến chỉ cần đất nước này Độc lập, Tự do, và Hạnh phúc.

Hành trình ấy đã được tôi thực hiện khá sớm, hiện tại tôi làm tình báo trực thuộc đơn vị thủy binh trên một tuyến tàu, một tuyến tàu không bao giờ mang số.

*****

Theo lẽ thường tình, mỗi chuyến tàu đều mang trên mình một con số làm đại diện, con số phân loại tàu, đánh dấu đường đi trên vùng biển bao la bát ngát nhưng vẫn có những chuyến tàu không mang số thầm lặng ra đi trong lúc mưa gió bão bùng. Năm 1970 khoảng thời gian ta phải vùng mình chiến đấu với quân thù, miền Nam nước ta còn loạn lạc, các quân giải phóng miền Nam cần nhiều viện trợ từ vũ khí, trang bị kỹ thuật và thuốc men nhưng không phải muốn đưa là được. Mọi con đường trên cạn đã bị quân thù kiểm soát sát sao nên con đường Hồ Chí Minh trên biển đã được chọn làm lộ trình cho lữ đoàn 125 (tiền thân là đoàn 759) di chuyển từ bến tàu K15 (bến Nghiêng - Hải Phòng) vào miền Nam cứu viện.

Bến tàu đầu tiên được chọn tại miền Nam là bến tàu Lộc An ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại sao? Vùng bến ấy có mạng lưới bố phòng của địch mỏng, do địa hình rừng núi ngăn cách nên chúng hoạt động hạn chế. Nhà nước ta đã chọn những địa điểm khó khăn để quan sát, những thời điểm có thời tiết xấu nhất để khởi hành vì suy cho cùng nhiệm vụ của đoàn Tàu không số là bảo vệ đạn dược không phải "tìm địch mà đánh" như những chuyến tàu hải quân khác.

Tôi, như bạn đã biết, là một chiến sĩ trên tàu không số, tuổi đời tôi cũng không hẳn là nhiều nhưng cũng đủ để có một buổi "Lễ truy điệu sống". Haha... tức cười thật, ai mà ngờ những người mới đôi mươi như tôi lại có một cái lễ tế sống như vậy chứ? Nhưng tôi lại có, ai trên đoàn tàu ấy đều có. Đoàn chúng tôi đa phần không quan tâm bạn là nam nhân hay nữ nhi. Điều chúng tôi cần là sức khỏe và tinh thần thật vững vì sao ư? Cứ nghĩ làm việc trên một con tàu mà bảy phương tám hướng đều được gắn thuốc nổ xem? Có sợ không? Tôi có sợ không á? Có, tôi sợ chết đây nhưng... quen rồi.

Nói cho rằng thì tôi là nữ nhi, do đợt đưa tiếp viện lần này có nguy cơ bị bọn giặc bắt gặp nên tuyển vài đứa con gái lên thuyền như một gia đình ngư dân xem thử. Gần chục đứa được đem ra làm kiểm tra có ngờ là người được chọn là tôi đâu? Mà được chọn vui phết ấy chứ, được hỗ trợ bà con, được hiến thân cho đồng bào Tổ quốc dù tôi có thể sẽ không được ghi rõ họ tên nhưng không sao chỉ cần được anh em trong quân đoàn biết là quá đủ rồi.

Lần này tôi sẽ đến Lộc An cùng anh em, không biết nơi đó như nào. Chắc sẽ ở đó đến sáng sớm, nếu còn mạng mà đến, ra đánh cá một chút với các ngư dân cho khỏa người rồi quay về. Mang tiếng giả ngư dân mà không có một con cá trên tàu chắc cũng xui lắm. Tôi ở với nam nhân riết tôi cũng giống như họ, tự nhiên thấy mấy em nữ thanh niên xung phong cũng... dễ thương mà tôi lại không hợp tính mấy cô ở ngoài này lắm. Không biết có gặp được em nào trước khi ngủm không chứ... nhìn mấy cha này ngán quá. Đùa thôi... chứ nhìn mặt ngán thật.

***

Hôm nay... trời không trăng, không sao, mưa gió ầm ầm. Đúng là một ngày phù hợp để về miền Nam.

Tôi có thể cam đoan không một đoàn tàu nào nói câu đó nhưng đoàn của chúng tôi đâu, chẳng có ngư dân nào mưa to gió lớn mà ra khơi kể cả hải quân cũng rất hiếm khi đâm đầu vào chỗ chết này. Còn chúng tôi, đoàn viên tàu không số này đã "tế" hết rồi thì sợ gì chết nữa, cứ đi thôi vì Tổ quốc, vì một ngày mai hòa bình, độc lập chúng tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì.

Chuyến khi lúc 23 giờ 30 phút, chúng tôi rời bến K15 đến bến Lộc An ở Vũng Tàu. Gió... mạnh, thường tiếp theo mọi người sẽ nghĩ đến cảnh cờ trên đỉnh tàu sẽ bị bay hất đi trong không khí nhưng tàu chúng tôi quyết định không treo vì lỡ bị giặc thấy thì nguy to. Chúng tôi không treo cờ mà mang chính ngọn cờ Tổ quốc ấy trong tim, chẳng kể nhọc nhằn mà tiến về miền Nam. Những bữa ăn không đủ chất cũng khiến chúng tôi gầy đi, kèm sương gió nhiều người đã nhiễm bệnh nên phải ở lại trong bờ. Anh sếp của tôi có thể gọi là nghiện ra khơi cùng con tàu này luôn ấy, quyết không rời tàu trừ khi đi báo cáo. Còn tôi thì vẫn phải rời tàu chứ, làm khuân vác mà không rời tàu lấy gì có hàng mà chở đi. Vừa may đổi ca, tôi phải chợp mắt tí đã, lính cũng cần phải ngủ chứ. Nhỉ?

***

"Thái Anh, chị không ngủ sao?" Một cô gái thuộc đội thanh niên xung phong của tôi hỏi.

"Không chị không buồn ngủ, em ngủ đi sáng mai còn theo mấy anh đưa tiếp tế vào Sài thành. Chị đợi tàu." Tôi nhỏ nhẹ nói với em ấy, em ấy cũng chỉ là em út của đoàn thôi, mới 16 tuổi mà lo cho người chị 19 này. Sợ gì chứ tôi lớn hơn em có nhiêu đâu, thức khuya dậy sớm đã quen. Nắng mưa có còn làm đen da tôi đi chăng nữa thì tôi vẫn phải hỗ trợ người lính tiếp viện từ phía Bắc, công việc đã giao thì làm sao lơ là được? Dù... tôi không biết mấy giờ họ đi, mấy giờ họ đến, liệu họ có còn mạng mà vào bến không... Tôi không biết.

Đêm khuya như vậy, tôi chỉ càng muốn ở một mình, ngắm nhìn bầu trời đêm dù mưa bão hay trong xanh tôi vẫn thích ngắm nhìn nó. Nơi hy vọng về đến miền Nam, nơi bao người hi sinh chiến đấu cho một ngày độc lập. Tôi phải đợi.

***

Ngày thứ hai trên biển, chúng tôi vẫn đang hướng về miền Nam. Đánh bắt cá từ sáng sớm, cẩn trọng từng giây từng phút khi đi đến bến Lộ Diêu vùng Bình Định. Đây là điểm dừng chân để chúng tôi nạp lại năng lượng, dùng chút đồ ăn. Vào bờ bán cá như một ngư dân, có đi thì phải có về. Đồng thời là địa điểm liên lạc giữa quân giải phóng chúng tôi.

Nơi đây tôi đã gặp được khá nhiều bạn nhỏ làm liên lạc, tuổi chỉ tầm một giáp mà khoe tôi em vừa gài bẫy được vài thằng Mỹ, khi giúp mấy anh bộ đội rải mìn ngầm quanh khu đóng quân.

Nhưng chả có gái nào cả, khu ngoài toàn mấy cha đực rựa. Nghe nói mấy chị em chỉ có trong khu quân y hoặc làm hậu cần không ra cảng. Điều này làm một đứa mê gái như tôi buồn lòng.

Đoàn chúng tôi ở đến đêm thì lại ra khơi, lần này đi sớm một chút dù sao cũng đang mưa. Đi sớm kẻo hết mưa. Giờ thì về Lộc An thôi, tôi thề nếu không gặp gái tôi ghét Mỹ hơn gấp hai lần. Còn có thì... tôi vẫn ghét như thường. Haha.

***

"Đến bờ!" Một câu hô báo hiệu từ hoa tiêu của đoàn.

Bừng tỉnh từ giấc ngủ không mấy ngon của mình tôi nhìn ra phía xa xa, có một vài ngọn đèn nhỏ. Có thanh niên xung phong chờ sao? Ờ nhợ, tất nhiên phải có rồi. Hình như có con gái! Không được phải giữ giá.

Tàu cập bến, tôi cùng anh em dỡ hàng xuống rồi tản ra nghỉ ngơi. Được phân công đem hàng vào khu quân y, trong thùng có thuốc sát trùng, morphin, bông băng là phần lớn, thuốc men các loại, và vài bộ dụng cụ phẫu thuật.

"Thùng thuốc này để ở đâu vậy?" Nhìn vào trong lều quân y đang có một cô gái, dáng người khá nhỏ nhắn, đang sắp xếp tủ thuốc tại góc lều.

"À chào anh, anh để trên bàn giúp tôi nhé." Mải mê xếp đồ trong tủ, cô ta còn chẳng nhận ra giọng của tôi là nữ. Vậy là giọng của tôi đàn ông đến thế cơ á? Không thể. Để thùng tiếp tế xuống gằn giọng một tiếng.

"Tôi là nữ, không phải nam. Chào cô." Nhẹ giọng nói với cô ấy.

Cô ấy quay lại xin lỗi tôi vì sự nhầm lẫn ấy, hiếm khi thấy nữ đi trên chuyến tàu không số này nên cô cứ quen miệng mà chào "anh". Tôi cũng không phải khó tính hay gì, chỉ cười nói không sao rồi giúp cô ấy dọn đồ vào tủ.

Từng cử chỉ, giọng nói, ánh mắt và cả nụ cười của cô gái này lại rất đẹp, rất sáng. Đôi tay dù đã chai sần nhưng đối với tôi như vậy đã quá nhẹ nhàng rồi, chỉ là một cái chạm bé tí, cô ấy còn không màng đến nhưng lòng tôi sao lại xao xuyến thế này? Yêu rồi sao?

Dừng dòng suy nghĩ của tôi bởi một tiếng gọi từ trưởng đoàn. Điện báo vào Nam báo cáo khu vực cảng Đà Nẵng đang bị Ngụy ngắm đến. Một cảm giác không mấy tốt dấy lên trong lòng tôi, tay giữ chặt lấy dây túi đựng lựu đạn trên người, chỗ mỗi người đoàn quân tàu không số đều có, phòng trường hợp bị bắt thì tự giựt chốt tự sát. Tình huống xấu hơn là chúng tôi đã bị chúng theo đuôi từ miền Bắc hoặc khu miền Trung xuống tận vùng này.

Gác lại cảm giác khó tả trong lòng dành cho cô ấy, tôi chạy lại chỗ chỉ huy Đoàn để nghĩ cách giải quyết nhưng... tất cả chung tôi đều biết kết quả của cuộc nói chuyện này. Sau khi nghe lệnh chỉ biết lẳng lặng mà giải tán, chờ đến đêm rồi lại ra khơi.

Tôi đem nỗi lo của mình vào lều quân y, bên trong đang có người, một là cô gái khi nãy, người còn lại hình như là liên lạc, nhìn cũng còn khá nhỏ.

"Chị Thái Anh kết người khi nãy rồi đúng không? Em thấy chị đỏ cả mặt lúc người ta đi ra ngoài. Ngại gì không biết." Con bé ấy ấy chọc ghẹo người mà tôi đang để ý, Thái Anh. Người đẹp mà tên cũng đẹp nhỉ? Vừa thông thái lại còn anh minh nữa, tên này hay hơn cả tên tôi rồi. Chưa kịp bước vào thì con bé kia đã đi ra, làm lộ luôn việc tôi đứng đây nãy giờ.

Con bé cười khúc khích, nhìn cô ấy rồi chạy vội đi. Thái Anh đang ngồi bên trong chỉ biết đỏ mặt, đỏ đến mang tai rồi. Còn chẳng dám nhìn tôi nữa.

"Vậy cô tên là Thái Anh?" Tôi ngồi cạnh... cũng không gần lắm tôi cũng biết ngại.

"Phải... Còn cô?" Cô ấy ngượng ngùng hỏi.

"Tôi... ờm..." Tôi ấp úng khi nhớ điều kiện của đoàn viên tàu không số là không được dùng tên thật, không được khai tên luôn cho khỏe vì nhiệm vụ này càng ít người biết càng tốt.

"Không được nói hả? Tôi không biết... vậy... tôi gọi cô là gì được... ờm..." Cô ấy lúng túng nói, có lẽ không muốn làm khó tôi.

"Cô có thể gọi tôi là Trí Tú, tên thật của tôi thì... chắc không cho bây giờ được. Hòa bình tôi cho nhé?" Nở một nụ cười với cô ấy, mình cứ sợ cô ấy ngại đến ngất mất. Đỏ như trái cà rồi.

Cố gắng trò chuyện thêm chút nữa thì cô ấy nhỏ hơn tôi một tuổi, lúc biết xong thì tất nhiên xưng hô khác hẳn. Nghe phê lắm mấy má ơi. Lâu lắm rồi mới được nói chuyện với gái, gái xinh nữa bây giờ kêu tôi ra tiền tuyến hay đặc công thì tôi đi tất! Mãn nguyện rồi. Ờ mà nói hơi sai nhỉ? Không gặp em ấy tôi vẫn làm mà.

Thời gian còn lại tôi dành thời gian bên em, cùng em làm bữa cơm tối cho đoàn ăn. Mấy thanh niên trong đoàn cũng mê con gái người ta, mà xớn xa xớn xác làm con gái người ta ngại sợ. Chúng nó còn hám gái hơn tôi nữa, thiệt tình đúng là lũ trẻ con. Những lúc ấy tôi lại sợ, sợ rằng đây là bữa cơm cuối cùng tôi ăn cùng anh em. Sợ rằng tôi không thể chờ đến ngày hòa bình để tự mình nói lời yêu em.

Gia đình tôi thu nhỏ lại chỉ còn vỏn vẹn vài người trong bàn ăn hôm ấy, những người có công sinh thành đã không còn ở thế gian này. Họ là nạn nhân của chiến tranh, nạn nhân của một đợt dội bom của bọn Mỹ. Năm đó... tôi 17 tuổi, phải... chỉ cách đây 3 năm, cái năm tôi làm trong tổ hậu cần trong đội phòng không ngay khu vực bố mẹ tôi ở. Cái năm chính mắt tôi thấy quả bom rơi xuống chỗ nhà tôi, chiếc máy bay đó tôi là người tiếp đạn cho lính cao xạ bắn.

***

"KHÔNG!! MẸ ƠI!! BỐ ƠI!! KHÔNG!! THẢ TÔI RA!! KHÔNG!!!" Tôi hét toáng lên, lao mình về phía vụ nổ. Thả tôi ra đi mà... bố mẹ tôi... còn ở dưới đó. Làm ơn... thả tôi ra...

"Cản con Sa lại! Không được để nó chạy xuống!"

Từ vùng đồi gần đó, nơi cao xạ được đặt tôi không suy nghĩ gì mà chạy ra khỏi nơi đó. Những anh chị thanh niên xung phong cố cản tôi lại, tôi thì mặc kệ cứ vùng mình mà chạy về phía nhà tôi. Bao nhiêu ký ức tôi có cùng bố mẹ tôi cứ tràn về. Lúc đó tôi không quan tâm mưa bom lửa đạn thứ tôi muốn là gặp lại bố mẹ mình. Chạy được một đoạn đến gần cuối dốc thì bị mấy anh canh phòng đánh ngất tại chỗ. Trong mơ hồ nhìn về ngôi nhà đang cháy, mọi thứ giờ chỉ còn là ký ức sao? Con chỉ mới ăn tối với mẹ tối qua, con cũng vừa về với mẹ mà... Bố cũng vừa về mà... Con mới gặp bố rạng sáng nay lúc chuẩn bị đi trực thôi mà? Tại sao lại cướp mọi thứ của tôi đi nhanh vậy chứ?

***

"Chị Tú? Chị sao vậy?" Thái Anh lay người tôi khi thấy tôi nhìn chén cơm mà lại rơi nước mắt. Tôi vội dụi lấy mắt mình.

"Kh...không có gì. Em ăn đi." Cố nuốt lấy những hạt cơm mà giờ có cố cũng khó có thể nuốt trôi. Đau thật... nghẹn ngào thật. Mà không làm gì được nữa, mạng người mà... khóc than được bao nhiêu thì cũng không làm ai sống lại được. Tôi mang nỗi thù ấy mà tiếp tục làm bộ đội.

Ráng ăn cho xong bát cơm rồi phụ mọi người dọn dẹp, tôi lẻn đi nơi khác để làm một món quà nhỏ cho em vì chuyến tàu đêm nay vẫn phải tiếp tục.

Tôi tìm đến chỉ huy của em, gửi lại món quà kèm một lời dặn rồi cùng anh em lên lại tàu không số về cảng K15, Hải Phòng. Lúc ra đi tôi có thấy trên mắt em hơi ngấn lệ. Không dám nói nhiều, linh cảm của tôi hiếm khi sai. Tạm biệt mọi người đến lúc con tàu biến mất trong màn sương đêm.

Đội trưởng đoàn của tôi vẫn đang nhận một điện tín rằng tàu Mỹ đang neo ở đâu đó dọc đường chúng tôi trở về. Bây giờ trên tàu chúng tôi không còn gì ngoài những trái khối thuốc nổ gắn xung quanh tàu, loại thuốc nổ chúng tôi không muốn dùng nhất.

Cứ tiếp tục hành trình, vừa qua khỏi khu vực miền Trung, giữa biển thì hoa tiêu báo có tàu của Mỹ đang tiến gần. Anh em chúng tôi nhanh chóng cất giấy giấy tờ cần thiết, đem những con cá bắt được lên boong.

"Đội trưởng, bây giờ xa bờ quá nói mình đi đánh cá thì cũng không đúng. Chắc chắn chúng sẽ nghi ngờ." Tôi lại gần đội trưởng mà nói.

"Phải... những con cá trên boong tàu này cũng không ra xa đến mức này. Nói chúng ta chuyển cá về tỉnh khác thì càng không, giọng đứa nào cũng rõ miền Bắc. Trên tàu đó mà có một đứa Ngụy nào thì càng dễ bị phát hiện..." Đến đây cả tàu chúng tôi trầm mặt đi không biết nên làm gì vì... những gì còn lại trong chúng tôi là "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Ánh mắt của anh ấy đã cho chúng tôi biết cần làm gì. Tay nắm chặt chốt lựu đạn sẵn sàng ném lên tàu bọn chúng, phóng hết tốc lực, đâm thẳng vào tàu chúng nó. Tôi cùng anh em đã ném được vài chiếc lựu đạn lên thuyền, cũng nổ nhưng chưa đủ để đánh chìm bọn chúng.

Anh em bật kíp nổ trên mọi vị trí đã đặt mìn trên con tàu không mang số này, bỏ tàu leo lên tàu bọn chúng, mỗi người đứng một góc tàu, cứ thấy bọn lính thì lao vào mà giật lựu đạn trong người.

Tôi lẻn vào được phòng máy, bị một tên núp bên trong đâm một nhát dao vào eo tôi. Tôi cố giằng co với hắn trong lúc chờ lựu đạn nổ.

"Vì... độc lập tự do... vì nhân dân... vì em... Tôi nguyện lòng hi sinh!"

ĐÙNG

Cả tàu Mỹ và đoàn quân trên tàu không số đều nổ tan cùng nhau. Không còn gì cả. Không còn.

Ngay trước lúc chúng tôi chạm mặt lũ Ngụy, bộ đàm của tàu đã kết nối với đường dây bộ đội gần nhất với nội dung:

"Đoàn tàu không mang số báo cáo,

Chúng tôi chạm mặt tàu Mỹ ngoài khơi xa và quyết định...

Từ biệt, chào các đồng chí chúng tôi đi trước."

Lúc đó là 3 giờ sáng, sau 3 ngày kể từ khi chúng tôi rời Vũng Tàu. Vài phút sau đó, tất cả các cảng tàu biển từng đón chúng tôi đã nhận được những lời chào cuối cùng của đoàn chúng tôi.

Phút cuối đời ấy tôi đã có nghĩ đến em, không biết khi nào em nhận được món quà đó. Không biết khi nào độc lập... lúc nào bà con ấm no hạnh phúc. Tôi không thể sát vai cùng các đồng chí khắp ba miền cả nước nữa. Tôi xin đi trước.

***

"Chị Thái Anh..." Cô gái nhỏ liên lạc ấy mang một vẻ mặt lo lắng đến gặp tôi, vẫn trong khung lều ấy.

"Hả? Em sao vậy?" Tôi khá lo lắng hỏi.

"Đây... có người gửi chị, xưng là Trí Tú. Ch...chị tự xem đi nha... em đi trước." Vừa nói xong con bé lại chạy đi, hình như mắt nó ướt? Chuyện gì vậy? Chị Tú có gửi đồ cho mình sao? Tại sao lại không đưa tận tay mà lại...

Tôi lo lắng vội mở hộp quà ra, nước mắt tuôn trào ngay khi thấy bên trong là một bức thư, một chiếc khăn và một tấm ảnh của chị.

"Gửi em Thái Anh, xin lỗi em vì không đưa tận tay cho em. Tôi lo lắng lắm... không dám đưa nhưng nếu... em đọc được lá thư này có thì em đừng nên chờ tôi nữa. Tôi đã hi sinh cùng anh em trên thuyền rồi. Tôi dặn người sẽ đưa cho em bức thư này dù là ai đi chăng nữa không được đưa cho em nếu tôi chưa chết.

Rất xin lỗi em vì tôi không thể giữ lời hứa, không thể tự mình nói lời... Yêu em. Gửi em một tấm ảnh của tôi, một chiếc khăn mà tôi hay mang theo bên người. Mong em chờ đến được ngày nước ta hòa bình. Hãy ngắm cảnh tượng ấy giúp tôi nhé?

Cảm ơn em.

Ký tên; Người thương em từ lần đầu gặp mặt.

Biệt hiệu: Trí Tú

Tên thật: Lê Thị Sa"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top