Tâm hồn cao thượng 1_13

TÂM HỒN CAO THƯỢNG

Hà Mai Anh dịch

...

"TÂM HỒN CAO THƯỢNG" , (nguyên tác Les grands coeurs) của văn hào Italia EDMOND DE AMICIS đã từng là cuốn sách gần như kim chỉ nam của nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam.

Thời gian trôi đi, nhưng những gì tác giả gửi gắm qua từng bài học của thuở đầu đời về công ơn cha mẹ ; về lòng yêu nước, thương người ; về tình thầy trò, bè bạn, v.v... vẫn không bao giờ cũ, không bao giờ thừa !

Những trang sách - những bài học này - không chỉ hữu ích cho những công dân tốt tương lai mà còn hết sức quí báu đối với đông đảo bạn đọc các giới , các ngành. "TÂM HỒN CAO THƯỢNG" là cuốn sách của các bạn trẻ, của mọi gia đình. Là món quà tặng ý nghĩa và hữu ích của các bậc cha mẹ và các bạn trẻ.

THÁNG MƯỜI

1.- Ngày khai trường

Tại thành Torino (1), thứ hai, ngày 17

Hôm nay là ngày khai trường. Mấy tháng hè đã thoáng qua như giấc mộng. Sáng nay, mẹ tôi đưa tôi vào trường Baretti để ghi tên lên lớp ba. Đi đường, óc tôi cứ vơ vẩn đến chốn thôn quê, lấy sự đi học làm ngại. Phố nào cũng thấy nhan nhản học trò. Hai hiệu sách lớn chật ních những phụ huynh vào mua sách vở, giấy, bút cặp da. Cửa trường đông nghịt những người, cảnh binh và người gác cổng phải khó nhọc mới mở được một lối vào.

Vừa bước qua cổng trường thấy một bàn tay vỗ vào vai, tôi giật mình ngoảnh lại thì ra thầy giáo lớp hai tôi học năm ngoái, mái tóc đỏ hoe vẫn để rối, nét mặt vẫn tươi, thầy bảo tôi :

_ Enricô ơi! Thầy trò ta từ nay chia tay nhau nhỉ?

Điều ấy, tôi đã nghĩ đến, nay thầy tôi lại nhắc, khiến tôi thêm chạnh lòng. Mẹ tôi và tôi phải chen chúc mãi mới vào được trong trường. Các ông, các bà sang trọng, các bà thường dân, thợ thuyền, sĩ quan, các cụ già, những đầy tớ, ai nấy đều một tay dắt trẻ, một tay cắp gói, đứng chặt phòng trú chân và ở trên thang gác. Cảnh tượng rất là náo nhiệt.

Hôm nay, lại được trông thấy 7 phòng học ở từng dưới là nơi ròng rã ba năm trường, ngày nào tôi cũng lui tới, lòng tôi sung sướng vô cùng!

Trên thềm, các cô giáo đi lại tới tấp. Cô giáo lớp một đứng ở cửa lớp, thầy tôi liền bảo :

_ Enricô ơi! Năm nay em học trên gác. Ít ra ta lại được nhìn em qua lại !

Mẹ tôi đỡ lời:

_ Thưa cô, cháu sẽ đến thăm cô luôn.

Chúng tôi chào cô rồi đi.

Ông Hiệu trưởng, râu tóc bạc hơn năm ngoái, có vẻ bận rộn vội vàng, đang bị vây trong đám các bà, một số người thất vọng vì không còn chỗ cho con. Bạn tôi đi học đông đủ. Nhiều người coi lớn vọt lên. Ở từng dưới, việc chia lớp đã xong. Mấy trò em mới đến trường là lần thứ nhất, không chịu vào lớp, giật lùi như những con ngựa bất kham ; người ta phải dùng sức lôi vào. Có em đã ngồi vào ghế rồi lại trốn ra, có em thấy cha mẹ thì tru lên khóc.

Em trai tôi vào lớp cô Đencatri, còn tôi thì học thầy Perbôni ở trên gác.

Đúng 10 giờ thì học trò lớp tôi đều vào cả ; 54 người trong bọn, tôi nhận mãi mới thấy 15 hay 16 bạn lớp cũ. Trông thấy tôi, anh Đêrôtxi, người học trò bao giờ cũng chiếm phần thưởng thứ nhất, liền ra hiệu mừng rỡ.

So với rừng rậm và non xanh là những nơi tôi đã qua chơi mấy tuần lễ trước thì trường học coi bé nhỏ và buồn tênh !

Hết nhớ cảnh lại nhớ người. Tôi nhớ thầy cũ tôi ở lớp hai, một ông thầy khoan từ và vui vẻ, bao giờ trông thấy tôi cũng mỉm cười. Tôi rất tiếc không được thấy thầy ở đây với bộ tóc hoe đỏ rối bù.

Thầy giáo chúng tôi bây giờ, người to lớn, không có râu, tiếng nói sang sảng. Đứng trên bục cao, thầy nhìn xuống chòng chọc hết người này đến người khác hình như muốn coi thấu tâm tình chúng tôi. Thầy nghiêm quá, ít khi thấy nở một nụ cười.

Tôi nghĩ bụng : "Hôm nay mới là ngày đầu, còn mười tháng nữa mới đến nghỉ hè. Trong mười tháng ấy sẽ có biết bao nhiêu là việc làm, bao nhiêu là bài làm và bao nhiêu là sự khó nhọc đang chờ ta !" , nên lúc ra về tôi có vẻ chán nản. Mẹ tôi khuyên rằng :

_ Enricô ơi ! Hãy can đảm lên, con ạ !

Mẹ sẽ cùng học bài với con ...

Tôi yên tâm theo mẹ tôi về nhà, nhưng lòng vẫn nhớ tiếc một ông thầy vui tính và hiền từ, vẫn thấy trường học kém vui, không bằng năm ngoái.

--------------------------------------

(1) Tôrinô : một thành phố ở khu tây bắc nước Italia, trên sông Pô

2.- Thầy giáo mới

Thứ ba, ngày 18

Tưởng thế, chứ thầy giáo mới chúng tôi dã khéo làm xứng ý mọi người ngay sáng hôm nay.

Giờ vào học, sau khi thầy đã ngồi vào bàn, chốc chốc lại thấy một người học trò cũ qua cửa cúi chào. Cũng có người vào bắt tay thầy và thăm hỏi một cách rất cung kính. Đủ biết học trò cũ cũng quyến luyến thầy biết dường nào và như muốn còn được ở gần thầy. Nhưng chào thì chào, bắt tay thì bắt, thầy không nhìn thẳng mắt ai, cứ lảng trông ra cửa sổ. Những dấu thân ái và biết ơn ấy tưởng đã làm cho thầy thoả ý nhưng trái lại đã khiến thầy mủi lòng.

Đến bài chính tả, thầy xuống bục, đi lại trong các hàng ghế đọc cho chúng tôi viết. Thấy một học trò mắt lấm tấm mụn đỏ, thầy ngừng đọc, lại gần tay sờ trán và hỏi : "Con làm sao?" Thừa lúc thầy quay lưng lại, một anh học trò bàn dưới leo lên ghế dun dẩy như người trượt băng. Bất đồ, thầy ngoảnh lại bắt gặp, anh chàng vội ngồi ngay xuống cúi đầu đợi phạt. Nhưng ông Perbôni sẽ đập vào vai anh học trò dại dột kia, bảo rằng : "Không được làm thế nữa". Có thế thôi. Rồi thầy bình tĩnh về chỗ đọc nốt bài chính tả.

Khi viết xong, thầy yên lặng nhìn chúng tôi một lúc rồi ôn tồn nói :

_ Các con ơi ! Hãy nghe ta ! Chúng ta cùng nhau phải qua một năm học. Chúng ta nên hết sức làm việc để qua năm ấy cho được tốt đẹp. Phải chăm chỉ. Phải ngoan ngoãn. Ta không có gia đình. Các con là gia đình của ta. Năm ngoái, mẹ ta còn, bây giờ người đã khuất. Ta chỉ còn có một mình ta. Ngoài các con ra ở trên đời này, ta không còn có ai nữa ; ngoài sự thương yêu các con, ta không còn thương yêu ai hơn nữa. Các con ví như con ta. Ta sẽ yêu dấu các con. Đáp lại, các con phải yêu dấu ta. Ta không muốn phạt một người nào cả. Các con phải tỏ ra là những trẻ có tâm hồn. Trường ta sẽ là một gia đình, các con sẽ là mối an ủi và mối tự hào của ta. Ta không cần phải hỏi lại các con vì ta tin rằng trong lòng các con, ai ai như cũng "vâng lời", nên ta có lời cảm ơn các con.

Thầy nói dứt lời thì người coi trường vào báo hết giờ học (1). Chúng tôi yên lặng xuống sân. Anh học trò vô lễ ban nãy rón rén lại gần thầy giáo, nói run run :

_ Thưa thầy, xin thầy tha lỗi cho con.

Thầy gật đầu, hôn trán anh và bảo :

_ Tốt lắm ! Cho con về.

---------------------------------------

(1): Trong các trường ở thành phố nước Italia, hết giờ học, người gác trường đến từng lớp báo hết giờ chứ không đánh trống hay kẻng.

3.- Một tai nạn

Thứ sáu, ngày 21

Niên học này đã mở đầu bằng một tai hoạ. Sáng nay, cha tôi đưa tôi đi học. Tôi mải nhắc lại những lời tâm huyết của ông Perbôni đã nói với học trò hôm trước cho cha tôi nghe, nên tới trường lúc nào không biết. Tôi giật mình thấy một đám túm đông túm đỏ ở trước cửa.

Cha tôi bảo : "Chắc lại có sự chẳng lành gì đây." Chúng tôi khó nhọc mới len vào được. Phòng khách đầy những phụ huynh và những học trò mà lúc ấy các thầy giáo không tài nào xua vào lớp được. Mọi con mắt đều nhìn vào cửa buồng ông hiệu trưởng. Một ông đội mũ cao vừa đến, người ta thì thào : "Bác sĩ đấy".

Cha tôi hỏi một giáo sư thì ông trả lời :

_ Bánh xe đè phải chân nó.

Ông khác nói tiếp :

_ Và nghiền nát bàn chân.

Nạn nhân là một trò em lớp hai, đi học qua phố Đôra Grôtxa, thấy một em bé tuột tay mẹ dắt, ngã lăn trước một cái ôtô hàng đang vùn vụt chạy tới. Lập tức, cậu chạy ra lôi đứa bé kia dậy và ôm được nó lên rồi, nhưng không may, bánh xe lướt phải chân cậu. Cậu là con một viên Quan Ba pháo binh.

Trong khi chúng tôi đang nghe người ta kể lại như thế, thì ở ngoài có một người đàn bà xô đẩy mọi người và hốt hoảng chạy vào như một người điên. Đó là mẹ cậu Rôbetti, người học trò bị nạn. Một người đàn bà khác là mẹ cậu bé được cứu chạy ra ôm lấy bà, thổn thức khóc và đưa bà vào phòng ông hiệu trưởng. Ở ngoài, người ta nghe tiếng kêu đau đớn của bà Rôbetti.

_ Ôi Guiliô con ơi !...

Lát sau, một chiếc xe ngựa đỗ trước giậu, ông hiệu trưởng bế cậu Rôbetti ra. Cậu bé, sắc da nhợt nhạt, hai mắt nhắm nghiền, gục đầu vào vai ông hiệu trưởng. Phút ấy, trong phòng im lặng như tờ, người ta chỉ nghe thấy tiếng nức nở của bà mẹ thôi. Ông hiệu trưởng dừng bước giữa phòng, nâng cao cậu bé lên như để mọi người trông rõ. Tức thì các thầy giáo, các cô giáo, các phụ huynh và học trò, ai nấy đều phàn nàn thương cho cậu và khen cậu là người can đảm ít có. Mấy cô giáo đứng gần đấy liền hôn hai bàn tay xanh rớt của cậu. Cậu Rôbetti bỗng bừng mắt và hỏi sẽ :

_ Cặp sách tôi đâu ?

Mẹ em bé sống sót giơ cặp, vừa nói vừa khóc :

_ Em ơi! Cặp đây rồi, ta sẽ đem lại nhà cho em.

Thấy con nói được, bà Rôbetti mới lại hồn. Mọi người đều giải tán. Cậu bé bị thương được đưa lên xe rất cẩn thận. Xe bắt đầu chuyển bánh, chúng tôi vào lớp ai nấy đều cảm động và lặng thinh.

4.- Cậu bé miền Nam

Thứ bảy, ngày 22

Chiều qua, trong khi thầy giáo đang cho chúng tôi biết tin tức anh Rôbetti và nói anh sẽ phải chống nạng trong ít lâu thì ông hiệu trưởng đưa một người học trò mới vào lớp. Cậu bé, da nâu, tóc đen, mắt to, mày giao, mặc quần áo màu sẫm, ngoài nịt dây. Sau khi nói nhỏ với thầy Perbôni mấy câu, ông hiệu trưởng để cậu bé ở lại rồi ra. Anh học trò mới trố mắt nhìn chúng tôi, có vẻ sợ sệt. Thầy giáo liền dắt anh lại trước mặt chúng tôi và bảo rằng :

_ Các con ơi ! Các con hẳn được vui lòng vì hôm nay mới vào trường ta một người học trò quê ở xứ Calabria cách đây xa lắm, ở mãi tận miền cực nam nước ta. Các con hãy niềm nở tiếp người bạn mới này. Anh là dân một địa phương có tiếng, địa phương ấy đã sinh ra những bậc danh nhân, những tay thợ khéo và những quân nhân dũng cảm. Xứ của anh lại là một xứ đẹp vào bậc nhất nước, có bao nhiêu là núi lớn rừng xanh, dân cư rất thông minh và can đảm. Các con ơi ! Các con hãy yêu quý bạn con cho bạn con khuây nổi nhớ quê. Các con hãy tỏ cho bạn con biết rằng một đứa trẻ nước Ý đi đến trường nào trong nước là cũng gặp được bè bạn, gặp được anh em ở trường ấy.

Nói xong, ông Perbôni lại chỗ treo bản đồ Italia, trỏ vị trí xứ Calabria cho chúng tôi coi. Xong thầy dõng dạc gọi.

_ Đêrôtxi !

Đêrôtxi anh học trò bao giờ cũng chiếm phần thưởng thứ nhất này đứng dậy.

_ Con lên đây.

Đêrôtxi ra ghế, lên bàn giấy, đứng cách anh học trò mới, độ hai bước.

_ Con là người đầu lớp, lấy tư cách ấy, thay mặt anh em, con hãy đem dấu thân ái của một người dân xứ Bắc tỏ cùng một người dân xứ Nam.

Đêrôtxi lại gần anh học trò miền Nam nói rất êm ái và rõ ràng :

_ Chúng tôi mừng anh !...

Rồi Đêrôtxi hôn hai má người bạn mới một cách rất nồng nàn. Chúng tôi vỗ tay rầm rập.

Thầy quát : "Im ! Không được reo cười trong lớp!!!" Tuy nhiên, thầy tỏ ý rất bằng lòng về mối nhiệt tình của chúng tôi. Cậu bé miền Nam cũng ra dáng vui sướng. Ông Perbôni đưa cậu bé đến chỗ ngồi và nói thêm :

_ Cho được cái kết quả nói trên, nghĩa là làm cho một đứa trẻ xứ Nam ở xứ Bắc cũng như ở nhà mình và đứa trẻ xứ Bắc vào xứ Nam cũng tựa như về quê mình, nước ta đã phải chiến đấu trong 50 năm trời và đã được quyền tự do ấy. Vậy các con phải coi nhau như con một nhà, yêu nhau như anh em ruột thịt. Kẻ nào thấy người bạn mới không phải người xứ mình mà đem lòng khinh rẻ, kẻ ấy sẽ không đáng ngẩng mặt nhìn ngọn cờ ba sắc (1) đi qua.

Cậu học trò miền Nam vừa ngồi vào chỗ thì các bạn chung quanh tíu tít, kẻ đưa ngòi bút, người cho bút chì và tranh ảnh, một bạn ngồi ghế sau gửi lên cho cậu một cái tem Thuỵ Sĩ để tỏ tình thân ái.

---------------------------------------

(1) Cờ nước Ý gồm ba sắc : đỏ, trắng và xanh lá cây.

5.- Bạn tôi

Thứ năm, ngày 28

Người đã cho cậu bé miền Nam cái tem thơ hôm trước là người bạn mà tôi thích hơn hết. Anh lớn nhất lớp, đầu to vai rộng, năm nay gần 14 tuổi, tên gọi Garônê. Anh rất tử tế, coi miệng cười thì biết. Ngoài anh Garônê tôi còn quen nhiều bạn nữa.

Anh Côretti là một bạn mau mắn và vui vẻ, tôi rất ưa mến. Anh thường mặc cái áo nịt bằng da rái cá và đội cái mũ nồi bằng da mèo. Anh là con một người hàng củi. Cha anh đã từng đầu quân trong cuộc chiến tranh năm 1866 và nhập vào đội quân của Hoàng thân Umbertô. Người ta nói cha anh đã được ba tấm huy chương. Cạnh anh Côretti là anh Nenli, lưng gù, người coi yếu đuối mảnh dẻ và anh Vôtini một người học trò phục sức rất sang và có tính hay làm dáng.

Đầu bàn nhì, có một cậu bé mặt tròn, mũi dẹp mà anh em thường gọi đùa là "chú phó nề" vì cha cậu làm nghề ấy. Cậu có cái biệt tài là "nhăn mõm thỏ" làm cho ai nấy phải bật cười, vì thế anh em hay bắt cậu làm trò để đùa nghịch với nhau. Cậu lại có cái mũ rất mềm thường vo viên bỏ túi như chiếc mùi xoa.

Cạnh "chú phó nề" là anh Garôphi, người gầy gò mũi khoằm, mắt bé. Lúc nào anh cũng bán chác nào bút, diêm, nào tranh, ảnh cho bạn. Anh lại hay chép bài học vào móng tay để đọc, anh khôn khéo đến nỗi không bao giờ thầy bắt gặp.

Gần đấy lại còn một cậu bé coi bộ khinh khỉnh là cậu Carlô Nobitxi. Cậu ngồi giữa hai người bạn đối với tôi rất tử tế : một người là con người thợ khoá, ăn mặc vụng về, xanh xao như người ốm, coi bộ nhút nhát và buồn thiu ; người kia, tóc vàng da xanh, một cánh tay bị liệt phải đeo trước ngực. Cha cậu sang Mỹ, mẹ cậu ở nhà bán hoa quả rong.

Người ngồi bên trái tôi lại đáng chú ý hơn nữa, tức là anh Xtarđi, thân lùn cổ rụt, ít nói và hay cáu. Anh không thông minh mấy nhưng rất chú ý đến lời thầy giảng, anh nghe không dám cựa, mắt thẳng, trán cau, miệng mím. Ai hỏi anh trong lúc thầy đang cắt nghĩa, nhất định anh không trả lời, vô phúc hỏi đến lần thứ hai là bị anh đạp luôn cho mấy cái ...Và anh vẫn không hé răng.

Cạnh anh là Phranti, một tên rắn mặt và gớm guốc, hình như đã bị đuổi ở trường làng.

Lại còn hai em nhà nọ, ăn mặc như nhau và cùng đội mũ gài lông trĩ, trông giống nhau như đúc.

Người tử tế hơn hết, thông minh hơn hết, người chắc chắn sẽ được phần thưởng thứ nhất, ai cũng biết được là anh Đêrôtxi.

Anh Prêcôtxi con người thợ khoá nói trên, thực là một người học trò đáng thương hại. Theo lời người ta nói thì anh thường bị cha đánh đập luôn, đến nỗi anh thành ra người dút dát, mỗi khi hỏi ai hay lỡ chạm phải ai là anh "xin lỗi" luôn miệng và nhìn người ta bằng đôi mắt hiền lành và buồn bã.

Trong ngần ấy người bạn, theo ý tôi, thì anh Garônê là người tốt hơn cả.

6.- Lòng hào hiệp

Thứ tư, ngày 26

Sáng nay, chúng tôi vừa vặn có dịp xét đoán anh Garônê.

Giờ vào lớp, ông Perbôni chưa có đấy, ba bốn cậu đang thi nhau chế giễu anh Crôtxi khốn nạn - tức là cậu bé tóc vàng, tay liệt, con bà bán hoa quả. - Họ lấy thước đánh cậu, lấy vỏ hạt dẻ ném cậu, họ gọi cậu là con quỉ què và mếu máo giả cách làm người liệt tay. Ngồi trơ một mình ở đầu ghế, cậu thẹn thùng và đưa mắt nhìn người nọ, người kia như để van lơn họ khỏi hành hạ mình. Được thể, bọn học trò càng làm già. Cậu phẫn uất quá, máu đưa lên cổ và phát run người. Thình lình, Phranti, một đứa học trò mặt xấu như khỉ, đứng lên ghế, khuỳnh hai cánh tay như người khoác hai cái giỏ, bắt chước bộ tịch mẹ cậu Crôtxi những khi đứng đợi con ở cửa trường. (Đã mấy hôm nay, bà không đến đón con vì bị ốm). Coi tấn tuồng câm ấy học trò cười ầm cả lên. Crôtxi điên tiết, vồ ngay lọ mực trước mặt ném Phranti, Phranti né mình, lọ mực trúng giữa ngực ông Perbôni ở ngoài bước vào.

Mọi người hết vía, chạy trốn về chỗ và ngồi im thin thít.

Thầy giáo lên bục cau mày hỏi :

_ Ai ném lọ mực ?

Chẳng ai hé răng.

Thầy gắt :

_ Ai ? Ai ném ?

Lúc ấy bị kích thích vì lòng thương bạn, anh Garônê đứng dậy nói quả quyết :

_ Thưa thầy, con.

Thấy mọi người sửng sốt về câu trả lời ấy, thầy hiểu ngay và ôn tồn nói :

_ Không. Không phải con.

Xong thầy lại nói :

_ Ai trót dại đứng lên thú nhận, ta sẽ tha.

Crôtxi đứng lên nói :

_ Thưa thầy, các anh ấy chọc con, đánh và chửi con... Con mất trí... Con trót ném...

_ Thầy nói tiếp :

_ Cho ngồi xuống. Bây giờ đến lượt những kẻ sinh sự đứng lên.

Bốn anh trong bọn khiêu khích đứng dậy, cúi đầu.

_ Thầy mắng :

_ Các anh đã vô cớ lăng mạ một người bạn không trêu chọc các anh. Các anh đã chế giễu một người tàn tật. Các anh đã xúc phạm một đứa trẻ yếu đuối không tự vệ được. Các anh đã làm một điều hèn hạ đáng xấu hổ, một điều có thể làm nhơ nhuốc đến phẩm giá của con người, các anh là những đồ đê tiện !

Nói xong thầy xuống giữa lớp, lại chỗ anh Garônê ngồi. Thấy thầy đến, anh cúi đầu. Ông Perbôni để tay xuống dưới cằm nâng mặt anh lên, nhìn thẳng vào hai mắt anh và nói :

_ Con có một trái tim cao thượng đáng khen !

Anh Garônê nhân dịp ấy cúi vào tai thầy nói nhỏ mấy câu. Lập tức thầy quay lại chỗ 4 kẻ tội nhân và đột nhiên bảo :

_ Thôi ! Tha cho các anh.

7.- Trên rầm thượng. (1)

Thứ sáu, ngày 28

Chiều hôm tôi và em Xinvya cùng đi với mẹ tôi đem quần áo cho một người đàn bà nghèo mà người ta đã mách trong một tờ báo. Tôi mang gói, em tôi đã ghi sẵn tên tắt và địa chỉ người đàn bà ấy ra mảnh giấy cầm tay. Chúng tôi leo lên gác thượng một toà nhà cao lắm. Tới nơi, chúng tôi thấy một hành lang dài, hai bên có những căn phòng liên tiếp nhau. Mẹ tôi gõ cửa buồng cuối cùng. Một người đàn bà còn trẻ mặt bủn vóc vầy ra mở cửa. Trông cái khăn vuông trùm trên đầu, tôi nhớ hình như đã gặp bà này ở đâu thì phải.

Mẹ tôi hỏi :

_ Có phải bà là người mà người ta đã mách trên báo?

_ Thưa bà vâng, chính chúng tôi.

_ Đây, tôi mang lại cho bà ít quần áo.

Người đàn bà nghèo khó kia cám ơn chúng tôi mãi không thôi.

Lúc ấy, tôi trông thấy trong một góc nhà không đồ đạc và tối mò, có một cậu bé quay lưng ra phía chúng tôi. Cậu quì trước một cái ghế hình như đang mãi viết. Giấy để trên mặt ghế mà lọ mực thì dưới sàn. Không biết cậu ta làm thế nào mà viết được trong xó tối như vậy.

Tôi đang tự hỏi thế, chợt trông thấy mớ tóc vàng hoe và cái áo dài lụng thụng, tôi nhận ra ngay anh Crôtxi, con bà bán hoa quả, tức là cậu bé liệt tay. Tôi bảo sẻ mẹ tôi, trong lúc mẹ anh đang gỡ gói quần áo.

Mẹ tôi bấm :

_ Im, đừng gọi, cậu ấy sẽ ngượng chăng.

Nhưng, ngay lúc ấy Crôtxi quay ra ; tôi bối rối, anh mỉm cười với tôi. Mẹ tôi liền đẩy tôi lại. Anh giơ hai tay chạy ra. Tôi liền ôm lấy anh hôn.

Mẹ anh nói :

_ Thưa bà, bà đã rõ, nhà chỉ có mình cháu với tôi. Cha cháu đi sang Mỹ đã sáu năm nay, không may vừa rồi tôi lại bị ốm không đi hàng được, phải bán dần đồ đạc để ăn. Cả đến cái bàn viết của cháu cũng không còn. Đèn đuốc cũng thiếu, cháu phải học mò trong bóng tối rất hại mắt. Nhưng cũng may là tôi còn có thể cho cháu ra trường và cháu được sách vở phát không. Thương hại cho cháu! Cháu chịu khó lắm! Có khi nhịn đói đi học. Thưa bà, tình cảnh chúng tôi thật là khổ sở quá !...

Mẹ tôi lấy tất cả tiền trong ví bỏ vào tay người đàn bà khốn khổ, hôn anh Crôtxi rồi dân dấn nước mắt trở ra.

Về nhà, mẹ tôi khuyên tôi rằng :

Con ơi! Con hãy trông gương đứa trẻ nghèo khổ ấy đã phải học hành trong cảnh thiếu thốn và khó khăn. Về phần con, con có đủ mọi thứ cần dùng mà đôi khi con còn kêu sự học vất vả. Này ! Enricô ơi ! Một ngày làm việc của Crôtxi còn đáng công hơn cả một năm học của con. Chính những hạng học trò ấy phải cho phần thưởng danh dự mới phải.

Cha tôi đã nghe được những lời mẹ tôi khuyên bảo tôi, vì thế ngay chiều hôm ấy, tôi thấy để trên bàn viết của tôi lá thư sau này :

----------------------------------

(1) Ở bên Âu, những dân nghèo thường phải thuê nhà ở trên rầm thượng, tức là tầng gác sát mái nhà, cho được rẻ tiền.

8.- Học đường

Thứ sáu, ngày 28

" Enricô con ơi! Việc học đối với con hình như khó nhọc, mẹ con nói phải đấy. Cha chưa bao giờ trông thấy con đi học với cái dáng quả quyết và nét mặt hớn hở như cha mong muốn ! Con thử tưởng tượng nếu con ngồi không ở nhà thì ngày giờ của con sẽ trống trải biết là dường nào ! Cha chắc chỉ trong vòng một tuần lễ là con lại muốn trở lại nhà trường. Con ơi ! Hiện thời, không một đứa trẻ nào là không đi học. Con hãy nghĩ đến những người thợ làm lụng cặm cụi cả ngày, tối đến còn phải cắp sách đi học, những cô thiếu nữ suốt tuần lễ bị giam giữ trong xưởng, chủ nhật đến cũng rủ nhau đi học, những binh lính hết giờ luyện tập cũng đem ra học, viết. Cho đến những trẻ mù, trẻ câm, chúng cũng đều học cả.

Mỗi buổi sáng, lúc con ra trường, con hãy nghĩ cùng giờ ấy, trong thành phố ta có tới 3 vạn đứa trẻ cũng như con đi "chầu" lớp học trong ba tiếng đồng hồ để được mở mang trí tuệ. Con lại nghĩ : xấp xỉ giờ này, con trẻ trong các nước trên hoàn cầu đều đi học cả. Con hãy tưởng tượng những trẻ lếch thếch trên những đường hẽm nhà quê, rảo bước trong các phố phường huyên náo, dưới bầu trời oi ả hay trong cơn mưa tuyết lạnh lùng : chúng đi thuyền ở những xứ lắm sông ngòi, cưỡi ngựa qua những cánh đồng mông quạnh, hoặc ngồi "xe trượt" trên những bãi băng giá lanh. Chúng xuống lũng, lên đồi, chúng xuyên rừng lội suối, chúng vượt qua những ngọn đồi hẻo lánh hoang vu. Ăn mặc hàng nghìn lối khác nhau, nói bằng trăm thứ tiếng khác nhau, chúng đi một mình hay lũ năm lũ ba, sách cắp trong tay hay cặp đeo dưới nách.

Từ ngôi trường cùng tột lấp trong ánh tuyết nước Nga cho tới nóc trường hẻo lánh lẩn trong khóm gồi xứ Ả rập, có tới hàng triệu triệu đứa trẻ cùng học một điều bằng những thể thức khác nhau.

Con lại tưởng tượng cái tổ kiến học sinh ấy gồm có hàng trăm dân tộc khác nhau và cái trường hoạt động ấy, con có cái hân hạnh dự phần rồi con tự nhủ : ví phỏng một mai sự hoạt động ấy ngừng hẳn thì nhân loại sẽ trở lại đời mọi rợ, sẽ sa vào cõi tối tăm, sự hoạt động ấy là sự tiến bộ, là mối hy vọng, là ánh sáng vinh quang của thế giới vậy.

Cố lên ! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia ! Cố lên ! Con ơi ! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cứu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát. "

9.- Lòng yêu nước của cậu bé thành Pađôva (1)

(Truyện đọc hàng tháng)

Thứ bảy, ngày 29.

Không, không bao giờ tôi chịu làm tên lính hèn nhát. Nếu ngày nào thầy giáo cũng kể cho tôi nghe như câu chuyện sáng nay thì có lẽ không bao giờ tôi muốn nghỉ học. Theo lời thầy thì mỗi tháng sẽ có một truyện mà truyện nào cũng nói về những thủ đoạn phi thường của một đứa trẻ con.

"LÒNG YÊU NƯỚC CỦA CẬU BÉ THÀNH PAĐÔVA" đó là đầu đề câu chuyện sáng nay.

Năm trước, một chiếc tàu Tây Ban Nha dời bến Bardêlôna (2) để đi Giênôva (3). Trên tàu, trừ người Tây Ban Nha, còn có một ố người Pháp, người Italia, người Thuỵ Sĩ, và nhiều người khác nữa. Trong bọn hành khách người ta nhậnthấy một đứa trẻ độ 11 tuổi, ăn mặc nhơm nhếch, đứng riêng một chỗ và nhìn những người kia bằng đôi mắt hầm hầm. Nó nhìn như thế cũng không phải hẳn là không có cớ. Cha mẹ nó là nông dân ở gần Pađôva, cố nhiên là nghèo túng, hai năm trước vì tham tiền đã cho nó đi ở với một người chủ xiếc rong. Người này dạy nó một vài món nhảy, lộn rồi bắt nó theo sang Pháp và Tây Ban Nha. Nó bị hành hạ luôn tay và ăn uống không đủ.

Đến thành Bardêlôna, không thể chịu được cái đời sống khổ ải ấy nữa, đứa trẻ khốn nạn liền trốn chủ đến cầu cứu viên lãnh sự Italia. Động mối thương tâm, viên lãnh sự xin cho nó một chỗ trong tàu nói trên và cho nó một lá thư giới thiệu cùng ông thị trưởng thành Giênôva nhờ ông trả về cho cha mẹ nó, là người đã bán nó như một con vật. Thằng bé còm gầy yếu đuối và mặc bộ quần áo rách. Người ta cho nó ngồi phòng hạng nhì. Hành khách ai cũng nhìn nó, có người hỏi nó song nó không trả lời. Nó có vẻ căm ghét mọi người vì những sự khắc khổ và hành phạt đã làm cho nó oán hận và không có cảm tình. Tuy nhiên, có ba người hành khách đã khéo làm cho nó hé răng. Nó kể chuyện nó bằng tiếng Italia pha giọng Tây Ban Nha. Ba người khách kia không phải là dân Italia nhưng cũng thương nó, cho tiền để nó nói chuyện, nghe cho đỡ buồn. Đồng thời, có mấy thiếu phụ đi qua, ba ông quí khách hãnh diện ném thêm tiền xuống bàn loảng xoảng và nói : "Cầm lấy ! Cầm lấy nữa này !"

Đứa bé sung sướng, vơ tiền bỏ túi, cảm ơn rồi vào phòng. Nó buông màn cửa xuống ngồi yên lặng và nghĩ đến những việc nó sẽ phải làm.

Nó nghĩ : với số tiền ấy, nó sẽ được ăn no, không phải thèm nhạt như trước. Khi tới Giênôva, nó sẽ sắm một bộ cánh mới để thay bộ quần áo nó đeo hai năm trời nay, rách như tổ đỉa. Nó lại định để ra một ít tiền đem về cho cha mẹ, chắc là được săn đón và quí hoá hơn là về tay không. Số tiền ấy đối với nó là một món tiền to. Ngồi sau rèm cửa, nó trừ đi tính lại và trong lòng thấy khoan khái nhẹ nhàng.

Lúc ấy, ba người khách nói trên đang ngồi ở buồng ăn, quây quần uống rượu và nói chuyện về những cuộc du lịch của mình cùng phong tục những nước đã đi qua. Tình cờ, câu chuyện nhằm vào nước Italia. Một người bắt đầu phàn nàn về khách sạn, người chê về xe lửa. Cuối cùng, rượu say, họ thi nhau nói xấu tất cả những gì thuộc về nước Italia. Người thứ nhất nói biết thế, họ sẽ di du lịch xứ Lappôn (4) (ở cực bắc châu Âu) còn hơn sang nước Italia. Người thứ nhì nói quả quyết rằng ở Italia hắn gặp toàn thị những phường quỷ quyệt và những quân cường đạo. Người thứ ba nói thêm rằng :

_ Những người tùng sự nước Italia không biết chữ.

Người thứ nhất nói :

_ Đó là một dân tộc ngu dốt !

Người thứ nhì tiếp :

_ Bẩn thỉu !

_ Và ăn ...

Người thứ ba định nói câu "ăn cắp" nhưng chưa dứt lời thì một trận mưa toàn tiền vàng và bạc hắt vào mặt những người ấy rơi tung toé xuống bàn và trên sân. Ba người hầm hầm đứng dậy xem trận mưa dữ ấy ở đâu ra thì lại bị ném thêm.

Cậu bé thành Pađôva vén rèm thò đầu ra thét bằng giọng khinh bỉ :

_ Cầm lại tiền của các người. Ta không thèm nhận của bố thí của những người kẻ đã lăng mạ nước ta.

--------------------------------

Chú thích : (1) Padoue. (2) Barcelone. (3) Gênes. (4) Laponie.

10.- Em bé quét mồ hóng

Ngày mồng một tháng mười một

Chiều qua tôi sang trường Nữ Học để đưa cho cô giáo em Xynvya bản tiểu truyện "Cậu bé thành Pađôva" mà cô muốn xem. Trong trường có tới 700 nữ sinh. Khi tôi đến học trò đang ra về, ai nấy đều hớn hở vì được nghỉ mấy ngày nhân dịp lễ "Chư Thánh".

Đối cửa trường, bên kia đường cái, có một đứa bé quét mồ hóng, chân tay quần áo đen thủi, đứng quay vào tường, gục đầu vào cánh tay khóc nức nở.

Hai ba cô học trò lớp hai lại gần hỏi tại sao, nhưng nó cứ khóc và không trả lời.

Bọn học trò lại hỏi :

_ Anh có việc gì? Sao lại đứng đây mà khóc?

Nó bèn nhấc cánh tay để lộ một gương mặt hiền lành và nói đi quét mồ hóng từ sáng đến lúc ấy được 3 hào, vô ý bỏ vào túi thủng, tiền rơi mất cả. Nó không dám về sợ chủ đánh.

Nói xong lại tru lên khóc và gục mặt vào cánh tay như một kẻ chán đời.

Lũ học trò bé quay lại nhìn nhau, cho là quan trọng lắm. Một bọn khác cũng xúm lại : bé có ,lớn có, con nhà nghèo, con nhà giàu có, thẩy đều cắp cặp trong tay. Một cô trong bọn, người đã lớn và trên mũ có gài chiếc lông xanh, móc trong túi ra hai xu, bảo chị em :

_ Tôi còn có hai xu. Chúng ta quyên vậy.

Cô áo đỏ nói :

_ Tôi cũng có hai xu. Trong bọn ta, làm gì lại chả thu được ba hào.

Nói xong, hai cô hô hào :

_ Chị Amêlya, chị Lighya, chị Anna ơi ! Mỗi chị một xu! Chị nào có xu nữa không?

Mấy cô đem tiền định mua vở và mua hoa, thấy thế cũng vui lòng bới ra cho. Vài em bé cho cả tiền kẽm. Cô mũ gài lông xanh nhặt tiền và đếm to :

_ Tám , mười, mười lăm ! Còn thiếu nhiều !

Một thiếu nữ nghiêm trang có lẽ là cô trợ giáo đi qua thấy thế, cho một hào. Cả bọn đều vỗ tay. Còn thiếu năm xu nữa.

Một em bé reo :

_ Kìa các chị lớp bốn đã đến, các chị ấy có nhiều xu !

Quả nhiên, bọn học trò lớp bốn đến và bỏ nhiều tiền. Bấy giờ, có tới trăm cô nữ sinh đứng xúm xít vòng trong vòng ngoài, vây chặt đứa bé, bày ra một cảnh đẹp mắt vô cùng : Một cậu bé lọ lem điểm giữa các cô gái xinh tươi, làn tóc phất phơ , áo mầu rực rỡ.

Ba hào đã đủ, nhưng tiền vẫn ném vào. Mấy em bé không tiền cũng cố len vào cho vài chùm hoa vì các em cũng muốn dự vào việc phúc.

Chợt người gác trường kêu to :

_ Bà Đốc !

Các cô chạy tán toạn như một đàn chim sẻ bay vù.

Còn trơ lại thằng bé quét mồ hóng đứng lau nước mắt. Hai tay nó không những đầy xu mà ở khuy áo, miệng túi và trên mũ còn giắt bao nhiêu là hoa ! Tiền nhiều, hoa đẹp, cậu bé bây giờ thấy mình sung sướng như một ông Hoàng, vừa đi vừa hát !...

11. Người bán than và ông quý phái

Thứ hai, ngày mồng 7

Carlô Nôbix lúc nào cũng kiêu hãnh vì sinh ra ở nơi quyền quý và giàu có. Cha anh vẻ người phong nhã, đứng đắn, trán rộng, râu đen, thường đưa anh đến trường.

Sáng qua, Carlô cãi nhau với Betty là con một người bán than. Cũng lý, anh chẳng tìm được lời gì, phát cáu nói :

_ Bố mày là đồ bần tiện !

Betty đỏ mặt, không nói được nữa, nước mắt chạy quanh.

Trưa về, Betty kể lại cho cha hay. Buổi chiều, ông bố lập tức ra trường phàn nàn với thầy giáo. Ông ta đang phân trần thì theo lệ thường, ông Nôbix cũng vừa đến cổng và cởi áo khoác cho con. Nghe thấy có người nói đến tên mình, ông tiến vào xem có việc gì.

Ông Perbôni nói :

_ Kìa ông Nôbix đã đến ! Vừa khéo ! Ông này đang đến phàn nàn vì Carlô đã mắng con ông ấy bằng câu "Bố mày là đồ bần tiện!"

Ông Carlô cau mày và hơi đổi sắc mặt, quay lại hỏi con :

_ Có thực con đã nói thế ?

Carlô đứng ngây như gỗ, cúi đầu im lặng.

Ông Carlô xin phép dắt con đến chỗ Betty và bảo :

_ Con xin lỗi anh Betty đi !

_ Thưa ngài xin thôi !

Người hàng than nói thế và toan chạy vào ngăn lại, nhưng ông quý phái không nghe, cứ bắt con xin lỗi :

_ Con nhắc lại câu này : Anh Betty ơi ! Tôi xin lỗi anh về lời bất nhã và vô ý thức mà tôi đã chót nói phạm đến cha anh, người mà cha tôi rất lấy làm hân hạnh được bắt tay.

Không dám ngẩng mặt, Carlô cứ nguyên văn nhắc lại những câu cha vừa dạy bằng giọng thấp.

Rồi ông Nôbix đưa tay cho người bán than bắt một cách rất nồng nàn.

Bắt tay xong "Bá tước" quay lại nói với thầy giáo.

_ Thưa ngài, xin ngài làm ơn cho hai đứa trẻ này ngồi liền nhau.

Ông Perbôni đặt luôn Betty ngồi cạnh Carlô. Khi chúng đã yên chỗ, ông Carlô chào và trở ra.

Ông hàng than đứng lại một lúc, bâng khuâng, do dự. Ông ngắm hai trẻ ngồi sánh vai nhau, rồi chẳng nói chẳng rằng, ông chạy lại toan ôm lấy Carlô, song đến nơi ông bỗng dừng lại, đành lấy bàn tay chuối hột sẻ vuốt tóc anh Carlô rồi ra thẳng.

Thầy giáo bảo chúng tôi :

_ Các con hãy nhớ lấy tấn kịch mà các con vừa xem. Đó là một bài học hay nhất trong năm.

12. Mẹ tôi

Thứ năm, ngày mồng 10

Sáng nay cô giáo Đencati lại chơi, cha tôi nhận thấy tôi đã nói một câu vô lễ với mẹ tôi. Vì thế cha tôi răn tôi bằng lá thơ sau này, đọc rất cảm động.

" Trước mặt cô giáo của em con, con đã tỏ ra vô lễ với mẹ con. Enricô ơi ! Lần sau không được thế nữa ! Thái độ hỗn hào của con đã xuyên thấu trái tim cha như một mũi dao. Cha còn nhớ mấy năm trước đây, mẹ con đã thức suốt đêm ở cạnh giường con, nghe hơi con thở, mẹ con đã lo lắng võ người và mỗi khi nghĩ đến nỗi phải "bỏ" con thì lại sụt sùi. Con ơi ! Con nên nghĩ đến những lúc ấy và không nên tệ với mẹ con, một người mẹ sẽ sẵn lòng đem một năm hạnh phúc của mình để chuộc một giờ đau đớn cho con, một người mẹ sẽ vui lòng đi ăn xin để nuôi con và sẵn lòng hy sinh tính mệnh để cứu con sống ! Con ơi ! Trong đời con, con sẽ có những ngày buồn rầu, thảm đạm, nhưng cái ngày buồn thảm nhất, chính là ngày con mất mẹ con.

Rồi đây, con sẽ trưởng thành, những cuộc phấn đấu sẽ rèn con nên người mạnh mẽ. Con sẽ không bao giờ quên được hình ảnh mẹ con và con sẽ ước gì lại được nghe thấy tiếng êm ái và trông thấy nét mặt hiền từ của mẹ con, ví dù lớn đến mực nào, khoẻ đến mực nào, con vẫn thấy là một đứa trẻ chơ vơ và yếu đuối. Con sẽ hồi tưởng lại những lúc đã làm cho mẹ con phải mếch lòng mà con buồn. Lòng hối hận sẽ cắn rứt con. Hình ảnh dịu dàng và từ ái của mẹ con sẽ làm cho con thêm rầu rĩ. Con nên nhớ rằng lòng hiếu thảo là một bổn phận thiêng liêng của con người. Kẻ nào giày xéo lên chữ hiếu là kẻ khốn nạn. Quân giết người nếu biết tôn kính cha mẹ, cũng còn một điểm thành thực trong tâm ; con người dù sang trọng tuyệt vời, nếu làm rầu lòng mẹ, xúc phạm đến mẹ, cũng là kẻ không có nhân cách.

Enricô ơi ! Con van mẹ con đi, để mẹ con hôn con cho cái hôn ấy xoá sách vết vô ơn ở trên trán con. Con ơi ! Lòng cha vẫn yêu con, vì con là mối hy vọng quý báu nhất đời của cha, nhưng cha thà không con còn hơn là có đứa con ở bạc với mẹ !"

Cha con.

13.- Học trò nghèo

Chủ nhật, ngày 13

Cha tôi đã thứ lỗi cho tôi rồi, nhưng lòng tôi vẫn buồn nên chiều nay mẹ tôi cho tôi đi chơi với người gác cổng.

Khi chúng tôi đi qua một cái xe bò đỗ trước một cửa hàng kia, tôi thấy có tiếng người gọi tôi. Quay lại thì ra anh Côretti bạn học tôi. Anh mặc cái áo dài da rái cá và đội cái mũ nồi da mèo. Mồ hôi ướt đầm nhưng nét vui tươi vẫn lộ trên khuôn mặt, anh đang vác trên vai một bó củi nặng. Một người đàn ông đứng trên xe chuyển củi cho anh mang vào hàng. Anh xếp đống rồi lại ra xe. Tôi hỏi :

_ Anh làm gì thế ?

Anh vỗ vào bó củi trên vai, đáp :

_ Anh coi đây thì rõ. Tôi vừa làm vừa học bài anh ạ.

Rồi anh vai vừa vác củi, miệng vừa lẩm bẩm :

_ Người ta gọi sự biến hoá của tiếng động từ là những sự thay đổi của tiếng ấy về số, và về các ngôi...

Anh vừa ném cùi vào đống vừa đọc :

_ Tuỳ theo thì của việc làm...

Rồi lộn ra xe lấy củi, anh đọc tiếp :

_ Và tuỳ theo cách của việc làm ...

Đó, anh học bài văn phạm để đọc hôm sau.

Anh hỏi tôi :

_ Anh xem tôi lợi dụng thời giờ như thế có được không? Cha tôi và người ở thì đi giao hàng, mẹ tôi thì ốm, tất đến việc tôi phải dở xe củi. Tuy nhiên, việc làm vẫn không ngăn trở việc học bài. Hôm nay chúng ta phải bài khó quá ! Tôi nhai mãi không thuộc.

Anh quay lại nói với người kéo xe bò :

_ 7 giờ cha tôi về bác sẽ đến lấy tiền.

Người đánh xe đi. Anh rủ tôi :

_ Anh vào chơi với tôi một tí.

Tôi vào trong một gian rộng xếp đầy củi thanh và củi bó, cạnh cửa có một cái cân.

Anh nói tiếp :

_ Hôm nay nhà tôi bận rộn quá. Tôi phải làm bài từng câu vụn, từng đoạn con. Lúc nãy, đang viết thì có người gọi mua hàng... Bán xong, vào vừa cầm bút thì người xe củi đến. Từ sáng đến giờ tôi đã ra chợ củi ở bãi Vênêzya hai lần rồi. Chân mỏi quá mà tay thì phồng lên. Bây giờ mà phải vẽ thì đến chịu.

Anh vừa nói vừa quét những lá khô rải rác trên thềm.

Tôi hỏi :

_ Anh làm bài ở chỗ nào ?

_ Ở trong này. Anh vào coi.

Anh đưa tôi vào gian sau cửa hàng là chỗ vừa làm buồng ăn vừa làm bếp. Trong một góc có cái bàn trên bày mấy quyển sách và vở bài đang làm dở. Anh nói :

_ Câu hỏi thứ hai hiện còn bỏ trống : Người ta dùng da thuộc để làm giày dép, cương ngựa...

Bây giờ tôi viết thêm : làm vali.

Rồi anh cầm bút viết chữ rất tốt.

Chợt có tiếng hỏi ở ngoài hàng :

_ Có ai bán hàng không ?

Đó là một người đàn bà đến mua củi.

_ Có ! Tôi đây.

Anh vội thưa, chạy ra cân củi, nhận tiền, biên sổ rồi vừa trở vào vừa nói một mình :

_ Không biết họ có để yên cho mình làm hết bài không ?

Xong anh ngồi viết nối : làm hòm, làm túi đạn.

Viết đến đây anh hốt hoảng kêu :

_ Chết ! Hỏng cả ấm cà phê !

Rồi anh chạy lại lò, nhắc ấm ra, nói :

_ Đây là cà phê của mẹ tôi, anh ạ. Hai ta cùng mang vào đi ! Thấy anh chắc mẹ tôi sẽ vui lòng... A ! Tôi còn phải biên thêm gì nữa ở dưới chữ : túi đạn không ? Kể thì còn nhiều thứ nữa, nhưng tôi chưa kịp nghĩ ra... Mời anh vào đây...

Bạn tôi mở cửa, chúng tôi vào chỗ mẹ anh nằm. Bà nằm trên một cái giường rộng đầu bịt khăn vuông trắng.

_ Thưa mẹ, cà phê đây ạ.

Nói xong, anh đưa mắt chỉ tôi và nói :

_ Đây là bạn học của con.

Bà nói :

_ Quí hoá quá ! Đến thăm kẻ ốm là một điều hay cậu ạ.

Anh Côretti nắn lại gối, kéo lại chăn cho mẹ, thêm lửa trong lò và đuổi con mèo ngồi chồm hổm trên mặt tủ. Mẹ uống xong, anh đỡ chén và hỏi :

_ Mẹ không cần gì nữa chứ ? Mẹ đã uống hai thìa thuốc ho chưa ? Dùng hết, con sẽ ra hiệu lấy. Củi đã xếp đầu vào đấy cả rồi. Đến bốn giờ con sẽ nướng thịt như lời mẹ dặn và khi nào người hàng mỡ đi qua, con sẽ trả 8 xu. Thưa mẹ, mẹ cứ yên tâm. Mọi việc con sẽ làm chu đáo cả.

Bà hàng than nói :

_ Ngoan lắm ! Con tôi chẳng sót việc gì. Tội nghiệp !...

Nhân tiện anh Côretti lại chỉ cho tôi xem bức ảnh cha anh treo ở tường, ông vận nhung phục, ngực dính Quận công bội tinh, khuôn mặt giống anh như đúc, mắt sáng, miệng tươi.

Chúng tôi lộn ra phòng ăn. Côretti bỗng reo to :

_ Tôi tìm thấy rồi !

Rồi anh chạy lại biên thêm vào vở bài : người ta cũng làm yên ngựa bằng da nữa.

Anh nói tiếp :

_ Thôi, còn mấy câu hỏi nữa để đến khuya sẽ làm... Anh Enricô ơi ! Anh sung sướng quá, anh có đủ thời giờ học, viết và thời giờ đi chơi.

Luôn luôn vui vẻ và lanh lẹ, anh đưa tôi ra ngoài hàng. Anh lấy những thanh củi đặt lên bàn, cưa mỗi thanh hai nhát đứt đôi. Rồi anh bảo tôi :

_ Đây là ngón võ khoẻ gấp vạn món thể thao "co và duỗi cánh tay" ! Tôi muốn cắt hết đống củi này trước khi cha tôi về, tất cha tôi sẽ hài lòng lắm ; nhưng khốn thay sau buổi kéo cưa như thế những chữ t và l tôi sẽ viết ra hình rắn cả, đúng như lời thầy giáo thường kêu. Nhưng tôi biết làm thế nào? Tôi sẽ thú thực với thầy : "Con vận động cánh tay nhiều quá, ngón tay thành ra tê cả!" Điều đó không ngại. Bây giờ tôi chỉ mong sao cho mẹ tôi chóng khỏi. Nhờ giời ! Hôm nay mẹ tôi đã khá nhiều ! Còn bài văn phạm, đến mai tôi sẽ dậy sớm học cũng kịp. A ! Kìa xe than đã về, tôi phải ra.

Một xe bò chất đầy bao đen đỗ trước cửa hàng. Anh chạy ra nói chuyện với người đánh xe xong, lộn vào bảo tôi :

_ Bây giờ tôi không thể giữ anh được nữa. Đến mai nhá ! Cảm ơn anh đã tạt vào thăm tôi. Tôi chúc anh đi chơi được vui vẻ, anh Enricô sung sướng của tôi !

Bắt tay tôi xong, anh chạy ra cõng từng bì than một, từ xe vào hàng, rồi lại từ hàng đi ra, nét mặt tươi tỉnh dưới chiếc mũ da mèo, ai trông thấy cũng phải chú ý.

" Enricô sung sướng"! - Lời bạn đã tặng tôi. - Nhưng không, anh Côretti bạn quí của tôi ơi ! Không ! Chính anh mới là người sung sướng vì anh vừa làm vừa hoc, và anh có ích cho cha mẹ hơn tôi, vì anh đảm đang và giỏi gấp trăm tôi !

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #gautruckaka