🐢 Chương 9: Chồn chúc Tết rùa
Bóng câu vụt qua khe cửa*, đông tàn, nắng toả gọi xuân.
*白驹过隙 (bạch câu quá khích: Con ngựa trắng khỏe mạnh phi nhanh vút qua bên ngoài khe cửa): thời gian trôi nhanh, chỉ thoáng qua như cái chớp mắt. (1. Xem thêm ở cuối chương)
Trong ánh dương chính ngọ*, băng tan tuyết chảy, loang loáng dưới những vũng nước đọng là từng mảng đất nâu.
*Chính ngọ: 12h trưa
Khi Ngôn Càn bước vào phòng ấp, trên người còn mang theo chút se lạnh cuối đông hoà lẫn với mùi nắng mới đầu xuân.
Hắn theo thói quen chào hỏi Ngôn Vũ trước, rất trách nhiệm làm người canh gác thay cho nàng. Chờ đến khi Ngôn Vũ rời đi, hắn lập tức quay người lại, nhắm trúng vị trí chính giữa giường sưởi.
Ngôn Càn cười tủm tỉm, đưa tay xách hai nách Ngôn Lạc Nguyệt, nhấc lên cao, lắc qua lắc lại như chơi búp bê.
"Khà khà, ca ca tới rồi này! Hôm nay Lạc Nguyệt muốn ăn cái gì nào?"
Ngôn Lạc Nguyệt chậm rãi nhả chữ nhưng vẫn không ngăn được chất giọng trẻ con non nớt: "Ăn trái cây ạ."
"Ừ, được nha, vậy thì ăn trái cây." Ngôn Càn đồng ý, rồi như thể đang làm ảo thuật mà móc từ trong ngực ra một quả táo to.
"Hay là ăn thêm chút cháo trùng nhé? Ta thấy dạo này muội ăn bột trùng tuyết không đủ no, nên hôm nay đổi sang nửa chén cháo thanh trùng được không?"
Ngôn Lạc Nguyệt: "......"
Nghe xong những lời này, Ngôn Lạc Nguyệt nhắm chặt mắt, ngã đầu sang một bên, lập tức nằm ỉu xìu trong tay Ngôn Càn tựa một chiếc bánh rùa bình an*.
*Tạm hiểu: chỉ còn cái xác không hồn như cái bánh, đã lên đường bình an, thanh thản. (2. Xem thêm ở cuối chương)
Ngôn Càn bị bộ dáng chán sống của nàng chọc cười:
"Được rồi, hôm nay chúng ta không ăn cháo, ca ca làm cá đù chiên vàng cho muội — kỳ quặc, trùng ăn ngon như vậy mà tại sao từ nhỏ muội đã không thích ăn?"
Ngôn Lạc Nguyệt đau đớn lắc đầu lia lịa, không muốn có phát ngôn gì thêm về ẩm thực truyền thống của Quy tộc.
Sau khi đặt muội muội trở lại giường đất, Ngôn Càn cầm quả táo soi dưới ánh mặt trời, khẽ thở dài:
"Mùa đông năm nay dài quá, xem này, tới cả quả táo cũng nhăn nheo."
May thay, cho dù mùa đông có dài đến mấy thì cũng sắp qua rồi.
Ngôn Càn lảm nhảm không ngừng, vừa nghiền nhuyễn táo cho Ngôn Lạc Nguyệt và đàn rùa con, vừa tự biên tự diễn.
"Có phải mấy nhóc đang tò mò tại sao chỉ có ca ca trong phòng, mấy vị mẫu thân và Ngôn Vũ tỷ tỷ đi đâu rồi, đúng không?
Trên giường, bọn nhỏ đều đang làm việc riêng.
Cụng đầu thì cụng đầu, bò vẫn tiếp tục bò, hoàn toàn không có chút hứng thú với đề tài này.
Nhưng Ngôn Càn nghiêm túc gật đầu như thể đã nhận được câu trả lời khẳng định.
"Thắc mắc đúng chỗ rồi đó. Kỳ ngủ đông năm nay của tộc ta sắp qua, tộc nhân đang lần lượt tỉnh dậy, thời gian nửa đóng cửa* cũng chuẩn bị kết thúc. Hiện tại mọi người đều đang đi hỗ trợ."
*封(Phong: phong bế/đóng kín): Khép kín, ngừng ngoại giao (liên lạc/hợp tác/làm ăn) với bên ngoài lãnh thổ/quốc gia hoặc đối với ngoại tộc. "Nửa đóng cửa" (bán phong bế): Quy tộc chỉ giảm bớt việc tiếp đón khách bên ngoài chứ không hoàn toàn cắt đứt. (Đây là giải nghĩa riêng của editor)
Nói đến đây, Ngôn Càn nhăn nhó: "Mấy nhóc có biết chỉ có ca ca là tốt nhất thôi đấy, cho nên mới xung phong đến nơi này chăm sóc mấy nhóc — khặc khặc, chờ mấy nhóc lớn rồi phải cảm ơn ca ca đó nha."
Đối với mong ước nhỏ bé này của Ngôn Càn, Ngôn Lạc Nguyệt có thể giúp hắn toại nguyện ngay bây giờ.
"Cảm ơn ca ca!"
Ngôn Càn nghe được thì cười đến mức mắt híp lại không thấy nổi mặt trời, thậm chí còn vung cánh tay đang nghiền táo càng lúc càng nhanh như chong chóng.
Hắn ưỡn ngực cực kỳ đắc ý: "Lạc Nguyệt nói chuyện rõ ràng quá, đúng là ca ca rất có thiên phú dạy chữ cho người khác."
Ngôn Lạc Nguyệt khoanh chân ngồi trên giường, uể oải chống cằm.
Quy luật phát triển của Yêu tộc có nhiều điểm không giống kiếp trước của nàng.
Khác với nhân loại, thời kỳ con non Yêu tộc cần được cha mẹ cho ăn khá ngắn, mà giai đoạn trưởng thành lại rất dài.
Dân gian có câu "bảy ngồi tám bò", nghĩa là xương trẻ sơ sinh rất mềm, phải đến tháng thứ bảy mới có thể ngồi, tháng thứ tám mới biết bò.
Hai kỹ năng này không quá phụ thuộc vào trí thông minh của đứa nhỏ, phần lớn phản ánh quy luật sinh trưởng thì đúng hơn.
Nhưng đời này sống trong xác Quy tộc, tất nhiên quy luật kia cũng không tồn tại.
Từ ngày nàng nở ra đến nay còn chưa đầy bốn tháng.
Mà lúc này, Ngôn Lạc Nguyệt không chỉ có thể chủ động hoá hình, còn nói được những câu đơn giản để giao tiếp với người khác. Ngoài ra, nàng còn dùng cơ thể trẻ con loài người để ngồi hay bò, thậm chí chẳng cần vịn vào tường cũng đi được vài bước xiêu vẹo tập tễnh.
Nếu tốc độ lớn lên này xuất hiện ở nhân gian thì quá đáng sợ.
Còn ở Quy tộc, không một ai có bất kì ý kiến gì về thay đổi chóng mặt của nàng.
Cùng lắm thì mọi người cảm thấy nàng học gì cũng nhanh, là một chú rùa nhỏ thiên tài.
Kể cũng lạ, lứa con non mới nở năm nay tuy chưa gọi là vô cùng đặc biệt đến mức như Ngôn Lạc Nguyệt, nhưng cũng là một đám rùa con thần thánh tài ba.
Ngày trước, con non Quy tộc mới nở mà muốn hoá hình người, ít nhất cũng mất nửa năm.
Nhưng có lẽ năm nay nhờ vào tấm gương Ngôn Lạc Nguyệt - làm mẫu hình người trẻ em để đám rùa con nhận ra quy luật biến hoá sớm hơn.
Hôm trước, một chú rùa mai lục (xanh lá) mở to hai mắt, kỹ càng quan sát Ngôn Lạc Nguyệt một lúc thì quay đầu "Hự —" mà biến ra một bàn tay.
Ngay ngày tiếp theo, một con rùa mai hoa khác nghiêng đầu, vươn móng vuốt nhỏ lay lay chân Ngôn Lạc Nguyệt, ra vẻ suy tư điều gì rồi đột nhiên biến ra một đoạn gót chân.
Nhóm phụ huynh trong phòng ấp vừa nhìn thấy đã vui mừng khôn xiết.
"Quả nhiên, mang Lạc Nguyệt đến đây thật đúng đắn. Nhìn xem, chỉ cần có Lạc Nguyệt ở đây, đám nhỏ này đều cố gắng học tập, mới đó đã biết hoá hình theo bộ dáng của nàng."
"Đúng vậy đúng vậy, ta nói nha, chờ sau này tụi nhóc lớn lên, nhất định phải đưa một phần lễ vật bái sư cho Lạc Nguyệt đấy."
Ngôn Lạc Nguyệt: "......"
Không, nàng không cần cái gì gọi là lễ vật bái sư cả. Chỉ cần đến lúc người ngoài bị doạ sợ bởi hình dáng biến hoá của nhóm rùa con này, đừng báo ra tên của nàng thì Ngôn Lạc Nguyệt đã cảm tạ trời đất rồi.
Đừng hỏi tại sao nàng lại bi quan đến thế, vì trình độ hoá hình của lứa rùa con này thật sự kinh khủng.
Tuy đối với Yêu tộc, hoá hình là bản năng tự nhiên có sẵn trong máu.
Nhưng biến ra vẻ ngoài có đẹp hay không, có hài hòa hay không lại phụ thuộc vào khả năng quan sát và sức tưởng tượng.
Từ khi bọn nhỏ bắt đầu biến hoá cho tới nay, thì trên giường đất liên tục xảy ra hiện tượng kỳ dị kiểu: "bàn tay chỉ có ba ngón", "cánh tay không có khuỷu tay" hay "một cái đầu nhưng chỉ có nửa gương mặt"...
Có lần, sau khi Ngôn Lạc Nguyệt ngủ trưa dậy, vừa mở mắt ra thì đập vào tầm nhìn là một cái mặt mọc sau gáy làm nàng sợ tới mức tim đập loạn xạ.
Còn "tuyệt vời" hơn là, cái thứ kỳ dị trước hay sau ót đều có mặt kia không phải được biến ra từ đầu của bé rùa.
—— ừ, chú rùa đốm hoa đó, dùng cái đuôi của chính mình biến thành!
Ngôn Lạc Nguyệt: "......"
Ngươi có cái đuôi thì ngươi ghê rồi!
Đến khi hầu như toàn bộ nhóm rùa con đều nắm được cách biến hình, thì chuyện "rốt cuộc cái đuôi phải xử lý như thế nào" trở thành một vấn đề nan giải đáng suy ngẫm.
Quá trình bắt chước 1-1 của bọn nhỏ bao gồm: hai móng vuốt trước biến thành cánh tay, hai móng vuốt phía sau biến thành chân và mai rùa biến thành cơ thể... còn cái đuôi thì sao? Nên làm gì với cái đuôi?
Đối với rùa sơ sinh chưa đầy bốn tháng tuổi mà nói, muốn chúng hiểu phép loại trừ và nhận thức được cái đuôi cần được nối với mai là một vấn đề quá khó khăn.
Vì vậy, Ngôn Lạc Nguyệt lặng lẽ quan sát nhóm rùa con như "bát tiên vượt biển"* mà thể hiện thần thông của bản thân, trong quá trình xử lý cái đuôi tranh nhau trình diễn những trí tưởng tượng đáng kinh ngạc.
*八仙过海 (bát tiên quá hải: eight immortals crossing the sea/tám vị tiên vượt biển): tạm hiểu ai cũng có thế mạnh riêng, có cách làm việc riêng.
Thỉ dụ như sau mông mọc một bàn tay, jiojio* sáu ngón chân bị kẹp giữa mai rùa, đều chỉ được coi là "bình thường".
*Jiojio: (ngôn ngữ mạng Trung Quốc) cách nói đáng yêu (hoặc nhõng nhẽo, làm nũng) để chỉ bàn chân nhỏ nhắn, tinh tế, xinh đẹp, đáng yêu hoặc quyến rũ. Bắt nguồn từ "jio" - tiếng địa phương vùng Tứ Xuyên, Vân Nam, Hồ Nam, Hồ Bắc và Hà Nam - nghĩa là "bàn chân".
Thứ kỳ quặc nhất Ngôn Lạc Nguyệt từng thấy đến từ một chú rùa màu mực (3).
Thân trên của nó vẫn là mai rùa, đầu và móng rùa, nhưng phần thân dưới thì biến thành một cái mông căng tròn, cong vút với hai cẳng chân lực lưỡng.
Nếu chỉ dừng lại ở đây, Ngôn Lạc Nguyệt vẫn có thể ráng mà chấp nhận.
Nhưng không! Ngay vị trí vốn có của cái đuôi, mọc ra một bé "ciu" hết sức sáng tạo!
... Chưa kể, xét về hình dáng, tỷ lệ và kích thước, chú rùa này còn rất có logic!
Ngôn Lạc Nguyệt: "......"
Theo ý kiến của nàng, danh hiệu "Rùa con thiên tài" vẫn nên trao cho người anh em tài ba này đi.
***
Ngôn Càn chia đều táo nhuyễn cho đám nhỏ đang bò loạn trên chiếu, sau đó đặt lên thêm một chiếc máng sắt có kích thước bằng cái chậu rửa mặt, đổ vào một lớp côn trùng đa dạng sắc màu mới được rã đông.
Nhìn thấy tụi nhóc xúm lại giành ăn, Ngôn Càn phủi phủi tay rồi đi đến chỗ đứa trẻ cần chăm sóc đặc biệt.
"Đây, cá chiên xay mịn của muội này."
Ngôn Càn ngồi lên mép giường, duỗi tay chọc vào khuôn mặt mũm mĩm của Ngôn Lạc Nguyệt.
Hắn rất cẩn thận khống chế lực tay, nhẹ nhàng ấn vài cái vào cặp má tròn xoe, làm nó lõm xuống thành một lúm đồng tiền.
"Muội thật là kén ăn, còn không chịu ăn trùng —— trùng ngon như vậy cơ mà?"
Ngôn Lạc Nguyệt im lặng chớp mắt.
Ngôn Càn một bên đút Ngôn Lạc Nguyệt ăn, một bên cố ý đưa cái muỗng vòng vòng quanh mũi bé con.
Rất nhanh, đáp trả hành động của hắn là cái nhìn chằm chằm trong im lặng của Ngôn Lạc Nguyệt.
Bốn mắt nhìn nhau, Ngôn Càn sờ chóp mũi cười gượng, cảm giác bản thân vừa bị muội muội bốn tháng tuổi khinh bỉ.
Đến khi nửa chén cá chiên sắp thấy đáy, cửa phòng ấp đột nhiên bị đẩy ra.
Một vị thúc thúc Quy tộc Ngôn Lạc Nguyệt chưa từng gặp qua, mang theo sương gió lạnh lẽo đứng bên ngoài cửa.
Ông nhìn quanh phòng một vòng: "Là Ngôn Càn đó hả, Vũ tỷ của con đâu rồi?"
Ngôn Càn: "Vũ tỷ đi theo các thím hỗ trợ, Bảo thúc tìm tỷ ấy có chuyện gì sao?"
"Ừ, vậy thôi không cần gọi con bé, con tới giúp một tay đi."
Ông vẫy tay vội vàng: "Thời kỳ nửa đóng cửa tộc mới kết thúc, hôm nay có ba nhóm khách lạ đến ở qua đêm. Chỗ chúng ta bận quá, cần người đến phụ."
Ngôn Càn liếc qua giường sưởi rồi quay sang nhìn đối phương, do dự:
"Nhưng còn tụi nhỏ..."
"Đây là nhóm bé con mới sinh năm nay?"
Ông bước vào phòng, cúi đầu ngắm nghía rồi vui mừng nói: "Ui chao, đám nhóc năm nay lớn nhanh quá nhỉ —— chúng lớn đến vậy rồi, đâu còn cần người trông coi làm gì? Đi thôi, con sang hỗ trợ bên ta một lúc, chờ bớt việc rồi sẽ thả con về ngay."
Bảo thúc vừa nói vừa túm theo Ngôn Càn còn đang không tình nguyện, sải bước nhanh về phía sân.
Ngôn Càn hoảng hốt kêu: "Cửa! Cửa! Con chưa đóng chặt cửa!"
"Yên tâm yên tâm, phía trước còn có phòng chính chắn gió mà, không đông lạnh đám nhóc được. Đi một lát thì con đã quay lại rồi, hơn nữa màn bông dày tới vậy, sợ gì chứ?"
Ngôn Càn chỉ là đứa trẻ mới lớn, sức lực không thể mạnh bằng ông ấy, sau khi bị kéo lê vài bước đành lẽo đẽo theo sau.
Vị trí của Quy tộc rất thuận lợi, nằm ngay ở ngã ba quan trọng.
Từ ngã ba này, con đường bên trái dẫn đến nơi phong ấn Ma vực, đường bên phải thì dẫn đến núi Bình Ninh - nơi có rất nhiều yêu thú tập trung.
Vì vậy, quanh năm suốt tháng, các đoàn buôn từ nam chí bắc hay các nhóm tu sĩ cấp thấp ra ngoài rèn luyện đều chọn nghỉ chân ở đây, chỉ cần buôn bán chút một ít đồ dùng, dược phẩm cũng đủ nuôi sống cả nhà.
Quy tộc có lịch sử lâu đời, dù phục vụ việc nhỏ cũng rất kiên nhẫn, danh tiếng kéo dài hơn trăm năm dầu dần truyền khắp giới tu sĩ.
Hôm nay vừa bắt đầu mở cửa trở lại, tộc nhân vẫn chưa tỉnh dậy hết từ kỳ ngủ đông mà đã có ba đội ngũ đến nghỉ chân.
Ngôn Càn làm việc mà trong lòng không ngừng trông ngóng về phòng ấp.
Sự lo lắng này đạt tới đỉnh điểm khi hắn giúp một nhóm tu sĩ Nhân tộc vận chuyển lồng sắt.
"Quý khách à," Ngôn Càn dùng cổ tay đo với song sắt của chiếc lồng, "e rằng chiếc lồng bằng sắt tinh chế* này của ngài khó nhốt được đám chồn hương** lông xoăn."
*精铁: Tinh thiết/sắt tinh chế: được hiểu là sắt chất lượng cao hoặc dùng để chỉ đồ dùng làm bằng sắt tôi luyện tinh xảo.
**黄鼬: Hoàng Dứu: Từ này chỉ chính xác loài Chồn hương. Ở Việt Nam được gọi là Triết Siberia; tiếng Anh: Siberian weasel; tên khoa học: Mustela sibirica. (Chi tiết xem thêm ở cuối chương.)
Tu sĩ thuận thế nhìn lại, chỉ thấy khoảng hai mươi con chồn cuộn tròn nằm trong lồng, nhiều kích cỡ, có lông vàng cả lông đen.
Chồn hương* là tên khoa học của loài này.
*Dịch thô theo raw: "Hoàng Dứu(黄鼬) là tên khoa học của Hoàng Thử Lang(黄鼠狼)". Đây là hai cách gọi của cùng một loài nên mình để như trên.
Bởi vì bọn chúng màu lông giống nhau, còn có thêm khả năng ẩn nấp tuyệt vời đặc thù giống loài, nên chỉ cần động đậy một chút đã khiến người hoa mắt không đếm nổi chính xác có bao nhiêu con.
Tu sĩ cười thản nhiên: "Nghe ngươi nói vậy, có lẽ hàng rào bị thủng. Ta nhớ rõ trong lồng nhốt mười chín con, nhờ ngươi đếm kỹ lại giúp."
Ngôn Càn cẩn thận đếm tới lần thứ ba: "Chỉ có mười tám con..."
Tưởng tượng tới một tình huống rất có khả năng xảy ra, sắc mặt hắn trở nên trắng bệch.
"Có lẽ một con trốn được à?" Vị tu sĩ tùy ý xua tay, "Thôi vậy, chỉ là mất một con chồn. Ơ? Tiểu đệ, ngươi đi đâu đó?"
Ngôn Càn không rảnh chào hỏi vị khách bất cẩn này, quay đầu chạy thục mạng, giọng nói từ xa xa truyền đến theo gió lanh.
"Tộc chúng ta có nhiều con non —— chồn ăn rùa!!!"
Hơn nữa hắn nhớ rõ, vừa nãy bị Bảo thúc kéo đi vội vã quá, cửa phòng ấp chưa được đóng chặt.
***
Mà lúc này, ở phía bên kia của tộc địa, Ngôn Lạc Nguyệt đang nắm chặt cây trâm, nhanh chóng sắp xếp lại thông tin.
Có lẽ đời này mang huyết mạch Quy tộc, rất nhiều kiến thức liên quan tới loài rùa sẽ tự động xuất hiện trong đầu nàng vào thời điểm thích hợp.
Rùa con có rất nhiều thiên địch.*
*天敌: Natural Enemy/Thiên địch: kẻ thù trong tự nhiên. (4. Xem thêm ở cuối chương)
Ở thời kỳ đầu, trứng rùa thường bị chim mổ vỏ ăn lấy; giai đoạn mới nở, mai rùa còn mềm cũng là thức ăn hấp dẫn của một số loài họ mèo.
Chờ đến khi lớn hơn một chút, khỉ đầu chó hay diều hâu, đại bàng và các loài tương tự sẽ đem chúng đập vào đá cho đến khi mai rùa vỡ nứt thì ăn sống thịt bên trong.
Vì vậy, chiến lược ấp và nuôi trứng tập trung của Quy tộc đã cải thiện hiệu quả tỷ lệ sống sót của con non.
Nhưng mà tại sao Ngôn Lạc Nguyệt đột nhiên nghĩ tới vấn đề này ấy hả?
Đó là bởi vì đằng sau tấm màn bông dày cộp, xuất hiện một con chồn tai tròn, mõm nhọn, lưng mang vết thương thò đầu vào trong phòng!
Ngôn Lạc Nguyệt hoảng hốt, nâng cao cảnh giác.
Bản năng trong huyết mạch nói cho Ngôn Lạc Nguyệt biết —— chồn, nó ăn rùa!
Vì vậy, có ai có thể đến giải thích giúp nàng biết tại sao tồn tại một con chồn trong địa phận Quy tộc không?
Nhìn con chồn hương đang đánh hơi chỗ này chỗ kia, ranh mãnh chui nửa người qua khe cửa, khóe miệng Ngôn Lạc Nguyệt căng lên.
Nếu nói con chồn kia đến đây tìm gà, thì cũng được.
Nhưng lúc này chỉ mới qua tháng giêng, chồn nhà ai thiếu đạo đức đến vậy, thế mà còn mặt dày đến chúc Tết muộn với đám rùa con?*
*Bắt nguồn từ thành ngữ: "Chồn chúc Tết gà" (黄鼠狼给鸡拜年:hoàng thử lang cấp kê bái niên): chỉ những kẻ thân thiện giả tạo nhằm thực hiện mưu đồ xấu
Chồn vươn cái cổ dài ngó vào trong thì nước miếng vô thức ào ạt tràn ra từ khóe miệng.
"......"
Nhìn quanh một cái, Ngôn Lạc Nguyệt sầu não thừa nhận rằng con chồn này rất biết nhìn hàng.
Xem đi, từ góc độ của một con chồn mà nói, thì đám rùa con tươi ngon này, chính xác là một bữa buffet cực kỳ thịnh soạn!
Chú thích:
1. 白驹过隙 (bạch câu quá khích) hoặc 駒光過隙 (câu quang quá khích): chỉ thời gian trôi nhanh, chỉ thoáng qua như cái bóng ngựa vút nhanh ngoài khe cửa rồi biến mất.
Câu (驹) là con ngựa non, khỏe mạnh, sung sức.
Từ đó có các từ:
駒隙 (câu khích), 駒隙 (câu ảnh): để chỉ sự "thoáng qua"
駒光(câu quang): nghĩa là một đoạn thời gian rất ngắn
2. Raw viết 龟饼(quy bính: bánh rùa): là 平安龟(Bình An Quy: Rùa Bình An) - một loại bánh truyền thống với tạo hình con rùa, thường sử dụng vào dịp lễ tết cổ truyền, đặc biệt là Trung Thu và Nguyên Tiêu, như một lời chúc phúc vì đồng âm với 平安歸(Bình An Quy: Bình an trở về/hồi hương).
Bánh này có cả bánh nướng và bánh dẻo, nhân mặn và nhân ngọt, khá giống bánh Trung Thu hình cá chép hay đàn heo của Việt Nam.
3. 墨: Mặc/mực (mực Tàu). Có thể hiểu là màu đen đặc quánh, không lẫn tạp chất hay sắc khác, phản xạ ánh sáng nhờ vỏ xà cừ hoặc bột ngọc trai có trong thành phần thỏi mực.
(Chú thích thêm từ một editor học ngành mỹ thuật 😗: Đây là sắc đen đen nhất so với các sắc đen khác. Ở thời cổ đại Việt Nam có sắc đen tương tự gọi là "then" - không phải "than" nha - thường được sử dụng cho các công trình kiến trúc nhưng nó hình như thất truyền mất rồi)
Ảnh minh họa một chú rùa màu mực:
4. 天敌: Natural Enemy/Thiên địch: tạm dịch: kẻ thù trong tự nhiên.
Là thuật ngữ chỉ các loài động vật (phần lớn là côn trùng) được sử dụng để diệt trừ các sinh vật gây hại, bảo vệ mùa màng một cách tự nhiên. Thiên địch được chia làm 2 nhóm: nhóm bắt mồi, ăn thịt và nhóm kí sinh.
Thuật ngữ này chỉ dành cho chuyên ngành Kiểm soát dịch hại sinh học (Biological pest control) - thuộc về nông nghiệp.
Trong tiếng Trung thì từ này còn được dùng rộng rãi ở nhiều phương diện với nghĩa: kẻ thù tự nhiên/kẻ địch trời ban, vv... nhưng trong tiếng Việt thì dùng như vậy là sai nha.
------------------
*Chương trình thế giới động vật phần 2 (Xem phần 1 về chim ở chương 7)
Chồn hương: Hoàng Dứu(Hoàng Thử Lang) /Triết Siberia/Siberian weasel: Thuộc Chi Chồn, Họ Chồn
Nhưng ở Việt Nam, "chồn hương" là tên gọi khác của "cầy hương".
Trong tiếng Việt: thì Weasel (một số loài chồn) và Civet (một số loài cầy) được gọi chung là "Chồn".
Cầy hương/Linh Miêu (灵猫)/ Indian Civet: (theo cách gọi chồn hương ở Việt Nam): Thuộc Họ Cầy, Phân Bộ Dạng Mèo
------------------
Hình ảnh khác:
Cá đù chiên vàng
Jiojio
Bát tiên: Lý Thiết Quải, Chung Ly Quyền, Tào Quốc Cữu, Lã Động Tân, Hà Tiên Cô, Lam Thái Hòa, Hàn Tương Tử và Trương Quả Lão.
🐢🐍
Góc editor: Sắp tới mình có một đợt bận, tính đẩy nhanh đi xong giai đoạn đầu cho đến lúc Quy Quy 1 tuổi nhưng không nỡ upload bản edit thô chưa beta, chú thích gì đến mọi người được nên có lẽ sẽ khá chậm so với tốc độ (vốn rất chậm) bây giờ.
Mọi người đừng sốt ruột bỏ hố nha.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top