CHƯƠNG 65
- MẸ KẾ SAU KHI TỈNH LẠI - THƯ THƯ THƯ -
🌻🌻🌻🌻🌻
CHƯƠNG 65
Người Dịch: Lan Thảo Hương
Vương Lệ Trân thở dài một tiếng: "Bà không rõ cậu ta có tốt hay không, nhưng nghe người ta đồn là đối phương không được khôi ngô, cơ thể còn có chút khiếm khuyết, hình như là bị què, nên làm việc cũng bất tiện. Bà chưa từng gặp người đó, nhưng nghe nói nhà cậu ta đưa sính lễ khá nhiều, tận hai trăm đồng".
Hai trăm đồng ở thời đại này là số tiền rất lớn. Ngay cả chiếc xe đạp Phượng Hoàng sang trọng cũng chưa đến hai trăm đồng. Khi Ninh Hương và Giang Kiến Hải kết hôn, nhà họ Giang giàu có là thế mà cũng chỉ đưa một trăm đồng sính lễ.
Ninh Lan dù gì cũng đã đi học, có thể coi là người có học thức. Nếu trường tiểu học trong làng thiếu giáo viên, em ấy thậm chí có thể dạy tạm. Ninh Hương từng nghĩ rằng gia đình chắc chắn sẽ tìm cho Ninh Lan một gia đình môn đăng hộ đối hơn. Ai ngờ, giờ lại gả em ấy cho một gia đình còn kém hơn mình.
Vì sao lại gả Ninh Lan cho một gia đình như vậy? Rõ ràng là vì số sính lễ hai trăm đồng rồi còn gì.
Nhà đó sẵn sàng bỏ ra nhiều sính lễ như vậy để cưới vợ, tám phần là vì khó khăn trong việc tìm vợ. Những cô gái có điều kiện tốt hơn không coi trọng gia đình này, nên họ phải dựa vào sính lễ cao để có thể cưới được vợ. Cưới được Ninh Lan đã là may mắn lớn với họ.
Ninh Hương suy nghĩ một chút, rồi hỏi: "Ninh Lan đồng ý rồi ạ?"
Người kết hôn và sống cả đời ở nhà người ta là Ninh Lan. Dù sính lễ có nhiều bao nhiêu thì liên quan gì đến em ấy đâu? Tiền đâu có vào tay em ấy. Nếu Ninh Lan không thích, thậm chí còn khinh thường người đàn ông đó, thì liệu em ấy có thể sống hạnh phúc không?
Ninh Lan không phải kiểu người sẽ hy sinh bản thân để gia đình có cuộc sống dễ dàng hơn. Em tốt nghiệp trung học, đã gặp gỡ nhiều chàng trai ưu tú hơn, nên chắc chắn yêu cầu tìm bạn đời của em ấy cũng cao. Vì thế, Ninh Hương không nghĩ Ninh Lan sẽ đồng ý lấy một người đàn ông như vậy.
Thế nhưng, Vương Lệ Trân vừa quạt vừa nói: "Nghe người ta nói lúc đầu A Lan kiên quyết không chịu, hoàn toàn ghét bỏ người đàn ông kia. Nhưng bố mẹ cháu thấy gia đình đó tốt, không biết cuối cùng đã thuyết phục bằng cách nào mà giờ A Lan hình như đã đồng ý. Dù chưa chính thức đính hôn, hai bên vẫn đang bàn bạc về sính lễ. Chờ thêm một thời gian nữa, khi sính lễ được trao đổi xong, thì hôn sự cũng coi như đã định. Sau đó chỉ còn chọn ngày là kết hôn thôi".
Nghe những lời này, Ninh Hương cảm thấy lòng mình trĩu nặng. Là con gái nhà họ Ninh, chị của Ninh Ba và Ninh Dương, cô đã từng trải qua điều này. Bất kể cô có thích hay không, có bằng lòng hay không, chỉ cần Ninh Kim Sinh và Hồ Tú Liên thấy tốt, thì họ sẽ bằng mọi cách ép buộc cô kết hôn. Họ luôn có nhiều lý do để nói rằng tất cả đều "tốt cho con gái".
Ninh Hương nằm im lặng, không nói gì. Vương Lệ Trân lại tiếp: "Bây giờ người trong làng đều đàm tiếu sau lưng, nói cha mẹ con bán con gái. Trước đây họ bán con cho nhà họ Giang làm mẹ kế cho ba đứa trẻ, nhưng dù sao Giang Kiến Hải cũng có điều kiện tốt nên còn có thể hiểu được. Giờ lại muốn gả A Lan cho một người què, chân cẳng không thể làm việc. A Lan mà lấy người này thì cuộc đời sau này sẽ ra sao?".
Ninh Hương khẽ hít một hơi, thầm nghĩ- chẳng phải là bán con gái sao?
Trong mắt họ chỉ nhìn thấy lợi ích, chỉ thấy tiền, còn những thứ khác thì họ hoàn toàn không quan tâm. Cuộc sống của con gái sau khi kết hôn, dù sống dở chết dở, họ cũng không để ý hay bận tâm. Trước đây họ đã đẩy cô vào cảnh khó khăn, khiến cô cắt đứt hoàn toàn với gia đình, nhưng họ vẫn không nhận ra sai lầm và tiếp tục làm điều đó với Ninh Lan.
Nếu thực sự có một chút hối hận về những gì đã gây ra cho cô, họ sẽ không đối xử với Ninh Lan như vậy.
Vậy nên, những lần trước đây hạ mình dỗ dành cô quay về, tất cả chỉ là giả vờ thôi.
Thương xót Ninh Lan ư?
Có lẽ cảm giác của cô nhiều hơn là sự bi ai.
Trên thế giới này, không chỉ có mình Ninh Hương, cũng không chỉ thêm một Ninh Lan, mà còn hàng nghìn cô gái khác, sinh ra trong những gia đình tương tự. Từ khoảnh khắc họ chào đời, trong mắt cha mẹ, họ đã trở thành vật hy sinh cho anh trai hoặc em trai.
Những cô gái ấy từ nhỏ đã bị tẩy não và bóc lột, bị tình cảm gia đình trói buộc. Ý nghĩa duy nhất của cuộc sống của họ chỉ có một- hy sinh cả cuộc đời mình để đổi lấy một cuộc sống tươm tất hơn cho gia đình, để được người khác tôn trọng. Nếu không, họ sẽ bị coi là những đứa con bất hiếu, là sói mắt trắng.
Anh trai, em trai chỉ cần sống sót, chỉ cần có thể nối dõi tông đường thì chính là bảo bối của gia đình, là những viên ngọc quý cần được nâng niu.
Thấy Ninh Hương chỉ thở dài mà không nói gì, Vương Lệ Trân cảm thấy những điều mình nói có lẽ đã khiến cô nhớ lại những ký ức không vui. Vì vậy, bà lắc chiếc quạt mấy cái, vội vàng đổi giọng: "Thôi, đừng nói những chuyện này nữa."
Ninh Hương hồi thần, thả lỏng hơi thở, nhẹ nhàng kéo khóe miệng: "Không sao ạ, mọi chuyện giờ đã không còn liên quan đến cháu nữa. Mọi người bàn tán cũng không sai, đây thực chất là một giao dịch bán con gái. Một khi đã bán đi rồi, thì cũng không còn quan hệ gì nữa".
Cô đã không còn liên quan gì với Ninh Kim Sinh và Hồ Tú Liên, cũng như không còn liên quan gì đến Ninh Lan, Ninh Ba và Ninh Dương nữa.
Trong kiếp trước, khi còn ngu muội, Ninh Hương luôn coi nơi đó là nhà, coi tất cả mọi người trong gia đình là người thân. Nhưng sau nhiều lần thất vọng, cô mới nhận ra rằng mình đã cống hiến rất nhiều cho gia đình đó, trong khi những người hưởng lợi lại chưa bao giờ coi cô là người thân thật sự.
Ninh Ba, Ninh Dương, và cả Ninh Lan cũng vậy. Dù là kiếp trước hay kiếp này, mọi thứ vẫn không thay đổi. Khi cô còn có giá trị với họ, cô là người chị lớn đáng kính, là người thân thiết nhất. Nhưng khi cô không còn giá trị, thậm chí trở thành gánh nặng và nỗi nhục, họ sẽ dễ dàng đạp cô ra như rác rưởi.
Thực ra, khi mới được tái sinh, do đã trải qua những chuyện trong kiếp trước, Ninh Hương có chút oán hận không thể kìm nén đối với Ninh Lan, nhưng cũng không đến mức ghét cay ghét đắng. Dù sao thì ở kiếp này, lúc ấy Ninh Lan và cô vẫn còn tình chị em sâu sắc.
Khi cô quyết tâm ly hôn và bị Ninh Kim Sinh cùng Hồ Tú Liên ép ra khỏi nhà, Ninh Lan, với tư cách là em gái, hoàn toàn không có bất kỳ động thái hay sự ủng hộ nào đối với cô. Cô cũng không quá oán trách Ninh Lan vì chuyện đó.
Cảm giác hận thù thật sự phát sinh từ sâu thẳm lòng cô đối với Ninh Lan là vào đêm Trung thu, khi Ninh Lan đứng trước mặt cô gào thét nói rằng cô đã làm hỏng danh tiếng gia đình, phá hủy cuộc sống tốt đẹp của mọi người. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phá hủy cả tương lai tốt đẹp của chính Ninh Lan.
Mỗi lần nghĩ đến những việc Ninh Lan đã làm trong kiếp này, cùng với những sự châm chọc có chủ ý hay vô tình từ Ninh Lan trong kiếp trước, Ninh Hương luôn cảm thấy căm ghét. Nhưng trong nỗi hận đó không chứa đựng ác ý, cô không ước gì Ninh Lan phải rơi vào vực thẳm không thể cứu vãn.
Cô cho rằng, cuộc sống của Ninh Lan ra sao, đều là do khả năng và số phận của chính cô ấy, đó là chuyện của riêng Ninh Lan.
Vương Lệ Trân thở dài, cảm thấy nếu tiếp tục nói về chủ đề này sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của Ninh Hương. Vì vậy, bà quyết định chuyển sang một chủ đề khác. Bà bắt đầu trò chuyện với Ninh Hương về những chuyện vui vẻ nhẹ nhàng, cho đến khi mắt Ninh Hương nặng trĩu. Cuối cùng, bà đặt chiếc quạt sang một bên, nhắm mắt lại và từ từ thiếp đi.
Tối hôm trước Ninh Hương ngủ muộn, nên sáng hôm sau cô dậy trễ hơn bình thường. Sau khi cùng Vương Lệ Trân ăn sáng, cô quay về và bắt tay vào dọn dẹp nhà thuyền, lau chùi sạch sẽ từ trong ra ngoài, đem hết chăn gối, quần áo và những vật dụng khác ra phơi dưới nắng cả ngày.
Suốt cả ngày hôm đó, Ninh Hương chẳng làm gì khác ngoài việc chăm chút hai gian thuyền nhỏ của mình. Đây là nơi chứa đựng mọi dấu ấn cuộc sống của cô tại đội Thủy Điềm, một không gian riêng mà cô có thể gọi là "nhà" - ngôi nhà thực sự của cô.
Khi mặt trời lặn, cô thu dọn mọi thứ, để lại hai gian phòng nhỏ ngập tràn ánh nắng và mùi thơm dễ chịu. Tối đến, Ninh Hương vẫn ngồi dưới ánh đèn chăm chú thêu thùa. Học kỳ mới sắp bắt đầu, và những tác phẩm thêu mà cô dự định mang theo đến trường vẫn chưa hoàn thành. Cô dự định sẽ tranh thủ khoảng thời gian nghỉ hè để hoàn tất.
Vì công việc thêu thùa gấp rút, đêm nào Ninh Hương cũng thức khuya. Ban ngày, cô không đi đâu xa, hoặc là ở trên thuyền một mình, hoặc là đến nhà Vương Lệ Trân, vừa trò chuyện vừa thêu.
Trở về nhà đã được vài ngày, mọi tin tức lớn nhỏ trong làng đều được Vương Lệ Trân kể cho cô nghe. Tuy nhiên, vì bà không giao thiệp nhiều, nên những tin đồn bà biết cũng chỉ là chuyện vặt vãnh, chủ yếu để giết thời gian.
Sau khoảng một tuần, không ai từ nhà họ Ninh đến tìm Ninh Hương, điều này khiến cô thở phào nhẹ nhõm. Dù không sợ bị làm phiền, nhưng việc họ cứ bám theo mãi thật sự khiến cô mệt mỏi. Giờ đây, có vẻ như họ đã chấp nhận sự thật và hiểu rằng cô sẽ không bao giờ hòa giải với gia đình.
Không còn bị những người đầy toan tính quấy rầy, kỳ nghỉ của cô trở nên dễ chịu hơn. Không lâu sau, Hồng Đào đến tìm Ninh Hương, đứng ngoài nhà Vương Lệ Trân chào hỏi, nói với Ninh Hương: "Về rồi sao không đến thêu quán chơi một chút? Mọi người đều nhớ đến em đấy!".
Rất hiếm khi Hồng Đào đặc biệt đến tìm cô, lại còn rủ cô đi thêu quán, nên Ninh Hương mỉm cười vui vẻ. Ngày hôm sau, cô mang theo vật liệu đến thêu quán trong đội.
Khi đến nơi, mọi người vui mừng chào đón cô rất nồng nhiệt. Không chỉ chào hỏi, họ còn biết trước cô sẽ đến nên ai cũng mang theo một ít đồ ăn ngon, đồng loạt đưa cho cô mà không để cô từ chối, nói rằng họ muốn nhận chút may mắn từ người vừa trở về từ đại học.
Đặc biệt là Tiểu Yến và Thải Phượng, những người không đỗ đại học, gần như coi Ninh Hương như nữ thần. Hai cô gái luôn quấn quýt bên cạnh, hỏi han đủ điều về cuộc sống ở đại học. Khuôn mặt họ đầy sự ngưỡng mộ và cả chút ghen tị.
Thấy Tiểu Yến và Thải Phượng như vậy, các thợ thêu khác cười nói: "Đừng chỉ ghen tị với A Hương, hai đứa năm nay không phải cũng đăng ký thi lại sao? Chẳng mấy chốc nữa là đến kỳ thi rồi, lần này cố gắng thi đỗ để cùng A Hương lên thành phố học nhé!".
Tiểu Yến và Thải Phượng thở dài: "Dì ơi, thi đại học không dễ như dì nói đâu".
Ninh Hương cũng nhẹ nhàng động viên: "Cố gắng lên, có chí thì nên".
Nghe Ninh Hương khích lệ, Tiểu Yến và Thải Phượng hít sâu, như muốn tích lũy thêm quyết tâm cho bản thân.
Khi nhắc đến việc Tiểu Yến và Thải Phượng thi đại học lần nữa, Hồng Đào bất chợt nhớ đến Ninh Lan, liền nói: ""Năm nay đội mình ít người đăng ký thi hơn hẳn. Tôi nghe nói A Lan cũng đăng ký đấy, con bé học nhiều lắm, không biết lần này có đỗ không".
Cái tên Ninh Lan vừa được nhắc đến, những người trong đội thêu đều hiểu rõ tình hình hiện tại của nhà họ Ninh. Một thợ thêu khác tiếp lời: "A Lan không phải sắp cưới rồi sao? Còn định thi đại học làm gì nữa? Nghe đâu mấy hôm nay nhà con bé đang chuẩn bị lễ, nhận lễ xong chắc chắn sẽ thành thân".
Người khác tiếp lời: "Chắc con bé vẫn còn hy vọng nên mới thi thử xem sao. Nhưng Hồ Tú Liên bảo là A Lan học không giỏi lắm, nền tảng yếu, thi đỗ e là khó. Chính vì thế mà họ muốn nhanh chóng gả con bé đi. Chứ để kéo dài đến sang năm thì tuổi tác lớn hơn, càng khó tìm chồng".
Một người khác chép miệng: "Nhưng sao lại gả cho một người què quặt? Ninh Kim Sinh và Hồ Tú Liên lần này đúng là thiếu đức quá. Làm thế khác nào đẩy em ấy vào hố lửa. Nghe nói ra cảnh nhà kia cũng chẳng khá khẩm gì, tiền sính lễ còn phải đi vay mượn, gom góp mãi mới đủ. Cưới xong nhà chỉ còn cái xác không, A Lan mà lấy người đó thì sống sao nổi? Hơn nữa, người chồng lại không thể làm việc nặng nhọc".
Một người khác thêm vào: "A Lan không nên đồng ý chuyện này".
"Không đồng ý thì có làm được gì? Chống lại gia đình sao? Đập đầu vào tường à? Có khi đập đầu vào tường cũng không ai thương xót. Con gái thì có quyền gì? Nếu không chịu kết hôn, gia đình cũng chẳng còn chỗ cho em ấy ở. Như ông bà xưa hay nói, cánh tay không thể chống lại đùi lớn*...".
Nói đến đây, cả nhóm thợ thêu im lặng, ánh mắt đầy thấu hiểu và cảm thông cùng hướng về phía Ninh Hương.
(*) Cánh tay không thể chống lại đùi lớn (胳膊拗不过大腿): có nghĩa là trong một cuộc xung đột hoặc tranh cãi, một bên yếu hơn sẽ không thể chống lại bên mạnh hơn. Nó thể hiện sự bất lực của những người yếu thế trong việc chống lại sức ép hoặc quyền lực từ những người có vị thế cao hơn, thường được sử dụng để nói về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình, hoặc giữa các cá nhân và tổ chức có quyền lực. Trong ngữ cảnh của câu chuyện, nó ám chỉ rằng A Lan không có khả năng chống lại quyết định của cha mẹ mình, dù cho cô không đồng ý với hôn sự này.
Khi Ninh Hương quyết định ly hôn, nhiều thợ thêu trong xưởng đã khuyên cô nên nhẫn nhịn, cho rằng đã kết hôn thì chịu đựng chút cũng không sao, đừng làm lớn chuyện. Những câu nói như "đắc tội cả nhà chồng lẫn nhà mẹ đẻ thì có ích gì?" thường được họ nhắc đến. Với họ, phụ nữ trên đời này vốn không dễ dàng, nhiều lúc không phải họ muốn nhịn mà là bắt buộc phải nhịn, vì nếu không, cuộc sống sau này có thể còn khắc nghiệt hơn, thậm chí không thể sống nổi.
Khi đó, họ cũng nghĩ rằng Ninh Hương sau khi ly hôn sẽ không thể tiếp tục cuộc sống. Đối với họ, sống ấm ức ở nhà chồng dù sao vẫn tốt hơn việc đối mặt với những hậu quả khó lường sau khi ly hôn. Họ từng tin rằng, làm dâu ai mà chẳng phải chịu thiệt thòi?
Họ từng nghĩ rằng Ninh Hương sẽ hối hận, rằng cô sẽ khóc lóc quay về xin lỗi cha mẹ, cầu xin sự tha thứ.
Nhưng mọi dự đoán của họ đã sai. Ninh Hương không chỉ không hối hận, mà còn sống mạnh mẽ và tự chủ hơn. Giờ đây, khi nhìn lại cô, những thợ thêu ấy dần nhận ra điều gì đó khác biệt. Ninh Hương như đang tỏa sáng, cô đã chứng minh rằng ly hôn không phải là sai lầm, không phải là dấu chấm hết cho cuộc đời. Phụ nữ có thể chọn con đường riêng, không cần phải chịu đựng mãi, mà vẫn có thể sống tốt hơn, thậm chí thành công hơn.
Ly hôn rồi thì sao? Ninh Hương vẫn làm ra những tác phẩm thêu nổi tiếng, vẫn thi đỗ vào đại học và đang trở thành một nhân tài của đất nước. Cuộc sống của cô thậm chí còn tốt đẹp hơn trước.
Ninh Hương đang nghe họ trò chuyện, bỗng nhận ra sự im lặng kéo dài. Cô quay đầu lại, thấy mọi người đều nhìn mình với ánh mắt kỳ lạ, liền hỏi: "Sao thế ạ?".
Các thợ thêu vội vã tránh ánh mắt, Hồng Đào cười xòa: "Không có gì đâu".
Cảm thấy hơi lạ, nhưng Ninh Hương không hỏi thêm. Dù sao cuộc trò chuyện này cũng xoay quanh Ninh Lan, mà cô thì không muốn bị kéo vào chuyện gia đình nữa. Vì vậy, cô lặng lẽ quay lại với công việc thêu của mình.
Các thợ thêu cũng ngừng nhắc về cô, như thể họ đều ngầm hiểu rằng những chuyện của nhà họ Ninh giờ không còn liên quan đến Ninh Hương nữa.
--- HẾT CHƯƠNG 65 ---
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top