Không phải tất cả chia ly, đều là nhạc hết người tan

Trong quá trình trưởng thành của mỗi một người, có lẽ luôn có một người như vậy, bạn sớm đã mất đi người đó, nhưng cả một đời lại luôn sùng bái họ. Ngày mà tôi ra đời, ông ấy bế tôi trong tay, coi tôi như bảo bối trân quý nhất. Thời gian ông ấy ở cùng tôi không nhiều, nhưng tình yêu mà ông dành cho tôi lại là mãi mãi.

Thật sự là lâu rồi tôi không nhớ lại những hình ảnh khi đó nữa, chỉ là tối qua mơ một giấc mơ, giống như một bộ phim đen trắng, người trong phim đang cố gắng ngồi lên chiếc ghế sofa, đưa đôi tay run rẩy lên gọi tôi ngồi xuống bên cạnh ông ấy, miệng kêu "Trứng To, nhanh đến đây". Sau đó tỉnh dậy nhịn không được liền rơi nước mắt, tôi không biết đây là giấc mơ hay là đoạn kí ức ngày xưa nảy ra trong đầu mình. Chỉ là ông ngoại ơi, con thật sự rất nhớ ông.

Mọi người đều nói lúc nhỏ tôi và ông ngoại rất thân, luôn giống như một con bọ dính lấy ông, bắt chước theo tất cả những điệu bộ của ông. Ông luôn thích dùng râu của mình để chích khiến tôi chạy trốn khắp nơi, lúc uống rượu cũng không quên cắn lên mặt tôi một cái. Tay của ông rất kì diệu, có thể đem những thứ không bắt mắt biến thành đồ chơi, con quay, búp bê nhỏ, vòng đeo tay.... Mỗi lần bố mẹ tức giận giả vờ muốn đánh tôi, tôi liền ê ê a a gọi ông ngoại đến bảo vệ mình, giống như có một vùng an toàn độc quyền vậy. Đáng tiếc cùng tôi trưởng thành mỗi ngày thì mắt ông cũng ngày càng hoa đi, tai ngày càng nặng hơn, số lần ngủ gà ngủ gật lại nhiều thêm, thân thể ngày càng yếu. Tôi rất muốn dắt tay ông chầm chậm bước đi lần nữa, giống như ngày đó ông dắt tay tôi vậy.

Ông ngoại là cảnh sát, lúc nói chuyện hay làm việc đều rất mạnh mẽ, rất uy nghiêm. Những lúc ông nóng nảy thì ngay cả những con vật nhỏ trong nhà cũng bị dọa sợ, nhưng ông ngoại từ trước đến nay đều không hung dữ với tôi, vì tuổi tôi còn nhỏ lại luôn quấn lấy ông, lấy lòng ông, cho nên trong tất cả những người cháu, ông thích tôi nhất. Kí ức khi nhỏ rất lộn xộn, nhưng tôi nhớ rất rõ ông ngoại sẽ giấu bố mẹ cho tôi đồ ăn vặt, nhưng ông luôn nói răng mình không tốt, mỗi lần như vậy đều nhìn tôi ăn. Năm xu tiền của thời đó có thể mua được kem bơ, nhưng không có ai giống ông ấy cả, mỗi lần đều cho tôi mua kẹo socola đắt nhất, nhìn tôi vừa nâng niu vừa mãn nguyện, ông ngọai ở bên cạnh sẽ cười rất cưng chiều, lộ ra vẻ mặt dịu dàng hiếm thấy.

Chúng ta thường cần một người, cho dù cái gì bạn cũng không nói ra, nhưng họ vẫn sẽ hiểu được bạn. Ông ngoại chính là người hiểu tôi hơn chính bản thân tôi, ông ấy chưa từng hiểu lầm ý tốt của tôi. Vì tính chất công việc, ông ngoại là một người có chứng nghiện sạch sẽ, mỗi ngày tan làm đều sẽ đem áo sơ mi trắng đi giặt sạch sẽ, phơi trên sân thượng. Khi đó tuổi còn quá nhỏ, cũng không hiểu được vì sao mỗi ngày ông đều phải giặt áo, có một lần tôi nhìn thấy áo sơ mi của ông treo trên sân thượng không ngừng nhỏ nước, liền đứng trên cái ghế nhỏ ra sức với tay giúp ông vắt khô góc áo, bởi vì còn quá nhỏ giúp không thành, ngược lại còn làm bẩn in cả dấu vân tay. Tôi bắt đầu bị dọa sợ, cảm thấy ông ngoại nhất định sẽ rất tức giận, thế là xê cái ghế đến ngồi trước cửa bắt đầu rơi nước mắt, hai bàn tay nhỏ xoắn lại với nhau trong lòng thầm lo lắng. Sau khi ông ngoại mua thức ăn về nhìn thấy tôi đáng thương ngồi trước cửa thì dở khóc dở cười, sau khi giải thích đầu đuôi thì ông chỉ đem áo đi giặt lại lần nữa, trán cũng không nhăn nhó chút nào. Ông ngoại hiểu tôi chỉ là có ý tốt muốn giúp ông, cho nên ông sẽ không trách móc tôi, ở trước mặt ông tôi luôn là người chân thật nhất, thoải mái nhất, tôi không sợ phạm sai lầm, càng không sợ sau khi phạm lỗi thì ông sẽ uốn nắn tôi. Trong mắt tôi, ông là một người rất mạnh mẽ mà cũng rất ấm áp, là người có thể luôn luôn bảo vệ tôi.

Khi ông ngoại mất tôi chỉ mới ba tuổi, lúc mẹ nói "ông ngoại chết rồi" tôi hoàn toàn không biết là ý gì, chữ "chết" đó vừa dứt khoát lại rõ ràng, nhưng "đi rồi" và "mất rồi" thực sự không giống nhau. Nghe nói trước khi đi ông ấy không có bất cứ dấu hiệu gì, giống như là ngủ quên vậy. Thật sự là ngủ quên mất rồi. Đó là lần đầu tiên tôi đối diện với cái chết, nhưng tôi cái gì cũng không biết. Cơ thể của ông rất lạnh, cừng đờ đi phải không? Môi của ông tái đi, không có một chút độ ấm nào phải không? Lúc làm tang lễ, chỉ mang máng nhớ được tất cả mọi người đều lần lượt cúi chào, tôi lại cứ cho rằng đây chỉ là một lượt chơi trốn tìm. Tiết thanh minh năm thứ hai tôi cùng mẹ đi viếng mộ, tấm bia mộ đó an an tĩnh tĩnh ở bên cạnh ông, nhưng tôi vẫn như cũ không thể hiểu được, còn tự hỏi sao chơi trốn tìm thế nào mà vẫn chưa kết thúc nhỉ? Thế là tôi chạy vòng quanh bia mộ, miệng lẩm bẩm "ông ngoại mau ra đi, trò chơi kết thúc rồi, nhanh ra đi nào". Không ngờ là tôi hoàn toàn không sợ, chỉ âm ỷ có một loại ham muốn rằng sẽ được nhìn thấy ông. Cho dù việc đã cách nhiều năm rồi, nhưng hình ảnh ngày đó giống như đã in vào trong não vậy, tôi đơn phương tuyên bố trò chơi đã kết thúc rồi, nhưng ông vẫn chưa xuất hiện.

Lúc tôi vừa biết ghi nhớ, ông ngoại đã đi rồi. Nhắc đến ông, tôi giống như luôn có cả một bụng lời nói mãi không xong, nhưng thế nào cũng không thể mở miệng được. Ở một góc độ nào đó mà nói thì ông ngoại càng giống như là tượng đài tinh thần của tôi hơn, tôi của sau này luôn học theo ông mỗi ngày đều giặt quần áo. Ông làm việc luôn rất coi trọng phong độ khí phách, giải quyết mọi việc sạch sẽ gọn gàng. Chịu sự ảnh hưởng của ông, tôi cũng hy vọng bản thân mình có thể biến thành một người quang minh chính đại, giới hạn rõ ràng. Lúc nhỏ cùng bố mẹ đi chơi ở nhà bạn bè thân thiết, mặc dù được cho phép tùy ý chơi đùa, tôi cũng sẽ ngoan ngoãn ở bên cạnh người lớn, sẽ không tùy ý chạy nhảy, càng không tùy tiện lục lọi đồ đạc gì. Cũng giống vậy, tôi cũng không thích bị người khác lấy đi những thứ thuộc về bản thân tôi mà không nói lời nào, nếu lúc có đồ gì rất quan trọng cần dùng đến nhưng làm thế nào cũng không tìm thấy, có thể tôi sẽ nhắc mãi đến mấy ngày. Tôi là người khó chịu như vậy đấy, thà rằng bị người khác nói không đủ rộng rãi ki bo keo kiệt, tôi cũng không muốn vì nhất thời muốn phô trương bản thân mình mà sau việc này sẽ đi oán trách người khác. Mẹ nói bình thường ông ngoại rất khiêm tốn, cho dù là nhận được lời khen ở đơn vị hay lúc giúp đỡ hàng xóm láng giềng, luôn giấu giấu diếm diếm không để người trong nhà biết. Bây giờ những người còn ở lại bên cạnh tôi đều rất giống ông vừa khiêm tốn lại luôn cố gắng. Tôi nghĩ nếu ông ngoại có thể ở bên cạnh tôi lâu hơn một chút, tôi nhất định sẽ để cho ông nhìn thấy một Trịnh Sảng vừa chín chắn vững vàng, thẳng thắng vô tư lại đảm đương gánh vác.

Tôi của hiện tại vẫn chưa đủ thành thục, tính cách thỉnh thoảng còn khó chịu, cũng không giỏi chung sống với người khác. Lúc không vừa ý tôi luôn ngẩng đầu nhìn lên trời, giống như giữa tôi và ông vẫn còn một sợi dây kết nối, ông sẽ phù hộ cho tôi, dẫn đường cho tôi, dạy tôi học cách nhẫn nhịn hiểu lầm, đối diện với chia ly. Tôi biết những thứ phải học còn rất rất nhiều, con đường phải đi cũng rất rất dài, những hạnh phúc chân thực nhỏ bé đó đã rất lâu rồi nhưng vẫn không mất đi độ ấm mà ngày càng rõ ràng hơn, thời gian luôn khiến ta nhớ ngày càng sâu sắc hơn. Vẫn còn chưa muộn, sẽ có một ngày nào đó tôi đủ mạnh mẽ, ông nhất định sẽ nhìn thấy.

Tôi muốn viết rất nhiều rất nhiều, nhưng cái bản tính nói huyên thuyên của bản thân lúc này trái lại biểu hiện không tốt chút nào. Những lời muốn nói có quá nhiều nhưng lại không có trọng điểm, trong đầu bị một mớ những thứ linh tinh chắn lại, giống như có cái bánh chẻo trong ấm trà làm thế nào cũng không rót ra được vậy, năng lực biểu đạt của tôi quả thực là kém đến đòi mạng.

Có thể là khi đối diện với những người thân thiết nhất, những lời nói như "người chết như ngọn đèn tắt", "nhập thổ vi an" là tuyệt đối không được nói. Lúc viết đến chương này, liên tục mấy ngày tôi đều mơ thấy ông ngoại quay về, hình dáng của ông rất mơ hồ, cúi đầu nói với tôi rất nhiều điều, tiếng ông rất nhỏ. Ông nói, ông quên nói tạm biệt với con, tạm biệt nhé, đứa trẻ ngoan. Tôi rất muốn ông mỗi ngày đều đến trong giấc mơ của tôi, cùng tôi nói chuyện. Cái ngày mà có những thời khắc tôi nhớ không rõ lắm, ông nhắm chặt mắt, cái miệng nhỏ, giống như đã ngủ rồi, lại không bao giờ tỉnh lại nữa. Nhưng tôi hy vọng ông vẫn còn ở đây, tôi vô cùng hy vọng ông vẫn còn ở đây.

Có người đi rồi, nhưng không phải là không còn ở lại.

Đây không phải là kết thúc, là ông ấy bắt đầu bước vào trong tim bạn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top