Sora kara furu ichioku no hoshi: điểm vỡ bên lỗ đen tâm thức chơi vơi
Sora kara furu ichioku no hoshi
Sora kara furu ichioku no hoshi (Sora Kara) là một drama trinh thám Nhật đặc sắc mà tôi từng được xem. Một tác phẩm trinh thám hay đầu tiên cần cách xử lý tình tiết hợp lý và hơn nữa là thông minh. Nhìn chung vấn đề nhân văn không phải là yếu tố chủ chốt để đánh giá một tác phẩm trinh thám hay hay không. Tính nhân văn trong tác phẩm trinh thám là một thứ xa xỉ phẩm nếu đặt không đúng không gian và thời gian sẽ trở nên lý thuyết suông vụng về, thậm chí là kệch cỡm. Nhân văn quá mức trong những tình huống nguy cấp liên quan đến sự an nguy của tính mạng chỉ là một sự giả tạo mà người cầm bút không dám đối diện với mặt ác trong tâm thức của mình.
Sora Kara không chỉ hay ở cách đặt vấn đề đắt giá với những twist lắt léo thông minh mà còn hay ở tính nhân bản được thể hiện đủ chất lạnh của hiện thực ngang trái nhưng vẫn âm ỉ những hơi ấm nhỏ tụ về trong cái se sắt vô cảm. Cốt truyện mơ hồ chạng vạng khi ánh sáng và bóng tối nhập nhẹm quấn nhau tạo nên thứ ánh sáng lay lắt trong lòng con người. Những con người trong Sora Kara đi trong nỗi cô đơn của mình bằng cách đi qua nỗi cô đơn của người khác. Họ đi qua hy vọng để chìm vào thất vọng, nhưng lại tiếp tục đi qua thất vọng để phải hoài vọng về hy vọng đã từng bị chính mình giẫm chân giết chết.
Khởi đầu từ một lỡ lầm với sự sắp xếp của định mệnh và liên tiếp lỡ lầm nối tiếp lỗi lầm để dây chuyền lỗi lầm nối tiếp nhau tạo nên dãy domino xếp chồng chực chờ đổ khi những quân cờ rạn nứt để lộ những bí mật ẩn giấu bên trong. Sora Kara có kết cấu của một tác phẩm trinh thám đặc sắc về tội phạm tâm lý học, không lên gân, không cường hóa kẻ giết người cũng không khờ hóa nhân vật đối kháng. Chính vì thế tạo nên tương tác giữa hai thế đối ứng bình lặng nhưng vẫn cuộn sóng trong những suy tính về đối phương nhằm đưa ra những hành động tâm lý dằn nhau ở thế đối kháng khi mà luật pháp đã bị vô hiệu hóa công năng bằng một phép tính tâm lý. Hai con người trên hai chiến tuyến ngang sức và ngang hàng với nhau với điểm mạnh lẫn điểm yếu riêng.
Điểm đắt giá trong cách phân tích tâm lý nhân vật ở Sora Kara ở chỗ đã xây dựng được hai nhân vật đối nghịch tìm hiểu được cách thức hành động của nhau nhưng vẫn phải khám phá lý do người kia hành động. Sora Kara không có cái không khí khẩn trương cực kỳ hồi hộp thường thấy ở các tác phẩm trinh thám mà thay vào đó là không khí trầm lắng thoáng chút dịu dàng chịu ảnh hưởng bởi bút lực của nữ biên kịch Nhật Bản Kitagawa Eriko. Các twist được sáng tỏ dần với tốc độ chậm nhưng vẫn giữ được tính bất ngờ. Twist được đưa ra câu suy luận của khán giả vừa đủ kích thích trí tò mò tạo được tương tác giữa tác giả và người xem trong suốt chiều dài 11 tập drama. Đây là một drama nên kết cấu không thể tinh gọn như movie được, vì thế sẽ không tạo được cảm giác vỡ òa tại một thời điểm tựu trào. Cách thể hiện ở drama dàn trãi hơn nên ít hồi hộp hơn.
Điểm yếu được phân tích ở trên được bù đắp bằng lợi thế thời lượng khi khoét rất sâu vào tâm lý tội phạm để miêu tả đậm nét tâm lý nhân vật trong cuộc sống bên cạnh câu chuyện hình sự. Có thể nhận xét Sora Kara là một bước đột phá của nữ biên kịch chuyên về dòng phim tình cảm nhẹ nhàng khi xếp lớp được các tình tiết một cách phân tán có trọng điểm chặt chẽ cũng như dẫn dắt những tình tiết trôi chảy, mạch lạc đưa đến những điểm dừng hợp lý.
Sora Kara có sự cách tân trong cách xây dựng nhân vật Ryo từ cuốn tiểu thuyết Curtain: Poirot's Last Case của Agatha Chiristie. Spoiler: Ryo giết người bằng cách điều khiển tâm lý để người khác giết thay mình với những mưu mô chước quỷ đã đạt tới cảnh giới cao. Ngoài ra động cơ gây án của Ryo được xây dựng theo hướng vô động cơ. Động cơ của Ryo được chính Ryo định nghĩa chỉ như một cuộc chơi. Khi game over thì tất cả kết thúc. Và cách để triệt để kết thúc một cuộc chơi là đưa cuộc chơi đó vào sự im lặng tuyệt đối dưới nấm mồ. Tác giả không cho biết Ryo đã xác lập sự im lặng đó trong bao nhiêu lần, chỉ đến vụ án cô sinh viên mọi dấu vết tưởng chừng như được phi tang hoàn hảo nhưng để lại một tình tiết mơ hồ ở vị trí sắp xếp những cuốn băng lại chính là dấu vết để viên thanh tra nghi vấn, tiến đến khoanh vùng đối tượng dựa vào những sự việc tình cờ được sắp xếp hợp lý. End spoiler.
Trạng thái mơ hồ lạc lõng của những con người cô đơn trong Sora Kara như khi ta chỉ biết đi mãi nhưng không biết đi về đâu. Họ đi qua người khác rồi đi qua chính mình để nhận ra họ đang hiện hữu trên thế giới này một cách cô độc, không ai bên cạnh và cũng chẳng cần ai. Họ không trao đi tình yêu vì chẳng cần tình yêu. Họ cứ mãi là họ trôi đi vào niềm nhớ để lãng quên. Đây chính là điểm tôi đánh giá cao ở phim khi biên kịch phủ bóng tối của cô đơn vào mỗi nhân vật để họ đi hết con đường của mình một cách cương quyết nhưng nhẹ nhàng mang theo nỗi đau hằn sâu cho một khoảnh khắc tuyệt đối.
Đối với khán giả có thể nhân vật này là độc ác, nhân vật kia là khò khạo nhưng điều quan trọng đối với những nhân vật trong cuộc ấy là họ đã tự quyết định cuộc đời với sự sắp đặt của số phận. Họ nhận thức đầy đủ số phận của họ và sống với số phận ấy rồi trôi theo sự mặc nhiên của số phận. Rồi khi ở đâu đó, họ có thể hối tiếc nhưng không hối hận khi đã được lang thang trong cuộc đời bằng con đường họ đã chọn và gieo mình đón nhận số phận.
Nếu Sora Kara chỉ là một phim trinh thám không thôi thì giá trị của Sora Kara có phần giảm đi nhiều vì bí ẩn trong Sora Kara không đắt giá để đưa nội dung đến đỉnh cao. Sora Kara nghiêng về dòng phim tâm lý hơn khi miêu tả sắc nét tâm lý con người với những mảng trống và khoảng căng đầy của những giới hạn trong tiềm thức. Ryo bán linh hồn để mua sự thanh bình tạm thời bấu víu vào đi tiếp, Yuko bán đi thanh bình để gìn giữ quá khứ, Kenzo đưa tay hàn gắn nỗi đau nhưng lại để vuột mất cơ hội cứu rỗi đã đi qua ranh giới. Tất cả các nhân vật đều lạc lõng trong thế giới rộng lớn bao la nhưng họ đều không tìm được động lực của tự do. Khi họ nhận thức được tầm quan trọng của tự do thì đã muộn màng để kịp thay đổi nắm bắt tự do màu nhiệm. Họ khao khát tự do nhưng bị khao khát tự do cuốn phăng khỏi những ràng buộc và trôi đi thật sự trong con xoáy mê lực của khoảng khắc huy hoàng sẽ sớm vụt tắt.
Những nhân vật trong Sora Kara cuối cùng đã từng sống, từng yêu và được yêu để trái tim cô độc được hơ qua dòng máu ấm của một người họ yêu. Cho dù tình yêu đó là chân thành hay giả dối họ cũng đã thoát ra những bó buộc bằng thôi thúc của tình yêu đấy. Họ hạnh phúc như những cánh chim đã được dang đôi cánh bay lên bầu trời, hạnh phúc được tự do theo định nghĩa của riêng cánh chim ấy dù rằng cánh chim ấy có thể tan theo cánh gió.
Dàn dựng chặt chẽ, gọn và tinh tế đã khiến phim tạo được tính chất mơ hồ thoáng buồn nhưng vẫn lạnh căm như tâm lý nhân vật cần có. Kết hợp với kịch bản quả quyết và có can đảm đi đến tận cùng của vấn đề phân biệt rõ ràng thông tin (khi biết và không biết) đưa phim đi hết con đường cần phải đi qua. Trạng thái mơ hồ trong Sora Kara không lấp lửng mà tính mơ hồ thể hiện trong tính tận cùng của mâu thuẩn. Mấu chốt vấn đề trong Sora Kara là cách kết thúc của biên kịch rất Nhật, chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng phương Đông chứ không bị lai căng. Như tôi nhận xét ở đoạn đầu bài, Sora Kara có sử dụng lại cách xây dựng nhân vật trong Curtain: Poirot's Last Case, nhưng cách kết thúc của Sora thuần Nhật khi biên kịch chọn điểm vỡ đắt giá để những mảng khối chế ngự tâm trí nhân vật được giải thoát chứ không tan ra. Nhân vật được thức tỉnh để tự chọn một kết cuộc cho người khác và cho chính bản thân mình. Họ như những vì sao lơ lửng bên lỗ đen tâm thức với lực hút vô cùng mạnh nên cứ cố vùng vẫy trong không gian cuốn họ vào vòng xoáy. Càng vùng vẫy họ mới nhận ra có một lỗ đen trong tiềm thức của mình và họ quyết định tìm bình yên bằng cách đối diện với mơ ước bình yên bất bình yên. Họ quyết định trôi đi theo dòng xoáy để lặng thầm gìn giữ một quá khứ sẽ mãi là quá khứ, quá khứ họ đã từng đi qua, sống và yêu trong nó. Một ngôi sao cần phải vỡ đúng điểm không-thời gian khi ngôi sao đã đong đầy và tiến sát về giới hạn chịu đựng để hạnh phúc không còn là thử thách bắt con người cần phải đi qua. Hạnh phúc chính là nỗi đau theo một cách định nghĩa hồi quy và ngược lại nỗi đau sẽ là hạnh phúc theo cách đó khi người ta đã từng hạnh phúc trong nỗi đau ở giá trị thời gian khiến con người ta trân quý muốn giữ nó trong trái tim ở hai chữ mãi mãi.
Kimura Takuya trong vai Ryo là một điểm sáng thật sự của phim khi diễn tả trọn vẹn tâm lý vô cùng khó diễn của Ryo. Charisma của Kimura Takuya trong vai Ryo là một charisma tự nhiên trong cách diễn điềm nhiên đầy tiết chế của ông hoàng rating Nhật Bản. Đây cũng là vai diễn tôi thích nhất của Kimura Takuya, thích ở cách thể hiện một Ryo lạnh lùng chứa đựng ma lực của sự nguy hiểm khiến người đối diện phải khao khát khám phá và khao khát sở hữu nhưng mãi chẳng thể khám phá hết, lại càng không thể sở hữu. Thứ gì đó ta không thể nắm bắt được luôn có một ma lực vô cùng lớn đối với tâm trí của con người. Các nhân vật nữ đi qua cuộc đời của Ryo bị ma lực phủ vây là do biên kịch nhưng khán giả bị chinh phục bởi Ryo thì công lớn thuộc về Kimura Takuya. Trong Sora Kara hầu như không có cảnh nào Kimura Takuya bị over khi diễn, một yêu cầu rất khó đối với diễn viên ở thể loại này khi không dùng diễn xuất để câu kéo tình thương từ khán giả mà thể hiện được hồn nhân vật tự thân truyền đạt đầy đủ một cuộc sống của con người chứ không phải một vai diễn dù rằng cuộc đời ấy ở trong một vở kịch drama.
Các diễn viên còn lại diễn tròn vai, Akashiya Sanma diễn có chiều sâu. Nhạc phối ăn rơ với phim đầy kịch tính nhưng cũng nhiều trăn trở cho số phận những kiếp người đã lỡ đi qua thời gian. Có những giá trị chắc chắn chỉ thuộc về quá khứ, và có những giá trị quá khứ trở thành vĩnh cửu vì nó không bao giờ có thể thay đổi được nữa. Sora Kara là một trong số hiếm hoi phim có giá trị thời gian theo đánh giá của tôi khi nó thể hiện trọn vẹn tính nhân bản đơn sơ nhưng chân thật về con người, về gia đình, về tình yêu.....
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top