xep hang tin dung

Xếp hạng tín dụng (credit rating)

Xếp hạng tín dụng là kỹ thuật đánh giá rủi ro tín dụng do các tổ chức xếp hạng thực hiện và công bố dựa trên các tiêu chí phản ánh uy tín tín dụng của người vay nợ. Ở Mỹ có các tổ chức xếp hạng tín dụng như Standard & Poor (S&P) và Moody’s Investor Service and Fitch. Hai tổ chức xếp hạng tín dụng này rất uy tín không chỉ thực hiện xếp hạng tín dụng trên thị trường vốn ở Mỹ mà còn xếp hạng tín dụng trên thị trường vốn của nhiều nước khác trong đó có thị trường vốn Australia. Chẳng hạn, S&P xem xét các yếu tố như loại tín dụng cung cấp, loại tài sản đảm bảo và các yếu tố khác để xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp từ cao nhất là AAA xuống thấp nhất là C, theo đó hạng càng thấp thì rủi ro tín dụng càng cao. Ngoài ra, S&P còn xếp hạng giảm dần tương đối từ AAA, AA đến A và sử dụng các dấu + và – để chỉ thứ hạng khác biệt tương đối.

Ở Việt Nam, các ngân hàng thương mại thường tự xếp hạng tín dụng doanh nghiệp cho khách hàng. Cần lưu ý một điều là việc xếp hạng tín dụng do ngân hàng thực hiện có nhược điểm là không phản ánh trung thực và khách quan uy tín tín dụng của khách hàng. Kết quả xếp hạng có thể ảnh hưởng bởi sự nhìn nhận và tiêu chí chủ quan do ngân hàng đặt ra. Công việc đánh giá và xếp hạng nói chung và xếp hạng tín dụng nói riêng nên do tổ chức độc lập thực hiện. Có như thế mới khách quan. Với tư cách là người cho vay, ngân hàng thường thận trọng hơn và để bảo vệ mình ngân hàng có khuynh hướng xếp hạng doanh nghiệp thấp hơn so với uy tín tín dụng thực sự của khách hàng. Ngược lại, nếu để doanh nghiệp xếp hạng thì doanh nghiệp có khuynh hướng xếp hạng cao hơn so với uy tín tín dụng thực sự của mình để dễ dàng vay vốn ngân hàng. Do vậy, xếp hạng tín dụng nên do các tổ chức độc lập thực hiện.

            Cần lưu ý việc xếp hạng tín dụng doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với khách hàng doanh nghiệp, trong khi vay vốn ngân hàng ngoài doanh nghiệp còn có khách hàng cá nhân. Đối với khách hàng cá nhân, đặc biệt là khách hàng vay tiêu dùng và vay mua bất động sản, ngân hàng thường áp dụng hình thức chấm điểm tín dụng.

Chấm điểm tín dụng (credit scoring)

Chấm điểm tín dụng là kỹ thuật sử dụng các dữ liệu nghiên cứu thống kê và hoạt động để đánh giá mức độ rủi ro tín dụng đối với khách hàng. Điểm tín dụng thể hiện ở một con số do ngân hàng xác định dựa trên cơ sở phân tích thống kê của chuyên viên tín dụng, của phòng tín dụng hoặc của công ty chuyên thực hiện dịch vụ chấm điểm tín dụng. Ở Việt Nam, một số NHTM cũng đã quan tâm và triển khai thực hiện chấm điểm tín dụng đối với khách hàng, tuy nhiên việc này cũng chưa được áp dụng phổ biến rộng rãi vì còn trong quá trình thử nghiệm và cần hoàn thiện dần. Nhằm giúp bạn có thể thông tin và chấm điểm tín dụng ở đây trình bày một số kinh nghiệm quan sát được về chấm điểm tín dụng ở Úc, Mỹ và một số nước khác.

Ở Úc việc chấm điểm tín dụng có thể do ngân hàng hoặc Cục tín dụng (Credit bureau) thực hiện. Cục tín dụng Úc sử dụng dữ liệu tín dụng do các tổ chức tài chính báo cáo để chấm điểm tín dụng, do đó, dữ liệu sử dụng bao quát hơn là dữ liệu của ngân hàng. Tuy nhiên, Cục tín dụng chỉ sử dụng dữ liệu tiêu cực, tức là dữ liệu về các trường hợp tín dụng có vấn đề như quá hạn trên 60 ngày, hoặc dữ liệu các trường hợp phá sản do Tòa án phán quyết, trong khi ngân hàng sử dụng cả hai loại dữ liệu tiêu cực lẫn tích cực, nghĩa là bao gồm cả những khoản tín dụng có vấn đề và khoản tín dụng tốt.

Ở hầu hết các nước OECD như Mỹ, Anh, Canada, Nam Phi, Hồng Kông, Singapore và Malaysia, cả dữ liệu về các khoản tín dụng tốt và xấu đều được báo cáo về Cục tín dụng nhằm cung cấp thông tin cho việc chấm điểm tín dụng.

Ở những nước kể trên, việc chấm điểm tín dụng dựa vào kết quả hoạt động tài chính của khách hàng trong quá khứ để phát triển mô hình chấm điểm tín dụng, trong đó rủi ro tín dụng là biến phụ thuộc và các biến tác động bao gồm:

·       Lịch sử thanh toán nợ đến hạn của khách hàng trong quá khứ

·       Dư nợ tín dụng so với thu nhập

·       Tình trạng việc làm hiện tại.

Mỗi biến sẽ được gán cho một số điểm nhất định và có tính trọng số tùy theo mức độ tác động của biến đó đến biến rủi ro tín dụng. Nói chung, kết quả chấm điểm càng cao thì rủi ro tín dụng càng thấp.

Chẳng hạn, ở Mỹ, The US Fair Isaac Company (FICO) là công ty phát triển hệ thống chấm điểm tín dụng tự động vào những năm 1960 và 1970. Điểm tín dụng do FICO xây dựng có giới hạn từ 300 đến 850, điểm trung bình là 720 và điểm càng cao thì rủi ro tín dụng càng thấp. Hệ thống chấm điểm tín dụng FICO dựa vào 5 yếu tố với trọng số như sau (bảng 4.3):

Bảng 4.3: Các yếu tố xem xét khi chấm điểm tín dụng của FICO

Yếu tố

Trọng số (%)

Giải thích

Lịch sử thanh toán nợ

35

Thanh toán nợ đúng hạn không? Có lần nào không trả nợ hay không?

Trị giá khoản tín dụng

30

Doanh số khoản tín dụng là bao nhiêu?

Thời hạn tín dụng

15

Khoản tín dụng có thời hạn bao lâu?

Lịch sử quan hệ tín dụng

10

Đây có phải là khoản tín dụng mới hay không? Còn khoản tín dụng nào khác nữa không?

Loại tín dụng

10

Trả góp tiêu dùng hay mua bất động sản?

Dựa vào các yếu tố tác động với trọng số nếu trên, FICO xây dựng thang điểm và chấm điểm tính dụng. Ví dụ dưới đây minh họa kết quả chấm điểm và xếp loại tín dụng theo hệ thống chấm điểm của FICO.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: