[Tiết Hiểu] Ngón tay út của hắn

Có một ngày khi sợ hãi nhận ra sự thù hận có thể hủy hoại tâm hồn và nhân cách để đẩy chúng ta đi bao xa, tôi lại nhớ đến câu chuyện về ngón tay út của Tiết Dương.

Vì sao tác giả lại chọn hình ảnh ngón tay làm đòn bẩy tạo bước ngoặc tâm lý cho Tiết Dương, để rồi sau này cũng chính hình ảnh ấy được mang ra bàn luận trong cuộc tranh cãi cuối cùng của hắn với Hiểu Tinh Trần tại Nghĩa thành? Một ngón tay, không phải cả cánh tay hay đôi mắt, đôi chân, mà đây chỉ là một ngón tay út. Nó nhỏ nhoi và không đủ sức tạo nên thay đổi lớn lao nào với sự vận hành của cơ thể, đủ để gọi là mất đi một bộ phận và đủ để ta biết hắn khiếm khuyết mà thôi. Nhưng sau này khi ta nghe chính miệng Tiết Dương tự thuật rằng: “...Một ngón tay bị nghiến thành bùn ngay tại chỗ.” Lúc này đột nhiên nhận ra sự mất mát đó có sức ảnh hưởng lớn lao thế nào đối với nhân cách hắn.

Lấy một hình ảnh nhỏ bé để chỉ đường đến những hậu quả kinh khiếp, có lẽ đó là một cách thức rõ ràng nhất mà tác giả muốn dùng để chỉ ra hiệu ứng cánh bướm. Mối quan hệ nhân quả tuyệt đối không dễ dàng đong đếm, nó có thể bắt nguồn từ những dịch chuyển yếu ớt trong vận mệnh trước khi trở về với những chấn động không cách nào tránh khỏi. Lúc này ngón tay không chỉ là một phần của cơ thể, nó là một phần trong quá trình hình thành nhân cách của Tiết Dương. Nó biểu trưng cho một lời hứa không hoàn thành, mang đến những lời gian trá của hắn sau này; nó lại thể hiện một niềm tin bị phá vỡ, thứ đã quay về trong hình dạng sự bất nghĩa bội bạc của hắn ở tương lai; nó cũng chính là nỗi đau vô cớ xé nát tâm can một đứa trẻ, để rồi trở thành sự bạo tàn vô lương của kẻ diệt môn đến mình đầy kinh nghiệm.

Một ngón tay út, đánh đổi biết bao nhiêu mạng người. Hỏi có đắt không, thật ra làm gì có giá trị nào định được.

Nếu bạn chưa quên, Hiểu Tinh Trần khi ấy đã cố sức tìm ra một cái giá phải chăng hợp lý, khi cùng hắn lý luận rằng: “Thường Từ An năm đó làm mất của ngươi một ngón tay, cho dù muốn trả thù, thì chỉ cần chặt đứt một ngón tay của ông ta là được rồi. Nếu hận quá thì ngươi chặt hai ngón, mười ngón! Hoặc thậm chí ngươi chặt đứt một cánh tay của ông ta cũng được! Tại sao phải giết cả nhà người ta? Chẳng lẽ một ngón tay của ngươi, phải đền bằng hơn năm mươi mạng người ư?”

Đến đây phát sinh một câu hỏi đáng ngạc nhiên: Hiểu Tinh Trần, một đạo nhân xuất chúng thiện lương, vì sao lại cố đặt mình vào hắn để lý luận mặc cả một cái giá cho sự báo thù? Y dường như đã quên mất oan oan tương báo sao có thể dừng, lại xuôi theo hắn ngầm thừa nhận ý nghĩa của hành vi phục thù. Một sự nhượng bộ, hay một cách ngụy biện nhẹ nhàng đánh lừa cả bản thân để cố tin rằng hắn cũng cần một lý do cho tất cả. Dù chính bản thân Hiểu Tinh Trần cũng chẳng thể nào bào chữa được cho hắn. Nhưng khi y dừng tay kiếm để lắng nghe câu chuyện, cố gắng đứng ở góc nhìn của kẻ thù, có phải tận thâm tâm đạo nhân ấy đã hy vọng thiếu niên cùng mình hai năm qua sẽ trong phút chốc mà quay về hay không.

Chỉ là nếu chúng ta không sống cùng một cuộc đời, thật khó để hiểu được cay đắng trên môi đối phương có hương vị ra sao. Thật khó để đong đếm những nỗi đau và cũng không thể nào thay nhau định giá những bi kịch. Tôi tin Hiểu Tinh Trần, trong khoảnh khắc nào đó đã ban cho hắn một cơ hội, nhưng cũng chính y trong đau đớn và thất vọng tột cùng mà tước mất. Cũng như Hiểu Tinh Trần chưa từng hiểu vì sao một ngón tay trên người hắn lại đáng giá hơn năm mươi mạng người, Tiết Dương cũng tuyệt đối lạnh lòng làm ngơ trước bi ai mà hắn đã mang lại cho y.

Khác nhau duy nhất một điều rằng hắn hiểu, chỉ là hắn muốn người ấy phải trải qua. Một trạng thái nào đó gần giống với thời khắc nhân tâm hắn đổ vỡ, một nỗi đau nào đó đủ lớn để cưỡng ép y chấp nhận cuộc đời với cái nhìn tàn khốc. Nhưng chẳng như hắn đi qua thứ thử thách ấy ở độ tuổi non nớt mà trui rèn thành ma quỷ như bây giờ, y đã là một thân cây cứng cáp được nuôi lớn bằng lẽ đạo ngây thơ. Đứng trước thống khổ bức người phá vỡ cả chân tâm, Hiểu Tinh Trần không bao lâu đã quyết định khuỵu ngã. Thời điểm khác nhau, kết cục cũng khác. Đến cuối cùng ngón tay nhỏ ấy vì sao có thể thay đổi cả tính người, Hiểu Tinh Trần có lẽ đã phần nào hiểu ra.

Thứ mất đi ắt không phải vật trông thấy được, nó nằm tận sâu trong trái tim mỗi người. Tiết Dương dường như muốn dạy cho y tất cả những thứ mà hắn đã từng học, về thứ lẽ đời khốc liệt vốn khác xa lẽ đạo: Rằng thù hận có thể giết chết ngươi cũng có thể nuôi ngươi lớn, hoặc tước mất tất cả của ngươi cho đến khi ngươi chẳng còn lại gì. Phân đoạn đau thương ấy mở ra một cánh cổng của thù hận, Tiết Dương cho phép y được hận hắn, nhìn nhận hắn như mục tiêu báo thù. Vậy mà thứ y hận cũng chẳng phải Tiết Dương. “Tha cho ta đi.” - Đã dày vò nhau quá đủ cả đời rồi, Hiểu Tinh Trần đến chết vẫn không muốn đi vào hắc đạo hắn bày ra. Chi tiết này thật sự nói lên một điều rất quan trọng: Hiểu Tinh Trần lựa chọn không hận Tiết Dương. Bởi nếu y hận hắn, ôm ấp lòng báo oán như hắn đã từng, Hiểu Tinh Trần đã không còn là Hiểu Tinh Trần minh nguyệt thanh phong nữa. Chút ưu thế cuối cùng y có khi đứng trước hắn, là một tấm lòng thiện lương tuyệt đối không cách nào vấy bẩn.

Thù hận, mang lại thứ dã tâm đáng sợ, cuối cùng cũng chỉ đến từ một ngón tay út. Thật ra trong cuộc sống này, thù hận đã luôn hình thành từ những nguyên do còn nhỏ nhoi hơn thế. Đối diện với nó có cách nào tránh khỏi? Người quân tử chọn từ bỏ hồng trần, kẻ sinh tồn thì chọn nuôi lớn nó.

Vậy trong chúng ta, “ngón tay út” đã hình thành hay chưa?

Viva Satana
Tranh từ manhua "Ma đạo tổ sư" chương 85

––– Hashtags –––
#薛洋 #晓星尘 #薛晓 #魔道祖师 #墨香铜臭 | #XueYang #XiaoXingChen #XueXiao #MoDaoZuShi #MoXiangTongXiu | #TiếtDương #HiểuTinhTrần #TiếtHiểu #MaĐạoTổSư | #GrandmasterOfDemonicCultivation #TheFounderOfDiabolism

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top