Những cái tết của tôi
Tôi ghét cái tết, rất ghét cái tết. Xin lỗi các bạn, và xin lỗi ai đó sáng tạo nên tiếng Việt, vì theo ngữ pháp, chữ tết phải được viết dưới dạng viết hoa. Nhưng tôi cảm thấy không tôn trọng niềm ghét tết lớn lao của mình nếu viết chữ tết theo cách ấy. Giống như việc các bạn chắc chắn chẳng bao giờ viết hoa tên của kẻ bạn cực kỳ ghét mà bạn đang nói xấu qua tin nhắn với một đứa bạn thân vậy.
Nếu chỉ nói đơn giản là tôi ghét cái tết, thì quá bình thường. Theo thống kê từ một trang tin không tồn tại thì đến một nửa dân số Việt Nam ghét cái tết. Nhưng nếu nói rằng tôi ghét cái tết không phải bởi vì tôi là người lớn, mà vì là một đứa trẻ thì có lẽ nó đặc biệt hơn chút. Trẻ con thì đứa nào cũng yêu cái tết cả, ít nhất là tất cả những đứa trẻ mà tôi biết.
Tôi mười bảy tuổi, đang học lớp mười một tại một trường cấp ba gần nhà. Nhiều người sẽ nghĩ, mười bảy tuổi đương nhiên không còn là trẻ con nữa. Theo khía cạnh thể chất, tôi cho rằng điều đó đúng, nhưng theo khía cạnh trí tuệ, tin tôi đi, tất cả những tên nhóc mười bảy tuổi chỉ là một tên nhóc mà thôi. Tôi không nằm ngoài số đó. Tôi từng đọc ở đâu đó rằng chưa bước qua tuổi mười tám tức là chưa trưởng thành. Tôi hoàn toàn đồng ý, và nếu chưa trưởng thành thì người ta được gọi là gì, thiếu niên, thanh niên, hay gì nữa, dẹp hết đi, tôi thì chỉ có một cách gọi như trên mà thôi, một tên nhóc. Vậy là, tên nhóc mười bảy tuổi tôi ghét cay ghét đắng cái tết.
Hẳn các bạn đang thắc mắc, tại sao tôi lại ghét cái tết đến thế phải không. Có khoảng một trăm bốn mươi chín triệu sáu trăm nghìn lý do để tôi ghét cái tết. Nhưng đương nhiên, tôi không thể kể hết tất cả ra ở đây được, như thế tất là không tôn trọng các bạn rồi. Tôi sẽ chỉ nói về một số lý do cơ bản cho việc ấy mà thôi. (Tôi cũng chẳng hiểu cái thứ máy tính nào đã thống kê cho tôi được con số một trăm bốn mươi chín triệu sáu trăm nghìn lý do kia nữa. Hình như đó là số kilomet tính từ Trái đất đến Mặt trời. Số lý do để tôi ghét cái tết thì không lớn đến thế, nhưng chắc cũng ở mức nào đó xấp xỉ).
Để mà bắt đầu thì phải nói, tôi ghét cái tết không phải chỉ ở ba ngày tết, mà từ trước đấy nhiều ngày rồi. Từ tận mười mấy đến hai mươi tháng Chạp, tivi báo đài đã xuất hiện những tin tức liên quan đến cái tết. Đương nhiên, tôi chẳng quan tâm cho lắm, nó chưa đến mức đập vào tai, va vào mắt khiến tôi phải nổi điên đùng đùng. Vì thế nên tôi có thể tạm chấp nhận rằng những ngày ấy vẫn là những ngày yên bình với tôi.
Ngày mà cái tết thực sự bắt đầu ập xuống như một cơn mưa dông tháng sáu điên cuồng, mà phải nói thêm, không chỉ điên cuồng như một cơn mưa dông tháng sáu thông thường, ngày này còn kèm theo cả sự tồi tệ nữa, là ngày hai mươi ba tháng Chạp. Người ta vẫn hay gọi là ngày ông Công ông Táo. Vào ngày này, tôi ngửi thấy rõ mùi của cái tết, tanh như cái mùi cá chép mà mẹ tôi mua về để làm lễ hay cúng bái gì đó. Tôi không biết ông Công ông Táo sinh ra ở thời đại nào, tôi cũng chẳng quan trọng chuyện đó, điều làm tôi chán nản ở ông Công ông Táo, mà khoan đã, hai ông là hai người khác nhau hay là một nhỉ, ai đó chỉ cho tôi được không, thôi cứ tạm gọi một cách miễn cưỡng là ông Công ông Táo đi. Điều làm tôi chán nản ở ông Công ông Táo, đó là việc ông Công ông Táo về trời bằng cá chép.
Không phải tôi có thành kiến gì về ông Công ông Táo, hay về loài cá chép. Cá chép rất đẹp, đặc biệt là cá chép vàng người ta vẫn hay mua vào ngày này. Tôi thì đặc biệt ghét ăn cá, nên tôi chỉ có thể nói rằng cá chép vàng nhìn rất đẹp mà thôi. Cái mà tôi không thích, đó là cách mà người ta vẫn gọi là thả cá về trời hay gì gì đó như thế. Năm nào tôi cũng được mẹ giao nhiệm vụ mang cá đi thả, tiễn đưa ông Công ông Táo về trời. Chính vì cái vụ tiễn ông Công ông Táo về trời đó, nghe thật là trang trọng và đầy tính phô trương, nên người ta ai ai cũng muốn thả cá chép ở những con sông lớn, để làm tương xứng với việc tiễn ông Công ông Táo về trời. Mẹ tôi cũng không ngoại lệ, năm nào mẹ cũng bắt tôi phải mang ra con sông lớn. Mẹ cho cá vàng vào túi nilong, tất nhiên bên trong có nước, tôi một tay xách túi, cẩn thận để không bị làm sao, một tay giữ xe, đạp lên cây cầu lớn gần nhà, nơi mà bên dưới cũng là một con sông lớn.
Con sông này, để mà miêu tả thì hơi khó, thế nên tôi sẽ lấy một hình ảnh tương tự để các bạn dễ hình dung. Các bạn có biết cái lòng lợn dài ngoằng ngoẵng mà người ta bày bán ở chợ không, thử hình dung cái lòng ấy, cắt làm đôi theo chiều dọc, để hở ra bên trong nguyên một thứ nhớp nháp gì đó màu vàng kinh tởm. Con sông này là phiên bản phóng to của thứ lòng lợn kinh tởm ấy.
Trên cây cầu, cùng với tôi, là hàng tá, hoặc một chục tá nếu chưa đủ, những con người cũng đang tay xách túi nilong chứa cá chép vàng bên trong. Tôi tự hỏi, ông Công ông Táo ở đâu ra mà lắm vậy. Những con người ấy ra mép cầu, rồi thản nhiên thả túi nilong chứa cá chép xuống sông từ độ cao chục mét. Họ gọi đó là thả cả, tiễn ông Công ông Táo về trời. Tôi thì có vài cái tên khác để gọi hành động đó: giết cá, gây ô nhiễm môi trường, làm tắc nghẽn cây cầu, vân vân và mây mây. Giờ thì tôi đã hiểu tại sao con sông này lại giống lòng lợn đến thế. Tôi thở dài lắc đầu, rồi xách túi nilong lên xe đạp đi khỏi. Tôi tìm đến một con mương nho nhỏ, mà tôi nghĩ rằng độ trong của nước có thể làm con cá chép sống được. Tôi bước xuống bờ mương, mở túi nilong cho cá chép bơi ra ngoài, rồi cầm túi nilong về vất vào thùng rác.
Vài ngày sau ngày ông Công ông Táo, tức là vào khoảng hai mươi lăm hay hai mươi sáu gì đó. Tôi được nghỉ học, đến thời điểm này thì cái tết dường như len lỏi vào từng ngóc ngách của từng ngõ xóm rồi. Khốn khổ thay, cái tết cứ đến một cách yên bình thì có phải tốt không. Đằng này, nó đến cứ như một trò trêu ngươi tôi vậy. Bảy giờ sáng, nhà nào đó trong xóm bật thứ nhạc tết mà tôi nghĩ vẫn luôn được chơi từ thời Cách mạng đến bây giờ, ở một mức độ âm lượng mà có lẽ nếu tôi ngồi ở trường học cách đó hơn một cây số cũng nghe thấy. Tôi có cảm giác, không phải họ đang đón chào không khí tết, mà họ muốn khoe khoang cái bộ loa chết tiệt của họ thì đúng hơn. Cái bộ loa ấy thổi tung cái giấc ngủ mà tôi mong đợi nguyên nửa năm học lê thê của mình. Tôi đành dậy và làm cái công việc vốn luôn là bổn phận của một đứa con, dọn dẹp nhà cửa.
Khi nhắc đến ngày tết, lẽ tất nhiên, người ta sẽ nhắc đến đào, quất. Tôi có biết, miền Nam người ta thích chơi cây mai hơn, nhưng trong phạm vi thế giới quan của mình, tôi chỉ nói về cây đào, quất mà thôi. Ngày tết, nhà nào cũng mang về một loại cây, đào hoặc quất, đôi khi là cả hai. Điều thú vị là, người ta đặc biệt thích thú và chú trọng trong việc chọn mua cây cảnh này. Họ luôn cố làm sao, để mua được cái cây trông có vẻ đẹp và to lớn nhất có thể, hoặc đôi khi, tôi nghĩ người ta chẳng quan tâm đến việc nó đẹp hay to lớn thế nào, chỉ cần càng đắt tiền và càng nhiều người biết nó đắt tiền là được. Tôi thực sự không hiểu điều này lắm. Mỗi lần hỏi ai đó, tôi đều nhận được câu trả lời kiểu như: đây là phong tục tập quán từ xưa của đất nước, là một nét văn hóa, đến phong tục tập quán và nét văn hóa bản sắc còn không giữ được thì làm sao mà đất nước trở nên giàu mạnh được. Tôi thầm nghĩ đến đất nước Trung Quốc đang vươn mình trỗi dậy như một con linh dương ngạo nghễ thách thức một đàn sư tử Mỹ, Nga, Nhật kia có giữ những nét truyền thống về cái tết như thế này không. Nếu có, tôi sẽ chắp tay thán phục tám nghìn lần, còn nếu không, tôi sẽ đấm vỡ mồm cái gã đã bày tỏ quan điểm mang đầy tính triết học thể hiện kia.
Tại sao người ta cứ phải cố, để vẽ vời lên cái tết của mình sự sung túc nhỉ, thậm chí chẳng phải cho chính họ, mà chỉ để phục vụ một cái nhìn soi mói từ những con người khác cũng đang lạc trong một cái gương tương tự mà thôi. Tôi không có ác cảm gì với cây cảnh ngày tết hết, thậm chí, tôi yêu chúng, ngắm nhìn những cây cảnh này đem lại cho tôi niềm vui. Nhưng chừng đó là không đủ để tôi đồng tình với việc mua chúng, lý do thì nằm trong chính cái việc mua chúng ấy.
Tết sung túc là đúng. Nhưng nó chỉ đúng với những gia đình có tiền mà thôi. Gia đình tôi, không đến mức nghèo khó, nhưng khó khăn trong việc mua sắm tết là hoàn toàn có. Bố tôi, không thể nằm ngoài cái quan điểm về cây cảnh tết như đa số mọi người khác. Ông luôn muốn mua một cái cây cảnh chơi tết thật to. Ông đi ngắm cây cảnh bày bán ngập tràn các phố từ những ngày đầu tiên, nhưng khổ nỗi, cây càng to thì càng đắt, vậy thôi. Ông đành chọn cách, chờ đợi cho đến tận ba mươi tết mới mua một cây về. Tôi ngồi ghế sau trên xe máy ông cầm lái, theo ông đi khắp các địa điểm bán cây, ngồi yên trên xe chờ đợi ông bước xuống thương thảo, chỉ trỏ, trao đổi với từng người bán. Rồi cuối cùng ông lại lên xe đi đến một nơi bán khác, ông cứ đi như thế, cỡ khoảng bảy tám lần gì đấy. Trong suốt thời gian đó, tôi chẳng quan tâm hay nhòm ngó gì đến bất kỳ cây cảnh nào đang phơi trên vỉa hè. Tôi cũng chẳng thèm lắng nghe xem ông trao đổi gì với những người bán cây. Điều duy nhất tôi để ý, đó là đôi mắt của bố tôi. Tôi không bỏ sót bất kỳ một phút giây nào có thể để nhìn vào mắt ông trong suốt chuyến đi. Đôi mắt bố tôi lúc nào cũng đỏ au, và mọng nước, và nếu bỏ qua tất cả những ảnh hưởng của một người lao động vất vả điển hình, thì đôi mắt ấy lúc nào cũng như đang khóc. Hiển nhiên là kể từ khi tôi ý thức được khóc là gì, tôi chưa bao giờ thấy ông khóc, nhưng đôi mắt của ông thì đúng là như đang khóc vậy. Đôi mắt ông dò dẫm trong những cái cây cảnh dựng bên đường, rồi dừng xe lại đột ngột mỗi khi thấy một cái cây ưng ý. Cũng đôi mắt đỏ au ấy, đối diện với người bán cây, tìm kiếm một cái nhìn đồng cảm và một sự đồng ý nơi đối phương. Đến khi không thể, đôi mắt đỏ au lại liếc nhìn vào cái cây ưng ý một cách đầy tiếc nuối, rồi quay sang tôi như muốn lắc đầu, và lên xe đi tiếp. Tôi những muốn nhảy xuống và lao vào đấm ngay cho gã bán hàng kia một trận, và hét vào mặt hắn rằng, hãy bán ngay cái cây khốn kiếp kia cho bố tao đi. Nhưng tôi không thể làm điều đó. Tôi chỉ là một thằng nhóc con, đến tiền ăn sáng còn phải xin bố mẹ hằng ngày, thì làm được gì đây.
Rồi sau khi đã đi khỏi, tôi nghĩ rằng, người bán cây kia có thể cũng là bố của một thằng nhóc thậm chí còn nhỏ hơn tôi nhiều. Đôi mắt của hắn không đỏ như đôi mắt của bố tôi, nhưng có thể hắn cũng đã khóc nhiều. Tôi tự hỏi, liệu hắn có để dành một cái cây to lớn đẹp đẽ để trang hoàng cho ngôi nhà của hắn không, hay là hắn sẽ bán hết sạch sẽ số cây có ở đó.
Hắn không bao giờ bán hết được số cây đó. Chắc chắn vậy.
Và cuối cùng thì bố tôi cũng mua cho mình được một cái cây ưng ý, vào lúc sáu giờ ba mươi tối của đêm ba mươi tết.
Vài ngày trước giao thừa cứ trôi qua theo kiểu như thế. Dọn dẹp, mua sắm cái này cái kia, vật lộn với cái thứ âm nhạc tết từ chín mươi năm trước ầm ầm cả ngõ, nhòm ngó sang nhà hàng xóm và bị hàng xóm nhòm ngó. Tôi chẳng thể thích nổi bất kỳ một việc nào trong số đó. Ban ngày, tôi làm đủ mọi việc mà bố mẹ tôi yêu cầu, bất kể là việc gì, và bất kể tôi có ghét đến đâu. Tôi còn chẳng muốn nhìn mặt hàng xóm trong những ngày này nữa. Xin đính chính một chút, không phải tôi ghét họ hay cảm xúc gì như thế. Tôi luôn lễ phép, và trả lời mọi câu hỏi của họ theo cách tốt nhất một đứa trẻ có thể, tôi còn biết khéo léo hỏi han lại họ vài câu, bày tỏ một sự quan tâm, thành thực mà nói thì là giả tạo, để họ có thể cảm thấy vui vẻ và tự hào mỗi khi trả lời về bất cứ thứ gì họ mua sắm được khi tôi hỏi.
Thế giới này thật buồn cười, đặc biệt là người lớn. Họ hỏi những câu hỏi về những điều họ không muốn biết, trả lời những thứ mà người đối diện không quan tâm, và mỉm cười duyên dáng khi họ không thực sự thấy hài lòng. Tôi cảm thấy ngán ngẩm khi nghĩ rằng, chẳng bao lâu nữa tôi sẽ bị gán cái mác người lớn lên mình, và lo lắng không biết đến lúc đấy tôi có thể nở một nụ cười duyên dáng khi trong đầu đang thở dài được hay không.
Tối đến, tôi chui tọt vào trong phòng mình, đóng chặt cửa, từ chối mọi lời gọi của bố mẹ tôi. Cả ngày dọn dẹp như vậy là quá đủ rồi. Một vài đứa bạn rủ tôi đi đánh bài, hoặc đi chơi net, tôi giả vờ như mình chết rồi. Tôi không còn đủ năng lượng cho những hoạt động chơi bời kiểu như thế. Tôi không hiểu sao chúng nó có thể vui vẻ đi tận hưởng những ngày cuối năm theo cách ấy được. Chúng nó hẳn cũng phải có một cái nhà và một mớ hỗn độn đang chờ chứ nhỉ.
Và kể cả khi đã ở trong căn phòng đóng kín cửa của mình, tôi vẫn không thoát được cái thứ âm nhạc đồ sộ và cổ hủ kia. Chưa hết, họ chán nghe nhạc, thì họ tự hát. Họ bật karaoke lên và hát. Giọng hát của họ thậm chí như làm tăng thêm cái âm lượng vốn đã ở mức tối đa của bộ loa thì phải. Và có lẽ tôi cũng không cần phải nói chi tiết về mức độ hay ho của những giọng hát đó nữa nhỉ. Xin để các bạn tự hình dung.
Trước giao thừa, sau khi đã xong hết tất cả mọi việc cần thiết, thực tế là tôi cũng không biết đã chuẩn bị xong hết mọi việc chưa, nhưng đến tầm này thì cũng kệ thôi, chẳng quan trọng nữa, tôi đi loanh quanh trong khu vực, ngắm nghía những tàn dư cuối cùng còn sót lại của một năm trời.
Tôi nhìn ngắm những con đường, vắng lặng người đi, lẻ tẻ những dòng người nhỏ nhỏi theo nhau lên phố ngắm pháo hoa. Tôi chẳng có chút hứng thú nào với pháo hoa giao thừa cả, có cũng được mà không có cũng chẳng thành vấn đề. Bùng nổ dữ dội trong hơn mười phút rồi tắt ngấm, giao thừa đến rồi đi, tất cả những gì còn lại chỉ là thời gian mà thôi. Dù sao thì tôi cũng thấy mừng, vì có khá nhiều cặp đôi theo nhau lên phố ngắm pháo hoa, sẽ là một đêm giao thừa trọn vẹn cho họ. Tình yêu luôn làm mọi thứ trở nên đẹp đẽ hơn.
Ngắm nhìn chán chê, tôi về nhà, mở tivi xem chương trình táo quân để giết thời gian. Một chương trình hay ho, đả kích mạnh mẽ trong hình thái gây cười. Cũng khá giống với cái cách tôi đang viết những dòng này đấy nhỉ. Tiện cũng phải nói luôn, một thằng nhóc mười bảy tuổi đang nói về sự chán chường của nó với cái tết, không phải dưới dạng thuần túy của từ nói, mà chính xác hơn là viết. Nếu tôi nói bất kỳ suy nghĩ nào được đề cập trên đây cho bất kỳ ai đó nghe, nó có nguy cơ sẽ trở thành một rắc rối không nhỏ. Nhưng khi tôi viết ở đây, dĩ nhiên là không ảnh hưởng tới thậm chí một chú chó. Hả hê.
Chương trình táo quân kết thúc được một lúc thì cũng đến thời điểm giao thừa. Tôi nhắm mắt cảm nhận cái thời khắc giây cuối cùng của một năm kết thúc và bước vào giây đầu tiên của năm mới. Chẳng ra sao, tôi chẳng cảm thấy gì, nhạt thếch, chỉ có tiếng pháo hoa là cứ gào thét bên tai. Tôi cảm thấy phí phạm hai giây cuộc đời, đồng thời cảm thấy ngu ngốc vì đã nghe theo chương trình trên tivi mà nhắm mắt chờ đợi. Trong hơn mười phút, tiếng pháo hoa rền vang cả bầu trời. Tôi chờ đợi cho tiếng pháo hoa kết thúc rồi lên giường. Tôi nằm nghĩ ngợi mông lung về ba ngày tiếp theo, rồi như chẳng đi đến đâu, tôi nhắm mắt và thiếp đi sau ba mươi giây.
Ngày mùng một tết mở đầu với màn rửa mặt với nước lá mùi. Năm nào cũng thế, mẹ tôi bảo, rửa mặt bằng nước lá mùi để cho thơm tho, như vậy thì cả năm sẽ thơm tho và may mắn. Tôi không biết mọi người có thấy thơm thật không, tôi thì thấy cái mùi này hắc và khó ngửi đến gay gắt. Tất nhiên, không để làm mẹ phiền lòng và mất đi không khí sáng mùng một, tôi vẫn rửa mặt với vẻ thích thú. Rồi trong năm phút sau đó, lựa cái lúc mà mẹ tôi không để ý, tôi rửa đi rửa lại mặt bằng nước lã cỡ năm mươi lần.
Không biết có phải đã thành truyền thống của nhà tôi không, nhưng sáng mùng một nào bố mẹ tôi cũng cãi nhau. Không quá nghiêm trọng, ngắn thôi, nhưng đủ để được coi là một cuộc cãi vã kiểu mẫu. Kết thúc lúc nào cũng là một ngón tay chỉ thẳng vào mặt tôi kèm câu nói: “Nếu không phải vì mày, thì tao bỏ con mẹ mày lâu rồi” hoặc “Nếu không phải vì mày, thì tao bỏ thằng bố mày lâu rồi”, thỉnh thoảng tôi nhận được cả hai. Tuyệt vời.
Tôi không phải là kẻ mê tín, chắc chắn rồi. Nhưng khi mà ai ai cũng nói về những điều nên làm và không nên làm vào ngày mùng một tết thì tôi cũng có một chút lo sợ. Thử hình dung mà xem, nguyên một năm tới, sáng nào tôi cũng phải nhận hai cái chỉ tay vào mặt kèm theo câu nói kiểu như thế chỉ vì mùng một đã xảy ra chuyện tương tự. Thật đáng sợ. Nhưng nếu một vài lần thì không sao, tôi quen rồi.
Cô giáo tôi thường nói, để cho may mắn, chúng tôi nên khai bút vào sáng ngày mùng một tết. Nói nôm na là vào sáng mùng một tết, chúng tôi nên mở sách vở ra ngồi học bài. Việc đó sẽ tạo tiền đề cho một năm sáng chói và đỉnh cao trong con đường học tập. Tôi tự thấy mình thật biết kiềm chế khi không bật cười giữa lớp sau khi nghe cô nói vậy. Kỳ lạ ở chỗ, tôi nhìn xunh quanh, dường như chả có đứa nào cũng đang cố gắng nén cười như tôi cả. Không lẽ chúng định làm như thế thật ? Trời đất, tôi mà biết đứa nào làm như thế chắc tôi nghỉ chơi nó luôn. Biết đâu tôi lại nghỉ chơi mất ba phần tư lớp. Khốn khó cái thân tôi.
Cái việc khó khăn nhất trong ngày tết, đối với tôi, nghe hơi lạ, đó là phải gặp gỡ quá nhiều người. Chỉ riêng cái việc phải gặp bà bác bán đồ ăn sáng, bốn mươi ba đứa bạn trong lớp, vài giáo viên, vài người hàng xóm, thêm con chó có hàm răng như hàm răng cá sấu của ngôi nhà đối diện đã đủ làm một ngày của tôi trở nên quá ư chật chội rồi. Vậy mà lúc này, tôi phải gặp đủ thứ loại người trên đời chỉ trong một ngày mà dường như còn ngắn ngơn cả ngày bình thường của tôi rất nhiều. Người trong xóm, người trong khu phố, họ hàng, bạn của bố, bạn của mẹ, người làm ăn với bố, người làm ăn với mẹ. Quá nhiều để một đứa ghét phiền phức như tôi tiếp nhận. Một nửa trong số đó tôi thậm chí chẳng biết là ai. Nếu tôi biết, ở một mức độ mập mờ, tôi cũng sẽ cố tình quên.
Họ đến nhà tôi chúc tết, điều đầu tiên họ làm là giả vờ trầm trồ khen ngợi cây đào hoặc cây quất mà hai bố con mang về lúc bảy giờ tối đêm ba mươi. Tôi quá quen với những kiểu trầm trồ này rồi. Nó giống như việc đứa bạn ngồi bên phải tôi khen ngợi đứa bạn ngồi bên trái tôi vừa giải xong một bài toán hình học không gian hóc búa, trong khi bản thân nó đã làm xong và ngồi chơi được một thập kỷ rồi. Điều đáng nói là đứa bạn bên trái tôi vẫn hớn hở đón nhận lời khen như một sự động viên tinh thần vĩ đại mà Hitler dành cho quân nhân của mình. Tôi thì chỉ biết cười trừ, trong cả hai trường hợp.
Khách khứa vào nhà tôi, ngồi vào ghế. Tôi cũng phải ngồi vào ghế theo, phần vì tiền mừng tuổi, đương nhiên rồi, phần vì bố mẹ tôi muốn thế. Sau màn chào hỏi và chúc tết gượng gạo, mà tôi nghĩ, hẳn là họ đã học thuộc lòng từ năm mười tám tuổi, rồi cứ thế diễn đi diễn lại cho đến hết đời, họ uống nước và ăn bánh kẹo. Tôi lãnh trách nhiệm pha đồ uống, chè đặc, đồ uống đóng gói, cafe hoặc rượu cho những trường hợp cần thiết. Tôi thì thích uống bia hơn, nhưng chẳng hiểu sao, mọi người không bao giờ chịu uống bia. Chính xác hơn, là chẳng chịu uống bia vào ngày tết. Tôi đã thấy những người đàn ông trung niên uống hết tám cốc bia liên tiếp ở quán bia hơi, mà khi đến nhà tôi chúc tết, ông ta uống nước chè. Đúng là dở hơi, uống quá nhiều vào lúc không cần thiết và không uống gì vào lúc cần thiết. Chẳng có gì hoàn hảo hơn một lon bia pha đá, hoặc một nửa lon thôi nếu không muốn, vào cái ngày tết này cả.
Trong truyện của Murakami, nhân vật chính lúc nào cũng uống từ ba đến bốn lon bia một lúc trong lúc họ thấy khát, thấy mệt, hoặc thậm chí, chẳng cảm thấy gì. Nhiều lần tôi đã cố thử làm nhân vật chính trong truyện của ông, nhưng không thành, tôi chỉ uống được đến hết hai lon là cái bụng tôi căng như một quả bóng bay cỡ lớn. Và có một sự thật là, tôi không thấy uống bia ngon lành ở chỗ nào cả, cùng lắm là lúc khát, hai ngụm bia đầu tiên thì tuyệt vời thật. Nhưng đến ngụm thứ ba thì nó giống như thứ đồ uống dành cho ngựa hơn. Tôi chấp nhận làm con ngựa, để có được cái cảm giác như mình là một người đầy suy tư, đang uống hai lon bia để cảm nhận cái sự đời nhạt nhẽo. Ở điểm này, tôi phải thẳng thắn công nhận tôi giống một thằng hề, đồng thời phê bình mãnh liệt Murakami vì đã khiến tôi trở nên như vậy.
Thế giới này là một ẩn dụ. Murakami đã từng viết như vậy. Tôi không biết ông đã nhìn thấy gì ở cái thế giới này, nó đem đến cho ông những ẩn dụ gì. Nhưng tôi thì không cho là như thế. Tôi cho rằng, thế giới này giống một trò hề hơn, hoặc ít nhất, đó là tất cả những gì một thằng nhóc mười bảy tuổi có thể nhận thấy. Bạn biết đấy, tất cả những ai vẫn còn được gọi là một thằng nhóc, thì luôn luôn thích thú với những tấm lì xì đỏ chót. Đương nhiên tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng điều kỳ lạ ở đây, lại nằm ở chính bản thân cái việc lì xì mừng tuổi ấy. Theo một lẽ tất nhiên, khách khứa đến nhà tôi sẽ móc hầu bao ra để mừng tuổi tôi rồi. Nhưng thay vì đặt đặt vào trong một tấm lì xì đỏ nhỏ nhắn, văn minh, và đầy tính truyền thống, họ rút thẳng tờ tiền ra đưa cho tôi. Họ làm tôi lưỡng lự giữa hai lựa chọn, vui vẻ nhận tiền ngay lập tức, hoặc vui vẻ nhận tiền sau một phút miễn cưỡng giả vờ không muốn. Điều tếu táo nhất ở đây, là bố mẹ tôi, như chỉ chờ có thế, săm soi xem khách khứa mừng tuổi tôi bao nhiêu tiền, rồi ghi nhớ và mừng tuổi lại con cái của họ đúng từng ấy, tất nhiên, cũng không hề đặt trong tấm lì xì. Nó giống như một thỏa thuận trao đổi công bằng mà người lớn ngầm thiết đặt với nhau vậy. Tôi nên gọi cái sự trao đổi công bằng ấy theo cách nào nhỉ, trò hề dưới dạng một nét văn hóa, hay một nét văn hóa bị suy biến thành trò hề. Nhưng dù sao, gọi theo cách nào cũng chỉ đem đến một kết quả mà thôi, sự trao đổi vẫn không chấm dứt, còn tôi thì có tiền lì xì để tha hồ tiêu vào những thứ vớ vẩn nhất trên đời.
Cái tết cách đây vài năm, tôi không nhớ rõ là năm nào, có một sự kiện đáng nhớ xảy đến với tôi. Đó là một buổi chiều mùng ba tết hoang tàn, tôi đang đi trên chiếc xe đạp sau khi trở về từ nhà thằng bạn tôi. Gọi là nhà để nó gần với thế giới của tôi hơn, chứ thực ra, ngôi nhà của thằng bạn tôi không khác một tòa lâu đài là mấy. Nó to và hùng vĩ một cách xấc xược. Chỉ riêng cái phòng khách nhà nó thôi, tôi nghĩ cũng đủ cho ba đời nhà tôi sinh sống cùng nhau mà vẫn thừa không gian để nuôi vài con chó nữa.
Tôi đi trên đường, trời không rét lắm, đủ để ta mặc một bộ quần áo thật đẹp cho ngày mùng ba tết nhạt nhẽo. Con đường vắng lạnh như trong một bộ phim kinh dị, gió thổi lưa thưa một cách phát ngán như thể đó là nhiệm vụ bắt buộc mà nó không hề muốn thực hiện vậy. Thỉnh thoảng có một vài chiếc xe tải phóng vượt qua tôi vội vã. Người ta đi chúc tết bằng xe tải à, tôi nghĩ, thật kỳ cục.
Vừa đạp xe, tôi vừa nghĩ vẩn vơ về số tiền mừng tuổi từ bố thằng bạn tôi, số tiền ấy có lẽ phải đủ cho tôi ăn sáng trong nửa tháng. Tôi chợt nhìn thấy phía trước có một người đang đứng bên lề đường, giơ một tay ra hiệu. Tôi ngoái lại nhìn một vòng, không có ai, hẳn là người ấy đang vẫy tay với tôi rồi. Tiến đến lại gần, tôi thấy một người đàn ông trung niên, có lẽ cũng tầm tuổi bố tôi. Ông mặc một bộ vest màu xanh, giày tây màu đen, bên cạnh ông là chiếc xe đạp cũ kỹ có lẽ được sản xuất từ năm mươi năm trước. Hẳn là bộ vest ông mặc cũng là loại rẻ nhất từng được bán ở thế kỷ này. Xin được nhấn mạnh, ở thời điểm đấy, tất cả đàn ông trung niên mà tôi biết đều đi xe máy, một số người còn có cả xe hơi. Và người đàn ông này thì đi chiếc xe đạp còn cổ kính hơn cả chiếc xe của tôi.
Ông nhìn tôi và chào, tôi cũng chào lại. Ông có một đôi mắt khắc khổ, hẳn là thế rồi. Nhưng trái lại với đôi mắt đó, ánh nhìn của ông lại có một vẻ gì đó ấm áp và trong xanh đến lạ kỳ. Ánh nhìn của ông khiến tôi liên tưởng đến không khí trong chùa, tĩnh mịch và bình yên không gợn sóng. Rồi ông mở lời chúc tết tôi, tôi thích lời chúc tết của ông, đơn giản, không cầu kỳ, nhưng nó khiến tôi cảm thấy ông thực sự mong những điều chúc sẽ đến với tôi. Tôi cũng chúc tết lại ông. Rồi ông nói, ông đang đi đến nhà một người họ hàng, đang đi giữa đường thì lốp xe hết hơi, khổ nỗi ông lại quên đem theo ví. Sau vài giây ngập ngừng như để tìm kiếm từ ngữ, ông hỏi liệu tôi có thể mừng tuổi ông một vài đồng lẻ, để ông có thể sửa lốp xe của mình và đi tiếp hay không.
Tôi lấy tiền trong túi, đưa cho ông một nửa số tiền mừng tuổi mà tôi vừa nhận được. Ông nói ông không lấy hết, như thế là quá nhiều, nhưng rồi cũng đồng ý sau sự quyết liệt của tôi. Rồi ông cám ơn tôi rối rít, dắt xe đi tiếp trong sự tìm kiếm mong manh một cửa hàng sửa xe mở cửa dịp tết.
Rất lâu sau khi ông đã dắt xe đi, tôi vẫn đứng ngây tại chỗ đó mà nhìn theo cho đến khi hình bóng ông chỉ còn là một chấm đen nhỏ xíu. Tôi cố hình dung, trên đoạn đường này có quán sửa xe nào không. Nếu có, nó ở cách bao xa. Tôi không nhớ ra, tôi không nhớ được gì cả. Tôi cảm giác như mình vẫn đang nhìn thấy rõ ràng khuôn mặt và ánh nhìn của ông. Rất lâu rồi tôi mới nhìn thấy một ánh nhìn như thế, giản đơn, cô liêu, nhưng cũng ấm áp và đầy tình người. Tôi hình dung về hằng hà những ánh nhìn của những con người vẫn bước qua cuộc đời tôi, chẳng có ai mang một ánh nhìn như thế. Họ mang một thứ ánh nhìn mà tôi có thể miêu tả bằng một vạn những tính từ khác nhau, không cái nào trong đó là đẹp đẽ cả. Có lẽ trong cái thời đại mà sự sung túc đang ập đến nhanh hơn bất kỳ lúc nào này, con người ta đã quên đi một cái nhìn thật sự là như thế nào. Tôi tự hỏi, tôi đã nói lời chúc tết của tôi dành cho ông như thế nào. Nó có làm ông cảm thấy như tôi đã cảm thấy với lời chúc của ông hay không. Đây là lần đầu, tôi quan tâm đến một lời chúc của tôi dành cho người khác. Rồi tôi nhìn chỗ tiền mừng tuổi còn lại trên tay, đáng lẽ ra, tôi đã phải đưa ông hết chỗ tiền này mới đúng. Giờ thì tôi không biết phải tiêu chỗ tiền này như thế nào nữa. Lần đầu tiên, tôi thấy mình đã tiêu số tiền mừng tuổi của mình vào một mục đích thật sự có ý nghĩa.
Tết là biểu tượng đặc trưng nhất cho định nghĩa niềm vui, sự hân hoan và sum vầy. Nhưng ở một góc nhìn khác, nó cũng phơi bày ra hững mảnh đời chắp vá và đầy xót xa. Nó phơi bày ra cái sự cách biệt mang tính xã hội lớn lao. Ở một nơi nào đó, có một người nào đó, vẫn đang tìm một cách nào đó để có được một cái tết trọn vẹn. Trọn vẹn ở đây, giản đơn thôi, là đến thăm nhà một người họ hàng mà không bị hỏng lốp xe đạp giữa chừng. Tôi chợt nghĩ đến cái lâu đài nguy nga của gia đình thằng bạn tôi, tự hỏi, nó đã có một cái tết trọn vẹn chưa. Liệu có không một ngày nào đó, sự sung túc sẽ ập đến một cách công bằng và tràn đầy như những con sóng ở ngoài biển. Có lẽ không bao giờ. Thế giới không công bằng, nhưng sự thật là nó cũng chẳng bất công. Những gì đang diễn ra, dẫu vì lý do gì đi nữa, thì cũng là thứ phải diễn ra. Người giàu và người nghèo vẫn luôn là một vòng quay cứ quay mãi thôi mà. Và kết quả là ngày hôm ấy lại cho tôi thêm một lý do vĩ đại nữa để ghét cái ngày tết vô vị kia.
Nhưng dù sao, tôi vẫn chỉ là một thằng nhóc mười bảy tuổi. Tôi chẳng thể làm gì với cái thế giới lớn lao ngoài kia cả. Vấn đề của tôi, và riêng tôi, đó là làm sao để có thể hòa nhập với cái thế giới nhỏ nhoi xung quanh tôi. Có muôn vàn cách khác nhau để xa cách thế giới, nhưng chỉ có duy nhất một cách để hòa nhập với nó, đó là đối mặt. Tôi rất giỏi trong muôn vàn cách kia, nhưng cách duy nhất là đối mặt thì tôi lại cảm thấy khó khăn vô cùng.
Tôi vẫn thường miễn cưỡng cùng bố đi chúc tết người ta. Và đương nhiên, ngồi ở nhà một người lạ bao giờ cũng khó khăn hơn là ngồi ở nhà mình. Họ sẽ luôn luôn hỏi han tôi theo một cung cách giống nhau. Đầu tiên sẽ là tên tuổi nếu họ không biết tôi. Theo sau đó, là về chuyện học hành. Tôi luôn ậm ừ cho qua những câu hỏi kiểu thế. Mặc dù sự thật là tôi có thành tích học tập thuộc loại tốp đầu ở trường. Nhưng với tôi, học hành là thứ chuyện vô bổ nhất có thể nói trên đời, đặc biệt là vào những ngày tết. Tôi ngồi lặng im, những người lớn quay sang trò chuyện với nhau, sau khi đã thi hành vài nghi lễ mang tính hình thức là trò chuyện với thằng nhóc tôi. Tôi cố để lắng nghe những câu chuyện mà họ nói, nhưng chẳng cái nào thu hút được sự chú ý của tôi. Và thế là tôi bị giam lỏng trên cái ghế nhà người ta, không thể làm gì, không thể nói gì. Để đẩy đi cái buồn chán đó, tôi thường ngắm nhìn đủ thứ, trần nhà, tranh ảnh treo tường, tủ rượu âm tường, bàn ghế, tivi, đại khái là tất cả những gì có thể tìm thấy ở một cái phòng khách. Cách giết thời gian nhảm nhí nhất mà tôi có thể nghĩ ra vào lúc ấy.
Nhiều khi tôi cũng lo lắng, liệu tôi có phải là một kẻ nhạt nhẽo đến mức ích kỷ hay không. Không phải tôi không thể hòa nhập với mọi người, mà là tôi không muốn. Tôi sợ rằng, khi mọi người bước vào thế giới của riêng tôi, họ sẽ phá hỏng nó. Thỉnh thoảng tôi nằm mơ, những giấc mơ giống nhau, và kỳ lạ. Tôi trôi lửng lơ trong một bong bóng lớn bao quanh tôi. Bong bóng trong suốt, giúp tôi có thể nhìn xuyên qua bên ngoài. Nhưng những người ở bên ngoài không thể nhìn vào bên trong. Chính xác hơn là, với họ, bong bóng không hề tồn tại. Không một ai cảm nhận được nó, chỉ có tôi, lơ lửng ở bên trong, nhìn ngắm cái bên ngoài đầy dao động. Dù chỉ là một giấc mơ, nhưng tôi nghĩ đó là trạng thái tuyệt vời nhất mà tôi từng có. Tôi trở nên trong suốt, vô hình, bất tồn tại, không cần ăn uống, không cần nghỉ ngơi, việc duy nhất phải làm, hay được làm, là ngắm nhìn mọi thứ từ tận gốc rễ.
Giá mà thế giới này cho tôi một cái bong bóng như thế.
Rồi thì điều gì phải đến cũng đến, và điều gì phải qua cũng qua. Tôi trầy trật lê lết qua ba ngày tết như một con gấu lười biếng nằm ngủ chờ mùa đông đi qua. Tôi vẫn còn vài ngày nghỉ trước khi quay trở lại với việc đi học, cái mà, so với những ngày tết, tôi không biết có bớt vô vị hơn không. Mùng bốn, không còn những người khách khứa, không còn những bữa cơm tết, không còn gì của ngày tết cả. Nếu có, chỉ là với những đứa trẻ ngu ngốc hớn hở mà thôi. Tôi không biết tôi có ngu ngốc không, nhưng hớn hở thì chắc chắn là không rồi.
Chiều sớm mùng bốn ấy, tôi mang theo một cuốn sách, cùng với đó là những ba lon bia sau một hồi đắn đo, tôi đến khoảng sân trống bên cạnh trường học của tôi. Khoảng sân này vẫn thường là nơi tôi ghé qua, tất nhiên là vào những lúc vắng vẻ. Hôm nay trường học chưa có học sinh, đương nhiên là khoảng sân này cũng không có ai. Một nơi hoàn hảo để tôi trốn tránh con người. Tôi ngồi vào chiếc ghế đá quen thuộc ở góc sân, bật nắp lon bia, uống một ngụm ngon lành, rồi giở sách ra đọc. Nắng chiều xuân nhạt màu phủ xuống tôi một lớp chăn mỏng ấm áp. Bầu trời xanh và cao một cách xa lạ. Đâu đó một vài mảng mây trắng muốt đang lang thang vô hại. Tôi nghe thấy tiếng chim vang lên thỉnh thoảng, nhưng không giống tiếng hót. Nó giống như những chú chim đang trò chuyện, hoặc cãi vã hơn là hót. Còn lại thì mọi thứ cứ như đang nằm ngủ, yên lặng một cách đầy trầm ngâm. Tôi ngồi như thế đọc sách, được đâu đó khoảng năm mươi trang, vừa đúng hết một lon bia, thì cơn buồn ngủ ập tới. Vẫn còn hai lon bia và một nửa cuốn sách nữa, nhưng chịu thua tiếng gọi của sự thảnh thơi, tôi nằm dài ra ghế đá, mở cuốn sách che mặt và ngủ thiếp đi.
Được một lúc, chẳng rõ là bao lâu, tôi tỉnh giấc. Tôi bỏ cuốn sách che mặt ra, nheo mắt như một phản xạ tự nhiên rồi nhìn lên trời, nhưng ánh sáng mặt trời không chiếu tới mắt tôi, đã tối rồi sao, tôi nghĩ. Không phải, trời chưa tối, mà có một bóng đen nào đó đang che lấp ánh mặt trời khỏi mắt tôi. Tôi nheo mắt lần nữa và nhìn vào bóng đen ấy, rồi giật mình nhận ra đó là khuôn mặt một cô gái. Một cô gái đang cúi xuống nhìn tôi như nhìn một chú chó con nằm ngủ. Bần thần trong khoảng năm giây, tôi mới có thể ngồi dậy một cách tỉnh táo để đối diện với cô.
“Chào cậu” cô nói.
“Chào cậu” tôi trả lời.
“Tớ có phá hỏng giấc ngủ của cậu không ?” cô hỏi.
“Không hề. Tớ cũng tỉnh giấc tức thì”.
Cô gật đầu ba cái, nhẹ nhàng như một con sứa đang bơi giữa đại dương bao la.
“Cậu đang nhìn tớ à ?” tôi hỏi.
“Đúng thế” cô trả lời.
“Trong bao lâu rồi ?”.
“Một lúc rồi”.
“Sao không đánh thức tớ dậy ?”.
“Đương nhiên là vì tớ không muốn rồi”.
Cô cười, một nụ cười mỉm nhẹ tênh và bí ẩn. Giờ tôi mới được nhìn kỹ, cô có một khuôn mặt xinh đẹp đến kỳ lạ. Sống mũi cao, thon gọn, đôi môi nhỏ chúm chím chỉ tô một lớp son nhạt. Tóc cô ngắn đến vai, không buộc mà đính trên đó một chiếc kẹp màu hồng, làn da không quá trắng nhưng căng tràn và đầy sức sống. Cô mặc một chiếc áo dài tay cổ tim màu tím than, quần bò xanh thẫm và đôi giày thể thao màu hồng. Tôi tự hỏi, sao một cô gái xinh đẹp thế này bỗng nhiên xuất hiện trước mặt tôi.
“Tớ ngồi đây được chứ ?” cô chỉ tay xuống chỗ trống bên cạnh tôi trên ghế đá. Ngón tay của cô có vẻ quá nhỏ so với sự xinh đẹp của cô.
“Tất nhiên rồi, tớ xin lỗi” tôi nói, đoạn vớ lấy cuốn sách và cái túi có hai lon bia đặt xuống phía bên này.
Cô ngồi xuống ghế đá, chỗ bên cạnh tôi, không hề có một chút do dự.
“Tớ là Dương, Thùy Dương” cô nói.
“Nghe như tên một chòm sao”.
Cô cười, lại một nụ cười mỉm đầy bí ẩn và hấp dẫn. Cô hẳn là rất thích cười mỉm như thế.
“Bạch Dương mới là tên một chòm sao. Nhưng dù sao tớ cũng rất vui khi nghe thấy thế. Đây là lần đầu tiên có người nói vậy”.
“Vậy sao. Tớ không biết đấy” tôi nói, thầm nghĩ đây là lần đầu tiên cô gặp một kẻ không biết tên chòm sao nào thì đúng hơn.
“Tớ là Nhật, Đức Nhật” tôi nói.
Cô dừng lại vài giây như để suy nghĩ điều gì đó.
“Không phải cố, đến tớ còn chả biết tên tớ nghe giống cái gì nữa” tôi giải nguy cho cô.
“Haha” cô cười thành tiếng, bây giờ thì nụ cười tươi mới xuất hiện trên gương mặt cô. Và, trời ạ, nụ cười của cô rạng ngời đến băng giá. Nó tươi mát, hồn nhiên, ngay cả âm thanh của nụ cười ấy cũng mang lại cảm giác sảng khoái vô cùng. Quan trọng là, nó phù hợp với khuôn mặt và nét đẹp của cô đến lạ. Nếu cắt nụ cười đó ra, và mang đi chỗ khác ngắm nhìn, nó chỉ là một nụ cười đẹp đơn thuần. Nhưng khi đặt trên khuôn mặt xinh đẹp của cô, thì cả hai như đẹp lên gấp một nghìn lần. Tôi không giải thích được sự ngạc nhiên của mình lúc này, có lẽ những nhà khoa học tài ba nhất cũng không giải thích được nữa là.
“Cậu đang đọc sách à ?” cô hỏi.
“Tớ đang ngủ, trước đấy tớ mới đọc sách” tôi trả lời.
“Cậu thích đọc sách ?”.
“Đúng vậy”.
“Tại sao cậu lại thích đọc sách ?”.
“Tớ không biết. Chưa từng nghĩ về việc đó”.
“Kỳ lạ nhỉ”.
“Có gì lạ đâu. Giống như cậu thích màu hồng thôi. Cậu có biết tại sao cậu thích màu hồng không ?”.
“Sao cậu biết tớ thích màu hồng ?” cô hỏi, tròn mắt ngạc nhiên.
“Cậu đeo kẹp tóc màu hồng, đi giày màu hồng, và cả son môi cũng màu hồng nhạt nữa”.
Cô nhìn một lượt từ trên xuống dưới như thể xác nhận lại điều tôi vừa nói. Nắng chiều đã nhạt hơn so với lúc tôi tới đây rồi. Nãy giờ tôi không nghe thấy tiếng lũ chim cãi nhau, bọn chúng đi đâu rồi nhỉ. Tôi dỏng tai lắng nghe cho kỹ, nhưng chẳng nghe thấy gì, chỉ có tiếng gió hời hợt thoáng qua. Gió nhẹ làm đung đưa những lọn tóc mỏng manh nơi vai cô. Nhìn từ góc độ bên trái, nét đẹp nơi khuôn mặt cô cũng chẳng giảm đi chút nào.
“Cậu vẫn thường đọc sách ở chỗ này à ?” cô hỏi.
“Không, ít khi lắm, chỉ những lúc nào tớ chắc chắn ở đây không có ai thôi”.
“Tại sao cậu lại thích ngồi đọc sách ở đây ?” cô hỏi tiếp.
Tôi chẳng biết phải trả lời câu hỏi này ra sao, bèn hỏi lại cô một câu hỏi khác “Cậu đang làm gì ở đây vậy ?”.
“Tớ muốn đi nhìn ngắm ngôi trường”.
“Vào ngày mùng bốn tết hả ?”.
“Đúng vậy. Tớ vừa từ trong đó ra, chẳng có ai hết, vắng vẻ hoàn toàn. Thật là hay. Chẳng mấy khi được nhìn ngắm ngôi tường trong cái sự im lặng cổ kính ấy”.
Tôi gật đầu như thể đã hiểu ý cô, nhưng thực tình tôi chẳng hiểu tại sao cô lại đi thăm quan trường học vào ngày mùng bốn tết cả.
“Cậu học trường này à ?” tôi hỏi.
“Đúng vậy. Lớp 11B3. Cậu cũng học trường này à ?” cô trả lời.
Lớp 11B3 tức là cách lớp tôi một phòng. Kỳ lạ thật. Một cô gái xinh đẹp như thế này học cùng trường, chỉ cách lớp tôi một phòng thôi mà tôi không hề biết. Thậm chí tôi không có một mảng ký ức nào là đã từng gặp cô cả. Cứ như thể cô vừa từ nơi nào đó trên trời, rơi tọt xuống đây, trước mặt tôi, và hồn nhiên nói rằng cô theo học trường này đã hơn một năm nay.
“Lớp 11B1. Tớ chưa từng gặp cậu tại trường. Nếu tớ từng gặp, có lẽ tớ sẽ nhớ ngay” tôi nói.
“Tớ không hay ra khỏi lớp lắm” cô nói.
“Cậu làm gì trong những giờ ra chơi ?” tôi hỏi.
“Ôn bài, nghe nhạc, hoặc là nhìn ra cửa sổ ngắm những chú chim đậu trên mái tôn của nhà gửi xe”.
“Thật là buồn chán chết được” tôi nói.
“Vậy cậu làm gì vào những giờ ra chơi ?” cô hỏi.
“Tớ ra ngoài, hít thở không khí, đôi khi tớ ra hẳn khỏi cổng trường để tránh cái mùi con người nồng nặc. Dù là làm gì thì tớ cũng không bao giờ ngồi trong lớp vào giờ ra chơi cả. Ngồi trong đó năm tiết học, nghe thầy cô giảng những thứ tẻ nhạt nhất trần đời, nhìn lũ bạn uể oải ngáp ngủ cũng đủ làm tớ như muốn chảy ra rồi”.
“Nghe như cậu rất chán học vậy”.
“Đương nhiên rồi, có người nào lại thích học sao”.
“Thế tại sao cậu lại học giỏi vậy ?” cô nói.
“Sao cậu lại nói thế ?” tôi hỏi.
“Tớ từng thấy tên cậu trong danh sách những người đạt điểm cao nhất trong các kỳ thi”.
“Đó có thể là một người khác có cái tên giống tớ mà”.
“Ban đầu tớ cũng nghĩ thế. Nhưng sau hai phút nói chuyện với cậu, thì tớ có thể khẳng định người đó chính là cậu”.
Tôi không hiểu lắm, và hỏi cô tại sao.
“Ở cậu có cái vẻ đủng đỉnh và thờ ơ bất tận của một kẻ thông minh” cô nói.
“Đủng đỉnh và thờ ơ bất tận” tôi nhắc lại, không một biểu cảm. Một làn gió mạnh thổi qua bất chợt như một cơn sóng lạ, tạo nên tiếng xào xạc của những cây phượng hai bên góc sân. Tôi quay sang nhìn cô, cô hơi vươn mình lên như thể đang đón cái làn gió đó chảy vào cơ thể vốn đã căng tràn của cô. Tiết trời xuân luôn mang lại một cảm giác mơn trớn kỳ lạ không sao giải thích nổi. Rồi cô chớp mắt, hai cái liên tiếp, khiến tôi bị hút vào đôi mắt cô. Nhìn thật kỹ, tôi nhận ra cô có đôi hàng my thật lạ lùng. Nó dài, nhưng không cong vút lên như người bình thường, mà trùng xuống rõ rệt đến mức hai hàng my ấy chạm vào nhau, ngay cả khi cô không hề nhắm mắt. Đôi hàng my ấy đem lại một cái buồn khó tả cho đôi mắt cô. Nó nhuộm lên ánh nhìn của cô một vẻ day dứt ngập tràn.
“Cậu đang đọc cuốn sách gì vậy ?” cô quay sang hỏi, phá tan sự im lặng chốc lát.
“Kafka bên bờ biển” tôi nói “Một cuốn tiểu thuyết của Murakami. Cậu đã đọc chưa ?”.
“Tớ chưa. Tớ không hay đọc sách lắm, ngoài sách giáo khoa và những sách tham khảo khác”.
“Vậy à”.
“Cuốn sách nói về điều gì ?” cô hỏi.
Tôi không biết phải tóm tắt sao về cuốn sách, tôi cũng mới chỉ đọc được một nửa, vả lại, tôi cũng lười tóm tắt nữa. Tóm tắt bao giờ cũng là một việc phiền phức.
“Cậu có thể đọc cho tớ nghe được không ?” cô nói.
“Ngay bây giờ á ?” tôi trả lời.
“Đúng vậy. Ngay bây giờ”.
Tôi cầm cuốn sách của mình lên nhìn, một cuốn sách tương đối dày, lại khó hiểu, tôi đã dành bốn ngày đọc mà vẫn chưa xong. Vả lại, như đã nói, cuốn sách khá khó đọc, tôi không chắc đọc trong thời gian ngắn ngủi có khiến cô cảm thấy hay ho hay không. Tôi rất sợ nếu ai đó đọc cuốn sách do tôi gợi ý mà không thấy hay. Đặc biệt trong trường hợp này, cô lại bảo tôi đọc cho cô nghe nữa. Giả sử cô thấy không hay, có lẽ cô sẽ cho rằng cả bản thân tôi cũng chẳng hay ho gì nữa.
“Tớ không chắc là cuốn sách sẽ làm cậu thích thú” tôi nói.
“Không sao. Cậu chỉ cần đọc nó cho tớ nghe là được” cô nhìn tôi nói, rồi cười mỉm. Tôi đành chịu thua.
“Cậu muốn tớ đọc từ đầu, hay từ đoạn tớ đang đọc dở ?”.
“Từ bất cứ đoạn nào mà cậu thấy thích”.
Tôi giở sách, lần mò đến đoạn đang đọc dở trước khi ngủ thiếp đi. Tôi để hai lon bia gọn vào và đặt sách lên đùi để đọc.
“Cậu có bia à ?” cô hỏi khi nhìn thấy.
“Ừ. Tớ mang bia ra đây uống trong lúc đọc. Hết một lon rồi, còn hai lon nữa”.
“Tuyệt quá. Vậy tớ với cậu, mỗi người sẽ uống một lon”.
“Cậu uống được bia à ?” tôi hỏi.
“Không quan trọng tớ có uống được hay không. Quan trọng là tớ có thích uống hay không” cô nói, rồi chìa tay ra “Nào, đưa cho tớ một lon”.
Tôi bật nắp một lon, đặt lên đôi bàn tay nhỏ bé của cô, rồi bật nắp lon bia còn lại cho mình. Bia đã không còn lạnh như lúc tôi mới mang ra nữa. Chúng tôi chạm, rồi cùng đưa lên uống một ngụm. Tôi không rời ánh mắt khỏi cô. Cô uống ngụm lớn, một cách rất dứt khoát, như thể đây là việc cô đã mong mỏi từ nhiều năm nay. Cô nhắm mắt khi những giọt bia tràn vào miệng, và khi mắt cô nhắm, hai hàng my buồn bã ấy đan vào nhau như những ngón tay từ hai bàn tay mệt mỏi nắm lấy nhau vậy.
“Ngon tuyệt” cô nói. “Cám ơn cậu”.
Tôi gật đầu.
Chúng tôi uống lon bia của mình một cách chậm rãi, trong khi tôi bắt đầu đọc sách cho cô nghe. Bầu trời vẫn trong xanh như thế, lăn tăn vài gợn mây. Gió đã ngừng thổi, cây lá không còn xào xạc. Không gian dường như im lặng hơn một chút, để nhường chỗ cho giọng đọc của tôi và sự lắng nghe của cô. Cô ngồi thẳng người, quay mặt về phía trước, hai tay cầm lon bia đặt trên đùi. Mắt cô nhìn xa xăm vào một điểm không tồn tại giữa không trung. Mỗi lần đọc hết một đoạn lớn, tôi đều quay sang nhìn cô, cô gần như bất động, không một cử chỉ nhỏ ngoại trừ việc duy nhất là thỉnh thoảng đưa lon bia lên uống. Thậm chí, tôi còn không thấy cô chớp mắt. Tôi tự hỏi, đôi mắt ẩn dưới hàng my buồn bã kia đang ngắm nhìn điều gì, có lẽ là chẳng gì cả. Bất kỳ thứ gì được coi là một tồn tại trước mắt chúng tôi, có lẽ cũng không hề lọt vào nhận thức của cô. Rồi tôi lại tự hỏi, liệu cô có đang thực sự lắng nghe tôi đọc sách không, trông cô không có vẻ gì là như thế cả. Tôi thử ngừng đọc lại, sau năm giây lặng ngắt, cô quay sang nhìn tôi mà không nói gì cả. Tôi chẳng biết phải làm thế nào, đành tiếp tục đọc sách cho cô nghe.
“Nhật này, cậu có thích ngày tết không ?” cô bất chợt hỏi tôi.
“Tớ không thích” tôi nói.
“Không thích đến mức nào ?” cô hỏi.
“Đến mức cực kỳ ghét là đằng khác” tôi nói.
“Cám ơn cậu” cô nói.
Tôi không hiểu cô cám ơn vì điều gì cả. Tôi uống hết lon bia của mình rồi tiếp tục đọc sách cho cô nghe.
Cô cũng uống hết lon bia của mình, rồi đột nhiên, không một lời, cô ngồi sát lại và dựa vào vai tôi. Tôi không biết phải làm sao, không biết phải phản ứng như nào thế nào, và cũng không biết phải nói gì nữa. Tất cả những gì tôi có thể làm là cứ tiếp tục đọc những trang sách mà có lẽ đã chẳng còn ý nghĩa gì vào lúc này. Tôi thầm biết ơn người nào đó đã phát minh ra sách và chữ viết, để giờ đây, tôi có thể dựa vào nó trong khi cô đang dựa vào tôi.
Nắng phủ lên chúng tôi một màu lặng lẽ và cô liêu. Tôi cảm thấy hơi ấm da thịt cô đang chạm vào tôi, mềm mại và chân thật. Khi cô gần tôi như thế này, tôi ngửi thấy một mùi hương tỏa ra từ cô. Mùi hương ấy thơm nhè nhẹ và phảng phất thoáng qua. Không phải là nước hoa, tôi biết, mùi hương này đặc biệt kỳ lạ, và bí ẩn như chính con người cô. Có lẽ đó là mùi hương của riêng cô mà thôi. Tôi không sao ngăn được mình hít vào cái mùi hương ấy.
Thế rồi, đột ngột như tiếng pháo hoa giao thừa, cô bật khóc. Cô bật khóc tu tu, trong khi vẫn đang ngồi dựa vào vai tôi. Tôi ngừng đọc, gấp cuốn sách của mình lại, và ngồi yên như thế. Tôi phải làm gì đây, cô đang khóc ngút trời trên vai tôi. Tiếng khóc của cô ngày một lớn hơn. Tôi đã nhìn thấy những giọt nước mắt của cô rơi lã chã xuống đùi, tôi cũng cảm thấy vai tôi đã thấm ướt bởi những giọt nước mắt không rơi. Tôi cảm thấy não lòng, tôi cảm thấy như tâm trạng của tôi vừa rơi xuống vực thẳm Mariana. Khi có một người con gái khóc trên vai ta, thì dù vì lý do gì đi nữa, ta cũng sẽ trở nên đau đớn và day dứt đến vô cùng. Tôi không làm gì cả, và tôi biết tôi không nên làm gì cả. Tôi phải ngồi im ở đó, lắng nghe và chờ đợi cô khóc mà thôi.
Khi cô ngừng khóc, thì cũng là lúc mặt trời ngừng buông nắng. Hoàng hôn bắt đầu hạ xuống. Bầu trời mang một sắc tím ảm đạm và đìu hiu. Ở phía cuối đường chân trời, mặt trời đỏ hỏn chia làm hai, một nửa nhô lên tiếc nuối, một nửa trốn biệt đâu đó bên kia bán cầu. Cô thôi không còn dựa vào vai tôi nữa. Hàng my mắt của cô vẫn còn ướt sũng những lệ. Cô dụi mắt, và nấc những tiếc nấc cuối cùng như cánh cửa đóng lại cơn đau giấu kín. Và khi đã trở lại bình thường, cô nhờ tôi đưa cô về. Tôi vất vỏ lon bia vào thùng rác, cho cuốn sách vào túi, và cùng cô đi bộ về nhà, không xa lắm, chỉ cách nửa cây số mà thôi.
Chúng tôi đi bộ song song với nhau trên đường trong khi bóng tối ập tới mỗi lúc một nhanh. Trên suốt cả đoạn đường đi, chúng tôi không nói với nhau một lời nào cả. Cô lặng im, và tôi cũng lặng im, việc duy nhất diễn ra là sải bước chậm rãi của cả hai. Đôi lúc tôi định nói gì đó, chính xác là rất nhiều gì đó, nhưng tôi không biết mở lời ra sao. Tôi quay sang nhìn cô, đằng sau khuôn mặt xinh đẹp của cô là một tâm hồn vỡ nát, tôi nhói lòng khi nghĩ như vậy. Rồi tôi quay đi, và cứ sau mỗi lần tôi quay đi, tôi biết rằng cô đều quay sang nhìn tôi. Hẳn là cô cũng muốn nói gì đó với tôi, tôi hy vọng là cô có gì đó muốn nói với tôi. Nhưng rồi chúng tôi cũng không nói gì. Chỉ có sự im lặng, một sự im lằng ồn ào.
Cô bảo tôi dừng ở đầu ngõ nhà cô là được rồi, cô sẽ tự đi vào. Tôi nhìn cô, hàng lông my của cô đã thôi không còn ướt nữa.
“Cám ơn cậu” cô nói.
Tôi gật đầu.
“Xin lỗi vì đã làm ướt vai áo cậu” cô nói.
Tôi gật đầu.
Rồi cô quay bước đi, tôi đứng trân trân tại đó nhìn theo cô cho đến khi cô rẽ trái và hình bóng cô khuất sau một căn nhà.
Hai ngày sau đó, tôi không quay trở lại khoảng sân ấy nữa. Đến ngày nhập học, tôi đứng chờ trước cửa lớp học của cô từ sớm. Những đứa con trai trong lớp cô nhìn tôi như thể đã chuẩn bị sẵn sàng cho trận chiến một mất một còn vậy. Tôi làm bơ, chẳng quan tâm, cứ đứng chôn chân tại cửa chờ đợi cô. Nhưng cô không đến, cô không bao giờ đến. Giờ ra chơi đầu tiên tôi chạy sang lớp cô ngay lập tức nhưng cũng không thấy hình bóng cô đâu. Tôi hỏi lớp trưởng của lớp, thì mới biết cô đã thôi học từ trước tết rồi.
Tôi trở về lớp mình trong sự hụt hẫng vô biên. Cô đã thôi học rồi. Cô không nói cho tôi biết điều đó. Tại sao cô lại thôi học, câu hỏi ấy cứ lảng vảng mãi trong đầu tôi suốt cả buổi không thôi. Tôi chẳng buồn nghe giảng, tôi thẫn thờ nhìn qua cửa sổ, phía ngoài kia là nhà để xe. Trên mái tôn của nó, có những chú chim đang đùa nghịch cùng nhau. Chính cái cảnh tượng này, cô đã ngắm nhìn suốt những giờ ra chơi hơn một năm qua. Tôi tự hỏi, khi cô nhìn những chú chim ấy, cô đã nghĩ gì.
Tan học, tôi không về nhà, tôi lập tức tìm đến ngõ nhà cô. Tôi hỏi một người trong ngõ, xem nhà cô là nhà nào. Tôi đến trước nhà cô, cửa đóng chặt, không có một dấu hiệu gì là có người bên trong. Tôi lại hỏi tiếp, mới biết gia đình cô đã chuyển đi được hai hôm rồi, đúng sau ngày tôi và cô gặp nhau. Tôi hỏi thêm, nhưng người hàng xóm không biết gia đình cô chuyển đi đâu. Không có cách nào để tôi biết được thêm gì cả. Tất cả những gì tôi biết giờ chỉ là tên cô, Thùy Dương, một cái tên rất đẹp.
Tôi đứng lặng trước cái cửa đóng im ỉm của ngôi nhà đã từng là nhà cô, chẳng biết phải nghĩ gì nữa. Bầu trời mang một màu tím ảm đạm giống như buổi chiều hôm ấy. Tôi ngước lên nhìn trời, tìm kiếm một cánh chim bay qua, nhưng chẳng có gì. Một vài ngôi sao sáng đã bất đầu xuất hiện lẻ loi. Thùy Dương đã xuất hiện trong cuộc đời tôi, giống như thế, sáng bừng xa xôi và chỉ để người ta chiêm ngưỡng. Cô đã chạm vào cái bong bóng vây quanh tôi bấy lâu, bước đến bên cạnh tôi rồi bước đi mà không mang theo tôi, cũng chẳng kéo tôi trở lại với thế giới. Tất cả những gì cô làm chỉ là khiến bong bóng vỡ tan, và bỏ lại tôi với thế giới vốn không nhìn thấy tôi ấy. Tôi đứng lặng yên đếm thời gian trôi qua, việc mà tôi vốn là giỏi nhất. Nhưng giờ đây, thời gian cũng đã chết rồi. Tôi ước sao thời gian chết trước khi cô biến mất, nhưng không thể được. Tôi thở dài, cái thở dài thứ mười ba trong ngày, rồi chán chường quay bước đi. Đã đến lúc tôi phải về nhà và chờ đợi một cái tết vô vị nữa đến.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top