Chương 6
Có nhiều khi nàng và Thiếu Lan để cho mẹ và chị cả điều khiển những cuộc vui để đi dạo với mấy đứa nhỏ, cùng với bà Đức Hoà rất yêu các cháu chắt của mình, nhất là bé Lâm Thúy từ khi được Thiếu Lan biến đổi từ một đứa bé buồn bã và hơi man rợ thành vui vẻ khả ái và đầy nhiệt thành.
− Con của cháu được giáo dục hoàn toàn lắm. Một hôm bà nói vậy vói Công Nguyên - Ta mong các bà mẹ đều bắt chước Thiếu Lan mà cư xử vừa cương quyết vừa mềm mỏng với các con mình như thế.
Buổi chiều đó trời mưa bão. Một số khách ở Arnelles vẫn rủ nhau đi dạo chơi. Nhưng phần đông không thích mạo hiểm, đã tản mác trong các phòng đánh bi-a, phòng nghe nhạc, hay ngồi đánh bài tây. Ngồi giữa một đám nhỏ, bà mẹ chồng của Thiếu Lan đang nói chuyện trong khu vườn Mùa Đông, nơi mọi người sẽ dùng trà. Người ta bàn luận về những cách giáo dục hoàn hảo nhất. Công Nguyên đi đi lại lại, nói chuyện với Vũ Dương. Chàng dừng lại bên bà Đức Hoà, vẻ nghiêm nghị:
− Cháu hoàn toàn đồng ý với bà, Thiếu Lan qủa thật là một nhà giáo lý tưởng.
− Nhưng anh có tin là sự giáo dục đó có thể sẽ bớt cứng rắn, tốt đẹp hơn nếu không phải là con chồng mà là con ruột thịt?
Đó là giọng nói nhún nhẩy của Mỹ Lệ. Về ở biệt thự Lai Hiên từ ba tuần nay, nàng không bỏ sót một cuộc hội họp nào ở Arnelles và bà Hầu Tước qủa phụ, lúc trước không chút cảm tình với nàng, bây giờ lại tỏ ra rất lưu tâm.
− Không, tôi chắc chắn là không có chuyện đó. Cương quyết là một bổn phận và đối với vợ tôi, bổn phận là điều luật to lớn mà nàng không bao giờ xao lãng.
− Thật là tuyệt. Nhưng khắc khổ qúa! Một người đàn bà trẻ có những cử chỉ lả lơi như muốn gây sự chú ý của Công Nguyên, khẽ nói vậy.
− Khắc khổ! Điều đó đúng với những kẻ chỉ muốn vui thú và hưởng thụ cuộc sống. Thật ra, chính sự khắc khổ cho chúng ta hạnh phúc nhiều nhất đó, Công Chúa tin tôi đi!
Công Chúa Giáng Kiều đỏ mặt đưới tia mắt lạnh lùng mỉa mai của chàng. Vầng trán hơi nhăn lại từ khi câu chuyện liên quan đến con dâu, bà mẹ Công Nguyên xen vào với giọng nói khô khan thường có mỗi khi bà ta khó chịu trong lòng:
− Con trở nên đứng đắn không ngờ được, Công Nguyên ạ! Mẹ không hiểu con có đi đến chỗ giam mình vào một ẩn địa nào đó không?
Chàng mỉm cười:
− Có lẽ là một quyết định khôn ngoan. Nhưng bây giờ chưa đến lúc. Ba Lê sẽ còn gặp lại con, lâu mau tùy theo vợ con có thích ở đó hay không. Chính nàng sẽ định đoạt lưu lại những nơi nàng muốn. Đối với con không thành vấn đề, đâu cũng được.
Sự im lặng ngạc nhiên bao trùm khắp khu vườn Mùa Đông. Một lời tuyên bố như vậy phát xuất từ người đàn ông kiêu ngạo về uy quyền của mình, cho mọi người thấy rõ địa vị của Thiếu Lan trong cuộc sống của chàng.
Vẻ thích thú trong mắt chàng chứng tỏ chàng biết trước hậu qủa gây nên bởi những lời nói đó. Vũ Dương kín đáo liếc nhìn mẹ chàng, khuông mặt đẹp hơi rung động. Có lẽ lời tuyên bố của Công Nguyên đã cụ thể hóa những lo âu của bà.
Vũ Dương tò mò nhìn Mỹ Lệ. Đôi mắt xanh loé lên ánh lửa thù hận. Lúc đó, từ cuối phòng khách, Thiếu Lan bước vào, theo sau có Lâm Thúy, những đứa con cao lớn của Tường Oanh và hai đứa con bà Hoàng Long.
− Mấy đứa nhỏ này vào đây làm gì? Mẹ Công Nguyên gay gắt nói.
Chính Thiếu Lan lên tiếng trả lời:
− Thưa mẹ, mấy hôm nay chúng tỏ ra ngoan ngoãn nên con đã hứa cho mỗi đứa một ly Chocolate mà chúng muốn uống với người lớn chiều nay. Đó là phần thưởng cho chúng. Nhưng nếu điều đó làm mẹ phiền thì...
Công Nguyên tiến lại vài bước, cắt ngang:
− Trái lại, ý kiến đó rất hay, chúng ta sẽ sung sướng mà yêu chiều những đứa bé ngoan phải không Lâm Thúy ?
Chàng nhấc bổng đứa con gái lên, hôn chiếc má hồng đang nũng nịu dụi vào mắt chàng. Thiếu Lan hơi cúi người giữ chiếc nơ trên đầu Lãm Thúy. Con bé đột ngột choàng tay ôm cổ nàng. Làn tóc nâu vàng của Thiếu Lan cùng những lọn tóc của Công Nguyên như quấn vào nhau trên đầu đứa bé, vầng trán họ sát gần nhau. Ánh mắt êm dịu và trìu mến của Công Nguyên đưa từ con qua vợ, trong khi Thiếu Lan thản nhiên buộc lại chiếc nơ hồng, không ngờ tới cái cảnh gia đình đầm ấm mà cả ba vừa tạo nên.
− Cậu có những ý thích thật quái dị Công Nguyên ạ! Bà Yến Loan chanh chua nói.
− Tại sao chị nói thế? Công Nguyên thản nhiên hỏi lại, vừ đặt đứa bé xuống đất.
− Thì cái tình phụ tử đột ngột đó! Tôi tin tưởng con người cậu đâu có như vậy?
Chàng cười chế diễu:
− Cám ơn lời khen tặng của chị! Chị có một quan niệm quá tốt đẹp về thằng em trai. Vậy ra chị tưởng tôi không thể làm tròn bổn phận người cha và chị tưởng tôi chỉ hành động như vậy vì một sở thích nhất thời à!
− Nhưng.. Cậu làm chúng tôi quen điều đó rồi mà!
Công Nguyên đi lại phía bàn nơi Thiếu Lan đang rót trà mời khách, ngồi xuống một chiếc ghế trống thờ ơ tựa người ra sau, rồi lạnh lùng châm biếm:
− Tôi yêu cầu chị nói rõ hơn.
Chàng thường có giọng nói và cử chỉ này, và khi chàng chế ngự kẻ đối diện bằng ánh mắt châm biếm tàn ác, kẻ kia sẽ phải bối rối chịu thua. Yến Loan, mặc dầu rất tự tin, cũng không thoát khỏi định luật này và đã hơn một lần bị ông em thẳng tay trừng trị vì sự dương dương tự đắc và những âm mưu nhỏ nhặt, hiểm độc của bà.
Bà lắp bắp nói:
− Có hôm chính cậu đã nói với tôi.. Cậu đã tuyên bố là đối với cậu, tất cả chỉ là sở thích nhất thời..
− Thật à? Có thể tôi đã tuyên bố như vậy. Qủa thật tôi là con người rất mau chán.. Trừ điều liên quan đến tình cảm.
− Đúng vậy! Hoàng Tử Xuân Kiệt vui vẻ tiếp lời - Tình bạn của chúng ta kéo dài gần hai mươi năm nay rồi và càng ngày càng thân thiết hơn. Đó là một thí dụ.
− Bạn thân! Bà chị tôi sẽ nói với anh là chỉ có anh xứng đáng thôi, vì từ lúc mới mười tuổi đầu, chúng ta đã rất thân thiết với nhau ở Cannes, anh đã can đảm chịu đựng những cơn ngông cuồng, những sự ích kỷ, những ý chí độc đóan của tôi, người bạn mà anh qúi mến, nhưng không được thương yêu lại, vì người ta cho rằng tôi không thể nào có được một tình cảm như vậy. Chàng cất tiếng cười vang, khiến mọi người chung quanh cười theo, và tinh qúai liếc nhìn Yến Loan đang câm lặng trước giọng nói chua cay của ông em.
Bà chị này sẽ không được Công Nguyên buông tha nếu không có những người khách khác của Arnelles trở về dùng trà. Khu vườn Mùa Đông sau đó lại vang đầy tiếng cười nói. Thiếu Lan đi rót trà với sự giúp đỡ của Tường Oanh và một cô em họ trẻ tuổi của Công Nguyêng là Diễm Mai, vị hôn thê của Hoàng Tử Xuân Kiệt. Lâm Thúy lấy một chiếc ghế đẩu ngồi cạnh bố, chàng vừa đùa nghịch với những lọn tóc dài của đứa bé, vừa lơ đãng trả lời Mỹ Lệ, nàng đã kiếm được một chỗ ngồi cạnh chàng nhờ những thủ đoạn điêu luyện. Mỹ Lệ lén nhìn theo và căm phẫn cùng cực khi thấy tia mắt chàng như bị thu hút không ngừng bởi nữ chủ nhân toà lâu đài đang đi lại giữa đám đông.
− Anh có cần một chút café đá không? Thiếu Lan lại gần chồng trên tay bưng một cái khay.
− Có chứ, gì cũng được.. gì mà em muốn!
Rõ ràng là chàng lơ đãng trả lời vì quan tâm đến vợ nhiều hơn là ly nước. Mỹ Lệ cất tiếng cười gượng gạo:
− Anh thật là một người chồng nhu hoà. Nàng có thể đưa cho anh một thứ nước cay đắng nhất, anh cũng sẽ không do dự nhận liền.
− Chắc chắn vậy, vì tôi tin vợ tôi chỉ làm vậy nếu có lợi cho tôi. Chàng quay sang Thiếu Lan - Thiếu Lan, trông em có vẻ mệt mỏi quá đó!
− Ồ! Không sao đâu, em chỉ hơi nhức đầu thôi.
− Em uống thuốc ngay đi. Cái không khí giông tố này sẽ làm em ốm mất thôi.
− Vâng, lát nữa em sẽ đi nghỉ.
− Em đi ngay bây giờ đi. Tôi thấy rõ là em đang gượng chống cơn đau dớn. Tường Oanh và Diễm Mai sẽ thay em tiếp khách. Em hãy yên lòng.
− Và hãy nói thêm là anh rất ghét những người đau ốm, phải không? Mỹ Lệ tiếp lời, đôi môi nhợt nhạt nóng nảy mím lại - Một sức khỏe dồi dào đối với anh rất cần thiết, phải không vậy?
− Xin lỗi! Cô đừng hiểu lầm như vậy chứ! Tôi không thể chịu nổi những người đàn bà lúc nào cũng tưởng tượng là mình đau ốm và suốt ngày làm bận rộn chồng con. Nhưng tôi rất thông cảm một cơn đau thực sự vì muốn làm dứt nó đi. Cô đừng lo, tôi không phải là quái vật như cô đã tưởng đâu Mỹ Lệ à.
Chàng nửa đùa nửa thật nói ra như thế rồi cười. Chàng đứng lên đáp lời mẹ đang yêu cầu chàng đàn một bản nhạc do một người La Mã được chàng nâng đỡ vừa sáng tác.
Thiếu Lan bước về phía Diễm Mai nhờ nàng tiếp khác hộ trong chốc lát rồi khi quay rời khu vườn Mùa Đông, nàng đụng đầu ngay Mỹ Lê.
− Bà chị thân mến, bà nên đi nghỉ ngay đi. -Người đàn bà góa trẻ tuổi thánh thót nói. Mặc dù Công Nguyên nói thế nhưng anh ấy không chịu đựng được những người đàn bà đau ốm. Mẹ của Lâm Thúy cũng chỉ vì hay ốm đau mà đã bị chồng bỏ bê để đi Vienne hay Petersbourg, nếu không sang Ấn Độ hay Groenland.. Đó là một cách khả ái để giúp cho sự phục hồi của người vợ đau yếu, nhất là bà ta không còn lẽ sống khi xa chồng! Đàn ông! Đàn ông đều như thế đó.
Đôi lông mày đẹp của Thiếu Lan khẽ cau lại, nàng lạnh lùng đáp:
− Thưa cô, rất khó mà biết rõ được trách nhiệm của hai vợ chồng trong gia đình. Tốt hơn hết là ta đừng nên xét đóan, và nhất là đừng nên nhắc lại hoài.
Thiếu Lan lên phòng uống một viên thuốc rồi lại trở xuống ngay, nhưng không ra gặp khách mà lại vào phòng khách trắng. Căn phòng này được dành riêng cho nàng, là nơi nàng làm việc. Căn phòng lúc nào cũng tràn ngập những bông hoa đẹp nhất hái từ nhà kính và các khu vườn của Arnelles do người làm vườn lựa chọn kỹ lưỡng mỗi ngày theo lệnh của Công Nguyên.
Thiếu Lan mở rộng cửa sổ. Không khí ngột ngạt khó thở. Những đám mây đen nặng nề bao phủ bầu trời khiến mặt nước hồ trở nên âm u. Không một ngọn gió và không gian im lặng nặng nề.
Từ phòng nghe nhạc, tiếng đàn dương cầm vọng lại. Thiếu Lan nhận ngay ra tiếng đàn vừa êm dịu vừa mạnh bạo thật truyền cảm quen thuộc mà nàng vẫn thường say sưa lắng nghe.
− Bố à, khi bố chơi đàn mẹ chú ý nghe đến nỗi con lại gần mẹ cũng không biết nữa!
Một hôm Lâm Thúy đã nói thế.
Và lúc này nàng cũng đang lắng nghe, run rẩy, cố tìm hiểu tâm hồn người chơi đàn gửi qua nhưng tiếng đàn được diễn tả với một sự tế nhị tuyệt vời đó.
Những tiếng sấm vang lên, cơn giông gần tới và những giọt mưa lớn bắt đầu rơi xuống, vỡ tan trên nền sân. Nàng lại nghĩ đến Mỹ Lệ. Con người ấy càng ngày càng gây ác cảm cho nàng. Thiếu Lan không thể nào không thấy những thủ đoạn, những điệu bộ của cô ta bên Công Nguyên cũng như sự lạnh lùng ngày càng tăng của chàng đối với người bạn gái từ thời thơ ấu này.
Từ ít lâu nay, Thiếu Lan thường tự hỏi những lỗi lầm của chàng với người vợ trước có thật đúng như những gì bà mẹ chồng nàng đã kể khi xưa không? Theo Tường Oanh, Phương Nam rất nhẹ dạ và nông nổi, kém thông minh, không hiểu Công Nguyên. Nàng hay ghen tuông đến nỗi theo dõi mỗi bước chồng ra khỏi nhà, nặng lời trách móc chàng kèm theo những cơn giận dữ mỗi khi có một chút nghi ngờ trong đầu. Và chắc chắn đó không phải là cách tốt đẹp để chiếm hữu trái tim một người như Công Nguyên.
Và bây giờ, trong thâm tâm, dù nàng vẫn không gỉai thích được cách cư xử của chàng hôm đám cưới và những ngày sau đó. Thiếu Lan tin là chàng rất tốt. Những hành vi tế nhị, cách đối xử với nàng đã chứng tỏ điều này. Từ ít lâu nay, ngày qua ngày, nàng cảm thấy cái hàng rào ngăn cách giữa hai người từ từ sụp đổ.
Một tia chớp soi sáng người đàn bà trẻ và một tiếng sấm theo sau làm rung chuyển các cửa kính. Thiếu Lan lùi lại một cách máy móc. Nàng chợt thấy thật rõ một tình cảm êm dịu đã len lén ngự trị trong lòng nàng. Nàng yêu chồng. Nàng yêu chàng đến nỗi nàng có thể chết được nếu chàng lại xa lánh nàng nữa.
Phải, bây giờ, với chàng, nàng không chỉ còn có bổn phận như nàng tưởng lúc đầu. Nàng đã yêu con người bí hiểm đó rồi, một tình yêu dụt dè không dám bộc lộ và bành trướng vì sự nghi ngờ vẫn còn vướng vất trong tâm hồn Thiếu Lan như một vết thương còn đang âm ỷ.
Và đúng lúc này, nàng nhớ lại lời hăm dọa của mẹ chồng: "Có lẽ nó sẽ thích thú gây nơi cô những cảm tưởng mà nó sẽ phân tích trong cuốn tiểu thuyết sắp tới". À! Nếu thật thế!. Nếu chàng biết.. Không! Nàng sẽ không bao giờ để chàng biết chuyện đó! Nàng sẽ dấu kín bí mật kia khi nàng chưa biết điều gì đang ẩn náu dưới ánh mắt dịu dàng trìu mến làm rung động trái tim nàng đó. Nàng lập đi lập lại, giọng vừa lo lắng, vừa sung sướng:
− Ta yêu chàng!. Ta yêu chàng!
Ngoài kia mưa rơi như vũ bão. Người đàn bà trẻ mải mê suy nghĩ không để ý đến những giọt mưa hắt đã làm ướt chiếc áo nhiễu gấm màu hồng nhạt, cái áo khiến vẻ đẹp hôm nay của nàng thật lạ lùng huyền hoặc. Giờ đây nàng đã hiểu chàng cảm thấy gì khi nàng đã thơ ngây thú nhận là không bao giờ yêu nổi chàng. Một lời tuyên bố như vậy đã làm tổn thương sâu xa con người được thần tượng hóa đó, nhất là xuất phát từ một người con gái nghèo khổ mà chàng đã phải hạ mình xuống chọn. Trời ơi! Chàng có sẵn sàng tha lỗi cho nàng không?
Tiếng đàn dương cầm đã ngừng từ lâu. Một bóng đàn ông xuất hiện trên ngưỡng cửa hé mở đúng lúc một tia chớp khác soi sáng người đàn bà đang đứng im lìm.
− Em đang nghĩ gì vậy? -Chàng kêu lên, giọng rung động và lo lắng.
Bị bắt gặp đột ngột đúng lúc đang nghĩ tới chàng. Thiếu Lan giật mình lùi lại.
− Anh làm em sợ à?
− Không.. Nhưng em không nghe tiếng chân anh.. Vả lại, em đang bị căng thẳng vì cơn giông. Nàng đỏ mặt, lắp bắp nói.
− Anh xin lỗi em. Qủa thật anh vào hơi bất ngờ.. Nhưng sao em lại đứng đây với chiếc áo mỏng manh này? Không khí rất ẩm thấp và anh nghĩ điều đó rất bất lợi cho cơn nhức đầu của em.. Em còn mệt không? Chàng dịu giọng, tiếp - Anh chắc cuộc sống náo động bất thường này làm cho em mệt mỏi. Tối nay em hãy ở lại phòng nghỉ ngơi đi. Anh sẽ lo xin lỗi khách khứa giùm em!
− Ồ! Không sao đâu. Em chỉ nhức đầu thôi! Em không quen được chăm sóc như vậy.
− Em nên nghe lời anh. Lần sau nếu trời mưa, em đừng nên đứng gần cửa sổ để hứng mưa nữa nhé.
− Qủa thật em vô ý quá!
Nàng khẽ nói, và đưa tay vuốt mặt Thần kinh căng thẳng, nước mắt lưng tròng. Nàng vội đưa tay cho chồng để dấu những giọt lệ
− Vâng, nếu anh muốn, em sẽ đi nghỉ ngay đây. Chào anh nhé.
" Hương Giang yêu qúi, anh thật tiếc là em đã không chịu cùng anh tới Arnelles. mùa thu năm nay nơi này rất tuyệt diệu. Ở đây có thể tách mình ra khỏi cuộc sống náo nhiệt ồn ào, nếu em đến, chính nữ chủ nhân sẽ giúp em việc này vì nàng rất thông cảm với em. Em ạ, anh không thể ngờ khi đưa tặng Công Nguyên đứa con gái nuôi nghèo khổ của em ngày nào, giờ đây đã trở thành một người đàn bà lý tưởng, duyên dáng, qúi phái và tuyệt đẹp kia. Thú thật là anh vô cùng ngạc nhiên khi thấy nàng có thể tiếp đón khách khứa một cách tự nhiên và dễ dàng như vậy.
"Dù sao nàng cũng thật khác biệt khi ở Hauts Sapins. Anh nhớ tới chiếc áo cũ kỹ nghèo nàn mà nàng đã cố gắng vá víu ngày nào, và bây giờ, nàng vẫn có vẻ thật tự nhiên trong những chiếc áo sang trọng mà giá tiền có thể nuôi được cả gia đình nàng nhiều tháng. Những chiếc áo do chính tay Công Nguyên chọn! Vậy đủ hiểu, phải không em? Khiếu thẩm mỹ của Công Nguyên về sự hoà hợp và sắc đẹp cùng ý thích đứng đắn tao nhã của Thiếu Lan đủ gạt bỏ những lố lăng kiểu cách xấu xí của những chiếc áo tân thời đang được các bà ưa chuộng. Vì vậy, con gái nuôi của em đã thật đẹp và đã được tất cả mọi người ngưỡng mộ kính trọng.
"Điều ngạc nhiên nhất là cô bé không có vẻ gì say sưa trước cuộc sống mới này. Hôm nọ anh khen nàng về chiếc áo màu hoa cà rất đẹp mà anh biết là ngay cả bà mẹ Công Nguyên cũng phải thèm muốn có được. Nàng trả lời với một nụ cười mê hồn mà anh vẫng thường kể cho em nghe:
"- Cháu đã bớt buồn khi mặc những hàng ren giá trị này từ khi cháu biết chúng là nguồn sống của một số đông thợ thuyền, và nó giúp cho sự phục hồi của một nền kỹ nghệ cho phép các người đàn bà có công việc làm ở nhà. Nhưng còn cái này thì..
"Nàng chỉ vào chiếc vòng kim cương lóng lánh trên cổ.
"-.. Bác thử tưởng tượng, cháu không dám đeo chuỗi vòng hạt trai nữa từ khi cháu được Tường Oanh cho biết gía trị của nó. Thế mà cháu lại thích đúng cái đó nhất trong các đồ trang sức. Nhưng thật khủng khiếp, một gia tài đồ sộ như vậy lại nằm chết, không ích lợi cho ai cả.
"- Nó ở trong hộp hay nằm trên cổ cháu thì cũng không khác gì, cháu ạ. Anh cười đáp, nhưng trong thâm tâm anh cảm động trước sự lo ngại, mà không một người đàn bà nào khác cảm thấy đó.
"- Vâng, nhưng dù sao Công Nguyên cũng thật điên rồ mà mua cái này, phải không bác? Thú thật với bác, cháu luôn luôn sợ hãi sự xa hoa quá đáng cũng như nhịp sống trưởng gỉa nơi đây.
"Cô bé thật dễ thương khi nói những lời này một cách giản dị, nghiêm trang.
"- Vậy cháu phải yêu cầu chồng cháu thay đổi những điều đó đi chứ. Anh đáp.
"Nàng khẽ đỏ mặt rồi xoay câu chuyện qua hướng khác.
"Càng ngày anh càng chắc chắn là Công Nguyên yêu nàng nồng nàn. Và nàng đã khiến chú ấy thay đổi như anh đã kể cho em trong bức thư trước, chú ấy đã đứng đắn hơn, bớt hoài nghi và ít châm biếm hơn. Hơn nữa, chú ấy còn là một người cha trẻ tuổi khả ái, đầy tình thương. Nếu trước kia chú ấy không đếm xỉa gì đến con nít thì nay chú ấy lại chú ý tới con cái. Người ta cũng cảm thấy chú luôn luôn kín đáo ân cần giúp đỡ vợ.Tường Oanh có kể lại cho anh là hình như khi mẹ chú đưa ra danh sách khách khứa được mời tới Arnelles, chú ấy đã xóa bỏ nhiều tên, trong đó có nữ Bá Tước Mỹ Ái hay ăn mặc thật chướng mắt, bà Tuyết Anh bị tiếng đồn không tốt, Hầu Tước Quang Minh mà vụ ly dị xấu xa năm ngoái đã được báo chí làm rùm beng lên. Rồi chú ấy đã nhấn mạnh với Yến Loan, nữ tổng quản đốc kịch trường tại Arnelles, là mình muốn kiểm duyệt mọi dự định trình diễn vì không muốn ai nhìn thấy tại nhà chàng những vở kịch đụng chạm ít nhiều tới luân lý như hồi năm ngoái.
"Và từ đó em có thể tưởng tượng ra sự giận dữ, lẽ dĩ nhiên là được dấu kín, của mẹ chàng và Yến Loan. Quang Minh là một kịch sĩ thời lưu hạng nhất, nữ Bá Tước Mỹ Ái có một giọng nói tuyệt vời, bà Tuyết Anh có biệt tài tổ chức những thú vui. Lẽ tất nhiên, và không phải là vô cớ, mọi người đều cho đó là do ảnh hưởng của Thiếu Lan. Rất dễ nhận thấy là Công Nguyên đã cố hết sức tránh xa nàng tất cả những gì có thể làm nàng bị tổn thương. Chắc chắn chú ấy đã hiểu rõ, ngưỡng mộ và gìn giữ cái tâm hồn tế nhị đó.
"Tâm hồn của Thiếu Lan vượt lên trên mọi sự hiểu biết nhỏ nhen và lòng ghen ghét của bà mẹ chồng và bà chị lắm chuyện. Tuy nhiên, họ không dám quấy nhiễu nàng, vì Công Nguyên không chịu cho ai khiển trách vợ mình, nhưng lòng thì đầy oán giận.
"Em muốn biết về Mỹ Lệ à? Cô ấy vẫn luôn luôn bám sát Công Nguyên, vẫn tiếp tục những cử chỉ đỏm dáng khêu gợi, không nản lòng trước thái độ ngày càng băng giá của chú ấy. Chắc chắn Thiếu Lan cũng nhìn thấy những thủ đoạn nàng nên tối qua chú ấy đã lo ngại nói với anh:
"- Khi nào có dịp là tôi sẽ cho Mỹ Lệ biết là nàng nên nằm nhà thì hơn.
"Chú ấy có một vẻ gì khiến anh nghĩ là Mỹ Lệ sẽ không bao giờ dám trở lại đây nếu nhận được cái tối hậu thư của chú. Và qua một vài lời nói, anh cũng tin rằng Công Nguyên muốn đuổi xa khỏi Thiếu Lan người đàn bà chắc chắn đã thù ghét nàng hết sức.
"Tuy Thiếu Lan bị bao quanh bởi những ganh ghét thù hận, nhưng sự chu đáo của Công Nguyên khiến anh yên tâm cho nàng. Anh có lý khi nghĩ rằng người đàn ông đó có giá trị hơn cái bề ngoài. Chú ấy rất dễ thương với anh. Có lẽ vì chú nhớ ơn anh đã đem lại cho chú viên ngọc trai vô giá đó. Điều đó có thể lắm, vì như anh đã nói, chú ấy rất si tình.
"Còn nàng? Làm sao mà tin được là nàng không yêu chồng? Nói rằng nàng không yêu chồng là điều vô lý. Công Nguyên đối xử với nàng thật hoàn toàn. Nàng không có gì trách chú ấy khi chú ấy cũng đã hủy bỏ hoàn toàn những sự "ve vãn nghiên cứu" của chú, theo lời chú gọi. Nhưng nếu vậy thì nàng đã quá kín đáo, vì ngay trước mặt những người thân thích, nàng cũng vẫn giữ gìn trong cách cư xử với chồng, khiến nàng có vẻ như một người xa lạ chứ không phải là người vợ. Ngoài ra, nàng còn tỏ ra rất dễ thương, tự nhiên và có nhiều cảm tình với Tường Oanh và vợ chồng Quận Công Đức Hoà.
"Hương Giang yêu qúi, hãy lên đây với anh và cho anh những ý kiến về việc này. Khí hậu nơi này rất tốt cho sức khoẻ của em. Thiếu Lan nhờ anh cố thuyết phục vì nàng rất mong muốn được gặp em.
"Tuần qua, Mạc Giao đã tới đây cùng cậu con trai Trọng Thức. Ông đã trở thành hoạt bát và thán phục nể vì con rể như bậc thần linh. Lúc nào ông cũng có cái đầu óc thiển cận đó. Cũng may Trọng Thức khác hẳn cha, đó là một cậu bé thật dễ thương, nó là hình ảnh tinh thần của cô chị. Nói vậy chắc em hiểu?
"Bọn anh tiếp tục dự những cuộc săn, đã làm Arnelles nổi bật hơn cả. Công Nguyên lúc nào cũng ham mê thú vui này, đó là một đặc tính di truyền. Tổ tiên của chú ấy toàn là những nhà đi săn đam mê. Thiếu Lan cũng đi ngựa theo dõi cuộc săn. Nàng cưỡi ngựa nhanh nhẹn và khéo léo. Nhưng nàng không thể chịu nổi cảnh con nai vị kết liễu nên luôn luôn tránh xa những lúc đó. Trái lại, Mỹ Lệ hăng say theo đuổi cuộc săn từ đầu đến cuối, có lẽ cô ấy tưởng như vậy sẽ làm Công Nguyên vui lòng. Nếu vậy thì cô ta đã lầm, vì hôm nọ, khi trở về sau cuộc săn chim ưng, chú ấy đã bảo anh:
"- Tôi không chê trách những người đàn bà thích đi săn. Nhưng dù sao tôi thấy cử chỉ xa lánh trò thể thao này thật tế nhị, đầy phụ nữ tính và quyến rũ hơn đàn ông chúng ta.
"- Giống như Thiếu Lan, phải không chú? Anh cười hỏi.
" - Phải, giống như Thiếu Lan. Tôi sẽ thấy nàng kém khả ái hơn nếu nàng thản nhiên trước cái chết của một con vật như chị Yến Loan, Mỹ Lệ và những kẻ khác. Sự xúc cảm thật khôi hài, nhưng nó là một trong những đức tính tuyệt diệu nhất nơi người đàn bà, khi nó được điều khiển theo đúng ý hướng, đó là trường hợp của vợ tôi.
"Hương Giang ơi, như vậy chú ấy có yêu nàng hay không?" .
Nơi phòng khách trắng, Thiếu Lan vừa viết thư cho mẹ xong. Khi với tay lấy chiếc bao thư để biên địa chỉ, nàng thấy ông Mạc Giao bước vào, y phục đẹp đẽ, rõ ràng đã đua theo những kẻ trưởng gỉa quanh Công Nguyên, bắt chước dáng đi và cách ăn mặc của chàng rể mà ông tôn thờ như thần tượng.
− Ba có chuyện muốn nói với con. Nhưng con đang bận đấy à?
− Thưa ba, không, con xong rồi. Ba ngồi xuống đi.
Ông vừa ngồi xuống chiếc ghế bành cạnh nàng vừa ngẩng mặt nhìn khắp phòng.
− Không thể tưởng tượng được con gái tôi lại là chủ nhân những tráng lệ này! Thiếu Lan, con còn nhớ ba đã nói gì khi Công Nguyên hỏi cưới con không? Bây giờ con có hối tiếc là đã chấp thuận không?
Ông vừa cười vừa xoa tay vào nhau. Nàng quay mặt đi không đáp.
− Ở đây con là một bà hoàng.. và ba cần tới uy quyền của con. Mùa hè này, khi lưu lại ở Aix, ba đã đánh bài.. chút ít, và ba đã xui xẻo thua sạch tiền. Lúc đó ba đã viết thư cho Công Nguyên, yêu cầu nó đưa trước cho ba một tam cá nguyệt cái lợi tức mà nó dành cho gia đình ta, nhưng không nêu lý do. Nó đã gửi cho ba số tiền đó và còn khả ái viết thêm "sẽ không trừ vào số tiền vẫn gửi thường xuyên." .
− Ồ! Ba ơi!
Nàng nhìn ông với vẻ trách móc đau đớn khiến ông Mạc Giao cúi gầm mặt xuống. Ông bứt rứt vuốt hàng ria mép muối tiêu.
− Phải, ba đã tỏ ra hơi quá đáng.. Nhất là lần thứ hai.
− Sao, lần thứ hai? Gì nữa hở ba? Thiếu Lan ngơ ngác hỏi.
− Phải, gần đây, ba đã trở lại Aix cố gỡ lại. Nhưng qủa thật, không thể làm gì được. Ba lại thua..
Đôi môi run rẩy của Thiếu Lan lại thốt lên một tiếng kêu.
− Người đối thủ rất lịch sự cho ba khất nợ. Nhưng ba không thể chậm trễ nữa. Và chỉ có chồng con là có thể giúp ba. Con phải xin chồng..
− Con à? Nàng vội nói, với một cử chỉ phản đối.
− Phải, là con, vì con sẽ gặt hái kết qủa dễ dàng hơn ba. Vả lại dù Công Nguyên tỏ ra rất khả ái với ba, ba cũng thấy ngượng khi xin nó điều gì. Nhưng với con, Công Nguyên sẽ thấy số tiền bốn chục ngàn quan đó chẳng đáng gì nếu do con xin. Cái đồ trang sức nhỏ mà con đang cài trên áo ít ra cũng bằng này..
Thiếu Lan đứng phắt dậy, toàn thân run rẩy:
− Bốn chục ngàn quan? Có thể thế được sao? Con sẽ không bao giờ dám xin Công Nguyên từng đó khi chàng đã giúp đỡ gia đình mình quá nhiều!
− Những điều đó chẳng đáng gì với Công Nguyên. con thật chỉ xúc cảm vì chuyện không đâu! Theo ba nó sẽ rất sung sướng khi có cơ hội làm con vui lòng. Riêng ba, ba hứa với con sẽ không bao giờ mó tới cây bài nữa, ba rất xui xẻo. Nhưng con phải giúp ba ra khỏi lối bí này.
− Ồ! Ba không thể biết được con phải trả giá nào nếu xin điều đó! Thôi, ba hãy tự xin lấy đi!
Ông phác một cử chỉ cáu giận nóng nẩy:
− Sao? Con phải sốt sắng giúp ba và tránh cho ba mọi phiền phức chớ!
− Thôi được, để con nói cho vậy! Nàng nhẫn nhịn nói.
Ông cầm lấy tay nàng, xiết thật chặt:
− Thế thì tốt quá! Tại sao lại cứ bắt ba phải van nài con đối với một việc thật dễ dàng và tự nhiên như vậy?
Thiếu Lan muốn trả lời ông rằng:
− Ba đã không thấy việc đó dễ dàng và tự nhiên như ba nói, vì chính ba đã không dám hỏi thẳng Công Nguyên mà.
Khi ông Mạc Giao đi khuất, Thiếu Lan dán bao thư lại, bấm chuông trao lá thư cho người bồi, rồi ra sân thượng, nơi bà Quận Công Đức Hoà thích ngồi chuyện trò giữa một đám đông ít nhiều tùy theo giờ giấc, vào những buổi sáng mùa thu đẹp trời âm áp.
Lúc đó, quanh bà chỉ có Vũ Dương, Diễm Mai cùng vị hôn phu, và bà mẹ chồng nàng vẫn còn mặc quần áo đi ngựa, vì bà vừa cưỡi ngựa đi dạo về dừng chân lại trên sân thượng.
− Tưởng Công Nguyên ở đây, Thiếu Lan nói.
− Công Nguyên? Nó đang ở vườn hồng. Bà mẹ chồng nàng đáp - Lúc nãy khi đi qua công viên, mẹ thấy hình như nó và Công Chúa Giáng Kiều đang hái hoa.
Đôi mi mắt hơi khép xuống, bà liếc nhìn con dâu. Nhưng Thiếu Lan quay mặt sang phía khác nên bà không thấy nét mặt nàng.
− Họ kia kià. Vũ Dương nói.
Qủa thật, Công Nguyên đang đi tới và bên chàng có Công Chúa Giáng Kiều, ôm trong tay một bó hoa hồng. Khi lên đến sân thượng, cô đưa bó hoa lên cao:
− Nhìn xem! Những bông hoa thật tuyệt vời!
− Công Chúa thân mến, cô đã là cái đích của một sự phí của hiếm có! Bà mẹ Công Nguyên mỉm cười kêu lên.
Công Nguyên lúc đó cũng vừa lên tới sân thượng, đưa mắt nhìn bà, lạnh lùng đáp:
− Mẹ không biết là xưa nay, con không bao giờ từ chối một người đàn bà, dù người đó như thế nào đi nữa, những bông hoa mà nàng xin à?
− Đúng vậy, dù đó là những người nghèo khổ. Hoàng Tử Xuân Kiệt vui vẻ thêm vào - Công Nguyên à, anh còn nhớ cái bà già đã chận chúng ta lại khi chúng ta rời buổi dạ tiệc tại dinh cơ hoàng gia ở Stockholm, hai năm trước đây, và xin chiếc hoa lan tôi cài trên áo để đứa cháu gái đang ốm vì nó rất yêu hoa không?
Công Nguyên gật đầu công nhận, vừa kéo ghế lại gần bên vơ.
− Tôi đưa cho bà ta và anh cũng đưa luôn cho bà ấy bông hoa của anh.
− Đúng vậy! Cái bà già khốn khổ đó! Nhưng giờ đây, tôi hối hận đã không kèm theo đó một cái gì cụ thể hơn.. Phải không Thiếu Lan, nhà chuyên môn về lòng nhân ái?
Chàng ngồi xuống cạnh vợ, nhìn nàng mỉm cười với sự cảm động trìu mến mà ai ai cũng thấy.
Nàng mỉm cười đáp:
− Chắc chắn bông hoa lan của anh đã không đem lại gì nhiều cho người đàn bà đáng thương đó về mặt vật chất. Nhưng biết đâu nó đã chẳng giúp cho sự phục hồi của cô gái trẻ, vì sự thích thú đã gây cho cô?
− Tôi cũng hy vọng thế. Nhưng giờ đây tôi sẽ làm cái cử chỉ ấy đầy đủ hơn.
− Cái cử chỉ nửa chừng của cháu cũng đã khả ái rồi. Bà Đức Hoà cười nói - Nhưng Công Nguyên ạ, ta có nên nghĩ là cháu chỉ chú ý tới những bông hoa được tặng một cách tự nhiên không?
− Riêng về phần cháu thì đúng vậy. Cháu như thế đó, và có lẽ đây là một khuyết điểm quan trọng, cháu xem cái ân huệ tự ý mình phát ra là điều duy nhất mà từ đó có thể lấy ra một suy luận..
Chàng cười nửa miệng, và ánh mắt thóang vẻ mỉa mai khi nhìn qua gương mặt linh động của Công Chúa Giáng Kiều, rồi hơi cau trán nhìn sang mẹ.
− Tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Vũ Dương nói, nét mặt hân hoan vì những lời của Công Nguyên - Và những điều anh nói thật là đúng, nhất là về phương diện tình cảm.
Một cuộc thảo luận nho nhỏ tiếp theo sau đó về vấn đề này, giữa Công Chúa Giáng Kiều và Vũ Dương. Công Nguyên lặng im nghe, vẻ lơ đãng, đùa nghịch với một nụ hồng vừa hé nở cầm trên tay.
− Em đi đâu vậy? Chàng khẽ hỏi khi thấy Thiếu Lan đứng lên, .
− Em có chuyện cần nói với cô Yến Vĩnh đang ở công viên với lũ trẻ.
− Anh đưa em đi nhé.
Chàng đứng dậy và hơi cúi xuống, cắm bông hồng vào thắt lưng vợ:
− Đây là một trong những bông hoa mà em thích và tôi đã hái nó để tặng em.
Vũ Dương và Hoàng Tử Xuân Kiệt tỏ vẻ thích thú vô cùng, liếc mắt tinh quái nhìn nhau. Người đàn bà tóc vàng dấu mặt vào bó hoa hồng, bà mẹ Công Nguyên nóng nảy đứng dậy, đi về phía cửa lâu đài.
− Bông hoa được tự ý tặng .
Vũ Dương thì thầm vào tai Hoàng Tử Xuân Kiệt vui vẻ mỉm cười đáp.
Vừa rời xa sân thượng, Công Nguyên hỏi vợ:
− Ai đã cho Công Chúa Giáng Kiều biết là anh ở vườn hồng?
− Em không biết!
− Anh phải tìm cho ra manh mối vì anh sẽ không chịu nổi để cho kẻ khác được quyền theo đuổi anh khắp nơi.
Giọng chàng run lên vì khó chịu, và vầng trán hằn lên một nét nhăn phản đối.
Họ đi vòng qua một thảm cỏ. Từ xa, Trọng Thức đang tiến về phía nhà kính, theo sau là Benaki. Cậu bé không hề bị lôi cuốn bởi những thú vui trưởng giả ở Arnelles, cậu lo tiếp tục dạy dỗ thằng mọi nhỏ. Và bây giờ, Beneki rất thán phục và theo cậu hình với bóng. Công Nguyên nói:
− Hôm qua, Trọng Thức có kể cho anh nghe là em đã thất bại trong việc lay chuyển ý định của ba em về thiên chức của nó?
− Vâng! Ba em đã cương quyết từ chối.
− Anh thấy sự đòi hỏi của Trọng Thức có vẻ đứng đắn. Anh đã nhìn thấy cách cư xử lạnh lùng của cậu bé trước cái thế giới luôn luôn làm say mê mọi đứa trẻ đồng trang lứa với cậu. Ba em có lẽ hơi ngoan cố. Em có muốn anh đến gặp ông và cố thuyết phục ông thay đổi ý định không?
Thiếu Lan bật lên tiếng reo vui:
− Ồ! Anh! Anh sẽ làm thế thật à? Với anh, ba em sẽ không dám từ chối. Nhưng em không nghĩ tới việc nhờ anh xin dùm, vì một hôm, theo lời anh nói, em tưởng anh cũng cùng một ý nghĩ như cha em.
− Không đâu! Anh quen niệm bao giờ cũng phải tôn trọng một thiên chức đứng đắn. Ngày mai anh sẽ thưa chuyện với ông. Nhưng điều gì làm em lo nghĩ vậy? Anh thấy rõ là em đang ưu tư.
Nàng hơi đỏ mặt. Đây không phải là lần đầu tiên mà "quan sát viên" tài tình này chứng tỏ cho nàng thấy là chàng luôn luôn săn sóc để ý đến nàng.
− Qủa thật em đang lo lắng và.. rất băn khoăn. Lúc nãy ba em mới cho biết là ông đã chơi bài bạc ở Aix.. Và đã thua.
− Anh biết rồi. Nhưng chuyện đó đã xong rồi mà.
− Vâng, nhờ sự rộng lượng của anh! Nàng nói mắt đầy biết ơn - Nhưng hỡi ơi! Ba em lại hỏi lại! Và lần này, là một số tiền to tát..
− Bao nhiêu?
Nàng hạ thấp giọng, mặt đỏ lên vì xấu hổ:
− Bốn chục ngàn quan.
− Được rồi! Anh sẽ giúp ông. Cần nhất là em đừng lo nghĩ về chuyện này nữa nhé!
− Không được, em rất lo lắng, e sợ ba em trở lại những thói quen cũ, sự đam mê khủng khiếp đó đã khiến ông bại sản.. Vả lại, em đau khổ khi nghĩ rằng, sau khi dã giúp đỡ gia đình em rất nhiều, anh lại phải..
Chàng đưa nhanh tay, ngăn nàng nói:
− Anh xin em đừng nhắc lại chuyện này nữa! Những điều anh làm thật là bình thường vì gia đình anh. Nhưng anh thông cảm mối lo sợ của em về ba em. Anh sẽ nói chuyện đàng hoàng với ông về vấn đề này.. Kià, con "quỷ con" của chúng ta kià!
Chàng đưa tay chỉ Lâm Thúy đang chạy đuổi với các anh chị họ ở đầu lối đi phía trước.
− .. Bây giờ nó thật vui vẻ! Và càng ngày càng mạnh khoẻ. Bí quyết của em ra sao vậy, hả Thiếu Lan?
− Em đã tận tâm săn sóc, và nhất là đã chân thành yêu qúy con bé dễ thương đó!
− Phải! Nhất là.. Tình yêu là tia sáng đầy uy quyền, là phép mầu biến cải tinh thần, là cội nguồn của những cuộc cách mạng tâm hồn vĩ đại. Chính vì lòng yêu thật trong sạch, thật mạnh mẽ mà con người trở thành thật xứng dáng với danh nghĩa con người.
Chàng như tự nói với chính mình. Giọng thâm trầm, thóang rung lên vì xúc cảm vô biên.
Thiếu Lan không đáp lời. Một sự dịu dàng huyền bí bao phủ nàng và khiến tim nàng đập mạnh.
Lâm Thúy nhìn thấy bố và mẹ kế, vội chạy lại. Chợt một tiếng kêu thét vang lên. Đứa bé vừa ngã sóng xoài trên mặt đất.
Công Nguyên và Thiếu Lan cùng vụt chạy đến. Chính tay Công Nguyên nhấc bổng đứa bé lên. Đầu gối nó bị trầy sứt nhiều vì những viên gạch lát lối đi. Công Nguyên ôm nó trong tay và Thiếu Lan lau máu chảy. Rồi họ trở về lâu đài, Lâm Thúy được bố bế vừa dịu dàng vỗ về vừa lau nước mắt cho nó.
Khi gần tới nhà, họ thấy Mỹ Lệ đang bước trên những bậc thang định lên sân thượng. Thấy họ, nàng tiến lại. Công Nguyên thoáng cau mày, chàng hỏi, giọng thật khó chịu:
− Cô cần cái gì vậy Mỹ Lệ? Chắc hôm qua cô để quên cái gì?
Giọng nói và câu hỏi khác biệt hẳng với vẻ lịch sự thường xuyên của chàng khiến Mỹ Lệ đỏ mặt. Nhưng nàng mỉm cười nói:
− Đâu có! Tôi lại đây ăn cơm theo lời mời của mẹ anh.
− Thế hả? Vậy mà tôi không biết. Chàng lạnh lùng đáp với vẻ lãnh đạm.
− Cô bé này sao thế? Mỹ Lệ hỏi.
− Nó vừa bị ngã sứt đầu gối.
Thiếu Lan đáp, và cả nàng cũng vô tình có những cái cử chỉ thật lạnh lùng.
− Thề à. Ồ! Chỉ là một vết sước xoàng. Em ngạc nhiên thấy anh cũng chiều nó quá như vậy.
− Cô còn ngạc nhiên nhiều với tôi. Chàng mỉm cười châm chọc - Thôi, xin lỗi cô, chúng tôi phải lo lắng bó hai cái đầu gối bé nhỏ đáng thương này. Xin kiếu từ cô nhé!
Tiến về phía cửa lâu đài, Công Nguyên bảo vợ:
− Anh sẽ yêu cầu mẹ anh bớt mời cô ấy lại đây. Anh chắc là em không có thiện cảm với con người tầm phào đó, cũng như anh vậy.
− Nhưng nếu mẹ anh muốn gặp cô ta thường xuyên thì sao?
Chàng cất tiếng cười:
− Nếu vậy thì thật là một tình cảm vô tình nẩy nở vì vài tháng trước đây mẹ anh đã không thể chịu nổi cô ta. Bà đã đột nhiên thay đổi chăng?
Thiếu Lan đứng trước đài gương lớn liếc nhìn một lần chót chiếc áo nàng vừa mặc. Tối nay trong vùng có tổ chứa ăn uống sau đó là dạ hội và một tác phẩm của Công Nguyên sẽ được trình diễn nhân dịp này. Cái vở hài kịch ngắn, có tính cách đạo đức và viết rất hay. Công Nguyên đã muốn Thiếu Lan cho ý kiến. Nàng đã trở thành một cộng sự viên đắc lực của chồng mặc dầu chồng nàng trước đây là một tiểu thuyết gia chỉ th'ich độc lập hoàn toàn.
Chiếc áo bằng lụa trắng có vân thủy ba và ánh bạc với những đường xếp tuyệt đẹp chảy dài xuống chân nàng. Trên vai quàng ren, và chiếc vòng hạt trai lóng lánh thật hợp với cái cổ trắng như tuyết của nàng. Thiếu Lan không đeo một đồ trang sức nào trên mái tóc tuyệt vời mà mọi người đàn bà đều phải ao ước. Sự qúy phái, gỉan dị của chiếc áo càng làm tăng sắc đẹp của nàng hơn bao giờ hết.
− Nàng thật như người trong mộng!
Thiếu Lan lơ đãng mỉm cười. Quay trở về phòng lấy chiếc quạt tay, nàng chợt nhìn thấy nụ hồng sáng nay chàng đã hái và nàng đặt trên bàn khi thay quần áo. Nàng cầm bông hoa lên ngắm một lúc lâu.
Chàng đã hái "cho nàng". Nếu chỉ nhìn bề ngoài, thì lúc nào chàng cũng chỉ nghĩ tới nàng, chàng chỉ tìm cơ hội làm vui lòng nàng, tránh cho nàng mọi suy tư. Và tất cả nơi chồng, những cử chỉ, những lời nói, ánh mắt cho thấy là nàng được yêu.
Sao nàng còn e sợ? Sao đột nhiên nàng lại nhớ đến lời than vãn đau thương của người thi sĩ?
Ánh mắt dịu dàng như say đắm nhìn tôi .
Nhưng hồn nàng? Sao dửng dưng lạnh lẽo?
Ai hiểu nổi những gì nàng đang nghĩ.
Hiểu làm chi cho tuyệt vọng dâng đầy .
Trên cõi đời, chẳng có được ai..
"Trên cõi đời chẳng có được ai!" .
Nàng nghĩ chỉ có thượng đế mới biết rõ con người lạ lùng mà nàng chưa dám tin tưởng đó. "Nếu chàng thành thật, xin ngài đừng để con giữ mãi sự hoài nghi này. Sáng nay, chàng đã tỏ ra thật tốt với con!" .
Nàng đi lại chiếc bệ nhỏ trên có tượng Thánh Mẫu, khẽ đặt nụ hồng giữa đám hoa đựng trong một chiếc lọ bằng thủy tinh và thốt ra một lời cầu nguyện nhiệt thành từ trái tim đang rung động. Rồi nàng tiến về phòng Lâm Thúy, cô bé phải nằm lại trong vài ngày vì cái ngã hôm nọ.
− Ồ! Mẹ đẹp quá! Cô bé chắp tay kêu lên - Không ai xinh đẹp bằng mẹ yêu của con, phải không cô giáo?
− Chắc chắn là vậy! Cô giáo trẻ người Anh đáp thật vô tư, cô rất mến Thiếu Lan vì lúc nào nàng cũng thật tốt và khả ái đối với cô.
− Mẹ ơi! Con muốn mẹ ngồi bên con thật lâu! Cô bé gái nũng nịu nói, cầm tay nàng rồi hôn.
− Không được đâu con ạ, mẹ phải đi ngay đây kẻo bố đang chờ.
− Ồ! Bố không trách mẹ đâu! Hôm nọ, bà nội đã nói với bác Yến Loan về mẹ là: "Nàng có thể bắt nó đợi hai tiếng đồng hồ mà sẽ không trách móc một lời!" Và bà nội có vẻ cáu giận! Tại sao vậy mẹ?
− Con không cần biết, và mẹ đã nói chỉ có những đứa bé hư mới nhắc lại những lời nói của người lớn mà thôi. Nào! Mẹ sẽ cùng con đọc kinh rồi mẹ phải đi ngay đây.
Nàng cúi xuống giường đứa trẻ vì tối nay nó không thể qùy gối như mọi khi, và quàng tay xuống dưới đầu gối nó. Lâm Thúy chắp tay, chậm rãi đọc kinh.
− Lạy Chúa! Hãy cho mẹ Phương Nam của con được yên nghỉ trên trời! Hãy làm cho bố con biết Chúa và yêu Ngài! Đứa bé nói thêm sau khi đọc kinh xong.
Ngay lúc đó, nó chợt kêu lên:
− Bố kià!
Chiếc cửa khép hờ đã được mở rộng và Công Nguyên trong bộ dạ lễ bước vào.
− Em chậm trễ phải không? -Thiếu Lan hỏi.
− Ồ! Không đâu! Cô bé này ra sao?
− Khá rồi. Em mong cô bé sẽ hoàn toàn bình phục sau khi nghỉ ngơi thêm vài ngày nữa.
− Nhiều ngày nghỉ đấy, cô bé nghe rõ chưa? Thật là một hình phạt nặng nề.. Thôi, chào con và chúc con nhiều mộng đẹp với các vị thiên thần khả ái của con nhé.
Chàng cúi xuống giường và đứa trẻ đưa tay choàng cổ cha.
− Ồ! Bố ơi! Con sẽ mơ thấy mẹ! Mẹ đẹp quá! Con chắc chắn các thiên thần cũng không đẹp hơn.
− Sự thật thốt ra từ miệng trẻ con, Thiếu Lan à, dù em không thích được khen tặng, nhưng em phải chấp nhận lời khen của con bé Lâm Thúy.
Chàng đưa mắt nhìn Thiếu Lan đầy trìu mến. Nàng khẽ đỏ mặt và cúi xuống lấy chiếc áo choàng để trên ghế lúc vào phòng. Chàng giúp nàng mặc áo và sau khi hôn Lâm Thúy, cả hai ra đi.
Không ai nói câu nào từ nhà tới nơi dự tiệc. Thiếu Lan lơ mơ nhức đầu. Mặc dù trong xe không còn cái hương thơm khó chịu khi xưa, Công Nguyên đã thay vào đó bằng một mùi thơm nhẹ nhàng và trong lành, mà Thiếu Lan ưa thích.
Nếu Thiếu Lan chỉ ham muốn những sự thỏa mãn thì tối hôm đó, nàng đã đạt tới đỉnh hạnh phúc. Ai ai cũng nhận nàng là người đẹp lý tưởng nhất. Và ai cũng biết, Công Nguyên đã muốn công bố điều này, nàng đã là cộng sự viên đắc lực của chồng trong cái kiệt tác nhỏ bé hay tuyệt được trình diễn hôm đó trên sân khấu của lâu đài La Voglerie.
Thật là một thành công vẻ vang cho nữ chủ nhân trẻ đẹp của toà lâu đài Arnelles. Nhưng nàng chẳng lộ vẻ gì say mê gì cả. Nàng đón nhận những lời khen nồng nhiệt, những lời ngưỡng mộ và chúc tụng của đám khách với vẻ khả ái giản dị và kín dáo sẵn có.
Bà mẹ chồng thâm gan tím mật trước sự thành công của con dâu. Điều bà lo lắng từ lâu đã xảy ra. Nàng vừa làm lu mờ con người đã nắm giữ trong bao lâu cái quyền trượng của sự qúy phái và sắc đẹp. Những chiếc áo lộng lẫy, những kỳ xảo điêu luyện để có vẻ trẻ trung, những ngọc ngà đeo trên người, đã trở thành vô ích. Những viên kim cương gia truyền danh tiếng mà chẳng bao giờ bà mẹ chồng nghĩ đến việc đem tặng con dâu, và Công Nguyên vì lòng tôn kính, đã không hỏi đến. Phải, những thứ ấy chẳng có ích gì cho bà bên cạnh cái cô Thiếu Lan kia cũng đeo những đồ trang sức vương gỉa, có một sắc đẹp không ai bì kịp, một sự khả ái tuyệt vời và hơn nữa, nàng lại được hưởng chung sự vẻ vang văn chương của chồng.
Nhưng nàng còn có một vật qúy báu hơn, hiếm có hơn tất cả những ngọc ngà kim cương của bà, đó là tình yêu của Công Nguyên.
Tình thương của bà mẹ nông nổi và xem con như thần tượng, không thể chịu đựng được ý nghĩ này. Cho tới nay, bà tưởng sự lạnh lùng tôn kính mà con trai vẫn dành cho mình là điều cố hữu với tính tình của Công Nguyên. Nhưng giờ đây, bà biết Công Nguyên đã thay đổi. Bà biết Thiếu Lan sẽ được sung sướng bên chàng. Khách khứa tới khen bà về cô con dâu không ngừng. Trái tim tràn đầy thù hận, không chịu nổi nữa, bà vội lấy cớ trời nóng, rút lui vào một căn phòng khác nhỏ ít đèn đóm hơn, dành cho những người muốn nghỉ ngơi một chút.
Trong phòng không có ai. Nhưng bà vừa vào độ năm phút thì có tiếng áo sột soạt cho biết có kẻ muốn quấy rầy sự cô đơn của bà. Bà đỏ mặt vì cáu giận khi thấy Thiếu Lan và Bá Tước Duy Khiêm bước vào.
− A! Mẹ cũng ở đây à? Mẹ cũng đi tìm chỗ mát mẻ hơn ạ?. Cảm ơn Bá Tước nhé.. Ông để tôi ở đây được rồi. Tôi sẽ nghỉ ngơi một chút vì qủa thật cơn nhức đầu tăng nhiều làm tôi khó chịu.
− Hay để tôi cho Công Nguyên biết? Bà có thể trở về Arnelles..
− Làm phiền chàng làm gì? Tôi có thể ngồi chờ nơi đây. Sự yên tĩnh và ít ánh sáng này có lẽ sẽ làm tôi khỏe khoắn hơn.
− Ồ! Tôi chắc anh ấy cũng không muốn nấn ná lại đây lâu! Ông Bá Tước mỉm cười tinh quái đầy thân thiện, nói - Và tôi sẽ cho ông ta hay ngay vì bà có vẻ mệt mỏi quá.
− Đừng, không nên đâu Bá Tước à!
Nhưng không nghe nàng, Bá Tước Duy Khiêm ra khỏi phòng khác.
Thiếu Lan lại gần cửa sổ và hé mở ra, để cho làn gió mát bên ngoài xoa dịu khuôn mặt nóng bỏng của nàng.
− Cô thật là vô ý! Cô muốn chết như mẹ của Lâm Thúy sao?
Nàng quay lại khi nghe thấy giọng nói thánh thót và mỉa mai. Mỹ Lệ đang đứng trên ngưỡng cửa phòng khách.
− Tôi không biết bà ta chết ra sao? Thiếu Lan lạnh lùng nói.
− A! Thật à?.
Mỹ Lệ tiến lại trước mặt nàng. Thiếu Lan nhìn thấy đôi mắt nàng đầy vẻ hăm dọa.
− Ồ! Bà ta chết một cách thật tầm thường! Hôm đó có một cuộc vui ở toà đại sứ Tây Ban Nha. Bà đã nhẩy rất nhiều, rồi thấy trong người nóng qúa, bà đã vô ý đứng ngay gần một cánh cửa sổ mở rộng. Mải nói chuyện, bà không để ý tới và không một ai quanh bà nhận thấy sự nguy hiểm đang trờ tới cho bà.. Kể cả ông chồng đang đứng cách đó vài bước. Vài ngày sau, bà Phương Nam đáng thương hại kia chết vì chứng sưng phổi. Một cái chết thật bình thường, phải không cô?
− Phải, thật tầm thường cũng thật buồn vì người đàn bà đáng thương đó đã bỏ lại một đứa con thơ vô tội..
− .. Và cùng với một người bố xem nó không khác gì con chó cưng của ông ta.. Tôi xin cô đóng cái cửa sổ đó lại được không? Cái luồng gió nhỏ làm tôi rùng mình. Là vì tôi không muốn ra đi như Phương Nam! Dù sao có lẽ bà ta cũng không buồn phiền lắm khi chết đi! Sức khỏe của bà đã trở nên thật mỏng manh với bao sự lo nghĩ trong lòng từ ngày lấy chồng! Và bà ta chắc phải biết rõ sẽ không bao giờ có sự hoà hợp giữa tính tình của chàng và của bà.
− Lẽ dĩ nhiên, điều đó không thể có được. Bà mẹ chồng Thiếu Lan từ trước vẫn im lặng, đột ngột xen vào - Con Phương Nam đáng thương kia hoàn toàn không thể gợi được nơi chồng một tình yêu mà Công Nguyên có thể dành cho một người đàn bà khác, thông minh và tế nhị hơn.
− Cũng vì lẽ đó mà ngườ ta đã dám đồn đãi cái câu chuyện ngu xuẩn, huyền hoặc..
Bà đang ngồi ghế, vội đứng phắt dậy:
− Mỹ Lệ, cô im đi! Đừng có nhắc lại cái câu chuyện ngồi lê đôi mách bỉ ổi đó!
Đôi môi Mỹ Lệ có cử chỉ đặc biệt của một con mèo đang sắp sửa xâu xé con mồi thoi thóp, đồng thời liếc nhìn Thiếu Lan đang quay mặt đi và ngẩng cao đầu, để chứng tỏ sự phản đối của nàng về chiều hướng câu chuyện.
− Qủa thật là một lời đồn khôi hài! Không có ai tin nổi. Cô đã thấy rõ thế nào là đời sống rồi đó! Chỉ cần người ta biết sự bất hoà giữa Công Nguyên và Phương Nam để có ngay lời đồn là.. chỉ có ông ta mới thấy rõ vợ mình đang bị nguy hiểm vào buổi dạ vũ đó.
Thiếu Lan nghiêm mặt lại, vừa kiêu hãnh vừa lo lắng, nhìn người đàn bà góa kia.
− Thưa cô, tôi không hiểu vì sao cô lại kể lại trước mặt tôi những lời đồn đãi ấy?
− Phải, những lời đồn đãi thật tầm phào, không làm sứt mẻ chút nào cái ngôi thần tượng của ông Công Nguyên.. Hình như hành vi đứng lặng câm và bình thản khi thấy một làn gió chắc chắn co thể chết người, vuốt ve đôi vai nhớp mồ hôi của một người đàn bà khả ái, không thể xếp vào thành phần những lỗi lầm không tha thứ được.
− Mỹ Lệ, im mồm đi! _Bà lồng lộn hét lên.
− Phải, cô im đi! Thiếu Lan nói, giọng ra lệnh kiêu hãnh - Một sự tế nhị tối thiểu cũng đủ ngăn cô đừng nhắc lại lời vu oan đó trước mặt mẹ và vợ của Công Nguyên.
Mỹ Lệ tím mặt lại, Thiếu Lan như thấy trong ánh mắt cô ta một sự thù hận điên cuồng khiến nàng rùng mình.
− Cô cũng không tin à? Đó là bổn phận của cô và tôi biết cô luôn luôn coi trọng bổn phận hơn cả. Cô thật là người đàn bà gương mẫu, đầy dủ mọi đức tính..
− Sao tối nay cô lại chịu khó khen tặng người khác nhiều vậy hả Mỹ Lệ?
Công Nguyên nói. Chàng bước vào phòng khách với cái nhìn sâu sắc lần lượt đi từ nét mặt khó chịu của mẹ, sang khuôn mặt đỏ và khích động của Mỹ Lệ, và gương mặt xúc cảm của Thiếu Lan.
Bối rối vì sự xuất hiện đột ngột này, Mỹ Lệ lắp bắp vài câu, che dấu nét ngượng ngịu trong mắt. Công Nguyên lại gần vợ và nói với một giọng đột nhiên trở nên rung cảm và thật trìu mến:
− Duy Khiêm cho anh biết là em có vẻ mệt, bị nhức đầu à?
− Vâng nhiều lắm. Em cảm thấy rất khó chịu.
Nàng khẽ rùng mình.
− Vậy chúng ta về ngay thôi! Đáng lẽ em phải cho anh biết sớm hơn. Sự nóng bức trong các phòng khách này dễ làm cho những ai chưa quen bị nhức đầu.
− Em không muốn làm phiền anh.
− À! Anh đâu cần gì! Anh còn nhiều chuyện khác đáng lo hơn những cuộc vui này!
Chàng vội kiếu từ mẹ, gật đầu chào Mỹ Lệ và rời khỏi phòng khách với vợ.
Mỹ Lệ đưa chiếc khăn tay nhỏ có viền ren lên mồm, cắn mạnh:
− À! Chàng không cần gì cả! Cô ta khẽ lẩm bẩm, giọng khàn khàn - Chàng chẳng cần gì hết! Và chỉ thấy có mình nàng trên đời. Những kẻ khác chỉ ăn xin mảnh tim của chàng một cách vô vọng. Không có gì cho họ, không có gì cả.. Nàng là tất cả đối với chàng, chàng chỉ có tình yêu độc nhất đó thôi.
Mẹ chồng Thiếu Lan cau mặt lại. Không dáp lời, bà quay đi và như đang mải suy tư đau đớn, trong khi Mỹ Lệ bóp nát chiếc khăn trong tay.
Rời khỏi lâu đài, Công Nguyên ra lệnh cho tài xế đi nhanh về. Vừa vào trong xe, Thiếu Lan đã rơi vào trạng thái hôn mê. Nàng không nhận thấy ánh mắt lo lắng không rời nàng, theo dõi từng nét nhăn đau đớn trên gương mặt nhợt nhạt của nàng. Nàng chỉ có một cảm giác mơ hồ nhưng thật dịu dàng đang được bao quanh bởi một sự săn sóc ân cần, được một bàn tay chốc chốc lại cẩn thận kéo tấm chăn bị tốc độ xe hơi làm rơi xuống. Nàng ao ước được nghỉ ngơi trong sự lặng lẽ, nàng cảm thấy như vậy, cái vòng tròn đang xiết chặt vầng trán nàng, sự đau đớn nhức nhối trong đầu sẽ biến mất tức thì.
Về tới Arnelles, Công Nguyên dìu Thiếu Lan lên phòng, nơi người hầu phòng đang đứng đợi.
− Pha ngay một ly sữa thật nóng cho tôi. Công Nguyên ra lệnh - Còn em thì vào giường nằm ngay đi, Thiếu Lan. Chắc em hơi sốt, tay em nóng bỏng và mắt em sáng ngời. Tôi sẽ cho gọi bác sĩ Hiển ngay.
− Anh đùa à? Em chỉ nhức đầu thôi mà! Chỉ cần một đêm nghỉ ngơi là sẽ khỏi hẳn.
Nàng cố mỉm cười, nhưng quá đau đớn, khiến nụ cười gần như mếu.
− Vậy em hãy tháo tóc ra ngay đi vì mái tóc này rất nặng trên vầng trán đang đau của em.
Chàng nắm lấy hai tay nàng, mắt nhìn nàng, vuốt ve trìu mến. Và nàng chợt muốn tựa cái đầu đau đớn này vào vai chàng, nói cho chàng biết tất cả những gì làm nàng khổ tâm.. Và muốn được nghe những điều chàng cần nói.
Không! Tối nay không được vì nàng qúa đau đớn, trí óc nàng kém minh mẫn. Nhưng ngày mai.. Mọi sự phải được sáng tỏ, nàng có linh cảm là giờ đây Công Nguyên muốn kể mọi chuyện với nàng.
Chàng cúi xuống hôn đôi tay bé nhỏ đang run rẩy trong tay mình một lúc lâu:
− Ngày mai nhé!
Nàng nhắc lại: "Ngày mai nhé", vừa chậm rãi rút tay lại. Và ánh mắt đang mờ đi vì đau đớn vụt sáng lên trước tia nhìn nóng bỏng của Công Nguyên.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top