Chương 1 : Nó
Nó sinh ra tại vùng quê nghèo thuộc một tỉnh Miền Trung, cái tỉnh tiếp giáp giữa hai miền Trung-Nam. Nơi mà người dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời chỉ để kiếm vài đồng bạc trang trải ngày ba bữa cơm. Ở cái vùng mà họ gọi là vùng sâu vùng xa được nhà nước hỗ trợ về mọi mặt, khung cảnh bao quanh bởi cây cối, đồng ruộng và vài cái nhà tường gạch không tô cùng mái ngói bạc màu. Ngoài đám bạn và con trâu đen xì bẩn thỉu thì nó chẳng có gì gọi là niềm vui. Tất cả những thứ hiện đại mà họ bảo là công nghệ 4.0 dường như không hiện diện trong tâm thức của nó. Nó lạ lẫm với mọi thứ xung quanh, nó tự hỏi rồi tương lai nó sẽ tiếp nối công việc đồng áng của mẹ hay sẽ thế nào đây? Nó mù mịt trên chính con đường mà nó đang đi.
Mẹ nó là một bà cô chỉ mới bước qua tuổi bốn mươi nhưng khuôn mặt lại điểm rất nhiều nếp nhăn của tuổi già. Chắc hẳn là sự cơ cực của cuộc sống đã xóa bỏ cái được gọi là tuổi tác để biến con người trở nên già nua. Tuy vậy nhưng gương mặt ấy vẫn không mất đi sự nhân hậu vốn có. Bà thương người lắm, trái ngược hoàn toàn với câu nói của cố nhà văn Nam Cao : "Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất..." Mẹ nó không vậy, "cái chân đau" kia chẳng thể nào làm lu mờ đi sự lương thiện của bà. Tuy bản thân ăn không no mặc không ấm nhưng tiềm thức vẫn luôn quan tâm đến mọi người xung quanh. Bát canh, khúc cá đều sẵn sàng san sẻ lúc họ thiếu mặc dù mình cũng chẳng dư dã gì. Với bà ấy thì tình cảm xóm làng mới là thứ quan trọng chứ chẳng phải là mấy thứ vật chất vô thường. Cũng vì thế mà bà được tất cả mọi người trong làng quý mến, cho dù là mẹ đơn thân.
Nó trở về nhà sau một buổi học với gương mặt không mấy dễ chịu. Để chiếc cặp cũ đã đứt một bên quai đeo xuống chiếc bàn bằng gỗ xoài mà mẹ nó tự tay đóng. Nó thưa mẹ mới đi học về. Tức khắc nó liền nhận được phản hồi sau câu chào.
- Về rồi hả con!
Tiếng mẹ nó vọng ra từ căn bếp nhỏ được lợp bằng vài tấm tôn thủng hòa cùng mùi thơm từ bữa cơm trưa sắp hiện diện làm nó bớt đi một phần suy tư từ buổi học hôm đó. Nó đi vào phòng, thay sơ bộ đồ bộ rồi bước ra thành giếng. Nước giếng ban trưa giữa những ngày tháng 9 mát đến tê tái lòng người. Nó kéo lên một gáo nước, rồi đổ thẳng lên mặt như muốn rửa trôi đi mọi phiền muộn. Với lấy chiếc khăn nhỏ đã chuyển từ màu trắng sang nâu, được mắc trên cây đinh đóng bên cái trụ nhà gần thành giếng, nó lau khô những giọt nước lăn trên mặt để lại đớm tóc mái dính thành từng chùm trông thật ngộ. Tiếng mẹ nó một lần nữa vọng lại bên vành tai, gọi nó vào ăn cơm.
Mâm cơm đạm bạc chỉ có rau muống xào tỏi với cái nồi cơm nấu độn với vài củ khoai nhổ từ ngoài vườn. Ánh mắt mẹ nó toát lên một nỗi buồn khó tả. Gắp một đũa rau lớn bỏ vào chén nó, giọng bà ngậm ngùi.
- Cố ăn nha con, mùa này sâu bệnh nhiều quá nên không có dư. Đợi chị Út cuối tháng lãnh lương, gửi tiền về rồi mẹ mua cá cho con.
Nó không có ba, ba nó bỏ mẹ nó từ khi nó còn là thằng nhóc 2 tuổi mới bập bẹ biết nói. Ông ta bảo với mẹ nó lên tỉnh kiếm việc làm chứ ở cái vùng khỉ ho cò gáy này thì biết bao giờ mới ngóc đầu lên nổi. Và rồi đi luôn tới bây giờ. Nó trở thành người đàn ông duy nhất trong nhà. Chị nó học xong cấp 2 thì cũng đi theo đám bạn lên tỉnh làm thuê cho một công ty may giày da. Cứ cuối tháng, nhiều thì gửi về cho một hai triệu, ít thì vài ba trăm giúp mẹ trang trải tiền sinh hoạt cũng như lo tiền ăn học cho nó. Vì hoàn cảnh gia đình nên nó không trách gì mẹ, chỉ ngậm ngùi ăn cho qua bữa cơm này.
Một bữa cơm trộn khoai ăn tạm cũng đã qua. Nó dắt con trâu đen xì thân thuộc gắn bó với nó gần 2 năm nay ra bãi cỏ sau núi để chăn. Có vẻ đây là khoảng thời gian mà nó cảm thấy thích nhất vì có thể vui đùa với đám bạn thân. Bãi cỏ sau núi là điểm tụ họp của nó và bọn bạn sau những giờ học trên lớp. Không có công nghệ thông tin, mọi niềm vui bổng chốc trở nên đơn giản đến lạ thường. Không internet, không điện thoại, không trò chơi điện tử, tất cả chỉ gói gọn là những trò tắm suối, đá gà bằng cỏ, vật lộn và hàng trăm trò nghịch mà bọn nó bày ra.
Hôm nay trời nắng gắt làm cơ thể không thôi nhễ nhại mồ hôi, nên bọn nó quyết định tắm suối. Đóng chắc cái cọc trâu ven bờ, nó và đám bạn lao nhanh xuống nước như những con cá mắc cạn mùa khô hạn lâu ngày chẳng thấy nước. Tiếng nước vỗ bành bạch vào nhau cùng hàng trăm giọt nước bay tung toé trên mặt hồ, làm phá tan bầu không khí yên tĩnh giữa ban trưa. Tiếng cười nói ríu rít của đám bạn làm nó quên luôn món nợ học phí mà cô giáo đang đòi trên trường làm nó buồn từ sáng giờ.
Mặt trời đã rời khỏi đỉnh đầu hai canh giờ, nó và đám bạn cũng đã nghịch dưới nước đủ rồi. Cả đám bốn đứa tụi nó nằm dài trên bãi cỏ dưới táng cây Xà Cừ hàng chục năm tuổi, cùng nhìn về bầu trời. Bọn nó cũng đã đủ trưởng thành để suy nghĩ đến tương lai rồi. Nó gác tay lên trán, mắt nhìn về một áng mây đang trôi tự do trên bầu trời, rồi nó lại liên tưởng đến cuộc sống của nó. Rồi tương lai mình sẽ trôi về đâu, khi hiện tại đến một bữa cơm ngon cũng không thể có được. Áng mây kia cứ trôi đi, và rồi thời gian cũng trôi đi, không gian trở nên im lặng. Giọng con Vy có phần buồn như những cánh bướm đang phờ phợt bay quanh nó.
- Mẹ tao nói học xong lớp 9 sẽ cho tao đi theo Dì Năm lên tỉnh làm công nhân.
Vy và những đứa đang nằm ở đây là bạn của nó từ thời nó còn cởi truồng tắm mưa. Cũng có thể nó là tri kỷ rồi, nghe con Vy nói nó buồn lắm và dường như hai đứa kia cũng thế. Thằng Cường nằm bên mé bên kia giọng buồn ra rõ.
- Thế mày có muốn đi không?
- Không, tao muốn được đi học để làm giáo viên. Tao không muốn nghỉ học như thế.
Con Vy dường như sắp khóc, nó hít một hơi nhẹ rồi đưa tay cố lau đi giọt nước mắt trước khi nó rơi khỏi khóe mi. Một con bướm nhỏ bất chợt đậu vào mái tóc ướt đẫm của con Vy như thay mặt nó an ủi đứa bạn tri kỷ này. Nhỏ Phương đưa tay ôm con Vy vào lòng, nó không nói gì nhưng cũng đủ để cho ta thấy được nỗi buồn trong nó.
Những áng mây đã đổi thành màu vàng cam, vài ba đàn cò đã bắt đầu bay từ phía đồng ruộng về tổ. Đó cũng là lúc nó dắt trâu về. Không có cây sáo như những bức tranh sơn mài họa về trẻ em nông thôn. Nhưng nó và lũ bạn vẫn ngồi trên lưng trâu ngân nga vài câu ca như tự vẽ lên cho chúng một bức tranh tuyệt đẹp về tình bạn với những khoảnh khắc nhẹ nhàng mà tràn đầy cảm xúc.
Mẹ nó từ hướng ngoài ruộng bước vào, tay ôm thêm vài bó rau muống đã bó thành từng bó, dự lòng mai đem ra chợ bán kiếm ít tiền chợ. Đặt mấy bó rau muống xuống hiên nhà, bà mở chiếc nón lá đã tưa viền quạt nhẹ mái tóc bó cục vì thấm đẫm mồ hôi. Nó cùng lúc đó cũng dắt trâu về, không có chuồng trại như mấy nhà khác, nó chỉ cột đỡ con trâu vào gốc cây Tràm cổ thụ sau nhà. Mẹ nó mở chai nước chè đã được đặt ngay cái cột nhà mà ban trưa ra đồng quên mang theo, uống một ngụm đã khát rồi cao giọng.
- Con tắm rửa đi rồi chạy qua nhà cô Năm đưa cho cô bó rau muống giúp mẹ nghe. Ban nãy Cô Năm có hỏi mua mà quên lấy mất.
- Dạ!
Nó không càu nhàu hay cảm thấy khó chịu với bất cứ sự nhờ vả nào từ mẹ. Nó trưởng thành hơn rất nhiều so với những đứa trẻ cùng tuổi. Nó hiểu được sự cực khổ của mẹ và nó xem đó là lý do để giúp đỡ bất cứ thứ gì mẹ cần. Tắm rửa xong, nó làm theo lời mẹ. Ôm một bó rau muống đến nhà cô Năm và cũng là nhà của con nhỏ Phương, nó đứng ngoài ngõ gọi vào. Nhà Cô Năm là ngôi nhà duy nhất có tường rào của cả xóm. Do Cô ấy có người thân đi xuất khẩu lao động nên gia cảnh sống cũng khấm khá hơn người dân trong làng nhiều. Nhỏ Phương cũng vì vậy mà có phần sướng hơn lũ bạn và nó. Nhỏ đi học bằng xe đạp, có cặp mới và sách vở mới mỗi năm, còn nó và tụi bạn thì không. Con Mực trong nhà cứ sủa vọng ra như muốn cắn ngụm cẳng chân của nó.
- Con Mực, mày im coi! Cu Đậu ấy hả, chờ cô xíu cô ra đây.
Cô Năm dáng người mập mạp, chân dậm dậm hù cho con Mực im, nở trên môi nụ cười thân thiện tiến về phía nó. Nó đưa cho Cô Năm bó rau muống, vội chào rồi chạy thật nhanh về phía nhà mình. Nó sợ, chả hiểu sao nó sợ con Mực vô cùng.
Bữa cơm tối cũng giống bữa cơm trưa. Rau muống xào tỏi cùng cơm trộn khoai lang. Nó vẫn không cằn nhằn một tiếng nào. Nhìn mâm cơm, nó ngẫm bụng rồi không nói cho mẹ nó về vụ tiền học phí nữa. Nó không muốn mẹ nó lo, mẹ nó đã đủ khổ rồi.
Khi ánh đèn dầu từ nhà hàng xóm được thắp sáng lên, nó xách cái giỏ nhỏ đan bằng tre mà nó nhặt được ngoài đồng khi nào đó. Nó nói dối mẹ nó rằng qua nhà bạn hỏi bài. Nó đi dọc bờ ruộng để bắt ếch. Không có đèn, tất cả những gì hỗ trợ chỉ là ánh sáng từ ánh trăng mờ nhạt, cùng với đó là tiếng ếch, nhái kêu râm ran trong buổi tối miền quê. Nó mò mẫm từng bờ ruộng, mò mẫm từng vách đất để bắt từng con ếch nhỏ. Những cơn gió luồn qua từng nhánh mạ non mới xạ đem theo mùi hương của đất trộn lẫn mùi mạ tạo nên một hương thơm rất lạ mà lại quen. Nó ngồi xuống bên một mép ruộng, bỏ con ếch nhỏ mới bắt được vào giỏ rồi hướng mắt lên nhìn bầu trời đầy sao kia. Nó thấy ánh mắt của bà ngoại nhìn nó. Nó thấy lòng yên bình đến lạ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top