t


Những bước chân lạo xạo vang lên trên hành lang nối liền từ gian nhà phía sau đến quán ăn ở trước. Lệ Sa trở lên với một tô mì gói còn nghi ngút khóc và cốc nước ấm trên tay, rồi đặt xuống bàn của vị khách đặc biệt.

"Quý khách ăn ngon miệng." Thường ngày ả chẳng hay mở lời với khách như thế, nghe ngượng mồm chết đi được. Vì quán ả nhỏ, bình dân, khách đến đa phần là người thuộc tầng lớp trung lưu và mục đích của họ là thoả mãn cái bụng đói, chứ nào so kè tác phong phục vụ làm chi cho nhoài người. Nếu muốn thử cảm giác được nâng niu, ve vuốt, hãy đến những nhà hàng lớn hơn, có máy lạnh tiện nghi, bàn vuông hay tròn trải khăn tắp lự và phục vụ thì bao giờ cũng cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói.

Mọi ngày sẽ là thế, nhưng hôm nay ả quyết định phá lệ. Chẳng phải nàng ta là vị khách đặc biệt của ả sao? Chính ả đã nói như thế kia mà.

Ả ngồi ở phía đối diện, chống cằm nhìn người phụ nữ khép nép đang ngó nghiêng xung quanh và bồng bế đứa trẻ đã yên giấc trên tay.

Vừa nãy trong khi đợi nước sôi nấu mì, Lệ Sa đã pha cho đứa nhỏ một bình sữa ấm. Đứa trẻ bú say sưa, tiếng chốc chốc vang lên như thể chạy đua cùng tiếng quạt trần tuốt luốt phía trên đỉnh đầu.

Dạo trước ả có ở cùng một người chị khá thân. Chị ta mang bầu và cùng chồng mua rất nhiều thứ cho đứa con đầu lòng, sau đó thì dọn ra nơi ở rộng rãi hơn cho gia đình nhỏ ba người. Thành thử cái nhà này nếu chịu khó lục lọi thì ả tin là mình sẽ không chỉ tìm thấy chiếc bình sữa thôi đâu.

Tô mì bốc khói nghi ngút, mùi thơm toả đều khắp tiệm, làm Lệ Sa dẫu đã ăn khi nãy cũng phải liếc mắt nhìn tô mì ấy hai, ba lần.

Càng nhìn, ả càng tiết nhiều nước bọt hơn. Bao nhiêu nước bọt là bấy nhiêu lần yết hầu ả đung đưa lên xuống.

Trời ơi, không khéo ả chảy nước dãi trước mặt mẹ con người ta mất thôi..

Có lẽ cách tốt nhất để ả kiềm chế cơn đói ngay lúc này là dời tầm mắt từ tô mì sang người ăn nó. Đúng rồi.. nhìn họ thì ả sẽ chẳng thấy đói nữa. Ông bà xưa nay răn dạy, nhìn người khác ăn thật ngon những món mình làm cũng là một cách khiến mình no bụng.

Có phải vậy không nhỉ? Lệ Sa nhún vai và cho rằng điều ấy là đúng.

Rồi ả để ý thấy người mẹ có hơi chật vật trong chuyện ăn uống. Hình như cổ sợ mình ăn không khéo sẽ làm bẩn đứa trẻ. Nói không chừng, nước lèo nóng hầm hập có thể khiến bé nó bị bỏng.

Lệ Sa ngỏ ý muốn giúp đỡ. "Bé nằm đó em khó ăn lắm, hay để tôi ẵm bé một lát cho em?"

Lệ Sa cũng chuẩn bị sẵn tâm lý bị từ chối. Vì ả biết người phụ nữ trước mặt ả lúc này rất dè dặt, kín đáo, nếu không nói là nhút nhát và bao giờ cũng khép lòng mình như chú rùa rụt cổ vào mai.

Ả cũng không thích nghe lời từ chối nên ả đã rào trước bằng việc chạy sang và bế lấy đứa nhỏ. Ả còn biết dùng cái miệng khéo ăn khéo nói này để thuyết phục người ta nữa đấy.

"Tôi không có ý gì xấu. Mì cũng nấu cho em ăn, sữa cũng pha cho con bú, giờ giúp em chăm con một tẹo thôi mà."

Ả cười mỉm khi thấy người ta muốn nói rồi lại thôi. Vậy là ả đã thành công ẵm lấy đứa bé từ lòng mẹ nó và trở lại vị trí cũ. Nhìn đứa trẻ bụ bẫm yên giấc trên tay, ả không đặng mà thốt lên. "Em trộm vía xinh quá!"

Đứa trẻ vẫn ngủ, nhưng mẹ nó thì bỗng dưng mặt hồng lên trông thấy.

Câu nói này nghe một lần thì bình thường, nghe lần hai cũng bình thường nốt. Thậm chí nghe cả trăm lần, người ngoài cũng hiểu rằng Lệ Sa đang khen đứa nhỏ. Cũng là lời nói ấy, nhưng qua tai người phụ nữ kia, lại mang một tầng nghĩa khác.

Giống như Lệ Sa đang khen người mẹ vậy đó..

Vì ả gọi người ta là em, nhưng đồng thời cũng gọi con của người ta là em, vậy là cớ làm sao?

Thực ra ở một số nơi, dân mình đôi khi vẫn gọi đứa trẻ là em những lúc trò chuyện với người mẹ. Ví như 'Mẹ nuôi em khéo quá' chẳng hạn, còn Lệ Sa, ả nuốt luôn cả chữ 'mẹ', thành thử mới dẫn đến hiểu nhầm này.

Vậy mà kẻ đầu sỏ ấy vẫn cười tít mắt và âu yếm đứa trẻ trong tay mình, nào có tỏ người đối diện mặt đỏ tai thẹn ra sao.

Đáng nói, Lệ Sa yêu con nít, yêu lắm yêu để. Ba năm đầu sau sinh, người chị ấy vẫn hay giao con cho ả chăm hộ những khi đi làm. Dẫu hơi cực vì đứa trẻ khóc quấy và ị đùn suốt, nhưng đối với ả mà nói, kỉ niệm nào với đứa trẻ cũng là kỉ niệm vui, đáng nhớ.

"À." Bẵng đi một lúc, Lệ Sa mới sựt nhớ ra mình chưa biết danh tính của hai mẹ con xa lạ này. Ả reo lên. "Quên chưa hỏi, em tên gì nhỉ?"

"Dạ?" Người ta đang ăn, hình như ăn rất ngon, bị ả hỏi như thế thì tức thì không trả lời được. Tay cầm đũa cũng khựng lại. Má lại ửng hồng.

"Dạ.. Thái Anh thưa cô.." Thị rụt rè lên tiếng. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm thị mới có dịp nói ra tên mình. Đôi lúc thị quên luôn cả họ, chữ lót mà chỉ nhớ mỗi tên, vì ai ai cũng gọi thị là 'cái Anh', mày hoặc nhỏ.

Chẳng trách thị lại lúng túng trước câu hỏi đường đột của ả.

"Thái Anh.." Ả lầm bầm trong cổ họng, nghĩ ngợi đôi điều rồi cười tít mắt với thị. "Còn tôi là Lệ Sa, hai mươi tám."

Trông thấy mắt thị mở to, môi mỏng hơi giật, ả biết tỏng là thị đang ngạc nhiên về điều gì.

"Đùa em đấy. Tôi mới hai mươi nhăm thôi." Lệ Sa cười như được mùa. "Thái Anh dễ dụ quá à."

Thì ra thị bị người ta trêu. Thị xấu hổ, cúi mặt vào tô mì đã vơi đi một nửa. Hễ nào Lệ Sa cũng nghĩ thị ngố tàu lắm, ả nói thế mà thị cũng tin sái cổ cho được. Đúng là gái nhà quê!

Gái nhà quê ư? Thái Anh suýt quên mất điều này. Thị nhìn hình ảnh phản chiếu của mình trong chiếc muỗng inox, thị thấy đứa con gái mà người đời gièm pha bằng ba chữ ấy trong đó, và thị đắng lòng nhận ra cụm từ này đã gieo rắc biết bao nỗi sầu khổ lên cuộc đời trôi nổi của thị.

Nói cho vuông, thị đã không có quyền lựa chọn giữ hay buông cái chức danh này từ khi sinh ra. Đơn giản là vì thị nghèo, mà người nghèo thì ai cũng như ai, làm gì có tiếng nói, có thân phận. Cái phận tôi tớ là thứ duy nhất được gắn cùng họ, đeo bám họ đời này không buông.

Thị khi ấy đương lúc tuổi còn xuân thì, mơn mởn, lại thơ ngây nên trót dại bị người ta lừa, người ta trêu, người ta nói ngon nói ngọt muốn thị về làm dâu nhà họ. Đến khi thị có mang, họ chối bỏ, họ bảo thị lăng loàn, đồ thứ con gái hư thân, họ đuổi thị đi vì sợ mang nhục.

Mắt thị chưa ráo hoảnh bao lâu lại bắt đầu hoen đỏ. Vai thị run bần bật, thị cặm cụi ăn lấy ăn để, tránh tiếp xúc ánh nhìn của người đối diện. Thị biết ả trêu thị để thị đỡ căng thẳng, nhưng với cái lòng dạ đã trải qua bao đớn đau về tinh thần lẫn thể xác, thị không tài nào cười được.

Lệ Sa tinh ý nhận ra điểm khác thường. Chỉ trong một đêm vắng sao mà ả hối hận tận hai lần. Lần đầu là lúc ả lạnh lùng từ chối miếng ăn của thị, lần này là về trò đùa nhạt nhẽo mà mất duyên của mình. Ả chẳng biết mình sẽ còn vạ miệng biết bao lần với người ta nữa đây..

Ả ngượng miệng chẳng biết nói gì hơn, ả cũng cúi đầu và xem bé Na là phao cứu sinh duy nhất để mình bám víu.

Lệ Sa vuốt ve má đứa nhỏ. Nó nhỏ nhắn, cũng không bầu bĩnh như bao đứa trẻ khác, vương chút bụi bặm ngoài đường xá. Rồi ả lại len lén ngước nhìn người mẹ. Thị cũng có làn da ngăm, mái tóc đã ngả nâu vàng, quần áo chỗ vá chỗ lành.

Như thể đứa nhỏ đã cùng mẹ nó lưu lạc đây đó nhiều ngày trời rồi..

Má đứa nhỏ mềm, ả thích thú sờ. Ngặt nỗi, càng sờ ả càng không tài nào dừng lại được.

Trong vô thức, ả lại thốt lên. "Em xinh.. mà mẹ em cũng xinh nữa.."

Đấy.. miệng ả lại nhanh hơn não nữa rồi. Phải mất vài giây ả mới nhận ra mình đã lỡ lời điều chi. Ả thẹn thùng chẳng biết giấu vào đâu, ả cũng chẳng tỏ mình nên chữa ngượng bằng cách nào.. Bởi ả nào có nói dóc, ả nói sự thật kia mà.. Hai mẹ con trông bẩn người thế đấy, chứ mà tắm gội sạch sẽ, điểm chút son phấn, nét nào ra nét đó ngay thôi.

"Xin lỗi em.." Ả gãi đầu, vẫn cái giọng điệu cười xuề xoà lắm thân thuộc. "Tôi có cái tật mãi không chừ-.."

"K-không đâu!" Thị cắt ngang. "Cảm ơn cô.. vì đã khen mẹ con em.."

Thị cũng ngượng chẳng kém gì ả, nhưng lòng thị bỗng chốc hoá mùa xuân trên đồng cỏ nội xanh rì. Phơi phới.

Đã lâu rồi thị không được ai khen như thế.

còn tiếp

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top