ĐỊCH NHÂN KIỆT PHÁT HIỆN NHÂN TÀI
Võ Tắc Thiên trấn áp không thương tiếc những ai chống lại việc bà nắm quyền, nhưng bà lại vô cùng coi trọng việc sử dụng người hiền tài. Bà thường xuyên cử người tới các địa phương để chọn người tài giỏi. Khi đã phát hiện thấy ai có tài năng thì không kể tới xuất thân và thâm niên làm việc mà phong chức đặt cách, mạnh dạn sử dụng. Vì thế, dưới quyền bà có nhiều đại thần tài giỏi, trong đó nổi tiếng nhất là tể tướng Địch Nhân Kiệt. Khi Địch Nhân Kiệt làm thứ sử Dự Châu, đã chấp hành nghiêm pháp luật, xử sự công bằng, được nhân dân địa phương ca ngợi. Võ Tắc Thiên nghe tiếng ông có tài, liền điều ông về kinh làm tể tướng. Một hôm, Võ Tắc Thiên triệu ông tới bảo: "Trẫm nghe nói khi khanh làm việc ở Dự Châu, có tiếng tốt, nhưng cũng có người nói xấu khanh với trẫm. Khanh có muốn biết người đó là ai không?".
Địch Nhân Kiệt nói: "Người khác nói thần không tốt, nếu đó đúng là lỗi của thần thì thần phải sửa. Nếu bệ hạ đã tìm hiểu rõ không phải là lỗi của thần thì đó là điều may mắn cho thần. Còn ai là người nói xấu sau lưng thần, thần thấy không cần biết".
Võ Tắc Thiên nghe nói, thấy Địch Nhân Kiệt có lòng độ lượng lớn, lại càng quí trọng. Khi Lại Tuấn Thần đắc thế, có vu cáo Địch Nhân Kiệt, bắt giam vào ngục. Lại Tuấn Thần bức ông cung khai và dụ dỗ: "Miễn là ngài cung khai thì có thì có thể miễn được tội chết!".
Địch Nhân Kiệt thản nhiên nói: "Nay thái hậu đã xây dựng triều Chu, mọi việc đều đổi mới cả. Những cựu thần triều Đường như tôi, giết đi là đúng. Tôi xin nhận cho xong".
Một viên quan khác nói nhỏ với Địch Nhân Kiệt: "Nếu ngài khai ra người khác, thì có thể được đối xử khoan hồng".
Địch Nhân Kiệt nổi giận nói: "Trên có trời, dưới có đất, Địch Nhân Kiệt này không thể làm việc đó được!". Nói rồi, lao đầu vào cột nhà ngục, máu chảy đầm đìa, viên quan đó sợ hãi vội ra sức khuyên Địch Nhân Kiệt ngừng lại. Lại Tuấn Thần căn cứ vào lời bức cung của người khác, liền thảo ra 1 bản án của Địch Nhân Kiệt rồi tâu lên Võ Tắc Thiên. Nhân lúc bọn coi ngục lơ là trong việc giám thị, Địch Nhân Kiệt xé 1 miếng vải bọc chăn, viết 1 tờ kháng án rồi nhét vào lần trong áo bông. Lúc đó, trời đã chuyển sang xuân, Địch Nhân Kiệt nói với quan coi ngục: "Trời đã ấm rồi, tôi không cần dùng áo bông nữa. Xin báo cho con tôi đến mang áo bông về nhà".
Quan coi ngục không nghi ngờ gì, liền cho người trong gia đình họ Địch nhân đến thăm, mang áo bông về. Con Địch Nhân Kiệt hiểu ý, vạch áo bông ra, thấy lá đơn kháng án liền nhờ người chuyển lên Võ Tắc Thiên. Xem đơn, Võ Tắc Thiên hạ lệnh tha Địch Nhân Kiệt, rồi triệu kiến ông và hỏi: "Khanh đã nhận là có tội, tại sao lại còn kháng án?".
Địch Nhân Kiệt nói: "Nếu thần không nhận tội thì chúng đã tra tấn thần tới chết từ lâu rồi!".
Võ Tắc Thiên miễn tội chết cho ông, nhưng vẫn cách chức tể tướng, giáng xuống làm huyện lệnh ở tỉnh xa. Tới khi Lại Tuấn Thần bị giết, ông mới được điều về kinh và được phục chức tể tướng. Trước khi ông được làm tể tướng, có 1 viên tướng tên là Lâu Sư Đức đã ra sức tiến cử ông với Võ Tắc Thiên. Nhưng Địch Nhân Kiệt không hề biết chuyện đó, ông vẫn cho rằng Lâu Sư Đức chỉ là 1 võ tướng bình thường, không có gì đáng chú ý. Một lần, Võ Tắc Thiên cố ý hỏi Địch Nhân Kiệt: "Khanh xem Lâu Sư Đức là người thế nào?".
Địch Nhân Kiệt nói: "Lâu Sư Đức là một viên tướng cần mẫn trong việc phòng giữ biên giới, về mặt đó là tốt. Còn ông ta có tài năng gì khác không, thì thần không được biết".
Võ Tắc Thiên hỏi: "Khanh xem Lâu Sư Đức có khả năng phát hiện nhân tài không?".
Địch Nhân Kiệt nói: "Thần đã có thời gian làm việc với ông ta nhưng chưa hề nghe nói ông ta có khả năng đó".
Võ Tắc Thiên cười: "Trẫm sở dĩ được biết khanh, chính là nhờ Lâu Sư Đức tiến cử đấy!".
Biết việc đó, Địch Nhân Kiệt rất xúc động, cảm thấy Lâu Sư Đức là người trung hậu, mình không bằng được. Từ đó, Địch Nhân Kiệt ra sức phát hiện, tuyển chọn nhân tài, kịp thời tiến cử lên Võ Tắc Thiên. Một hôm, Võ Tắc Thiên bảo Địch Nhân Kiệt: "Trẫm muốn tìm kiếm một nhân tài, khanh xem người nào xứng đáng?".
Địch Nhân Kiệt nói: "Thần chưa biết bệ hạ cần một nhân tài như thế nào?"
Võ Tắc Thiên nói: "Trẫm muốn chọn một người làm tể tướng".
Địch Nhân Kiệt từ lâu đã biết tiếng 1 viên quan ở Kinh Châu tên là Trương Giản Chi, tuy tuổi đã hơi cao nhưng làm tể tướng rất giỏi giang, liền tiến cử với Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên liền thăng chức cho Trường Giản Chi làm Tư mã Lạc Châu (trị sở tại Lạc Dương). Mấy hôm sau, Địch Nhân Kiệt vào triều, Võ Tắc Thiên lại nhắc tới việc tìm kiếm nhân tài. Địch Nhân Kiệt nói: "Lần trước, thần tiến cử Trường Giản Chi, bệ hạ đã dùng đâu?".
Võ Tắc Thiên nói: "Trẫm chẳng đã sử dụng ông ta rồi đó sao?".
Địch Nhân Kiệt nói: "Thần tiến cử với bệ hạ là tiến cử một tể tướng chứ không phải tiến cử một tư mã".
Võ Tắc Thiên sau đó mới thăng Trương Giản Chi lên làm thị lang. Sau này, lại phong ông làm tể tướng. Địch Nhân Kiệt trước sau đã tiến cử cho triều đình mấy chục người có tài. Họ đều trở thành những đại thần nổi tiếng đương thời. Những người đó đều hết sức khâm phục và kính trọng ông, coi ông là bậc lão tiền bối. Có người nói với ông: "Đào lý trong thiên hạ, đều từ cửa Địch Công mà ra cả".
Địch Nhân Kiệt khiêm tốn nói: "Điều đó có đáng kể gì. Tiến cử người có tài là vì lợi ích quốc gia, đâu có phải vì lợi ích cá nhân".
Địch Nhân Kiệt sống tới 93 tuổi. Võ Tắc Thiên hết sức kính trọng ông, gọi ông là "quốc lão". Nhiều lần ông cáo lão, xin nghỉ nhưng Võ Tắc Thiên không cho. Sau khi ông mất, Võ Tắc Thiên thường than tiếc: "Trời xanh sao sớm cướp đi của ta vị quốc lão".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top