Chương I: Phòng 302

Tác giả: Dicky Tran
Tình trạng: Chương I/V
Ngày đăng: 18/07/2014

--------------------

Từ quê tôi, bản Chợ, xã Yên Hoa, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang tới trường cao đẳng Truyền Hình nằm trong thị trấn Thường Tín, ngoại thành Hà Nội là một quãng đường dài khoảng 270 km. Hôm nay là thứ hai, ngày chí (1) tôi đưa tôi tới trường nhập học. Vì đường xá xa xôi, cả nhà 3 người phải thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị. Nả (2) tôi gói bánh ngô và mèn mén vào một cái túi to để tôi và chí mang theo ăn dọc đường. Chí tôi lấy hai bộ quần áo mới cất trong tủ ra; một bộ chí mặc, một bộ chí đưa cho tôi mặc. Hai bộ quần áo này là mấy bữa trước, chí và tôi vào rừng bắt được một tổ sáo đem lên chợ huyện bán mới mua được. Cả năm nay, tôi mới có một bộ quần áo mới để mặc. Mặc bộ quần áo mới tôi thích lắm. Trời hãy còn nhá nhem, tôi và chí đã phải lên đường. Chúng tôi phải đi liên tục gần 5 tiếng đồng hồ mới tới nơi.

Khi tới trường, tôi nhìn đồng hồ đã 10 giờ 22 phút, tôi và chí gửi đồ đạc tại phòng bảo vệ và vào làm thủ tục nhập học ngay. Sau khi làm thủ tục nhập học xong, chúng tôi được hướng dẫn tới khu ký túc xá để đăng ký ở trọ. Khu ký túc xá trường khá khang trang, gồm 2 dãy nhà 5 tầng riêng biệt: một dãy dành riêng cho nam, một dãy dành riêng cho nữ. Chúng tôi tiến tới dãy nhà dành cho nam. Bên trên lan can tầng 2 gắn một cái biển to đề "B4". Chúng tôi vào phòng công tác học sinh, sinh viên ngay dưới tầng 1 để đăng ký trọ. Chúng tôi gặp thầy quản sinh tên là Trinh. Thầy giới thiệu tòa nhà B4 này có 5 tầng, mỗi tầng 10 phòng, tôi sẽ ở trên phòng tầng 3, phòng 302. Sau đó, thầy dẫn chúng tôi lên tầng 3.

Tôi và chí bước nhanh theo thầy Trinh qua tầng 1, rồi tầng 2 và cuối cùng chúng tôi lên đến tầng 3. Nhưng khi lên đến tầng 3 thì đột nhiên tôi có một cảm giác có cái gì rất khác thường. Cảm giác như có cái gì đó âm u, lạnh lẽo bao trùm toàn bộ không gian xung quanh tôi. Tôi để ý thấy các phòng ở đây đều đóng cửa im ỉm. Thấy chúng tôi đi ngang, có một vài người hé mở cửa phòng ra nhòm, xì xào, rồi lại vội đóng cửa lại. Chẳng mấy chốc, tôi đã tới trước cửa phòng mình. Cánh cửa bằng gỗ trông đã cũ kĩ và phai màu sơn. Các chấn song cửa đã có chỗ bị gãy. Bên trên có một tấm biển đề "302". Cửa phòng vẫn đóng im ỉm. Thầy Trinh gõ cửa phòng và gọi:

- 302, mở cửa cho thầy!

Lát sau, có một người thanh niên mặc quần đùi nhưng không mặc áo, dáng người gầy gò, mặt mũi phờ phạc như vừa ngủ dậy đi ra mở cửa. Cậu ta khẽ kéo cửa phòng. Cánh cửa lâu ngày kêu lên ken két. Cậu ta chào thầy Trinh, nhìn chúng tôi một lượt rồi hỏi:

- Thầy gọi phòng em có việc gì không thầy?

Thầy Trinh đáp:

- Thầy đưa một bạn sinh viên mới đến phòng mình. Đây là bố bạn ấy.

Cậu ta nhanh nhảu:

- Dạ vâng, mời thầy, bác và em vào!

Ba người bước vào trong phòng. Cảm giác khi nãy của tôi càng rõ rệt hơn. Không gian xung quanh tôi u ám, nặng nề một cách kỳ lạ. Mặc dù cảm giác như vậy nhưng tính tôi từ trước tới nay rất gan dạ nên tôi tự nhủ: "Chắc do đây là lần đầu tiên mình phải xa nhà, chuyển đến sống ở một nơi khác nên có cảm giác không quen thôi. Nhưng không sao, cố gắng rồi dần dần sẽ quen". Nghĩ vậy, tôi thấy an tâm hơn.

Căn phòng khá rộng rãi chừng 20m², lát đá hoa, gồm 5 chiếc giường đôi kê hai bên, có một lối chính giữa dẫn thẳng ra nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại; có cửa ra vào. Bên trên chiếc giường cạnh cửa sổ, gần cửa chính, có một đống chăn gối, quần áo để bừa bộn ra. Lúc này có 2 anh trong phòng. Thầy Trinh bảo tôi làm quen với mấy anh này. Người vừa ra mở cửa phòng tên là Đạo, quê ở Nam Định học quay phim; người còn lại cũng vừa ngủ dậy tên là Sơn, quê ở Huế, học báo chí. Người này thì dáng mập mạp, to khỏe. Cả 2 anh này đều là sinh viên khóa 8, học trước tôi một khóa. Tôi tự giới thiệu:

- Chào các anh, em tên là Sùng A Páo. Các anh cứ gọi em là A Páo ạ.

Anh Sơn hỏi tôi:

- Em người dân tộc nào? Người ở đâu tới đây? Học ngành gì thế?

Tôi đáp:

- Dạ, em là người Mông, quê ở Tuyên Quang, học ngành kỹ thuật điện tử truyền thông. Mong các anh chỉ bảo nhiều!

Sau đó, thầy Trinh dặn dò, nhắc nhở tôi một vài điều rồi để tôi và chí ở lại căn phòng này với hai anh kia. Nghỉ ngơi một lúc, chúng tôi xuống phòng bảo vệ khuân đồ đạc lên phòng. Đến trưa, hai anh kia dẫn chúng tôi xuống căng tin trường ăn trưa.

Tới căng tin, tôi thấy người qua người lại tấp nập. Đây là lần đầu tiên tôi ăn uống ở nơi đông người thế này. Tôi để ý thấy ngay gần cửa ra vào bên tay trái thấy có một cái quầy ê hề thức ăn và có ba chị đang đứng đó bán hàng; hai người đang gắp thức ăn cho khách, người còn lại thì múc cơm. Tất cả được cho vào một cái khay, người này tiếp nối người kia. Thấy vậy, chí bảo một chị gắp thức ăn cho chúng tôi hai suất cơm. Rồi chí kéo tôi ra bàn ngồi đợi. Bấy giờ tôi mới để ý hai anh kia đang hý hoáy làm gì đó ở cái quầy bên tay phải cùng với rất đông người; ở đó đang có một anh cũng ngồi đó bán hàng. Thì ra họ đang chờ mua cái tờ giấy gì đó. Tờ giấy đó chỉ nhỏ cỡ lòng bàn tay. Người thì mua tờ giấy vàng, người thì mua giấy hồng. Sau khi mua được tờ giấy đó, họ mới quay lại quầy thức ăn đưa tờ giấy đó cho hai chị đang gắp thức ăn để họ múc cơm và gắp thức ăn cho. Sau đó, hai anh kia bê thức ăn ra bàn ngồi cùng với chúng tôi. Bấy giờ tôi hỏi ra mới biết đó là phiếu bán thức ăn. Phải một lúc sau khi vãng khách, một chị mới bê thức ăn ra cho chúng tôi và nhắc nhở chúng tôi lần sau phải mua phiếu bán thức ăn trước. Hai anh kia ăn xong thì chào chúng tôi và về trước. Còn lại tôi và chí ngồi ăn với nhau. Đồ ăn ở đây toàn những món lạ khác xa với ở quê tôi. Nhưng lần đầu được ăn những món ăn lạ thế này, tôi thấy ngon tuyệt.

Ăn xong, chí và tôi về phòng nghỉ trưa. Lúc này, trên phòng chỉ còn anh Sơn. Anh ấy đang ngồi trên sàn nhà lát đá hoa ôm cái laptop lướt web, chat Facebook. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cái laptop. Ngày trước, tôi học phổ thông trên huyện cũng chỉ được thấy qua cái máy để bàn. Anh Đạo thì đi học. Đến chiều, chí và tôi kéo nhau đi dạo thăm một vòng xung quanh trường. Chẳng mấy chốc trời đã tối, tôi và chí lại cùng hai anh trong phòng đi ăn tối. Nhưng lần này có thêm một người cùng đi ăn nữa, dáng người trông hơi gầy nhưng cao tên là Tuyến, học khóa 8 cùng quê Nam Định với anh Đạo và cũng học ngành quay phim. Anh ấy là trưởng phòng nhưng đi đâu từ sáng tới giờ mới về. Lần này, tôi và chí đã biết mua phiếu bán thức ăn trước khi gọi món. Ăn xong, chúng tôi trở về phòng. Anh Tuyến sau khi tắm rửa xong lại đi đâu mất tăm. Sau này tôi mới biết anh ấy là một "cao thủ" nghiện game online, suốt ngày lêu lổng ngoài quán net.

Ở phòng chán, tôi và chí lại xuống sân trường ngồi ghế đá nói chuyện phiếm. Khoảng 10 giờ, chúng tôi về phòng ngủ. Đêm ấy, tôi đã ngủ một giấc ngon lành.

(Còn tiếp)

***************

(1) Chí: Cha, bố hay ba. Cách xưng hô của dân tộc H'mong.

(2) Nả: Mẹ hay má. Cách xưng hô của dân tộc H'mong.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top