Chương 62


Cuộc chiến giữa các hoàng tử một khi đã bắt đầu thì khó mà dừng lại, giống như cái bát vỡ dù được gắn lại thì vết nứt vẫn còn đó, cái bát này cũng chỉ là đồ bỏ. Trong mắt nhà đế vương không chứa nổi một hạt cát, cũng chẳng có cái gọi là chừa đường lui. Chiến tranh đã xảy đến thì cứ làm theo kế hoạch, sống hay chết đều do số kiếp.

Liên quân của Tín vương và Dung vương đánh qua Bồ Châu, thẳng tiến về Trường An. Thấy kinh đô đã ngay phía trước, Lương vương xin lệnh dẹp loạn, dẫn ba vạn Vũ lâm quân ra khỏi thành năm mươi dặm để ứng chiến. Lương vương là hòn ngọc quý trên tay hoàng hậu, bình thường chẳng biết trời cao đất rộng, nhưng cái tính dám làm dám chịu lại đáng để tán thưởng. Có lẽ là do nóng lòng muốn lập công để chứng minh bản thân nên sự phản đối của Đế – Hậu cũng chẳng có tác dụng. Ông ta vẫn cố chấp khoác chiến giáp lên, cuối cùng do không có kinh nghiệm tác chiến nên ngay trận đầu đã thất bại, bị phó tướng của Dung vương đuổi đến bờ Hoàng Hà, nghe nói là rơi xuống sông không rõ tung tích.

Cách thì đương nhiên là cách hay, hỏi ý quốc sư, quốc sư cũng đồng ý nhưng vẫn có phần nghi ngại: “Chưa chắc Trường An đã dễ phá như thế, trong triều có rất nhiều lão tướng đầy kinh nghiệm sa trường. Lương vương bỏ mình, chắc chắn thánh thượng sẽ dốc sức dẹp loạn đảo chính. Còn bên ta, ba thánh chỉ gửi đến mà không rút quân thì cũng coi như cùng mưu phản. Điều điện hạ nên làm bây giờ là nhanh chóng kết đồng minh với một trong hai vương gia, chuyện này cần tiến hành trong lặng lẽ, không thể gióng trống khua chiêng.”

Định vương nghe vậy gật đầu: “Nhưng không biết nên phái ai đi thương lượng.”

“Hai vị vương gia đều túc trí, cử bừa một người đi sợ là khó tin tưởng được. Nếu điện hạ tin tưởng thì hãy để bổn tọa đi chuyến này!”

Việc này tuyệt đối không thể được, vai trò của quốc sư chẳng khác nào ngọc tỉ truyền quốc, người đi đến đâu, nơi đó sẽ có khả năng xưng đế. Nhỡ chàng ta bị mấy vương gia hậu bối đó thuyết phục hoặc là phản chiến, liên hợp với đại quân Tín – Dung đến đánh ông ta thì lúc đó ông ta biết tự cứu thế nào? Định vương không ngu, ông ta rất thấu triệt vấn đề này. Thứ càng quan trọng thì càng không được buông ra, trước khi ông thuận lợi đăng cơ, bảo bối như quốc sư có tác dụng rất lớn, sao có thể chắp tay nhường cho kẻ khác?

Ông ta cười, nói đầy vẻ quan tâm: “Chuyện hai hôm trước đã khiến quốc sư hao tổn nguyên khí, quốc sư hãy tĩnh dưỡng cho khỏe, không nên lặn lội đường xa. Nếu cần người có vai vế ra mặt thì tôi đành làm phiền Thái đô hộ đi chuyến này, mang theo thư do chính tay bản vương viết, đô hộ đến cũng như bản vương đến.” Vừa nói, ông ta vừa nhìn phản ứng của Thái Diễm.

Thái đô hộ gật đầu đồng ý, xoay người chắp tay với quốc sư: “Đại vương nói chí phải, trận quỷ chiến ở biển Đô Khẩu đến giờ hãy còn kinh hãi, trận này quốc sư bị tổn hao tinh thần, vẫn nên ở lại quân doanh điều dưỡng. Đại vương nể trọng quốc sư, mọi việc trong quân đều phải phiền quốc sư bày mưu tính kế. Từ đây đến Bồ Châu cũng chỉ hai, ba ngàn dặm, mỗ quất roi thúc ngựa nửa tháng là có thể cả đi cả về, xin đại vương và quốc sư cứ chờ tin vui từ mỗ.”

Quốc sư cười ôn tồn, quạt xếp che miệng, chỉ chừa lại đôi mắt sáng như sao, sóng mắt khẽ chuyển, nói đầy nhã nhặn: “Thế cũng tốt, vậy thì đành phiền đô hộ rồi. Việc này nên làm sớm chớ để muộn, tôi thấy hôm nay chính là ngày hoàng đạo, đô hộ thu thập hành trang mau khởi hành thôi.”

Thái Diễm lĩnh mệnh về lều chuẩn bị, Định vương sai người chuẩn bị bút giấy, viết một phong thư với vẻ vô cùng khẩn thiết. Lúc viết tên người nhận thì lại do dự, hỏi quốc sư nên điền tên ai, quốc sư chậm bước, ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp: “Thế lực của Tín vương yếu hơn Dung vương, muốn liên hiệp đương nhiên phải liên hiệp với kẻ yếu đánh kẻ mạnh. Dệt hoa trên gấm cũng chỉ như thêm phần náo nhiệt thôi, đưa than giữa ngày tuyết mới đáng quý trọng. Lúc hai quân bắt đầu giao chiến thì không cần trợ giúp vội, đợi khi bọn họ yếu đi rồi, điện hạ là chim sẻ chờ sẵn, lúc đó muốn làm gì đều do điện hạ định đoạt.”

Bọn họ bàn chuyện tác chiến rất ăn ý. Liên Đằng bên cạnh nghe, chỉ thấy đâu đâu cũng là cạm bẫy, khiến người run sợ. Có lẽ vị trí khác nhau, không ác ắt phải chết. Trong chiến tranh, nhân từ là thứ nực cười nhất. Cô im lặng đứng đó, suy nghĩ trong đầu rối bời, bỗng nhiên Định vương ôn tồn gọi cô: “A Ninh lại đây nào, uống một chén với a gia và quốc sư, cầu chúc cho a gia thắng ngay trận đầu.”

Liên Đăng vâng lời, nhận lấy bầu rượu từ binh sĩ rồi rót rượu. Nhớ ra quốc sư không uống rượu nên định rót ít đi, Định vương thấy vậy áp bầu rượu xuống, cười vang: “Rượu là phải châm đầy, người trong quân phải hào sảng phóng khoáng.”

Liên Đăng bất đắc dĩ đành nâng chén cụng ly với họ. Nét mặt quốc sư thản nhiên, quay đầu che tay áo uống. Như bình thường, chàng ta sẽ từ chối, chỉ uống nửa chén, không ngờ lần này còn chẳng chau mày, dốc cạn chén rượu chỉ trong chớp mắt.

Bọn họ nâng chén chuyện trò vui vẻ, mãi đến khi trời chuyển tối, quốc sư mới ra khỏi lều của Định vương. Lúc ra chàng ta đã ngà ngà, đi chậm rãi một đoạn rồi dừng lại ngẩng đầu ngắm trăng. Liên Đăng đi theo sau, nghe chàng ta thì thầm: “Lâu lắm rồi bổn tọa không ngắm trăng…”

Cô thầm thắc mắc, lâu lắm rồi là bao lâu? Lần ngắm trăng hôm Trung thu trước đó cũng chưa phải quá lâu, nhưng nghe giọng chàng như đã rất nhiều năm.

Quốc sư quay người lại, cười biếng nhác: “Nàng thấy trăng đêm nay đẹp không?”

Cô ngẩng mặt nhìn trời: “Hôm nay trăng lưỡi liềm, chẳng đẹp gì cả.”

Chàng chống nạnh: “Ừ… Trăng có tròn có khuyết, kẻ khác thích trăng tròn, bổn tọa lại thích nó cong như này.” Nói rồi lảo đảo đi về phía lều của mình.

Liên Đăng đi theo, thấy chàng ta say rồi thì định xếp chỗ ngủ cho chàng ta. Quốc sư nằm lên phản, gà gật dựa vào đầu giường. Giờ trời đã lạnh rồi, nằm vậy sẽ cảm mất. Cô khẽ gọi: “Tôi trải đệm xong rồi, chàng vào ngủ đi.”

Chàng hơi hé mắt ra, vô thức gọi tên cô: “Liên Đăng…”

Không biết vì sao, sống mũi cô hơi cay. Hai ngày nay, chàng như đang cố gắng giữ khoảng cách với cô, không một lời âu yếm, cũng chẳng có cử chỉ thân mật nào, cô thấy mình đã sắp không nhận ra chàng ta nữa. Bây giờ chàng ta bỗng gọi cô một tiếng, trái tim của cô cũng rung động theo.

Cô cố kiềm lại, dém chăn cho chàng ta rồi khẽ nói: “Chàng ngủ đi, lúc say là khó chịu nhất, ngủ dậy là khỏe rồi.”

Chàng ta giơ tay lên, đặt trên vai cô rồi chầm chậm đi xuống, cầm cổ tay cô: “Vết thương đã đỡ chưa?”

Cô giơ tay lên cử động cho chàng ta xem: “Ổn rồi, chàng đừng lo.” Rồi lại im lặng, lòng rất khó chịu, cô cúi người nói: “Tôi muốn mi mi.”

Quốc sư ngập ngừng: “Mi mi?”

Cô bắt đầu lo lắng, cảm thấy có lẽ chàng ta bị mất trí nhớ rồi. Hồi trước cứ nhắc đến mi mi, dù có xa mười dặm chàng ta vẫn bất chấp tất cả để chạy đến, giờ lại tỏ thái độ ỡm ờ thế này. Cô không chịu nổi sự đối lập ấy, nhìn chàng ta oán hận: “Chàng không yêu tôi nữa ư?”

“Không phải.”

“Vậy sao tôi lại thấy chàng không yêu tôi nữa rồi?” Cô kéo chàng ta dậy, dẩu môi nói: “Mi mi đi, phải mi mi thì tôi mới tin.”

Chàng ta có vẻ không hiểu nghĩa của mi mi, nhưng thấy cô chu môi ra thì cũng đoán được, hơi đấu tranh rồi mới ghé môi qua.

Liên Đăng nhắm mắt cảm nhận, vẹn vẹn chỉ là môi kề môi, dường như chàng ta đang sợ hãi, khác hoàn toàn so với hồi trước. Bỗng dưng, cô thấy lạnh cả người, tại sao cô lại thấy đây không phải chàng ta? Ít nhất thì không phải là chàng ta hồi trước. Cô thầm thấy hốt hoảng, cảm giác khó hiểu này cứ trào dâng như giếng phun, không thể ngăn cản. Cô tiện đà ôm mặt chàng ta, cẩn thận vuốt ve rìa mặt, không có chỗ nối, không phải mang mặt nạ. Cô lại chậm rãi dịch tay ra sau tai, chạm vào phần da ẩn sau tóc, không có ngân châm, rất bình thường.

Càng như thế thì càng khiến cô buồn lòng hơn, Đàm Nô từng nói với cô, cơ thể của con gái là thứ đàn ông để ý nhất. Nếu cứ trao cho chàng ta một cách tùy tiện, chàng ta sẽ thấy có được mọi thứ quá dễ dàng, không biết cách trân trọng. Là cô không đề cao bản thân, cho chàng quá sớm, giờ chàng chẳng quan tâm cô nữa rồi.

Cô đẩy chàng ta ra, buồn thiu: “Chàng nghỉ ngơi đi, tôi có vài việc cần làm...”

Cô muốn đi, chàng ta lại giữ lại: “Nàng sao vậy?”

Làm sao ư…? Phải là cô hỏi chàng ta mới đúng. Tại sao xa nhau hai ngày, chàng lại trở nên kì lạ đến thế. Còn cả mùi hương trên người chàng ta nữa, không phải mùi cô quen thuộc, chuyện này là sao đây? Cô miễn cưỡng hé miệng: “Chàng đổi huân hương à?”

Chàng ta lạnh mặt trong phút chốc, không đáp lời, cứ nhìn cô lạnh băng.

Liên Đăng chạy vụt đi, lao ra khỏi lều, vào trong bóng đêm rồi lại thấy an toàn. Cô xoa ngực đứng hồi lâu, chẳng biết vấn đề vừa nãy bắt nguồn từ đâu. Đôi lúc đối diện với chàng ta, cô lại thấy sợ hãi, thực sự quá kì lạ. Chẳng lẽ lúc triệu hồi âm binh, chàng ta bị cô hồn dã quỷ nào đó đoạt xác ư? Cô biết chàng ta không dịch dung, nhưng vẫn có chỗ là lạ không nói ra được, có rất nhiều chi tiết khác biệt, chỉ cần để ý kĩ là sẽ nhận ra.

Cô đứng lặng người một lúc, bắt đầu thấy lo, làm sao để gọi chàng ta về đây, thành bại có lẽ nằm ở nửa cuốn “Kinh độ vong” còn lại.

Cô vội chạy đến lều của Định vương, quân doanh của mười ba vạn binh lính ước chừng phải rộng đến mười dặm, tựa rồng lửa uốn lượn giữa núi rừng trùng điệp, lều của Định vương nằm ở chính giữa đại quân, nổi bật như ánh trăng giữa trời sao. Doanh trướng rất chắc chắn, gió thổi qua làm đàn én dưới mái hiên bay lên, kêu ríu rít.

Cô vén màn bước vào, ông ta vừa thay giáp chuẩn bị dùng cơm, thấy cô thì cười nói: “Cha đang định cho người tìm con thì con đã quay về rồi.” Ông chỉ vào cái nệm đối diện, nói: “Ngồi xuống đây ăn cơm với a gia nào.”

Cô ngoan ngoãn ngồi xuống, Định vương mở nắp múc cho cô một chén rượu nếp, rồi chỉ vào cá hấp và thịt dê non rồi bảo: “Hành quân bên ngoài không có gì ngon, thế này đã được coi là mĩ vị rồi. Trận này, a gia biết con vất vả nhiều, thấy con chạy ngược chạy xuôi, cha cũng đau lòng lắm. Thân gái vốn không nên trong quân, cha cứ nghĩ mãi, chỉ ít nữa thôi là đại quân sẽ phải ác chiến liên miên, vẫn nên bảo anh hai con đưa con về thành Toái Diệp thôi, về đó có Thần Hà chăm sóc, không phải lo ác phụ kia sẽ gây sự với con...” Nói đoạn, ông ta bật cười: “Thật ra cũng không cần lo lắm, với võ nghệ của con, bà ta cũng không làm gì được con. Lúc xưa mẹ con mà như con thì có lẽ đã chẳng xảy ra những chuyện sau này.”

Liên Đăng thở dài: “A gia, kể con nghe chuyện của hai người đi.”

Định vương ngừng lại, như phải điều chỉnh lại mới dám đối diện với chuyện hồi trước. Ánh nến rọi chiếu đôi mắt ông, ông ta đã ngoài 40, có lẽ là do nhớ chuyện cũ nên trong mắt vẫn thấp thoáng nét dịu dàng.

“Năm cha và mẹ con gặp nhau, mẹ con mới mười bảy. Hoàn cảnh của nàng ấy rất đáng thương, từ nhỏ đã làm nô tì cho nhà phú hộ. Nếu không phải do nhà đó bỗng dưng gặp nạn, có lẽ nàng ấy sẽ phải làm thiếp cho kẻ ngốc. Sau khi nhà phú hộ bị tịch biên, cảnh ngộ của nàng ấy cũng không khá hơn, những nô tì quan thuộc suýt nữa bị bắt làm kĩ trong quân doanh, sau đó nàng ấy gặp một đô úy nên được hắn chuộc về. Vợ đô úy có máu hoạn thư, nàng ấy sống rất khổ, năm lần bảy lượt suýt bị bán, đô úy đành tặng nàng ấy cho ta làm thiếp. Mẹ con là cô gái thông minh, nàng ấy khéo léo lắm, thêu sư thêu hổ như vật sống. Cha rất yêu nàng ấy, sống hai mươi tám năm trên đời, lần đầu tiên biết cái gì gọi là tình.” Ông ta cười, nụ cười đắng chát, khẽ thở dài: “Cha là kẻ bị Đại Lịch bỏ rơi, sống trong thế giới tối tăm không có ánh mặt trời, mẹ con xuất hiện khiến đời cha được rọi sáng. Nhưng lúc đó Đột Quyết thường xâm chiếm hành lang Hà Tây, cha phụng mệnh xuất binh tiến đánh nên đành phải chia xa mẹ con. Đột Quyết là đội quân trên lưng ngựa, chúng cưỡi ngựa rất điêu luyện, hay cướp xong thì bỏ chạy mất dạng, vì truy kích chúng mà cha phải rong ruổi ngàn dặm. Sau này Đột Quyết quy phục Đại Lịch, cha mới trở lại thành Toái Diệp, khi đó mẹ con đã sinh con rồi, bởi vì đã sáu người con trước đều là nam nên con ra đời làm cha rất vui. Thế mà Đột Quyết không giữ lời, đám mọi rợ đó hôm nay hứa, ngày mai lại lật lọng ngay được. Một khi túng quẫn, thứ đầu tiên chúng nghĩ tới là cướp bóc. Cha lại nhận lệnh xuất chinh lần nữa, cùng lúc ấy, Phó đô hộ Bách Lý Tế cũng tạo thành thế gọng kìm tấn công Đột Quyết, đánh đuổi bọn chúng cút khỏi ba mươi sáu nước Tây Vực.”

Liên Đăng chống cằm nghe, thấy hơi bùi ngùi: “Con chỉ muốn biết, vương phi hãm hại mẹ con, tại sao A gia lại không tin mẹ?”

Ông ta cúi gằm xuống, mặt đầy ưu sầu: “Chung đụng thì ít là cách xa thì nhiều nên dần sinh hiềm khích. Huống hồ mẹ con với giáo úy kia cũng không phải hoàn toàn vô tình. Khi ấy giáo úy sợ vợ mình giết mẹ con nên mới đưa nàng cho cha, không ngờ rằng đến cuối cùng... mẹ con lại chết trong tay ta.”

Cuộc đời là vậy đấy, chẳng ai biết được bước tiếp theo là đúng hay sai. Đôi khi tình yêu quá yếu ớt, dẫu hai người có yêu nhau thì cũng sẽ vì một lời châm ngòi đầy sơ hở mà trở mặt thành thù.

Liên Đăng ít khi nói chuyện với ông ta, cũng chưa từng biết ông nghĩ gì, hôm nay là lần đầu ngồi nói chuyện với nhau như thế này. Có lẽ do là tình cảm tự nhiên giữa cha con, trái tim hai người được nối lại gần hơn rất nhiều. Cô gối đầu lên khuỷu tay, ấm ức hỏi ông: “A gia có hối hận không?”

Vành mắt ông ta đỏ lên, nhanh chóng quay mặt đi: “Bây giờ có hối hận cũng vô dụng, mẹ con hận cha như thế, thậm chí còn muốn con giết cha. Ân oán giữa cha và nàng ấy không thể tháo gỡ ở kiếp này, chỉ đành chờ khi cha chết đi rồi sẽ bồi tội với nàng.” Ông ta ngừng lại, hỏi với vẻ dè dặt: “A Ninh, con còn hận A gia không?”

Liên Đăng cẩn thận ngẫm nghĩ, tình yêu của cô có thể rất dào dạt, nhưng lại chẳng thể nhạy cảm với hận thù được. Hồi trước nhận lầm Bách Lý đô hộ là cha mình, lúc đối diện với những kẻ hại ông, cô cũng không thấy hận thấu xương. Giờ cũng thế, ngoại trừ việc thương cảm cho tình cảnh của mẹ, cô chẳng thấy gì khác.

Cô lắc đầu: “Con chẳng nhớ chuyện hồi trước nữa.”

Vương phi sai người giết mẹ ngay trước mắt cô, có lẽ cô đã phải chịu kích thích nên luôn vô thức muốn né tránh việc đó! Định vương gật đầu, nét mặt đầy hổ thẹn: “Cha có lỗi với mẹ con con, đợi khi đại công cáo thành, cha sẽ cho con những thứ tốt nhất, bù đắp cho con.”

Cô ậm ừ đáp lời, vén tay áo gắp thức ăn cho ông: “A gia còn nhớ chuyện quốc sư triệu hồi âm binh lần trước không ạ? Con từng nghe anh nhắc đến truyền thuyết về “Kinh độ vong”, có phải chỉ cần có kinh thư là làm được không? Nửa cuốn kinh còn lại của a gia ở đâu vậy? Cho A Ninh xem với.”

Định vương nhấp rượu từ chối: “Chỉ là truyền thuyết thôi, đừng coi là thật. Quốc sư gọi được âm binh là do người có thể hợp nhất với đất trời, không liên quan gì đến “Kinh độ vong” hết.”

Cô buồn bực nói: “Có phải a gia không yên tâm về con nên mới không muốn cho con xem không?”

Định vương cau mày đập đũa xuống bàn: “Chớ nói xằng, con là máu mủ của cha, sao cha lại nghi ngờ con được?”

“Vậy cho con xem kinh thư đi mà, không cho con xem là không tin con.” Cô bắt đầu giở thói, nằm nhoài ra đệm: “A gia, cho con xem đi, liếc một cái thôi cuốn kinh thư cũng không mất miếng nào đâu... A gia...”

Từng câu a gia nghe mà xiêu lòng, Định vương dở khóc dở cười nhìn cô lăn lộn dưới đất: “Lớn bằng chừng này rồi, không sợ mất mặt hả? Không phải A gia không muốn cho con xem mà do vật này rất quan trọng, không thể mang ra một cách tùy tiện được. Huống chi vật này không ở chỗ a gia, con muốn xem, cha cũng không lấy ra được.”

Liên Đăng vẫn không chịu bỏ qua: “Vật quan trọng như thế, a gia đặt ở chỗ ở chỗ khác sao được? Rõ là gạt con, không muốn cho con xem.”

Định vương bị cô quấy đến mức sắp nổ đầu: “Đồ không ở đây thật, ai lại mang vật cược theo người chứ? Cha đã cất nó ở một nơi an toàn, đợi cha làm chủ Trường An rồi chắc chắn sẽ tuân theo lời hẹn, giao lại cho quốc sư. Con cũng đừng hỏi dò nữa, lòng con chỉ biết quốc sư thôi, nào có chỗ cho a gia chứ? Trong người con chảy máu của cha, cha mới là người thân thiết nhất với con, đứa ngốc này!”

Kết quả Liên Đăng thất bại thảm hại, bày mấy trò khôn lỏi trước những kẻ lắm mưu nhiều kế thì thắng sao được. Điều cô chắc chắn bây giờ là nửa quyển “Kinh độ vong” có tồn tại, không bị thất lạc vì chiến tranh hay nguyên nhân nào khác. Nhưng nói thật, cô luôn có cảm giác lời của Định vương khó mà tin được.

Cô nghiêm mặt: “Con là con gái A gia, không hề có ý muốn hại A gia. Con có câu này vẫn luôn muốn nói với a gia. A gia đã thấy bản lĩnh của quốc sư rồi đó, tuyệt đối đừng vì muốn lôi kéo chàng mà hứa hẹn những điều mình không làm được, nếu chọc giận chàng thì hậu quả khó lường. Con chỉ hỏi A gia, lăng mộ Hồi Hồi ở ngay trong thành Toái Diệp, A gia đã có nửa bộ kinh văn, tại sao A gia không mở mộ lấy nốt nửa cuốn còn lại để ghép thành bộ hoàn chỉnh? Ngay từ đầu A gia đã biết về “Kinh độ vong”, hay là có vụ trộm mộ rồi mới để ý?”

Mấy câu hỏi của cô khiến Định vương á khẩu, mãi lúc sau mới cười nói: “Hổ phụ không sinh khuyển nữ, A Ninh rất có tài hùng biện, rất giống A gia, giỏi lắm.” Định vương vừa khen, vừa gắp thêm thức ăn vào bát cô: “Cứ lo nói chuyện mãi, đồ ăn nguội sắp hết cả rồi. Con cứ nghe a gia, chuyện của nam nhi con đừng quan tâm gì nhiều. Chờ khi a gia lập nên cơ nghiệp muôn đời, con cứ việc hưởng vinh hoa là được rồi.”

Cô chẳng còn gì để nói, cũng đã đoán trước ông ta không có nửa cuốn còn lại, chắc chỉ là dối gạt quốc sư thôi. Nếu không có thật, vậy cô biết phải làm sao? Lấy gì để cứu người cô yêu đây?

Lòng cô rối bời, chẳng còn để tâm nghe sau đó Định vương nói những gì nữa. Trước khi rời khỏi lều, ông ta gọi cô lại rồi đeo cho cô một sợi dây chuyền: “Đây là di vật mà mẹ con để lại, những năm nay cha vẫn luôn mang theo mình. Giờ con về rồi, cha truyền lại nó cho con. Lúc thấy nhớ mẹ, nhìn sợi dây này cũng nguôi ngoai phần nào.”

Liên Đăng cúi đầu nhìn, mặt dây chuyền là cành trúc khắc từ ngọc, đốt trúc rõ ràng, còn có cả lá trúc tinh xảo. Lúc còn thì không quý trọng, mất đi rồi mới nhìn vật nhớ người thì có nghĩa lý gì đâu! Ân oán tình thù đời trước đã đủ mệt mỏi rồi, cô chỉ thầm mong đời mình bớt lận đận. Nhưng nhìn tình hình hiện tại, trông cũng chẳng khấm khá hơn là bao.

Cô nắm sợi dây truyền lạnh băng kia, gật đầu: “Cảm ơn a gia. Đã muộn rồi, a gia nghỉ ngơi đi, sáng mai con lại đến thăm A gia.”

Định vương đáp được, cô cung kính hành lễ rồi về lều của mình, đi một đoạn lại quay đầu nhìn, Định vương vẫn đứng bên ánh lửa ấm áp trước cửa. Cô không ngờ được rằng, đây chính là lần cuối cô gặp ông.

*** 62 ***

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top