Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Trong đời sống thường ngày, có thể dễ dàng nhận thấy được giao tiếp giữa người với người là vô cùng quan trọng, và lời nói, chính là phương tiện để giao tiếp, vừa đơn giản mà còn tiện lợi. Qua lời nói, dù vô tình hay cố ý, ta đều thể hiện suy nghĩ, cảm xúc cá nhân và cũng thể hiện được mức thân thiết giữa các mối quan hệ. Đồng thời, cũng đã thể hiện được con người của bản thân, lịch sự hay khiếm nhã, duyên dáng hay thô lỗ. Có lẽ là bởi vì ông cha ta đã nhận thấy được sự quan trọng của lời nói, và cũng để con cháu sau này hiểu được sự cần thiết của những lời nói tốt đẹp, tử tế, nên vô vàn câu ca dao tục ngữ dễ nhớ, sâu sắc đã được ra đời. Hình thành nên từ những kinh nghiệm quý báu được đúc kết qua năm tháng dài đằng đẵng, "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", hay còn có"Lời nói gói vàng". Và có thể chắc chắn rằng, những câu ca dao tục ngữ này đều dùng để nêu rõ tầm quan trọng, cao thượng của lời nói, cách hành xử, suy nghĩ. Hay còn mang ý nghĩa khuyên nhủ nên lựa lời hay ý đẹp để nói, tăng thiện cảm, sự hòa hợp giữa người với người, gắn kết tình cảm, làm mối quan hệ dễ chịu, hiệu quả hóa sự giao tiếp, và làm cho xã hội tươi đẹp, văn minh hơn.
"Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". "Lời nói", có thể hiểu đơn giản là phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ, dùng để truyền đạt suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn giữa người với người, giúp con người hiểu, và yêu thương nhau. Trong lời nói, ngoài giá trị về mặt ngữ nghĩa, lời nói còn thể hiện thái độ, hàm ý của chủ thể tạo ra nó. "Chẳng mất tiền mua" mang nghĩa, lời nói chính là món quà vô giá mà chúng ta được ban tặng bởi tạo hóa, chẳng cần phải tầm cầu, tìm kiếm. Vậy, thế nào để "lựa lời"? Cùng một quan điểm, tư tưởng, ý nghĩa, nhưng lại có nhiều cách diễn đạt khác nhau. Có thể diễn đạt bằng những lời nói dịu dàng, từ ái, nhưng cũng có thể diễn đạt bằng những lời nói thô kệch, vô duyên. Phần đông người đời thì ưa ngọt muốn được nghe những lời nói thuận tai, nhỏ nhẹ ngọt ngào. Vậy thì tại sao ta lại không dùng những lời nói mềm mỏng, dịu dàng, ngon ngọt những lời nói tốt đẹp, tử tế để trao đổi với nhau? Đem lời hay ý đẹp, sưởi ấm cho tâm hồn người khác. Ngụ ý câu ca dao này khuyên ta nên lựa lời mà nói với nhau để đạt được hiệu quả trong giao tiếp, gắn kết tình người lại với nhau và làm cho xã hội được tốt đẹp.
Lời nói bao giờ cũng thể hiện sự khôn ngoan, trình độ văn hóa và nhân cách của con người. Vì người khôn ngoan, có nhân cách, văn hóa bao giờ cũng coi trọng lời mình nói. Một vĩ nhân trong nền văn chương thế giới đã từng nói: "Nếu bạn muốn hiểu tư duy của một người nào đó, hay lắng nghe lời người đó nói". Vì vậy, mọi người đều phải biết giữ gìn lời nói với nhau, từ người thân, đến người ngoài, từ bạn bè, đến chủ tớ.
Lời nói như con dao hai lưỡi, một lời có thể dẫn con người đến hạnh phúc, nhưng cũng có thể đem đến sự tổn thương, có thể đem đến hi vọng, cũng có thể đem đến tuyệt vọng. Nó có thể cứu vớt một cuộc đời, nhưng cũng có thể dập tắt một đóm lửa le lói. Một thứ như là miễn phí, chẳng phải bỏ tiền ra mua, được sử dụng thoải mái lại có sức mạnh to lớn đến thế. Nhưng thật ra, sức mạnh của lời nói không đến từ lớp vỏ bọc âm thanh, mà đến từ nội dung, cảm xúc được truyền đạt bên trong nó. Vậy nên, "Phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói", mỗi khi nói với ai lời nào, ta cần phải suy nghĩ kĩ và phải chịu trách nhiệm cho mỗi một lời đó, vì lời đã nói ra, chẳng thể rút lại, đừng để lời đã thốt ra, trở thành nỗi ân hận tột cùng.
Mỗi khi tặng quà cho người khác, ta cần phải suy nghĩ kĩ càng về món người ta muốn và chọn lựa cẩn thận một món quà nào, vừa hợp sở thích, vừa thể hiện tấm lòng chân thành. Sau đó, phải gói lại thật xinh đẹp, trang trí thật tỉ mỉ, rồi mới đem tặng cho người khác. Cũng giống như thế, lời nói mỗi khi thốt ra, đều cần sự suy nghĩ kĩ lưỡng, cẩn thận, vừa phải ngắn gọn, rành mạch, nhưng cũng phải thể hiện được hết ý muốn nói, sau đó, phải tô điểm, thêm thắt những từ ngữ thích hợp, tử tế, rồi mới được nói ra. Kết quả là, lời ta nói ra, vừa thể hiện đầy đủ mục đích, vừa trôi chảy, vừa khiến người khác dễ chịu, thoải mái, mối quan hệ cũng được hòa hợp hơn.
Có thể nhận thấy rằng lời nói và nụ cười là hai thứ dễ cho đi và hiệu quả nhanh nhất. Một câu nói nhẹ nhàng và ngọt ngào sẽ như một làn gió mát thổi vào lòng ai đó trong một ngày oi ả. Có người nói mà ta nghe từ cách xa qua điện thoại hay tiếp nhận lời bằng email vẫn có thể tưởng như nghe thấy tiếng cười hay nhìn thấy nụ cười trên môi mắt họ. Trong khi đó một câu nói nặng nề chua cay có thể khiến người nghe đau lòng và buồn bã không chỉ một ngày mà có khi "đau nặng từng lời nói" nhiều ngày bởi không phải ai cũng dễ buông bỏ và hỷ xả. Cuộc sống con người rất mong manh trong cõi trần gian vô thường. Còn nhìn thấy nhau, gặp nhau sao không nói với nhau những lời tử tế, chân thật. Để rồi khi xa nhau hay phải chia lìa ta sẽ không thấy ân hận, dằn vặt và day dứt nghĩ lại khi còn gần nhau, khi người ta còn bên mình không nói được lời yêu thương.
Sức mạnh của lời nói là rất lớn, nếu chúng ta đủ nhận thức về vai trò của nó, chẳng hạn như khi người khác buồn phiền, một lời động viên đúng lúc có thể khiến họ vui lên, vơi bớt nỗi buồn đau. Họ cảm thấy được đồng cảm sẻ chia. Từ đó, tăng cường ở họ sức mạnh vươn lên và niềm tin vào cuộc sống. Khi người khác buồn phiền, đừng quay lưng lại với họ. Cũng không cần bạn phải làm gì lớn lao. Hãy kiên nhẫn nghe họ tỏ bày và có lời khuyên đúng đắn. Lời nói chân thành, đúng lúc chẳng khác gì phép màu, làm tái sinh sự sống trong một tinh thần vốn đã héo khô.
Sức mạnh của lời nói thật không sao có thể đo đếm được. Bởi thế mà người xưa đã dùng lời nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng người để gắn kết con người lại với nhau trong một mục đích, một nhiệm vụ, một chí hướng. Chỉ bằng bài Hịch tướng sĩ văn ngắn ngủi mà Trần Hưng Đạo đã kích động được lòng quân, giúp họ nhận thấy lỗi lầm, nhìn rõ nhìn vụ mà một lòng cùng chủ tướng quyết tâm đánh giặc cứu nước. Cũng chỉ bằng lời nói mà Nguyễn Trãi đã hàng phục biết bao thủ lĩnh, tướng sĩ bốn phương, giúp nghĩa quân Lam Sơn tăng cường sức mạnh mà không tốn một binh một lính nào.
Dù lựa lời để nói là tốt nhưng lời nói ấy phải chân thành, và phải xuất phát từ sự thật trong tâm hồn. Nói những lời tốt lành nhưng đừng giả dối, đầu môi chót lưỡi. Những lời tâng bốc để mua lòng người, những viên thuốc độc bọc đường sẽ gây hại nhưng sớm muộn rồi người ta sẽ nhận biết bản chất giả dối, tác hại của chúng, và phê phán, bài trừ nó ra khỏi xã hội văn minh. Phê phán những người có lời nói thô tục, phản cảm (nói tục, chửi thề) làm mất nét đẹp, phẩm giá của con người. Trong khi đó nhiều khi lời nói thẳng, nói thật có thể khiến người nghe không vừa ý. Vẫn biết "Lời thật mất lòng" nhưng nếu ta chọn cách nói và thời điểm nói thích hợp và chân thành thì lời thật ấy có thể vẫn được người nghe tiếp thu và suy nghĩ để sửa đổi. Về phía người nghe cũng nên bình tĩnh suy xét lời nói đến tai ta. Khi ta nghe, ta cố gắng để hiểu hoàn cảnh, thời gian và nguyên cớ của lời nói. Có người nói một lời thẳng thắn, không phải là lời khen ngợi, mà là lời nhắc nhở hay chỉ ra cho ta cái sai sót của ta, ta nên biết tiếp thu lời thực ấy. Còn có người cách nói năng không được nhẹ nhàng êm ái, nhưng tâm họ rất lành và họ nói không chút ác ý. Với những người ấy ta cần hiểu bản chất của lời nói và tâm tính người nói để chắt lọc và bỏ qua những phần chưa hay của lời họ nói.
Qua những điều vừa phân tích trên cho ta thấy, mỗi lời nói của chúng ta đều ẩn chứa một sức mạnh vô hình. Một lời động viên đúng lúc có thể giúp cho những người đang trong cơn bế tắc lấy lại tinh thần và vượt qua khó khăn. Nhưng cũng có những lời nói có thể giết chết một người đang trong cơn tuyệt vọng. Hãy biết nói lời dễ nghe, đúng đắn và chân thành để bản thân được vui vẻ và gây được điều vui vẻ ở người khác. Cuộc sống ngắn ngủi, cớ gì phải gây cho nhau những tổn thương không nên có. Lời nói chẳng mất tiền mua và luôn sẵn có trên môi. Thế nên, hãy biết lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top