X30phaluoi7

Chương 19

Gió đã xoay chiều

Sân bay Phú Bài diễn ra một quang cảnh khác thường. Hai bên đường, từ quốc lộ 1 đến sân bay dày đặc lính dù. Những bộ quần áo rằn ri loang lổ, mỏi mệt dưới nắng trưa hâm hấp. Những mũi súng hích lên, ngơ ngác chĩa vào các làng mạc xa xa. Thỉnh thoảng, một cái xe "gíp" sơn biển vàng của bọn quân cảnh lù lù đi lại kiểm soát. Không có một bóng người dân thường, nhưng những cặp mắt cú ẩn dưới cặp mắt kính xám to dưới vành chiếc mũ sắt trắng sùm sụp, vẫn xoi mói từng gốc cây, từng bờ ruộng.

Vành ngoài sân bay, ngoài những lô cốt lớn nhỏ đã được tăng cường lính gác hơn thường lệ, lại có thêm mười chiếc xe tăng "Séc-man" sừng sững, vươn dài nòng đại bác trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Trong sân bay, đông nghịt quân cảnh. Mũ sắt của chúng trắng loá dưới ánh nắng. Không khí càng thẳng chờ đợi. Trong phòng khách của sân bay, có hai người đang đứng nói chuyện, vẻ nóng ruột. Hai người khuôn mặt giống nhau, cùng bừ bự, cùng đôi lông mày rậm, cùng cặp mắt nhiều lòng trắng bất chợt đảo nhìn quanh một cách rất nhanh rồi lại có vẻ bình thường như không để ý gì. Chỉ có khác nhau ở một người đã già ngoài sáu mươi tuổi, thân hình béo tốt, bệ vệ trong cái áo chùng đen, lủng lẳng chiếc thánh giá to tướng trước ngực. Một người vào khoảng năm mươi bốn, năm mươi lăm, đội khăn xếp, áo gấm, quần lụa. hài kinh, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Người khoác áo thầy tu là giám mục Ngô Đình Thục. Người mặc áo gấm, ăn trầu là cậu Cố trầu - đại diện chánh phủ Việt Nam cộng hoà tại Trung phần. Mặc dầu chung quanh hai người, bọn mật vụ, vệ sĩ đã đứng tận xa, nhưng câu chuyện giữa hai người vẫn rất nhỏ:

- Thưa Đức Cha, lão Tô-ma này người như thế nào?

Ngô Đình Thục mỉm cười nhìn em. Hắn biết em hắn có thể hiểu rất rõ Trung phần, nhất là thành phố Huế, nhưng nhãn quan em hắn cũng chỉ giới hạn ở đó thôi vì em hắn chưa hề xuất ngoại, ít tiếp xúc với những cơ quan, những nhân vật trọng yếu của nước ngoài. Vả lại, sự nghiệp của cậu em này trong gia đình hắn hoàn toàn là nhờ ở các ông anh như hắn, như Ngô Đình Diệm, như Ngô Đình Nhu. Cho nên, hắn thường bổ sung cho cái sự ít hiểu biết đó của Ngô Đình Cẩn. Tay vuốt thánh giá đeo trước ngực, Ngô Đình Thục nói bằng giọng tự hào:

- Ít người biết rõ lai lịch của Tô-ma. Nhưng lạy Chúa, chúng ta phải biết. Năm một nghìn chín trăm ba mươi chín, khi thế chiến thứ hai bùng nổ, Tô-ma hai mươi lăm tuổi. Tuy quốc tịch Hoa Kỳ, khai sinh ghi sinh ở bang Tếch-dát, nhưng ông ta lại làm việc cho Giét-ta-pô. Ông ta được Giét-ta-pô phái sang hoạt động ở Thuỵ Sĩ để tìm hiểu những hoạt động gián điệp của phe đồng minh. Ở Thuỵ Sĩ, dưới chiêu bài quốc tịch Hoa Kỳ, ông ta làm quen được với nhiều người Mỹ qua lại Thuỵ Sĩ.

Nhờ đó, ông ta cung cấp được khá nhiều tin tức cho Giét-ta-pô. Năm một nghìn chín trăm bốn mươi hai, khi ngài A-len Đa-lớt, Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ, đến Thuỵ Sĩ với nhiệm vụ đặc biệt của tổng thống Rô-dơ-ven uỷ thác là tìm cách bắt liên lạc với chánh phủ Đức quốc xã của Hít-le, thì ngài gặp Tô-ma. Tô-ma đã đứng ra làm môi giới cho ngài Đa-lớt gặp được đại diện của Hít-le. Nhờ cái công lớn đó, khi cuộc thế chiến kết thúc, ông ta được ngài Đa-lớt đón về Hoa Kỳ và trở thành người cộng sự đắc lực của ngài, ông ta đã ở ngoại giao đoàn Hoa Kỳ tại nhiều nước Nam Mỹ. Tháng bảy năm một nghìn chín trăm năm mươi tư, chỉ mấy giờ sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được kí kết, Đa-lớt đã cử ngay ông ta cấp tốc đến Sài Gòn công cán bí mật. Chính lần ấy, ông ta đến gặp tôi, mang theo thư riêng của chú Diệm...

Ngô Đình Cẩn nhả cái bã trầu ra khỏi miệng, cầm vụt ra đất, kệ phòng khách đã được lau sạch bóng. Ngô Đình Thục vẫn thủng thỉnh nói:

- Ông ta là người rất tín cẩn của ngài Đa-lớt, là cánh tay phải của ngài tổng thống Hoa Kỳ. Ông ta là một nhân vật quan trọng, tuy ít xuất đầu lộ diện. Ông Tô-ma, ông Phi-sin, ông Lên-sđên... là những nhân vật quan trọng. Tiếng nói của các ông ấy góp một phần quyết định vào chánh sách của chánh phủ Hoa Kỳ ở Việt Nam. Chúng ta không nên để thất ý họ.

- Thưa Đức Cha, chắc ông ta sẽ ra cùng với Trần Kim Tuyến?

Ngô Đình Thục gật đầu:

- Đúng như vậy!

Ngô Đình Cẩn cau mày:

- Nhưng em không ưa cái lão Tuyến này.

- Tôi cũng không ưa hắn. Nhưng dù sao hắn cũng là người chống Cộng sản quyết liệt. Chúng ta cần tập hợp những người như vậy. Người Hoa Kỳ tín nhiệm hắn lắm.

- Chính điều ấy làm em không chịu nổi. Không thể như thế được! Cái gì cũng phải qua chúng ta chứ. Còn hắn đối với Cộng sản thì em đã biết...

Một bộ mặt tròn, trán thấp, da bánh mật, đôi mắt sắc hơi xếch hiện ra trong óc Cẩn: bộ mặt của Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị và xã hội trung ương thuộc Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Trần Kim Tuyến. Cẩn cố xua đi cái ấn tượng khó chịu đối với bộ mặt bánh mật lạnh lùng ấy.

Tuyến là con Trần Kim Đắc, một tổng đốc khét tiếng trong việc đàn áp phong trào cách mạng ở các tỉnh Trung du Bắc Bộ, hàng trăm người ở những nơi Trần Kim Đắc làm quan đã bị tù đày, chém giết vì tội "có âm mưu chống lại nhà nước bảo hộ Đại Pháp". Vì vậy "nhà nước bảo hộ Đại Pháp" đã khen thưởng Đắc nhiều lần và ban đặc ân cho cậu ấm Trần Kim Tuyến vào học trường An-be Xa-rô, tiếp đó trường luật khoa Hà Nội để cậu nối nghiệp cho cha. Năm 1944, Tuyến tốt nghiệp cử nhân luật. Hắn đang chuẩn bị đi làm tri huyện thì nổ ra vụ Nhật đảo chánh Pháp tháng 3-1945, rồi tổng khởi nghĩa của Việt Minh. Cách mạng tháng Tám đã làm tan vỡ "giấc mộng vàng" của Tuyến. Cách mạng lại đòi bố Tuyến ra trước toà án nhân dân trả món nợ máu.

Quân đội Tưởng sang, Trần Kim Tuyến cho là thời cơ đã đến, nhảy vào Đại Việt quốc dân đảng, điên cuồng chống phá chính quyền nhân dân. Dựa vào bọn lính Tưởng, Tuyến gây ra nhiều vụ ám sát, tống tiền, bắt cóc cán bộ Việt Minh.

Tháng 7 năm 1946, khi vụ Ôn Như Hầu (50) bị khám phá, bọn đặc vụ Đốc sát bộ (51) của Tưởng vội vã đưa Tuyến sang Hồng Kông, giới thiệu Tuyến cho một cơ quan gián điệp Mỹ lấy tên là OSS (52). Ở đó, thỉnh thoảng Tuyến đến yết kiến Vĩnh Thuỵ (53).

Năm 1948, OSS đưa Tuyến sang học ở trường Mi-si-găng. Chính ở cái trường học dạy môn chính trị xã hội đó, năm 1950, Tuyến được tiếp xúc với một người Việt cũng do Mỹ đưa sang học sau Tuyến: Ngô Đình Diệm. Trần Kim Tuyến trở thành người thân cận của "cụ lớn" Diệm.

Tất cả những điều ấy Cẩn biết rõ. Nhưng một điều Cẩn không thể biết được là tại sao suốt từ năm 1950 đến nay, người Mỹ luôn để Trần Kim Tuyến gần gũi Ngô Đình Diệm... Cẩn chỉ cảm thấy hình như Tuyến được một sự tín nhiệm đặc biệt của người Mỹ.

Điều đó làm Cẩn khó chịu. Hắn muốn trên đất Việt Nam này, chỉ riêng anh em hắn giao thiệp với người Mỹ và người Mỹ cũng chỉ nên giao thiệp với riêng anh em hắn...

Tiếng động cơ máy bay rì rầm, trước nhỏ sau to dần. Kim đồng hồ trong phòng khách sân bay chỉ mười hai giờ hai mươi phút. Đám quân cảnh mũ sắt trắng và lũ mật thám mặc thường phục đầu trần hộ vệ anh em Cẩn nhớn nhác. Chúng nhìn chiếc Công-sten-la-xi-ông xuất hiện trên bầu trời, đôi cánh bạc phản chiếu ánh sáng đục như màu sữa loãng. Chiếc máy bay lượn một vòng trước khi hạ cánh. Anh em Ngô Đình Cẩn rời phòng khách, ra sân bay. Bọn vệ sĩ mặt la mày lét lùi lũi đi đằng sau.

Từ trên máy bay bước xuống hai người: một Mỹ, một Việt. Cả hai đều ở tuổi trên bốn mươi. Người Mỹ dong dỏng cao, tóc hung, đeo cặp kính mát to, mặc quần tếch-gan sẫm và sơ mi cộc tay mỏng in màu sặc sỡ những hình cây dừa, phụ nữ khoả thân. Trên cổ tay trái đầy lông đỏ hung hung của hắn nổi bật một cái lắc vàng choé. Người Việt thấp, dáng đi như đàn bà hiện ra trước mắt Ngô Đình Cẩn, "bộ mặt tầm thường, mắt sắc", trịnh trọng trong bộ quần áo bằng vải sát-kin trắng. Anh em Ngô Đình Cẩn bước vội ra đón.

- Chào Đức Cha, chào ngài đại diện...

Gã người Mỹ nói tiếng Việt sõi. Trần Kim Tuyến hơi nhếch miệng.

Ngô Đình Thục tươi cười:

- Chào ngài trung tá, chào ngài giám đốc.

Ngô Đình Cẩn đưa cả hai tay đỡ lấy tay Tô-ma.

Bốn gã bước vào phòng khách sân bay. Tô-ma hỏi nhỏ Cẩn:

- Ngoài hai ngài ra, có ai biết chúng tôi ra đây không?

- Dạ, chúng tôi hoàn toàn giữ bí mật về hành trình của hai ngài.

Tô-ma gật đầu bằng lòng:

- Tốt lắm!

Lũ vệ sĩ vẫn lủi thủi theo sau, nhưng ở khoảng cách dăm mét. Lúc đó, có một người quân cảnh, khi bốn gã mải nói chuyện không để ý, đưa nhanh tay lên một cái khuy áo trước ngực.

Ngoài cửa phòng khách sân bay, một dãy xe hơi bóng lộn đứng đợi sẵn. Bọn hộ vệ rảo bước mở cửa xe và đứng nghiêm bên cạnh. Tô-ma và Thục ngồi chung một xe. Tuyến và Cẩn như một đôi tình nhân gượng gạo bước lên một xe khác. Bọn vệ sĩ cúi đầu đóng sập cửa xe lại và leo vội lên những xe sau.

Chiếc xe gíp quân cảnh rít còi đi trước mở đường. Đoàn xe hơn chục chiếc vừa Ca-đi-lắc, vừa Méc-xê-đét chạy nối đuôi nhau lên đường. Cuối cùng là một chiếc xe quân cảnh.

Đoàn xe đi vào thành phố Huế, qua cầu An Cựu, đường Lê Thái Tổ, đến "toà đại diện chánh phủ Trung phần" ngất nghểu trên đường Hàm Nghi - một ngôi nhà xây theo lối cổ - ánh sáng bên ngoài dường như không lọt được vào, đầy lính gác và bọn mật vụ mặc thường phục đi vơ vẩn chung quanh.

Ngay sáng hôm sau. tại phòng tiếp khách riêng lộng lẫy của Ngô Đình Cẩn, bốn nhân vật quan trọng đó gặp nhau. Họ ngồi mỗi người một kiểu trên những chiếc ghế bành đệm nhung, quanh một cái bàn gỗ lúp chạm khắc cầu kì. Trên bàn, một chai rượu uýt-xki, bốn cái cốc đang uống dở. Câu chuyện cũng đang dở dang.

Tô-ma chủ trì cuộc họp. Hắn có vẻ giận dữ, khó chịu nói với Ngô Đình Cẩn:

- Chúng tôi rất không bằng lòng vì tình hình an ninh của địa phương ngài cai trị, ngài đại diện ạ.

Ngô Đình Cẩn làm bộ ngạc nhiên:

- Xỉn lỗi, tôi không hiểu ngài định nói gì, thưa ngài trung tá.

Cặp mắt mèo của Tô-ma xoi mói Ngô Đình Cẩn:

- Chúng tôi vừa đến đây đã được tin có những vụ ám sát xảy

ra, ở ngay thành phố Huế này...

Tô-ma ngừng lại. Trấn Kim Tuyến lạnh lùng chêm vào:

- Ý trung tá Tô-ma muốn nói đến cái chết của ông Phạm Xuân Phòng vừa rồi.

Mặt Cẩn thản nhiên:

- À... thưa hai ngài, tôi đã cho điều tra ngay rồi... Theo những tài liệu chúng tôi nắm được thì ông ta bị Việt Cộng giết... Chúng tôi đang tiếp tục truy lùng thủ phạm để tìm hiểu tại sao chúng giết ông ta.

Đến lượt Tô-ma ngạc nhiên:

- Bọn Việt Cộng giết? Thế thì lạ thật! Chúng nó giết người ngay trước mũi ông. Trong khi báo cáo gởi về, ông vẫn tự hào về sự tổ chức bộ máy an ninh của mình, về màng lưới nhân viên mật vụ của mình, về tình hình Trung phần.

Trần Kim Tuyến nhếch miệng một nụ cười bí hiểm. Tô-ma đổi giọng:

- Ý kiến của chúng tôi, xin lỗi các ngài nếu các ngài có phật ý, là công việc của các ngài tiến hành không tốt, nếu tôi không muốn nói là quá tồi! Ngô tổng thống có chuyển đến ngài cố vấn Lên-sđên bản tường trình đặc biệt về tình hình Trung phần của ngài đại diện đây (hắn giơ tay về phía Ngô Đình Cẩn). Chúng tôi đã nghiên cứu kĩ bản tường trình mật đó. Tôi được truyền đạt ý kiến của đại tá Lên-sđên như sau...

Hắn ngừng lại nhìn Ngô Đình Cẩn làm Cẩn lúng túng, rồi chậm rãi:

- Đại tá Lên-sđên nói rằng có lẽ ngài thủ lãnh ở Trung phần hoặc là quá lạc quan, hoặc là không nắm vững tình hình nên mới viết bản tường trình đó.

Giám mục Ngô Đình Thục, mặt đỏ bừng, mắt mở to, nhìn chòng chọc vào Tô-ma, nhìn từ cặp mắt xanh biếc như mắt mèo, cái mũi lõ của hắn đến những hình phụ nữ trần truồng uốn éo trên áo hắn mặc, ngập ngừng muốn nói điều gì, nhưng sau lại thôi. Trái hẳn với anh, Ngô Đình Cẩn mặt đã trắng bệch lại càng trắng bệch hơn, bực tức ngồi lặng đi. Trần Kim Tuyến mân mê chiếc cốc pha lê, mắt không bỏ sót một cử chỉ nào của hai anh em họ Ngô.

Giọng Tô-ma vẫn vừa khó chịu. vừa trịch thượng:

- Có lẽ các ngài quên rằng: ở khắp nơi trên đất này đều có người của chúng tôi. Những nguồn tin riêng nhưng rất đáng tin của ngài Lên-sđên cho biết tình hình năm 1959 ở Trung phần không còn thuần thục như trước. Nhiều chỗ chúng ta không đặt chân tới được và đã biến thành căn cứ của Việt Cộng. Bọn người Thượng nhiều vùng đã đi theo Việt Cộng chống lại chúng ta. Việc dồn dân lập ấp chiến lược gặp nhiều khó khăn chưa thực hiện nổi một phần ba kế hoạch dự kiến. Bọn Việt Cộng ma quái đã chui được vào trại dinh điền phá từ trong phá ra. Miền đồng bằng không còn là nơi thái bình nữa. Ở các thành phố. tình hình cũng đáng lo ngại.

Báo chí đã dùng những danh từ "ngoại kiều", "ngoại bang", "Mẽo"... trong những bài đả kích người Hoa Kỳ. Ở các trường học, nhất là các trường đại học, như các ngài rõ, bọn giáo sư công khai kêu gọi sinh viên và học sinh "chống sự xâm lược của ngoại bang"... Tình hình thực tế là như thế. Người Mỹ chúng tôi đã mất vào đấy hàng tỉ đô la rồi mà Việt Cộng vẫn không bị tiêu diệt, vẫn ngày một mạnh lên và đã bắt đầu hoạt động mạnh. Thế mà chúng tôi đã mất vào đấy, đã mất cho các ngài, hàng tỉ đô la rồi!...

Câu sau, Tô-ma dằn từng tiếng một với giọng đay nghiến. Hắn đứng lên. vừa đi lại trong phòng vừa nói tiếp:

- Các ngài có thể cho là đại tá Lên-sđên không sát tình hình Trung phần bằng các ngài. Các ngài có thể nói người Hoa Kỳ chúng tôi là thổi phồng sự việc! Các ngài có thể nghi ngờ thiện chí của CIA. Tuỳ các ngài! Nhưng tôi vẫn xin phép nhắc lại để các ngài rõ: Đối tượng của chúng ta đã chuyển mình rồi, đã bắt đầu công khai tấn công chúng ta vế mọi mặt. Trong dinh thự, lâu đài, các ngài có biết Việt Cộng đã bắt đầu hành động chưa? Hay các ngài biết nhưng không dám nói ra vì sợ ảnh hưởng đến uy tín? Đến viện trợ? Không! Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, dù đó là một sự thật đáng buồn. Đại tá Lên-sđên muốn nhờ tôi thông báo với các ngài sự không hài lòng và lo ngại của ngài. Những tin tức gần đây đã cho ta thấy rõ tình hình đã đến một bước ngoặt. Gió đã xoay chiều rồi! Nếu chúng ta không kịp thời đối phó thì chiều gió ngược sẽ thổi bay chúng ta ra biển Đông và mảnh đất này chắc chắn sẽ rơi vào tay Việt Cộng. Lúc bấy giờ, kế hoạch "Bắc tiến" của các ngài sẽ bị tan vỡ, chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ sẽ bị đứt một mắt xích. Nếu chúng ta không hành động gấp thì tôi tin rằng ngài Đa-lớt sẽ không để cho các ngài và cũng không để cho chúng tôi yên ổn đâu!

Không khí trở nên nặng nề. Máy điều hoà nhiệt độ trong phòng chỉ 20 độ C, nhưng anh em họ Ngô thấy rôm đốt khắp người. Mặt Cẩn càng trắng bệch hơn. Những lời của Tô-ma gây cho hắn nhiều phản ứng nhưng hắn không dám công khai chống lại. Tô-ma đến bàn, rót rượu, nốc cạn liền hai cốc uýt-xki rồi nghiêng mình về phía Cẩn trịnh trọng:

- Vì vậy, thừa lệnh đại tá Lên-sđên và Ngô tổng thống, tôi và ngài giám đốc Sở nghiên cứu chánh trị và xã hội trung ương ra đây. Hôm qua, tôi đã chuyển giao cho ngài bản kế hoạch "Gió đã xoay chiều" - bản kế hoạch đó đã được chi nhánh Đông Nam Á thuộc Cục Tình báo trung ương của chúng tôi thông qua để ngài nghiên cứu. Nó là một bộ phận và là bước phát triển trong tình hình mới của bản kế hoạch "4 điểm" mà Ngô tổng thống đã vạch ra từ những ngày đầu tiên ngài nắm chánh quyền. Hôm nay, chúng tôi mong ngài cho biết ý kiến để chúng ta cùng cộng tác với nhau tiến hành.

Cẩn nín thở. Hắn hết bực tức với Tô-ma khi nghĩ đến số tiền "viện trợ" to lớn có thể nhận được để xúc tiến kế hoạch này. Hắn nói:

- Chúng tôi đã nghiên cứu kĩ và hoàn toàn tán thành bản kế hoạch "Gió đã xoay chiều" của các ngài. Mục đích của bản kế hoạch đó hoàn toàn phù hợp với mục đích chúng tôi đã theo đuổi từ trước đến nay: phải bình định hoàn toàn miền Nam này để chuẩn bị "Bắc tiến". Chúng tôi rất khâm phục các ngài đã vạch ra những biện pháp chu đáo, tỉ mỉ, cụ thể. Ở thành phố cũng như ở vùng thôn quê, thậm chí ở cả các căn cứ của Việt Cộng, chúng ta phải cho từng người lọt vào các tổ chức của chúng để nắm tình hình và phá từ trong ra. Đồng thời, chúng ta sẽ tiến hành những cuộc càn quét công khai của quân đội quốc gia kết hợp với những đột kích bí mật chớp nhoáng của lực lượng đặc biệt để tiêu diệt các hang ổ và các đơn vị võ trang Việt Cộng mới hình thành. Chúng ta còn phải chuẩn bị người để tung ra miền Bắc phá hoại, không để bọn Cộng sản miền Bắc yên ổn thì chúng ta mới có thể bình định được miền Nam này...

Giám mục Ngô Đình Thục ngồi thẳng người, chiếc thánh giá lồ lộ trước ngực, lim dim mắt ra chiều suy nghĩ, thỉnh thoảng gật đầu tán thành những ý kiến của em. Tô-ma nốc cạn thêm một cốc rượu nữa, cũng gật đầu, khen Cẩn:

- Đúng! Đúng như vậy! Chúng ta phải làm gió thổi ngược lại quét tất cả bọn Cộng sản, bọn nào chống đối lại chúng ta, bọn nào hay kêu gọi hiệp thương, tổng tuyển cử, không công nhận ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên đất này. Những kẻ đó sẽ bị giết hoặc là sẽ vào trại giam... Phải có kế hoạch phá chúng tận gốc.

Ngô Đình Cẩn càng say sưa khi thấy Tô-ma khen:

- Phá Việt Cộng tận gốc! Đó là quốc sách của chúng tôi. Ngô tổng thống đã ban hành sắc luật 10/59 và thiết lập "Toà án quân sự đặc biệt". Chúng tôi đã thẳng tay tiễu trừ Cộng sản và các giáo phái đối lập - điều này chắc chắn các ngài cũng đã thấy - nhưng vẫn chưa đủ. Gia huynh tôi, cố vấn chánh trị của Ngô tổng thống (54), chẳng đã nói: "Phải đạp lên căm hờn của quần chúng mà tiến lên". Đối với bọn Cộng sản, chúng tôi không bao giờ chùn tay. Chúng tôi hoan nghênh và biết ơn sự giúp đỡ tận tình của các ngài. Chúng tôi sẽ thực thi kế hoạch "Gió đã xoay chiều".

Hắn ngừng lại một chút, nhìn Tô-ma như để thăm dò thái độ rồi hạ thấp giọng:

- Miễn là Hoa Kỳ giúp cho chúng tôi đầy đủ... phương tiện.

Tô-ma đưa mắt cho Trần Kim Tuyến. Tuyến hơi nhếch miệng. Như tượng đá, hắn cười, chậm rãi:

- Theo đề nghị của cơ quan viện trợ kinh tế Hoa Kỳ thoả thuận trích ra năm triệu đô la cho chúng ta xúc tiến kế hoạch này.

Nét mặt Ngô Đình Cẩn tươi lên, trong khi Tô-ma thấy cần phải thêm vào lời của Trần Kim Tuyến.

- Người Hoa Kỳ chúng tôi chỉ yêu cầu các ngài dùng món tiền đó hoàn toàn vào công cuộc bình định cho hữu hiệu.

Giám mục Thục cười gượng, nhắc Tô-ma một câu ý nhị:

- Ngài Tô-ma ạ, trong thánh kinh, đức tông đồ Tô-ma biểu hiện cho lòng hoài nghi, thiếu đức tin!

Tô-ma không chút tự ái:

- Xin lỗi đức giám mục. đó là nghề nghiệp của chúng tôi.

Ngô Đình Cẩn tảng lờ như không biết gì, nói:

- Chúng tôi còn một điều băn khoăn nữa muốn trình bày với các ngài: chúng tôi cần một số người giúp việc có năng lực, tin được.

Trần Kim Tuyến đặt chiếc cốc pha-lê đang xoay ở trên tay xuống, ngồi thẳng người, đáp:

- Ngô tổng thống cũng đã lo lắng đến điều đó. Tổng thống sẽ cử ra đây một người tổng thống hết sức ưu ái, một người đã từng góp sức với tổng thống trong những ngày người còn bôn ba ở hải ngoại, một người đã được thử thách với chúng ta, có đầy đủ năng lực, một người mà các ngài chắc đã nghe tên... người đó là Phan Thúc Định.

Chương 20

Lãnh chúa miền Trung

Những người con trai trong, ngoài hai mươi tuổi mắt long lanh sáng, khí thế hăm hở tưởng chừng có thể đạp bằng mọi trở ngại. Những người con gái vẫn duyên dáng, thướt tha trong những chiếc áo dài trắng, nhưng toát lên vẻ nghiêm trang cương quyết. Họ cầm những biểu ngữ nổi bật hàng chữ:

"Đả đảo sự can thiệp của ngoại bang vào tình hình quốc nội Việt Nam"

"Độc lập trên hết"

"Bảo đảm quyền tự do dân chủ".

Trên khán đài, đằng sau bàn thờ Tổ quốc có đỉnh trầm hương nghi ngút, chạy dài một hàng chữ khác: "Sinh viên, học sinh Việt Nam đấu tranh vì quyền lợi của Tổ quốc".

Giảng đường C của Viện đại học Huế đông dần. Sinh viên, học sinh của bốn trường đại học trong thành phố (55) kéo đến mỗi lúc mỗi đông. Những người hiếu kì và những người nhiệt tình không ở đoàn thể nào, cũng có mặt. Tất nhiên trà trộn vào đó, không phải là ít những tên mật vụ mà ngay chúng cũng không biết mặt nhau, nhiều khi lại còn dò xét lẫn nhau. Những lởi chào hỏi vui vẻ, những tiếng cười sảng khoái, những lời hứa đanh thép, những cuộc hội ý chớp nhoáng, những cái nhìn thông cảm... Có cả những cái nhìn nhớn nhác. những lời thì thầm, những cái tai vểnh lên nghe ngóng, những bộ mặt luôn luôn hích lên đánh hơi...

Hoạt động nhất là các nhà báo. Những nhà báo nước ngoài, quần áo mỗi người một vẻ, râu tóc mỗi người một kiểu, có người đeo hai, ba chiếc máy ảnh bấm lia lịa, có người đeo máy ghi âm, có người luôn tay lia máy quay phim. Những nhà báo trong nước hỏi người này, phỏng vấn người kia, ghi ghi chép chép. Mấy vị giáo sư đại học đứng trầm mặc suy nghĩ.

Phan Thúc Định đứng lẫn trong đám người hiếu kì. Nhìn những gương mặt trẻ đầy nhiệt tình, hăm hở, anh thấy trìu mến, yêu thương vô hạn. Anh chợt nhớ tới buổi nói chuyện với Ngô Đình Cẩn hôm trước.

Trở lại đất Huế lần này, anh có xe hơi riêng của Ngô Đình Cẩn ra đón, có mấy công chức cao cấp của toà đại diện phủ tổng thống ở Trung phần xúng xính comlê đứng đợi ở sân bay, có quân cảnh bảo vệ. Qua khung cửa xe, anh nhìn thấy Huế đã có nhiều thay đổi. Sân bay Phú Bài mở rộng. Máy bay lên thẳng nằm một dãy như những con chuồn chuồn khổng lồ. Quần áo rằn ri đi lại. Những kiện hàng quân sự xếp từng đống. Đồn lính, trại lính rải khắp nơi. Chỗ nào cũng dây thép gai, cũng lô cốt, cũng những bộ quần áo lính đủ sắc phục, đủ kiểu mũ nhốn nháo. Xen vào đó là những bãi pháo nhô ra những nòng thép đen trũi.

Nội thành hiện ra trước mắt anh: mất đi nhiều vẻ thơ mộng cổ kính. Nhiều ngôi nhà mái bằng mới mọc lên. Những ngôi nhà nhiều tầng hiện đại đứng như lạc lõng nhìn sang lầu đài, cung điện rêu phong bên kia bờ sông Hương. Trên dòng sông Hương không phải chỉ có những con đò trôi lờ đờ như trôi trong một giọng hò Huế kéo dài, mà có cả những chiếc giang thuyền của "hải quân cộng hoà" xé nước đi lại. Trên giang thuyền lại thấy lính, thấy súng. Phố xá nội thành, xe nhà binh chạy rầm rập. Xe cố vấn Mỹ, xe lính cộng hoà nườm nượp.

Những chiếc xe GMC mười bánh lù lù như những con voi. Những chiếc xe gíp ló ra những ống quần kaki, giày đen của bọn sĩ quan ghếch lên thành xe. Những chiếc Méc-xê-đét, Buých, Ca-đi-lắc... bóng lộn mới xuất hiện. Cửa hàng bán xa xỉ phẩm, cửa hàng bán rượu, giải khát, tiệm nhảy, cửa hàng bán lon mũ cho lính tráng với những tên lai căng nửa Âu, nửa Á nhan nhản. Những hàng chữ Anh xen lẫn với những hàng chữ Việt. Bóng những chiếc áo dài màu tím Huế cổ truyền vắng đi. Thay vào đó là những chiếc áo dài ni-lông với đủ màu, hoa sặc sỡ, những chiếc quần phăng, áo sơmi cụt tay hở cổ. Một rạp chiếu bóng với tấm biển quảng cáo khổng lồ vẽ một người phụ nữ trần nửa hình, tóc xoã man rợ, đôi mắt rừng rực vẻ dâm đãng, đang nháy một bên mắt khiêu khích khách qua đường. Dưới hình người đàn bà là hình mấy gã đàn ông đội mũ to vành đang chĩa súng ngắn vào nhau với những hàng chữ rẻ tiền. "Đại xuất phẩm tô màu. Li kì, rùng rợn, hấp dẫn từ đầu đến cuối". Mấy đứa trẻ đứng giương mắt nhìn. Trẻ em đi lang thang rất nhiều trên phố xá. Nhưng nhiều nhất vẫn là lính tráng: lính dù, lính biệt kích, lính thuỷ đánh bộ, lính thiết giáp, lính thuộc lực lượng đặc biệt...

Phan Thúc Định u hoài như mất mát một cái gì, như tâm trạng một người luyến tiếc một cái gì thơ mộng, êm đềm đã đi qua mà không bao giờ trở lại.

Ngô Đình Cẩn tiếp Định ngay buổi chiều hôm đó. Vừa nhai trầu bỏm bẻm, vừa nhìn Định một cách xoi mói, tên lãnh chúa Trung phần nói thủng thẳng:

- Tôi rất sung sướng được tổng thống cử ông ra đây giúp tôi. Nhưng có điều tôi phải nói trước với ông là tình hình miền Trung này khác với tình hình trong đó đôi chút.

Định biết hắn muốn vừa phủ đầu, vừa thăm dò anh. Trước khi ra làm việc với hắn. anh đã hỏi kĩ nhiều người về hắn. Hắn vốn đa nghi xảo quyệt và độc đoán, tàn bạo. Hắn nghi kị cả những người thân cận nhất của hắn, nghi kị cả những người của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu cử ra. Hắn không muốn ai biết được những việc hắn đã làm và đang làm. Cái nghi kị, độc đoán tàn bạo của hắn là cái nghi kị, độc đoán của của một tên vua phong kiến thời trung cổ.

Định ngồi im nghe với một vẻ hết sức tôn trọng lời hắn. Thấy thái độ lịch thiệp và lễ độ của anh, vẻ xoi mói của hắn bớt dần.

Hắn nhả miếng trầu ra khỏi miệng, nói lải nhải về "uy tín"của hắn đối với đồng bào miền Trung, về tài năng lãnh đạo của hắn đã tổ chức một bộ máy chánh quyền ở đây tuyệt đối trung thành với Ngô tổng thống như thế nào... Hắn hỏi thăm Ngô Đình Diệm, vợ chồng Ngô Đình Nhu, hỏi thăm tình hình làm việc với người Mỹ ở phủ tổng thống. Hắn hỏi đến gia đình, bản thân Phan Thúc Định.

Biết Định sinh ra ở một gia đình có thù với cách mạng và cũng sống độc thân như hắn thì hắn thích chí, cười ha hả:

- Thế thì tôi với ông cùng làm việc được. Ngô tổng thống thật là sáng suốt khi cử ông ra giúp việc cho tôi.

Hắn nói với Định về kế hoạch "Gió đã xoay chiều". Kế hoạch này, trước khi rời Sài Gòn ra Huế, Phan Thúc Định đã được nghe Lên-sđên trình bày tỉ mỉ trong một cuộc họp giữa anh em họ Ngô với bọn CIA. Sở dĩ cuộc họp hôm ấy có mặt Định là vì chúng đã quyết định cử anh ra giúp Ngô Đình Cẩn thực hiện kế hoạch đó ở Trung phần. Bây giờ, nghe Cẩn trình bày lại, anh chỉ thấy có điều khác là hắn tự nhận toàn bộ bản kế hoạch là do hắn mất bao công suy nghĩ, soạn thảo ra, đệ lên tổng thống thông qua.

- Tổng thống đã ban khen và dạy phải thực hiện cho bằng được - Ngô Đình Cẩn nói - lại cử ông ra đây giúp việc tôi. Trong bản kế hoạch, tôi đã nói rõ, bọn Cộng sản chủ trương đánh chúng ta từ ba khu vực: vùng rừng núi chúng kiểm soát, vùng đồng bằng và vùng nội thành. Tương kế, tựu kế, chúng ta cũng phải đánh lại chúng trên cả ba mặt trận do chúng đề ra ấy! Chuyến này là một cuộc đọ sức quyết định đấy!

Phan Thúc Định lễ độ:

- Chắc cụ lớn đã có chương trình hành động cụ thể.

Hắn cười tự đắc:

- Gậy ông đập lưng ông mà! Điều đó ông chưa cần biết vội. Tôi đã bố trí lực lượng đầy đủ trên cả ba mặt trận ấy rồi! Bọn Cộng sản sẽ bị những đòn thật bất ngờ đối với chúng và khi chúng biết ra thì tất cả tổ chức của chúng đã tan vỡ hoàn toàn. Hà... hà... Ở ba mặt trận ấy thì vùng nội thành này, chúng ta phải chú ý đến bọn công nhân và bọn thanh niên học sinh. Tôi cho rằng chẳng nên mở trường đại học làm gì. Bọn thanh niên bây giờ có tí học thức nào là nói lí thuyết nọ, lí thuyết kia, không coi người lớn ra gì cả, trên không ra trên, dưới không ra dưới. Chúng nó học hết bậc trung học là cho chúng nó vào hết các quân trường. Ông thấy có phải không? Quân lực cộng hoà vừa thêm người, mà chúng ta cũng đỡ lo chúng nó chống đối, đỡ hậu hoạn.

Thấy hắn nói lan man, Phan Thúc Định muốn gợi ý hắn trở lại vấn đề một cách khéo léo:

- Cụ lớn có thề cho tôi biết bổn phận tôi phải làm gì để khỏi phụ lòng uỷ thác của tổng thống?

Ngô Đình Cẩn trở lại ngay cái xảo quyệt, khôn ngoan của hắn:

- Ông mới ra đây, ông hãy nghỉ ngơi mấy hôm, tìm hiểu tình hình đã. Ông đã làm cố vấn của tổng thống thì ông lại làm cố vấn cho tôi. Khi nào có việc gì cần đến ông, tôi xin hỏi ông, ông góp ý kiến cho tôi! Ông hãy nghỉ ngơi đã...

"Hắn vẫn giữ thói nghi kị và độc đoán!" Định nghĩ thầm. Anh không hỏi gì thêm nữa, chỉ đề nghị hắn cho một chiếc xe riêng không cần tài xế, không cần vệ sĩ "để tôi có thể dễ dàng trực tiếp tìm hiểu tình hình mọi mặt, để có thể giúp cụ lớn được nhiều việc và hữu hiệu, như tôi đã làm khi có vinh dự được ở bên tổng thống" - Định nói với hắn như vậy.

- Điều đó thì ông cứ tự nhiên.

Cẩn trả lời anh và nhìn anh tinh quái. Hắn nghĩ đến lời đồn đại về tính hay la cà các tiệm nhảy, quán trà của anh. Hắn cười ha hả nói tiếp: "Người độc thân nào cũng ưa tự do mà!".

*

* *

Hôm nay, đứng nhìn các thanh niên sinh viên, học sinh ở sân trường đại học này, anh nhó đến lời Ngô Đình Cẩn: "... Vùng nội thành này, chúng ta phải chú ý đến bọn công nhân và bọn thanh niên học sinh...". Anh nghĩ thầm: "Đây chính là một mối lo của Ngô Đình Cẩn. Cũng chính là một trong những mục tiêu mà kế hoạch "Gió đã xoay chiều" chĩa vào. Hắn nói đã bố trí lực lượng rồi. Lực lượng nào?...".

- Anh Định!

Một tràng gọi như tiếng reo vui đột ngột làm anh giật mình quay lại. Vẫn mái tóc kiều diễm, vẫn cặp mắt có hàng mi dài u ẩn, vẫn đôi môi gọn nhỏ hơi kênh kiệu ấy: Vân Anh. Định cố trấn tĩnh một nỗi bồi hồi thoáng ngợp tâm hồn anh.

Vân Anh gọn gàng trong chiếc quần âu thẫm, áo sơ mi cộc để lộ đôi cánh tay trắng ngần, cầm một quyển sổ tay, đeo bên mình một chiếc máy ảnh Rô-lây-phlếch mở sẵn ống kính, đi cùng một thiếu nữ kém cô độ dăm tuổi, dịu dàng trong chiếc áo dài màu ngọc thạch, cầm chiếc sắc tay màu trắng.

- Chào Vân Anh.

Vân Anh đưa người bạn gái đến trước mặt Phan Thúc Định, giới thiệu hai người với nhau:

- Xin giới thiệu: đây là Phan Thúc Định, tiến sĩ luật, bạn học với mình từ hồi ở Pháp... và đây là Tố Loan, giáo sư trường trung học Kim Long, người bạn gái thân của em ở Huế này.

Hai người khẽ gật đầu chào nhau. Định quay sang hỏi Vân Anh:

- Còn em? Em chưa giới thiệu cho anh biết hiện nay em làm gì? Ở đâu?

Vân Anh cười:

- Xin lỗi anh, em quên. Hiện nay em là phóng viên cho báo "Diễn đàn".

- À, thành phóng viên báo chí rồi! Em thấy nghề viết báo thế nào?

- Em thấy thích hợp với em, vì đó là một nghề tự do, được đi lại, tiếp xúc nhiều.

- Anh tin với trình độ học lực của em, với sự thông minh, hiểu biết của em, em sẽ là một cây bút sắc sảo.

Vân Anh nhún vai:

- Anh quá khen! Thế mà nhiều khi em không hiểu nổi cả anh nữa đấy!

Định phá ra cười, quay sang phía Tố Loan:

- Xin lỗi cô, chúng tôi lâu mới gặp nhau, chuyện vui đấy thôi. Cô đừng nghe Vân Anh kẻo lại cho tôi là người khó hiểu.

Tố Loan nhìn Định, đáp:

- Anh đừng ngại. Tuy chúng tôi là bạn của nhau nhưng tôi cũng có những nhận xét, suy nghĩ riêng của tôi chớ!

Vân Anh vẫn chưa lùi:

- Thí dụ như hôm đi với anh ở Sài Gòn gặp sự bất ngờ ấy. Em lo cho anh quá. Đến lúc em tìm cách quay trở lại được thì đã không thấy anh đâu. Em chẳng hiểu việc ấy xảy ra ra sao nữa. Chẳng hiểu anh làm thế nào lại thoát được?

Phan Thúc Định nhìn thẳng vào cặp mắt hóm hỉnh của Vân Anh:

- Cô nhà báo, cô phỏng vấn không đúng lúc rồi! Có cả cô bạn mới đây mà chúng ta cứ nói chuyện riêng với nhau thì chẳng lịch sự chút nào, phải không Tố Loan?

Tố Loan định quay gót:

- Anh cứ tự nhiên. Xin lỗi cả hai người, tôi cũng có việc phải ra gặp mấy người quen!

Vân Anh nắm tay Tố Loan:

- Không! Loan cứ ở đây. Như anh Định nói, mình và anh Định lâu mới gặp nhau, nói chuyện vui đấy thôi chứ không có chuyện gì quan trọng đâu.

Định cũng giữ Tố Loan lại:

- Lần đầu mới gặp nhau, tôi chưa được hân hạnh nói chuyện với cô.

Giữa lúc ấy, tiếng vỗ tay nổi lên rầm rập. Giảng đường C đã đông nghịt. Mọi người đều nhìn về phía khán đài. Trên khán đài, xuất hiện trước mi-crô một thanh niên béo mập, mặt tròn, da trắng. Anh thanh niên đề nghị mọi người cùng hát bài "Lên đàng" để mở đầu cuộc mít tinh. Tiếng hát vang động, giục giã, như sóng dâng, như bão nổi. Tiếng hát làm cho những người có mặt sát gần nhau hơn, như hoà thành một khối vững chắc. Tiếng hát bay lên như phá tan tất cả những ngột ngạt vẫn đè nặng lên lồng ngực, trái tim mọi người.

"Nào anh em tay cùng nhau xông pha lên đàng

Dưới trời tươi sáng

Ta nguyện đồng lòng, điểm tô non sông, từ nay ra sức anh tài

Đoàn ta chen vai nề chi chông gai lên đàng..."

... Bài hát đã hết, nhưng dư âm vẫn như còn vang mãi trên không trung, đọng mãi trong tâm hồn mọi người.

Người thanh niên béo mập, trắng trẻo bắt đầu nói. Anh ta nói về lịch sử vẻ vang của dàn tộc, nói về tinh thần bất khuất, quật cường của cha ông, nói về sức mạnh và trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước. Anh ta nói say sưa, hùng hổ, hấp dẫn... Từng lời, từng lời như bốc lửa. Tiếng vỗ tay rào rào luôn luôn ngắt lời diễn giả. Tất cả những cặp mắt hướng về diễn giả khâm phục, trìu mến.

Phan Thúc Định hỏi khẽ Vân Anh:

- Diễn giả nói hay quá! Ai vậy?

- Anh không biết ư? - Vân Anh đáp - một trong những người lãnh đạo phong trào sinh viên, học sinh ở Huế: Lý Ngọc Tú, sinh viên khoa văn.

Tố Loan thêm vào:

- Anh ta được các bạn sinh viên, học sinh rất yêu mến. Diễn giả đang nói tiếp về sự can thiệp của ngoại bang vi phạm đến chủ quyền đất nước, hô hào mọi người, trước hết là thanh niên trí thức, sinh viên, học sinh, phải giữ lấy truyền thống của dân tộc.

Diễn giả dứt lời. Tiếng vỗ tay kéo dài mãi.

Phan Thúc Định rút thuốc lá ra châm hút. Anh thoáng thấy nét mặt Tố Loan đanh lại, trong khi đó Vân Anh đưa máy ảnh lên bấm.

Ngoài cửa giảng đường, tiếng phanh xe ô tô rít lên. Một lũ quân cảnh nhốn nháo nhảy xuống, chạy sầm sập vào sân trường.

*

* *

Theo đề nghị của Định, Ngô Đình Cẩn đồng ý xếp cho anh ở một biệt thự riêng ở ngoài toà đại diện và sử dụng riêng một chiếc xe hơi Méc-xê-đét. Anh không thể từ chối được hai nhân viên do Cẩn cử đến để hầu hạ anh: một người vừa giúp việc vừa là vệ sĩ.

Khi đến biệt thự, anh cho hai người này ở hai gian nhà dưới, rồi chắp tay sau lưng đi thăm từng gian buồng trong biệt thự. Các gian buồng đều bố trí đầy đủ tiện nghi: giường, ghế, bàn kiểu mới, có đài thu thanh, có máy điều hoà nhiệt độ. Với dáng điệu bên ngoài tưởng như bình thản, anh chăm chú nhìn từ cách bố trí đồ đạc đến cách trang hoàng các buồng, từ cách mắc điện đến các khe cửa.

Buổi sáng, khoảng 9 giờ, Đỉnh mới vào gặp Ngô Đình Cẩn vì hắn bao giờ cũng dậy muộn, dềnh dàng đến giờ đó mới làm việc.

Sáng nay, trước khi vào gặp Ngô Đình Cẩn, anh lững thững đi ra phố. Anh có thói quen như vậy từ ngày vế Huế. Đi bộ một lúc buổi sáng đối với anh làm cho tâm hồn thư thái, giữ được sự điều hoà sức khoẻ. Những giờ phút ấy làm anh thấy thân thiết, yêu thương biết bao nhiêu thành phố Huế của anh. Từng vòm cây, từng góc phố, từng ngõ đường hiện ra trong bầu không khí còn giữ được ít nhiều vẻ trầm mặc của quê hương. Gió ban mai từ phía sông Hương toả ra mát lạnh. Anh cảm thấy trong những giây phút này, tâm hồn anh sảng khoái và những khuôn mặt gặp gỡ vào những buổi sáng như hôm nay cũng tươi tỉnh hơn mọi thời gian khác: khuôn mặt những phụ nữ đi chợ sớm, những người thợ đi làm, những công chức đi đến sở, họ chưa bị hao mòn thêm sức lực của một ngày sống cực nhọc, vất vả cày lên mặt những đường nhăn, phủ lên khoé mắt những u buồn.

Anh lững thững dạo bước trên đường Trần Hưng Đạo, lúc ấy còn thưa thớt người. Nhiều cửa hàng còn đóng. Anh đi ngược lên, qua một hiệu ảnh một khách sạn, rẽ vào cửa hàng sách báo mà mấy năm trước anh hỏi mua tiểu thuyết để mua một tờ báo hàng ngày.

Cầm tờ báo trên tay, anh ra vườn hoa Nguyễn Hoàng, ung dung ngồi trên ghế đá nhìn ra dòng sông Hương. Liếc mắt chung quanh thấy không có ai, anh rút nhanh một mảnh giấy con đặt sẵn trong tờ báo từ trước, kín đáo cho vào túi áo. Anh mở tờ báo ra đọc tin tức.

Đọc xong tin tức trên tờ báo, anh lững thững trở về. Vào phòng riêng của mình, anh mở mảnh giấy ra đọc. Mảnh giấy có mấy hàng chữ:

"Kính ông,

Số tiền báo ông còn thiếu của bản quán là ba trăm đồng. Mong ông thanh toán cho. Xin trân trọng cảm tạ."

Phan Thúc Định lấy trong ngăn kéo ra một ống bột trắng, nhẹ nhàng rải lên bức thư. Tiếp đó, anh lấy ở ngăn kéo khác một ống thuốc nước màu xanh, thấm vào ít bông bôi lên trên mảnh giấy đã rải bột. Một dòng chữ khác nổi lên: "Tìm hiểu Tố Loan, con Phạm Xuân Phòng". Anh bật lửa đốt ngay mảnh giấy, di nát tro trong chiếc gạt tàn thuốc lá.

Chương 21

Vườn cam của Ngô Đình Cẩn

Chiếc Méc-xê-đét màu đen chạy chậm chậm dọc đường bờ sông An Cựu, từ phía Phú Cam xuống, đỗ trước một ngôi nhà đồ sộ có vườn rộng bao quanh. Ngày xưa, đây là cung An Định, nơi an dưỡng của bà Từ Cung, mẹ Bảo Đại.

Ngô Đình Cẩn và Phan Thúc Định bước xuống xe. Hai người thong thả bước vào. Tòa nhà có kiến trúc theo kiểu dinh thự, vừa cầu kì chạm trổ, vừa cao ráo nhưng đầy vẻ âm u. Bọn vệ sĩ ở hai chiếc xe gíp sau, toả ra khắp bốn phía, trừ một tên vệ sĩ thân tín của Cẩn, lầm lũi đi cách mấy thước theo hai người. Tên này cao lớn, người công giáo. Theo lời giới thiệu của Cẩn với Định thì gã vệ sĩ này có thể bắn súng cả hai tay không kém bất cứ một "cao bồi" nào trên màn ảnh. Gã lại còn giỏi cả võ Nhật lẫn gồng, một mình có thể đánh ngã vài ba chục người. Gã trung thành với Cẩn như một con chó trung thành với chủ.

Ngô Đình Cẩn đưa Định đến xem vườn cam của hắn phía sau toà dinh thự kiên cố, như một pháo đài đó. Vườn cam bát ngát. Những cây cam sum sê lá xanh rờn, cây nọ nối tiếp cây kia. Những quả cam tròn to, trĩu nặng, có chỗ phải chống lên để khỏi chạm đất. Nhìn những hàng cam thẳng tắp, không có một cái lá sâu, sai quả ấy, người ta nghĩ đến bao nhiêu công lao động đã bỏ ra. Nhưng đây tịnh không một bóng người. Một cái gì u uất bao trùm lên màu xanh của các lùm cây. Vắng lặng. Quạnh quẽ. Không hiểu tại sao Phan Thúc Định có những cảm giác rất mâu thuẫn sau khi đi cùng với Ngô Đình Cẩn vào vườn cam này: cảm giác mâu thuẫn giữa màu xanh rờn của lá cây với cái không khí quạnh quẽ rờn rợn của toà nhà rêu phong, giữa những hàng cây thẳng tắp được nhặt cỏ, tỉa lá cẩn thận với cái không khí u uất tẻ lạnh.

- Người nào trông coi vườn cam này cho cụ lớn đáng được thưởng. - Phan Thúc Định trầm trồ.

Ngô Đình Cẩn bỏm bẻm nhai trầu đáp:

- Đây là bọn tù phải làm. Tôi giao cho bọn cai tù, mỗi buổi sáng, bọn cai tù phải dẫn tù đến đây tỉa lá, quét dọn, bón gốc. Nếu để sót một chiếc lá sâu, nếu làm rụng một trái cam sẽ bắn tại chỗ. (Hắn gật gù như tự nói với mình). Đằng nào mà chẳng phải bắn bớt chúng nó đi.

Bây giờ thì Định mới hiểu tại sao lại có không khí quạnh quẽ u uất bao trùm lên màu xanh đáng lẽ ra đầy sức sống của cái vườn cam này. Cẩn không chú ý gì đến thái độ của Phan Thúc Định, đứng lại trước một cây cam, quả tròn căng, chín vàng. Hắn nhả chiếc bã trầu trong miệng ra, đưa tay bứt một quả đưa cho Định:

- Cam này ngọt lắm. Ông có biết tại sao cam của tôi ngọt và sai thế này không?

Hắn ngừng lại đợi Định trả lời. Định mỉm cười:

- Thưa cụ lớn, tôi không phải là một nhà trồng trọt.

Cẩn hề hề cười, đắc chí:

- Dù có là nhà trồng trọt, ông cũng không nói trúng được đâu. Tôi nói ông biết hí. Chỗ này gần nơi nhốt tù Cộng sản. Tôi cho đào lỗ ở đây sẵn, mỗi thằng Việt Cộng chết, cho chôn xuống lỗ và trồng cam lên trên đó. Có thằng tôi cho chôn sống rồi đổ vôi lên. Không có một chất bón nào tốt hơn thế... Hờ... Hờ... Ông có thấy người ta vẫn chôn xác mèo xuống gốc cây khế không? Hờ... Hờ... xác người tốt hơn nhiều... Ông nếm thử một trái mà coi!

Định hơi cúi đầu:

- Cảm ơn cụ lớn... Từ hôm qua đến nay, tôi bị đau bụng đi ngoài, không dám ăn một cái gì.

Ngô Đình Cẩn chặc lưỡi:

- Đáng tiếc hí!

Hắn quay lại ném quả cam cho thằng vệ sĩ đi sau:

- Cho mi này!

Tên vệ sĩ đỡ lấy quả cam một cách gọn gàng. Cẩn bứt một quả chín khác, dùng mấy ngón tay móng để dài như móng tay các cụ đồ nho, bóc vỏ. Hắn tách từng múi ra ăn ngon lành. Nước cam ứa ra ở hai bên khoé mép hắn vừa ăn trầu còn đỏ đó, làm Phan Thúc Định có cảm giác những giọt nước cam ứa ra là những giọt máu.

Phan Thúc Định đảo mắt nhìn quanh khu vườn

- Cụ lớn vừa nói ở đây gần một nơi nhốt bọn Cộng sản?

Cẩn nuốt xong múi cam mới đáp:

- Ừ, ừ. Tôi sẽ đưa ông đến chỗ đó...

Rồi hắn lại trở về câu chuyện vườn cam của hắn:

- Hầu như ngày nào tôi cũng có cam gửi máy bay về biếu tổng thống và anh chị Nhu. Tổng thống cũng thích cam này lắm.

Tên vệ sĩ cũng ăn quả cam một cách ngon lành. Cẩn bứt một quả nữa ném cho gã:

- Cho mi trái nữa!

Ngô Đình Cẩn quay sang trái chỗ hắn đang đứng, bước đến một cây cam trĩu quả. Quả cam trông có vẻ to hơn và da màu đỏ thẫm. Hắn chỉ vào cây cam rồi nói:

- Cây ni tốt như rứa mà trái chua loét không ăn được mới lạ. Dưới gốc có xác một con giao liên Cộng sản. Con này rứa mà to gan, đào lỗ chôn sống mà hắn cũng không chịu khai ra đồng bọn!

Cẩn quay ra phía sau nói với tên vệ sĩ:

- Mi bảo thằng giám đốc đề lao cho bón thêm vôi vào gốc cây này. Nếu sang năm ra trái chua thì nhổ nó đi, trồng một cây quýt Hương Can thay vào cho tao hí.

Cẩn quay sang Phan Thúc Định:

- Lên đây, tôi cho ông xem lan của tôi nữa!

Hai người ra khỏi vườn cam đi đến khu vực trồng lan cách đây vài chục bước. Tên vệ sĩ vẫn lầm lũi theo sau. Vẫn vắng lặng, quạnh quẽ. Chỉ có tiếng dép lê của Cẩn và tiếng gót giày da của Định xạt xào trên mặt đất.

Hai người bước vào khu vực trồng phong lan, trước đây là một góc vườn trồng cây ăn quả lưu niên. Ngày nay Cẩn cho dựng lên những dàn tre chạy dài dưới vòm cây lá sum sê sát vào đến tận sân của ngôi nhà. Dưới dàn là hàng trăm giò phong lan treo lủng lẳng. Phong lan cỏn được cấy vào thân cây để giữ được vẻ tự nhiên. Mỗi giò phong lan có một thế khác nhau. Có giò hoa như đàn bướm bay; có giò hoa như một cái đuôi cáo xù lông dài quá nửa mét. Có những giò đã nở hoa. Hương thơm phảng phất, một thứ hương thơm man dại. Nhưng vẫn có cái gì u uất, vắng lặng, quạnh quẽ. Thỉnh thoảng, Định nghe thoáng trong không gian một tiếng gì như tiếng thầm thì, than thở. Một thứ tiếng nhẹ quá, mơ hồ quá như từ một cõi đời khác đưa lại, đến nỗi Định không tin vào chính tai mình nữa. Tự nhiên anh thấy rờn rợn. "Tại sao mình lại có cảm giác ấy nhỉ?". Định phân vân tự hỏi. Anh không thể nào phân tích nổi cảm giác của anh nữa.

Ngô Đình Cẩn chỉ từng giò phong lan nói như giảng giải cho Phan Thúc Định nghe:

- Đây là Vĩ hồ, đây là Quế lan hương, đây là Vi long, đây là Phi điệp... (những cái tên ấy, như rơi vào chỗ trống không, vì tai làm vẻ chăm chú nghe hắn nhưng tâm trí Định vẫn nghĩ tận đâu). Đây là những giò vừa mang ở Cao nguyên về, tôi chưa biết tên nó là gì. Có lẽ phải đặt tên mới. Tôi sẽ làm cho vườn phong lan này nổi tiếng không kém bất cứ vườn phong lan nào trên thế giới. Trên thế giới này, có những vườn phong lan nổi tiếng như của Pháp, của tổng thống Nam Dương Sô-các-nô... Ông ở Pháp, ông đã vào thăm vườn phong lan của Pháp ở trong một khu rừng Luýt-dăm-bua chưa?

- Dạ thưa cụ lớn, thời kì ở Pháp, tôi bận học quá.

- Ông có ý kiến gì về cách trang trí của khu vườn này không?

- Thưa cụ lớn, vườn phong lan của cụ lớn thực là phong phú. Tôi cho rằng, ở Việt Nam, không có một nơi nào khác có được nhiều phong lan đẹp như ở đây.

Ngô Đình Cẩn đắc chí, lại giảng giải thêm:

- Ông nói đúng. Ở Nam Trung phần và miền rừng phía Tây cao nguyên, có nhiều gỗ quý như giáng hương, căm xe, bạch đàn... Phong lan mọc trên những cây này khác hẳn với hầu hết các loại phong lan thông thường ở nơi khác trên thế giới. Ít người biết và không một sách vở nào nói đến loại này. Vừa rồi, thằng trung tá Thiệu ở Ban Mê Thuột gởi về cho tôi mấy giò. Theo hắn nói, một trung đoàn Bảo chính sục sạo trong rừng ở vùng ba biên giới hàng tháng trời và bị phục kích tổn thất đến hơn hai đại đội mới lấy được bằng ấy...

"Trung tá Thiệu" - Phan Thúc Định bỗng thoáng nhớ ra đã một lần gặp mặt tên này tại nhà Cao Xuân Đăng, lúc bấy giờ hắn còn là trung uý trong quân đội Liên hiệp Pháp. Thằng này rất tin ở tướng số và có tài xoay sở, nịnh bợ, xuất thân từ một tên cai khố vàng, phục vụ tại tư dinh của viên quản đạo tỉnh Ninh Thuận thời còn thực dân Pháp cai trị. Bây giờ hắn là trung tá trong quân đội quốc gia. Thủ đoạn tiến thân của hắn là độc ác như thế đó!

Ngô Đình Cẩn chỉ cho Định xem mấy giò phong lan mà Nguyễn Văn Thiệu vừa gởi về biếu hắn:

- Ông xem. giống lan này thật là hiếm có... Cứ những đêm trăng, từ những cành lan toát ra mùi hương thơm. Hoa của nó càng thơm... Kể ra hai đại đội Bảo chính đổi lấy mấy giò lan này cũng đáng. Tôi đã điện xin tổng thống vinh thăng cho thằng Thiệu lên đại tá.

"Lê Ngọa Triều của Nam Việt xưa và Nê-rông của thời La-mã cũng không tàn bạo hơn tên lãnh chúa này". Định có cảm giác vừa ghê tởm vừa buồn nôn khó chịu, trong khi Ngô Đình Cẩn ra vẻ thích thú với vườn lan của hắn. Hắn lấy cau trầu bỏ vào mồm nhai bỏm bẻm.

Từ khu nhà âm u có nhiều tiếng rên siết nổi lên. Lần này, rõ hơn, vì Định đang đứng sát dưới chân tường. "Chỗ nhốt người nhất định là trong khu nhà này". Định không còn nghi ngờ gì nữa. Anh làm ra vẻ vô tình hỏi Ngô Đình Cẩn:

- Thưa cụ, vườn lan quý như thế này, tại sao cụ không đặt tại dinh để thưởng thức có hơn không?

Như đoán trước được câu nói của anh, hắn cười:

- Hà... hà... cho ông đoán coi tại sao nào?

Và không để cho Định trả lời, hắn chỉ tay vào trong toà nhà.

- Ở đây có người chăm bón. Bọn Cộng sản nhốt trong nớ, để cho chúng nó chăm sóc. Cứ lấy mạng sống của chúng làm vật bảo đảm là xong tuốt. Thế mà cũng có khối thằng bị mất đầu rồi, vì không chịu chăm bón ra trò.

Cảm giác của Phan Thúc Định đã trở thành rõ nét. Không phải cảm giác rờn rợn nữa. Tuy rằng lúc này anh đứng trong một góc vườn trồng phong lan sực nức mùi hương, trước một lâu đài trước đây là cung cấm, nhưng anh thấy lòng như thiêu, như đốt. Chung quanh anh không còn cái vắng lặng, quạnh quẽ nữa. Hình như có bao nhiêu người đang trỗi dậy, đang nắm tay nhau, đang hò hét, thoáng ẩn, thoáng hiện. Những lá phong lan như những con mắt nhìn anh nghiêng ngó, xoi mói. Những dây phong lan như những tay người run rẩy. Anh đã nghe rõ tiếng rên siết, cả tiếng xiềng xích loảng xoảng, không phải chỉ bằng thính giác...

- Ông làm sao thế? - Ngô Đình Cẩn hỏi.

Nét mặt Phan Thúc Định hơi nhăn lại:

- Xin lỗi cụ lớn, vẫn cơn đau bụng...

- Thế chúng ta quay về vậy. Để hôm khác tôi đưa ông vào chỗ nhốt bọn Cộng sản trong nhà...

Chiếc xe Méc-xê-đét màu đen đưa Ngô Đình Cẩn và Phan Thúc Định trở về. Hai chiếc xe gíp chở bọn vệ sĩ chia ra, một chiếc chạy phía trước, một chiếc chạy phía sau để bảo vệ.

Chiếc gáy rám nắng thẳng đờ của tên vệ sĩ thân tín ngồi ghế trước, cạnh người lái xe, gây cho Định một cảm giác khó chịu và anh nhìn ra ngoài cửa xe. Xe chạy đến cầu Lò Rèn, anh thấy một thiếu nữ cỡi xe Honda từ phía trên đi xuống. Xe hơi đã vượt qua nhưng anh vẫn quay lại nhìn người thiếu nữ nọ.

Ngô Đình Cẩn bắt gặp sự chăm chú của anh nhìn cô gái,

- Ông có vẻ chú ý đến người đó?

Phan Thúc Định lấy lại vẻ thản nhiên:

- Thưa cụ lớn, cô ta rất đẹp. Cụ lớn có biết cô ta?

Ngô Đình Cẩn cười:

- Hà... hà... ông tính, không biết rõ từng nhân vật trong cái thành phố nhỏ bé này thì tôi còn ngồi yên ở đây sao được? Tôi còn coi cả cái miền Trung này cơ mà. Nhưng này ông Định, ông để ý đến cô ấy thật à?

- Thưa cụ lớn, tôi cũng chỉ là một người đàn ông như mọi người đàn ông khác.

- Ông đã biết rõ người ấy chưa?

- Điều ấy thì thưa cụ lớn chưa ạ.

- Thế thì hỏng to rồi! Cô ấy đã có người yêu rồi!

Phan Thúc Định tò mò hỏi:

- Thưa cụ lớn, ai vậy?

- Một thanh niên Hoa Kỳ, con nhà triệu phú Dan-tơ Phu-lít-xtơn ở bang Mai-a-mi.

- Uy-li-am Phu-lít-xtơn! - Định thốt lên, xúc động.

- Ông cũng biết anh ta à? - Cẩn hỏi.

- Thời kì tôi theo hầu tổng thống, ngài có nói cho tôi biết tên họ một vài nhân viên tình báo trung ương Mỹ ở Sài Gòn. Ngài có dặn tôi không nên đi lại với bọn họ. Trong số này có Uy-li-am Phu-lít-xtơn mà cụ lớn vừa nhắc đến.

Ngô Đình Cẩn nhìn Định, thân mật:

- Tổng thống dặn dò ông như thế là phải. Ông đừng đụng vào "món" này. Uy-li-am Phu-lít-xtơn có thế lực lắm. Tôi sẽ giới thiệu cho ông "món" khác hí!

- Vâng, xin nhờ cụ lớn.

Những dòng chữ trên mảnh giấy nhỏ hiện ra trong óc Định. "Quan hệ giữa Tố Loan với Phu-lít-xtơn như thế nào? Tại sao Tố Loan và Phu-lít-xtơn lại biết nhau? Tố Loan là người như thế nào?...".

Tối hôm sau, Phan Thúc Định nhận được giấy của Ngô Đình Cẩn mời đến làm việc tại nhà riêng của hắn tại đường Hàm Nghi.

Trong câu chuyện, Cẩn hỏi anh rất nhiều về kinh nghiệm đối xử với bọn Mỹ, vì dù hắn muốn hay không, bọn Mỹ cũng thâm nhập vào miền Trung phần của hắn ngày càng nhiều. Hắn hỏi về tánh nết, thói quen, sở thích của từng tên viên chức, tướng lãnh cao cấp Mỹ, nhất là tên đại sứ và mấy tên cầm đầu phái bộ quân sự, phái bộ viện trợ kinh tế. "Ông ở Sài Gòn, ông tiếp xúc với họ luôn - hắn nói với Định - ông quen biết họ, ông phải làm cố vấn cho tôi cả về mặt đối ngoại nữa đấy!" Hắn hỏi Định về kinh nghiệm của hai ông anh hắn - Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu - đã làm thế nào để nắm vững được hoạt động của bọn không ăn cánh với mình và trị chúng. "Tất nhiên tôi cũng có cách của tôi - hắn nói - nhưng tổng thống và anh Nhu phải giỏi hơn vì tôi thấy các anh ấy làm gọn lắm, có kết quả lắm!".

Sau đó, hắn ngồi lặng đi một lúc rồi nói với Định:

- Tất cả những mối lo ấy chỉ là thường thôi. Mối lo nhất của chúng ta vẫn là bọn Việt Cộng. Hình như chỗ nào cũng có chúng nó mà lại chẳng nhìn thấy chúng nó ở chỗ nào cả. Cứ y như là vừa chém đứt đầu đứa này xong, chúng đã mọc ngay đầu khác. Đứa nào cũng có thể là Việt Cộng cả Tổng thống đã cử ông ra đây tôi mong ông cố gắng giúp tôi chủ yếu là về mặt ấy... Thành phố đã có truyền đơn Việt Cộng. Chúng đã đưa được một số vũ khí vào thành phố. Có lẽ chúng chuẩn bị khủng bố.

Từ nãy đến giờ Định trả lời Cẩn qua loa. Ý nghĩ của anh còn tản mạn quanh vấn đề Tố Loan. Tại sao "Sông Hương" lại bảo anh tìm hiểu về Tố Loan? Tại sao Tố Loan lại có thể là người yêu của Uy-li-am Phu-lít-xtơn - một tên CIA Mỹ chính cống đội lốt nhà báo được? Thời gian ở Sài Gòn, đọc báo chí và qua một vài câu chuyện ở các tiệm trà, Định có biết về Tố Loan. Đó là một thiếu nữ trí thức hay diễn thuyết về chủ quyền dân tộc, hay tham gia những cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi bảo vệ chủ quyền dân tộc, chống lại sự can thiệp của ngoại bang. Nhiều người nhắc đến tên cô với một tình cảm quý mến.

Một người như thế mà lại yêu một tên Mỹ CIA. Mình hãy tự đặt những giả thuyết khác nhau xem sao: Ngô Đình Cẩn nói dối mình? Hắn nói dối mình như thế với mục đích gì? Hay hắn thấy sự chú ý của mình đối với Tố Loan không bình thường. Nhưng nếu hắn nói thực? Như vậy thì tất cả những việc làm của Tố Loan ở Sài Gòn là giả dối ư? Tố Loan là con Phạm Xuân Phòng?

Tự nhiên óc Định loé ra một chút ánh sáng. Cái tên Phạm Xuân Phòng vừa xuất hiện trong óc anh kéo ý nghĩ anh liên hệ tới một loạt sự việc khác: việc báo chí và bộ máy tuyên truyền ở Sài Gòn làm rùm beng quanh cái chết của một người tên là Phạm Xuân Phòng, nói là bị Việt Cộng ám sát. Chúng in cả ảnh chụp, tường thuật tỉ mỉ là Việt Cộng muốn ăn cướp tiền bạc của Phạm Xuân Phòng, đã bố trí tay chân vào giúp việc cho Phòng tại biệt thự Bồng Lai, giết Phòng một cách rất dã man, vô nhân đạo. Nhờ sự điều tra tích cực, nhanh chóng của ngành cảnh sát, công an, hung thủ đã bị bắt và thú nhận hết tội lỗi. Ảnh của nạn nhân và hung thủ đều có đăng trên các tờ báo xuất bản hàng ngày. Nhìn kĩ bức ảnh chụp nạn nhân nằm trên vũng máu, Phan Thúc Định thấy hiện lên mặt lão Sanh. Phạm Xuân Phòng có phải là lão Sanh không? Tại sao hắn bị giết? Tại sao bộ máy tuyên truyền ở Sài Gòn làm rùm beng cho đây là "tội ác vô nhân đạo" của Việt Cộng?

Lúc xảy ra sự việc đó, Phan Thúc Định đã đặt nhiều câu hỏi. Nhưng rồi các việc khác dồn dập đến, những câu hỏi ấy tạm thời phải xếp lại chưa có một lời giải đáp. Bây giờ, vấn đề Tố Loan lại làm tất cả những câu hỏi ấy hiện ra. Phan Thúc Định cố chắp nối tìm ra một sợi dây liên hệ giữa các sự việc đó: Lão Sanh - Phạm Xuân Phòng - bố Tố Loan - bị Việt Cộng giết - Tố Loan đang từ chống Mỹ - bố bị giết - chuyển thành người yêu của một tên CIA... Nhưng có thực là Việt Cộng giết Phạm Xuân Phòng không? Ai giết hắn? Mỹ giết? Ngô Đình Cẩn giết? Chút ánh sáng loé lên ngừng lại ở đây, không sáng thêm được một chút nào nữa. Phải hỏi lại "Sông Hương". Bạo giờ cũng vậy, từ ngày về Huế, lúc nào tự bản thân anh không giải đáp nổi vấn đề gì, anh cũng nghĩ đến điều đó. Từ "Sông Hương" ánh sáng sẽ soi rọi vào mọi vấn đề lúc ấy, tự nhiên chúng sẽ trở nên rõ ràng, sẽ có những lời giải đáp cụ thể, chính xác...

- Bây giờ, chúng ta phải hành động ráo riết, không chùn tay, không khoan nhượng, phải tiêu diệt hết bọn Việt Cộng. Kế hoạch trước mắt của tôi là như thế này...

Những lời nói của Ngô Đình Cẩn thu hút ngay sự chú ý của Phan Thúc Định. Hắn nói:

- Phải chặn ngay những nguồn của bọn chúng đưa vũ khí, truyền đơn vào thành phố, không nên để ung nhọt phát triển trên cơ thể của mình.

- Lạ thật! Ta kiểm soát chặt chẽ như thế, làm sao mà chúng có thể đưa vũ khí vào thành phố được?

- Không có chi lạ cả, ông Định ạ. Bọn Việt Cộng lắm mưu mẹo lắm! Chúng tải vũ khí từ chiến khu của chúng đến các trạm liên lạc ở ngoại ô và từ ngoại ô, chúng chuyển vào các cơ sở của chúng ở nội thành. Những cơ sở đó có cả nhân viên công an và cảnh sát của ta. Tôi đang hạ lệnh tìm ra hết cái bọn "ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản" này. Không thể để chúng như vậy được. Còn các cơ sở liên lạc của Việt Cộng ở ngoại ô, tôi cũng đã nắm được một số, vì...

Ngô Đình Cẩn cất tiếng cười rộ, tự đắc:

- Vì nhiều cơ sở Việt Cộng là người của ta. Tôi sắp cho mở một cuộc hành quân tảo thanh vùng ngoại ô. Ý kiến của ông thế nào?

Sau một phút suy nghĩ, Phan Thúc Định góp ý kiến:

- Thưa cụ lớn... có lẽ bắt đầu từ khu vực Kim Long trở xuống.

Ngô Đình Cẩn không trả lời ngay. Hắn ngẫm nghĩ, một lát sau mới nói:

- Khu vực ấy sẽ làm sau. Vì đã hành quân là có bắn giết. Màng lưới cơ sở của ta ở vùng này hoạt động tốt, trong khi đạn lạc tên bay thì cơ sở ta có thể bị vạ lây và tổn thất. Phải có thời gian để cho chúng nó chuẩn bị trước.

- Thế cụ lớn định thanh trừng khu nào trước?

- Khu hữu ngạn sông Hương. Bắt đầu từ khu vực Long Thọ...

- Thế khu tả ngạn?

- Khu tả ngạn sẽ làm sau. Vì chưa cấp thiết.

Giọng nói úp mở của Ngô Đình Cẩn lại làm loé ra một ánh sáng nữa trong óc Phan Thúc Định. Khu hữu ngạn là khu vực công nhân và nhân dân lao động ở nhiều. Khu vực tả ngạn, Cẩn đã phát triển được nhiều cơ sở "Cần lao nhân vị", màng lưới mật vụ của hắn đã giăng ra. Tố Loan cũng ở trong khu vực này...

Khi Định ra về thì trời đã khuya. Tên vệ sĩ thân tín của Cẩn lầm lì khoanh tay đi lại ở bên ngoài sân. Hắn bao giờ cũng đi ngủ sau Ngô Đình Cẩn và ngủ ngay ở một cái buồng con cạnh hành lang dẫn vào phòng ngủ của Cẩn. Hắn không nói một lời, cúi đầu chào Phan Thúc Định.

Chiếc xe riêng của Định lái lấy lăn trên đường nhựa. Ánh sáng đèn điện và bóng tối những vòm cây chen lấn nhau loang lổ mặt đường. Huế không sống về ban đêm như Sài Gòn. Thành phố này vẫn giữ phong cách riêng của nó. Cuộc sống gia đình vẫn là cái gì thiêng liêng. Đường phố vắng ngắt. Không có một chiếc tắc xi nào giờ này còn đón khách. Định chỉ gặp xe nhà binh đi lại. Một chiếc xe của bọn quân cảnh đi tuần chạy lừ đừ giữa đường. Hè phố chỉ còn một vài người lính đi vội vã.

Bỗng Định chú ý đến một người đàn bà đang ôm chặt một đứa nhỏ trên tay lảo đảo chạy trên hè phố, đang hốt hoảng. Chạy được mấy bước, người đó dừng lại, mở vội đứa nhỏ cuộn trong chiếc khăn mỏng ra nhìn, rồi lại lảo đảo chạy. Đoán được sự việc, Định lái sát xe vào hè phố, gọi người đàn bà:

- Chị ơi! Chị cần đưa cháu đi bệnh viện phải không? Chị lên đây tôi đưa đi giùm!

Người đàn bà dừng lại, nhìn chiếc xe và Phan Thúc Định như thăm dò. Lúc ấy, Định mới biết người đàn bà còn trẻ, khoảng ba mươi tuổi, búi tóc sau gáy, nét mặt đẹp phúc hậu, cặp mắt vẫn ánh lên sự lo âu, hốt hoảng, nhưng vẫn không che được vẻ vừa thông minh vừa buồn bã. Định bước xuống, mở rộng cửa xe:

- Chắc cháu bị đau nặng. Tôi biết bệnh viện. Tôi xin đưa chị và cháu đến cho nhanh kẻo đưa đến chậm phút nào sợ ảnh hưởng đến tánh mạng cháu phút đó.

Thấy thái độ Định có vẻ thực thà, chân thành, người đàn bà hết nghi ngai, bước lên xe:

- Thế thì... cảm ơn ông quá... quý hóa quá!...

Phan Thúc Định cho xe chạy và hỏi chuyện:

- Cháu bị làm sao vậy?

Người đàn bà vừa kéo chăn che lại cho con, vừa đáp:

- Cháu sốt nóng từ hai hôm nay. Tôi tưởng cháu bị cảm thường. Ai ngờ vừa rồi cháu co giật trợn cả mắt lên, tôi sợ quá phải ôm cháu tìm đến bệnh viện cấp cứu.

- Cháu được mấy tuổi rồi?

- Thưa ông, cháu hơn hai tuổi.

- Xin lỗi chị, anh nhà ta đâu, sao không đưa cháu đi cùng chị, để chị đi một mình trong đêm như thế này, nhỡ xảy ra sự gì bất trắc thì làm thế nào?

Người đàn bà im lặng, bối rối. Phan Thúc Định cảm thấy ngay sự bối rối đó, không hỏi tiếp nữa. Nhưng người đàn bà như đã trấn tĩnh được, đáp:

- Ba cháu đi làm vắng, đi cả ngày lẫn đêm, ít khi về nhà...

Đứa nhỏ chợt khóc thét lên dữ dội. Người đàn bà như bị ai tra khảo, mặt tái mét, run rẩy gọi:

- Con ơi!... Con làm sao thế? Con ơi!...

Đứa bé vẫn khóc thét lên từng hồi, chân đạp tung cả chăn, người ưỡn ra như không nghe thấy tiếng mẹ gọi. Mặt người mẹ càng tái mét, giọng nói càng run, nước mắt chảy quanh cặp mắt hốt hoảng buồn bã. Phan Thúc Định mím chặt môi, rú thêm ga.

Chiếc xe đỗ trước bệnh viện. Anh mở cửa xe chạy ngay trước vào phòng thường trực. Sau khi tự giới thiệu, anh đề nghị những người thầy thuốc trực khẩn cấp cứu ngay đứa nhỏ. Nghe thấy anh là người của Ngô Đình Cẩn, cả cái phòng trực cấp cứu của bệnh viện hoạt động hẳn lên. Một cô y tá chạy ra đón người đàn bà và đứa nhỏ vào. Mấy người mặc áo choàng trắng xúm vây quanh đứa nhỏ. Đó là một bé trài kháu khỉnh nhưng sự đau đớn làm dúm dó cả khuôn mặt em. Cổ em cứng lại và ngửa ra đằng sau. Môi em đã khô. Cặp mắt cứ trợn lên. Và tiếng khóc thét của em càng như xé ruột xé gan người mẹ. Người ta hỏi người mẹ diễn biến bệnh tình của em nhỏ. Người ta cặp sốt. Người ta xem mắt, xem miệng, nghe tim đập của em. Người ta ghi bệnh án. Mắt người mẹ vừa đau xót nhìn con, vừa ngơ ngác nhìn từng người thầy thuốc như dò hỏi, chờ đợi.

Cuối cùng, một người thầy thuốc bảo với Phan Thúc Định và người đàn bà:

- Cháu có triệu chứng của bệnh màng não, một bệnh rất hiểm nghèo. Để chúng tôi lấy nước tuỷ xương sống, xét nghiệm thêm. Nhưng may mà gia đình đưa cháu vào còn kịp. Bệnh này đưa muộn thì rất khó cứu. Chúng tôi sẽ hết sức theo dõi chữa cho cháu. Gia đình phải để cháu ở đây để chúng tôi điều trị và mẹ cháu phải ở lại cùng với cháu.

Người đàn bà bối rối, lo sợ, không đáp lại câu nào. Phan Thúc Định an ủi:

- Chị phải ở đây trông nom cháu. Chị cố gắng ở lại. Có cần gì về gia đình, tôi xin báo cho. Tôi có xe riêng đi lại cũng tiện, chị đừng nghi ngại...

Người đàn bà ấp úng:

- Tôi còn hai cháu nhỏ ở nhà nữa không ai trông... Lòng tôi bây giờ như lửa đốt... Tôi muốn báo tin cho nhà tôi về quá...

Phan Thúc Định quả quyết:

- Chị cứ cho tôi biết anh ấy ở đâu, tôi sẽ tìm đến tận nơi báo cho anh ấy.

Người đàn bà ngập ngừng. Mắt chị chớp mau và nước mắt cứ ứa ra. Cuối cùng, chắc không còn cách nào hơn, chị xin lỗi ra ngoài nói riêng với Phan Thúc Định:

- Tôi không biết làm thế nào báo cho ba cháu về ngay được. Thôi đành nhờ ông vậy. Chẳng nói giấu gì ông, nhà tôi làm... vệ sĩ riêng cho cậu Cẩn (56), cho nên cứ phải ở cả ngày cả đêm quanh cậu. Ông làm ơn đến hộ dinh cậu hỏi anh Lý Lâm...

Phan Thúc Định sững người nhìn lại khuôn mặt đẹp, phúc hậu của người đàn bà. Có lẽ nào như thế nhỉ! Trong óc anh hiện ra hình ảnh gã vệ sĩ cao lớn, dáng thô, lúc nào cũng lầm lì của Ngô Đình Cẩn. Cái gã đã được gia đình họ Ngô nuôi từ nhỏ, đã được đi học lớp biệt kích, nổi tiếng về võ Nhật có thể đánh đổ vài chục người, và bắn súng cả hai tay trăm phát trăm trúng. Tất cả con người gã mâu thuẫn hoàn toàn với vẻ phúc hậu, đẹp đẽ, với giọng nói thuỳ mị, với tấm lòng thương con sâu sắc của người đàn bà này. Có lẽ nào như thế nhỉ? Nhưng sự thực lại là thế...

Cảm thấy cái nhìn lạ lùng của Định, người đàn bà cúi mặt xuống, nước mắt lại ứa ra, giọng nói có cái gì chua xót bên trong:

- Ông đã giúp mẹ con tôi thì xin ông giúp cho trót. Mẹ con tôi không bao giờ dám quên ơn ông. Nếu không, ở nhà các cháu nhỏ của tôi không ai trông. Ông cứ đến dinh cậu Cẩn ở đường Hàm Nghi, hỏi anh Lý Lâm.

Định chỉ nhìn thấy cặp mắt của người đàn bà nhoà đi vì nước mắt, cặp mắt ấy càng buồn bã hơn.

Anh đáp lại dứt khoát:

- Tôi sẽ tìm anh ấy, đón anh ấy đến đây rồi sẽ đưa anh ấy về nhà với hai cháu.

Anh vào dặn ông thầy thuốc mấy câu rồi chạy vội ra xe. Chiếc xe quay lại con đường dẫn tới nhà riêng Ngô Đình Cẩn. Lúc ngồi trên xe rồi, anh mới thấy lòng anh bồi hồi nhiều cảm giác trái ngược nhau khó tả. Mừng cho người đàn bà đưa con mình đến bệnh viện được kịp thời. Nhưng cha nó lại là gã vệ sĩ lầm lì tin cẩn của Ngô Đình Cẩn kia! Cặp mắt buồn bã của người đàn bà... Khuôn mặt khó hiểu của gã vệ sĩ... Vẻ phúc hậu, cặp mắt đượm buồn của người vợ... Dáng lầm lì tàn bạo của người chồng... Nhưng bao trùm lên cả là hình ảnh đứa con nhỏ khóc thét lên từng cơn giữa những người thầy thuốc mặc áo bờ-lu trắng...

Phan Thúc Định nhấn ga.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top