Stonehenge ngàn năm rêu phủ
Tháng Bảy vào hè. Thời tiết Maryland đóng đảnh như cô gái lỡ thì, bốn mươi mấy tuổi vẫn chưa tìm được ý trung nhân hợp mắt. Sáng thì nắng chói chang, chiều lại mưa vần vũ tới tận nửa khuya, qua hôm sau nóng hừng hực như thiêu đốt. Vừa thò mặt ra đường chưa tới hai phút, mồ hôi mồ kê đã đổ ra như tắm vì độ ẩm không khí quá cao. Thỉnh thoảng trời lại nổi phong ba, lốc xoáy, bão to ập về ở thung lũng sâu hay núi đồi gần đó.
Vậy mà Thắng bảo mùa đó nước Anh mới đẹp vì độ chớm hè, nắng vàng rải đều như rót mật sau bao ngày mưa lạnh. "Lộng lẫy lắm anh à, sang chơi với tụi em đi, trước khi lại chìm trong giá rét, mưa gió, ẩm ương, đúng với tên gọi "đất nước sương mù" mà người ta đã mỹ miều dành cho nó". Tôi vốn ham chơi, không cưỡng được lời rủ rê nồng hậu đó, nên thu xếp nghỉ mấy ngày, mua vé sang Anh lẫn vài nước châu Âu. Sếp tôi, dân Do Thái, nhưng sinh ra ở Liverpool, từng có gần chục năm học tập ở London, nên nghe tôi xin đi Anh là đồng ý liền, dù không tin lắm chuyện tôi bảo chỉ nghỉ ba hôm kèm hai ngày cuối tuần ít ỏi.
Thắng đang du học ở Oxford, Khanh từ Sài Gòn, Thương ở Hàn Quốc, ba đứa đi Scotland và Wales chơi trước mấy ngày. Tôi chỉ có thể "nối chuyến" từ London đi Stonehenge cho tiện. Chuyến bay của United hạ cánh xuống London lúc bảy giờ sáng. Vừa ra khỏi máy bay, tôi đã lật đật chạy tới làm thủ tục hải quan cho kịp.
Heathrow rộng kinh hoàng. Từ cổng vô cổng chính (main terminal) cách nhau cả cây số mà lại không có tàu chuyển tiếp. Khách thì đông nườm nượp. Cả trăm chuyến khắp thế giới đổ về. Hàng ngàn người chen chúc xếp hàng nhập cảnh. Heathrow kiểm tra an ninh vào loại khó nhất thế giới. Nếu bạn có bất kỳ chất lỏng nào, dù chỉ là chai thuốc nhỏ mắt bé xíu, cũng phải lấy ra, bỏ vô bịch nylon, để riêng đi qua máy chiếu. Nếu sơ ý hay cố tình quên, qua máy sẽ bị phát hiện và nhân viên kéo bạn ra xét riêng rất mất thời giờ, trễ chuyển như chơi.
Nếu bạn mang hộ chiếu của Vương quốc Anh hay các nước thuộc khối Schengen thì còn nhanh, chứ hộ chiếu các nước khác, kể cả Mỹ, thì ôi thôi cứ bao la xếp hàng chờ. May mà trong sân bay có wifi, nên tôi có thể viber cho bạn bè biết tình hình hiện tại.
Chờ thì lâu nhưng thông quan diễn ra chưa tới 30 giây với vài câu hỏi đơn giản. Thế là tôi tiếp tục kéo va li chạy như bay ra mua vé tốc hành có giá gấp đôi đi một lèo tới ga Victoria cho kịp giờ lên buýt, Victoria cũng thuộc loại to vật vã. Một bên dành cho xe buýt, bên kia thì tube và tàu. Theo sự chỉ dẫn của Thắng, nhưng do lẫn lộn, tôi mất tới 15 phút chạy lòng vòng giữa hai cửa hàng Burger King trong nỗi lo trễ giờ và bị bỏ lại. Cuối cùng mới thấy ba đứa đang tí ta tí tởn đứng chờ. Thế là nhào tới ôm nhau, tay bắt mặt mừng rồi chạy vô nhà vệ sinh (tốn hết nửa bảng) thay đồ, yên vị ngồi lên buýt.
Và cuộc hành trình thăm Stonehenge, công trình vòng đá thượng cổ có từ thời đồ đá mới, được xây dựng khoảng 2,5 ngàn đến hai ngàn năm trước Công nguyên, một trong các nơi bí ẩn nhất thế giới khi các nhà khoa học, lịch sử, thiên văn vẫn cố tìm ra lời giải đáp, bắt đầu trong một buổi sáng vắt giò lên cổ.
Stonehenge nằm cách London khoảng 130km về hướng Tây, được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1986. Từ thủ đô nước Anh, có nhiều cách để đến Stonehenge. Có thể bắt buýt hay tàu South Western từ ga Waterloo, mất khoảng một giờ rưỡi tới Salisbury, rồi thêm chuyến buýt ngay bên ngoài nhà ga (chạy nửa giờ một lần vào mùa cao điểm, một giờ vào mùa thấp điểm) thêm 20 phút nữa là tới nơi. Giá vé khoảng 40 tới 70 bảng mỗi chặng. Nếu không có nhiều thời gian và sợ bị lạc đường, thì cách tốt nhất là đi theo tour, đặt trên mạng, khởi hành từ nhà ga Victoria. Còn không cứ nhờ khách sạn mua giùm, sẽ có xe tới tận nơi đón rước. Giá vé dao động từ 90 tới 120 bảng tùy theo lịch trình, mắc hơn nếu ghé thị trấn Salisbury hay thành phố Bath đậm dấu La Mã gần đó.
Từ ga Victoria, xe buýt chậm rãi len lỏi qua góc phố cổ kính của London, dẫu chật chội bàng hoàng. Đã đến nơi đây rất nhiều bận, nhưng hễ mỗi lần đi ngang qua góc phố nào, cảm giác rộn rã, bồi hồi vẫn cứ nhoi nhói trong tim. Muốn được đi trên từng miếng đá lót đường, tận tay sờ vào từng viên gạch
thân thương, mà ở đó, mỗi góc phố đẹp xinh hay mỗi tên đường đều mang trong mình một câu chuyện thấm màu lịch sử. Mặt trời lên cao lắm rồi. Bầu trời trong vắt không một gợn mây. Người dân xứ này sau bao ngày ngập ngụa trong sương mù và mưa bão, phút chốc bỗng bừng lên sức sống. Ai nấy đều hào hứng, vui cười thấy thương gì đâu. Sếp nói, hễ ngày nào mặt trời lên, cả thành phố ai cũng muốn nghỉ làm, vác ghế ra công viên hay bên vệ đường, ngửa mặt lên trời đón nắng ấm.
Tôi thì buồn ngủ không nói gì vì mới bay sang. Quay qua thấy ba đứa kia cũng gật gà gật gù do mới ngồi buýt xuyên đêm từ xứ Wales về. Bên đó mưa lạnh kinh hồn. Ngồi xe nhức cốt nhức xương, chứ có thẳng cẳng ngủ được đâu mà bảo không mệt. Tôi lôi mở bánh kẹo mang từ Mỹ qua để cả bọn vừa ăn vừa nói cho đỡ buồn ngủ và ngắm cảnh, bởi ngoài cửa sổ mọi thứ cứ như giấc chiêm bao. Cảm giác tù túng bên đường nhỏ xíu, khúc trong nội ô nhường chỗ cho con khuỷu, lên đồi, xuống dốc, như xé dọc, cắt ngang, len lỏi giữa đồng lúa mì, lúa mạch vào vụ chín vàng. Bên đường, bồ công anh, cúc vàng, cúc dại trắng phau, giữa bãi cỏ xanh, cứ muốn chen lấn nhau, khoe hết sắc màu tươi thắm. Lúc này, bốn bề chỉ có lúa và hoa, chẳng thấy người ta hối hả đi về, ngoài vài chiếc xe chạy qua phá vỡ sự yên tĩnh của đồng quê bình lặng. Gần tới Stonehenge, đường xá nhỏ hẹp dần. Mang tiếng đường hai làn, mà thua cả một làn trên cao tốc.
Dường như ở đây người ta nhường hết đất cho nông dân trồng trọt thì phải. Buýt nghiêng ngả vượt đồi, leo dốc, gió thổi mơn man, lúa ngả nghiêng nhảy múa như đưa tay chạm vào thành xe. Chung quanh, vài gò đất thấp cao xanh cỏ nối tiếp nhau, như nấm mồ hoang giữa đồng không, bao bọc là thảm hoa anh túc đỏ (Remembrance Poppy) chen lẫn giữa các dại và cỏ xanh nổi bật lên nền trời trong vắt.
Cô hướng dẫn, bằng cái giọng miền Bắc Anh đặc sệt, khó nghe khôn cùng, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về loài hoa anh túc. Tôi phải trổ hết 100% công lực, dỏng tai lên, tập trung cao độ để cố hiểu cô ấy nói gì. Poppy là biểu tượng cho lòng tri ân các nạn nhân vô danh của chiến tranh, đặc biệt là lính Anh và các nước trong khối Thịnh vượng chung đã ngã xuống trong hai trận chiến tranh thế giới.
Chuyện bắt đầu vào năm 1915, John McCrae, cựu trung tá quân y người Canada đi thăm mộ người bạn Alexis Helmer Flanders (Bỉ) và thấy hoa anh túc đỏ nở rộ trên mộ phần mới đắp, nên đã viết bài thơ In Flanders Field (Trên những cánh đồng Flanders):
In Flanders fileds of the poppies blow
Between the crosses, row on row,
That mark our place, and in the sky,
The larks, still bravely singing, fly,
Scarce heard amid the guns below.
We are the dead; short days ago
We lived, felt dawn, saw sunset glow,
Loved and were loved, and now we lie
In Flanders fields.
Take up our quarrel with the foe!
To you from failing hands we throw
The torch; be yours to hold it high!
If ye break faith with us who die
We shall not sleep, though poppies grow
In Flanders fields
Và bài thơ phút chốc nổi tiếng toàn thế giới, biến anh túc đó thành biểu tượng bất tử, cho lòng anh dũng và trung thành của người lính ngã xuống vì quê hương. Sự kiêu hùng của họ mãi mãi trường tồn, như hạt anh túc Sống sót qua tàn phá của chiến tranh, bền bỉ với thời gian và luôn luôn rực thắm. Vào ngày Tưởng niệm (Remembrance Day) hay Ngày hoa anh túc đỏ (Poppy Day), 11-11 hằng năm, người ta đeo anh túc nhựa trên ve áo và gắn vòng hoa đỏ rực trên đài tưởng niệm lẫn mộ phận của người lính anh hùng để biết rằng cuộc đời này mãi luôn nhớ họ.
Mải mê ngắm cảnh làng quê và đắm chìm theo câu chuyện, xe vào bãi lúc nào không hay. Mọi người bước xuống, theo hướng dẫn viên vào khu đón khách. Lúc này có gần 20 xe buýt, ít nhất cũng hơn 500 người, chia thành nhiều nhóm tụ tập chung quanh. Y chang chúng tôi, mặt mũi người nào cũng đừ đờ nhưng mắt thì sáng trưng, tỏ vẻ háo hức, bồn chồn, muốn đi vô ngắm Stonehenge liền thay vì đứng nghe phổ biến nội quy, soát vé, nhận audio guide, xếp hàng chờ lên xe nhỏ để đi vào thế giới huyền bí của khu cự thạch.
Xe trung chuyển ngừng lại, cả bọn thả bộ trên lối mòn trải nhựa ướt sương đêm. Thỉnh thoảng lại ghé vô nhìn mẩu cự thạch có bảng ghi thông tin dọc theo lối đi như Heel Stone (đá Gót chân), Slaughter Stone (đá Hiến tế). Hướng dẫn viên với giọng tự hào bảo, đây là di tích được tham quan nhiều nhất nhì của nước Anh, mỗi năm đón gần 1,5 triệu lượt khách. Hôm nay ngày thường nên ít đó. Chứ cuối tuần nha, xe đậu từ ngoài kia vô tới trong này. Tụi mày xếp hàng mấy tiếng cũng chưa chắc vào được đây. Hú hồn chưa. Bỏ tiền đi tham quan mà khổ quá.
Chưa kịp mỏi chân, hít chưa đã không khí trong lành, thì Stonehenge hiện ra trước mặt. Tôi nhìn Thắng. Thắng nhìn Khanh. Khanh nhìn Thương. Thương quay lại nhìn tôi. Cả bốn đứa nhìn nhau, cảm giác choáng ngợp, không tưởng tượng nổi là mình đang tận mắt chứng kiến kỳ quan huyền bí vô ngần dẫu thiệt tình nó không to như trong hình và lại nằm lọt thỏm giữa đồng cỏ mênh mông. Du khách không được tới gần, phải ngắm Stonehenge từ xa, sau lớp dây bao quanh. Chắc họ sợ nhiều đứa bé đá, khắc tên, bôi bậy làm kỷ niệm.
30 tảng đá nặng vài mươi tắn, rêu phong bám đầy vì tiết trời ẩm ướt, được dựng thẳng đứng theo hình móng ngựa, với một vòng gồm 30 thanh dầm đá nằm trên đỉnh, đã làm đau đầu không biết bao nhiêu nhà nghiên cứu. Khai quật khảo cổ gần đó, đã tìm ra hơn 50 ngàn mẩu xương người được hỏa táng và dấu vết nền nhà nguyện nên nhiều nhà khoa học tin rằng Stonehenge được xây dựng qua nhiều giai đoạn, dài khoảng 1,5 ngàn năm, nguyên thủy vốn là một trung tâm rộng bao gồm nhà nguyện, nghĩa trang và đền làm nghi lễ cho gia đình quý tộc.
Các nhà thiên văn thì hổng nghĩ vậy. Họ cho rằng những khối đá tảng này nhìn có vẻ lộn xộn không hàng lối, nhưng từ trên cao sẽ thấy, nó được sắp xếp theo một vòng tròn nhất định để mô tả sự chuyển động của mặt trời, mặt trăng, các vì sao nhằm dự đoán nhật thực, nguyệt thực để phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi lẫn thu hoạch mùa màng. Vào ngày Hạ chí, nhiều người đổ đến đây để xem ánh mặt trời mọc từ Heel Stone ở phía Đông, chiếu thẳng hàng với tảng đá trung tâm và hòn Tế đàn (Alter Stone) nằm ở phía Tây của khu cự thạch.
Mọi người đi một vòng tròn để ngắm từng khối đá và chọn góc chụp hình đẹp nhất. Tự nhiên tôi muốn làm người nổi tiếng, ngày mai sẽ lên trang nhất của mấy trang báo Anh, là có một du khách châu Á đến từ Mỹ, cả gan vượt lớp dây chặn và một nùi an ninh, chạy vô tít bên trong chạm vào mấy hòn đá cổ và chụp quá trời hình. Chứ đi một chặng đường xa lắc xa lơ và tốn một mớ tiền đến đây, mà hổng được lại gần thì uổng chết. Nhưng thôi, nói nào ngay, tôi không muốn mình lên báo một cách bất chấp và vô duyên như vậy.
Giữa trưa, nắng chiếu lên tảng cự thạch sùng sững ngàn năm vẫn không thể hong khô lớp rong rêu ẩm mốc. Mọi người bảo nên ở lại đây tới chiều tà, sẽ thấy hoàng hôn nơi này đẹp vô ngần, khi mặt trời lấp ló đằng sau các tảng đá to và nắng len lỏi vào từng khe hở tạo nên những bức tranh sống động. Nhưng xe sắp khởi hành, chúng tôi không ở lại thêm được nữa rồi. Đi tour mà. Đành phải hẹn ngày trở lại.
Chúng tôi rời Stonehenge với những bí ẩn không lời giải đáp, giữa lúc lũ quạ trên cự thạch vỗ cánh, cất tiếng thê lương gọi bầy hay réo gọi những vong hồn ngàn năm vất vưởng phiêu linh, chưa siêu thông về với Chúa.
Tháng 7-2014
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top