XXIII
Bóng tối phủ quanh căn nhà nhỏ khiến chiếc đèn trên tay Liên được dịp tỏa ra ánh sáng dịu dàng. Song vẫn chẳng thể an ủi thiếu nữ đương úp mặt xuống bàn, sụt sùi khóc.
Mặc dù cái Gái đã nghe động, tuy nhiên thân thể không còn đủ sức lực để ngửng lên chào khách. Nó mệt lử người bởi mấy hôm nay cứ rỏ lệ cả ngày lẫn đêm, chỉ tạm ngưng khi thấy em giai lăn lộn dưới đất kêu đói.
Nó thương em thơ dại, thương chị đến tuổi cập kê nhưng lại phải cắn răng chịu cảnh lỡ làng, và thương nỗi cơ hàn quấn chặt lấy thân mình, thân thầy u, thân đứa em kế đáng tội nghiệp cùng đứa em út phải chết dần chết mòn do không đủ tiền cứu chữa.
"Người ta chẳng tin thầy, Gái ạ."
Tiếng thầy nó cứ luẩn quẩn trong tâm trí. Người đàn ông gầy gò với nước da đen sạm; lắm hôm bụng hóp lại, tưởng chừng sắp dính chặt vào lưng vì đã âu yếm nhường phần ăn cho các con.
Thầy nó là người tốt. Sao không ai chung quanh tin thầy nó là người tốt? Sao họ lại hùa nhau ra đình hóng chuyện, mặc nhiên cho rằng thầy nó đã tằng tịu với chị Dịu rồi quyết không để thầy nó thanh minh?
Mãi tới hôm trên đường từ bãi mả về, nó mới vô tình nghe thấy láng giềng xì xầm rằng ngày ấy thầy nó, chị Dịu và chị Liên bị cụ lý ép bằng được việc nộp phạt hòng lấy đồ ăn, thức uống thết đãi quan trên. Nghĩa là người ta thà tiếc con trâu, vò rượu, gánh lúa còn hơn tiếc mấy mạng người.
Cơn giận dữ làm mất hẳn trí khôn khiến Gái vừa về đến nhà đã bước thẳng xuống bếp, lấy con dao còn lại ra rồi chuẩn bị đi rình giết lý trưởng. Nhưng khi vừa bước chân khỏi cửa, nó đã bị Lý bắt gặp. Thị nhìn nó đăm đăm bằng cặp mắt ầng ậng nước, khẽ gọi:
- Gái ơi.
Tức thì, con dao trên tay nó rơi xuống đất, phát ra một tiếng đinh tai. Âm thanh sắc lạnh ấy như xuyên vào tận óc hai chị em nó, chém ngang không gian tĩnh mịch, để lại dư âm lạnh lẽo khiến giọt nước mắt chảy dọc xuống đôi má nhô cả xương của Lý.
Thị nghẹn ngào hỏi em:
- Gái ơi. Em định làm gì? Em cầm dao làm gì hử Gái?
Gái khóc nói:
- Em phải giết thằng lý trưởng.
- Đừng, em. Thằng Sinh hãy ngủ trong nhà, em chớ nảy ra những suy nghĩ dại dột hay chớ nhen nhóm ý định liều lĩnh như thế. Em mà làm vậy thì... thì cũng giết chị với nó ngay đi.
Gái ngồi sụp xuống, bưng mặt khóc nức nở. Sau đó chỉ tay về phía sân nhà từng lênh láng máu, nói chẳng ra hơi:
- Thầy u và thằng Dư đã nằm đấy vì lý trưởng, chị ạ. Làm sao em cam lòng chịu đựng mãi cho được?
- Em không nghĩ đến chị và thằng Sinh ư? Gái ơi, nhà ta chết gần hết rồi. Nhà ta đã cùng quẫn lắm rồi, Gái ơi...
Mãi hôm phải rời nhà, Lý vẫn e sợ đứa em sẽ làm điều dại dột mà liên miệng khuyên răn. Thị còn dặn riêng thằng Sinh rằng hễ thấy chị Gái xuống bếp là phải đi theo chị ngay, bảo chị đừng làm hại ai trong làng.
Thị cố nén tiếng thổn thức mỗi khi nghĩ đến bốn mạng người dù chết nhưng vẫn chưa hết tội nghiệp. Bởi chẳng ai được hưởng mâm cơm cúng thịnh soạn hay biết mùi khói nhang đốt trên bàn thờ dẫu chỉ một lần. Hôm chôn cất, láng giềng đem lòng thương xót ba chị em nên đã góp tiền mua một bó nhang nhang để cắm xuống cho đúng tục lệ, bằng không mấy nấm mồ ấy sẽ lạnh ngắt.
***
Thằng Sinh kéo áo chị, mếu máo gọi:
- Kìa, chị Gái, có khách tới nhà kìa. Chị đừng khóc nữa.
Cái Gái lấy tay chùi nước mắt rồi ngửng lên nhìn Nga và Liên, gượng nói bằng giọng thều thào:
- Hai chị tới chơi.
Nga sẽ tiếng thưa vâng và đáp:
- Mấy hôm qua tôi chưa thể sang hỏi thăm chị em cô. Hôm nay chắc là Lý đã rời nhà rồi phỏng?
- Vâng, người ta không cho chị ấy nghỉ lâu.
Gái nói xong liền chống tay đứng dậy, chừng như muốn đi ra giếng lấy nước mời khách, nhưng vì quá đỗi nhọc mệt nên chưa kịp thẳng lưng đã ngã lăn sang bên cạnh.
- Ấy chết!
Liên hốt hoảng đỡ nó dậy, thằng Sinh chưa nín được bao lâu lại thút thít đầy tội nghiệp, còn Nga vội xách đèn dầu, vừa giục thị mau dìu nó lên giường vừa quay sang hỏi thằng bé:
- Giếng nước ở đâu, Sinh?
Thằng Sinh nghẹn ngào:
- Để Sinh dẫn chị Nga đi.
Sau đó, nó lấy ấm nước đã cạn và lạnh ngắt trên bàn rồi dẫn đường cho nàng, dẫu đương sợ tái mét mặt.
Lối ra giếng tối đen như mực, chung quanh yên ắng tới mức Nga có thể nghe rõ tiếng thở của mình và của thằng bé. Chẳng mấy chốc, bàn tay nó đã đổ mồ hôi rồi lan sang cả bàn tay nàng.
Nàng thấy vậy bèn dịu dàng trấn an:
- Chị hãy còn ở đây mà, đừng sợ.
Sinh chợt hỏi nàng rằng:
- Sao chị Nga với chị Liên không sợ nhà em như những người khác?
Nga lấy ấm nước trên tay thằng bé, vừa ra điều cho nó bơm nước vừa trả lời:
- Vì chị không sợ cái chết của người tốt, Sinh ạ. Mặc dù người tốt mà chết vẫn sẽ thành ma, tuy nhiên họ chẳng hại ta đâu. Chị cho là thế...
Nàng không nói nữa. Nàng không muốn nhắc đến người chồng đã khuất khi sắp sửa lên đường tìm một người đàn bà mà bản thân thực lòng muốn sống bên người ta suốt phần đời còn lại. Nàng chẳng sợ dị nghị, đàm tiếu; chỉ sợ Hạnh bị liên lụy và cậu Phán trên giời cao cảm thấy ưu phiền.
Ngoài mẹ chồng, Nga chính là người rõ đức tính cậu Phán hơn bất cứ ai. Cậu ấy hiền lành và bao dung như vậy, chắc chắn sẽ cho phép nàng đi bước nữa sau khi đoạn tang. Song người ấy chẳng thể là đàn bà, và chắc chắn không nên là đàn bà. Ai dám tin nàng đã yêu thương một người đàn bà kia chứ?
- Nước đầy rồi, chị Nga.
Tiếng thằng Sinh chợt vang lên khiến Nga ngừng suy nghĩ mà mỉm cười, đáp:
- Ừ, ta mau trở lại thôi.
Thằng Sinh hẵng nhớ câu chuyện ban nãy bèn hỏi nàng rằng:
- Nghĩa là thầy u, anh Dư và em Thêm sẽ không làm hại Sinh, đúng không chị?
Nga gật đầu, ôn tồn dặn:
- Đúng vậy, Sinh ạ. Sinh hãy luôn nhớ đến thầy u, anh Dư và em Thêm, đồng thời yêu thương chị Lý, chị Gái. Chớ được làm các chị khổ sở vì mình.
Thằng bé tiếp ngay:
- Vâng. Sinh sẽ không khóc nữa. Sinh cũng muốn nhớn thật nhanh để che chở các chị.
Nga gượng cười khen: "Sinh ngoan quá," để nó được sung sướng, vững dạ và tạm quên đi tình cảnh bi thảm vừa đổ ập lên gia đình mình. Dẫu sao trí óc non nớt của nó cũng chưa hiểu rằng chỉ to xác thôi chưa đủ, người ta còn cần to ở quyền hành thì may ra mới có thể sống yên với đời.
Bấy giờ Liên đương bóp hai bên thái dương cho Gái, vừa thấy Nga và Sinh bước vào bèn hỏi thằng bé rằng:
- Mấy hôm nay chị em mày ăn gì?
Thằng Sinh lấm lét nhìn chị rồi đáp:
- Thưa, ăn rau dại luộc ạ. Bữa tối nay chị Gái mới ra chợ mua một ít tép do... do chị Dịu sang cho chúng em tiền.
Nga ngạc nhiên:
- Chị Dịu sang cho các em tiền?
Thình lình, cái Gái cất tiếng bảo thằng Sinh đi rót nước mời hai chị rồi trả lời:
- Vâng, chị Dịu sang tạ lỗi với chúng em và cho chúng em tiền. Ban đầu em kiên quyết từ chối nhưng chị ta cứ nằn nì mãi. Giời ơi, nhà em nào cần số tiền ấy nữa? Thầy u và các em em chết rồi, bây giờ mới đưa thì có ích gì?
Nga hơi ngạc nhiên trước hành vi của Dịu. Song vì biết rõ số tiền đó đến từ đâu bèn thanh minh thay nó:
- Chị mong em đừng trách cái Dịu, bởi thực ra nó cũng vừa được người ta cho tiền. Trước kia nó rất muốn giúp thầy em, nhưng khốn nỗi trên thân chẳng còn xu nào nên đành lực bất tòng tâm. Bây giờ chị chẳng giấu gì em, Gái ạ. Ấy là chị đã sang nhà nó và biết u nó luôn nghiến răng nhiếc móc nó cả ngày lẫn đêm. Trách nó sinh lòng thương hại không đúng nơi, khiến nhà nó mất một con trâu quý.
Cái Gái nghe vậy lại nghẹn ngào khóc. Nó nhớ đến gương mặt xanh xao của Dịu lúc quỳ xuống van nó hãy nhận tiền của mình, đồng thời liên mồm xin lỗi vì đã không thể giúp chị em nó sớm hơn. Song bấy giờ tâm trí nó chỉ rặt hận thù. Nó thù con người, thù cuộc đời, thù nỗi cơ hàn đã khiến cả nhà nó phải lâm vào cảnh khốn nạn như hôm nay. Thế là nó chửi Dịu một tràng, mặc chị ta cúi gằm mặt nghe.
Một chốc, Gái khổ sở hỏi Nga:
- Sao chị ta không nói, hử chị? Sao lần nào chị ta cũng im thít thế?
- Liệu nó nói em có tin không? Giống như hôm ở đình, các cụ lớn và chung quanh đều cố tình lấn át thầy em, chị Liên và cái Dịu vì họ không muốn tin. Họ đâu chịu lắng tai nghe để mà tin?
Liên vội bấu cổ tay Nga, lắc đầu tỏ ý nàng đừng mắng nó. Tuy nhiên nàng lại cau mày, nói thêm rằng:
- Người ta thường chẳng bận tâm bất cứ lý lẽ gì khi người ta đã quá tin vào lý lẽ của bản thân.
Cái Gái than một tiếng: "Giời ơi!" Trong khi hai hàng lệ tuôn ướt hai bên má. Nó đã phạm một sai lầm rất đỗi nghiêm trọng, ấy là luôn đem lòng oán trách dân làng không chịu nghe thầy nó thanh minh, nhưng chính nó lại trở thành kẻ cư xử y như thế. Nó hối hận. Nó muốn chạy ngay tới nhà Dịu để xin chị ta hãy tha thứ cho hành vi vô ơn của mình.
Chừng như đoán được Gái định làm gì, Liên liền giữ vai nó và bảo:
- Bây giờ cũng tối rồi, ai rỗi hơi mà thức chờ mày sang bày tỏ sự ân hận nữa? Để sáng mai hẵng đi.
Nga thấy thế bèn lấy số tiền đã chuẩn bị sẵn, đặt cạnh nó rồi tiếp lời thị:
- Các chị phải về đây. Mày chớ từ chối tấm lòng này của các chị, cầm lấy lo cho thằng Sinh biết chửa?
Thằng Sinh hãy còn đứng cạnh bàn, bên trên bày đôi chén mẻ đã rót đầy nước, tròn mắt nhìn cảnh đưa tiền như buổi chiều. Nó thấy áo chị Liên bị vá chẳng khác nào áo nó, thấy quần chị Nga đã bạc màu, thấy gót chân chị Dịu nứt nẻ bởi quanh năm dính đất. Ấy vậy mà các chị vẫn cho chị em nó tiền.
Quả tim nhỏ bé của nó đập rộn lên vì cảm động. Không lâu sau đã sụt sùi khóc theo cái Gái.
Bốn người uống chén nước rồi từ biệt nhau. Cái Gái đòi theo ra tận cổng nhưng bị Nga ngăn cản, đành đứng dựa vào cửa, yếu ớt trông theo mãi đến khi ánh sáng từ chiếc đèn dầu bị màn đêm nuốt chửng. Thằng Sinh hẵng bấu chặt vạt áo nó, rên rỉ:
- Lại tối rồi. Sinh sợ quá.
Gái mò mẫm một chốc rồi nắm tay em, cam đoan:
- Ngày mai chị sẽ ra chợ mua nến.
- Thật nhé, chị? Tối mai nhà mình phải có ánh sáng nhé?
Nó lẩm bẩm trả lời em nhưng lại như an ủi chính mình:
- Ừ. Tất cả sẽ sáng lên thôi, Sinh ạ. Tất cả sẽ sáng lên thôi.
***
Liên đóng cửa rồi ngoảnh lại bảo Nga:
- Đã muộn thế này mà dân làng hẵng đi lại nườm nượp, cô ạ. Quả đúng là đám ma của một nhà quyền quý.
Nàng đáp:
- Chỉ tội nghiệp cô Mơ.
- Phải, phải lắm.
Thị vừa nói vừa tiến về giường, nàng thấy vậy bèn nhích sát vào trong, chừa chỗ cho thị. Cũng chẳng bất ngờ khi tận mắt chứng kiến chị giấu con dao dưới gối để phòng thân.
Nàng cất tiếng gọi thị:
- Chị Liên này.
- Sao?
- Chị có bao giờ mong được gặp một người đàn ông rồi kết thúc quãng đời quạnh quẽ, lủi thủi không?
Thị sững sờ, song rất nhanh đã trả lời:
- Ai muốn lấy tôi kia chứ?
- Chỉ sợ chị không muốn, chứ tôi tin ngoài kia chẳng thiếu người có ý với chị. Hoặc là... chị cứ sống cùng một người đàn bà, miễn sao đỡ đơn côi.
Liên bật cười:
- Cô làm tôi hoảng hốt vì những suy nghĩ táo tợn trong óc cô đấy, cô Nga ạ.
Nga cũng cười:
- Bởi thế nên tôi mới quyết bỏ làng đi. Thậm chí trước khi khuất dáng còn cố tình khiến bà Phán phải lồng lộn lên. Và... chưa bao giờ tôi hả dạ như vậy, hóa ra đó là cảm giác hả hê, sung sướng khi được báo thù. Mặc dù tôi vẫn ái ngại cậu Phán trên giời cao sẽ buồn rầu vì tôi.
- Cậu ta buồn rầu vì cô thì quả đáng bị chửi. Mấy năm qua cô đã tận lực chăm lo mẹ cậu ta, chưa kể còn phải cam chịu tính tình quái gở ấy nữa. Nếu tôi là cô, tôi đã bỏ đi ngay sau một năm cậu ta chết chứ chẳng nấn ná đến hôm nay. Tôi chỉ hy sinh khi họ biết nhớ ơn tôi.
Nàng thoáng nghĩ đến chuyện giữa thị và cái Dịu, khẽ đáp:
- Đâu hẳn thế.
- Cô bảo sao?
- Không, chị ạ. Ta mau ngủ thôi.
Nghe vậy, Liên "ừ" một tiếng rồi thổi tắt đèn. Chiếc giường phát ra âm thanh kẽo kẹt mỗi lần thị trở mình nhưng chẳng bao lâu đã hoàn toàn yên ắng.
Nga quay mặt vào tường, thi thoảng lại vỗ ngực mấy cái để trấn an bản thân cùng quả tim đương đập nhanh và mạnh. Nàng bồn chồn vì sắp được gặp lại Hạnh, sắp được thấy cặp mắt luôn nhìn mình đầy âu yếm, cũng như đôi môi luôn mủm mỉm đầy dịu dàng.
Nàng cảm tưởng quãng đời trước mắt đương sáng bừng lên. Sau đó đưa mọi nỗi ấm ức, phiền muộn từ xưa đến nay về hẳn thời quá vãng.
Chẳng mấy chốc, bên trong nàng xuất hiện những tiếng gọi: "Chị Hạnh ơi, chị Hạnh ơi." Nàng sợ Liên biết nên chỉ âm thầm gọi tên người yêu, gọi thật nhiều và lần nào cũng chứa chan sự lưu luyến.
Nàng yêu Hạnh. Nàng sẵn lòng từ bỏ tất cả để được ở bên Hạnh. Nàng muốn được biết thế nào là một cuộc đời gắn bó, ân ái mà văn chương thường ca ngợi. Không. Nàng không tham lam thế, nàng chỉ muốn Hạnh mạnh khỏe để nàng được ở bên chị ấy.
Nàng chỉ muốn Hạnh.
***
Tờ mờ sáng, Nga đã choàng thức giấc dẫu chưa ngủ được bao lâu. Nàng toan ngồi dậy thì Liên cũng vươn vai rồi cất tiếng hỏi:
- Sao cô dậy sớm thế? Cô háo hức lắm chăng?
Nga nói, nửa thực nửa giả:
- Không, chị ạ. Tôi chỉ mong chóng rời khỏi đây trước khi lòng tôi quá đau đớn vì thầy u tôi.
- Ấy là chuyện sớm muộn. Ta còn lạ gì tính nết của mụ già đó hử cô? Nhưng tôi tin thầy u cô sẽ hiểu cho cô, họ chỉ lo khi không biết cô bỏ làng đi phương nào.
Nàng cúi đầu, vừa nói vừa xoa hai bàn tay:
- Tôi... bao giờ ổn định tôi sẽ biên thư cho thầy tôi.
Liên không mấy bận tâm về câu trả lời của Nga, chỉ bảo nàng rằng:
- Ừ. Bây giờ dậy sửa soạn đã. Chốc nữa hai ta đi bộ lên phố huyện, cô nhớ ra giếng lấy nước vì sẽ phải đi liên tục trong khoảng hai giờ đấy. Khi nào tới ga thì mua vé xe hỏa và như mong muốn của cô.
- Vâng.
Mãi đến lúc dừng ở nơi từng tiễn Hạnh, Nga vẫn chưa thể tin mình sắp sửa rời xa nơi mình chưa từng vắng mặt quá một tuần.
Nàng đã đẻ ra ở đây, lớn lên ở đây, và có lẽ sẽ yên thân nằm xuống ở đây như bao người dân khác nếu không gặp Hạnh.
Tình yêu cho nàng quyết tâm và cũng cho nàng một nỗi buồn se sắt. Bỏ làng, bỏ quê hương. Một khi bước qua con đường này là nàng sẽ chẳng được trở về thăm nó một cách bình thường. Chắc chắn chung quanh sẽ mỉa mai nàng giống như họ đã làm với chị Liên, dẫu gia đình chị có ơn rất lớn.
Thấy Nga ngần ngừ, Liên tưởng nàng hối hận liền khuyên:
- Nếu cô ân hận thì bây giờ quay về vẫn kịp đấy. Chỉ cần sống xa nhà mụ Phán một chút thì kiểu gì cũng yên ổn. Hơn nữa mụ ta già rồi, chẳng biết còn thở được mấy hôm.
Nàng bỗng quả quyết:
- Không! Tôi phải đi! Ban nãy tôi bần thần vì đương thành tâm từ biệt nơi đã ăn vào xương máu mình. Tôi chắc lần đầu tiên chị rời làng cũng có cảm giác ấy.
Thị gật đầu rồi quay mặt sang hướng khác. Thậm chí cũng vì "cảm giác ấy" nên thị mới gạt hết liêm sỉ để vác mặt về lần cuối. Sau đó tình cờ đâm sầm vào Nga và cả hai cùng đứng đây hôm nay.
Đoạn, Nga đảo mắt hòng ngăn nỗi xúc động trào ra rồi bảo Liên, giọng khàn khàn:
- Ta đi nào, chị Liên.
Thị gật đầu, cũng chẳng ngoảnh lại nhìn chốn cũ nhiều như nàng. Thị đã rõ lắm việc một lần bước chân đi là mỗi khi bước chân về sẽ ngập ngụa trong lời xì xầm, bàn tán. Nga lại xinh đẹp như vậy, liệu đám láng giềng kia sẽ thêu dệt điều kinh hãi gì để gán cho Nga?
Thị nói bâng quơ:
- Ta yêu quê hương chứ không yêu người ở quê hương.
Nàng lập tức đồng tình:
- Vâng, vâng. Đích xác là thế.
- Cô Mơ hẳn cũng tự tử vì lẽ ấy. Họ thường tự tử vì tiền, vì tình hoặc vì chẳng chịu nổi con người. Đáng buồn hơn là kể cả khi đã chết, người ta vẫn tiếp tục bàn tán, chiếc móc họ tới khi chán mới thôi.
Nga bần thần nghĩ ngợi. Quả thực không bao lâu nữa cậu Thỉnh sẽ lấy một thiếu nữ khác và lãng quên Mơ, nhưng dân làng Điềm thì chẳng dễ dàng như vậy. Cái tiếng bất hiếu, nhu nhược, hỗn xược sẽ theo cô như tội danh thiên cổ. Cũng sẽ dày xéo tim gan người thực lòng yêu cô mà buộc phải ở lại.
Ngôi làng nhỏ dần rồi từ từ khuất sau lưng hai người đàn bà. Nga chợt thấy lòng mình khoan khoái lạ. Sự phấn chấn ấy khác hẳn lần nàng được theo chồng đi xa, bởi nàng chưa bao giờ mong chờ một chuyến đi như thế.
Và hơn hết cả, nắng mai còn đương chiếu xuống và sưởi ấm từng bước chân nàng, như muốn khích lệ để nàng bớt nhọc mệt.
Nga mủm mỉm cười. Tự nhủ vất vả một chút nữa thôi, ta sẽ đến Hà Nội, sẽ được gặp Hạnh và hưởng niềm sung sướng bậc nhất trên đời.
---
12.12.2024
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top