NGƯỜI MỸ: SIÊU DẲNG VỀ THÔNG TIN/TRUYỀN THÔNG (2)- Phạm Việt Long - 20


Tiếp đó, giáo sư Đan Mác-tin trình bầy một loạt vấn đề liên quan đến việc xây dựng và phát triển trang web, trong đó tập trung vào quá trình lập kế hoạch.

Cuối buổi, giáo sư Mác-tin Su-lơ-man nói nửa đùa nửa thật:

- Muốn tìm thông tin về một nước nào đó thì hãy vào trang web của CIA - đó là trang phong phú nhất. Bây giờ CIA đang có nhu cầu tuyển mộ lính mới, nhất là những người biết tiếng Arập (mọi người đều cười). Tôi có nói chuyện với một thương gia người Trung Quốc, ông này tỏ ý băn khoăn về nạn chảy máu chất xám – những người có trình độ của Trung Quốc đều bị thu hút về Mỹ. Một trong những lý do của việc này là vì ở Trung Quốc họ không truy cập được In-tơ-nét – không tiến bộ được.

Không biết rằng thông tin do giáo sư Mác-tin Su-lơ-man thu nhận được từ nguồn nào, chứ theo thông tin tôi có, thì Trung Quốc phát triển khá mạnh In-tơ-nét, có dạo đã bùng nổ các quán cà phê In-tơ-nét, chứ làm gì có chuyện một trí thức không thể truy cập In-tơ-nét để đến nỗi phải chạy sang Mỹ?

Cũng không hiểu từ nguồn thông tin nào, mà giáo sư Mác-tin Su-lơ-man nói: "Việt Nam cũng thấy khi dùng In-tơ-nét sẽ có nhiều nguy cơ. Tôi không nói đến việc có nguy hiểm hay không khi dùng In-tơ-nét, mà nói đến việc hiểu nhau. Hãy nghĩ đến mặt trái nếu không dùng In-tơ-nét, và người Việt Nam phải quyết định cho mình chứ không phải người khác quyết định." Tôi rất quý giáo sư Mác-tin Su-lơ-man bởi tính chân thực và nhiệt tình của ông, nhưng cũng thấy băn khoăn về việc những thông tin về Việt Nam đến với ông thường không toàn diện, khiến ông có thể hiểu sai một đất nước mà ông đã hai lần đặt chân đến. Tôi phải giải thích với giáo sư rằng Việt Nam có cảnh báo về những nguy cơ khi không quản lý tốt In-tơ-nét, nhưng về cơ bản, thì Việt Nam khẳng định In-tơ-nét là công cụ hữu hiệu cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cần phát triển, và thực tế Nhà nước Việt Nam đã có nhiều biện pháp phát triển In-tơ-nét. Nhân đó, tôi thông báo với các bạn Mỹ rằng vào buổi sáng ngày 12 tháng 10, trước khi lên máy bay bay sang Hoa Kỳ mấy tiếng đồng hồ, tôi đã dự buổi hội thảo qua cầu truyền hình Việt - Mỹ về thương mại điện tử. Trong buổi hội thảo này, từ Oa-sinh-tơn, ông Giám đốc Ngân hàng Thế giới đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có nhận thức đúng đắn về thương mại điện tử và đã có biện pháp xúc tiến nó, Chính phủ Việt Nam vừa thấy lợi ích của nó, vừa thấy những nguy cơ mà nó có thể đem lại; nhìn chung, so với 51 nước mà ông giám đốc Ngân hàng Thế giới đã tiếp xúc, thì Chính phủ Việt Nam tích cực hơn trong kế hoạch xúc tiến thương mại điện tử. Như thế chứng tỏ Việt Nam không bài xích In-tơ-nét, mà ngược lại, đang chủ động nắm bắt, làm chủ nó, đưa nó vào cuộc sống. Các bạn Mỹ đều tỏ ra ngạc nhiên về thông tin này. Rõ ràng là giáo sư Su-lơ-man rất đúng khi nói rằng mọi người cần hiểu nhau.

Nhìn chung, xuyên qua những vấn đề có tính lý thuyết và kỹ thuật trong các buổi thảo luận về thông tin/truyền thông, về In-tơ-nét, điều mà chúng tôi thấm thía là cần nhanh chóng sử dụng công nghệ thông tin, In-tơ-nét phục vụ hoạt động văn hoá, nghệ thuật, trong đó nhấn mạnh vai trò của thông tin trong việc tuyên truyền, đưa văn hoá, nghệ thuật đến với công chúng. Nói cho khách quan, thì đó là điều còn khá xa lạ đối với những người quản lý các đơn vị nghệ thuật ở nước ta, tất nhiên, họ không bài xích nó, nhưng họ chưa có đủ hiểu biết và khả năng làm chủ nó.

Còn người Mỹ, kể cả những người quản lý nghệ thuật, họ có nhận thức sâu sắc về vai trò của thông tin/truyền thông và có khả năng tuyệt vời trong việc ứng dụng các công nghệ để chuyển tải thông tin. Trong tất cả các buổi làm việc từ hôm sang Mỹ đến nay, không lần nào tôi không nghe người Mỹ nhấn mạnh rằng cần phải tổ chức thông tin/truyền thông thật tốt để quảng bá mình, để tiếp cận với công chúng, để quảng cáo, bán hàng... Chính vì thế mà, cộng với sức mạnh kinh tế, người Mỹ đang sử dụng khá hiệu quả thông tin và truyền thông để tiến hành chiến lược toàn cầu hoá. Cũng chính vì thế, người Mỹ đã thật sự thành công khi muốn biến điều gì đó của nước mình thành vấn đề của toàn cầu. Một đất nước như thế, tất sẽ sinh ra một ông vua về công nghệ thông tin, và trên thực tế, ông vua công nghệ thông tin đã được sinh ra trên đất Mỹ, đó là Bin- ghết.

Tôi muốn đi sâu hơn xuống một tầng của thông tin, đó là tầng chiến tranh tâm lý, mà trong đó, Mỹ cũng là loại siêu hạng. Thảm hoạ 11 tháng 9 là một ví dụ. Nhờ lực lượng thông tin hùng hậu và cách thức đưa thông tin/truyền thông tập trung, có chủ đích rõ ràng, người Mỹ đã nhanh chóng lan toả nỗi đau do khủng bố trên đất nước mình thành nỗi đau chung của nhân loại, sau đó biến nỗi đau đó thành sự hận thù và các hành động trả đũa dưới danh nghĩa chống khủng bố, để rồi họ dễ dàng tiến công Áp-ga-nit-xtan mà không cần sự thông qua của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tổng thống Busơ nói rằng Bin Lađen là kẻ khủng bố số một, là kẻ bị tình nghi số một chủ mưu tổ chức cuộc khủng bố hôm 11 tháng 9, thì toàn bộ hệ thống tuyên truyền của họ tập trung cho thông tin ấy, không cần bằng chứng, không cần phân tích dài dòng, kết quả là cả thế giới đều gọi Bin Lađen là kẻ khủng bố số một, là kẻ chịu trách nhiệm chính gây ra thảm hoạ 11 tháng 9. Ngay trong cách thức tuyên truyền của họ về nguy cơ bệnh than "do khủng bố" cũng có sức lan toả như một làn sóng điện vô tận, khiến cả thế giới run giật lên từng hồi.

Tôi muốn giới thiệu chi tiết hơn về hoạt động của bộ máy tuyên truyền Mỹ xung quanh thảm hoạ 11 tháng 9 để thấy họ hoạt động vì ai, họ có khách quan hay không, và báo chí Mỹ có tự do hay không?

Trong cuộc chiến vùng Vịnh, Mỹ đã chiến thắng trước hết trên mặt trận truyền thông. Sự độc quyền về thông tin khiến Mỹ đã vẽ nên hình ảnh "chính nghĩa" của cuộc chiến mà người Mỹ tiến hành để xâm lược Irắc. Tổng thống Sát-đam Hu-sen muốn đưa hình ảnh người dân thường bị chết vì bom Mỹ cho thế giới thấy thì phải "nhờ" CNN. Sự thông tin/truyền thông và giải thích thông tin về chiến tranh vùng Vịnh thế là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của người Mỹ.

Trong cuộc "trả đũa" những kẻ khủng bố lần này, Mỹ cũng muốn tạo ra một mặt trận thông tin/truyền thông mà Mỹ là người làm chủ.

Tìm hiểu thực tế trên đất Mỹ, đối chiếu với các thông tin có liên quan trên báo chí Pháp, Mỹ và Việt Nam, tôi nhận thức rõ rệt một sự thật là giới truyền thông Mỹ rất có ý thức chính trị, đồng thời giới cầm quyền Mỹ cũng quản lý rất chặt chẽ, hướng luồng thông tin vào những chiều có lợi cho nước Mỹ và ngăn chặn những luồng thông tin bất lợi đối với họ. Ngay sau thảm hoạ 11 tháng 9, các đài truyền hình Mỹ tự động đồng loạt đình ngay các chương trình chiếu phim có liên quan đến nội dung khủng bố, bom nổ, người chết hàng loạt... Ví dụ kênh FOX thay thế phim "Ngày độc lập" bằng phim hài nhẹ nhàng "Bà Đo-phrơ", ABC thay thế "Người gây dựng hoà bình" bằng phim tình cảm "Con tàu hy vọng". Theo giới chức Mỹ ước tính, đã có ít nhất 5.500 người thiệt mạng trong vụ tấn công vào nước Mỹ, nhưng chẳng ai trông thấy một thi thể nào trên các phương tiện truyền thông ở Mỹ lẫn ở nước ngoài. Hàng nghìn quan tài đã được đưa đến khu đảo Man-hát-tan, nhưng không một đài truyền hình Mỹ nào đưa lên màn ảnh cảnh vận chuyển thê lương đó. Hình ảnh về người Mỹ chịu thảm cảnh được chiếu trên truyền hình chỉ xuất hiện một lần duy nhất, đó là trường hợp đài NBC chiếu cảnh mấy nạn nhân nhảy từ toà tháp xuống. Tổng giám đốc MSNBC khẳng định: "Chúng tôi đã quyết định không trình chiếu quá nhiều hình ảnh đau thương". Sau ngày 11 tháng 9, những người bám sát các kênh truyền hình Mỹ đều đồng tình với nhận xét của Xa-viê đơ Gia-co-mơ-ni, đặc phái viên của đài LCI ở Niu-Yoóc: "Tôi xem CNN mỗi đêm. Quả thật tôi không thấy một hình ảnh máu me nào. Cánh phóng viên nước ngoài đều nhìn nhận các đồng nghiệp Mỹ đã tránh quay những cảnh tang thương vì lòng ái quốc, họ không muốn tạo thêm tâm lý lo sợ trong công chúng". Phơrăngxoa Giêrê, Giám đốc Viện ngoại giao và quốc phòng Pháp, phân tích: "Đối với người Mỹ, đưa hình người chết là phạm điều cấm. Sự cấm đoán về mặt văn hoá đó đã xuất hiện trong thời chiến tranh ở Việt Nam. Đó là thời của những phóng sự truyền hình đầu tiên và những phóng sự này đã ghi hình lính tử vong. Ảnh hưởng của chúng đối với dư luận Mỹ tệ hại đến mức Ban Quan hệ công chúng của quân đội Mỹ đã yêu cầu phải ngừng cách thực hiện phóng sự như vậy. Trong thời kỳ chiến tranh vùng Vịnh, những hình ảnh hiếm hoi về các thi thể lính Mỹ chỉ được ghi hình từ phía xa." Tất nhiên, sự cấm đoán chiếu hình ảnh thi thể và máu me đó trên màn hình chỉ áp dụng trong trường hợp những nạn nhân là người Mỹ. Chứ còn cảnh xương tan thịt nát, máu me đầm đìa trong các thảm hoạ chiến tranh mà người Ru-an-đa hay người Pa-lex-tin là nạn nhân thì vẫn được trình chiếu trước những cái nhìn vô cảm của người Mỹ. Lần này, canh phòng chặt chẽ hơn mặt trận thông tin, chính quyền Mỹ kiểm duyệt theo kiểu hàng rào an ninh đối với giới truyền thông khiến cánh phóng viên nước ngoài bực tức. Đài I Têlêviziôn kể lại: "Người ta lập hàng rào an ninh dày đặc. Cánh phóng viên đến làm việc đều bị kè sát. Đài truyền hình nước ngoài càng không được đặt chân vào khu đào bới (Những phóng viên được phép vào quay ở khu vực cứu nạn chỉ có 10 phút để ghi hình mỗi ngày). Những hình ảnh dành cho chúng tôi chỉ là những hình ảnh do các camêra tự động của CNN ghi lại. Ở bệnh viện, phi trường... cánh phóng viên cũng gặp phải cái lắc đầu từ chối của lực lượng an ninh". Tai-ry Tuy-lơ, Tổng biên tập phụ trách mảng chính trị nước ngoài đài Phơ-răng-xơ 2 của Pháp, cho biết: "Người ta đang kiểm tra thông tin, vì theo như ông Busơ vẫn nói đi nói lại, nước Mỹ đang trong tình trạng chiến tranh." Lập hàng rào an ninh chưa đủ, Chính phủ Mỹ còn đòi các báo phải tự kiểm duyệt. Các đài truyền hình phải cắt giảm thời lượng đưa tin. Các nhà báo Mỹ không còn được tự do hành nghề. Tờ Thời báo Niu-Yoóc nói lên tình cảnh hiện nay của các báo và đặt câu hỏi: Báo chí và dư luận được quyền thông tin đến đâu trong cuộc chiến? Thiếu tin tức, khó tiếp cận thông tin, hiện họ đang bị mắc kẹt không lối thoát. Muốn làm tròn nhiệm vụ đưa tin về một chủ đề rất phức tạp, đồng thời lại không được chỉ trích chính phủ trong thời điểm khủng hoảng quốc gia này, họ đành phải tỏ ra ôn hoà, thận trọng, phải hợp tác với Nhà Trắng nhân danh "bảo vệ tổ quốc". Bài báo viết: "Nhà Trắng yêu cầu các đài truyên hình và các báo phải giảm tối đa việc đưa tin và hình ảnh "tuyên truyền", nhất là "những thông điệp cài mật mã'' của Bin Lađen. Có nghĩa là báo chí không được vô tình bị kẻ thù thao túng. Các hãng truyền hình lớn tỏ ra rất thận trọng khi xử lý thông tin. Không ai muốn bị tố cáo là không hợp tác với cuộc chiến chống khủng bố". Trong chiến tranh vùng Vịnh, Phó Tổng thống Đíc Che-ny hiện nay, hồi đó là Bộ trưởng quốc phòng, và ngoại trưởng Co-lin Pô-oeo hồi đó là Tổng tham mưu trưởng, đã phân phát thông tin và các chỉ thị cho các nhà báo với tinh thần kỷ luật thép. Năm 1996, tướng Pô-oeo (nay là Bộ trưởng ngoại giao Mỹ) đã nói với nhà báo Barie Dunsmore rằng nếu Mỹ đang thua trận mà giới truyền thông hở ra điều đó với kẻ thù "thì tôi sẽ bỏ tù tất cả các người và nhân dân Mỹ sẽ xé xác các người." Một trong những lý do khiến Lầu Năm góc cố gắng thiết lập quan hệ mới với U-dơ-bê Ki-xtan là vì trong một xã hội khép kín như thế, giới truyền thông rất khó xâm nhập để khai thác thông tin. Một sĩ quan không quân Mỹ nói: "Chúng ta có thể bố trí máy bay ở đó mà CNN không thể mò tới quay phịm được". Và bây giờ, Chính quyền Mỹ đã đặt báo chí vào một cách lựa chọn duy nhất là ủng hộ Chính quyền phát động chiến tranh dưới danh nghĩa "chống khủng bố"!

Qua thảm hoạ 11 tháng 9, các phóng viên nước ngoài càng có thái độ bực tức khi làm việc tại Niu-Yoóc và Oa-sinh-tơn vì bình thường Mỹ vẫn hay rêu rao về nền báo chí tự do tuyệt đối của mình, mà trên thực tế thì họ đã trói chân trói tay cánh nhà báo nước ngoài. Thực ra, bản thân nhiều phóng viên nước ngoài cũng không nỡ giương máy ảnh hoặc ống kính ca mê ra để ghi hình những thi thể. Họ không dám làm vì cảm thấy quá bất nhẫn. Nói như Heve Brusini, Giám đốc thông tin của đài Phrăng-xơ 3: "Cảnh hai chiếc máy bay đâm vào toà nhà đã chưa đủ khủng khiếp hay sao?". Cánh phóng viên nước ngoài tỏ ra bực tức còn vì cái gọi là "tính đạo đức'' của đồng nghiệp Mỹ có thể thay đổi khi nạn nhân mang quốc tịch khác. Đô-mi-nic Uâ-tơn, Giám đốc nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, cho biết: "Thường thì người Mỹ ít bị xúc động hơn khi các thi thể là người nước ngoài. Lần này những kẻ thường rao giảng cho người khác về tự do báo chí hẳn đã có phản ứng ngăn người khác trình chiếu hình ảnh người mình chết. Nhưng câu chuyện này cũng sẽ dạy một bài học nhớ đời cho giới truyền thông phương Tây vốn không ngại ngần khi quay những cảnh thảm sát xảy ra tại Ru-an-đa..."

Do Chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt với giới truyền thông với lý do "nhằm hạn chế tối đa thông tin về kế hoạch tấn công có khả năng lọt vào tay quân khủng bố", mọi thông tin về cuộc chiến, dù là bình thường, cũng phải được kiểm duyệt trước khi đưa ra công khai. Mạng In-tơ-nét của bộ Quốc phòng Mỹ đã ngừng đưa các vị trí neo đậu của tàu chiến hoặc các địa điểm tập kết quân. Báo giới, kể cả những tập đoàn truyền thông lớn, cũng không được cử đặc phái viên bám vào các căn cứ quân sự để đưa tin. Khu vực đổ nát ở Trung tâm Thương mại Thế giới, vào dịp chúng tôi tới thăm, đã bị ngăn cách bởi các hàng rào và lính canh và tất cả các thiết bị ghi hình như máy ảnh, máy quay, vi-đê-ô đều bị cấm sử dụng, theo lệnh của Thị trưởng thành phố Niu-Yoóc Ru-đóp-phơ Gui-li-a-ni. Thực ra, không đợi đến dịp "chống khủng bố", nhân danh giữ bí mật vì lợi ích quốc gia để bịt thông tin, mà từ nhiều năm trước đó, chính quyền Mỹ đã có những đạo luật hạn chế công dân tiếp cận các nguồn thông tin. Đạo luật về quyền tự do tiếp cận thông tin được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1966 và được củng cố vào năm 1974 sau vụ Oa-tơ-ghết đã quy định chín trường hợp mà người dân không được tiếp cận thông tin như sau:

1. Những thông tin mật về an ninh quốc gia.

2. Những quy định về giám sát hoạt động của các nhân viên thuộc các cơ quan liên bang.

3. Nhưng thông tin về vũ khí hạt nhân, nguồn tin tình báo và phương thức tình báo trừ khi có một đạo luật được Quốc hội thông qua cho phép công bố.

4. Bí quyết kinh doanh hoặc những thông tin về thương mại và tài chính.

5. Tài liệu của các cơ quan phụ trách vấn đề trong nước, chẳng hạn như tài liệu thảo luận về việc có nên bổ sung tên của một số loài động vật vào đạo luật bảo vệ những loài thú đang có nguy cơ bị tuyệt chủng không.

6. Thông tin liên quan đến vấn đề riêng tư của cá nhân.

7. Hồ sơ điều tra về thực thi pháp luật.

8. Hồ sơ về các tổ chức tài chính.

9. Tài liệu về các giếng dầu, kể cả bản đồ địa lý của các giếng dầu đó.

Những cố gắng của giới cầm quyền Mỹ ngăn chặn hoặc điều chỉnh thông tin/truyền thông theo hướng có lợi cho Mỹ sẽ phát huy tối đa hiệu quả nếu như trong cuộc chiến này, Mỹ không vấp phải một trở lực từ bên ngoài. Đó là Bin Lađen đã sử dụng hai "vũ khí tuyên truyền" lợi hại là đại sứ kiêm người phát ngôn Ta-li-ban tại Pa-ki-xtan A-đu Sa-lam Dép và đài truyền hình An Gia-gi-a. A-đu Sa-lam Dép luôn luôn có thông tin từ phía Ta-li-ban và tiếp cận được với dư luận cũng như thông tin địa phương, cho nên đã tạo ra được một thế trận tuyên truyền ngày càng có lợi cho Ta li ban. Còn đài An Gia-gi-a tuy không phải là công cụ riêng của Bin Lađen, nhưng lại là nơi truyền đi những tin tức, hình ảnh về thực trạng Áp-ga-ni-xtan gây bất lợi cho Mỹ. Trong khi CNN phải đứng ngoài biên giới Áp-ga-ni-xtan thì An Gia-gi-a là cơ quan truyền thông ngoại quốc duy nhất được Ta-li-ban cho phép hoạt động trong vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát, cho nên các hãng thông tin Mỹ như CNN, FOX News, NBC phải mua lại chương trình độc quyền của An Gia-gi-a, kể cả những chương trình ghi hình và ghi âm kẻ thù số một của Mỹ là Bin Lađen. Đài An Gia-gi-a luôn luôn theo sát, đưa tin nóng hổi về tình hình áp-ga-ni-xtan và Mỹ luôn luôn phải chạy theo phủ nhận những tin tức ấy. Ngoại trưởng Mỹ Co-lin Pô-oeo lên án đài này là "vô trách nhiệm, độc ác" vì đã cho phát băng hình có cảnh Bin Lađen khen ngợi hành động tấn công nước Mỹ ngày 11 tháng 9. Chính quyền Mỹ xếp đài này vào "sổ đen". Trên cuộc chiến truyền thông này, Bin Lađen tỏ ra sắc sảo không kém người Mỹ. Ông ta biết "tung" hình ảnh của mình cùng những lời nói mang tính mê hoặc như lời thánh truyền chứ không hung hăng, hiếu chiến, trong một bối cảnh những vách núi đá trầm lặng gợi lại hình ảnh nhà tiên tri Ma-hô-mơ, người sáng lập Hồi giáo, có sức lay động lòng người vào ngay sau cái đêm Mỹ hùng hổ tung không lực vào đánh Áp-ga-ni-xtan hòng bắt sống ông ta. Tất cả các đài truyền hình, các hãng thông tấn đổ xô vào mua đoạn băng này để phát đi khắp thế giới. Thế là tạo ra cái cầu truyền hình để Bin Lađen đấu khẩu với Busơ! Ngày 22 tháng 10, cũng chính đài An Gia-gi-a đã phát đi hình ảnh về vụ chiếc máy bay trực thăng chở thám báo Mỹ đổ bộ xuống Áp-ga-ni-xtan bị Ta-li-ban bắn rơi tại vùng núi Ba-ba Sa-hít gần thành phố Kan-đa-ha của Áp-ga-ni-xtan chứ không phải bị tai nạn rơi trên lãnh thổ Pa-ki-xtan như Lầu Năm góc tuyên bố, đồng thời tố cáo Mỹ sử dụng vũ khí hoá học và sinh học ở Áp-ga-ni-xtan. Có lẽ vì thấy nguy cấp quá, chính quyền Mỹ phải thực hiện gấp nhiều việc để khống chế thông tin. Bộ Quốc phòng Mỹ chi hàng triệu USD để ngăn chặn giới truyền thông phương Tây tiếp cận những bức ảnh vệ tinh có độ nét cao chụp hình ảnh nói lên những hậu quả do bom Mỹ gây ra ở Áp-ga-ni-xtan, và đã quyết định cắt đường truyền ảnh khi có tin nhiều thường dân bị thương vong trong vụ ném bom trại huấn luyện gần Đa-run-ta, Tây Bắc thành phố Ja-ta-la-bát.

Chính quyền Mỹ cũng đã giao cho bà Co-đô-li-gia Rai-cơ, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, lên tiếng "nhắc nhở" các đài truyền hình cần kiềm chế và tốt hơn hết là không nên phát lại các cuốn băng phát hình Bin Lađen phát biểu. Trò bịp là ngón nghề của giới chính trị Mỹ, trong trường hợp này được biểu hiện bằng việc bà Cố vấn an ninh khôn khéo lái chuyện thông tin/truyền thông sang vấn đề an ninh khi bà ta cảnh báo rằng đây chính là thủ đoạn tuyên truyền của Bin Lađen, và hơn thế nữa, Bin Lađen có thể lợi dụng hình thức phát hình để tạo ra mật mã truyền đạt các chỉ thị cho thuộc hạ. Cố gắng xoay chuyển tình thế, Mỹ tìm cách lợi dụng đài này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Đô-nan Răm-sơ-ten đã dành cho đài này một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình với hy vọng phía bên kia chiến tuyến có thể nghe được tiếng nói cũng như những cử chỉ nghiêm khắc của mình. Nhiều nguồn tin cho biết Mỹ đang tìm mọi cách, kể cả tung tiền ra mua đài truyền hình này. Nhưng những cố gắng ấy không mấy giúp người Mỹ đạt được ước nguyện. Những hình ảnh mà Mỹ muốn nhồi nhét vào đầu người Hồi giáo để chinh phục họ từ tâm hồn và trí tuệ đã không đến được với người Hồi giáo như Mỹ mong muốn. Còn những hình ảnh về cuộc chiến mà Mỹ muốn tô vẽ cho mình thì đã bị nhiễu loạn bởi những hình ảnh đối nghịch do đài An Gia-gi-a tung lên sóng. An Gia-gi-a đã góp phần tạo nên một dư luận chống Mỹ, nhất là chống hành động giết hại dân thường của Mỹ trong thế giới Arập cũng như trên toàn thế giới. Quyết tâm xoay chuyển tình thế, Mỹ tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền và chiến tranh tâm lý. Cái món hổ lốn cây gậy và củ cà rốt tưởng như đã lỗi thời từ hàng thập kỷ qua, bây giờ chính quyền Busơ lại đem ra sử dụng, chỉ có điều là nó hiện đại hơn xưa. Đó là việc từ ngày 7 tháng 10, Mỹ đã kết hợp trút tên lửa vào các mục tiêu Ta-li-ban và thả hàng viện trợ cho người dân Áp-ga-ni-xtan. Đói khát, có những cháu nhỏ ngây thơ đi tìm nhặt thứ hàng "nhân đạo" đó. Than ôi, không rõ là vì cớ gì mà người Mỹ lại làm những quả bom bi giống những gói đồ ăn "cứu trợ" đến thế, đều tròn tròn, nho nhỏ, có vỏ bọc mầu vàng, và lại thả hai thứ này cùng một khu vực, làm cho nhiều cháu nhỏ bốc phải bom bi, gây nổ và thiệt mạng. Lại có trường hợp, không biết có phải do trời cố tình vạch mặt giả dối của Mỹ không, mà khiến cho một thùng hàng "cứu trợ" do máy bay Mỹ thả xuống rơi trúng nhà của một người dân Áp-ga-ni-xtan làm thiệt mạng một phụ nữ và một cháu nhỏ, khiến cho người dân nước này càng căm thù Mỹ và đã tẩy chay món hàng ''cứu trợ" khó nhằn ấy.

Đối lại cây gậy và củ cà rốt của Mỹ, vị Hoàng tử Arập Sau-đi Ai-oa-lít Bin Ta-tan có món đồng đô la và cái lưỡi khi tuyên bố tặng nhân dân Niu-Yoóc 10 triệu USD kèm lời bình: "Những vụ khủng bố ở Mỹ là kết quả tất yếu cho những gì Mỹ đã gây nên ở khu vực Trung Đông. Tôi tin rằng chính phủ Mỹ sẽ xem lại các chính sách của mình ở khu vực này cũng như có những lập trường công bằng hơn đối với những người Pa le xtin." Tất nhiên, người Mỹ không thể tiêu hoá nổi cái "món ăn" hổ lốn ấy, cái "món ăn" mà họ chính là người "sáng tạo" ra "thực đơn", bởi họ có thói quen áp đặt cho người khác những thứ mà họ không thích. Cũng chính vì thế mà thị trưởng Ru-đôn-pho Gui-li-a-ni từ chối phắt tấm séc đó. Về mặt tuyên truyền, các quan chức Mỹ tăng cường số buổi diễn thuyết tại I-sơ-la-ma-bát và chính quyền Mỹ quyết định lập Đài phát thanh Áp-ga-ni-xtan. Với 405 phiếu thuận, 2 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã nhất trí viện trợ 27 triệu USD cho kế hoạch thành lập "Đài phát thanh Áp-ga-ni-xtan tự do". Mỗi ngày đài này phát các bản tin trong 12 giờ bằng các thứ tiếng địa phương của người Áp-ga-nix- tan. Đây được coi là cuộc chiến tranh tâm lý nhằm giành chiến thắng trên hai mặt trận quân sự và tuyên truyền. Đây cũng là biện pháp cổ lỗ mà Mỹ vẫn áp dụng xưa nay hòng nhồi nhét tư tưởng Mỹ vào đầu óc nhân loại, trong đó lập ra hoặc tài trợ cho hàng chục đài phát thanh chĩa vào Việt Nam, CuBa cũng như nhiều quốc gia khác hàng ngày phát đi nhiều buổi phát thanh tuyên truyền chính trị, kêu gọi lật đổ. Nhưng, những ngón đòn ấy không phát huy nổi sức mạnh trước ý thức chính trị cao của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân CuBa. Còn trong cuộc chiến này, chưa rõ kết quả ra sao, nhưng Tổng thống Nga V. Putin đã cảnh báo rằng Mỹ có thể chiến thắng bằng sức mạnh quân sự trên chiến trường, nhưng Mỹ lại đang thua trong cuộc chiến tranh thông tin do các lực lượng khủng bố hoạt động ngày càng mạnh mẽ và tinh vi.

Vừa tìm cách bưng tai bịt mắt nhân dân thế giới, chính quyền Mỹ vừa tập trung vào việc nhồi sọ nhân dân Mỹ những tư tưởng hận thù, hiếu chiến và kiêu ngạo. Phương pháp tuyên truyền của họ vẫn là tập trung, với những thông tin ngắn gọn, mang tính áp đặt. Mở truyền hình Mỹ, tôi thường bắt gặp hình ảnh và những lời tuyên bố hiếu chiến của Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, hoặc hình ảnh binh lính Mỹ đang đổ bộ vào Áp-ga-ni-xtan. Truyền hình cũng phát đi lời giải thích của Tổng thống Busơ rằng người ta khủng bố nước Mỹ vì người ta căm thù tự do trên đất nước này. Những tin tức, hình ảnh ấy rất ngắn, nhưng được phát đi phát lại nhiều lần trong một ngày, in hằn vào não người xem nhận thức rằng chính quyền Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh chính nghĩa. Ngay cả với điện ảnh, chính quyền Mỹ cũng tìm cách kéo vào guồng máy chiến tranh tâm lý. Các nhân viên của chính quyền Busơ đã gặp các nhà lãnh đạo ngành điện ảnh và truyền hình, kêu gọi họ tham gia cuộc chiến. Những nỗ lực của việc hợp tác giữa điện ảnh với Chính phủ sẽ là việc giúp Chính phủ truyền bá hình ảnh của nước Mỹ ra nước ngoài. Ngược lại, những ai đưa ra những thông tin bất lợi cho Mỹ, người đó sẽ bị ngăn cản ngay, cho dù người đó là ai. Chính cựu Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn đã là nạn nhân của sự đối xử thô bạo ấy. Sự việc mới xảy ra sau thảm hoạ 11 tháng 9, khi vị cựu Tổng thống này đến phát biểu tại trường đại học Gioóc-giơ, trong đó vạch trần nguyên nhân gây căn bệnh "ghét Mỹ" lan tràn trong lòng người, thậm chí ở ngay cả các nước đồng minh Châu Âu, là khoảng cách giàu nghèo, sự ngạo mạn nước lớn của Mỹ. Trong khi dư luận đang rất xôn xao sau bài phát biểu này, thì dòng báo chí chính thống của Mỹ lại im lặng một cách cố ý. Hai tờ Niu-Yoóc Times và Oa-sinh-tơn Post phản ứng với vị cựu Tổng thống của mình bằng cách không đăng thông tin về bài phát biểu này. Đài CNN cũng chỉ tóm lược bài phát biểu một cách sơ sài, trích dẫn những đoạn ít gây tranh cãi nhất, bỏ qua những đoạn mà vị cựu Tổng thống Hoa Kỳ chỉ trích chính quyền Mỹ. Thậm chí, báo chí Mỹ còn moi móc chuyện cá nhân của Bin Clin-tơn với Len Uynh-sơ-ky và chỉ trích vị cựu Tổng thống này do vướng bận vào các chuyện bê bối tình ái đã không cương quyết trừng phạt những kẻ khủng bố dưới thời ông ta cầm quyền, để đến nỗi bây giờ nước Mỹ chịu thảm hoạ ghê gớm như thế này. Báo chí Mỹ đã không đặt ngược lại vấn đề rằng giả sử Bin Clinton ra lệnh tàn sát dân chúng một vài nước nhân danh chống khủng bố, thì chắc gì số người Mỹ chết trong thảm hoạ 11 tháng 9 đã dừng ở con số 5.000. Chính bởi lối tuyên truyền lệch lạc như trên của Mỹ, mà nhân dân Mỹ khó có cái nhìn khách quan về chính đất nước mình. Nhà văn Mỹ Ru-xen Banh, hiện đang làm việc tại Hội nhà văn tiểu bang Niu-Yoóc, thuộc trường đại học Niu-Yoóc, đã bộc bạch: "Tôi đã nghĩ rất nhiều về sự kiện ngày 11 tháng 9, cố loại bỏ trong đầu những phép tu từ kiểu sô vanh mà một số nhà chính trị và các "học dởm" của chúng ta rêu rao trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vở nhạc kịch tạp nham và sống sượng của báo giới đôi lúc làm tôi bị rối trí." Bà Su-giần Gióc-giơ, người Mỹ hoạt động trong phong trào ATTAC, đã nói với báo Li Nô-vơ óp-sơ-va-tơ: "Người Mỹ không làm sao hiểu được tại sao người ta ghét họ. Họ không có một ý niệm về những gì mà các chính quyền của họ gây ra. Họ sống trong vỏ kén. Báo chí Mỹ che khuất sự thật và nắn dư luận theo cách mình."

Nhân đây, tôi cũng nói thêm về sự giáo dục của Mỹ đối với thế hệ trẻ. Họ rất quan tâm đến việc giáo dục nhận thức tư tưởng, mà giáo dục qua hệ thống tuyên truyền như trên là một cách, và giáo dục theo một cách khác là trong hệ thống giáo dục. Ngay sau thảm hoạ 11 tháng 9, Mỹ đã cho tiến hành biên soạn lại giáo trình phổ thông, trong đó bổ sung những nội dung, như lòng yêu nước của người Mỹ sau sự kiện 11-9, hình ảnh quốc kỳ Mỹ, các bài phát biểu, tuyên bố trấn an dân chúng của Tổng thống Busơ, tuyên bố mở chiến dịch chống Áp-ga-ni-xtan của Thủ tướng Anh Tô-ny Bơ-le, chân dung "trùm khủng bố" Ô-sa-ma Bin Lađen trong vòng ngắm, diễn văn ca ngợi lòng yêu nước của người Mỹ... Người ta đã làm việc khẩn trương để năm học tới sách có bổ sung nội dung về ngày 11 tháng 9 sẽ tới tay học sinh. Kết quả của việc giáo dục này chưa biết sẽ ra sao, nhưng trước mắt, chính các biện pháp tuyên truyền cực đoan về chống khủng bố đã hằn sâu vào tâm trí trẻ nhỏ Mỹ nỗi ám ảnh bạo lực. Chẳng thế mà, bây giờ "chống khủng bố" đã trở thành trò chơi của bọn trẻ Mỹ, mà biểu hiện mới đây là một cậu bé 12 tuổi người Mỹ đã bắn trọng thương em trai của mình trong khi hai anh em chơi trò "chống khủng bố" giống như một trò chơi điện tử dành cho thiếu nhi có tên"Chiến dịch bí mật".

Làm việc với các cơ quan, tổ chức ở Mỹ và theo dõi thông tin do Mỹ phát đi, tôi thấy người Mỹ có biệt tài trong việc chuyển chủ đề thông tin một cách linh hoạt để tập trung vào những mục đích cụ thể, tạo ra hiệu quả cao. Khi chuẩn bị đến nước Mỹ, chúng tôi đọc tin tức thấy dầy đặc thông tin về về chiến dịch chống khủng bố do Mỹ phát động và cầm đầu. Thật giỏi thay cho bộ máy tuyên truyền của Mỹ đã làm cho cả thế giới tin rằng Mỹ chính là người đi tiên phong trong cuộc chiến chống khủng bố và hầu như mọi người đều tuân phục Mỹ trong cuộc chiến này, trong khi trên thực tế, chưa hề có sự phê duyệt của Liên Hợp quốc về vai trò của Mỹ là người cầm cờ chống khủng bố! Cách tuyên truyền áp đặt về vai trò tiên phong chống khủng bố của Mỹ nhằm khiến cho mọi người quên mất tham vọng bá chủ toàn cầu của Mỹ, và cuộc chiến mà Mỹ phát động hiện nay cũng chỉ là một hành động cụ thể nhằm thực hiện tư tưởng bá chủ đó. Mỹ tiến đánh Áp-ga-ni-xtan, thì mục đích "trả đũa bọn trùm khủng bố" chỉ là cái cớ, còn thực chất, là để kiếm chỗ đứng mà Mỹ thèm khát hàng chục năm qua ở một vùng đất "thánh", không những có một trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, mà còn có một vị trí chiến lược quan trọng ở Trung Á, nơi dậm chân để thọc sườn một loạt nước lớn trong khu vực như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ... Cách tiến hành chiến tranh tâm lý của Mỹ trong suốt giai đoạn chuẩn bị tiến công Áp-ga-ni-xtan đã tạo ra cơn sốt "chống khủng bố toàn cầu" trên khắp thế giới, và thế là Mỹ tiến quân ào ạt, trút bom đạn xuống đầu dân thường Áp-ga-ni-xtan mà không gặp trở ngại nào về dư luận và tâm lý.

Khi thế giới hơi chững lại vì chưa thấy kẻ khủng bố nào chết mà chỉ thấy dân thưòng đổ máu, Mỹ lập tức chuyển qua chiêu bài bệnh than. Theo thường lệ, chiều nào Oa-sinh-tơn cũng tổ chức họp báo phân tích tình hình quân sự trong ngày. Đến khi cần tạo ra dư luận mạnh mẽ hơn, thì chỉ cần một trường hợp bệnh than được phát hiện, trong ngày đã có đến 7 cuộc họp báo công bố sự kiện này. Còn Giám đốc An ninh nội địa Nhà Trằng Tôm Rai thì tuyên bố ông ta sẽ báo cáo ngắn gọn về tình hình bệnh than trước giới báo chí ít nhất 3 lần một tuần. Đâu phải ngẫu nhiên mà trên các phương tiện thông tin đại chúng, Mỹ cứ la hoảng lên trước căn bệnh cổ lỗ, không lấy gì làm ghê gớm lắm ấy? Thực ra, kiểu "khủng bố" này không có gì mới, bởi vì từ năm 1999, thống kê các vụ hình sự về bệnh than đã cho thấy Mỹ chiếm 81 trong tổng số 83 vụ trên thế giới. Thế mà ngày nay, trên các trang nhất, nhiều báo Mỹ vẫn đăng những tin sốt dẻo về bệnh than. Thậm chí trên truyền hình, tôi còn thấy người ta chiếu rõ hình ảnh từng nốt đen trên cơ thể bệnh nhân bệnh than! Và quan trọng hơn, báo chí Mỹ đã gắn ngay cho "bọn khủng bố" là thủ phạm gửi các bức thư có chứa vi khuẩn bệnh than! Báo chí Mỹ đưa tin rằng đến nay có gần 20 người ở 5 tiểu bang tại Mỹ nhiễm bệnh than, có 4 người tử vong và hiện Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra theo hướng đây là một vụ khủng bố sinh học. Thông tin cứ chạy lướt trên bề mặt của cái gọi là sự lan truyền bệnh than, bỏ qua chiều sâu rất cần phân tích: có thật sự những người mắc bệnh than đều là vì bị "bọn khủng bố" làm cho lây nhiễm, hay mắc bệnh chỉ vì những lý do thông thường? Thậm chí, người ta cũng đã không để ý có bệnh nhân chết vì bệnh than mà chẳng liên quan chút nào tới các bì thư có chất bột trắng và rằng hai nhân viên bưu chính ở Oa-sinh-tơn được coi là hai ca tử vong đầu tiên do bệnh than, thực ra vẫn chưa được xác định rõ nguyên nhân. Thế mà bộ máy tuyên truyền của Mỹ cứ nói đại là nhiễm bệnh than nghi do bọn khủng bố dùng vũ khí sinh học để rồi bỗng nhiên trở thành nhiễm bệnh than do bọn khủng bố dùng vũ khí sinh học, chết nghi do bệnh than để rồi dần dần chuyển thành thông tin chết do bệnh than. Có mấy ai để ý rằng trong số người chết về bệnh than ấy, có cả những cụ già mà tuổi thọ đã vượt cái mức "xưa nay hiếm"? Đó là chưa kể khả năng, nếu quả đúng có "khủng bố sinh học", thì việc ấy lại do chính tay một người Mỹ nào đó thực hiện, giống như rất nhiều hành động giết người man rợ khác đã xảy ra trên đất Mỹ mà thủ phạm không ngoài ai khác là người Mỹ, trong đó có cả những học sinh nhỏ tuổi! Chúng ta cần quan tâm đến một báo cáo của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết, vi khuẩn bệnh than được dùng làm vũ khí khủng bố ở Mỹ giống vi khuẩn bệnh than được chế tạo bí mật trong các phòng thí nghiệm của Mỹ theo chương trình nghiên cứu sinh học của Mỹ năm 1951 - 1969 và FBI đang tập trung điều tra các chuyên gia làm việc và nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm đó. Biết đâu, lại chẳng phải là chuyện "xôi giống xôi, thủ giống thủ" của Việt Nam - Mỹ nhận lại được cái mà chính mình đã đánh rơi mà cứ còn phân vân không nó là của ai. Đọc báo, xem truyền hình, người ta cứ tưởng là đang có làn sóng sợ hãi bệnh than lan truyền trong dân chúng Mỹ. Nhưng đi trên đất Mỹ, tôi thấy người Mỹ đâu có hoảng sợ đến thế. Vào chính cái ngày mà Quốc hội Mỹ cho tạm thời đóng cửa nhằm "tẩy rửa" vi khuẩn mang bệnh than, tôi đã đến tận cửa toà nhà lộng lẫy ấy. Có gì đâu, người dân Mỹ vẫn đi dạo trên đồi Ca-pi-tơn, vẫn chụp ảnh ngoài thảm cỏ hay trong toà nhà có bức tượng Lin-côn! Thậm chí, ngay sát tiền sảnh nhà Quốc hội, một nhóm nhạc trẻ Mỹ còn dăng máy phóng thanh, hát hò vui vẻ. Trong cuốn sách này, tôi đưa vào tấm ảnh tôi chụp ngay tại toà Bạch ốc, vào đúng ngày mà Quốc hội Mỹ cho tạm thời đóng cửa để "tẩy rửa vi khuẩn bệnh than", để bạn đọc dễ hình dung sự tuyên truyền bóp méo sự thật của Mỹ trắng trợn đến mức nào!

Thực ra, bệnh than đã có từ lâu, có khả năng lây truyền từ động vật sang người, và con số người Mỹ bị nhiễm bệnh, bị tử vong chỉ là hạt cát giữa biển nếu so với bệnh lao, viêm gan B, chưa kể là đại dịch AIDS đang lan truyền trên thế giới; bệnh than có ảnh hưởng gì lắm đến nước Mỹ đâu! Thậm chí, ở nhiều nước, bệnh sốt rét còn tác yêu tác quái cướp đi tính mạng hàng trăm người trong một thời gian ngắn, chứ đâu chỉ làm lây nhiễm vài chục người như bệnh than ở Mỹ! Vậy mà với chiêu tuyên truyền tập trung mang tính áp đặt, Mỹ đã lôi kéo được dư luận thế giới chăm chú vào đó. Mục đích của lối tuyên truyền lừa bịp này cũng chẳng có gì mới, đó là hút dư luận chú ý về bệnh than, lo cho người dân Mỹ bị nhiễm bệnh và lo cho bản thân mình vì không biết ngày nào đó sẽ nhận được một bì thư có chất bột trắng chứa khuẩn bệnh than, mà quên mất ở phía trời Trung Á, bom đạn Mỹ đang tác yêu tác quái, khả năng tiêu diệt sinh mạng con người còn mạnh hơn gấp bao lần bệnh than. Mặt khác, ngón nghề tuyên truyền của Mỹ được vận dụng vào chiến dịch reo rắc nỗi lo sợ về bệnh than, theo lời bình luận của tờ Át- Tha-ra, cơ quan ngôn luận của đảng Bát-thơ cầm quyền ở Irắc, là "nhằm biến sự thất bại của Mỹ trong các vụ tiến công vào nước Mỹ ngày 11 tháng 9 thành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống "khủng bố sinh học" mà thôi". Để rồi, khi thả bom vào một làng, hay một bệnh viện ở Áp-ga-ni-xtan, làm chết cả trăm người, chính quyền Mỹ chỉ cần nói ráo hoảnh một câu "nhầm" là ổn! Chẳng thế mà, sang tuần thứ hai của cuộc chiến tranh, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Mỹ đã thừa nhận "thả nhầm" một quả bom "thông minh" được điều khiển bằng hệ thống định vị toàn cầu và la de vào một khu dân cư cách sân bay Ca-bun khoảng 1 km. Ta-li-ban cho biết khoảng 25 đến 30 người đã bị chết trong vụ ném bom "nhầm" này. Thế nhưng, Mỹ cũng chẳng có một lời tạ tội nào với những oan hồn của vụ "nhầm'' chết người đó. Tiếp xúc với người Mỹ, tôi cảm thấy có những người trong số họ mắc chứng vô cảm với đồng loại. Gặp những cảnh bạo lực, tai nạn, ăn mày ăn xin, ngủ hè ngủ ghế... người Việt chúng ta hay mủi lòng, nhưng trên đất Mỹ này, tôi thấy mọi người dửng dưng. Nhà văn Mỹ Ru-sen Banh gọi hiện tượng vô cảm của người Mỹ là "lòng trắc ẩn từ lâu bị lỗi thời ở xứ này". Cũng bởi mắc chứng vô cảm như thế, chính quyền Mỹ luôn luôn ráo hoảnh trước những cái chết oan khuất của dân thường do họ đem lại và họ đã nói một cách lạnh lùng trên các phương tiện truyền thông về cái sự "nhầm" chết người kia! Cũng với thói lạnh lùng vô cảm, trong tuyên truyền, người Mỹ có lối "chối phắt" trước những lời tố cáo tội lỗi của mình, ví dụ như khi bị tố cáo là thả bom trúng một bệnh viện ở thành phố Hê-rát phía Tây Áp-ga-ni-xtan, làm hơn 100 người chết, chứng tỏ máy bay Mỹ "cố tình nhằm vào dân thường", Bộ Quốc phòng Mỹ nói không có bằng chứng cho thấy máy bay Mỹ liên quan cuộc tiến công này!

Người ta còn nhớ cũng chính Mỹ trong những ngày chuẩn bị chiến tranh "trả đũa" nhằm vào Áp-ga-ni-xtan, đã từng tuyên truyền rùm beng cho các loại vệ tinh dẫn đường, các loại vũ khí "thông minh" có thể phân biệt dân thường với lính, phân biệt nhà dân với trại huấn luyện khủng bố... Thế mà bây giờ, bom đạn lại bị dẫn "nhầm", cứ nhè vào đầu dân thường mà nổ! Điều này càng cho thấy đưa thông tin áp đặt, dù đúng sự thật hay không, chỉ cần có lợi cho Mỹ, là một đặc tính của lối tuyên truyền Mỹ.

Một đặc điểm nữa trong tuyên truyền ở Mỹ mà những ai muốn dựa vào các nguồn tin của Mỹ hãy cảnh giác, đó là lối đưa tin "vịt", hoàn toàn sai sự thật. Tôi xin dẫn ra đây một số tin về thảm hoạ 11 tháng 9 và sự kiểm chứng những tin ấy:

Thứ 3-11/9.

Tin: Một chiếc xe hơi có đặt bom đã phát nổ bên ngoài toà nhà Bộ Ngoại giao. Hàng trăm công nhân viên chức đang làm việc tại Oa-sinh-tơn đã chạy túa ra từ những toà nhà lân cận.

Thực tế: Đây là một thông tin bịa đặt, giống như những thông báo kế tiếp về những vụ nổ tại Điện Capitol và Văn phòng Tổng thống cũ tại Nhà Trắng.

Tin: Có thêm một chiếc máy bay khác bị không tặc khống chế, thoát khỏi tầm kiểm soát của ra đa, hướng về phía thủ đô Oa-sinh-tơn . Nhiều nguồn tin cho biết chiếc máy bay này cũng đang nhắm đến mục tiêu là Nhà Trắng hoặc Lầu Năm góc bị bốc cháy từ sau cú tấn công thứ nhất.

Thực tế: Không có chiếc máy bay nào.

Thứ tư, 12 tháng 9.

Tin: 800 người chết ở Lầu Năm góc. Giới quân sự, trước đó vẫn cho rằng số tử vong thấp hơn nhiều, sẽ bị sốc.

Thực tế: Có 190 người chết.

Tin: Nhiều nguồn tin đồn về việc khan hiếm nhiên liệu khiến hàng ngàn người xếp hàng tại các trạm xăng trên toàn quốc và một số trường hợp nhiên liệu tăng giá.

Thực tế: Chưa thấy có một báo cáo chính thức nào về tình trạng khan hiếm nhiên liệu.

Trước đó, vào năm 1991, trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ cũng đã tung tin "vịt" để tạo dư luận có lợi cho mình. Điển hình là vụ hãng thông tấn Hil và Knao-thao ngày 10 tháng 10 năm 1991 dẫn lời con gái Đại sứ Cô-oét tại Mỹ tung tin "vịt" về binh lính Irắc đã giết hại trẻ em sơ sinh trong các bệnh viện Cô oét, hãm hiếp phụ nữ vô tội vạ... Mãi sau khi chiến dịch "trừng phạt" kết thúc, sự việc vu cáo bỉ ổi kia mới lộ ra ánh sáng, nhưng kết quả của nó tuyệt đối hữu hiệu: 700 hãng truyền hình đã phát đoạn vi đê ô trên đây với 67 triệu lượt người theo dõi, gây một làn sóng ủng hộ chiến tranh rộng rãi và Tổng thống Busơ (cha) thời đó lập tức được Thượng viện thông qua "sắc lệnh chiến tranh".

Thế còn, liệu Bin Lađen có thật là kẻ chủ mưu trong vụ tấn công nước Mỹ hôm 11 tháng 9 không? Cả Mỹ và Anh đều tuyên bố hùng hồn rằng đã có bằng chứng kết tội Bin Lađen, sẽ đưa ra bằng chứng, nhưng cho tới nay, đã có bằng chứng nào được công bố đâu! Khi dư luận thế giới đòi bằng chứng, chính quyền Mỹ nói ráo hoảnh "vì lý do an ninh" nên họ không thể công bố bằng chứng. Thậm chí, khi nghe Ngoại trưởng Co-lin Pô-oeo trả lời phỏng vấn của đài truyền hình NBC: "Trong những ngày sắp tới, chúng ta có thể trưng ra một tờ giấy, một văn bản nói rõ bằng chứng Bin Lađen đứng sau cuộc tấn công ngày 11 tháng 9" thì Tổng thống Busơ đã nổi giận đùng đùng và tuyên bố trắng trợn: "Không cần tờ giấy đó. Chúng ta đã buộc tội Bin Lađen ." Trong khi đó, tờ Mirror của Anh số ra ngày 8 tháng 11 đã tiết lộ một thông tin trái ngược với những tuyên bố của Mỹ, Anh, làm cả thế giới sửng sốt: không phải Bin Lađen mà chính là một tổ chức có tên gọi "Đội quân vì công lý" đã thực hiện vụ khủng bố hôm 11 tháng 9 và nay đang reo rắc thảm hoạ bệnh than cho nước Mỹ. Tờ Mirroir cho biết, cảnh sát Anh và Cục điều ra Liên bang Mỹ (FBI) đã được lệnh báo động khi tờ báo này thu được một trang thư điện tử của tổ chức "Đội quân vì công lý" xuất hiện trên In-tơ-nét. Với đầu đề "Tuyên bố đầu tiên của Đội quân vì công lý" được viết bằng tiếng Arập, trang thư này cho biết Mohamed Atta, kẻ cầm đầu nhóm khủng bố đã bắt cóc và cho máy bay đâm vào hai toà nhà Trung tâm Thương mại Thế giới ở Niu-Yoóc, chính là chỉ huy phân đội bí mật số 15 của nhóm. Tuyên bố cũng cho biết "Đội quân vì công lý" không phải là một bộ phận của tổ chức An Que-đa và không nhận bất cứ một mệnh lệnh trực tiếp nào của Bin Lađen. Tổ chức này có biện pháp, chiến thuật và những mục tiêu riêng biệt. "Đội quân vì công lý" cũng tiết lộ là chính nhóm của họ hiện đang tiến hành "các cuộc tấn công trực tiếp gây đau khổ cho Mỹ bằng bệnh than". Lại nữa, tờ Time của Mỹ số ra ngày 3 tháng 12 năm 2001 đăng bài của phóng viên Jêm. G-ráp-phơ ở Men-đơ-rít, Tây Ban Nha, cho biết quan toà Ba-ta-sa Ga-sơn, thuộc nhóm điều tra khủng bố ở Tây Ban Nha tiết lộ rằng qua điều tra và thẩm cung sơ khởi một số phần từ Hồi giáo bị bắt ở Tây Ban Nha, đã thu được những bằng chứng về một nhóm tên khủng bố nằm vùng ở Madrid đã "trực tiếp liên quan đến việc chuẩn bị hoàn thành các kế hoạch tấn công" vào nước Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001. Nếu vụ này cuối cùng đưa đến kết luận rõ ràng nhóm A-bu Đa-đát đã trực tiếp lập kế hoạch cho nhóm của Át-ta thực hiện vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 ở Mỹ thì cuộc chiến do Anh - Mỹ tấn công vào Áp-ga-ni-xtan hoàn toàn vô căn cứ - Bin Lađen không tổ chức vụ khủng bố như Mỹ và Anh đã buộc tội. Và như vậy, rõ ràng là Anh - Mỹ cố tình kết tội Bin Lađen để có cớ đưa quân vào vùng Trung Á, từ đó thực hiện ý đồ chiến lược của mình. Không rõ thực hư thế nào, nhưng cho dù Bin Lađen có là kẻ chủ mưu trong sự kiện 11 tháng 9 hay không, thì lối tuyên truyền áp đặt của Mỹ đã đạt hiệu quả tuyệt đối, Quốc hội Mỹ đã thông qua kế hoạch chiến tranh của Tổng thống Busơ, quân đội Mỹ đã tấn công Áp-ga-ni-xtan, hàng nghìn người dân vô tội đã chết hoặc bị thương, hàng triệu người khác đã phải chịu thảm cảnh nhà tan cửa nát, loạn lạc đói khát, và khoảng 100.000 trẻ em Áp-ga-ni-xtan đang trong nguy cơ không qua khỏi mùa đông này vì giá lạnh, bệnh tật và đói!

Biết được thực tế nói trên, tôi càng giật mình khi nghĩ đến tinh hình nhiều báo chí trên thế giới khai thác một chiều tin từ các hãng truyền thông Mỹ để tuyên truyền trên đất nước mình, trong điều kiện không có khẳ năng kiểm chứng! Liệu có bao nhiêu tin "vịt" kiểu như trên đã lan truyền trên làn sóng dư luận thế giới? Trong khi lên án "những kẻ khủng bố" sử dụng các phương pháp sinh học để giết người hàng loạt, thì Mỹ tung hô cho các loại vũ khí "hiện đại" có khả năng giết người vừa tinh vi hiện đại, lại vừa dã man kiểu trung cổ, nào là chôn sống, nào là hút chân không gây ngạt đối phương, nào là hơi ngạt, nào là bom khoan, bom công phá, bom chùm, nào là bom thông minh được định vị và điều khiển từ vệ tinh, nào là máy bay B-52 ném bom rải thảm, vân vân và vân vân, toàn là loại giết người hàng loạt, thế mà cứ được điểm danh và tung hô như đó là những quà tặng ngọt ngào cho con người! Vậy mà báo chí nhiều nước cũng đưa lại những thông tin ấy, thậm chí say sưa miêu tả hình dáng, tính năng, tác dụng của chúng, chả khác nào quảng cáo cho các loại vũ khí tồi tệ phi nhân bản của Mỹ vậy. Thông tin về số người chết trong thảm hoạ 11 tháng 9 mà báo chí các nước đăng tải hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ, họ bảo là chết bao nhiêu thì báo chí nói chết bấy nhiêu. Lúc đầu là 10.000 đến 20.000, rồi xuống 5.000 - 6.000, và ngày 21 tháng 11, lại dẫn theo các quan chức thành phố Niu-Yoóc, số người chết trong thảm hoạ 11 tháng 9 rút xuống còn 3.800 người. Thế là, mọi lời bình luận rằng ngày 11 tháng 9 là ngày đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ trở thành lời nói vớ vẩn, bởi vì với con số 3.800 người chết, thảm hoạ ngày 11 tháng 9 đã lui xuống hàng thứ hai!

Thế rồi, khi món bệnh than sắp trở nên nhạt nhẽo trước mâm cỗ dư luận, thì chính quyền Mỹ chuyển ngay qua món "phá cầu", và ghê hơn là cái món "vũ khí hạt nhân". Tổng thống Mỹ "tỏ ra e ngại" trên phương tiện truyền thông rằng "khủng bố" có thể sử dụng vũ khí hạt nhân! Người Mỹ kêu ầm lên rằng Bin Lađen có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại bất cứ quốc gia nào mà hắn thấy cần thiết! Và tất yếu, người Mỹ muốn dẫn dắt cả thế giới đi đến kết luận rằng muốn tránh khỏi thảm hoạ hạt nhân, chỉ có mỗi một con đường là ủng hộ Mỹ "chống khủng bố"! Hơn thế nữa, các hãng tin Mỹ hàng ngày ra rả truyền đi tuyên bố của chính quyền Mỹ là sẽ tấn công bất cứ nước nào sản xuất, tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt, lờ tịt đi một thực tế rằng kẻ đó chính là Mỹ, kẻ đã dùng hai quả bom nguyên tử giết người hàng loạt để dội xuống đầu nhân dân Nhật Bản vào năm 1945, tạo nên thảm hoạ hạt nhân đầu tiên cho loài người, và hiện nay vẫn đang tàng trữ không biết cơ man nào tên lửa, bom đạn hạt nhân, vũ khí sinh học, vũ khí hoá học có khả năng giết người hàng loạt. Cấp tập tung các ngón đòn chiến tranh tâm lý, Mỹ loan tin về khả năng khủng bố bằng bệnh đậu mùa, bằng cách đánh bom đường ống dẫn khí ở Mỹ! Không thấy Bin Lađen tuyên bố một lời cụ thể nào về các biện pháp khủng bố, chỉ thấy Mỹ kêu ầm lên là đã phát hiện những âm mưu, những kế hoạch khủng bố của Bin Lađen. Chỉ cần "nhận được tin về nước Mỹ sắp bị khủng bố ", Tổng thống Busơ đã đồng ý ngay với quyết định của Bộ Tư pháp báo động trên toàn quốc. Và bao giờ, chính quyền Mỹ cũng khai thác triệt để vai trò của báo chí. Tại một cuộc họp báo vội vàng ở Oa-sinh-tơn, Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Giôn A-si-róp khẳng định là các cơ quan chức năng Mỹ đã nhận được tin nói rằng nước Mỹ sắp bị tấn công. Đến khi mọi người cần thông tin cụ thể hơn, thì ông ta nói rằng rất tiếc tin đó không xác định được cụ thể những mục tiêu tấn công và hình thức tấn công của bọn khủng bố! Thực tế, vụ báo động này chỉ là một đòn tâm lý, vụ "khủng bố" đã không xảy ra vào ngày 11 tháng 10 như ông Bộ trưởng Tư pháp công bố. Trong khi dư luận vẫn còn râm ran bàn luận và một số nghị sĩ chỉ trích ông Bộ trưởng Tư pháp là tung tin tầm bậy làm dân chúng hoảng loạn, thì vào ngày 29 tháng 10, chính Tổng thống Mỹ lại phát lệnh tổng báo động chống khủng bố trên toàn nước Mỹ và lập tức ông Bộ trưởng Tư pháp ủng hộ lời tuyên bố nói trên. Thật là tiền hô hậu ủng. Và tất nhiên là, các lời tuyên bố nói trên đều được các phương tiện truyền thông của Mỹ chuyển tải tối đa tới công chúng. Liệu mọi người có chững lại mà suy xét, để nhìn thấy một vết dầu loang cực kỳ nguy hiểm mà Mỹ đã tạo ra không? Đó là loang về dư luận để cuối cùng loang về phạm vi tiến công của Mỹ! Theo vết dầu loang ấy, Mỹ muốn tấn công ai, thì Mỹ chỉ cần tung lên dư luận rằng nước đó tàng trữ vi trùng bệnh than, vi trùng bệnh đậu mùa, sản xuất vũ khí giết người hàng loạt, chứa chấp khủng bố... là đủ lý do để không kích hoặc đổ quân vào đất nước có chủ quyền nào đó. Ngày 3 tháng 12, Chính phủ Mỹ tuyên bố nước này trong tình trạng báo động cao nhất sau khi dự đoán có nhiều khả năng có nhiều cuộc tiến công mới vào cuối tháng lễ Hồi giáo Ra ma đan. Đây là lần thứ ba kể từ 11 tháng 9, Mỹ tuyên bố tình trạng báo động cao nhất. Chủ tịch cơ quan an ninh quốc gia T. Rít-giơ nói: "Nước Mỹ vẫn đang trong tình trạng chiến tranh". Phải chăng đây lại là ngón đòn tâm lý để dọn đường cho Mỹ mở rộng chiến tranh. Tờ Oa-sinh-tơn Times số ra 4 tháng 12 cho biết Lầu Năm góc đang xúc tiến thảo luận khả năng tiến hành các hành động quân sự chống Irắc, có thể theo mô hình cuộc chiến ở Áp-ga nix-tan, tức là bao gồm việc ném bom ồ ạt, cung cấp vũ khí và hậu thuẫn cho lực lượng đối lập trong nước, cổ động dân chúng lật đổ chế độ. Điệp khúc chiến tranh từ miệng Tổng thống Mỹ được dàn đồng ca chiến tranh tâm lý của Mỹ xướng đi xướng lại để chuẩn bị cho những hành động bá quyền lan rộng ra nhiều vùng đất. Trả lời phỏng vấn trong chương trình "20/20" phát trên ABC News ngày 5 tháng 12, Tổng thống Mỹ Busơ tuyên bố: "Quân đội Mỹ có thể sẽ tiến hành các cuộc tấn công ở bên ngoài Áp-ga-ni-xtan như là một phần trong cuộc chiến mở rộng chống chủ nghĩa khủng bố của chính quyền Mỹ". Mỹ chính thức gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc một văn bản tự xác định "Mỹ được quyền tiến công vào các quốc gia khác ngoài Áp-ga-ni-xtan", "Mỹ có quyền sử dụng vũ lực ở bất cứ nơi nào". Trên thực tế, Mỹ và Anh đang lập kế hoạch mở rộng "cuộc chiến chống khủng bố" sang Xu-đăng, Y-ê-men... và mục tiêu tiến công tiếp theo có thể là Sô-ma-li-a và Phi-lip-pin. Mỹ cũng đòi tấn công Irắc. Cảnh giác trước tham vọng và sự ngông cuồng của Mỹ, các nước ở Đông Nam Á có nhiều dân theo đạo Hồi như Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Inđônêxia đã sớm cảnh báo rằng họ không chấp nhận sự có mặt của quân đội nước ngoài trên đất nước họ với chiêu bài "chống khủng bố". Ngạo mạn là một thói quen xấu của chinh quyền Mỹ, cho nên, ngoại trưởng Mỹ Co-lin Pô-oeo trắng trợn nói với báo chí tại Oa-sinh-tơn ngày 28 tháng 11 như sau: "Tôi sẽ bảo họ lắng nghe kỹ những gì Tổng thống nói. Tổng thống nói chính quyền Irắc nên cho phép những thanh tra vũ khí Liên hợp quốc trở lại để hoàn thành nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Và một khi Tổng thống đã yêu cầu và nếu họ không làm, chuyện gì sẽ xảy ra ư. Tổng thống nói "Ông ta sẽ được thấy". Tôi nghĩ đó là một phát biểu tốt và tôi nghĩ không cần phải có giải thích gì thêm." Đó không phải chỉ là lời Mỹ nói với Irắc, mà là lời đe doạ bất cứ ai trên trái đất này không nghe lời Mỹ. Chính phó Tổng thống Mỹ Dick Cheny đã trắng tợn tuyên bố: Sau khi kết thúc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan, Mỹ sẽ công kích vào 45 nước có tổ chức An Que-đa của Bin Lađen!

Đã đến lúc chúng ta cần nhớ lại lời của Ju li út Phu xích, một nhà văn, lãnh tụ Cộng sản Tiệp Khắc trong thời kỳ chống chủ nghĩa Phát xít: Loài người, hãy cảnh giác! để tỉnh táo trước các luận điệu tuyên truyền nguy hiểm của Mỹ!

Tuy vậy, oái oăm thay, cuộc đời có câu"gậy ông lại đập lưng ông", dù tài giỏi bao nhiêu trong việc sử dụng vũ khí thông tin tiến hành chiến tranh tâm lý, Mỹ vẫn không tránh khỏi tác hại trái chiều do chính thứ vũ khí lợi hại ấy của mình đem lại. Sự tuyên truyền rầm rĩ về các mối nguy cơ khủng bố nước Mỹ nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi sự tập trung vào việc dân thường Áp-ga-ni-xtan bị chết chóc, đói khát dưới bom đạn và sự tiến công của Mỹ thì đồng thời cũng làm cho chính nhân dân Mỹ phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bị khủng bố và làm cho thế giới ghê sợ nước Mỹ. Trong nước, dù là mối đe doạ khủng bố bằng sinh học không ghê gớm như chính quyền Mỹ tuyên truyền, nhưng qua thảm hoạ 11 tháng 9 và qua các biện pháp đề phòng thái quá, qua các cuộc báo động căng thẳng của chính quyền, vẫn có rất nhiều người Mỹ lâm vào tình trạng hoảng loạn. Hầu như ở tất cả các bệnh viện Mỹ, số người xin khám bệnh tinh thần, thần kinh đã tăng lên đến mức kỷ lục chưa từng thấy. Những người này có chung tình trạng bệnh lý là mất ngủ, tinh thần không tập trung, lo lắng, hay quên, mệt mỏi. Riêng về bệnh than, thì chỉ một nơi nào đó bị tình nghi có chất bột trắng là cả khu vực phải sơ tán. Những ai có mặt tại hiện trường lúc đó đều phải khám nghiệm. Và trong xã hội Mỹ bùng nổ nạn tung tin giả. Theo số liệu của FBI, trong 3 tuần đầu tháng 10, nhà chức trách đã xử lý hơn 3.300 báo động, trong đó có 2.500 báo động liên quan đến bệnh than. Tuy nhiên, tình trạng báo động giả liên tiếp xuất hiện, đến nỗi một số Thượng nghị sĩ phải đề xuất văn bản pháp lý trừng phạt nặng những kẻ tung tin giả về bệnh than và về khủng bố, với mức cao nhất có thể là 5 năm tù (thế thì chính quyền Mỹ sẽ phải ngồi tù trước tiên, vì họ là kẻ tung tin giả siêu hạng). Ngoài nước, do lo sợ bị đòn oan trên đất Mỹ, số du khách đến Mỹ giảm mạnh, làm cho ngành Du lịch, hàng không, giải trí Mỹ lao đao. Lượng người tại các trung tâm vui chơi giải trí trống vắng hẳn. Riêng khu vực nghỉ mát tại Florida bị thiệt hại mỗi ngày 20 triệu USD. Lượng khách du lịch sau 11 tháng 9 giảm tới 40% và ước tính ngành Du lịch Mỹ bị thiệt hại khoảng 43 tỷ USD. Nhiều khách sạn ở Niu-Yoóc, tỷ lệ thuê phòng chỉ đạt mức từ 45 tới 50% so với mức sử dụng trung bình từ 90 tới 95% trước đây. Và hết sức trớ trêu, Tổng Thống Mỹ phải đóng vai quảng cáo viên cho ngành Du Lịch - từ 21 tháng 11 đến 28 tháng 11, khán giả truyền hình Mỹ thấy Tổng thống Busơ trong một chương trình quảng cáo 30 giây của ngành Du lịch với lời kêu gọi dân chúng hãy gạt bỏ những sợ hãi, làm việc bình thường, đi lại bằng máy bay và thăm thú đất nước... nhằm chèo kéo khách du lịch thế giới cho ngành Du lịch và ngành Hàng không nước Mỹ! Thật là "lưỡi không xương nhiều đường lắt léo".

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top