Sóng tình
.
.
.
2 năm ba đổ vỡ.
Tại khu làng chài năm ấy.
"Các cụ nói biển tình có thể đưa hai người bất thuở gặp nhau, sẽ yêu nhau tới vẹn mái đầu, nhìn sóng vỗ nhè nhẹ mà lòng dịu êm. Chuyện tình chớm nở hãy để biển chứng kiến, hãy để biển dùng sóng tạo thành tràng âm rộn ràng chúc phúc thì đó mới thật ý nghĩa với dân chài ở đây."
Hải Lân ba tuổi đang nghịch cát, nó ngước mái đầu tròn vo lên nhìn người mẹ ngồi bên cạnh. Cái đôi mắt lóng lánh như sao trời đêm toả ra thứ ánh sáng hấp dẫn đang hướng về người. Người nhìn nó đầy trìu mến, bàn tay gầy guộc vuốt ve đuôi tóc của nó, khuôn mặt nhăn nheo bởi tuổi tác khẽ rộ lên một nụ cười hiếm có.
"Mẹ cười rồi, xinh quá."
Hải Lân ba tuổi reo lên trong đêm vắng. Tiếng gió lành hưởng ứng hùa theo từng nhịp khúc khích, sóng đang ngủ cũng bị tiếng cười của trẻ con thu hút bắt đầu vỗ từng nhịp. Người vui vẻ nhìn Hải Lân tiếp tục nghịch cát, sự đau thương từ đáy lòng rấy lên một cơn ho dữ dội, người sắp phải đi rồi.
----
Ngày đó nhà Trí Tuệ giàu nhất cái khu làng chài nhỏ này. Trong cái xóm nghèo đổ nát đầy bãi sình lầy, ai được ở gần nhà Tuệ là may mắn lắm đấy. Vì họ sẽ được chiêm ngưỡng cái xưởng làm muối của nhà Tuệ ngày nào cũng có khách ngoại tới ghé mua, thấy chiếc thuyền đánh cá siêu chiến của nhà Tuệ thường neo trước bến cảng, sẽ được tận mắt chứng kiến từng thúng đựng bao nhiêu là cá mỗi khi tới mùa. Chính vì giàu có như vậy, Trí Tuệ đã trải qua một tuổi thơ vô cùng êm đẹp, được cha cho lên thị xã đi học bằng bạn bằng bè.
Hải Lân, một cô bé nghèo ở xóm bên cạnh. Từ khi lên 4, Hải Lân đã mất mẹ, sống cùng người cha già bợm rượu. Mỗi ngày thay vì được đi học như bao bạn đồng chang lứa, Lân phải ở nhà đi đánh bắt cá cùng cha. Nhưng trời đâu thể lường trước gió giông. Có những ngày nắng lên, không khí trong lành ấm áp thì may ra hôm đó, cha con Hải Lân thu hoạch được một chút cá biển sống qua ngày. Còn đâu có những hôm sóng biển trập trùng, gió bão rít chẳng ngừng, cha con Lân chẳng những không thu hoạch được gì mà Lân còn chịu những trận đòn roi của người cha già say khướt vì rượu chè. Bữa đói bữa no đối với Hải Lân chẳng còn xa lạ, Lân bị đánh cũng chẳng hé răng cãi lại nửa lời. Những vết roi tím tái cứa lên da thịt của nó dường như trở thành những câu chuyện buồn tới độ bẹo cả hình cả dạng theo suốt cả tuổi thơ của nó.
----
Bi kịch đã tới.
Năm Trí Tuệ lên lớp 3, cha mẹ ly hôn.
Ngồi đung đưa đôi chân trong lớp học, Trí Tuệ vẫn chưa hề biết rằng người đàn bà đó đã rời khỏi cha con Tuệ. Viết nắn nót từng dòng chữ ngay ngắn tả về mẹ, Trí Tuệ cười cong tít cả mắt lại. Vì em yêu mẹ của em lắm.
Giờ tan tầm cũng tới lúc trời đổ cơn mưa, cái màu đen xám xịt như tro như bụi đang nườm nợp kéo tới, che lấp đi ánh sáng ban chiều vốn có ở nơi thị xã sơ bồ này. Trí Tuệ thở dài đứng trước cửa lớp, đôi mắt trong veo đang ngắm nghía nhành hoa mười giờ bỗng đặc quánh lại, nhìn chú chim sẻ bị bắn đang nằm thoi thóp trước sân mà không khỏi kinh hãi. Cái khung cảnh chết chóc đến đáng sợ dường như trở thành những mũi kim nhọn hoắt hằn sâu vào tâm trí Tuệ, một cơn ác mộng dài tập mà chẳng thể nào nguôi ngoai. Nhưng Tuệ không khóc, Tuệ sợ mẹ thấy em khóc sẽ lo lắng nên đã kìm nén sự sợ hãi này cho đến khi thấy cha lái con xe cup 82 từ phía ngoài cổng trường.
Bước vào căn nhà im ắng đến lạ thường, nhìn căn phòng trống hoánh không còn hơi thở của mẹ. Lúc ấy, Trí Tuệ mới biết khi thế giới sụp đổ, nó khủng khiếp tới cỡ nào. Tập giấy còn viết dang dở về mẹ như chết lặng trong chiếc balo công chúa màu hồng. Tất cả những vỏ bọc mạnh mẽ mà Tuệ bấy giờ khó khăn gây dựng nên, giờ đã tàn thành cát vụn, bay về hư không. Cái nơi không hề tồn tại thứ gọi là tiềm tố cảm xúc.
...
Ba ngày trước...
Vì nhà Tuệ quá giàu và giỏi giang, có những người ghen ăn tức ở muốn hãm hại cha của Tuệ. Họ tung tin giả rằng xưởng muối của nhà Tuệ trốn thuế trắng trợn, đối xử bất công với người làm để xoay chuyển truyền thông, muốn tống cha của Tuệ vào tù. Tiếc thay bởi lẽ không có bằng chứng, còn có con nhỏ và người cha già ở nhà nên chúng không đẩy cha của Tuệ vào tù được. Nhưng do ảnh hưởng của tin xấu đồn xa, xưởng muối nhà Tuệ rơi vào nguy cơ phá sản. Chính vì thế, cuộc sống của gia đình Trí Tuệ ngày càng sa sút trầm trọng vì xưởng thiếu nhân công. Mẹ của Tuệ cũng ly hôn với cha, vì bà không thể chịu nổi cái nghịch cảnh sống trong cái căn nhà chỉ sống nhờ nghề đánh cá. Cái ngày bà lên thị xã đón Trí Tuệ, tình cờ gặp một người đàn ông tươm tất, tử tế hơn. Duyên trời định, bà chọn kết giao với ông ta, bỏ mặc gia đình còn đang sum vầy hạnh phúc.
...
Cha của Trí Tuệ từ khi ly hôn với bà thì không còn hứng thú làm bất cứ điều gì, xưởng muối bị bỏ hoang dẫn đến phá sản, buộc phải đóng cửa. Chiếc thuyền chiến cũng treo ở ngoài cảng như ngựa bị xích trong chuồng, không còn được tự do sải buồm chinh phục biển nữa. Trí Tuệ vẫn được cha tạo điều kiện cho đi học đều đều, chỉ là không còn ai đưa đón em mỗi ngày nữa.
Và rồi..
Việc gì tới cũng sẽ tới, trong cái mùa thấm đẫm hơi nồng của muối mặn, ông nội Trí Tuệ bỗng trở bệnh nặng, chỉ có thể nằm liệt giường nhờ con cháu tới chăm sóc. Cuộc sống vốn khó khăn càng khó khăn, tiền tiết kiệm bấy lâu dành cho Tuệ để đi học, giờ phải dùng tới để chữa bệnh cho ông. Vì thế, Trí Tuệ buộc phải thôi học, ở nhà quét tước sân vườn, nấu cháo, xay thuốc trông nom ông đỡ cha. Còn cha của Tuệ thì dầm mưa dãi nắng suốt ngày suốt đêm ngoài biển chỉ để kiếm cá nuôi cha ruột và con gái. Làn da bánh mật của người bị nắng mặn bao mòn trở nên xám xịt. Nhưng chúng có vẻ chưa đủ thoả mãn, chúng nhảy chồm hỗm lên người, gieo cái nóng bức oi ả lên từng thớ thịt, đay nghiến người đau khổ đến vô cùng. Mỗi ngày về nhà với thân xác tàn tạ bị gió biển quật ngã, lẽ sống duy nhất của người cũng vì sự khó khăn bởi hoàn cảnh mà rời đi. Người đàn bà ấy bị thứ ánh sáng pha lê lấp lánh dụ hoặc, đi theo cái con đường xa hoa phú quý mà bỏ lại người chồng, người con hết mực yêu thương mình. Người ở lại chẳng biết chờ đợi điều gì, linh hồn trống rỗng nhìn bờ biển đằng xa kia mà hết lòng thở dài.
Trí Tuệ đứng trong hiên nhà hướng theo hình bóng người ngoài bãi, thấy cha đầy mệt mỏi như vậy, trong lòng đau lắm. Lại nhìn về người ông đang ho khù khụ trên giường, lòng càng trĩu nặng hơn.
Cho tới một ngày...
Chiếc thuyền mang theo cha của Tuệ cứ như tàu không chủ, nó cứ phi băng băng trên biển chẳng biết điểm dừng ở đâu. Nó mặc kệ mọi thứ ở đằng sau, mặc kệ ở nhà còn có Trí Tuệ chờ đợi, mặc kệ người cha già ốm yếu đang chờ tới ngày nhắm mắt xuôi tay. Nó mặc kệ tất thảy, đâm đầu vào cơn bão biển đang ùn ùn kéo tới. Người để hơi biển muối mặn lại trong từng hạt cát, bóng áo bay lộng gió như cánh buồm lớn sải rộng hướng về tự do, muốn bỏ đi mọi ưu phiền ở lại bờ biển, để biển ăn mòn chúng hộ người.
Và người cứ thế đi mà chẳng hề trở lại, Trí Tuệ vốn không hiểu nhiều về nghề đánh cá, cũng chẳng hay bao lâu cha của em sẽ về. Vì hồi bé Tuệ có được cha dặn, sẽ mất liền 3-4 ngày mới có buổi thu hoạch no, có khi mất hơn một tuần trời mới đủ đầy thúng. Thế nên 1 ngày-2 ngày sau đó vắng bóng cha, Trí Tuệ ở nhà chỉ có thể dùng chút cá mòi nấu thành cháo cho ông ăn đủ ba cử. Chiều chiều lại ra bờ ngóng trông bóng thuyền của cha trở về. Có hôm nghe mọi người truyền tai nhau rằng hôm nay có bão to lắm, Trí Tuệ đang nấu dở nồi cháo cũng buông bỏ đó, chạy lật đật ra ngoài ngóng trông cha. Nhưng tiếc thay, chẳng những không thấy cha về, Trí Tuệ còn đón một trận mưa ngập trời đè lên đôi vai nhỏ của mình.
----
Đã hơn một tuần vắng bóng cha, Trí Tuệ đã rèn cho mình một thói quen khó bỏ. Đó là mỗi khi bình minh chuẩn bị lên và hoàng hôn xách vali màu đi xuống, Trí Tuệ sẽ đứng ngoài bãi trông ngóng thuyền của cha trở về.
Hôm nay cũng thế, trời rải đầy sương mù từ xa tiến vào, lại còn lác đác thêm vài hạt mưa bụi, Trí Tuệ theo thói quen ra ngoài bãi đứng ngóng cha khi biển chiều chuẩn bị ngả sang màu trầm uất. Đứng một hồi lâu mà chẳng thấy tín âm, Trí Tuệ thất vọng ngồi sụp xuống cát, cái màu cát xám tro bám quanh chân em như muốn nuốt chửng đôi chân gầy guộc, đôi mắt sáng long lanh giờ đây đã hoen đỏ. Trông về phía xa xăm mà lòng như đổ nát.
Gió trời càng ngày càng tợn, nó luồn vào cát, rẽ qua từng lọn sóng, chạy vào mắt em những cơn đau đáu ở tận đáy lòng. Tuệ uất ức nhìn biển, tiếng thuỷ triều đổ ào ào như tiếng phẫn nộ đang tuôn trào trong tim, Tuệ muốn gào lên thật lớn, Tuệ muốn hét lên thật to để biển đưa chúng trở về phía chân trời đen kịt.
"Tại sao cuộc đời đối với tôi lại bất công thế ? Tại sao biển lại cướp mẹ của tôi ? Biển trả lại mẹ của tôi đây !!"
Là ai đang hét đấy ? Là ai đang nói thay lòng của Tuệ đấy ?
Tiếng hét đủ lớn để Tuệ nghe thấy. Tuệ cảm nhận được nó đang ở gần mình. Tưởng chừng chỉ cách vài bước chân thôi.
"Biển thật xấu xa !! Biển thật ích kỉ !! Biển trả mẹ cho tôi đây."
"Hải Lân, mày đang nói cái của nợ gì đấy ?"
Còn có, giọng nói của một người đàn ông. Trí Tuệ hướng về phía hai thanh âm lạ. Từ đằng xa ở bên kia bờ, hình ảnh một đứa bé gái và một người đàn ông đang giằng co nhau cái gì đó như ẩn như hiện sau màn sương dày đặc. Khẽ nheo con mắt lại, Trí Tuệ hoá thân thành một con nhộng cứ ngó lên lại cúi xuống liên hồi. Bởi lẽ em muốn nhìn rõ đằng ấy đang xảy ra chuyện gì.
Bất giác, người đàn ông kia chỉ thẳng vào mặt đứa trẻ trước mặt, quát lớn.
"Con ranh này, mày có miệng không ? Ban nãy tao còn nghe thấy mày nói chuyện được cơ mà ? Trả lời ngay cho tao, mày lại nhắc đến mẹ mày nữa đấy à ?"
Gã đứng chao đảo trên bờ cát, một tay múa lung tung, tay còn lại cầm cái chai rượu thuỷ tinh to đã vơi đi một nửa. Cái cách ăn mặc sộc sệch với gương mặt đỏ lựng của ông khiến Tuệ có phần phải dè chừng.
Nhưng Trí Tuệ thấy có điều gì lạ lắm.
Rõ ràng ông ta nói những điều thô thiển với đứa bé kia như thế, sao em ấy không lộ ra bất kì điểm hoảng sợ nào cả ?
Đứa trẻ vẫn đứng đó với vẻ mặt nhẫn nhục cam chịu. Nó không hề đáp trả cũng chẳng hề kêu than. Nó lầm lì cúi gằm mặt xuống đất, chịu sự nguyền rủa của người đàn ông kia.
"Khương Hải Lân, tao ghét nhất thứ đàn bà bị câm. Mày đừng có giống con mẹ mày, hỏi cái gì là im, có cái mồm thôi cũng không biết nói à ?"
"Đừng có nói mẹ tôi nữa. Bà ấy đi rồi, để bà ấy yên."
Trí Tuệ sững sờ nghe một tiếng "chát" vang rền. Sau đó, từng cái tát đau điếng của gã đàn ông liên tục giáng xuống gương mặt của đứa bé. Gã vừa đánh vừa nghiến răng ken két, gương mặt đỏ gay gắt ăn mòn cả vệt nắng của hoàng hôn không thể xoá nhoà đi vẻ dữ tợn từ một gã đàn ông bợm rượu. Nhìn gã bây giờ như một con thú hoang, sẵn sàng giết chết con mồi trước mặt bất cứ lúc nào. Trí Tuệ thấy cảnh hung tàn thì không thể kìm lòng ngồi nhìn được nữa. Tuệ có thể cảm nhận được dường như biển đang cố gắng động viên Tuệ, tiếp thêm sức mạnh cho Tuệ. Tuệ phủi vội hai bên quần bám đầy cát, bước từng nhịp chân mạnh mẽ tới gần hai cha con nhà kia.
"Chú ơi, có chuyện gì thì từ từ hẵng nói được không ? Chú đừng đánh em ấy nữa, chú sẽ phải vào tù vì tội bạo lực gia đình đấy ạ."
Giọng nói lanh lảnh như tiếng chim ca đầu hạ vang lên đã thu hút ánh nhìn của hai cha con. Dưới ánh dương bao phủ mảnh đất xanh rọi của linh hồn biển, Tuệ thấy trong đôi mắt đen vẩn đục của Hải Lân hình như loé lên một tia sáng, một tia sáng nho nhỏ khi thấy Tuệ đứng trước mặt bảo vệ nó. Cái bóng lưng gầy gầy chỉ nhỉnh hơn nó một tẹo nhưng nó biết người này đang đứng về phe của nó. Sự vui mừng ngập tràn từ cuống họng chảy dọc xuống đáy cát. Như mùa xuân năm ấy nó còn được ngồi nũng nịu với mẹ ngoài bãi biển, như mùa hạ năm kia còn được ngủ trong tiếng quạt tay của mẹ. Tất cả niềm vui đó nó chỉ gói gọn vào trong kí ức đã hoen sâu trong quá khứ, vì nó biết chẳng còn ai sẽ ở lại bảo vệ nó nữa. Nên khi thấy Tuệ lên tiếng bảo vệ nó, nó vui lắm, nhưng nó lại không thể hiện ra mặt, giữ thật sâu trong lòng.
Sau một hồi đôi co, Trí Tuệ can ngăn không được. Thấy mọi chuyện dần hết hi vọng, trong lòng Tuệ bỗng lóe lên một ý định muốn dắt Hải Lân chạy trốn ra khỏi đây, nhưng không thể. Vì Hải Lân là con của nhà người ta, dắt đi như thế thì chẳng khác gì bắt cóc cả.
"Chị ơi, dẫn em đi theo với."
Tiếng cầu cứu yếu ớt của Hải Lân vang lên như hồi chuông đánh thức lý trí của Tuệ. Tuệ không hiểu lúc đó bản thân đã ăn phải gan con gì mà có can đảm để chộp lấy bàn tay gầy guộc của Hải Lân, kéo nó chạy vụt qua khỏi người đàn ông. Gã thấy vậy liền tức tối, kêu la om sòm. Đoạn, gã đuổi theo hai đứa trẻ dọc theo bờ biển đen. Có lẽ ông trời chẳng chịu buông tha hai đứa, Hải Lân hôm đó chịu một trận đòn rất đau, còn Tuệ thì bị gã cầm cái chai đánh ba nhát vào đằng sau lưng.
---
Hôm sau, Tuệ vẫn theo thói quen ra biển đợi cha. Còn nữa, Tuệ muốn gặp đứa bé ngày hôm qua để gửi một lời xin lỗi. Bởi hôm qua thấy nó bị đánh đau, Tuệ hối hận lắm. Hối hận vì đã kéo nó đi, vì đã để nó bị đánh bởi cái chiêu trò giải cứu nhất thời của Tuệ. Nhưng Tuệ không thấy cô bé kia ra lại bờ biển nữa. Dường như sự xuất hiện của nó chưa hề tồn tại, chỉ tình cờ thoáng qua như những cuộc gặp gỡ của cánh hoa thược dược héo úa tới ngày rụng xuống ở sau sân vườn nhà Tuệ, lạc mất nhau trong đống hổ lốn của lá cỏ, hoà mình trong mảnh đất khô cằn đầy sỏi gạch ngổn ngang.
Và, trong những ngày kế tiếp, Tuệ vẫn ngồi chờ trong mòn mỏi, vừa đợi tín âm của cha, vừa đợi cái hình bóng nhỏ nhỏ của ngày hôm ấy. Nhưng Tuệ chỉ nhận lại sự thất vọng, em tiu nghỉu ném một hòn sỏi ra biển. Những tiếng "póc" cứ thế liên tiếp vang lên cùng với tiếng sóng đẩy nhẹ vào bờ tạo thành cái âm thanh rất lạ tai, như một bản hoà âm của biển reo vần trên từng cánh buồm trắng phau ngoài xa trở về. Hình ảnh cô bé gầy nhom mang tên Hải Lân bất chợt ồ ạt ùa tới, chúng vẫn rõ từng chút một, như chỉ vừa gặp cách đây vài giây thôi. Cái đôi mắt to tròn như chú mèo mun của nhà bà bảy kế bên hay nhảy sang nhà Trí Tuệ ăn vụng, mái tóc xù cắt lởm chởm trông phát ngố, mặt mũi tèm lem bụi bẩn và nước mắt chẳng hề phai đi. Trí Tuệ nhớ đến nó, nửa thương nửa buồn cười, chẳng hiểu sao cứ nghĩ tới nó thì lại cười. Chắc tại nhìn nó ngố.
----
Cái ngày gọi là định mệnh rốt cuộc cũng đã tới.
Ngày Tuệ chuẩn bị bước sang tuổi 18, ông nội Tuệ trút hơi thở cuối cùng, cũng là lúc Tuệ đón tin cha đã mất trên biển.
Mẫn Trí, con gái nhà bà bảy kế bên là người kéo thuyền đánh cá của nhà Tuệ về, cũng là người báo tin cha của Tuệ mất.
Ngày đó, nó theo đoàn đi đánh cá ở xa bờ, tình cờ thấy chiếc thuyền của nhà cha con Tuệ mắc ở hòn đảo kế bên. Vì là hàng xóm láng giềng lâu năm, Trí còn chơi thân với Tuệ, nó gọi anh trai lái thuyền tới hỏi thăm xem đằng ấy có cần sự giúp đỡ hay không. Nhưng khi mới chạm tới bờ tới thì nó thấy khoang thuyền trống trải, không có một bóng người. Ngoài mạn thuyền, chiếc lưới bắt cá còn chưa được kéo lên hết, những con cá mắc lưới nhảy trên bờ tanh tách. Trí được cái hay lo, nó bảo anh trai tìm phụ nó dấu tích cha của Tuệ. Khi đi được vài bước xa thuyền, nó phát hiện thi thể của cha Tuệ nằm trơ trọi trên bờ cát, khuôn mặt ông xanh xao chẳng còn lấy một hơi thở. Nó sợ quá hét lên, gọi mọi người tới giúp anh trai gói ghém thi thể của ông mang về bờ. Khi thuyền mới đáp đến nơi, nó nhảy khỏi thuyền, chạy vụt về xóm, băng qua đống sình lầy bẩn đục, vượt qua từng cây cầu tre, lao thẳng vào nhà Trí Tuệ mà không cần phải gõ cửa, nó quen vậy rồi.
"Tuệ, Tuệ, mày đâu rồi ? Tuệ ơi, cha của mày."
Tuệ đang bắc nồi cháo lên bếp, nghe thấy Trí reo réo trước sân liền ngóc đầu ra ngóng:
"Mày nói gì cơ ? Tao không nghe rõ."
Trí thấy Tuệ ở dưới bếp liền nhảy tót xuống, kéo tay Tuệ đi:
"Mày đi ra bãi nhanh lên. Nhanh nhanh, cha của mày, ổng chết rồi."
...
Trí Tuệ lách qua một vòng người đang bủa vây, lê từng bước chân nặng nề đứng trước thi thể của cha. Nhìn gương mặt gầy guộc không còn sắc hồng, vòm ngực trần giờ chỉ trơ xương của cha, lòng em quặn thắt lại. Em không thể kìm lòng được mà gào lên trong đau đớn. Người đàn ông cưng sủng em lên tận chân mây, người đàn ông luôn tự hào về em, chỉ vì bữa em thi cuối kì 10 mà khao cá cho cả hàng xóm,.. Một người đàn ông yêu em vô cùng tận như vậy, giờ đây chỉ nằm bất động trên cái chiếu rách bươm này. Mẫn Trí đứng bên cạnh, vuốt dọc bờ vai Tuệ, để em khóc nức nở trong lòng của nó. Bây giờ trong lòng nó cảm xúc vô cùng phức tạp.
Nhờ người đưa thi thể của cha về, đứng trước cổng định lên nhà thưa chuyện với ông, Tuệ một lần nữa không tin vào mắt mình. Ông của Tuệ, ngã sõng soài trước cửa phòng, gương mặt nhăn nheo tái đi tím ngắt, ông nằm úp xuống nền gạch, đôi dép dưới chân cũng văng đi tứ tung. Tuệ mặc kệ bản thân vẫn còn chao đảo, em lao tới thật nhanh về phía ông, đôi mắt mới khô lệ lại tuôn hai hàng nước mắt mặn chát, mặn hơn cả muối biển, cay đắng hơn cả cái món thuốc bắc mà ông hay ngồi uống.
---
Tuệ bất lặng đứng trước thềm. Bầu không khí trong cái đám tang ảo não đến cùng. Ở đằng xa xa kia, màn mưa đen đang ùn ùn kéo tới, nó xả ào ào lên cái mái tôn sờn màu, rơi lộp độp lên từng tàu lá cọ, lăn dài trên từng cái thau đựng cá, rồi mới đáp nhẹ lên sườn mặt của Tuệ những giọt sương trong suốt, có thể vỡ tan bất cứ lúc nào. Khoác lên mình chiếc áo tang mỏng dính, Tuệ cảm tưởng chính mình bây giờ không còn một chút sự sống nào nữa, giống như nó vậy.
Mong manh, nhẹ tênh, tưởng chừng có thể xuyên thấu vào tận bên trong chính trái tim đang rỉ máu của Tuệ.
Nhìn dòng người ra vào hồi lâu, Tuệ không tài nào trụ được liền ngã vào lòng Mẫn Trí.
"Tuệ, mày có sao không ?"
"Cảm ơn mày, Trí ơi. Nếu hôm nay không có nhà mày qua đỡ chắc tao chẳng làm được trò trống gì cả."
"Bạn bè thân thiết lâu năm mà mày còn nói lời cảm ơn nữa à. Chuyện nhà mày cũng là chuyện nhà tao, từ giờ có tao sẽ có mày, đừng lo."
...
Suốt hai ngày sau đó, Mẫn Trí chịu tang thay cho Tuệ. Người con gái chịu hai đả kích cùng một lúc khiến em sụt đi mất vài ba kí, Trí có dỗ cho Tuệ ăn mà không tài nào dỗ được. Bà bảy thì bận tiếp khách thay cho Tuệ, nhìn con gái mình an ủi Trí Tuệ hết ngày này qua ngày khác, bà không khỏi đau lòng thay.
Thấy Tuệ yếu ớt dựa vào vách tường nhìn di ảnh của hai người đàn ông trên dương thờ mà lòng bà quặn thắt. Bà đã từng trải qua khi bà mất đi người chồng trong chiến trường năm ấy nên bà có thể hiểu nỗi đau mất đi người thương yêu của Tuệ tồi tệ tới nhường nào. Bà nhẹ nhàng tới gần Tuệ, để Tuệ dựa vào vai bà. Bàn tay thô ráp khẽ vuốt ve mái tóc xù của em, nghe nhịp thở đều đều của Tuệ trên vai, bà biết Tuệ đã ngủ say rồi.
"Từ giờ mày phải ở một mình lo toàn bộ thay phần cha mày. Khổ thân cháu gái của tôi, ôi ông trời ơi sao ông ác với nó thế. Nó cũng là phận đàn bà, sao lại để nó chịu tủi nhục từ bé như thế này, nó xấu số quá !!! Ôi ông trời ơi !!"
---
Trí Tuệ năm nay đã chạm ngưỡng 20 tuổi. Cái tuổi xuân xanh hừng hực khí thế của thanh niên đến độ chín muồi. Suốt 2 năm vừa qua, mỗi lần đi đánh bắt là Trí lại qua "ới" Tuệ đi cùng, dẫn Tuệ làm quen dần với những người trong đoàn đánh cá. Trí Tuệ cũng tự học được cách đánh bắt cá, cách đan lưới, nuôi tôm...từ Mẫn Trí. Tất cả những công việc mà Tuệ trước giờ chỉ thấy từ cha, giờ đây đối với Tuệ, chẳng đáng là khó nhọc bao.
Từ ngày cha và ông của Tuệ mất, Tuệ thường qua nhà bà bảy dùng cơm. Cứ tới bữa là bà bảy gọi Tuệ qua nhà ăn cơm, mới đầu ngại ngùng là thế nhưng riết đã quen thuộc rồi. À, Trí Tuệ còn quen một con bé tên là Huệ Nhân hay đi đánh cá chung đoàn nữa. Thấy người ta bảo nó ở xóm bên cạnh nhưng hay lại xóm bên đây đánh cá. Nó đánh cá rất cừ, thấp tuổi hơn Tuệ là thế nhưng so với cái chiều cao hơn hẳn một cái đầu của nó cũng đủ ăn đứt Tuệ ở mảng kéo lưới rồi. Tuệ quý nó lắm, coi nó như người em trong nhà, có quà bánh gì cũng để cho nó một nửa khiến Mẫn Trí phải ghen tị.
"Tao bạn mày bao nhiêu năm, mày chẳng cho miếng bánh nào, con Nhân mới quen mày mấy tháng mà mày đối xử với nó như thế đấy. Hay là mày thích nó ?"
Trí Tuệ cười phì, em gõ vào đầu nó một cái đau điếng:
"Có yêu thì tao cũng không thèm yêu cái người cao hơn tao hẳn một cái đầu như nó đâu con quỷ. Ghen vớ ghen vẩn."
---
Là thân con gái, một mình phải lo chuyện đàn ông ở nhà, Trí Tuệ cũng hiểu phần nào về cuộc sống. Thấy dòng người trong làng lũ lượt rời lên thị xã sinh sống để theo đuổi cái thứ gọi là kim tiền mỹ lệ, Trí Tuệ không khỏi thất vọng. Thất vọng thay cho làng nghề đã có truyền thống, thất vọng thay cho những cánh buồm trắng lác đác ngoài xa, thất vọng thay cho cả dòng biển bao la trải dọc xứ này.
Nói biển cô đơn, biển cũng quen rồi. Vốn dĩ biển làm gì cô đơn, chẳng qua bạn của biển mải theo đuổi thứ lấp lánh khác mà bỏ rơi biển thôi. Quê hương của dân chài vốn gắn liền với biển, ai đi rồi chắc cũng có chút nhớ thương về mảnh đất này đó chứ ? Hay lại bỏ rơi nó như cách mẹ Tuệ vì phồn vinh phú quý mà bỏ rơi cha con Tuệ ở nơi đây. Ai mà chẳng muốn giàu sang, đẹp đẽ, đâu có ai khờ mà ở lại chốn nghèo như Tuệ đâu. Trí Tuệ đã bám vào cái nghề đánh cá này tính đến nay cũng là cũng tròn 5 năm. Là người con gái tuổi 23 với làn da sạm nâu, mặt sạn vì dãi nắng, người đã quen bám đầy mùi tanh của cá, của biển, Tuệ chỉ cần đơn giản như này sống qua ngày thôi, cao sang làm gì nữa, Tuệ chẳng bao giờ nghĩ tới đâu.
---
"Tuệ, hay mày, tao với con Nhân làm chuyến lên thị xã kinh doanh bán cá đi."
"Thôi tao không lên đó đâu, ở đây đủ sống rồi."
Trí Tuệ đang kéo lưới bắt cá lên, thấy Mẫn Trí ở bên vừa kéo đỡ lưới vừa ì èo bài ca kinh doanh, em phì cười rồi lên tiếng.
"Mày thích thì lên đó với cái Nhân đi, tao ở nhà bắt cá tiếp tế cho mày, lo quách gì."
"Trời ơi, mẹ coi nó kìa."
Mẫn Trí không thuyết phục Tuệ được liền nhõng nhẽo với bà bảy. Bà cũng hiểu nỗi lòng của Trí Tuệ. Chẳng trách là Trí Tuệ sợ xa nhà, xa nhà rồi ai lo cơm cúng tổ tiên, ai đánh cá để bà bảy bán qua ngày nữa. Nhưng, ở đây muốn làm giàu thì khó lắm. Bà thở dài một hơi, hướng tới cái Tuệ mà nói:
"Không đùa ấy chứ bà già này chỉ mong ba đứa lên dó làm ăn rồi xây dựng một cuộc sống riêng chứ không phải quanh quẩn với cái nghề đánh cá từ năm này qua tháng nọ ở trong cái ngôi làng nghèo này. Chúng mày còn trẻ cứ lên đó làm ăn thử đi, thất bại về đây sống tiếp nghề đánh cá, sợ gì mà không thử."
"Bà bảy, trên đó không giống dưới này đâu. Đầy thứ sang xịn hơn cơ, con lên đó rồi, con hiểu. Ở nhà con còn lo cúng bái tổ tiên, mang cá về đỡ bà bảy chứ, cần gì đi xa."
"Mày lên đó mới cỡ tầm tuổi đi học, mới lớp mầm lớp lá, đâu đó vài năm tiểu học. Chứ có phải mới về đâu mà. Cứ đi đi, tao ở nhà tao lo được. Tao còn thằng Minh phụ tao. Việc nhà mày thì yên trí, tao thay mày làm hết cho."
Mẫn Trí ở bên phụ hoạ giúp mẹ thuyết phục Trí Tuệ.
"Đúng rồi mày, anh Minh khoẻ re, ở nhà phụ mẹ tao được rồi. Tao với mày đi lên đó làm chuyến, đi. À để rủ thêm con Nhân nữa."
---
Trong cái khu chợ nằm sâu trong trung tâm thị xã, ba đứa Trí, Tuệ, Nhân kéo nhau vào một khu trống để thuê làm một cái gian hàng buôn bán đồ biển. Được cái chỗ thuê rẻ ọt nên ba đứa cũng đủ dư giả mua thêm vài ba cái đồ thiết yếu để dựng sạp. Khi mọi thứ đã tươm tất, con Nhân nhanh nhẹn chọn nhiệm vụ mổ cá, nó phân chia để Trí đảm nhiệm gọi khách và đương nhiên, Tuệ sẽ là người vừa phải gói hàng vừa thu ngân. Nhiệm vụ vừa mới phân xong, ba đứa liền nhào vào mở sạp luôn.
Nhờ sự duyên dáng trong cách khéo ăn khéo nói của Mẫn Trí, sạp mới mở liền đông khách. Khỏi phải đi đâu xa xem múa dao hay múa kiếm, chỉ cần tốn 5 phút đứng tại đây, Nhân sẽ thể hiện tài mổ cá siêu đẳng cho khách xem. Qua vài nhát dao, loáng một cái, một con cá siêu to đã được lọc sạch sẽ không còn một chiếc xương nào cả. Mẫn Trí vui vẻ đứng gói hàng cùng Tuệ, nó cười khanh khách như được mùa làm Tuệ cũng vui lây. Lâu rồi cả ba đứa mới được vui vẻ như thế này đấy.
.
.
.
Tới giữa trưa, Trí Tuệ hú Mẫn Trí đi mua đồ ăn cùng, để Nhân ở lại trông sạp. Khi quay lại thì thấy có hai người con gái lạ đang đứng tám chuyện với Nhân. Trí Tuệ để ý cái người cao nhất, bóng lưng gầy quen thuộc ngày nào ùa về trong kí ức của Tuệ. Trong tiếng sóng vỗ ào ào như đổ thác, tiếng hét lớn của một đứa trẻ vang lên đầy oán trách.
Hải Lân ?
Huệ Nhân thấy hai chị lớn từ đằng xa, nó vẫy ra hiệu liên tục làm hai cô gái kia chú ý theo hướng tay vẫy của nó. Trí và Tuệ ngượng ngùng xách bịch đồ ăn tới, miệng không quên chào hỏi hai vị khách lạ. Con Nhân nhanh nhảu kéo tay hai người lại giới thiệu:
"Chị Hân, chị Lân, đây là chị Trí và chị Tuệ, làm chung nghề với em."
Ngọc Hân dường như chợt nghĩ tới điều gì đó, vội chộp lấy bàn tay của Tuệ không ngừng lắc:
"Ô ? Mưu Trí Tuệ đúng không ?"
Trí Tuệ ở một bên ngẩn tò te hết cả ra, như sực nhớ ra, Tuệ reo lên một cái tên là lạ:
"Phạm Ngọc Hân ?"
"Là Hân đây. Đừng bảo bà quên tên tui hen."
"Bậy, tui nào dám quên cô bạn thân đanh đá của tui đâu."
"Thị xã coi vậy mà nhỏ quá ta ơi. Đi một vài vòng là gặp cô bạn học yêu dấu của tui rồi. Xưa sao bà thôi học vậy ? Biết tui lo cho bà lắm không."
Mẫn Trí và Huệ Nhân đứng một bên nhìn hai con người tay bắt mặt mừng thì không hiểu cái gì cả. Mẫn Trí đánh mắt qua cái đứa cao hơn, thấy nó cứ lầm lầm lì lì đứng nhìn thau cá thì vội rùng mình. Mẫn Trí huýnh nhẹ vai Huệ Nhân ra dấu:
"Nhìn nó như dân đen ý nhỉ."
"Chị Lân hồi bé vốn đã thế rồi, lớn lên không khác xưa mấy. Các chị mới tiếp xúc, thấy lạ là đúng ròi."
"Mày quen con đó hả, tao không biết hai đứa nó. Mà hay he, cái con hồi bé nhỏ Tuệ quen cũng tên là Lân. Vì cứu hụt con Lân đó khỏi bố nó nên con Tuệ với con Lân bị ông đó đánh bầm dập luôn."
"Mày nói xấu gì là tao nghe hết rồi đấy nhé Mẫn Trí."
Trí Tuệ với gương mặt đằm đằm sát khí tiến sát gần Mẫn Trí khiến nó lúng túng xách vội bịch đồ ăn chạy thẳng vào bên trong. Trí Tuệ thôi không giỡn với Trí nữa, em đánh mắt nhìn cô bé cao cao bên cạnh Hân:
"Này là em gái bà hả Hân ?"
Ngọc Hân vui vẻ giới thiệu Hải Lân với Trí Tuệ, trên miệng không ngừng nở một nụ cười tươi:
"Đúng rồi, này là Hải Lân, em họ tui. Mới chuyển về sống chung với tui từ khi lúc tui lên lớp 4. Nhìn nhỏ lầm lì thế thui nhưng mà bên trong hướng ngoại lắm."
Trí Tuệ không nói gì cả, chỉ nhìn chằm chằm vào Lân khiến nó xấu hổ mà rúc vào sau lưng Hân. Thấy nó ngượng ngùng nấp đi, Trí Tuệ gượng cười thu hồi ánh mắt lại. Trong lòng nôn nao hết cả ra, cái quá khứ năm nảo năm nào vẫn còn thủy chung nằm yên ở đó, Tuệ tưởng như nó vĩnh viễn thu dọn tất thảy rời đi rồi cơ. Vì Tuệ cảm giác rằng bản thân em càng lớn thì trí nhớ càng thuyên giảm ấy. Mới vừa nghe chuyện này lại quên chuyện kia, nhưng chỉ có thứ duy nhất Tuệ chẳng bao giờ quên được, đó chính là cô bé năm xưa ở làng chài.
Nhìn cái điệu bộ lầm lầm lì lì của cô gái đằng kia, chẳng khác gì nó cả. Hay là..?
Mà nếu đúng là Hải Lân thật thì sao ? Tuệ sẽ làm gì với Hải Lân của bây giờ đây ? Chắc gì Hải Lân còn nhớ chuyện năm đó cơ chứ.
Ngọc Hân thấy Tuệ đứng chôn chân ở một chỗ liền phì cười. Cái cô bạn chơi chung với Hân từ lớp lá đến tận bây giờ chẳng thay đổi là bao, vẫn là gương mặt ngô ngố của một thiếu nữ mới lớn, chẳng giống người đã từng trải một tý nào cả. Hân đánh mắt về chiếc đồng hồ quả cam nằm ngăn nắp ở trên tường, thấy kim giờ sắp sửa điểm tới số 11, cô liền vội vã thúc giục Tuệ:
"Gói cho tui con cá kia đi, giữa trưa rùi tui còn phải về nhà nấu cơm. Nào rảnh rang tui qua tìm bà buôn chuyện tiếp nha."
---
Sau lần gặp ngày hôm đó, thi thoảng Hân có lại tới sạp mua cá đỡ ba người họ, nhưng chẳng thấy Lân đi theo. Tới một ngày, Tuệ mới gặng hỏi Hân thì Hân nói Lân mới đi du học cách đây hơn một tuần rồi. Câu trả lời như tiếng sét đánh vào tai của Tuệ.
Vậy là em ấy sẽ không ghé thăm cái sạp nhỏ này nữa sao ? Tuệ không thể nhìn em lần nữa sao ?
Và, từ khi Hân nói câu đó xong, Trí Tuệ cứ ngơ ngơ ra làm sao ý. Mẫn Trí với Huệ Nhân nhiều lúc đang bận tiếp khách thấy Trí Tuệ cứ đứng như trời trồng ở trước cửa sạp, ánh mắt thất thần nhìn vào khoảng không trên nền gạch loang lổ mùi tanh của cá thì ảo não vô cùng. Một hôm nọ, hai đứa thấy Tuệ vẫn đứng đơ ra đấy, khách gọi không trả lời, Mẫn Trí đang mổ cá dở thì bực lắm, nó liền đi qua táng Tuệ một cái vào mông khiến Tuệ giật mình.
"Mày he, cứ đần thối ở đó làm gì vậy ? Hay là dạo này tương tư em nào, hả?"
Mẫn Trí đưa con cá mới lọc xong cho Tuệ, Huệ Nhân ở một bên phụ họa:
"Hay chị để ý chị Ngọc Hân ? Từ bữa đó tới giờ em để ý chị là lạ làm sao á."
Trí Tuệ hắng giọng một cái, em nhìn xung quanh một hồi rồi chụm đầu vào hai người:
"Tao để ý con bé lầm lì bữa đầu đi theo bà Hân cơ."
"Mà nhắc mới nhớ, bữa tao thấy mày nói chuyện với hai người đó. Bộ mày quen Lân hả Nhân ?"
Trí Tuệ hồ hởi lấy cái ghế con trong góc nhà, nhanh nhảu ngồi cạnh con Nhân. Nó vừa lọc cá vừa kể:
"Đúng rồi, chị Lân với em ở chung xóm bên mà. Hồi đó cha của chỉ bị đồn là dữ nhất làng, hay ăn vạ như Chí Phèo ý nên không ai bén mảng tới gần. Mà chị Lân khổ lắm, bị ổng đánh suốt ngày, có mấy bữa bị nhốt ở ngoài cổng không cho về. Mấy bữa đó em có rủ chỉ qua nhà ăn cơm rồi ngủ chung luôn. Nên mới thân đó."
"Má biết vậy tao làm thân với mày từ sớm rồi."
"Thân với em để cua chỉ hả ? Ối dồi ôi, chắc gì chị Lân ưa chị, trông chị khờ thấy bà nội luôn."
Trí Tuệ trợn mắt lườm Huệ Nhân một cái làm nó rụt hết cả cổ, đoạn em quay phắt qua Mẫn Trí, nháy mắt trêu chọc nó:
"Cái người mày nói để ý Hân là nhỏ này mới đúng."
Huệ Nhân hết hồn hết vía đánh rơi con dao trên tay, Mẫn Trí đang mổ cá đỡ Huệ Nhân thì giật mình, liền ho khù khụ. Nó chùi vội tay chối bỏ:
"Mày tào lao vừa. Tao đã nói chuyện gì nhiều với nhỏ đó đâu."
"Mày nhìn con nhà người ta suýt nữa rơi cả mắt mà chối."
Mẫn Trí đỏ hết cả mặt, tay gãi gãi đầu mũi che giấu sự ngại ngùng.
"Thì cũng có."
----
Một tháng, hai tháng, rồi tới 1 năm, 2 năm trôi qua.
Ba đứa vẫn buôn bán như thường lệ, Ngọc Hân chính là "mối buôn bán" lớn của sạp. Lần nào cô đến cũng phải dẫn theo vài ba người bạn học hay họ hang thân thiết đi chung mua cùng. Mà khổ lắm cơ, Mẫn Trí nó hay ghen, mỗi lần thấy Hân tới là nó hứng hở lắm, liên mồm chào hàng mới cho Hân. Nhưng khi Hân dẫn theo ai đi cùng là mặt nó đằm đằm sát khí. Thấy nó lân la tới dò hỏi người đi chung với mình, Hân ban đầu cũng lấy làm lạ, tưởng Mẫn Trí để ý người ta nên mai mối cho Trí dữ lắm kìa. Mà Trí khi biết được thông tin của người đi cùng Hân thì lại dửng dưng như không có gì cả khiến Hân bực hết cả mình. Mai mối nhiệt tình thế rồi mà chẳng để tâm, thật phí công. Mà khổ nỗi Hân khờ giống Tuệ, đâu biết người Trí đang để ý là Hân đâu.
Còn Tuệ thì ngược lại, mỗi ngày trôi qua của Tuệ tẻ nhạt vô cùng. Tính từ khi Tuệ biết Lân là cô bé năm xưa, em có cái cảm giác lạ lắm. Cái cảm giác không thể nào diễn tả được bằng lời. Nói sao nhỉ ? Vì trái tim của Tuệ không biết truyền đạt tới Tuệ như thế nào nữa. Nó như một hộp pandora không có cổng mở chìa khoá vậy, xoay chuyển tâm trí của Tuệ hết hướng này qua hướng nọ. Chỉ khi Tuệ đối mặt với biển thì Tuệ mới biết câu trả lời. Sự hồi hộp liên tục đập thành từng nhịp "ba dum" thôi thúc Tuệ hỏi sóng. Sóng cuộn trào ở đầu mũi chân, chạm nhẹ lên từng mảnh vụn của tình yêu, ghép chúng thành một chiếc chìa khoá. Một chiếc chìa khoá dẫn Tuệ đi tới cái ngày định mệnh gặp gỡ giữa Tuệ và Lân.
....
Sau ngần ấy thời gian, biết bao nhiêu người tới làm mai làm mối, tán tỉnh ba cô gái bán cá nhưng chỉ có Huệ Nhân ưng ý một anh bác sĩ hay tạt vào sạp để mua xương cá về thực nghiệm. Còn Trí Tuệ và Mẫn Trí thì khác, chẳng có ai lọt vào mắt xanh của hai người được cả. Vì họ đều có người tương tư rồi.
---
Tháng tư, cái tháng duy nhất chỉ xuất hiện một ngày nói dối, cũng là tháng Trí Tuệ năm ấy mất tất cả.
Tết thanh minh, Trí Tuệ cùng Mẫn Trí trở về làng trong cơn mưa phùn nhẹ. Huệ Nhân nói ở lại trông coi sạp cá, nói trông coi là thế chứ hai chị lớn cũng thừa biết Huệ Nhân ở lại là để hò hẹn với anh chàng kia rồi. Trước khi đi, hai người căn dặn kỹ lưỡng cho Huệ Nhân, thấy nó gật gù hiểu rõ rồi thì mới an tâm thu dọn chút đồ để trở về.
Dù có đi đâu xa, nhưng ai cũng sẽ có một nơi để trở về. Đó là nơi đã chứa đựng, chăm đẵm, nuôi lớn từng kỉ niệm tuổi thơ vô giá; là nơi vương vấn bao điều còn giang dở; là nơi nâng từng gót chân mềm còn đỏ hỏn khỏi nỗi đau, đưa từng linh hồn còn lạc lối về với đất mẹ. Đó chính là quê hương, là khu làng chài nghèo này. Hơn nữa, lần này Trí Tuệ còn về thưa chuyện làm ăn với tổ tiên, với cha và với ông. Bởi vì ngày đó vội bắt kịp chuyến xe mà Tuệ đã quên béng mất chuyện hệ trọng này. Trí với Tuệ thu dọn đồ xong xuôi liền bắt ngay chiếc xe khách từ thị xã về làng, trong lòng hai đứa đều thấp thỏm không thôi. Đã lâu rồi chúng nó chưa trở lại về làng, chẳng biết bây giờ làng xá ra sao, nhà bà bảy, chuyện nhà Tuệ như thế nào.
...
Khi mới bước chân xuống một cây cầu tre, Trí Tuệ vọt chạy đi trước bỏ mặc Mẫn Trí ở đằng sau. Ai mà biết được trong thân tâm của Tuệ đang nghĩ gì, chỉ là Tuệ đang có một cảm giác lạ lẫm mà chính Tuệ không hiểu được. Băng qua từng bãi sình năm xưa mò cua bắt ốc, chạy dọc men theo khu nuôi tôm nuôi cá, Trí Tuệ đã đứng trước cổng nhà của mình. Em thở hổn hển nhìn vào trong, bà bảy đang loay hoay đun ấm chè dưới bếp, Tuệ mừng rỡ lao vào lòng bà khiến bà giật mình mà mắng yêu:
"Tiên sư cha nhà mày, làm giật mình bà già này. Nay về qua mộ thắp cho ông với cha mày nén hương hen."
"Con biết rồi mà. Bà bảy này."
Trí Tuệ siết chặt cái ôm lại, bà bảy theo thói quen vuốt mái tóc xù của em, ánh mắt trìu mến nhìn Tuệ đang rúc sâu vào trong lòng bà:
"Tao nghe."
"Cảm ơn bà bảy vì thời gian qua giúp đỡ gia đình con. Con biết ơn nhà bà bảy lắm đó."
"Coi bộ mày lên đó học được phép lịch sự quá hen. Con Trí mà được một góc của mày thì tốt, à thế nó có về với mày không ?"
"Trí có về á bà bảy, nó chạy ở đằng sau con."
"À tao quên, trên nhà có mày nay có khách. Nhìn nó lạ lắm nhưng thấy bảo là bạn mày vào thắp nén nhang cho ông với cha mày nên tao cho vào đấy. Mày ngó coi phải không ? Kẻo ăn trộm."
Trí Tuệ bấy giờ mới buông vòng ôm khỏi bà bảy. Trong lòng thấp thỏm không thôi, Tuệ bèn xách cái túi to đi lên nhà thì thấy có một cái bóng của ai đang ngồi ở gian phòng khách. Tuệ tò mò đi vào trong, cái mái tóc đen mượt xoã dài ngang lưng cùng chiếc đầm trắng tinh khôi rải đầy hoa nhí khẽ xoay người lại. Tuệ thất thần nhìn kỹ gương mặt ấy, đôi mắt ấy, bờ môi ấy, tất cả đều là sự quen thuộc.
"E-em là ?"
"Chị Tuệ. Lâu rồi không gặp."
Hải Lân đứng dậy bước tới trước mặt Tuệ. Cái hình bóng năm xưa bất chợt ùa về khiến Tuệ không khỏi xúc động. Nhưng vì không chắc chắn rằng đó là Hải Lân năm xưa nên Tuệ kìm lòng lại, em hít từng nhịp chậm rãi như sợ vụt bay mất cái nỗi nhớ hằng đêm từ khi Lân không ghé tới sạp. Để rằng chắc chắn hơn, Trí Tuệ mon men dò hỏi điều mà bấy lâu nay em còn nghi ngờ:
"Em có phải là Hải Lân, cái đứa bé bé hổm chị kéo đi rồi cả hai bị đánh không ?"
"Là em đây, cái đứa mặt mũi tèm lem nước mắt với cái mái ngố cắt lởm chởm mà chị bảo vệ ngày hôm đó đây."
Trí Tuệ bấy giờ mới thở ra một hơi nhẹ nhõm, sự hạnh phúc lan rộng khắp cơ thể. Tuệ nhào tới ôm Lân thật chặt. Hải Lân không tránh né, nó vòng tay đáp lại cái ôm của Tuệ, không ngừng vuốt ve lấy tấm lưng của Tuệ.
"Em đi du học 2 năm theo lời của hai bác, giờ rảnh rang về thăm quê nên tiện qua thắp cho ông và bác trai vài nén hương. Năm xưa em nhỏ quá nên người ta không cho vào viếng, em chỉ có thể đứng ở bên ngoài quan sát thôi."
Tuệ chôn sâu gương mặt của mình vào hõm vai Lân, tham lam hít vào thật sâu cái hương hoa nhài vương ở đầu mũi làm Lân nhột. Nó phì cười, đưa tay lên vuốt mái tóc xù của Tuệ:
"Gặp chị ở chợ bán cá đúng là duyên nhở. Em cứ ngỡ sau chiều hôm đó không gặp được chị nữa vì em được người ta đưa vào cô nhi viện."
Trí Tuệ bất ngờ khi nghe thấy Hải Lân nói vậy, em rời khỏi cái ôm, nghi hoặc nhìn Lân:
"Em được đưa vào cô nhi viện ? Tại sao ?"
---
Trên cái mảnh đồi đất bỏ hoang ngay sau nhà, hai người vai kề vai đứng trước mộ của ông và cha Tuệ. Nhìn xung quanh đã được dọn dẹp sạch cỏ rác, Tuệ xúc động vô cùng, sự biết ơn đối với nhà bà bảy trong em càng ngày càng lớn. Đặt hai bó hoa cúc vàng lên từng bia mộ, thắp vài nén hương tỏa khói thơm lan dọc quanh bãi cỏ, Tuệ cúi đầu chắp bái thưa chuyện với ông và cha. Hải Lân im lặng đứng bên cạnh Tuệ, nghe tiếng thì thào của Tuệ như tiếng sóng chiều vỗ nhẹ vào bờ làm lòng em nhẹ hẳn. Nghe Tuệ kể tất cả những điều xảy ra với ông và cha Tuệ, tiếng sụt sịt hoà chung với từng nhịp run từ hơi thở của Tuệ khiến Lân không khỏi xót xa. Nó đợi Tuệ thưa chuyện xong xuôi, lạy xong ba lạy rồi chậm rãi tiến tới xoa bờ vai nhỏ của Tuệ. Tuệ được Lân an ủi liền oà lên khóc nức nở, tiếng khóc chan hoà với từng giọt lệ mặn chát lăn dài xuống cằm rồi rơi lỗ chỗ lên vạt áo Lân. Lân mím chặt bờ môi mỏng, đôi tay chậm rãi vuốt dọc rãnh lưng của Tuệ, lần xuống dưới eo, ôm gọn lấy Tuệ vào lòng.
---
Buổi tối tại làng chài bình yên vô cùng. Cái màu mực đen ngòm bao phủ lấy biển trải dài tới tận chân trời không có điểm hút. Vài lọn bông xám xịt trôi chầm chậm trên nền trời, hoà chung với những vì tinh tú đang lấp ló đằng sau ánh trăng. Sâu trong khu vườn chuối dại ngoài xóm, lác đác tiếng gà cục cục đang tìm về ổ, tiếng vịt nháo nhác chạy về chuồng vang lên không ngừng. Từ xa còn văng vẳng tiếng chó sủa inh ỏi khiến xóm chài trở nên nhộn nhịp hẳn ra, khác với cái nhộn nhịp bởi tiếng còi xe trên thị xã nhiều.
Trí Tuệ hôm nay làm một bữa cơm nhỏ, em mời Hải Lân cùng nhà bà bảy qua nhà dùng cơm. Hải Lân ban đầu còn ngại ngùng từ chối, nó lấy cớ còn phải về nhà dọn dẹp nhưng bị Trí Tuệ gạt phăng đi, Tuệ nói nếu Lân không sang, Tuệ vác cả mâm cơm qua nhà Lân thì Lân mới lưỡng lự gật đầu. Nhận được lời đồng ý, Trí Tuệ vui vẻ nhảy chân sáo đi về nhà nấu cơm, Hải Lân đứng nhìn bóng lưng của em mà lòng vui lắm. Nó cảm tưởng như có cả triệu cánh đồng hoa đang nở rộ ở trong trái tim nó, như có vạn cánh diệu kéo nó bay tới thiên đường, để nó được xuất hiện ngay tại đây, ngay trước mắt của Trí Tuệ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top