Cuồng phong
“Ba ơi, ba đi chơi với con nha!” Đứa nhỏ 6 tuổi đánh đu lên thành ghế của ba nó, tròn mắt nhìn ba năn nỉ.
“Thay vì đi chơi, sao con không đọc thử một quyển sách xem?”
Ba nó mỉm cười, đoạn, ông đặt sách lên bàn, ôm đứa con nghịch ngợm lên đặt vào lòng mình. Đứa nhỏ rúc vào lòng ba nó, bĩu môi năn nỉ:
“Đọc sách thật nhàm chán, con muốn đi thả diều cơ. Hôm nay gió to lắm, diều ba con mình chắc chắn sẽ bay rất cao!”
Người đàn ông bất đắc dĩ nhìn con gái ngang bướng trong lòng, ông nhéo tai đứa nhỏ, bế thốc nó lên:
“Được, không đọc sách nữa, ba mang con đi thả diều.”
***
“Ba ơi.”
Cô bé 9 tuổi kéo góc áo ba mình, giọng nghẹn ngào. Người đàn ông đang chiên trứng vội dừng tay, quay đầu hỏi con:
“Sao lại khóc ra nông nỗi này? Nói ba nghe xem nào.”
Cô bé ôm chặt quyển “Không gia đình” dày cộp, thút thít:
“Rémi thật đáng thương! Cậu ấy chỉ mới bằng tuổi con thôi, nhưng những gì cậu ấy trải qua lại đau khổ hơn con ngàn lần.”
“Con đã đọc hết sách chưa?”
“Chưa đâu, con mới đọc được một nửa thôi. Nhưng mới được một nửa sách mà con đã thấy buồn lắm rồi!”
Ba nó cười, ngồi xổm xuống đối diện với con:
“Con yêu à, ở cuối chặng đường gian khó ấy, Rémi đã tìm được bến đỗ bình yên. Dọc theo hành trình bôn ba của mình, cậu ấy cũng đã nhận được vô số tình thương: tình thương của má Barberin, tình thương của cụ Vitalis và gánh hát rong, tình thương của người bạn Mattia thân thiết. Rémi không phải là một đứa trẻ “không gia đình”, cậu ấy có rất nhiều gia đình là đằng khác - những gia đình được tạo nên từ tình thương của những kẻ vốn xa lạ.”
Người đàn ông nhìn chăm chú vào đôi mắt trong trẻo ngân ngấn nước của con, nhẹ giọng:
“Có người đã từng viết: ‘Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao, trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu buồn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời.’ Văn học đa chiều như vậy đấy. Theo phương thức nghệ thuật nhất, nó phản ánh cuộc sống đời thường nơi ‘cái nên thơ’ và ‘niềm sầu buồn’ luôn song hành. Có lẽ bây giờ con còn hơi mơ hồ, nhưng khi lớn lên, con sẽ hiểu ra thôi.”
Trong mắt đứa trẻ 9 tuổi, mỗi khi ba nói về sách, ông luôn mang bộ dáng như vậy: hào hứng, nồng nhiệt và đầy say mê. Có lẽ, lòng nhiệt thành với những trang giấy thoảng mùi mực in của ông đã ảnh hưởng phần nào đến con người nó chăng?
Chợt, đứa nhỏ hít mũi, nghi hoặc hỏi ba:
“Ba ơi, hình như con ngửi thấy mùi hơi khét.”
“Trời ơi, ba quên mất!”
Nhìn người ba mất hoàn toàn dáng vẻ chuyên chú khi nói về sách, vụng về xử lý chỗ trứng chiên bị cháy, cô bé con cười khúc khích.
***
Thiếu nữ 16 tuổi vừa dọn dẹp kệ sách vừa than thở:
“Ba à, chỗ sách khoa học này vừa nhàm chán vừa khô khan, đã thế lại còn không thuộc chuyên ngành của ba, tại sao ba vẫn giữ chúng vậy?”
Người đàn ông đóng sách lại, hỏi con gái một câu chẳng hề liên quan:
“Con có biết hiệu ứng cánh bướm không?”
“Một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc ở Texas?” Thiếu nữ nghi hoặc.
“Đó là một ví dụ. Hiệu ứng cánh bướm là cụm từ dùng để mô tả khái niệm thuyết hỗn mang: một thay đổi nhỏ của dữ liệu đầu vào dẫn đến một thay đổi lớn của kết quả. Cuộc sống của chúng ta hiện giờ, của ba và con, là kết quả của một chuỗi các sự kiện mà chỉ cần sai một li sẽ biến đổi hoàn toàn. Một hành động nhỏ lệch khỏi quỹ đạo có thể dẫn đến kết quả trái ngược, có thể ba và mẹ sẽ không gặp nhau, có thể con chẳng hề tồn tại. Thực tế, cuộc sống của chúng ta là một phép màu kì diệu, vũ trụ đã sắp đặt chuỗi sự kiện chuẩn xác đến không ngờ, để ba may mắn được gặp mẹ con, để chúng ta may mắn sinh ra con.”
Người ba mỉm cười nhìn con, từng vụn nắng chiều vàng ruộm vương lên mái tóc hơi lấm bạc và khóe mắt mờ vết chân chim. Vẫn là bộ dáng nhiệt thành và say mê khi nói về sách ấy, suốt bao năm không đổi.
“Một phép màu kì diệu, há chẳng phải thật lãng mạn sao? Chỉ khi con nhìn sách với ánh mắt của một kẻ dịu dàng, con mới nhận ra được sự lãng mạn, thú vị ẩn sâu; không chỉ trong những tác phẩm văn học, mà còn trong cả những tri thức tưởng chừng khô khan và vô vị nhất.”
Người thiếu nữ yên lặng, nhưng dường như có điều gì đã thay đổi. Nơi đáy mắt ấy bùng lên một ngọn lửa vô danh, một ngọn lửa đã định trước sẽ mãi dai dẳng.
***
“Mẹ ơi, sao mẹ đọc được nhiều sách vậy? Con đọc có một tẹo thôi mà đã nản lắm rồi!”
Bé trai tò mò hỏi mẹ. Cậu bé đang đứng trong một phòng làm việc rộng lớn, xung quanh là những chiếc tủ cao ngất chứa đầy sách.
Người phụ nữ 33 tuổi bế đứa nhỏ nghịch ngợm lên, dịu dàng ôm cậu vào lòng:
“Biết nói sao đây nhỉ? Chìm đắm vào một cuốn sách tựa như bơi lội trong biển tri thức khổng lồ vậy. Nếu con đọc sách với một tâm hồn rộng mở, nước biển mát lạnh sẽ dịu dàng âu yếm, khiến con cảm thấy thật khoan khoái. Ngược lại, nếu con đọc với tâm trạng cáu kỉnh, hời hợt, dòng biển tri thức ấy sẽ sớm nhấn chìm con, khiến con cảm thấy thật ngột ngạt, chán nản.”
Người mẹ ôm con đi đến trước một bức ảnh: trong ảnh là một người đàn ông cao lớn đang cõng một bé gái tay cầm diều, không khó để nhận ra đây là hai ba con. Gió thổi mạnh làm diều bay được rất cao, cả hai người đều mỉm cười xán lạn. Người mẹ bỗng lẩm bẩm:
“Nhưng điều quan trọng nhất, sách tựa nguồn dinh dưỡng vô tận để ta xây kén cho bản thân, sớm ngày hóa thành một con bướm xinh đẹp.”
“Bướm ư? Tại sao lại hoá thành bướm hả mẹ?”
Bé trai tò mò hỏi. Người phụ nữ véo nhẹ má con trai:
“Trong ‘Muôn kiếp nhân sinh’ có một câu nói như này: ‘Tôi mong chúng ta, những cánh bướm bé nhỏ rung động mong manh, cũng có thể tạo nên những trận cuồng phong mãnh liệt để thức tỉnh mọi người’.”
Hi vọng rằng, khi lớn lên, con sẽ trở thành một chú bướm có thể tạo ra cuồng phong.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top