chuyen la ve kiem phai rishin
Từ thời cải cách Tenpo (1830-1844) [1], cho đến cuối đời Mạc Phủ Tokugawa, vùng đất mà trung tâm là Edo [2] có rất nhiều kiếm khách xuất hiện, nhất là khoảng cuối đời Mạc Phủ, chỉ trong phạm vi Edo mà thôi, đã có đến vài trăm võ đường lớn nhỏ ở các khu phố, từ 57 môn phái ngày trước, nay đã nảy sinh thêm nhiều nhánh do các kiếm khách cựu môn sinh bày ra những kiếm kỹ khác nhau mà thành lập đến trên 500 lưu phái. Sự thịnh hành chưa từng có này của nền kiếm thuật Nhật Bản một phần là do từ sau cải cách Tenpo, Mạc Phủ và các phiên trấn đều cực lực khuyến khích việc võ nghệ, và phần khác, khi uy quyền của Mạc Phủ suy yếu, đồng thời lãng sĩ Cần Vương Nhương Di xuất hiện hàng loạt ở các xứ, thì càng có nhiều người có chí hướng muốn dùng thanh gươm để lập thân trong thời loạn. Vì thế, chuyện học kiếm không còn giới hạn chỉ trong giai cấp võ sĩ nữa. Nông dân, thị dân cũng đua nhau học kiếm, đã có nhiều kiếm sĩ xuất thân nông dân được thu dụng làm thầy chỉ đạo kiếm thuật cho các phiên trấn, còn không thì cũng ôm mộng mở được một võ đường trong làng xóm.
Tất nhiên, trong số quá nhiều những lưu phái ấy, cũng có những phái kiếm thực lực đáng nghi ngờ, hay có kiếm khách một mình một môn phái, và cả những phái kiếm nhà quê chỉ thông dụng ở một làng xã nào đó rồi biến mất.
Trước đây không lâu, ở xóm Tobuki làng Kasumi trong quận Minami-Tama xứ Bushu có đứa con nhà nông tên là Sansuke, từ hồi niên thiếu đã lập chí lên Edo, theo thầy Kondo Naizosuke Nagamichi người xứ Enshu học kiếm pháp của môn phái Rishin (Lý Tâm) lúc bấy giờ còn là một môn phái chưa nổi tiếng, rồi thành con nuôi nối dõi đời thứ hai cho nhà Kondo, xưng tên là Kondo Noriyuki. Noriyuki không có con, nên nhận một đứa con trai tên Shusuke cũng xuất thân từ nhà nông ở Oyama làng Sakai cùng quận Minami-Tama xứ Bushu làm con nuôi. Rồi Shusuke cũng không có con nên chọn đứa xuất sắc nhất trong đám môn sinh làm con nuôi, lại cũng cùng quận Minami-Tama, tên là Katsuta sinh ra trong một nhà trung nông ở Kami-Ishihara. Thành con của nhà Kondo, Katsuta đổi sang tên một chữ Hán theo lối đặt tên thịnh hành thời bấy giờ, là Isami (Dũng), Isami về sau này chính là Kondo Isami Masayoshi (1834-1868), chưởng môn đời thứ tư của môn phái Rishin, là người gieo kinh hoàng cho các lãng sĩ Cần Vương rời bỏ phiên trấn nhà lẻn vào kinh đô Kyoto.
Đương thời, quận Minami-Tama là lãnh địa trực thuộc Mạc Phủ, chuyên nghề nông, nhưng từ thời phân tranh giữa hai nhà Minamoto-Taira (1180-1185), người trong vùng vẫn giữ khí cốt xứ Banto, ưa chuyện nghĩa hiệp, nên phái kiếm Rishin rất thịnh hành trong các làng xã ở địa phương này. Kiếm sĩ Hijikata Toshizo (1835-1869), sau này là người tâm phúc của Kondo Isami, tài kiếm ngang ngửa nhau, cũng là người xuất thân từ nông gia ở xóm Ishida làng Hino cùng quận Minami-Tama ấy.
Tuy nhiên, ở võ đường Kondo phái Rishin, có một chàng trai trẻ còn giỏi kiếm hơn Hijikata vài bậc nữa. Một thiên tài kiếm thuật, vạn người mới có được một, đến nỗi ai cũng lấy làm lạ sao người có tài năng đến như thế lại lẫn lộn vào trong một võ đường ở xứ quê mùa là võ đường phái Rishin này. Đó là Okita Soji (1842-1868), người về sau thành một phó tướng của đội Shinsengumi [3]. Ở võ đường Kondo, chàng trai Okita này đã sớm được dưỡng phụ của Kondo Isami là Shusuke trao ấn chứng cho, rồi vừa qua tuổi 20, đã được chọn làm thầy dạy kiếm. Có thể nói rằng nếu không có Okita và Hijikata thì sau này đội Shinsengumi chỉ có một nửa uy lực mà thôi.
2
Okita Soji chẳng phải là con nhà dòng dõi gì. Trong khi Kondo thì là con cháu dòng võ sĩ hiếm hoi trong vùng, nghe đâu gốc là võ sĩ gia thần của Lãnh Chúa Abe tước Bungo-no-kami của phiên trấn Shirakawa xứ O-shu. Từ đời cha đã bỏ phiên trấn nhà lưu lạc lên Edo, nên cậu Kondo có thể nói là dân Edo sinh trưởng ở chốn phồn hoa thành thị rồi. Okita trẻ hơn Kondo, Hijikata chừng 6, 7 tuổi, da trắng, khuôn mặt trẻ thơ lúc nào trông cũng rất hợp với mái tóc phủ xuống trán. Từ thời niên thiếu, Okita đã trú ngụ ngay trong võ đường Kondo ở Edo, từ khi thành thầy dạy kiếm, bắt đầu lãnh được ít nhiều tiền túi, nên thung dung sống đời độc thân ở đấy.
Võ đường Kondo ở Edo nằm trên dốc xóm Yanagi phía đông chùa Dentsu-in ở Koishikawa, gần đấy có lạch nước lớn, hai bên bờ san sát những ngôi nhà cũ kỹ của các võ sĩ bộ tướng cấp thấp của Mạc Phủ. Vậy mà hầu như không có con cháu nhà võ sĩ vào học, môn sinh đến tập ở võ đường này phần nhiều là tăng nhân trong chùa Dentsu-in, còn không thì là những người giúp việc cho các nhà võ sĩ, hay con cháu thị dân trong vùng. Võ đường không nổi tiếng mấy, nhưng cũng nhờ vậy mà có phần thư thả.
Okita Soji dạy kiếm cho môn sinh đất Edo ở đây, và mỗi tháng đi Tama vài ngày để dạy thêm nữa. Đi rảo hết ba làng ở vùng Tama, thuê chùa hay mấy gian kiểu nhà kho của các nhà phú nông làm chỗ tập kiếm cho bọn trẻ trong làng. Nguồn lợi tức của võ đường Kondo chủ yếu là từ đó. Có khi chính Kondo hay cả Hijikata cũng đi dạy kiếm như thế. Cuối niên hiệu Taisho (1912-1926), tác gia Shimozawa Kan (1892-1968, viết nhiều tác phẩm về Shinsengumi và là người đầu tiên viết về nhân vật Hiệp sĩ mù Zatoichi) đã nghe cựu hương sĩ (võ sĩ ở thôn quê) Sato Sunsen-o, em họ của Hijikata Toshizo, có người cháu hiện nay kinh doanh tiệm bưu điện cũng ở khu phố Hino ngó ra quốc lộ Koshu-kaido, kể lại rằng Okita Soji giỏi kiếm thuật nhưng dạy dở, cách dạy thô bạo lắm. Nghe đâu bọn trai trẻ địa phương ngán sợ các buổi tập với Okita hơn là với chủ võ đường Kondo nữa.
Tháng 6 năm Bunkyu thứ hai (1862), Okita đến trọ nhà Sato ở Hino để dạy kiếm cho người các làng gần đấy. Hôm sau, lên làng Kami-Ishiharajuku, Okita bước trên quốc lộ Koshu-kaido dưới ánh nắng chói chang. Thầy dạy kiếm cho các làng quê thì phải chịu khó đi bộ mới được. Năm đó lại đặc biệt nóng bức hơn mọi năm nhiều. Okita cột túm áo lên đến thấy cả đồ lót, đội nón rơm đi núi mà nông dân vùng này thường đội khi leo núi, cầm theo thanh trường kiếm bằng sắt dài 2 thước 8 tấc (chừng 85 cm) đang thịnh hành thời bấy giờ, nằm trong bao vải tạp, gánh trên vai thanh kiếm tre móc lủng lẳng bao chứa dụng cụ bảo vệ khi tập kiếm.
Khi đến Fuchu, khát nước quá nên Okita bước vào quán trà. Thấy trong góc quán đã có ba người đàn ông có vẻ là đồng nghiệp dạy võ nghệ ở thôn quê như mình ngồi với một người đàn bà, thì hơi phiền bụng, nhưng rồi cũng cứ ngồi vào bàn bên cạnh. Chủ quán hỏi:
-"Rượu hả?"
-"Không dám đâu!", Okita đáp đùa. Anh ta là người rất vui tính. Khuôn mặt trẻ thơ ấy cười nói: -"Chỉ nghe chữ rượu thôi là đã say rồi đây. Cho cơm trà nóng đi. Mà có dưa muối ngon đấy chứ?"
-"Chỉ có cà tím muối dưa thôi".
-"Thế thì cho một đĩa thật đầy vào".
Bọn kiếm khách bên cạnh đang uống rượu. Người ra vẻ anh Cả thì khoảng trên dưới 30 tuổi, mặt có râu mép trắng như râu cá trê, má lõm mỏng như đã bị cạo nhẵn mà dài thòng, cằm bạnh. Khuôn mặt điển hình của người xứ Bushu đấy. Mắt nhìn và cử chỉ cho thấy chẳng phải là tay võ nghệ tầm thường.
Okita là người có lòng hiếu kỳ cao độ. Vừa trộn cơm trà nóng, vừa khéo léo theo dõi sao cho khỏi lộ là đang liếc nhìn, thì hiểu ra đó là ba thầy trò kiếm sĩ đấy. Nhưng ngoài kiếm tre và dụng cụ bảo vệ lúc tập kiếm ra, mỗi người còn có thêm dụng cụ gì đấy bên cạnh, trông kỳ lạ. Giống như một loại xà-cạp bó cẳng chân ấy. Thế nhưng, dụng cụ của người dùng kiếm thì đâu có cần đến xà-cạp bó cẳng chân mà làm gì? Lại nữa, kiếm tre của họ có phần dài quá! Okita nghĩ: Lưu phái gì mà kỳ dị thế! Đừng đụng tới họ là được. Anh rút hầu bao trong túi ra, định đứng lên, thì người mập mạp có vẻ là môn sinh ngồi bên thầy ấy, giơ bàn tay lên nói:
-"Xin thứ lỗi đường đột".
Dạo gần đây, đám lãng sĩ theo thời, khó biết được là thứ người gì, thì lại ưa dùng lối nói cổ lổ của giới võ sĩ.
-"Theo chỗ tôi suy đoán, có phải ngài là môn nhân phái Rishin ở Tama đó không?"
-"Phải".
-"Thế thì may mắn được gặp mặt nơi đây, có thể nào ngài chỉ giáo cho một lần được không?"
-"Nhưng các vị là ai?".
Okita hỏi, họ chỉ cười mỉm mà làm thinh không đáp.
Okita nghĩ: bọn này kỳ quái thật.
-"Đấu kiếm thì kẹt lắm. Thầy dạy không cho phép thì không được đâu!".
-"Phải lắm!".
Lần này thì người thầy lên tiếng.
-"Thế nào cũng mong có ngày được tỉ thí với ngài Kondo. Ngài Kondo chừng nào sẽ đến dạy ở vùng này?"
-"Điều đó thì tôi không được biết. Tôi chỉ là người được sai bảo mà thôi".
-"Lại nói đùa rồi!". Người đàn ông cười nham hiểm. -"Ngài là Okita Soji đấy chứ gì?"
Okita ngạc nhiên, cỡ mình mà cũng được bọn này biết tên kia à? Không chừng bọn này có mưu toan gì đây mà cố công điều tra chuyện của võ đường Kondo đấy. Okita còn im lặng thì người thầy kia nói tiếp:
-"Hôm trước đã có ngài Inoue Genzaburo đến đấy nhỉ!".
Bọn này biết rõ thật. Inoue Genzaburo (1842-1868) là môn nhân có thứ hạng của phái Rishin, phong cách dùng kiếm cũng ngay thật như tính người. Sau này trở thành phụ tá phó tướng của đội Shinsengumi.
-"Trước đó thì ngài Hijikata Toshizo đã đến dạy. Và trước đó nữa, thì là ngài Kondo. Theo thứ tự đó, thì sắp tới sẽ trở lại là phiên của ngài Kondo. Vào khoảng ngài Kondo đến Tama này để dạy kiếm, sẽ xin đến tỉ thí với ngài ấy một lần cho biết".
-"Từ nãy đến giờ, nghe ngài nói thì hiểu là ngài ghi nhớ rất rõ ràng tên của người trong môn phái chúng tôi, nhưng tôi thì lại không biết được tên ngài, có phần đã thất lễ rồi đấy, vậy xin cho biết tên..."
-"Tên à? tên thì xin hỏi ở ngài Kondo là được. Hẳn là ngài ấy đã biết rồi".
Okita nghĩ thầm: bọn này kiêu ngạo quá, nhưng anh làm bộ ngây thơ:
-"Vâng, tôi sẽ thưa lại như thế. Chủ quán đâu! tính tiền đi!".
Rồi trả dư ra và nói lớn với chủ quán:
-"Chỗ tiền thừa thì thêm vào phần các tiên sinh đây. Tuy không bao nhiêu, nhưng cũng là chút đỉnh để cảm ơn đã dạy bảo cho".
Okita rảo bước ra khỏi quán.
Bước trên quốc lộ, anh cầm bằng là nếu họ gây sự thì phải kháng cự thôi, nhưng không thấy ai đuổi theo cả.
Vài ngày sau, Okita trở về võ đường ở Edo. Kondo đã đi đâu rồi, không có ở đấy.
-"Kẹt quá! Anh Kondo đâu rồi?"
Hỏi đứa đệ tử ruột còn nhỏ tuổi thì biết là cả Hijikata và Inoue cũng đi vắng. Dạo này võ đường vắng quá. Nhàn rỗi nên chắc là họ xuống xóm chị em gì đấy rồi. Võ đường vắng như thế này là vì phái kiếm Rishin vốn không ăn khách, mà lại nhằm lúc bệnh sởi ác-tính đang lưu hành trong khắp vùng Edo từ trung tâm chính là xóm Koishikawa này. Dịch sởi lần này còn tệ hơn trận dịch năm Tenpo thứ bảy (1836) nữa. Nhiều sản phụ, phụ nữ yếu, bệnh, đã chết; trên cầu Nihonbashi có ngày đã có đến cả hai trăm cỗ quan tài đi qua. Bệnh trạng là ho dữ dội, tay chân lạnh ngắt, có khi ói mửa, tiêu chảy, thân nhiệt tăng cao đến phát điên, có người khát nước đến nhảy luôn xuống giếng. Các nhà tắm công cộng, tiệm búi tóc đều vắng hoe. Okita nghe nói: đến cả gái giang hồ trong xóm yên hoa cũng sợ truyền nhiễm mà phải từ chối khách chơi nữa kia.
Người ta đồn rằng dịch sởi lần này đã phát khởi từ hai chú tiểu đến trú ở chùa Dentsu-in bên cạnh võ đường Kondo. Vì thế, dân chúng ở Edo sợ không dám đến khu này, làm cho võ đường Kondo vắng ngắt. Ngay cả Kondo cũng đã phải nói: -"Thôi thì đóng cửa võ đường một thời gian".
Không bao lâu, Kondo trở về, Okita kể chuyện lại cho Kondo nghe, trong một quán trà ở Fuchu. Kondo bảo:
-"Không nhớ ra là bọn nào".
-"Tên này mặt có râu cá trê trắng đấy mà. À, còn mang theo dụng cụ gì lạ lắm. Trông giống như xà-cạp bó cẳng chân ấy".
-"Xà-cạp bó cẳng chân à?"
Kondo nhíu mày suy nghĩ, im lặng một hồi rồi nói:
-"Thế thì là phái Ryugo dòng Shogetsu rồi".
Okita nghe lạ tai quá. Nhưng Kondo đã nhăn mặt, im lìm mất, nên anh không hỏi thêm gì được.
Sáng hôm sau, Hijikata trở về. Okita hỏi thì Hijikata cho biết: -"À, bọn ấy là địch thủ kinh doanh cạnh tranh với anh Kondo đấy". Gốc của dòng Shogetsu (Tùng Nguyệt) ấy là phái kiếm Ryugo (Liễu Cương), tổ là Okada Souemon Kiryo (1765-1826) mới chết đây (ngày 24 tháng 9 năm Bunsei thứ 9, 1826). Kiryo sinh vào một nhà nông ở làng Warabi, quận Adachi xứ Bushu. Lúc đầu học kiếm phái Shinkeiriki từ thầy Iba Gunbee Tadayasu, sau đó đi tu tập khắp các xứ rồi lập ra một môn phái mới, đặt tên là Ryugo, mở võ đường ở xóm gần võ đường Chiba ở Otamagaike. Sau đó, đã trở thành thầy chỉ đạo kiếm thuật cho nhà Hitotsubashi, nên có thời đã thu được nhiều môn sinh là võ sĩ con cháu các gia thần của Mạc Phủ, nghe đâu trong số đó có cả kiếm khách trứ danh thời bấy giờ là Matsudaira Chikaranosuke (Kazusanosuke, 1818-1882), giáo thụ trong Sở Giảng Võ của Mạc Phủ.
Hijikata bảo: -"Có chuyện này thú vị lắm". Có lần quan Ngự sử Owari tụ tập kiếm khách Edo lại mở hội thi đấu võ nghệ thật lớn. Phái kiếm Ryugo cũng gửi đại biểu đến tham gia. Đó là em ruột của cố chưởng môn sáng lập Kiryo, tên là Okada Kinai, đang làm thầy chỉ đạo kiếm thuật của phiên trấn Tatsuno xứ Banshu, 5 vạn 3 ngàn hộc [4] của Lãnh Chúa Wakisaka tước Awaji-no-kami.
Đương thời, trong đám kiếm khách ở Edo, đã có người chỉ trích phái Ryugo là ngoại đạo, có người nói lén là "kiếm thuật nhà quê" nữa. Có lẽ vì tổ sáng lập phái ấy gốc nông dân ở Bushu. Và đặc điểm của phái kiếm này khác hẳn tất cả các môn phái khác, là từ thế tấn trên tầm cao, cầm thanh kiếm tre to dài quá khổ mà nhắm đánh vào hai cẳng chân của đối thủ. Kiếm pháp kiểu đó thì không thấy đâu trong tất cả 57 lưu phái từ xưa đến nay. Đúng là một kiếm pháp kỳ dị, nhưng không phải kiếm pháp chính thống.
Thế nhưng, phái kiếm Ryugo lại rất mạnh trong chuyện thi đấu kiếm tre. Trong hội thi đấu lớn ấy, các kiếm khách trứ danh ở Edo lần lượt bị phái Ryugo đánh trúng cẳng chân, chẳng ai địch nổi cả. Phái ấy tấn kiếm ở tầm cao trông cũng không khác gì các phái khác. Nhưng sau đó cứ lấy thanh kiếm tre quá sức dài ấy mà quét, đánh vào cẳng chân đối thủ, trông thật kỳ cục, khiến người xem buồn cười. Vậy mà lại thắng hoài, tiến dần vào các trận cuối, khiến nhiều người ngầm tặc lưỡi khó chịu. Nghe đâu ngay cả chủ của Okada Kinai là Lãnh Chúa Wakisaka cũng đã thì thầm với bộ hạ tả hữu rằng:
-"Xem phái Ryugo này đấu với các phái khác thì trông có vẻ khó coi quá. Ngay cả môn đô vật sumo cũng cho chuyện nắm chân cẳng đối thủ là thô bỉ. Trước nay, ta không để ý, nhưng để xây dựng phong cách cho võ sĩ trong phiên trấn nhà mà dùng kiểu kiếm pháp như thế thì phải suy xét lại mới được".
Okada Kinai tiếp tục thắng, cuối cùng đã gặp Chiba Eijiro. Là con thứ của Chiba Shusaku (1794-1856, kiếm khách Nhật Bản nổi tiếng thứ 2 sau Miyamoto Musashi), thủy tổ của môn phái Hokushin Itto,Eijiro lúc đó làm giáo thụ dạy kiếm ở võ đường Gendokan vùng Mito, vì người anh cả là Kisotaro đang bệnh nên thay anh mà đại diện cho môn phái ở hội thi đấu này.
Mọi người trong hội trường nín thở. Lý do cũng dễ hiểu. Eijiro là đại biểu của võ đường Gendokan phái Hokushin Itto của nhà Chiba có đến ba ngàn môn sinh, chia ba thiên hạ về võ nghệ ở đất Edo này, với võ đường của Momonoi Shunzo phái kiếm Kyoshin Meichi ở Asarigashi vùng Kyobashi, và võ đường của Saito Yakuro (1799-1872, phái kiếm Shinto Munen) ở Kojimachi. Phái kiếm Ryugo mà hạ gục được Chiba Eijiro thì không khác gì lấy được thủ cấp của Đại tướng địch trên chiến trường vậy.
Cách tấn kiếm trên cao của Chiba Eijiro cũng khác thường. Chỉ một cánh tay phải giương thanh kiếm tre to dài 4 thước (chừng 1 mét 2) lên cao, hơi ưỡn bụng ra trước, lòng bàn tay trái áp nhẹ vào hông, lúc chém tới thì bàn tay trái ấy vừa ấn vào như nâng thân người lên, vừa dậm chân phóng tới thần tốc đến nỗi đối thủ không kịp thấy, rồi chém kiếm xuống nhanh như điện xẹt.
Thế nhưng, lần này đấu với Okada Kinai thì kiếm sĩ Chiba ấy trong chớp mắt đã bị Okada nhắm chém vào chân khiến tư thế bị phá hỏng, vì sơ hở đó mà bị một đòn vào mặt, một đòn vào thân người.
Cả hội trường chợt xanh mặt. Ai cũng lo: thế này thì kiếm thuật Edo tàn đời rồi!
Đối thủ cuối cùng là Momonoi Shunzo ở Asarigashi, cùng với Chiba và Saito lập nên thế ba chân vạc của nền kiếm thuật Edo. Nhà Momonoi truyền từ đời này sang đời khác giữ vững uy danh của môn phái Kyoshin Meichi, đến Shunzo này là đời thứ tư, gọi tên là Shunzo Naomasa, nổi tiếng là danh nhân được hâm mộ nhất trong dòng dõi Momonoi. Chính Momonoi Shunzo Naomasa đã đưa võ đường ở Asarigashi lên thành một trong ba võ đường lớn nhất Edo. Tương truyền rằng Shunzo là người lúc nào cũng tươi cười, vừa qua giữa lứa tuổi 40 mà đã hói tóc đến tận sau đầu, khuôn mặt hồng hào, trông ra dáng một lão ông phúc hậu.
Đấu nhau ba hiệp. Nếu Shunzo mà thua thì không chỉ toàn Edo bị phái Ryugo đánh bại, mà nói cho to tát hơn, thì là cả truyền thống kiếm thuật từ thời kiếm pháp cổ truyền Katori-Kajima đến nay cũng bị một thứ kiếm pháp hư ngụy phá đổ mất! Trong áp lực nặng nề như thế của toàn hội trường, Shunzo đứng lên. Nhưng có vẻ không hăng hái gì mấy, nhè nhẹ duỗi hai bàn chân trên sàn võ đường, dạng hai chân ra như sắp ngồi xuống lại. Chiều dài thanh kiếm tre của anh là 3 thước 8 tấc (chừng 1 mét 15), đúng quy định của Sở Giảng Võ mà anh làm giáo thụ đã tự mình đặt ra, chứ chẳng có gì đặc biệt khác lạ cả.
Hai đấu thủ đứng lên. Vừa đứng lên thì thắng bại đã rõ ràng. Okada Kinai bị đâm thẳng đến bật ngã ra phía sau đến 6 thước (chừng 2 mét). Vậy mà thân người của Momonoi Shunzo hầu như chẳng động đậy chút nào. Chính Okada và những người đứng xem bên cạnh đấy cũng không rõ sự việc đã xảy ra như thế nào cả. Rồi cả hai hiệp sau, kiếm của Okada chưa kịp chạm đến kiếm Shunzo thì Okada đã lãnh hai đòn vào mặt, nhanh như chớp.
Chiba Eijiro nhìn thế công của Shunzo thì hiểu ra là Shunzo đã đặc biệt dùng kỹ thuật công phu nơi bước chân. Quả xứng danh là bậc thầy về kiếm thuật Momonoi tiên sinh! Vừa thấy cách mình thua, đã nghĩ ra ngay được chiến thuật ấy!
Okada Kinai vừa xong trận đấu, quay trở lại, thì Chiba Eijiro bước tới nói:
-"Thi đấu thì đã xong rồi, nhưng xin tiên sinh vui lòng chỉ giáo cho kẻ hậu học yếu đuối này một trận nữa".
Hầu tước Owari cao hứng cho phép đấu thêm hai hiệp.
Lần này, Eijiro dễ dàng đánh được ngay một đòn vào mặt đối thủ, rồi chém tới tấp như đấu với đứa con nít, cuối cùng, Eijiro lách sang phải tạt mạnh đỡ thanh kiếm của Okada chém tới bật thẳng lên, rồi quay phắt lại, chém sả xuống ngay sau mặt của Okada. Okada tối tăm mặt mày ngã xuống bất tỉnh, giây lâu vẫn chưa ngóc dậy được.
Sau hội thi đấu này, Hầu tước Wakisaka cũng đâm ghét môn phái Ryugo, đã cho Okada Kinai nghỉ dài hạn. Ngay trong thành phố Edo, số người theo học môn phái này cũng ít hẳn đi, mà cả võ đường phái Ryugo cũng không còn dạy kỹ pháp đặc thù nhằm chém vào chân cẳng đối thủ nữa. Tự nhiên mà bọn kiếm khách phái Ryugo nhỏ yếu này đã lâm vào tình trạng túng quẫn.
-"Cậu đã gặp phải bọn ấy đấy". Hijikata Toshizo nói. -"Không kiếm ăn được ở Edo nên bọn ấy phải trôi dạt về thôn quê, chắc là bây giờ muốn quấy phá địa bàn ba làng Tama của môn phái Rishin chúng ta đấy. Cậu bảo là phái Ryugo dòng Shogetsu đấy nhỉ?"
-"Vâng."
-"Chắc là bọn ở vùng Warabi đấy rồi. Ta đã nghe đồn Warabi có một môn phái như thế nổi lên. Trong số đó, có một, hai tay kiếm nghe đâu cao cường lắm".
Theo lời Hijikata thì môn phái Ryugo phát khởi từ vùng Warabi xứ Bushu, dạo gần đây có tay kiếm khách địa phương là Hiraoka Shogetsu mở võ đường ở các làng, hô hào phục hưng môn phái trở lại thời của tổ sáng lập. Trở lại dạy cho môn sinh kiếm pháp kỳ dị: tấn kiếm trên cao rồi nhắm chém vào chân đối thủ thật mãnh liệt, không ngừng thu hút được nhiều người theo học. Địa bàn của bọn ấy là khu vực đông bắc xứ Bushu, dần dần tiến xuống phía nam, lấn sang phía tây, định xâm phạm địa bàn của môn phái Rishin. Hijikata Toshizo suy đoán như thế.
-"Vì sao lại làm như thế chứ?"
-"Vì không kiếm ăn được chứ gì. Họ nghĩ là nếu thách đấu mà thắng được phái ta, cả hai môn phái đều dạy kiếm pháp có gốc từ Bushu cả, thì hẳn là người yêu thích kiếm pháp địa phương sẽ đổ xô theo học môn phái Ryugo Shogetsu của họ".
Chỉ chuyện bệnh sởi truyền nhiễm cũng đủ làm cho võ đường của Kondo ở Edo này vắng hoe rồi. Nếu bị mất cả địa bàn ở ba làng Tama nữa thì chắc là Kondo lâm vào thế cùng quẫn lắm. Thế nhưng Kondo chẳng đả động gì đến chuyện bọn kiếm khách ở Warabi ấy cả. Chỉ biết, theo bản phân công thì hai ngày sau đến phiên Kondo lên dạy ở Tama, nhưng Kondo đột nhiên nói: -"Ta có chuyện cần phải làm", rồi bảo Inoue Genzaburo đi thế. Chẳng phải Kondo khiếp sợ. Chỉ vì một người đường đường là chủ võ đường của một môn phái mà đột ngột tỉ thí với một kiếm khách chưa hề biết mặt của phái kiếm nào đâu đâu, thì là chuyện khinh xuất nên tránh. Hẳn là Kondo muốn tìm hiểu kỹ càng về phái kiếm Ryugo trước khi quyết định đối sách.
Hoá ra đó là vận rủi của Inoue. Anh đã chạm trán bọn kiếm khách ở Warabi ấy. Nói đúng hơn, là bọn ấy đã giăng bẫy sẵn để tóm anh. Inoue đang kèm môn sinh tập luyện ở đền Chinbusha làng Kami-Tobitakyu phía bên kia khu Fuda, thình lình bọn ấy đến thách đấu. Inoue thì chẳng hay biết gì về bọn này cả. Thản nhiên nhận lời thách đấu, Inoue bị kiếm tre chém tơi bời vào cẳng chân, đến nỗi chân anh sưng rộp lên, mấy ngày liền không đứng dậy được.
-"Cứ như là thứ kiếm pháp đánh lộn của bọn du đãng ấy. Thứ ấy thì là môn phái gì thế nhỉ?"
Inoue vốn tính hiền hậu, về lại xóm Yanagi chỉ cười khổ sở mà nói như thế, còn Kondo nghe chuyện thì khoanh tay lại, im lìm, mặt xanh lè. Kondo bình thường không lộ tình cảm ra ngoài mặt, nhưng khi nào nổi giận lên thì mặt như rút hết máu. Tối hôm đó, mới gọi Okita đến bảo:
-"Soji này, gần đây cậu không ghé lại Myogadani đấy hả?"
-"ƯØm, chỗ đó sao mà khó xử quá!"
-"Không nên! Người ta lo lắng tưởng rằng cậu đã có bồ bịch gì rồi đấy!"
-"Có bồ bịch gì đâu, thứ tôi thì làm sao mà có được chứ!"
-"Thì ta cũng đã nói với thầy ấy như thế. Rằng cậu ấy còn trẻ con lắm. Nghe thế thì thầy Seian bảo: cứ nói là trẻ con trẻ con, ngược lại hóa ra nguy hiểm, bởi trẻ con thì không biết nhìn người, dễ bị đàn bà con gái lừa gạt! Thế ngay ngày mai, cậu lên đấy thăm thầy ấy đi nhé!".
Thầy Seian ấy chính là Sumiyoshi Seian, nhà ở bên cạnh biệt dinh của Hầu tước Toda Awaji-no-kami của lãnh địa Myogadani xứ Kobinata. Thầy là y sĩ Lan học [5] được biết tiếng ở đất Edo, nghe đâu ngày trước vốn là sư tăng theo Phật giáo Ấn độ ở chùa Hongan-ji, đã học y học Hà Lan ở cảng Nagasaki. Hiện nay, có được nhiều khách quen giàu sang từ các dãy tư dinh bộ tướng Mạc Phủ khắp khu vực Koishikawa, nên sống thoải mái, là bạn thân của dưỡng phụ của Kondo Isami là Shusuke (danh hiệu lúc đã quy ẩn là Shusai). Do quan hệ như thế nên khi Kondo thấy Okita có vẻ nhuốm bệnh lao thì lo lắng, thỉnh thoảng lại cho Okita đến thầy ấy xin thuốc uống. Người thầy thuốc này rất thương Okita, nên lâu ngày không thấy anh ta đến lại mong đợi.
Sáng hôm sau, Okita vừa bước ra cổng võ đường định đi Myogadani thì Hijikata Toshizo từ bên giếng sau võ đường gọi giật lại:
-"Soji! Cậu có vẻ vô tư lự mà đi thăm thầy Seian đấy nhỉ! Thế câu đố mà ông chủ trẻ của võ đường này đã ra cho đấy, cậu đã giải xong rồi mới đi đấy chứ?"
-"Câu đố gì kia?"
-"Ngốc thế! Bảo cậu thay thế mà đi đấu với bọn kiếm khách ở Warabi đấy chứ gì nữa!".
-"Anh Hijikata lại trêu chọc nữa rồi!"
-"Thế mới bảo là Soji cứ còn trẻ con mãi đấy! Cậu nghĩ xem thầy Seian có bệnh nhân danh tiếng là ai nào?"
Okita ngẩn người, kinh ngạc. Anh nhớ ra trong đám bệnh nhân của thầy Seian, có nhà Chiba ở Otamagaike. Chiba Eijiro sau hội thi đấu ấy đã nhuốm bệnh lao, thầy Seian phải lặn lội đến tận Kanda kiếm thuốc cho uống. "Câu đố" của Kondo hẳn là: nhờ thầy Seian giới thiệu đến Chiba Eijiro để hỏi cách thức phòng chống kiếm pháp nhắm chém cẳng chân của phái Ryugo đấy chứ gì.
-"Hiểu rồi! Thế nhưng... nghe đồn rằng bệnh của Eijiro nặng lắm, đến không biết còn sống được bao lâu nữa". Nhà Chiba gần đây gặp nhiều chuyện bất hạnh liên tiếp. Vài năm trước, Chiba Shusaku và trưởng nam là Kisotaro theo nhau bệnh chết, năm ngoái đây, con trai thứ tư là Tamonshiro chết, mới 24 tuổi. -"Sự tình nhà ấy như thế thì làm sao mà dám đến quấy rầy được chứ?"
-"Thì cũng phải đến chứ! Nhà Chiba có sự tình của nhà ấy, còn nhà này cũng có sự tình, mà nói cho to tát, thì sự tình nhà này còn quan trọng đến mức có thể làm sụp đổ luôn cả võ đường này nữa kia!".
Okita đến thầy Seian, đem chuyện ấy ra nhờ, không ngờ lại được thầy vui vẻ nhận giúp.
Thế nhưng, vài ngày sau, đến thầy hỏi kết quả thì thầy Seian bảo: -"Chuyện ấy không xong rồi!".
Eijiro tuy là người độ lượng, không từ khước chuyện chỉ bảo cho cả người ngoài môn phái, nhưng kẹt là thế phá ấy đã được cho vào kiếm pháp riêng của môn phái Hokushin Itto nhà Chiba rồi, không thể truyền ra ngoài được. Nghe vậy, Okita nghĩ: Đi hỏi người ta là sai lầm rồi. Kiếm pháp thì phải tự mình nghĩ ra mà thôi. Lòng anh từ đó đã quyết như thế.
Bọn kiếm khách Warabi càng ngày càng khiêu khích tợn. Môn sinh phái Rishin ở Minami-Tama tìm đến võ đường Kondo ở xóm Yanagi hầu như mỗi ngày để than vãn chuyện bị chúng hoành hành thô bạo. Bọn Warabi ấy cứ tìm đến các làng ở Tama, thách thức đám trai trẻ nhà nông: -"Xin chỉ giáo cho một trận!". Cậu trai nào không biết mà nhận lời, mang dụng cụ bảo vệ mặt, cổ tay, ra đấu, đều bị chém tơi bời, cuối cùng còn bị mắng: -"Môn phái Rishin thực lực chỉ có thế thôi à!". Có lẽ bọn ấy nghĩ mạt sát như thế thì Kondo sẽ phải ra đấu thôi. Mưu tính của chúng là sẽ đánh bại Kondo ngay trước mặt bọn môn sinh phái Rishin trong các làng ấy.
Theo lời đám môn sinh ấy thì bọn Warabi có lẽ không chỉ là kiếm khách. Mà có vẻ đã chịu ảnh hưởng của phiên trấn Mito mà thành lãng sĩ Cần Vương Nhương Di (phò vua, đánh đuổi bọn man di là người ngoại quốc), nên đã tìm đến những người có học trong giới hương sĩ, hào lý, tăng lữ ở ba làng Tama mà trao đổi ý kiến Cần Vương.
-"Hoá ra là bọn người như thế đấy à!"
Nhà Kondo từ lâu đã có khuynh hướng riêng, rất ghét bọn lãng sĩ Cần Vương Nhương Di là thứ đang thịnh hành thời bấy giờ, nhưng về mặt tư tưởng thì Kondo cũng là một người có học đương thời nên cũng có khuynh hướng bài xích người ngoại quốc (bọn man di Tây phương) và kính trọng triều đình Thiên hoàng ở Kyoto. Tuy nhiên, anh thường bảo bọn môn đệ rằng:
-"Thì cũng giống như đối với thần thủ hộ thôi".
Nghĩa là, kính trọng triều đình nhưng không nên tôn phò. Nhất là những kẻ lợi dụng chuyện tôn phò Cần Vương, cứ nâng kiệu thần thủ hộ lên vai mà xông vào nhà người ta, đạp đổ tường cửa, giết hại hay làm tổn thương người khác thì rất đáng căm ghét. Anh nghĩ đối với thần thánh, chỉ cần tránh tội bất kính là đủ.
Sự thực, chuyện Kondo nói đó đã xảy ra hầu như hằng ngày ở kinh đô Kyoto. Bọn lãng sĩ Cần Vương bỏ các phiên trấn nhà, tràn vào kinh đô, tàn sát những người chủ trương khai quốc hay phò Mạc Phủ, bêu đầu họ ở bãi sông Sanjo; có khi lại xông vào các nhà buôn giàu có, dùng danh nghĩa lấy tiền sung quỹ phò vua mà cướp bóc nữa. Bọn chúng hoành hành tràn lan, khiến cho Sở Chưởng quản kinh đô, Sở Bảo an kinh đô của Mạc Phủ hoàn toàn bó tay trong một thời gian dài, do đó trong tháng này, Mạc Phủ đã đặc biệt thiết lập Sở Trấn thủ kinh đô giao cho Lãnh Chúa phiên trấn Aizu Wakamatsu 23 vạn hộc là Matsudaira Katamori (1836-1893) đảm nhiệm, trú đóng để bảo vệ an ninh cho kinh đô Kyoto. Nghe đồn rằng biện pháp mới này đã khiến dân chúng kinh đô lâu nay khiếp sợ bọn lãng sĩ Cần Vương hoành hành, trở nên vui mừng vô cùng. Tin đồn như thế đã truyền đến tận Edo này. Ngay cả Edo (là bản doanh của Mạc Phủ) mà bọn lãng sĩ Cần Vương cũng vẫn hoành hành táo tợn, Kondo đã gặp vài người trong bọn ấy. Họ âm mưu đánh đổ Mạc Phủ. Kondo ghét bọn này như ghét loài lang sói.
-"Được rồi!". Kondo nói, giọng có vẻ tươi tắn. -"Soji à, cậu đến Warabi xem sao. Xác nhận kỹ càng môn phái ấy trước rồi hãy xử trí việc này".
Từ sáng sớm hôm sau, Okita Soji lên đường đi Warabi bằng quốc lộ Nakasendo. Warabi cách Edo 4 dặm (chừng 16 km). Okita vẫn ăn mặc như cũ, đội nón rơm leo núi của nông dân ấy, nhưng không mang kiếm tre và dụng cụ bảo vệ khi tập kiếm. Khoảng gần trưa vào đến nhà nghỉ, hỏi thăm đường đến võ đường kia thì được biết ngay.
Võ đường phái Ryugo Shogetsu giống hệt một nhà kho, mái lợp ván, nhưng cửa sổ duy nhất làm giống như cửa sổ của các võ đường trên Edo, cao và xếp ván so le để bên ngoài khó dòm vào trong. Okita đến dưới cửa sổ, thử nhón chân lên xem nhưng hiểu là không thể dòm qua cửa sổ được. Anh suy nghĩ một lúc rồi bước đến cửa, nói lớn: -"Xin giúp cho!", để nhờ hướng dẫn.
Có người trong nhà đi ra, có vẻ là nông dân trong vùng. Okita nói rằng mình là võ sĩ tăng nhân trong chùa Dentsu-in, có tập luyện kiếm kích, đến xin được chỉ giáo cho. Người đàn ông có vẻ nông dân ấy vào trong một hồi rồi trở ra, đưa anh vào trong võ đường.
Tiếng ve vang dậy ồn ào. Võ đường có vẻ vắng lặng, chẳng thấy ai khác. Vùng này nhiều ruồi. Okita quơ tay đuổi ruồi bâu vào mặt, ngồi đợi cả nửa giờ. Cuối cùng, một cô gái có vẻ là người làm bưng trà ra. Okita bình thản cầm chén trà lên, thì cô gái mỉm cười hỏi:
-"Thưa, ngài Okita đấy ạ?"
Okita giật mình, ngẩng mặt lên:
-"Thế, cô là ai?"
-"Ngài quên rồi sao? Trong quán trà ở Fuchu, chúng tôi đã được gặp mặt ngài..."
-"Thế này thì thật là tệ quá!". Okita bẽn lẽn gãi nhẹ đầu. -"Không biết là đã bị lộ, nên hớn hở đóng kịch, hoá ra thành trò cười mất rồi. Thực ra thì tôi định đến xem trộm kiếm pháp của quý môn phái đây, không biết có cho phép xem trộm không đây?".
-"......"
-"Nói thế có vẻ lần khân quá nhỉ!".
-"Thưa, chủ võ đường và thầy dạy kiếm đều đi vắng cả rồi. Nhưng như thế lại là điều may mắn cho ngài không chừng. Chứ nếu các vị đó đang có mặt ở đây, thì có khi ngài khó an toàn mà về lại được Edo kia đấy!".
-"Thế cô là..."
-"Thưa, tên là Kao đây ạ".
-"Là người như thế nào của võ đường này?"
Okita thấy cô ta tuy áo quần bằng vải thô, nhưng nhìn kỹ thì có phong cách không đến nỗi tầm thường, nên không còn nghĩ cô ta là người làm trong nhà này nữa.
Cô gái chỉ cười mà không trả lời thẳng, chỉ nói:
-"Nếu ngài không chê thì tôi cũng có thể thi triển được một loạt chiêu thức của môn phái nhà. Sau đó, tùy ý ngài muốn xem trộm nữa hay không".
-"Xin thứ lỗi, nhưng cô cũng là người dùng kiếm?..."
Okita hỏi. Sau này về lại Edo rồi, mới ân hận đã hỏi như trẻ con đến mức ấy.
Okita chưa quen với người phụ nữ nào từ khi mẹ anh mất năm anh 18 tuổi. Do vậy mà anh mù tịt về phụ nữ đến mức kỳ dị như thế. Cô gái đang đứng trước mặt đây là người làm trong võ đường, hay con gái của chủ võ đường, hay có là gái buôn hương bán phấn đi nữa, anh cũng chẳng phân biệt được.
-"Thế thì xin chỉ giáo cho".
-"Thưa, ở võ đường này thì bất tiện, vậy đúng 8 giờ tối nay, xin ngài đợi cho ở rừng tùng sau lưng ngôi chùa Sangaku-in phái Tịnh độ Chân tông phía trước đây. Đúng vào giờ đó sẽ có trăng mười sáu. Ánh trăng đủ sáng để có thể thi triển cho ngài xem các thế kiếm của môn phái này".
Okita ra khỏi võ đường. Trong khi chờ đến giờ hẹn, anh vào nghỉ ở quán trọ Fujiya cho thuê cáng võng của Joshichi, ngủ một giấc rồi ra rừng tùng của chùa Sangaku-in ấy xem sao.
Có vẻ trăng sắp lên, bầu trời phía đông bắt đầu mờ mờ sáng như bị hun khói. Okita chọn một vũng bóng cây đen thẫm gần gốc cây tùng, đốt một mẩu gỗ, trên đó phủ lá tùng ẩm để nhốt khói, rồi bốc một nhúm thuốc lá rải lên trên. Chẳng phải anh nghi ngờ cô gái kia, chỉ là thói quen phòng ngừa bọn đánh lén đó thôi. Không bao lâu, mẩu gỗ toả lên mùi như từ da người, hoà lẫn với mùi thuốc lá. Nhưng Okita thì nấp vào một bóng cây tùng cách đấy vài gian (gian: 1 mét 8).
Đâu chừng nửa giờ sau, anh mới thấy có người đến. Và ngạc nhiên vì không phải bóng dáng phụ nữ. Anh đếm được 7 bóng người tất cả. Đến tận lúc đó, chàng trai trẻ vốn dễ tin người khác là Okita mới hiểu ra là mình bị lừa vào bẫy. Nhưng bọn kia cũng bị lừa bởi cái bẫy mà Okita đã giăng ra. Chúng mò đến chỗ có mẩu gỗ cháy ấy.
-"Chẳng có ở đây. Trốn mất rồi sao chứ?"
-"Còn lửa đây, thì chắc chưa đi xa đâu".
Lúc ấy đáng lẽ Okita nên chạy trốn đi. Nhưng anh lại nghĩ muốn ra tay trả đũa cho Inoue Genzaburo.
-"Okita Soji đây này!"
Thình lình, anh dùng sống kiếm quật hết sức vào xương bả vai của ba người trong bọn ấy, rồi nhảy vọt ra xa, quay lưng chạy trốn. -"Xin cáo từ!".
-"Không thoát nổi đâu!"
Một tên cao gần 6 thước (chừng 1 mét 8) nhanh nhẹn chận đầu Okita. Hắn rút ra thanh kiếm lưỡi sáng loáng dài chừng 3 thước (0 mét 9) mà quát:
-"Ta là Hiraoka Shogetsusai đây. Đúng như lời đã hứa, đêm nay sẽ cho ngươi thấy kiếm pháp của phái Ryugo Shogetsu!"
Okita nhủ thầm: Không xong rồi, nhưng đành thủ thế tấn kiếm ở tầm giữa. Đây là lần đầu tiên Okita đấu bằng kiếm thật. Về sau này, Okita trong cương vị phụ tá hạng nhất của phó tướng đội Shinsengumi, đã trải qua không biết bao nhiêu là trận đấu kiếm khốc liệt, nhưng không có lần nào đáng khiếp hãi bằng lần này. Nhiều lúc anh suýt bị chém trúng, hai lần vấp phải gốc tùng khuỵ chân xuống.
Shogetsusai sử dụng kiếm pháp kỳ dị. Luôn luôn tấn kiếm ở tầm cao, bất chấp có gượng ép hay không, mà lưỡi kiếm dài ngoằng ấy cứ như là thình lình bị hút mạnh xuống lòng đất, lao vút xuống cẳng chân Okita. Luồng gió vun vút tạt vào chân Okita khiến anh cứ phải nhảy cao lên hoặc lùi lại phía sau, chẳng làm sao có thì giờ nghĩ cách phản công. Thế tấn của anh bị phá hỏng, tránh thoát được lưỡi kiếm kia đã là may mắn lắm rồi. Mấy lần đã nghĩ là sắp bị chém trúng rồi.
Anh hiểu ra rằng phái Ryugo nhắm chém vào cẳng chân đối thủ không phải để chém đứt chân địch, mà chính là để phá hỏng thế tấn của địch, rồi nhân địch sơ hở vì hỏng tấn, mà nhanh nhẹn kéo ngược lưỡi kiếm lên, chém vào hai bên hông đối thủ, rồi tùy cơ ứng biến mà chém vào mặt, cườm tay hay đâm thẳng vào người địch. Nếu chém hụt thì trở lại động tác nhắm chém vào chân, không cho đối thủ có khoảng trống để phản công.
Cuối cùng, Okita tránh cú chém xuống chân, nhảy thật xa về phía sau thì ngã ngửa vào một cái hố cạn. Loài dương xỉ mọc dày đặc, đáy hố ẩm thấp. Okita nín thở. Hố cạn chỉ chừng 3 thước (0 mét 9), chung quanh có những cây tùng lớn che khuất ánh trăng nên tối om, bọn kia không sao nhìn ra vị trí thân người của Okita được.
-"Nhìn kỹ xem nào!"
Vài người khom lưng bên bờ hố, dòm xuống. Okita rút thanh đoản kiếm nơi thắt lưng, ném vòng ra xa. Tiếng kim khí chạm vào đá ở nơi xa vang bật lên trong bóng đêm. Cả bọn giật mình, quay nhìn về hướng có tiếng động kia. Nhân cơ hội, Okita nhảy vọt lên bờ, chém ngã một tên, rồi nương theo bóng tối của rừng tùng mà chạy thục mạng bất kể trời đất gì nữa. Mấy lần đã tống mạnh vào nhánh cây, ngã ra đất, bật máu mũi.
Sáng ra, Okita về đến võ đường ở xóm Yanagi, Edo, mặt mày chân tay bê bết máu. Kondo chỉ liếc nhìn hình dạng Okita như thế nhưng không nói gì. Okita cũng im lìm, mặt mày u ám, là chuyện lạ đối với chàng trai trẻ vốn vui tính này.
Từ hôm sau đó, Okita trốn khỏi võ đường, đi đâu mất trong suốt ba tháng trời. Chẳng ai biết đi đâu. Chỉ nói với Hijikata Toshizo trước khi trốn đi rằng:
-"Kiếm thuật của phái Ryugo đáng sợ thật, nhưng cũng giống như trò thi ngồi yên mà rút kiếm nhanh chém địch ấy, chỉ cần chận nhát chém đầu tiên của bọn ấy là được. Có điều ngồi yên mà thi rút kiếm nhanh thì chỉ cần né người tránh mũi kiếm địch là xong, trong khi đấu với bọn Ryugo, chỉ né tránh không thôi thì thế nào cuối cùng cũng bị chém trúng. Vì vậy, đừng né tránh nhát kiếm đầu tiên chém xuống chân ấy, mà phải đánh bật lại, rồi nương theo sức bật ấy mà chém tiếp mới được. Chỉ cần tập cho thành thục thế công ấy, thì sau đó sẽ đánh bại được đối thủ dễ dàng như đập vỏ trứng thôi".
Hijikata đã chỉ nghe được như thế. Kondo bảo:
-"Có thể hắn trở về Shirakawa xứ Oshu rồi".
Có lần Kondo đã nghe nói ở Shirakawa ấy có thầy dạy Okita hồi nhỏ là Ohara Kagemasa hiệu là Yosai về hưu ở đấy. Cho đến tuổi tráng niên, Kagemasa đã ở Edo, lãnh ấn chứng phái kiếm Tenshin Itto từ Terada Gorouemon, gia thần của Lãnh Chúa Takasaki xứ Joshu là Matsudaira Ukyodayu. Okita đã theo học Kagemasa trong khoảng thầy ấy ở Edo.
Tương truyền rằng Kagemasa ấy quy ẩn ở Shirakawa, qua tuổi 60 thì nghĩ ra nhiều chiêu thức thêm thắt vào thuật đánh côn trượng gia truyền Soshin-ryu mà khai sáng môn phái trượng pháp Hoen-ryu. Kondo suy đoán rằng Okita có lẽ đã trở về nhờ thầy Yosai ấy dạy cho cách chống đỡ theo trượng pháp của thầy.
3
Okita trở lại Edo vào tháng Chạp năm Bunkyu thứ 2 (1862). Lúc bấy giờ, an ninh ở kinh đô đã trở nên tồi tệ, đến nỗi người ta lo ngại cho cả an nguy của Tướng quân Tokugawa sắp sửa lên kinh đô. Cuối cùng Mạc Phủ phải quyết định dùng kế sách "dùng độc trị độc" do lãng sĩ thực khách trong trang Dewa là Kiyokawa Hachiro đề xướng, lấy danh nghĩa chính thức của Mạc Phủ mà chiêu mộ bọn lãng sĩ để tổ chức đội võ trang bảo vệ đặc biệt. Ngày 19 tháng 12 năm đó, Mạc Phủ cắt đặt Matsudaira Chikaranosuke đảm trách việc chiêu mộ tổ chức, Yamaoka Tetsutaro, Matsuoka Yorozu (Tsumoru, Mutsumi),... quản lĩnh bọn lãng sĩ. Bố cáo của Mạc Phủ kêu gọi "những kẻ sĩ tận trung báo quốc, chí khí phương cường" đến ứng mộ, thực chất là kêu gọi bọn kiếm khách lãng sĩ chưa vào làm việc cho Mạc Phủ .
Đội võ trang này lúc đầu tạm xưng là "đội lãng sĩ", sau đó chính thức được gọi là Shinchogumi (Tân trưng tổ). Thực tế, đảm nhiệm chuyện trưng mộ bọn lãng sĩ là Ishizaka Shuzo, lãng sĩ phiên trấn Hikone, và Ikeda Tokutaro, lãng sĩ Geishu; hai người này đã đi khắp các võ đường trong các xóm ở Edo, viếng cả các kiếm khách ở vùng Kanto, Koshu, nhiệt tâm thuyết phục từng người. Tuy họ không đích thân đến võ đường của Kondo ở xóm Yanagi nhưng một lãng sĩ bỏ phiên trấn Sendai đến tá túc nhà Kondo là Yamanami Keisuke, một tay kiếm bậc thầy trong phái Hokushin Itto, đã nghe tin mà báo cho Kondo biết. Kondo lập tức triệu tập tất cả các môn nhân nòng cốt của võ đường, từ Hijikata Toshizo, Okita Soji trở xuống.
-"Kể từ hôm nay, võ đường đóng cửa. Ta định tham gia vào đội lãng sĩ do Phủ Chúa đứng ra chiêu mộ. Chư vị cũng tham gia được thì không còn gì bằng".
Dạo này, Kondo đã chán ngán chuyện kinh doanh võ đường rồi. Đến tháng Chạp thì dịch sởi đã dứt nhưng trong tình trạng các võ đường đua nhau mọc ra loạn xị ở các xóm, người đến học chẳng bao nhiêu, rồi lại xảy ra chuyện bọn kiếm khách ở Warabi kia nữa. Kondo chẳng thích thú gì chuyện hai phái kiếm xuất xứ cùng địa phương mà đi tranh giành địa bàn ở Tama ấy.
Hijikata đáp: -"Đâu có cần phải bàn luận gì nữa. Xin vui mừng mà được cùng sống chết với nhau".
Thế là Kondo, Hijikata, Okita, Inoue, Yamanami, bạn cùng tá túc ở võ đường Kondo là Todo Heisuke cùng phái Hokushin Itto với Yamanami, và bạn của Todo là Nagakura Shinpachi, kiếm khách bậc thầy của phái Shindo Munen, rồi Harada Sanosuke, một bậc thầy về thuật đánh thương của phái Hozoin, đã cùng nhau gia nhập đội lãng sĩ.
Vận mệnh của Okita Soji biến đổi từ đấy. Tháng 2 năm Bunkyu thứ 3 (1863), cả bọn là đội viên lẫn lộn trong đội lãng sĩ hai trăm mấy chục người, được phái lên trị an kinh đô Kyoto. Sau đó, thành phần chủ lực của đội trở về Edo, đám đội viên còn lại tách ra, lập thành đội Shinsengumi. Không bao lâu, nhóm đội viên thuộc phái Rishin góp tay đánh đổ chủ tướng đầu tiên của đội là Serizawa Kamo, đưa Kondo Isami chính thức lên làm chủ tướng tổng chỉ huy Shinsengumi.
Có tháng, Okita chém chết người ta hầu như mỗi ngày. Nhất là trong vụ xông vào chém giết ở quán Ikedaya ngày 5 tháng 6 Genji nguyên niên (1864), Okita đã tung hoành mãnh liệt cuồng bạo, chém giết cho đến khi mũi kiếm gãy lìa, khiến nhiều lãng sĩ Cần Vương ngã gục dưới lưỡi kiếm của anh, như Yoshida Toshimaro, lãng sĩ Choshu, Matsuda Shigesuke, lãng sĩ Higo,......
Trong kinh đô, nghe đến tên của Okita, Hijikata, người ta còn khiếp sợ hơn cả tên Kondo nữa.
Thế nhưng, con người Okita thì không thay đổi bao nhiêu. Vẫn có lúc ngây ngô trẻ con, hễ rảnh rỗi lại chơi đùa với bọn con nít ở gần doanh trại.
Có điều, về vụ phái kiếm Ryugo Shogetsu thì ai hỏi gì cũng không nói. Có lẽ anh ta ôm mối hận sâu sắc ấy trong lòng. Sau biến cố ở cửa Hamaguri của Hoàng thành, phiên trấn Choshu bị xem là cừu địch của triều đình, đội Shinsengumi hễ thấy phiên sĩ Choshu hay lãng sĩ từ Choshu lẻn vào kinh đô là chém ngay. Một phụ tá phó tướng của đội Shinsengumi là Yamazaki Susumu giăng mạng lưới mật thám khắp kinh đô và các vùng phụ cận. Một ngày nọ, có tin mật báo về. Yamazaki giả trang làm nhà buôn dạo đi do thám thì biết được ở quán Ogawatei dưới dốc phía tây đại lộ Yamato, chân cầu phía đông của cầu Sanjo, đang có lãnh tụ Cần Vương của phiên trấn Choshu là Katsura Kogoro dẫn theo vài lãng sĩ ẩn náu ở đó. Từ trước đến nay, đã có lắm lần tin sai lạc về chuyện Katsura tiềm nhập vào kinh đô. Mỗi lần như thế, đội Shinsengumi lại kéo một đám đông đội viên đi bắt, mà chẳng được tích sự gì. Nhưng lần này, Yamazaki bảo là chính mắt đã thấy mặt Katsura đang bước vào quán Ogawatei.
-"Thưa chủ tướng, lần này thì không sai chạy vào đâu được!"
Hôm sau, phó tướng Hijikata Toshizo đích thân dẫn toàn đội của phụ tá Okita và toàn đội của phụ tá Harada đến bao vây quán Ogawatei lúc trời chưa kịp sáng.
Tương truyền rằng bà chủ quán trọ ấy, còn sống đến tháng 9 năm Taisho thứ 12 (1923), là người nghĩa hiệp, thường bao che cho bọn lãng sĩ Cần Vương. Đội Shinsengumi cũng biết là chung quanh đấy có nhiều nhà trọ của bọn lãng sĩ từ đất Higo, nên quán Ogawatei đã sớm trở thành nơi hội họp bí mật của bọn lãng sĩ ấy. Việc Katsura nương nhờ bọn lãng sĩ Higo mà ẩn náu trong quán trọ ấy là điều rất hợp lý.
Quán Ogawatei này đã có vài sự kiện xảy ra rồi. Miyabe Kenzo, lãng sĩ Higo về sau chết trong vụ Shinsengumi tấn công quán Ikedaya, có lần hội họp bí mật với bọn Yoshida Toshimaro, lãng sĩ Choshu, ở căn phòng 8 chiếu [6] biệt lập ở góc xa của quán này, đã bị đội tuần tiễu tấn công. Theo lời kể chuyện xưa của bà chủ quán thì lúc họ hội họp đó, bà cụ mẹ chồng của bà chủ quán, là Orise đang bị trúng phong, nhưng cũng gắng ngồi canh phía trước quán ngó ra đường, hễ thấy trên đường có bóng người khả nghi thì giật chuông báo hiệu. Nhưng hôm bọn Miyabe Kenzo hội họp thì bị tấn công bất ngờ quá nên không kịp báo hiệu gì được. Bà cụ đành giả vờ lên cơn động kinh trước mặt đội tuần tiễu để câu giờ, và ra hiệu cho người tớ gái là Omatsu biết có biến mà khẩn cấp đưa bọn lãng sĩ trốn thoát từ cửa sau quán.
Lần này, dưới sự chỉ huy của Hijikata, đội viên của Harada sẽ đạp đổ vách kéo, xông vào trong, còn đội viên của Okita thì canh chặt các cửa. Cả bọn rời bản doanh ở Mibu vào cuối giờ Sửu (khoảng 2 giờ sáng). Trăng chưa lên, nhưng trời sao xanh trong hiếm thấy ở kinh đô. Sườn núi Kachozan trong dãy núi phía đông trông rõ nét như khắc lên nền trời. Tắt đèn lồng đi vẫn thấy rõ mặt đất mà bước đi được. Nửa đường, Hijikata bảo:
-"Soji này, quán Ogawatei ở phía đông cầu Sanjo là quán trọ khả nghi lắm, thế mà lần nào đội tuần tiễu hay thanh tra của Sở Chưởng quản bất ngờ đến khám xét cũng không phát hiện được tên lãng sĩ nào ở đấy cả".
-"Kỳ lạ thật chứ!".
Okita nghĩ rằng quán ấy có thể có cơ quan bí mật gì đấy chăng. Đến khoảng cầu Sanjo, Okita nói:
-"Anh Hijikata này, cho tôi đi một mình trước nhé".
-"Muốn thám thính chỗ đó trước à?"
-"Vâng, cũng gần như thế".
Hijikata cho là phải nên đánh thức người trong quán trà ở chân cầu phía tây, bảo họ mở cửa cho đội viên vào chờ, rồi cắt đặt một người theo Okita đi trước.
Okita đi gần đến quán Ogawatei thì bắt đầu một hành động khiến người đội viên đi cùng thắc mắc. Cửa chính của quán Ogawatei là nhiệm vụ của Okita phải canh gác thì anh không để mắt đến, mà lại đi nấp vào hiên trước của tiệm bán nước tương còn cách quán Ogawatei 3 căn. Rồi tấm thân cao gầy ấy bắt đầu lách vào ngõ hẹp giữa tiệm bán nước tương và căn nhà bên cạnh.
-"Anh đi đâu thế?"
-"Xuống bãi cát đây mà".
-"Phía sau này có bãi cát à?"
-"Đúng thế".
Dãy nhà có quán Ogawatei ấy, ngày nay thì sau lưng đó có dòng sông, trên đê có đường tàu điện Kyoto-Osaka chạy qua, nhưng thời Okita đứng ở đấy thì khác. Ngay sau lưng dãy nhà ấy là bờ đá. Từ đó nhảy xuống bãi cát trắng bên sông Kamogawa.
Okita men theo bờ đá, vừa bước xuống bãi cát vừa nghĩ: Cơ quan bí mật gì đâu! Chỉ vì không biết mà chận các cửa phía trước và phía hông, không ngờ phía sau đuôi lại hở toang cả!.
Okita bảo người đội viên đi theo:
-"Về báo cho anh Hijikata là tiến được rồi. À, còn nữa. Khi tấn công thì toàn đội của ta sẽ do anh Hijikata chỉ huy".
-"Thế anh Okita thì làm gì?"
-"Ta sẽ ở trên bãi cát này mà nghe sóng vỗ!".
Ngồi dựa lưng vào vách đá sau quán Ogawatei, Okita suy nghĩ về Katsura Kogoro. Nghe đâu Katsura ngày xưa đã lãnh ấn chứng bậc thầy ở võ đường của Saito Yakuro phái Shinto Munen ở Edo, và đã làm đến giáo thụ trưởng ở võ đường ấy rồi. Ngày 3 tháng 10 năm Ansei thứ tư (1857), Katsura đã đại diện môn phái Shinto Munen tham dự hội thi đấu tất cả các lưu phái, tổ chức ở Edo trong dinh phiên trấn Satsuma ở Kajiyabashi, chỉ một hiệp đã đánh gục được Fukutomi Kenji vang danh tuấn kiệt ở võ đường Momonoi, nên danh tiếng nổi như cồn. Sau đó, ở hội thi đấu võ nghệ ở võ đường Momonoi, Katsura đã liên tiếp thắng trận, vào đến chung kết mới thua Sakamoto Ryoma lúc bấy giờ làm giáo thụ trưởng ở võ đường của Chiba Sadakichi (phái Hokushin Itto). Katsura đã là kiếm khách vang danh khắp Edo như thế đấy.
Hồi lâu sau, Okita nghe phía trước có tiếng náo động ghê gớm. Hẳn là bọn Harada đạp cửa xông vào quán đó rồi. Không bao lâu, bờ đá phía trên đầu Okita có bóng người xuất hiện, tung mình lên không dưới trời sao, rồi đáp xuống bãi cát. Có vẻ là Katsura đấy. Okita đứng dậy, thi lễ.
-"Tôi là Okita Soji của đội Shinsengumi. Xin nghênh tiếp".
Bóng đen vừa đứng lên thì Okita đã rút kiếm chém tới. Bóng đen nhanh nhẹn nhảy lùi lại. Quả thật động tác rất thành thạo.
-"Đúng là ngài Katsura rồi chứ gì?"
Okita chĩa kiếm phóng tới, nhưng chợt nghiêng người đi. Có lưỡi kiếm chém sả từ phía trên xuống đầu anh. Một bóng đen khác nhảy xuống bãi cát, đứng chắn che chở cho Katsura và nói:
-"Tiên sinh, xin để tên này cho tôi".
-"ƯØ, thế đi".
Giọng nói có vẻ bình thản kỳ lạ, rồi bóng đen có vẻ là Katsura ấy biến đi mất.
Bóng người còn lại sấn tới.
Nghe nói Katsura có người cận vệ là một kiếm khách mang hỗn danh là "Kikyo giết người" (Kikyo: hoa tím, vi-ô-lét, cát cánh), có lẽ là người này đây. Nghe đâu người cận vệ ấy cao 5 thước 7, 8 tấc (chừng 1 mét 75). Người đang đứng trước mặt Okita cũng cao cỡ đó. Tên là gì thì chẳng ai biết. Chỉ biết thường mặc áo có phù hiệu là hoa tím Kikyo. Hỗn danh khởi đầu từ phù hiệu ấy. Đã có 3 người trong đội tuần tiễu, 1 đội viên Shinsengumi bỏ mạng dưới tay anh ta khi đi tuần trong kinh thành.
Hai cánh tay bóng đen giương lên, hai bàn tay cầm kiếm tấn ở tầm cao. Hai chân dang rộng theo thế đứng như thanh gỗ dộng chuông, chân phải tấn phía sau, bàn chân bấm sâu vào đám sỏi trên bãi cát. Sau lưng là trời sao soi bóng xuống dòng sông, bóng đen to lớn cầm kiếm đứng chắn như ngọn núi trước mặt, khiến Okita cảm thấy ớn lạnh tận đáy lòng. Anh nghĩ: có vẻ mình đã thấy tên này đâu đấy rồi. Tức thì, anh tấn kiếm chìm xuống, chĩa kiếm vào mắt địch. Rồi nâng tay kiếm lên chút ít, chĩa mũi kiếm về phía cổ tay địch, chân nhích dần tới, thu ngắn khoảng cách.
Có vẻ anh đã có tính toán gì rồi. Phía địch thì vẫn giữ nguyên thế tấn kiếm ở tầm cao.
Okita định dụ địch, nên ra bộ nhắm chém vào cổ tay trái của đối thủ nãy giờ để trống. Như đáp ứng, bóng đen chuyển động. Trầm người xuống. Tức thì, tiếng lưỡi kiếm địch rung lên mãnh liệt, chém xuống cẳng chân Okita. Cỏ mùa hè trên bãi cát bị chém đứt tung bắn lên.
A, quả là tên này rồi! Khi nhận ra đấy là Hiraoka Shogetsusai ở Warabi, thì hai bàn chân của Okita đã phải nhảy từng nhịp tưng tưng kỳ dị trên lớp sỏi của bãi sông.
Thật ra, Okita đã nghĩ ra ba thủ pháp đối phó rồi. Sau khi suýt bỏ mạng ở Warabi, Okita đã trốn khỏi võ đường Kondo để tìm cách đối phó với bọn Ryugo Shogetsu. Không biết anh ta có học trượng pháp ở Shirakawa xứ Oshu như Kondo đoán không. Chỉ biết là Okita đã đem hết sức mình gắng tìm giải pháp cho vấn đề đấu kiếm sinh tử với môn phái Ryugo Shogetsu ấy. Okita nghĩ trong thế chém đầu tiên của phái Ryugo, lưỡi kiếm có vẻ không được dùng như kiếm, mà dùng như một thứ côn trượng, hoặc như một cái phảng cắt cỏ. Trong trận đụng độ sau chùa Sangaku-in ở Warabi, Okita khi bị chém xuống chân, đã giở chân lên, nhưng không nhảy lùi lại ngay, nên suýt bị chém trúng; vì vậy mà thế tấn bị hỏng, rồi bị địch tha hồ tấn công liên tục. Ở bãi sông Kamogawa này, Shogetsusai cũng vẫn dùng thế kiếm đầu tiên nhắm chém vào cẳng chân địch như thế.
Okita lập tức tấn kiếm trên tầm cao, đồng thời chân vừa bước tới đã giở lên, liền rút ngược ra sau, rồi tức khắc xông lên, chém kiếm xuống đầu Shogetsusai.
Rõ ràng là đã chém trúng địch rồi! Vậy mà Shogetsusai vẫn không ngã xuống, hai người nhảy lướt qua nhau, đổi vị trí. Cả hai đều tấn kiếm trên tầm cao trở lại.
Toàn thân Okita ràn rụa mồ hôi nhơn nhớt. Hắn có đội mũ sắt gì rồi!
Shogetsusai hiểu rõ nhược điểm nơi mặt của phái Ryugo mình, nên đã đội mũ kết bằng sắt mỏng và dây xích kim loại.
-"Thằng nhãi kia, đã học được nhiều rồi đấy nhỉ!". Có vẻ Shogetsusai cũng đã nhận ra địch thủ trong đội Shinsengumi này chính là Okita Soji ở võ đường Kondo xóm Yanagi trên Edo. -"Ta khen cho đấy!".
-"À, đã khổ công chút đỉnh rồi đây".
Okita gượng cười. Nhưng không làm sao giữ hơi thở điều hoà được. Anh chuyển sang thế tấn kiếm ở tầm thấp. Shogetsusai thì vẫn giữ thế tấn kiếm ở tầm cao, hơi nghiêng về phía trái, chân trái xoãi ra xa phía trước.
Khi Shogetsusai chém kiếm xuống cẳng chân anh, Okita rút phắt chân lên, đồng thời trở ngược thanh kiếm, lấy sống kiếm ngăn lưỡi kiếm địch, nhanh nhẹn giương kiếm lên cao, chém sả xuống mãnh liệt, như chẻ đôi mũ sắt của địch. Ở tư thế đó, anh chỉ còn có thể chém vào đầu vào mặt địch mà thôi. Shogetsusai bị chém mạnh vào đầu đội mũ sắt, bật ngược, thối lui mười mấy bước mới dừng lại được, đến suýt ngã xuống nước.
-"Thằng nhãi kia, giỏi lắm!"
Shogetsusai lại giương hai cánh tay tấn kiếm ở tầm cao, hai chân dang ra theo thế thanh gỗ dộng chuông, bàn chân bám chặt lên đất. Nhưng có vẻ mắt còn choáng váng, nên không chém tới.
Okita toàn thân ướt đẫm mồ hôi như tắm, hơi thở gấp gáp.
-"Nhãi con, thử sức một hiệp nữa nào!".
-"À..."
-"Chân loạng choạng rồi kìa!".
Shogetsusai nhích chân từ từ đến gần. Rồi phóng tới chém kiếm xuống cẳng chân Okita liên tiếp ba lần. Kiếm cuốn gió bật lên tiếng vun vút.
Nhưng trong chớp mắt, Shogetsusai đã bị chém ngược vào thân mình, cả người bật nẩy lên không, cánh tay như múa điệu cổ điển, rồi rơi bịch xuống đất, tắt thở.
Okita sống sót. Nhưng ngã ngửa trên cát, bị xác chết Shogetsusai đè trùm lên. Máu từ xác chết không ngừng chảy ướt đẫm thân anh, nhưng Okita chẳng còn sức đâu mà nhỏm dậy nữa.
Đúng là phải dùng thế nằm mà chém ngược lên như phát cỏ, mới được. Anh đã tìm ra cách chống lại kiếm pháp phái Ryugo! Lúc Shogetsusai hét lên xông tới, Okita đã lập tức ngã nằm xuống. Cú như là nằm mộng. Lúc hoàn hồn thì đã bị xác chết của Shogetsusai ngã đè lên rồi.
Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 11/08-03/09
Chú thích:
[1] Cải cách Tenpo : cải cách về binh bị và kinh tế do Mizuno Tadakuni chủ xướng từ 1842, đưa đến việc bắt giam một số chính trị gia và văn nhân.
[2] Edo : trung tâm cai trị của Phủ Chúa Tokugawa, bây giờ là Tokyo.
[3] Shinsengumi : là đội võ trang cảnh bị Kyoto, do Mạc Phủ chiêu mộ các võ sĩ mất chủ tướng (lãng sĩ, ronin) mà lập ra để truy lùng tiêu diệt các chí sĩ Cần Vương mượn cớ đánh đuổi người ngoại quốc để mưu đồ đánh đổ Mạc Phủ, thực tế là đã khuấy động kinh đô Kyoto. Chủ tướng là Kondo Isami, phó tướng là Hijikata Toshizo, phụ tá phó tướng là Okita Soji.
[4] Hộc : Koku, đơn vị đo lường, khi dùng để tính bổng lộc của võ sĩ, hay lực kinh tế của phiên trấn thì khoảng 150 kí gạo, khi dùng để tính dung tích thuyền bè thì khoảng 180 lít.
[5] Lan học : Rangaku, học theo Hà Lan là nuớc được phép buôn bán với Nhật thời bấy giờ.
[6] Chiếu: tấm cói dày lót sàn phòng, cũng là đơn vị diện tích phòng và nhà ở, khoảng 180 cm x 90 cm.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top