cau 8(cnxh)

1.Bản chất của tôn giáo: tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội phản ánh một cách hoang đường, hư ảo hiện thực khách quan. Qua hình thức phản ánh của tôn giáo, những sức mạnh tự phát trong tự nhiên và xã hội đều trở thành thần bí. tôn giáo là một hiện tượng xã hội, văn hóa, lịch sử; một lực lượng xã hội trần thế. Tôn giáo là sản phẩm của con người, gắn với những điều kiện lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội xác định. Do đó, xét về mặt bản chất, tôn giáo là một hiện tượng xã hội phản ánh sự bất lực, bế tắc của con người trước tự nhiên và xã hội. tôn giáo cũng chứa đựng một số giá trị văn hoá, phù hợp với đạo đức, đạo lý của xã hội.

2.Đặc điểm tôn giáo ở Việt Nam:

Một là, Việt Nam là nước có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo.

Hiện nay, ở nước ta có sáu tôn giáo lớn đã được Nhà nước thừa nhận về tổ chức là: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao đài, Hoà Hảo với khoảng 20 triệu tín đồ. Ngoài ra còn hàng chục triệu người khác vẫn giữ tín ngướng dân gian, truyền thống và cả tín ngưỡng nguyên thuỷ.

Tín ngướng, tôn giáo ở nước ta chủ yếu ở cấp độ tâm lý tôn giáo. Nhiều tín đồ tôn giáo tuy khá sùng đạo, nhưng hiểu giáo lý rất ít, gia nhập đạo phần nhiều do lan truyền tâm lý, hoặc do vận động, lôi kéo; ý thức tôn giáo ở phần lớn tín đồ không thật sâu sắc.

Hai là, các tôn giáo, tín ngưỡng dung hợp, đan xen và hoà đồng, không có kỳ thị, tranh chấp và xung đột tôn giáo.

Sự khoan dung, lòng độ lượng, nhân ái của dân tộc Việt Nam, cùng với yêu cầu phải đoàn kết toàn dân để bảo vệ nền độc lập, thống nhất lãnh thổ, nên người Việt Nam tiếp nhận các tôn giáo khác nhau một cách tự nhiên, miễn là nó không trái với lợi ích dân tộc - quốc gia và truyền thống văn hoá, tín ngưỡng cổ truyền.

Sự phân bố tôn giáo ở nước ta có đặc điểm nổi bật là giáo dân của các tôn giáo thường sinh sống thành từng cộng đồng quy mô nhỏ, các cộng đồng tôn giáo khác nhau có thể sống xen kẽ nhau. ở nhiều nơi, trong một làng, xã cũng có các nhóm tín đồ của các tôn giáo khác nhau sống đan xen, hoà hợp nhau, hoặc xen kẽ với những người không theo tôn giáo nào

Ba là, các tôn giáo chính có ảnh hưởng lớn trong xã hội Việt Nam đều du nhập từ bên ngoài, ít nhiều đều có sự biến đổi và mang dấu ấn Việt Nam.

Các tôn giáo từ bên ngoài vào Việt Nam vừa theo cách du nhập tự nhiên qua giao lưu kinh tế, văn hoá như: Phật giáo, Hồi giáo; vừa có sự áp đặt song hành với quá trình xâm lược của các đế quốc trong lịch sử như Công giáo, Tin lành... Quá trình giao du, gặp gỡ các tôn giáo vừa thâm nhập, bổ sung, vừa cải biến lẫn nhau, khiến cho mỗi tôn giáo đều có sự biến đổi phù hợp với đặc điểm địa lý, lịch sử và văn hoá Việt Nam.

Bốn là, sự pha trộn phức tạp giữa ý thức tôn giáo với tín ngưỡng truyền thống và tình cảm, phong tục tập quán và nhân dân.

Tín ngưỡng truyền thống dân gian mà nổi bật nhất là phong tục thờ cúng tổ tiên, đã dung hợp với các tôn giáo, góp phần tạo nên đặc điểm tình cảm, tâm hồn, tính cách người Việt Nam. Tuy vậy, sự pha trộn phức tạp giữa ý thức tôn giáo với tín ngưỡng cổ truyền và tình cảm, phong tục tập quán đã ăn sâu vào đời sống tinh thần người Việt Nam, làm cho một bộ phận không nhỏ quần chúng lao động rất dễ dàng tiếp nhận tình cảm, ý thức tôn giáo mới.

3.Tình hình tôn giáo ở nước ta hiện nay:

Mặc dù sự hình thành và phạm vi ảnh hưởng đối với số lượng tín đồ và tác động chính trị - xã hội không giống nhau, đồng bào các tôn giáo đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hàng chục vạn thanh niên có đạo đã tham gia chiến đấu và nhiều người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong công cuộc xây dựng CNXH, nhiều tín đồ và giáo sĩ đã nhận thức đúng chính sách, luật pháp của Nhà nước, làm tốt cả "việc đạo" và "việc đời". Tình hình kinh tế, an ninh chính trị và trật tự xã hội ở nhiều vùng tôn giáo khá ổn định. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một bộ phận đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo còn băn khoăn, lo lắng cả phần đạo và phần đời.

Những năm gần đây, sinh hoạt tôn giáo có phần phát triển, nhà thờ, đình chùa, miếu mạo, thánh thất được tu sửa và tôn tạo, xây cất lại, in ấn tài liệu, đào tạo các chức sắc... Số người tham gia các hoạt động tôn giáo gia tăng. Những hoạt động lễ hội gần gũi với tôn giáo nhiều, mang nhiều màu sắc khác nhau, cũng xuất hiện nhiều hiện tượng mê tín dị đoan. Thực trạng trên, một mặt phản ánh nhu cầu tinh thần của một số đông quần chúng. Từ khi đổi mới và dân chủ hoá tự do tín ngưỡng càng có điều kiện thể hiện, đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận nhân dân. Mặt khác cũng nói lên điều không bình thường vì trong đó không chỉ có sự sinh hoạt tôn giáo thuần tuý, mà còn biểu hiện lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để phục vụ cho mưu đồ chính trị và hoạt động mê tín dị đoan.

2. Quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta hiện nay

a) Quan điểm

Xuất phát từ những quan điểm chỉ đạo trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo dưới chủ nghĩa xã hội và tình hình tôn giáo ở nước ta, Đảng ta đã khẳng định: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo với đồng bào không theo tôn giáo. Chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá, nâng cao đời sống của đồng bào. Nghiêm cấm lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia".

Nghị quyết Trung ương 7 khoá IX về công tác tôn giáo đã chỉ rõ quan điểm lớn sau:

- Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đoàn kết toàn dân tộc.

- Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng.

- Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

b) Chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta hiện nay:

Theo tinh thần trên, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay bao gồm:

+ Thực hiện quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của công dân trên cơ sở pháp luật.

+ Tích cực vận động đồng bào các tôn giáo tăng cường đoàn kết toàn dân nhằm xây dựng cuộc sống "tốt đời, đẹp đạo", tích cực góp phần vào công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định về chính trị, trật tự và an toàn xã hội. Trên cơ sở đó, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và văn hoá, nâng cao trình độ mọi mặt cho đồng bào.

+ Hướng các chức sắc giáo hội hoạt động tôn giáo theo đúng pháp luật, ủng hộ các xu hướng tiến bộ trong các tôn giáo, làm cho các giáo hội ngày càng gắn bó với dân tộc và sự nghiệp cách mạng toàn dân, thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của tôn giáo ở một quốc gia độc lập.

+ Luôn luôn cảnh giác, kịp thời chống lại những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống lại sự nghiệp cách mạng của nhân dân, chống chủ nghĩa xã hội.

+ Những quan hệ quốc tế và đối ngoại về tôn giáo hoặc có liên quan đến tôn giáo phải theo chế độ, chính sách chung về quan hệ quốc tế đối ngoại của Nhà nước.

Đại hội X của Đảng tiếp tục khẳng định: "Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống "tốt đời, đẹp đạo". Các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ. Thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của đồng bào các tôn giáo. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo. Đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm phương hại đến lợi ích chung của đất nước, vi phạm quyền tự do tôn giáo của công dân"

Như vậy, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta bao gồm nhiều mặt, vừa có mặt đối nội, vừa có mặt đối ngoại. Thực hiện chính sách tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình thông qua chính sách, pháp luật, các đoàn thể nhân dân và Mặt trận Tổ quốc có nhiệm vụ vận động các tín đồ và chức sắc trong các giáo hội phấn đấu xây dựng cuộc sống "tốt đời, đẹp đạo".

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #authority