Chương 1: Đi, đi khỏi đây
Đêm đó là một đêm giông bão, con thuyền của cha tôi đang đi trên biển thì bị sóng đánh úp. Bao nhiêu người bị cuốn trôi, chỉ có một hai người khác và cha tôi trôi dạt vào bờ và được cứu.
Nhưng chẳng may, do bão lớn đổ gãy cây, làm cho khúc cây ấy ngã đè lên người cha. Ông ấy không cầm cự được nữa, trước lúc lâm chung, ông lấy trong túi ra một sợi dây chuyền có mặt tròn bằng bạc, dúi vào tay tôi, hấp hối nói:
"Đi..đi đi Lang...đi tìm mẹ con..."
"Mẹ? Mẹ con ở đâu mà tìm hả cha?". Tôi nắm chặt lấy tay ông, hỏi.
"Trong sợi dây chuyền...có mảnh giấy...đọc đi con...Bằng mọi giá...đi..đi tìm mẹ cho cha..dù bà ấy...còn sống hay...đã chết"
Cha nói rồi gục đầu xuống, không còn thở nữa. Linh hồn ông có lẽ cũng đã trôi dạt theo sóng biển mãi mãi...
Đám tang cha, bên nhà nội tôi khóc hết nước mắt. Còn tôi, kể từ đêm ác mộng đó cho đến nay, tôi vẫn không thể rơi dù chỉ một giọt nước mắt. Ngay cả cảm xúc nghẹn ngào đến nhối lồng ngực tôi cũng không cảm thấy.
Tôi chỉ thấy thật bình thường làm sao. Chỉ là một con người chết đi khi đã sống thật lâu, bao nhiêu chuyện trên trần gian đều đã thấu...
Ngay cả khi đã chết, ông ấy vẫn để lại một gánh nặng cho tôi. Số tiền vay nợ từ thói cờ bạc của ông ấy, tôi đều phải gánh tất cả. Vậy mà, ông ấy còn dám bảo tôi phải đi tìm mẹ, bằng mọi giá. Tìm người đàn bà đã bỏ đi khi vừa mới sinh tôi ra.
Tôi căm ghét hai người họ, căm ghét cái mảnh đất nghèo nàn này.
Mấy tháng sau khi cha chết, theo chủ nợ - ông Hai, tôi vào nhà ông ấy làm người ở. Làm đến khi nào tôi trả hết đủ tiền cha tôi đã vay mượn thì thôi. Có lẽ nó sẽ tốn hết nửa cuộc đời của tôi.
Rửa chén, quét sân, giặt và phơi quần áo, bưng mâm dọn bát, rảnh thì cho chó ăn và đi chăn bò. Có đủ mọi công việc để tôi làm. Làm không được thì bị đánh và bỏ đói. Chẳng khác gì đang cầm tù một đứa trẻ mới 11-12 tuổi như tôi cả. Đừng mơ đến việc đi tìm mẹ, rời khỏi căn nhà rộng lớn này được không hay tôi còn chưa dám nghĩ đến.
Hôm đó khi tôi đang phơi mình dưới nắng ở sân, tôi mới lấy ra xem sợi dây chuyền mà cha để lại. Bên trong mặt dây chuyền là tấm hình của một người phụ nữ rất xinh đẹp. Tuy nó nhỏ, nhưng tôi có thể thấy rõ nét yêu kiều của bà ấy. Sau tấm hình có rơi ra một mảnh giấy được gấp nhỏ lại.
Bên trong nó ghi địa chỉ của một quán bar tuốt trên Sài Gòn.
"Cái gì đây...Có liên quan gì tới mình đâu? Cô gái này, lẽ nào là thần tượng của cha hả?"
Tôi nói rồi gấp lại bỏ vào sợi dây chuyền, đeo lên cổ rồi tiếp tục làm công việc của một đứa ở. Nó có vẻ như không quan trọng nên tôi không để tâm đến nó nhiều nữa.
Mấy ngày sau, nhân lúc ông Hai đi vắng, bà ngoại tôi ghé qua thăm tôi và còn mang theo ít quà vặt. Ít ra ở đây tôi còn bà ngoại.
Tôi ngồi nhổ tóc bạc cho bà, có lẽ do sợi dây chuyền quá đẹp mà bà đã để ý đến.
Bà bảo tôi đưa sợi dây chuyền cho bà xem. Tôi chưa kịp nói gì thì bà đã mở được bên trong mặt sợi dây ra.
Bà nhìn tấm ảnh chụp người phụ nữ đó một hồi rồi quay qua hỏi tôi: "Lang, sợi dây chuyền này đâu mà con có?"
"Dạ, cha để lại cho con". Tôi thành thật nói.
"Vậy con có biết người ở trong ảnh là ai không?"
"Không"
Bà nghe tôi nói thì chỉ thở dài, nét mặt bà như muốn nói rằng đó là tất nhiên.
"Là mẹ của con đó Lang"
"Dạ? Mẹ của con?". Tôi lặp một lần nữa như chưa tin vào tai mình.
"Phải, mẹ của con, Đông Xuân"
"Mẹ của con...". Người phụ nữ ấy mà lại là mẹ của tôi sao? Trong phút chốc, cảm giác quý mến tôi dành cho người phụ nữ ấy đã biến mất, chỉ còn lại sự hờn trách dành cho bà ta.
Bà ngoại có vẻ cũng đã đọc được mảnh giấy đi kèm. Bà lại hỏi tôi:
"Lang, lúc cha con còn sống, cha con có dặn gì không?"
"Dạ có, cha kêu...con đi tìm mẹ"
Bà không bất ngờ trước câu nói của tôi. Khi tôi đang ngơ ngác thì bà hỏi ngay một câu đã loanh quanh trong đầu tôi mấy ngày nay: "Vậy con có muốn đi tìm mẹ không?"
Tôi...có muốn đi tìm mẹ không? Tôi không biết, tôi vẫn chưa nghĩ ra được câu trả lời cho câu hỏi này.
"Đây không phải mong muốn của mỗi cha con, mà còn là của cả bà. Bà cũng muốn con lên thành phố tìm mẹ con, Lang à"
"Ngay cả bà cũng...". Cha muốn tôi đến tận Sài Gòn để tìm mẹ, và bà ngoại cũng vậy. "Tìm mẹ, tìm mẹ con để làm gì hả ngoại?"
Bà ngoại tôi như chẳng muốn trả lời câu hỏi đó. Bà lảng qua chuyện khác.
"Con lên Sài Thành đi, mẹ con ở đó đó. Nếu tìm thấy mẹ con, cuộc sống của con sẽ khá hơn bây giờ. Bà không muốn con không phải làm đứa ở đợ nữa..."
"Lỡ...mẹ không nhận ra con thì sao?". Mà có chắc gì bà ấy sẽ chấp nhận nuôi tôi.
"Lang, con nên biết rằng...". Bà mỉm cười. "Tình mẩu tử nó cao cả lắm. Xuân là một người sống tình cảm, chỉ cần nhận ra con là con của mình, nó sẽ đồng ý nuôi nấng con thôi"
"Vậy...tại sao mẹ con lại bỏ cha con con mà lên thành phố?"
Nói đến đây thì giọng bà ngoại tôi có hơi khác. Dường như bà đang tức giận. "Cha của con...là một người hèn hạ. Con chỉ nên biết như vậy thôi, Lang"
"Hả?...". Chao ôi, bà ngoại đang mắng cha tôi là một tên hèn hạ. Có phải lý do mà mẹ tôi bỏ lên thành phố là vì không chịu nổi tính cờ bạc của ông ấy không? Nghĩ lại cũng lạ, làm sao mà một người xinh đẹp như bà ấy lại lấy ông làm chồng?...
Đang chẳng biết nói gì thì bên ngoài cổng vang vào một tiếng đàn ông kêu: "Lang!! Mở cửa cho tao!"
Thôi chết! Ông Hai về!
Bà ngoại tôi cũng biết vậy, bà vội gói đồ đạc lại, đi về từ cửa sau. Trước khi đi, bà còn dúi vào túi áo tôi một ít tiền rồi mới hẵng đi.
"Thôi ngoại ơi, con không dám--"
"Lấy đi, con". Bà không cho tôi từ chối.
Chưa kịp trả lại bà thì tiếng quát tháo lại vang lên:
"Mày làm gì mà chậm rề vậy Lang!!"
"D-Dạ con ra liền!"
Tôi làm xong đống việc nhà cũng là lúc trời sập tối. Cuộc nói chuyện với bà ngoại trưa nay làm tôi không muốn ăn cơm nữa.
Sài Gòn...Sài Gòn là một nơi thế nào? Có phải là một nơi xa hoa, lộng lẫy như những người ở đây nói?
"Lang, chưa ngủ hả con?"
Bác Tư - một người ở đợ trong nhà đi vào ngồi với tôi.
"Dạ". Tôi đáp.
"Ngủ sớm mai còn ra vườn hái ớt đó con"
"Dạ...mà bác Tư, bác có...đến Sài Gòn lần nào chưa?"
"Sài Gòn hả?"
"Dạ". Có lẽ bác ấy cũng chưa đến, bởi đây là một vùng quê nghèo. Chỉ những ai là tư nhân như ông chủ mới lên được thành phố.
Trái với suy nghĩ của tôi, bác Tư cười đáp: "Bác đi rồi"
"Dạ?"
"Cách đây mấy năm, bác có theo một đoàn người lên thành phố làm việc. Con biết không, Sài Gòn quả là một nơi lộng lẫy. Đông người hơn ở đây gấp mấy lần. Ở đó người ta đi xe máy, xe bốn bánh không đó con. Buổi tối thì đèn đường chiếu sáng khắp các con phố, có các buổi hòa nhạc, có mấy cô ca sĩ hát hay lắm"
Tôi như đắm chìm vào trong từng lời kể của bác Tư. Tôi vừa nghe bác kể vừa tưởng tượng, rồi ngủ luôn lúc nào không hay.
Lúc tôi dậy thì trời đã sáng, tôi vẫn không quên những lời nói của bác Tư khi tối.
Sài Gòn có thật là lung linh lộng lẫy như vậy không? Tôi...muốn đến đó.
"Lang! Mày dậy chưa?! Làm biếng là cha tao bỏ đói mày đó!"
"Dạ!"
Tôi nói rồi chạy ra ngay, một ngày mới của tôi lại bắt đầu với những việc thường ngày.
Tôi chán chúng lắm rồi, chán cả mụ vợ và con gái của lão chủ. Họ không làm gì được hơn là ngồi chễm chệ trong nhà và quát mắng người ở.
Tôi quyết định rồi. Tôi sẽ đi tìm mẹ, tôi sẽ đi đến Sài Gòn.
Nhưng khổ nỗi tôi không có tiền, tiền bà ngoại cho tôi đã đem đi mua đồ ăn hết. Muốn lên Sài Gòn phải đi xe đò, ngốn nhiều tiền lắm. Hay là...lấy trộm tiền của ông Hai?
Vừa nghĩ tôi liền tự nhéo mạnh má mình. Sống mà đi ăn trộm ăn cắp thì chết quách cho rồi. Thà làm trâu làm ngựa cho lão chứ nhất quyết không ăn cắp tiền!
Tự thề thốt như vậy nhưng tối đến, tôi đã mò vào phòng ông Hai.
Lão và vợ con đã ngủ say sưa. Tiền thì có lẽ là cất ở đâu đó gần giường.
Mò mẫm một hồi thì tôi cũng thấy. Ngăn thứ ba của tủ gỗ, mở ra đầy ấp các xấp tiền. Giàu thì giàu thật mà lại keo kiệt với người ở ghê!
Tôi vừa lấy xấp tiền bỏ vào túi áo thì đã bị ai đó giữ tay lại.
"Ah!". Giật mình, tôi quay qua nhìn thì mới biết là bác Tư.
Bác đi theo tôi nãy giờ mà tôi không hay. Chắc bác không thấy tôi ngủ ở buồng nên mới đi tìm.
"Con làm gì vậy Lang? Sao con dám...". Bác cố nói nhỏ với tôi.
Chắc bác ngạc nhiên lắm, một đứa nổi tiếng ít nói hiền lành như tôi mà lại lợi dụng lúc chủ nhà ngủ để ăn cắp tiền.
"B-Bác Tư...con cần tiền". Tôi lắp bắp giải thích.
"Để lại ngay, ông Hai mà biết ổng đánh chết--"
"Hai đứa mày làm gì trong phòng tao vậy?!!".
Lão Hai nghe xì xầm thì đã dậy ngay. Lão thấy tay tôi đang cầm tiền. Biết ngay tôi ăn trộm.
Lão không nói không rằng mà vơ cái cây roi mây lên sắp đánh tôi. Không may, bác Tư chạy ra đỡ, chịu một cú đau thấu xương.
"Bác Tư!!"
"Chạy...Chạy đi Langg!!". Bác nằm bệch dưới sàn, la lên.
"Hah...Hah!". Tôi nghe theo bác, nhảy qua cửa sổ bỏ chạy.
"Chạy đi đâu mà chạy!". Lão Hai định đuổi theo tôi, nhưng bị bác Tư ôm chặt lấy chân. "Bỏ tao ra!!"
"Grừ..."
"Bay đâu! Bắt thằng Lang lại cho tao nhanh! Nó ăn trộmm!!"
Suốt cả đêm, người ở nhà ông Hai đốt đuốc đi rình khắp làng. Bác Tư có lẽ đã bị một trận đòn, bà ngoại chắc cũng đã hay tin. Còn tôi, tôi đã cao chạy xa bay ở trên chuyến xe đò đến Sài Gòn...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top