Đàm phán.

Bình minh ló ra sau núi xác chết. Binh sĩ Đại Việt thương vong đến hàng nghìn người. Tôi bước tới bờ sông. Giữa lòng sông là một người đàn ông đang đứng tựa vào lá cờ Đại Việt. Lá hoàng kỳ tung bay phất phới trong gió sớm.

Chiêu Văn Hầu chết đứng dưới lá hoàng kỳ. Binh lính khóc hết nước mắt. Không ai dám di dời thân xác của ông.

"Cò." Tôi khóc nức lên. "Hòa Chơ Hầu?"

"Vẫn chưa vớt được xác ạ." Tên lính báo cáo.

"Hồ đồ!" Tôi ném chiếc mũ về phía hắn. "Em trẫm chưa chết! Trẫm cấm ngươi nói gở!"

"Thần biết tội!" Hắn quỳ xuống. "Thần sẽ tự phạt trượng."

"Bệ hạ," Thầy Lê rót nước cho tôi. "xin người chú ý giữ gìn long thể."

"Là trẫm hại họ." Tôi làu bàu. "Nếu trẫm cố can họ thì họ đã không..."

"Bệ hạ, xin người đừng nói những lời ấy." Lê Văn Thịnh nhắc. "Những lời ấy là lời sỉ nhục dành cho võ tướng. Họ đã làm tốt nghĩa vụ làm thần làm tướng. Nếu bệ hạ thực sự yêu mến họ, hãy dành cho họ những lời tự hào."

"Một vị vua không được phép để lộ ra cảm xúc cá nhân." Lời mẹ tôi vang lên bên tai.

Nhìn xem, tôi đang khóc bù lu bù loa ở đây.

"Xem ra, trẫm chẳng phù hợp để làm vua."

"Bệ hạ, sĩ tướng bỏ mạng để bảo vệ Người, bệ hạ nói lời ấy thì khác nào đang đạp đổ công lao của họ?"

"Thế thầy bảo ta phải làm sao?"

"Mạnh mẽ hơn."

"Hả?" Đôi mắt ướt sũng của tôi nhìn vào nụ cười buồn thảm của Lê Văn Thịnh.

"Trở nên thật mạnh mẽ, trở thành một đấng quân vương vĩ đại, bảo vệ sự ấm no của vạn dân bá tánh." Thầy tôi đưa tôi chiếc khăn. "Có như thế, những người đã hy sinh, Hoằng Chân Hầu, Chiêu Văn Hầu, Thân phò mã, và cả Thánh Tông Hoàng đế dưới suối vàng mới có thể mỉm cười được."

"Trẫm hiểu rồi." Tôi đứng dậy lau nước mắt. "Lê Thị lang, báo cáo tình hình chiến sự chỗ Thái úy cho ta."

"Hồi bệ hạ." Lê Văn Thịnh đứng dậy. "Nhờ sự anh dũng thiện chiến của hai vị quân hầu, Triệu Tiết đã phải điều ba vạn quân của mình sang hỗ trợ cho Quách Quỳ. Doanh trại của y gần như trống không, Thái úy đã diệt trừ gần hết quân của Triệu Tiết rồi ạ."

"Tốt!" Tôi gật đầu một cái. "Thị lang Lê Văn Thịnh tiếp chỉ."

"Thần xin tiếp chỉ!"

"Cùng ta đi dọn thây nào."

Cả ngày hôm đó được dành ra để thu dọn xác người chết chất lại thành đống và đào hố chôn tập thể. Các binh lính đem thi thể đồng đội mình hạ xuống huyệt trong khi nước mắt nước mũi giàn dụa trên khuôn mặt. Tôi đã yêu cầu họ đeo khẩu trang (thực ra chỉ là cái khăn che mũi và miệng) để tránh mùi xác chết khiến cơ thể và tinh thần họ sụp đổ.

Đến tối, toàn thể doanh trại đội khăn tang đứng hai bên đường nhìn chiếc quan tài của Thái Nguyên từ từ được đem về nhà.

"Ngài ấy luôn là người tốt với chúng ta nhất." Một người khóc.

"Ngài ấy còn từng đến thăm con trai tôi khi vợ tôi sinh..."

"Hoằng Chân Hầu trẻ tuổi dũng mãnh, dù có hơi ngạo mạn nhưng ngài ấy rất tốt..."

"Tội nghiệp đứa trẻ nhỏ."

"Mong các vị quân hầu yên nghỉ."

"Phấn chấn lên!" Lê Văn Thịnh gầm lên như hổ. Tiếng khóc của binh sĩ bị đứt đoạn.

"Hai vị quân hầu đã chiến đấu và hi sinh anh dũng! Hôm nay hãy cùng tiễn đưa hai vị tướng quân với niềm kiêu hãnh của các ngươi! Họ, và tất cả những người đã ngã xuống đều đang bảo vệ cho Đại Việt, cho hàng nghìn năm văn hiến chi bang!"

"Cung ngênh hai vị tướng quân toàn thắng trở về!" Lý Thường Kiệt chắp tay hét lớn.

"CUNG NGHÊNH HAI VỊ TƯỚNG QUÂN TOÀN THẮNG TRỞ VỀ!"

Binh sĩ gầm lên như sấm. Tiếng hô vang của họ cứ thế vang vọng cho đến khi đội đưa tang đi khuất. Tôi còn nghe được văng vẳng tiếng hô vang tương tự ở bên kia sông. Có vẻ như thuộc tướng thân cận nào đó của Quách Quỳ cũng đã tử trận.

Tôi quay trở về Thăng Long. Vì đang rất bận nên mẹ tôi chỉ quở trách vài câu rồi tiếp tục xử lý sổ sách. Bà giao cho tôi một nhiệm vụ: đến Quốc Tử Giám.

Cả nước đang vào trạng thái binh bị, dồn quốc lực tài lực và cả nhân lực cho cuộc kháng chiến. Nhưng việc giáo dục là việc không được phép xem nhẹ. Mẹ tôi nói thế đấy.

Ưu tiên đầu tiên là chiến trường Như Nguyệt và Bạch Đằng, ưu tiên thứ hai chính là hoàn thành Quốc Tử Giám để giáo dục con em.

Quốc Tử Giám được xây dựng trong khuôn viên Văn Miếu, nghìn năm sau, nơi này sẽ được gọi với cái tên quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Còn bây giờ thì tôi đang được thấy những người công nhân đang thi công. Phải nói rằng khi biết được mình là người đã xây dựng nên Quốc Tử Giám tồn tại một nghìn năm, tôi cũng hãi lắm.

"Bệ hạ vạn tuế."

Một người đàn ông bước tới vái tôi. Ông ấy là Đoàn Văn Khâm, người lớn tuổi nhất trong mười người đỗ kỳ thi Minh kinh Bác học Thái Ninh năm thứ tư. Ông có dáng người to lớn và cứng rắn trong bộ thường phục màu xanh lục. Râu tóc ông có màu muối tiêu, đôi mắt nâu của ông buồn bã nhìn tôi.

"Đoàn Ngoại lang có chuyện gì sao?" Tôi hỏi.

"Lão thần chỉ thấy mình vô dụng." Ông phân trần. "Lê Thị lang và Lý Nguyên soái đều đang chiến đấu nơi trận mạc. Lão thần lại chỉ có thể ở đây..."

"Đoàn Thị lang đang nói gì thế?" Tôi lên giọng quở trách ông. "Ngài đỗ thứ nhì kỳ thi do ta tổ chức. Ngài được Thái hậu và bá quan chọn và giao phó nhiều trọng trách, từ phòng tuyến Như Nguyệt, sửa sang cổng thành, đến cả công trình quan trọng như Quốc Tử Giám ta cũng giao cho ngài. Ngài nói như thế, khác nào bảo rằng chúng ta tín nhiệm sai người, khác nào bảo trẫm là hôn quân?"

"Bệ hạ..."

"Thị lang đừng tự trách mình." Tôi nắm lấy tay ông. Bàn tay sần sùi chai sạn của ông to gấp ba lần tay tôi. "Quốc Tử Giám là công trình quan trọng đến cỡ nào, ngài lại không hiểu sao?"

Đột nhiên tôi nhớ lại lần đi Minh Linh. Lưu Khánh Đàm cũng đã nói với Ninh Chí An về tầm quan trọng của các công trình kiến trúc.

Đúng như chàng trai trẻ ấy nói, khi tất cả chúng tôi đều chẳng còn thì các công trình kiến trúc vẫn sẽ ở đó. Thành Thăng Long, Văn Miếu, chùa Diên Hựu, một nghìn năm nữa vẫn sẽ sừng sững ở đó. Như những chứng tích lịch sử cho một nghìn năm xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc của biết bao thế hệ.

Đó không đơn thuần là những công trình kiến trúc. Đó là bằng chứng cho sự tồn tại của những danh nhân lịch sử. Đó là bằng chứng cho sự tồn tại của một nền văn hiến. Đó là bằng chứng cho sự tồn tại của chúng ta trên mảnh đất linh thiêng này.

"Hoàng huynh!"

Từ phía xa xa, An Dân đang chạy tới với bông lau trong tay.

"An Dân." Tôi mỉm cười nhìn đứa em trai.

"Minh Nhân Vương." Đoàn Văn Khâm vái thằng bé.

"Đoàn Thị lang vất vả rồi." Thằng bé mỉm cười dang tay ôm lấy thân hình to lớn của ông trong sự ngỡ ngàng của chúng tôi.

"Hoàng huynh nhanh lên." An Dân túm lấy tay tôi và kéo đi.

"Chuyện gì thế?"

"Nhanh lên, nếu không thì em "chết" mất."

"Quốc Tử Giám là nơi để cho con em chúng ta học tập và trở thành người có thể hộ quốc tì dân." Tôi vừa bước theo An Dân vừa quay lại nói với Đoàn Văn Khâm. "Khi ngài bắt đầu đào móng, là ngài đang đặt những viên gạch đầu tiên cho nền giáo dục nước nhà. Hãy tự hào về điều đó! Sau này tên tuổi ngài cũng sẽ vĩ đại không kém gì những tướng lĩnh chiến đấu nơi sa trường đâu."

Không rõ ông ấy có nghe thấy tôi nói hay không, nhưng khi tôi nói câu cuối thì ông đã khuất dạng sau những tán cây.

"Hoàng huynh cứu em!" An Dân kéo tôi ra giữa bãi sân. "Quân của anh Hùng đã đến sát cổng thành phía đông, lương thảo quân ta đã bị cháy, giờ em chỉ còn khoảng tám nghìn quân, phía tây thì có quân của anh em họ Trương đang làm ngư ông đắc lợi."

Vị vương gia nhỏ bé quay sang nhìn tôi với ánh mắt van nài.

"Hoàng huynh, em sắp "mất nước" rồi."

Tôi bật cười. Sau đó tiếng cười của tôi lớn dần lên.

Em trai tôi nhỏ tuổi nhưng thực sự là rất thông minh. Tuy nhiên, thằng bé còn rất non nớt. Anh em nhà họ Trương đều đã mười hai mười ba tuổi, lại là con nhà võ. Cậu bé tên Hùng kia là cháu của tướng quân Trần Nẫm, đã được tiếp xúc binh thư và cả vũ khí từ lâu. Dù bằng tuổi tôi nhưng cậu ta cao hơn tôi hẳn một cái đầu.

Tôi nhìn lại An Dân. Thằng bé nhỏ nhất ở đây.

"Đúng là em trai của ta!" Tôi vỗ lên vai thằng bé và siết mạnh.

"Đau em."

Tôi nhìn "thành trì" của An Dân. Các "thành trì" đều được xây dựng từ những viên đá và que gỗ. Mỗi đứa trẻ tương đương với hai nghìn lính. Ở phía xa xa, Thái phó vừa xem sổ sách vừa quan sát lũ trẻ vẫn đang đứng quan sát.

Tôi quay sang nhìn anh em họ Trương. Họ cúi đầu vái tôi.

Tôi quay sang nhìn Hùng, cậu ta cũng vái một một cái ngắn ngủn.

"Nếu các cậu nương tay với ta, ta sẽ quy cho các cậu là nịnh thần đấy." Tôi nói lớn.

"Bệ hạ vạn tuế!" Lũ trẻ nói lớn.

"Thế thì," Tôi nhặt một cây củi lên và bẻ đôi. Một nửa giữ lại, nửa kia đưa cho An Dân. "em trai, hãy cùng ta cứu lấy quốc gia nào!"

"Thần đệ xin vâng mệnh!"

"Cương thổ tổ tiên để lại, không được để mất một tấc đất nào!" Tôi hét lớn. "Thiên hạ chúng ta có hôm nay, do tổ tiên đánh mà có được."

Que củi trong tay tôi đưa cao.

"Hỡi các anh em, hãy cùng ta," Tôi chĩa mũi que về phía Hùng. "cứu quốc!"

"Phụng chỉ giết giặc!" An Dân chạy về phía Hùng. "Khai chiến!"

"ÔÔÔ."

"Tám nghìn quân" của An Dân cũng chạy theo.

Chà, mặc dù phát biểu thì rất oai, nhưng anh em tôi bị hai mặt giáp công và bị bắt làm tù binh.

-

Trong những ngày tiếp theo, chúng tôi chủ yếu tập đánh trận bên cạnh những giờ luyện chữ nghĩa. Xem ra nhiều người cũng đã nghi ngờ rằng cuộc chiến này có thể kéo dài và một ngày nào đó họ sẽ phải ra trận.

Lưu Khánh Đàm hớt hải bước vào Văn Miếu trong khi đám trẻ chúng tôi đang tập trận.

"Lưu Thị lang có chuyện gì sao?" Tôi và anh ta tiến ra một góc, tránh xa lũ trẻ đang tiếp tục mô phỏng lại các kế sách trong các quyển binh thư.

"Chiến trường biến thành cái chợ rồi ạ." Lưu Khánh Đàm đáp.

Theo lời anh chàng Thị lang trẻ tuổi, từ sau trận đánh đêm hôm đó, nhiều ngày liền gần như không có đánh nhau. Chỉ có vài trận nhỏ, thương vong không đáng kể. Thậm chí quân Việt còn chế vè hát trêu quân Tống.

Từ những trận đánh đẫm máu nhuộm đỏ dòng sông, hai bên chuyển sang đấu khẩu. Chúng tôi trêu chúng là lũ đàn bà, thì chúng gọi lại chúng tôi là đám khỉ núi.

Nói ra nghe hơi buồn cho quân Tống, nhưng số lượng dân phu bỏ chạy và đào binh phe chúng cũng đông ra phết đấy.

"Đừng lo Đàm, mọi chuyện sẽ ổn thôi." Tôi cúi đầu cố nín cười.

"Ổn là ổn thế nào ạ?" Lưu Khánh Đàm bực mình nói. "Mới hôm qua còn có mấy tên lính muốn sang tả ngạn sông để chơi đá bóng với lính Tống đấy."

"Anh nói gì cơ?" Tôi phì cười.

"Vâng, chúng muốn đi chơi đá bóng với kẻ thù. Thần không đùa đâu."

Chà, ước gì chiến tranh giữa hai nước được quyết định bằng một trận đá bóng nhỉ. Vừa lành mạnh vừa không phải có người chết.

"Thế anh giải quyết thế nào?"

"Mỗi tên mười trượng." Lưu Khánh Đàm thở dài. Vẻ điềm tĩnh gian xảo thường ngày biến thành vẻ bất mãn cau có nhưng trông dễ thương lắm.

"Còn chỗ Thái úy thì sao?" Tôi hỏi.

"Cũng... thế ạ..."

"Cõ lẽ... cũng đến lúc viết thư cầu hòa rồi."

"Cầu hòa!?" Anh ta thốt lên.

"Ừ. Bảo Thái úy viết thư cầu hòa đi." Tôi nói.

"Nhưng, tại sao chúng ta không đuổi cùng gi..." Lưu Khánh Đàm dừng lại suy nghĩ. Xem ra anh ta cũng đã nhận ra mấu chốt của vấn đề rồi.

Quách Quỳ chính thức đã sa lầy ở Đại Việt. Thủy quân thì về cơ bản là không thể tiến vào lãnh thổ Đại Việt. Quách Quỳ giờ chỉ có chọn bị chém đầu ở Biện Kinh hay Thăng Long thôi. Hơn nữa, chúng tôi cũng cần thời gian để hồi phục lại nền kinh tế bị tàn phá do chiến tranh.

Với kiến thức từ tương lai, tôi mới biết rằng chuyện này là phải xảy ra. Còn với người đương thời như thì chắc anh ta đang nghĩ mấy cái kiểu như "Người giời đúng là khác thường, có thể suy nghĩ được chuyện sâu xa đến thế."

Với lá thư cầu hòa của Lý Thường Kiệt, Quách Quỳ sẽ rút lui, và hai nước sẽ lại bắt tay giảng hòa. Kết thúc chiến tranh, nhân dân trở lại cuộc sống thường nhật.

Tuy nhiên, tên Quách Quỳ ấy lại đòi gặp mặt riêng Lý Thường Kiệt.

"Thái úy, tại hạ đi với ngài." Lưu Khánh Đàm xin.

Tôi đang ở trong doanh trại cùng Lý Thường Kiệt, Lưu Khánh Đàm và Lê Văn Thịnh. Các tướng lĩnh khác đã đi điểm quân và dẫn binh do thám xung quanh. Hơn nữa, Thái úy là võ quan đầu triều, còn Lưu Khánh Đàm và Lê Văn Thịnh là "thân tín" của tôi. Đây gần như là một cuộc họp bí mật. Có lẽ các tướng xin đi điểm quân cũng là để tạo không gian kín cho chúng tôi.

"Không được." Lê Văn Thịnh can. "Với cái vẻ mặt nom như đang chuẩn bị lấy mạng người ta như chú thì ở lại đi. Để anh."

"Không được." Lưu Khánh Đàm cũng ngăn. "Mỗi lần nóng lên là giọng anh như hổ gầm, lỡ hắn sợ quá vỡ mật mà chết ở đấy thì ai chịu trách nhiệm."

"Được rồi Đàm." Tôi vỗ lưng anh ta. "Thầy của ta không phải Trương Phi, và anh cũng không hợp với nhiệm vụ ngoại giao một tí nào."

"Bệ hạ nói thế là..."

"Nhìn mặt anh khiến ta lạnh sống lưng." Tôi nói thật. "Có ai đi đàm phán mà mang ánh mắt gian như anh không?"

"Thế thì thần," Lê Văn Thịnh mím môi nín cười.

"Thầy cũng không." Tôi nhìn Lê Văn Thịnh.

"Nhưng..."

"Lỡ thầy nói giống như lần trò chuyện với Tô Giám thì thầy chỉ khiến hắn nhảy xuống sông tự tử rồi đổ cho Thái úy giết người thôi."

"Bệ hạ và Thịnh gặp Tô Giám rồi!?" Lý Thường Kiệt nhìn tôi. Hai con mắt ông như muốn nhảy ra ngoài.

"Chuyện đó nói sau." Tôi hằng giọng. "Túm lại, chuyến ngoại giao này, ta sẽ đi với ngài."

"Quá nguy hiểm!" Cả ba người phản đối.

"Các ngài không hiểu thế nào là ngoại giao đàm phán đâu." Tôi lên giọngra vẻ thông thái. "Quách Quỳ sẽ không bao giờ nghĩ rằng ta là hoàng đế. Hơn nữaai cũng dễ mở lòng trước trẻ con mà. Một tướng quân đem một tiểu đồng theo cũngcó gì lạ đâu."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top