7 Cấu Trúc Bên Trong (Sự Cấu Tạo Của Thân)
Cấu Trúc Bên Trong
(Sự Cấu Tạo Của Thân)
Một ngày mai khi bạn không còn,
Ngày ấy chắc chắn sẽ đến.
-- Thư của SHURA gửi KANIKA
Đoản kệ thứ Mười Một
Nguyện chúng con tự mình tỏ ngộ chân tánh Xuyên qua pháp du già chứng ngộ tánh không của ta bà lẫn niết bàn,
Vào lúc các hiện tướng, tăng-trưởng và cận-thành- tựu, trước sau tuần tự tan hòa vào nhau,
Khi các kinh nghiệm của ánh trăng vằng vặc, ánh dương hồng và màn đêm ló rạng.
Để có được một bức tranh tổng thể của bốn giai đoạn cuối cùng của quá trình của cái chết, điều cần yếu là phải hiểu được những tầng mức khác nhau của tâm thức cũng như cấu trúc của các đường khí mạch, khí và các giọt tinh chất bên trong thân thể. Đây là phần sinh lý học và tâm lý học quan trọng của Mật thừa.
NHỮNG MỨC ĐỘ KHÁC NHAU CỦA THỨC
Tối Thượng Du Già Mật Điển chia thức thành ba mức độ, gồm có thô tế, vi tế và vô cùng vi tế. Ở mức độ thô tế thì đây là năm loại thức liên quan đến năm giác quan (ngũ quan) – giác quan của mắt (nhãn thức) để nhận biết màu sắc và hình dạng; giác quan của tai (nhĩ thức) để nghe âm thanh; giác quan của mũi để ngửi mùi; giác quan của lưỡi để nếm vị, giác quan của thân cho các kinh nghiệm chạm xúc. Đây là từng loại thức riêng biệt dành cho từng phạm vi hoạt động của màu sắc và hình dạng (sắc), âm thanh (thanh), mùi (hương), vị (vị) và xúc chạm (xúc).
Có một loại thức khác vi tế hơn là năm loại thức trên đây, đó chính là tri thức mà chúng ta dùng để suy nghĩ, tuy rằng loại thức nay cũng vẫn còn ở mức độ thô sơ. Loại thức này được phân ra thành ba loại, tương ứng với ba loại khí khác nhau — mạnh mẽ, trung bình hay yếu ớt; đây là ba loại khí mà thức cưỡi ở trên. Loại thức thứ nhất bao gồm sự vận chuyển một cách mạnh mẽ của khí, hướng đến các đối tượng [của tri thức], trong đó có ba mươi ba kinh nghiệm đến từ các khái niệm tạo tác, như là sợ hãi, tham luyến, đói, khát, từ bi, hám lợi và ganh tỵ. Loại thức thứ nhì là do các khái niệm tạo tác đến từ sự vận chuyển một cách trung bình của khí, hướng đến các đối tượng [của tri thức], trong đó có bốn mươi vọng niệm như là hoan lạc, kinh ngạc, quảng đại, thèm muốn nụ hôn, tánh anh hùng, tánh lỗ mãng và gian trá. Cuối cùng, loại thức thứ ba bao gồm một sự vận chuyển yếu ớt của khí, hướng đến các đối tượng [của tri thức] liên quan đến bảy vọng niệm như là đãng trí, lầm lẫn (tựa như việc thấy nước trong ảo ảnh), rối loạn tâm lý, trầm uất, lười biếng, hoài nghi, và vừa tham luyến vừa sân hận một cách đồng đều. Trong mỗi một loại trong ba loại thức hay vọng niệm này thì lại có những mức độ thô sơ hoặc tinh tế khác nhau.
Tất cả ba loại kinh nghiệm tạo tác trên đây đều thuộc vào mức độ thô thiển của tâm nhưng chúng lại tinh tế hơn là năm loại thức liên quan đến năm giác quan. Ba loại kinh nghiệm tạo tác này có thể được coi như là sự phản ảnh của các loại thức vi tế hơn; đây là các loại thức có ít các khái niệm phân chia, đối đãi hơn. Ba loại kinh nghiệm tạo tác này là các dấu ấn của ba loại thức ở mức độ thô thiển. Các dấu ấn này bắt đầu hoạt động trong khoảng thời gian mà các loại thức thô sơ chấm dứt một cách có chủ ý, chẳng hạn như trong các trạng thái thiền định thâm sâu, hoặc một cách tự nhiên, như trong quá trình lìa đời hay trôi vào giấc ngủ.
Khi các luồng khí, mà tất cả tám mươi vọng niệm cưỡi ở trên, bị suy hoại thì các vọng niệm ấy cũng sẽ tan biến theo. Điều này cho phép các mức độ vi tế của thức hóa hiện theo thứ tự như sau: tâm thức của hiện tướng màu trắng chói lọi, tâm thức của hiện tướng màu đỏ-cam chói lọi và tâm thức của màu đen tối nghịt. (Những điều này sẽ được mô tả dưới đây trong các giai đoạn khác nhau từ giai đoạn năm đến giai đoạn bảy). Cuối cùng, điều này sẽ dẫn đến sự hiển lộ của thức ở mức độ vô cùng vi tế một cách mãnh liệt chói lọi nhất. Đây chính là tâm tịnh quang (hay ánh sáng trong suốt của chân tâm), là một tâm thức được áp dụng trên con đường tu tập tâm linh. (Tâm tịnh quang sẽ được mô tả trong giai đoạn thứ tám).
CẤU TRÚC CỦA CÁC ĐƯỜNG KHÍ MẠCH BÊN TRONG THÂN THỂ
Bên trong thân thể của chúng ta, có ít nhất là bảy mươi hai ngàn (72.000) kinh mạch – động mạch, tĩnh mạch, gân và các ống dẫn hiển lộ hay tiềm ẩn – và những kinh mạch này, sau khi chúng ta được thọ thai, đã bắt đầu hình thành từ ngay chỗ mà sau này trở thành là trái tim của ta. Ba đường kinh mạch quan trọng nhất chạy từ ngay điểm ở giữa hai lông mày, ngược lên đến đỉnh đầu, rồi chạy ngược trở xuống hai bên của phía trước xương sống, chạy đến phần cuối của cột sống, rồi cuối cùng, chạy ngược lên đến phần dưới cùng của bộ phận sinh dục. Cách thứ mô tả trên đây là cách tưởng tượng đường khí mạch trung ương, cùng hai đường khí mạch bên trái và bên phải trong khi thiền định. Cách thức mô tả này có hơi khác với vị trí thực của các đường kinh mạch. Tuy vậy, tưởng tượng theo một cách thức lý tưởng như thế lại đem lại ảnh hưởng tốt cho việc phát khởi các mức độ tâm thức vi tế hơn.
Ở những điểm trọng yếu của ba đường khí mạch này là bảy luân xa với số lượng các nan hoa khác nhau:
1. Luân xa đại lạc nằm bên trong trên đỉnh đầu, với ba mươi hai nan hoa. Đây gọi lạ luân xa đại lạc bởi vì ở ngay tâm điểm của luân xa đó là giọt tinh chất màu trắng, nền tảng cơ bản của hỷ lạc.
2. Luân xa hưởng dụng nằm ở giữa cổ họng, với mười sáu nan hoa. Đây gọi là luân xa hưởng dụng vì là nơi vị nếm được kinh nghiệm.
3. Luân xa hiện tượng được tìm thấy ở ngay tim, với tám nan hoa. Đây gọi là luân xa hiện tượng bởi vì đây chính là trụ xứ của loại khí vô cùng vi tế và của tâm thức; khí vô cùng vi tế và tâm thức chính là nguồn gốc của tất cả mọi hiện tượng.
4. Luân xa ứng hóa nằm ở đám rối dương (solar plexus – trung tâm thần kinh xương sườn và giữa dạ dày), với sáu mươi bốn nan hoa. Đây gọi là luân xa ứng hóa bởi vì nội hỏa nằm ở luân xa này, và nội hỏa này được kích hoạt bởi các pháp rèn luyện du già và các phương tiện thiện xảo để phát khởi đại lạc.
5. Luân xa duy trì đại lạc nằm ở phần cuối của xương sống, với ba mươi hai nan hoa. Đây gọi là luân xa duy trì đại lạc bởi vì mức độ đại lạc sâu thẳm nhất được duy trì ở phần cơ sở cuối của cột xương sống.
6. Luân xa giữa ngọc báu (đầu mũi của bộ phận sinh dục) có mười sáu nan hoa.
7. Ngoài ra còn có luân xa giữa [hai] lông mày, với mười sáu nan hoa.
Ở ngay tim, hai đường khí mạch phải và trái quấn vòng chung quanh đường khí mạch trung ương ba lần (mỗi đường khí mạch phải và trái cũng tự quấn vòng chung quanh chúng), rồi sau mới tiếp tục chạy xuống phía dưới. Điều này đưa đến kết quả là ở ngay tim có một chỗ bế tắc gồm sáu vòng quấn, làm khí bị tắt nghẽn không chuyển vào được trong đường kinh mạch trung ương. Bởi vì chỗ bế tắc này bị thắt chặt lại cho nên tim là một điểm vô cùng nguy hiểm để trụ tâm vào khi thiền định, và rất có thể sẽ đưa đến kết quả suy nhược thần kinh nếu các phương pháp thiền định đúng đắn không được áp dụng.
Ở tại mỗi một nơi của sáu luân xa – đỉnh đầu, lông mày, cổ họng, tim, đám rối dương, phần cuối cùng của cột sống và bộ phận sinh dục – hai đường khí mạch trái và phải quấn vòng chung quanh đường kinh mạch trung ương một lần (và mỗi một đường khí phải và trái cũng lại quấn vòng chung quanh chính chúng nữa); do đó, tạo ra hai điểm bế tắc ở mỗi nơi. Hai đường khí mạch trái và phải căng phồng lên bởi khí, làm tắt nghẽn đường khí mạch trung ương và làm cho khí không thể chuyển vận vào đường kinh mạch trung ương được. Những điểm bế tắc này được gọi là các "nút thắt." Xin được nhắc lại, điều quan trọng chúng ta nên ghi nhớ ở đây là các phác họa và chi tiết được mô tả về cấu trúc của các đường khí mạch và luân xa cốt là để sử dụng cho công phu hành trì, không nhất thiết mô tả hình thù và vị trí đích thực của các kinh mạch này bởi vì có thể có nhiều sự khác biệt to lớn tùy theo mỗi người.
CẤU TRÚC CỦA CÁC LUỒNG KHÍ TRONG THÂN THỂ
Khi tâm ta tập trung chú ý đến một đối tượng nào, điều này xảy ra được là do bởi sự vận chuyển của khí, hay năng lượng. Tâm thức cưỡi trên khí như một kỵ mã cưỡi trên lưng ngựa. Theo Tối Thượng Du Già Mật Điển thì cấu trúc tâm-sinh-lý (tâm lý và vật lý) bao gồm năm luồng khí chính và năm luồng khí phụ:
1. Luồng khí đem đến sự sống (sinh khí). Vị trí chính yếu của luồng khí này nằm trong các đường kinh mạch ở ngay tim, và chức năng của loại khí này là để đem lại sự sống. Loại khí này cũng giúp phát sinh năm luồng khí phụ, và năm luồng khí phụ này điều khiển các hoạt động của giác quan và của [khả năng] tập trung.
2. Luồng khí đẩy ngược xuống dưới (khí thải). Vị trí chính yếu của luồng khí này nằm trong các đường kinh mạch ở bụng dưới, và khí này vận chuyển trong tử cung hoặc ống dẫn tinh, bọng đái, hai bắp đùi và vân vân. Loại khí này giúp cho các hoạt động như tiểu tiện, đại tiện, kinh nguyệt có thể bắt đầu và chấm dứt.
3. Luồng khí của nội hỏa. Vị trí chính yếu của luồng khí này nằm ở đám rối dương, nơi mà nội hỏa phát sinh qua các pháp tu du già. Loại khí này hỗ trợ cho các hoạt động như tiêu hóa, tách rời tinh chất ra khỏi các phần cặn bã, và vân vân.
4. Luồng khí đẩy ngược lên trên. Vị trí chính yếu của luồng khí này nằm ở cổ họng. Loại khí này vận chuyển khắp miệng và cổ, giúp cho các hoạt động thuộc về nói, nếm, nuốt, ợ, khạc nhổ và vân vân.
5. Luồng khí tỏa khắp. Vị trí chính yếu của luồng khí này nằm ở các khớp xương, giúp cho tay chân có thể cử động, co giãn, mở và khép miệng, mở và khép mí mắt.
Như các bạn cũng đã thấy, khí điều khiển các chức năng [hoạt động] của thể xác và tinh thần. Một sức khỏe tốt đòi hỏi sự luân lưu thông suốt của khí, còn sự bế tắc sẽ tạo ra vấn đề.
Bình thường, khí không vận chuyển vào đường kinh mạch trung ương, ngoại trừ trong quá trình lìa đời. Tuy thế, xuyên qua các phương thức tu tập du già rất thâm diệu, khí có thể chuyển vào được đường kinh mạch trung ương [mà không cần phải đợi đến lúc cái chết xảy đến] và điều này giúp phát huy các trạng thái tâm thức vi diệu, sâu sắc hơn. Trong bốn giai đoạn cuối cùng của quá trình lìa đời, những luồng khí mà bình thường là cơ sở nền tảng để hỗ trợ cho thức, những luồng khí ấy sẽ vận chuyển vào các đường kinh mạch trái và phải rồi tan hòa [vào với khí] trong đó. Tiếp theo, những luồng khí trong các đường kinh mạch trái và phải lại vận chuyển và tan hòa vào trong đường kinh mạch trung ương. Khi các đường khí mạch trái và phải xẹp xuống thì việc này sẽ giúp giải tỏa sự bế tắc của các nút thắt: có nghĩa là khi các đường khí mạch trái và phải xẹp xuống thì đường kinh mạch trung ương được khai thông, và do đó, khí sẽ vận chuyển được vào đường kinh mạch trung ương. Sự vận chuyển của khí [vào đường kinh mạch trung ương] giúp cho các tâm thức vi tế sinh khởi, và đây là điều mà các hành giả du già thuộc Tối Thượng Du Già Mật Điển muốn đạt được trên con đường tâm linh. Bình thường, tâm đại hỷ lạc ở mức độ sâu xa nhất cưỡi ở trên những luồng khí và một khi những luồng khí đó đã thoát ly khỏi các đối tượng [của tri thức] một cách dứt khoát thì một tâm thức vi diệu cực kỳ sâu xa sẽ phát khởi, và tâm thức này có sức mạnh vô cùng đặc biệt giúp cho việc chứng ngộ chân như.
Hơn hai mươi năm về trước, có một ni sư ngoài tám mươi tuổi. Bà trú ngụ dưới mái hiên của một căn nhà trong một ngôi làng lân cận. Người ta thường đến xin bà tiên đoán vận mệnh. Bà xin được nói chuyện riêng với tôi, và tôi đã gặp bà. Bà trao cho tôi một tập sách từ truyền thống Cổ Mật (Nyingma) dạy về các pháp môn tu tập gọi là "Xuyên Thủng" [Tạng: trekchod; nghĩa đen là "cắt xuyên qua"] và "Phóng Qua" [Tạng: thogal; nghĩa đen là "nhảy vọt qua"], và rồi sau đó, chúng tôi trao đổi những mẩu chuyện bình thường với nhau. Bà kể cho tôi nghe rằng khi bà còn trẻ và vẫn còn ở Tây Tạng, bà đã lập gia đình nhưng sau đó chồng bà đã qua đời và bà đã từ bỏ cuộc đời thế tục, để lại sau lưng toàn bộ gia sản để ra đi làm một cuộc hành hương. Cuối cùng, bà đến được [tu viện] Drikung, và ở nơi ấy, bà đã gặp một vị lạt ma già, khoảng độ tám mươi tuổi đang sống trên một ngọn núi phía sau Drikung. Vị lạt ma ấy có chừng hai mươi người đệ tử. Bà kể lại rằng trong hai trường hợp khác nhau, bà đã nhìn thấy các vị sư này sử dụng những tấm khăn choàng như là những chiếc cánh và bay từ đỉnh đồi này này qua đỉnh đồi nọ. Bà đã thực sự chứng kiến cảnh tượng ấy.
Nếu chuyện đó là thật thì đây không phải chỉ đơn thuần là một kỳ công của ảo thuật mà thực sự đã đến từ sự tu chứng pháp môn khí du già. Những vị sư này sống ở một nơi hẻo lánh với một vị lạt ma già, rõ ràng họ là những người đã xả ly, đã buông bỏ hết, và chắc chắn là họ đã đả thông được những nút thắt [làm tắt nghẽn khí]. Theo cái nhìn của tôi thì tôi cho rằng bắt buộc họ cũng đã chứng được tri kiến thuộc về tánh không – tức sự không có tự tánh, cũng như đã phát khởi được tâm vị tha dưới sự trưởng dưỡng của tình yêu thương và lòng bi mẫn. Cho dù họ có phải là những học giả hay không, họ vẫn đã đạt được tinh túy của việc triệt ngộ tánh không.
CÁC GIỌT TINH CHẤT TRONG THÂN THỂ
Ở trung tâm của những luân xa là những giọt tinh chất. Những giọt tinh chất này, phía trên màu trắng và phía dưới màu đỏ. Sức khỏe tinh thần và thể xác của ta dựa vào những giọt tinh chất ấy. Ở phía trên đầu của ta thì màu trắng [của các giọt tinh chất] vượt trội, trong khi ở đám rối dương thì màu đỏ lại vượt trội. Những giọt tinh chất này nảy sinh từ giọt tinh chất cơ bản ở ngay tim và giọt cơ bản thì chỉ nhỏ bằng một hạt mù tạt lớn hoặc một hạt đậu ve nhỏ. Bởi vì giọt cơ bản ở tim sẽ tồn tại cho đến khi ta lìa đời cho nên được gọi là "giọt bất hoại." Chính sinh khí – năng lượng đem đến sự sống – trú ngay trong giọt bất hoại này. Vào lúc lìa đời, tất cả các luồng khí đều tan hòa vào giọt ấy, và vào ngay lúc ấy thì ánh sáng trong suốt của chân tâm, hay tâm tịnh quang, sẽ chiếu tỏa.
Với đầy đủ những thông tin làm nền cho sự hiểu biết về các mức độ tâm thức khác nhau, về các đường khí mạch và các giọt tinh chất, bây giờ, chúng ta hãy quay lại tìm hiểu thêm bằng cách nào các mức độ khác nhau của thức sẽ tan hoại trong những giai đoạn cuối cùng của quá trình lìa đời.
GIỜ PHÚT LÂM CHUNG (BỐN GIAI ĐOẠN CUỐI CỦA CÁI CHẾT)
Bốn giai đoạn cuối cùng của cái chết khởi sự với ba mức độ tâm vi tế, và rồi kết thúc với một giai đoạn của tâm vô cùng vi tế. Khi những mức độ thô của thức đã ngừng dứt thì ba giai đoạn của tâm thức vi tế sẽ khởi sinh. Trong quá trình trải qua ba giai đoạn này, tâm thức của bạn sẽ càng lúc càng trở nên bớt đối đãi, bởi vì càng lúc sẽ càng có ít cảm giác [phân chia] giữa chủ thể và đối tượng.
Giai đoạn 5. Khi toàn bộ tám mươi vọng niệm của loại thức thô lậu tan biến đi thì giai đoạn đầu tiên của ba giai đoạn tâm thức vi tế hơn sẽ phát sinh, và khi ấy, một hiện tướng màu trắng rực rỡ chói lọi sẽ tự hóa hiện ra. Đây là một sự bao la rộng mở thật sáng chói, giống như một bầu trời mùa thu chan hòa ánh sáng màu trắng. Không có bất kỳ cái gì khác hiện ra trong tâm thức ấy. Truyền thống Phật giáo sử dụng ví dụ của một bầu trời mùa thu bởi vì mùa thu ở tại xứ Ấn Độ, nơi khai sinh ra các giáo lý, khi các cơn mưa dầm mùa hè đã tạnh ráo thì chỉ còn lại một bầu trời trong vắt không một gợn mây và sạch sẽ không chút bụi bẩn. Cũng y như bầu trời hay không gian ấy, khi không còn bóng dáng của những gì có thể ngăn che thì các vọng niệm thô lậu cũng sẽ tan biến mất, để lại một cảm giác bao la rộng mở. Trạng thái đầu tiên của ba trạng thái vi tế này được gọi là "hiện tướng" vì một hiện tướng giống như là ánh trăng hiện đến nhưng lại không có bất kỳ ánh sáng nào đến từ bên ngoài cả. Trạng thái này cũng được gọi là "rỗng rang" (trống rỗng) bởi vì khi ấy, tâm thức đã siêu vượt tám mươi vọng niệm cùng các luồng khí mà các vọng niệm cưỡi ở trên.
Trên phương diện vật lý thì sau đây là những gì đã xảy ra trong giai đoạn 5 (cho dù việc ấy nằm ngoài kinh nghiệm mà người chết đang cảm nhận trong giai đoạn này): (1) Các luồng khí phía trên tim, trong hai đường kinh mạch trái và phải, đã vận chuyển vào đường kinh mạch trung ương xuyên qua lỗ thoát (khiếu) trên đỉnh đầu; (2) Do sự việc này, các nút thắt của các đường kinh mạch trên đỉnh đầu được giải tỏa; (3) Và qua đó, giúp cho giọt tinh chất màu trắng, thường khi trú ở đỉnh đầu và mang đặc tánh của nước, chuyển dời xuống phía dưới; khi giọt tinh chất này chuyển đến phần đầu của nút thắt gồm sáu vòng quấn (của hai đường khí mạch trái và phải nằm) nằm ở ngay tim, thì một hiện tướng màu trắng sáng chói rực rỡ sẽ xuất hiện.
Giai đoạn 6. Khi tâm thức của hiện tướng màu trắng xuất hiện và các luồng khí tan hòa vào tâm thức của hiện-tướng-tăng-trưởng thì một hiện tướng màu đỏ-cam rực rỡ chói lòa sẽ tự hóa hiện. Kinh nghiệm này là một sự bao la rộng mở còn chói lọi hơn trước nữa, giống như một bầu trời mùa thu không chút bụi bặm, không một gợn mây, với ánh sáng màu đỏ-cam chan hòa tràn khắp. Không có bất kỳ cái gì khác hiện ra trong tâm thức ấy. Trạng thái này được gọi là sự "tăng-trưởng của-hiện-tướng" bởi vì có một hiện tướng giống như là ánh mặt trời chói chan xuất hiện, nhưng mà một lần nữa, không có ánh sáng chiếu rọi nào đến từ bên ngoài. Trạng thái này cũng được gọi là "rất rỗng rang" (rất trống rỗng) bởi vì nó siêu vượt tâm thức của hiện tướng [đầu tiên trong giai đoạn 5] và của luồng khí mà tâm ấy cưỡi ở trên.
Trên phương diện vật lý [thì những điều sau đây đã xảy ra]: (1) Những luồng khí phía dưới tim, trong hai đường kinh mạch trái và phải, đã vận chuyển vào đường kinh mạch trung ương xuyên qua lỗ thoát phía dưới, nằm tại phần cuối cùng của xương sống hay bộ phận sinh dục; (2) Do đó, những nút thắt của luân xa ở bộ phận sinh dục và ở tại rốn sẽ được giải tỏa; (3) Điều này giúp cho giọt tinh chất màu đỏ (trong hình dạng của một gạch thẳng thật nhỏ) bình thường trú ở tại giữa luân xa rốn [mang đặc tánh của lửa], sẽ chuyển dời lên phía trên. Khi giọt tinh chất này chuyển lên phía trên chạm vào ngay bên dưới nút thắt của hai đường kinh mạch trái và phải ở ngay tim thì một hiện-tướng-tăng-trưởng màu đỏ-cam sẽ xuất hiện
Giai đoạn 7. Khi tâm thức màu đỏ-cam của hiện-tướng-tăng-trưởng và những luồng khí của tâm thức này tan hòa vào trong tâm thức của cận-thành-tựu (sắp sửa thành tựu) thì một hiện tướng màu đen nghịt sẽ tự xuất hiện. Bây giờ thì cũng giống như là một bầu trời mùa thu không chút bụi bẩn, không một gợn mây, và được bao phủ bởi một màn đêm dầy đặc vừa buông xuống sau hoàng hôn. Không có bất kỳ cái gì khác hiện ra trong tâm thức ấy. Trong phần đầu của tâm thức đen nghịt của cận-thành-tựu, bạn vẫn còn tỉnh giác, nhưng trong phần sau của giai đoạn này thì bạn sẽ trở nên bất giác trong một màn đen cực kỳ đen nghịt giống như là đang bất tỉnh. Giai đoạn này được gọi là "cận-thành-tựu" bởi vì sự hóa hiện của tâm tịnh quang (ánh sáng trong suốt của chân tâm) đã gần kề. Giai đoạn này cũng còn được gọi là "cực kỳ rỗng rang" (cực kỳ trống rỗng) bởi vì nó siêu vượt tâm thức của hiện-tướng-tăng-trưởng và của luồng khí mà tâm ấy cưỡi ở trên.
Trên phương diện vật lý [thì những điều sau đây đã xảy ra]: (1) Các luồng khí trên và dưới trong đường kinh mạch trung ương cùng hội tụ lại ở ngay tim, giải tỏa nút thắt tức chỗ bế tắc gồm sáu vòng quấn của hai đường khí mạch trái và phải tạo ra; (2) Vào thời điểm ấy, giọt tinh chất trắng thường khi trú ở đỉnh đầu bấy giờ vận chuyển xuống thấp hơn nữa, và giọt tinh chất đỏ thường khi trú ở rốn cũng vận chuyển ngược lên cao hơn; cả hai giọt trắng và đỏ cùng chuyển vào ngay chính giữa giọt bất hoại ở tim; (3) Khi hai giọt trắng và đỏ tụ lại ở giữa giọt bất hoại thì hiện tướng màu đen nghịt xuất hiện.
Giai đoạn 8. Trong giai đoạn thứ 8 này, tâm sẽ lại càng trở nên vi tế hơn nữa so với giai đoạn bất giác thứ nhì của tâm thức đen nghịt cận-thành-tựu; sự vận chuyển của khí trở nên yếu ớt hơn, và trạng thái của loại khí vi tế nhất sẽ xảy đến. Vào thời điểm này, sự bất giác đã được xóa tan, và tâm tịnh quang (ánh sáng trong suốt của chân tâm) – tâm thức vi tế nhất của tất cả các loại tâm thức, không mang bất kỳ khái niệm tạo tác nào, hoàn toàn bất nhị không phân chia đối đãi, tâm ấy sẽ hiển lộ. Vào lúc giao điểm này, tất cả mọi hoạt động của các khái niệm tạo tác đều tuyệt dứt và ba "điều kiện (duyên) ô nhiễm"cũng đã tan biến. Ba "duyên ô nhiễm" ở đây là các hiện tướng trắng, đỏ-cam và đen, hoặc mặt trăng, mặt trời và màn đêm, là những gì đã ngăn chặn sự hiển lộ của màu sắc tự nhiên của bầu trời. Một sự bao la cực kỳ rộng lớn sẽ rạng rỡ hiện đến. Như bầu trời mùa thu vào lúc rạng đông, trước khi mặt trời mọc, không có bất kỳ một yếu tố che chướng nào, không có gì khác xuất hiện trong đó. Loại thức sâu thẳm tột cùng này được gọi là "ánh sáng trong suốt nguyên sơ vốn sẵn có của chân tâm" (tâm tịnh quang bản lai) và cũng được gọi là "hoàn toàn rỗng rang" (hoàn toàn trống rỗng) bởi vì nó siêu vượt tám mươi khái niệm tạo tác và ba loại tâm vi tế.
Trên phương diện vật lý [thì những điều sau đây đã xảy ra]: (1) Các giọt tinh chất trắng và đỏ tan hòa vào trong giọt bất hoại ở ngay tim – giọt trắng tan vào phần trắng ở phía trên giọt bất hoại, và giọt đỏ tan vào phần đỏ ở phía dưới của giọt bất hoại; (2) Qua đó, các luồng khí trong đường kinh mạch trung ương tan vào ngay chính luồng khí hỗ trợ sự sống (sinh khí); (3) Điều này đưa đến việc khí và tâm vi tế của ánh sáng trong suốt của chân tâm hóa hiện.
Đối với rất nhiều người, cái chết thực sự xảy ra khi mức độ vi tế nhất của tâm xuất hiện. Thường thường, thức ở mức độ vi tế nhất sẽ tồn tại trong thân thể trong vòng ba ngày, ngoại trừ trong tường hợp thân thể đã bị tàn phá bởi tật bệnh thì thức sẽ không thể trú lại trong thân dù chỉ trong một ngày. Riêng đối với những hành giả có khả năng có thể làm được thì đây sẽ là một cơ hội quý giá để thực hành. Đối với những ai có được sự tỉnh giác về ánh sáng trong suốt này của chân tâm thì họ có thể trụ vào trong tâm cảnh đó trong một thời gian dài hơn, và dựa vào những công phu tu luyện trước đây, họ có thể áp dụng kinh nghiệm này để trực chứng chân lý về tánh không, của sự không có tự tánh của tất cả các hiện tượng, kể cả luân hồi và niết bàn.
CHỨNG NGỘ TÁNH KHÔNG
Sự thấu hiểu về giáo lý tánh không trong Phật giáo là điều vô cùng thiết yếu để có thể trải qua tiến trình sống và chết một cách thực tiễn và không sợ hãi. Tánh không ở đây không có nghĩa là không có hiện hữu. Có thể bạn cho rằng tánh không ở đây có nghĩa là không có gì hết, nhưng tánh không không phải là như vậy. Các hiện tượng [mang tánh không nghĩa là] không cái gì? Nếu không hiểu được cái gì đang bị phủ nhận thì bạn sẽ không hiểu được sự vắng mặt của cái ấy hay là không hiểu được chính tánh không. Hãy nhìn sự việc như thế này: Đức Phật thường thuyết rằng bởi vì tất cả các hiện tượng đều do duyên sinh, nên chỉ là những hiện tượng tương đối, có nghĩa rằng sự hiện hữu của các hiện tượng này dựa trên nhân và duyên và cũng dựa vào chính chúng. Ví dụ như là thân thể của bạn. Thân ấy không thể tự nó hiện hữu một cách độc lập mà thực ra, thân ấy lệ thuộc vào rất nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như là trứng và tinh trùng, cũng như thức ăn và nước uống. Thân ấy cũng dựa vào chính những phần tử của chính nó – như là tay chân, đầu cổ và thân mình.
Cho dù thân thể của bạn có vẻ như có thể tự nó hiện hữu một mình, nhưng hãy quán xét xem thân thể của bạn có phải là một, hay là khác, với tay chân, đầu cổ, thân mình của bạn. Nếu nó không hiện hữu như hình ảnh hiện nay, hiện hữu một cách hết sức bền chắc, thì chúng ta sẽ càng lúc càng thấy rõ hơn dưới ánh sáng quang minh của sự soi xét rằng không biết thân ta có phải là một vài phần trong số những phần khác nhau của thân không, hay thân ấy là một tổng thể, hay là thân ấy một cái gì hoàn toàn khác. Càng quán xét sâu hơn thì lại càng không tìm thấy được thân trong những cách nhìn trên. Đây cũng chính là trường hợp của tất cả mọi hiện tượng (vạn pháp). Sự kiện là bạn không thể tìm thấy được các hiện tượng này qua những phân tích như thế; và điều này có nghĩa là chúng không thực sự tự mình hiện hữu được, chúng không thể tự thiết lập nên chúng. Chúng không hiện hữu một cách có tự tánh cho dù [bề ngoài] có vẻ ngược lại.
Dù thế, điều này không có nghĩa là chúng sinh và vạn vật hoàn toàn không hiện hữu gì cả. Ngược lại chúng sinh và vạn vật chỉ không hiện hữu giống như là cái vẻ quá ư chắc thực của chúng mà thôi. Khi bạn có thể phân tích và tham thiền một cách tốt đẹp thì bạn sẽ hiểu được về sự hài hòa giữa (1) các hiện tướng đích thực của con người và vạn vật, với (2) sự hiện hữu vô tự tánh (tức sự không có tự tánh). Không có được một hiểu biết như trên thì tánh không và các hiện tướng có vẻ như là đang ngăn cấm lẫn nhau [nghĩa là nếu có tướng thì không thể có tánh không, hoặc ngược lại có tánh không thì làm sao có được hiện tướng].
Tất cả các hiện tướng (vạn pháp) – nhân và quả, tác duyên và hành động, tốt và xấu – chỉ hiện hữu một cách quy ước mà thôi; tất cả đều là do duyên sinh. Bởi vì các hiện tượng tùy thuộc vào những yếu tố khác nhau để có được sự hiện hữu nên chúng không thể hiện hữu độc lập. Chính vì không có được sự độc lập – hoặc nói cách khác, chính sự vắng bóng của tự tánh – là sự thật tối hậu của vạn pháp. Thấu hiểu được điều này chính là trí tuệ.
Nguyên nhân căn bản của đau khổ là vô minh – đây là khái niệm sai lầm cho rằng chúng sinh hữu tình và vạn vật đều tự chúng có thể hiện hữu. Khái niệm sai lầm này chính là nguồn gốc của tất cả những trạng thái lầm lạc của tâm thức. Mục đích chính yếu của con đường tu tập tâm linh là để đối trị lại với [khái niệm sai lầm] và để xóa bỏ vô minh xuyên qua trí tuệ. Một tri thức thông tuệ, đặt nền tảng trên thực tại, sẽ hiểu rằng chúng sinh và vạn pháp không hiện hữu một cách có tự tánh (không có sự hiện hữu nội tại, không thể tự hiện hữu một cách độc lập). Đây chính là tuệ giác tánh không.
Một trong những trước tác tạo nhiều ấn tượng nhất và lợi lạc nhất của đức Ban Thiền Lạt Ma đời thứ Tư là tác phẩm Tranh Biện Với Vô Minh, cũng tương tự như Nhập Bồ Tát Hạnh của ngài Tịch Thiên (Santideva). Trong cả hai tác phẩm đều có phần tranh cãi giữa sự chấp ngã (quan tâm đến chính mình) với sự trân quý người khác (quan tâm đến người khác). Trong Tranh Biện Với Vô Minh của đức Ban Thiền Lạt Ma có một cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi giữa (1) khái niệm sai lầm của vô minh (cho rằng chúng sinh và vạn vật hiện hữu một cách có tự tánh) với (2) trí tuệ của duyên sinh và tánh không. Khi tôi đọc tập sách này thì tôi ngộ ra rằng quan điểm về Trung Đạo của tôi chưa đến được một cách tiếp cận rốt ráo nhất.
Dựa vào những giải thích của ngài, tôi đi đến nhận thức rằng, thật cực kỳ khó khăn sau khi chúng ta phủ nhận sự hiện hữu có tự tánh, rồi lại đi khẳng định sự hiện hữu không đáng kể và gán đặt của con người và hiện tượng. Điều này đã được xác nhận trong một đoản kệ trong bộ đại luận giải Đại Luận Về Các Giai Đoạn Trên Đường Tu Giác Ngộ của đức Tsongkhapa, viết về sự quán chiếu nội tâm đặc biệt.
Cho dù đối với tâm bạn, thật là khó khăn để thừa nhận lý duyên sinh của nhân và quả trong sự vắng bóng của hiệu hữu nội tại.
Sẽ là điều tuyệt vời nếu bạn có thể dựa vào cách tiếp cận cho rằng
đấy chính là hệ thống [biện giải] của Trung Quán.
Trước đây, tôi đã không thách thức [lý duyên sinh để hiểu rằng] bằng cách nào chúng sinh và vạn vật lại hiện ra trước chúng ta. Tôi đã để yên các hiện tướng này, không đụng gì đến chúng, và đã chỉ coi việc phủ định sự hiện hữu nội tại (phủ định sự hiện hữu có tự tánh) như là một điều gì đó vượt xa những hiện tướng căn bản thông thường có tính cách quy ước. Tuy nhiên, nhờ quán chiếu ý nghĩa của trước tác của đức Ban Thiền Lạt Ma, tôi đã phát khởi được một hiểu biết mới mẻ. Điều này có thể được giải thích qua cách tôi đã đi đến một cái nhìn như thế nào về lời phát biểu của ngài Gungtang Konchok Tenpay Dronmay, một vị học giả-hành giả du già của Tây Tạng sống vào khoảng cuối thế kỷ mười tám, đầu thế kỷ mười chín:
Do bởi sự kiện là hiện hữu nội tại đang được đem ra phân tích,
Việc không tìm thấy ra được hiện hữu nội tại đã bác bỏ chính sự hiện hữu ấy.
Cho dù như thế, không tìm thấy [tự tánh] không có nghĩa là có thể phủ định chính cơ sở [hiện hữu] của điều đang đi tìm.
Và như vậy cho nên, sau đó sẽ thấy ra phần thuần túy giả danh còn lại
Qua đó, ngài ngụ ý chỉ cho chúng ta thấy là, bên ngoài việc bác bỏ sự hiện hữu nội tại cùng với các hiện tượng, thì không thể nào bác bỏ hiện tướng (tướng hiện) của các hiện tượng này. Hơn thế nữa, ngay chính hiện tượng ấy cũng không thể bác bỏ. Câu thuyết ngôn của ngài có ngụ ý rằng các hiện tướng do nhân quả tác động hiện ra trước mắt chúng ta, những hiện tướng của các hiện tượng đó được để yên qua một bên [không bị bác bỏ]. Những hiện tướng đó được thiết lập bởi chính những đặc tính riêng của chúng, và có một sự hiện hữu nội tại phụ thuộc đang được bác bỏ.
Tuy nhiên, đây là quan điểm của Độc Lập Biện Chứng Phái hay Phái Y Tự Khởi (Svatantrika – Autonomy or Self-Established School), là trường phái thấp hơn trong hai trường phái của Trung Quán.
Đối với các vị ấy [thuộc Độc Lập Biện Chứng Phái], nếu các hiện tượng được thiết lập một cách rốt ráo tối hậu thì chúng đều được thiết lập như là tự chúng có thể hiện hữu và chúng sẽ phải xuất hiện trước trí tuệ siêu việt. Nhưng bởi vì các hiện tượng, như bốn nguyên tố (tứ đại), không xuất hiện trước trí tuệ siêu việt nên chúng không thực sự hiện hữu một cách rốt ráo tối hậu được. Đó là quan điểm cua Độc Lập Biện Chứng Phái. Đối với tôi, nếu nhìn từ quan điểm như thế, là quan điểm đối nghịch với câu kệ đã được trích dẫn ở trên của đức Tsongkhapa liên quan đến cái nhìn của trường phái cao hơn (Prasangika – Quy Mậu Luận Chứng Phái hay Phái Cụ Duyên) trong hai phái Trung Quán, thì thật sự không có gì khó khăn để thừa nhận lý duyên sinh của nhân quả trong phạm vi của phân tích như trên.
Trong trước tác Tranh Biện Với Vô Minh, đức Ban Thiền Lạt Ma đời thứ Nhất đã chỉ rõ cho ta thấy rằng, khi sắc tướng và vân vân hiện ra trước ta, thì ngay từ khởi thủy, chúng đã được thiết lập bởi những đặc tính của riêng chúng, và do đó, khi các hiện tướng này bị phủ nhận thì chính hiện tượng đó cũng không thể nào còn chỗ đứng. Đó là lý do tại sao đức Tsongkhapa nói rằng thật là khó khăn để thừa nhận lý duyên sinh của nhân quả trong khi thiếu vắng một hiện hữu nội tại. Với sự hỗ trợ của Tranh Biện Với Vô Minh của đức Ban Thiền Lạt Ma mà tôi đã hiểu được điều Tổ Tsongkhapa dạy là điều chí lý. Trước tác ấy của ngài thực sự là vô cùng ích lợi.
Xuyên qua lý luận cho rằng bạn không phải là một mà cũng không phải là nhiều, không là một con số đơn lẻ mà cũng không phải là số nhiều, bạn sẽ nhận thức được rằng bạn không hiện hữu một cách [độc lập] có tự tánh được. Và nhận thức này sẽ làm cho sự vô minh, tức nhận biết sai lạc của bạn về một sự hiện hữu nội tại có tự tánh, sẽ suy yếu bớt đi một chút. Tuy thế, sự chứng ngộ này không giải tỏa được trọn vẹn khái niệm về sự hiệu hữu nội tại còn sót lại liên quan đến chính bản thân của bạn. Tại sao? Bởi vì có một cái "tôi" quy ước, một cái "tôi" tự mình hiện hữu còn sót lại cho chính tri thức kia. Vừa ngay lúc cái "tôi" ấy xuất hiện, thì cùng lúc ấy cũng sẽ xuất hiện chính sự hiện hữu nội tại mà ta muốn phủ định, cho nên điều mà bạn cần phải nhận biết là, chính cái "tôi"đang xuất hiện trong khi bạn quán sát thân tâm ấy, cái tôi ấy không hiện hữu. Cái "tôi" ấy không có hiện hữu. Như đức Ban Thiền Lạt Ma đời thứ
Nhất có nói:
Hãy thuần túy bác bỏ sự hiện hữu chân thật Của cái "tôi" đang hiện ra trong khi đang quán sát thân tâm.
Hãy xem chính sự vắng mặt [của cái "tôi" này] là đối tượng để tập trung hành trì,
[Quán sát] hiện tướng thật rõ ràng, không để cho sức công phá [của đề mục] bị suy thoái.
Ở đây, ngài muốn nói rằng nếu bạn thiền định theo phương cách đó thì việc này sẽ làm suy yếu khái niệm của bạn về một sự hiện hữu nội tại có tự tánh. Điều này đã giúp tôi rất nhiều.
Bây giờ, trong những giai đoạn khác nhau của quá trình lìa đời, bạn cần tìm cách vận dụng đặc tánh rốt ráo tối hậu của mọi hiện tượng – đặc tánh ấy chính là sự không có tự tánh, không có hiện hữu nội tại, và xem đây như là đối tượng [thiền định] cho những tầng tâm thức vi tế hơn, thâm sâu, mạnh mẽ hơn trong bạn. Hãy nhất tâm tập trung vào điều ấy. Xuyên qua pháp du già này, bạn sẽ nhận biết được bản tánh tối hậu của chính bạn. Trong hai bản tánh, quy ước và tối hậu – thì bạn đang đưa cái tối hậu viên mãn vào tâm thức của mình – đấy chính là sự vắng bóng của sự hiện hữu nội tại có tự tánh.
TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN
1. Hãy chú ý xem bằng cách nào những thái độ và khái niệm khác nhau lại có những năng lực khác nhau dựa vào sự vận chuyển của khí hướng tới những đối tượng tương ứng.
2. Hãy học hỏi để biết rằng, sau bốn dấu hiệu xảy ra bên trong, gồm có ảo ảnh, khói mờ, đom đóm và đóm lửa (của một ngọn đèn bơ hay ngọn nến, lúc đầu lập lòe, sau sẽ ổn định), thì sẽ xảy đến sự chiếu tỏa của ba tâm thức vi tế hơn, đó là hiện tướng màu trắng chói sáng, hiện-tướng-tăng-trưởng màu đỏ-cam chói sáng và hiện tướng cận-thành-tựu màu đen nghịt.
3. Hãy nhớ rằng bạn đang cố gắng vận dụng những tâm thức vi tế hơn để chứng ngộ được chân lý tánh không.
4. Tánh không ở đây không có nghĩa là không có gì hiện hữu. Ngược lại, tánh không chính là sự thiếu vắng tự tánh [không thể tự mình hiện hữu] của tất cả mọi hiện tượng, trong đó có cả chúng sinh lẫn vạn vật.
5. Hãy học cách phân tích các hiện tượng: Tập trung [quán xét] xem chúng có phải là một phần của những phần riêng biệt, hay là sự tổng hợp của những phần ấy, hay là một cái
gì khác. Điều này sẽ chỉ ra cho ta thấy là tất cả mọi hiện tượng không hiện hữu một cách thực vững chắc giống như ta tưởng.
6. Tất cả nhân và quả, tác duyên và hành động, tốt và xấu đều chỉ hiện hữu theo quy ước. Tất cả đều là duyên sinh.
7. Sự vắng bóng của đặc tánh độc lập [không thể tự mình hiện hữu], hoặc sự vắng bóng của hiện hữu nội tại [sự không có tự tánh], chính là chân lý rốt ráo tối hậu. Đây chính là điều mà trí tuệ thấu hiểu, [và sự hiểu biết này sẽ] làm cho vô minh suy yếu bởi vô minh là nguyên nhân thúc đẩy phía sau tham ái, sân hận và đau khổ.
Xuyên qua pháp du già này, hãy thấu biết về bản tánh rốt ráo tối hậu của bạn cũng nhưcủa tất cả mọi hiện tượng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top