𝙲𝚑𝚊𝚙 𝚅𝙸: 𝙼𝚊𝚍𝚎𝚖𝚘𝚒𝚜𝚎𝚕𝚕𝚎

«Aimer, ce n’est pas se regarder l’un l’autre, c’est regarder ensemble dans la même direction.» ‐ Antoine de Saint Exupéry

«Yêu không có nghĩa là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng.»

Nếu ai đó hỏi Trương Gia Nguyên tại sao lại chọn nước Ý mà không phải là một đất nước nào đó khác thì cậu cũng chỉ có thể nhẹ nhàng nhún vai một cái rồi mỉm cười dẫn người đó đi khắp con hẻm, ngõ nhỏ của đất nước xinh đẹp này.

Ý là cái nôi của nghệ thuật, là nơi giao thoa các nền văn minh khác nhau tạo nên một đất nước đa dạng về cả đời sống xã hội và văn hoá. Âm nhạc, nghệ thuật và thời trang, tất cả đều hội tụ tại nước Ý mộng mơ, xinh đẹp. Nếu nói âm nhạc là ánh sáng tinh thần, thì nghệ thuật và thời trang cũng tựa như không khí để hít thở, đều là những yếu tố quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi này. Khắp ngõ ngách trên nước Ý đều được trưng bày đầy những tác phẩm không chỉ có giá trị thương mại, mà còn có hình thái ý thức xã hội đặc biệt, thổi vào nó những giá trị tư tưởng tình cảm cao quý . Và đương nhiên, cái lãng mạn, yêu cái đẹp và đầy sáng tạo trong nghệ thuật của người Ý còn được thể hiện qua phong cách thời trang.

Trương Gia Nguyên chưa từng cảm thấy hối hận vì đã đến Ý. Dòng máu nghệ thuật chưa bao giờ ngừng chảy trong khắp con người cậu. Mỗi ngày thức dậy đều được đón ánh nắng chan hoà chiếu vào phòng qua ô cửa sổ nhỏ. Đứng ở quầy "sotto casa"* chọn cho mình một ly cappuccino classico cùng một chiếc bánh sừng bò nhỏ. Rồi lại xốc lại túi đeo trên lưng rong ruổi khắp thành phố tìm cho mình chốn bình yên cùng nguồn cảm hứng trôi dạt trong đầu. Đi cả ngày cùng nguồn cảm hứng, buổi trưa và tối sẽ ghé qua "osteria"* chọn bừa một món để lắp đầy chiếc bụng rỗng. Tối lại về nhà đọc qua vài con chữ trên cuốn sách dày cộm rồi nói tạm biệt một ngày dài vất vả trên đất nước hình chiếc ủng này.

Cuộc sống trước đây của Trương Gia Nguyên là như vậy. Cho đến ngày Châu Kha Vũ bước vào. Anh không khuấy động nhịp sống vốn có. Gặp được Châu Kha Vũ giống như việc hằng ngày Gia Nguyên vẫn uống cappuccino classico, chỉ khác là anh thêm vào đó chút gia vị nồng ấm, đem lại cảm giác lạ lẫm mà cậu vẫn chưa thể nhìn rõ hình dạng và gọi tên.

Lịch trình hôm nay của Gia Nguyên vốn sẽ là đến Burano, nhưng đến khoảnh khắc bước chân lên tàu, trái tim cậu bỗng mơ hồ nhớ về một thủ đô lấp lánh nào đó, nhớ về một chuyến tàu cách đây không lâu, đã đưa cậu gặp được người ấy. Trái tim chàng họa sĩ trẻ như có một dòng nước ấm bí mật chảy qua, để lại những rung động bồi hồi mà mỗi lần nhớ lại đều sẽ khiến hai má ửng hồng.

Gia Nguyên đặt chân đến Burano, nơi có những ngôi nhà nhỏ đầy sắc màu san sát nhau nối dài cả đảo. Nếu Venice được ví là thành phố đầy sôi động, ồn ã thì Burano lại là nơi thanh bình và hiền dịu.

Trương Gia Nguyên hoàn toàn có thể chìm vào khoảng lặng nơi đây và tận hưởng từng làn gió nhẹ nhàng lùa qua kẽ tóc thổi mát tâm hồn cậu.

Murano nổi tiếng với thủy tinh còn Burano thì nổi tiếng với dòng sông uốn lượn o bế những căn nhà nhỏ sặc sỡ. Trương Gia Nguyên dành hẳn cả ngày dài chỉ để ngồi bên bờ sông xanh ngắt, nhìn từng con thuyền vaporetto ngược xuôi, đi qua đôi cây cầu thơ mộng và rồi nhìn xuống những chiếc bóng đầy màu sắc đã in hằn trên mặt nước trong veo.

Cậu dừng chân bên cây cầu gỗ Tre Ponti và tự tưởng tượng về khung cảnh mình cùng chàng trai nọ đứng bên bờ chiêm ngưỡng kiến trúc nơi đây. Đôi tay đầy hoa của cậu đã hoạ lại khung cảnh ấy trên nền giấy trắng. Như cách Châu Kha Vũ đã hoạ vào tim cậu vài mảng màu, mảng màu nóng như cảm xúc mãnh liệt của tuổi thanh niên đầy nhiệt huyết. Bất giác cậu đưa máy lên chụp một tấm ảnh, cũng chẳng hiểu thế nào lại nhấn gửi vào hộp chat của người kia.

“Cảnh ở đây thật đẹp, giá mà anh ở đây.”

Người ta thường nói tức cảnh sinh tình, có lẽ không gian nơi này quá đỗi lãng mạn, đến mức khiến Gia Nguyên chẳng thể làm chủ được nắng trong tim mình. Cậu nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại, mãi không thấy Châu Kha Vũ hồi âm, rồi hít một hơi tắt nguồn nhét lại vào túi.

Thời gian còn lại cậu dùng để tham quan nhà thờ Chiesa di San Martino, nơi được mệnh danh là tháp nghiêng của Burano, và bảo tàng Museo Merletto, nơi trưng bày và giới thiệu về nghề thêu ren truyền thống của người dân trên đảo. Rồi Gia Nguyên lại đi loanh quanh vào trong các con ngõ nhỏ, bắt chuyến tàu cuối ngày trở về Venice và lên tàu về lại Roma.

Buổi sáng cậu chỉ để lại cho Kha Vũ dòng tin nhỏ rằng mình sẽ tắt điện thoại cả ngày. Vừa bật điện thoại đã thấy dòng hồi âm ngắn gọi.

“Anh cũng vậy”

Ồ, ba từ, vừa đủ. Vừa đủ để ai đó phía bên kia màn hình trăn trở xóa đi rồi gõ lại sao cho hợp lý nhất. Vừa đủ để người ở bên này màn hình ôm điện thoại tim đập loạn nhịp. Cậu gửi thêm cho anh một bức tranh mình vẽ, cũng là khung cảnh giống với bức ảnh ban chiều. Chưa đầy mười phút sau đã nhận được hồi âm.

“Tranh đẹp hơn cả ảnh, Gia Nguyên thật giỏi.”

Nhìn dòng tin nhắn Gia Nguyên bỗng cười tủm tỉm, cậu cũng tự nhiên nhắn lại một câu cho anh.

“Sau này sẽ vẽ tặng anh một bức.”

“Sao không phải là bức này?”

“Chưa đủ đặc biệt để tặng!”

“Vậy ra anh cũng được tính là người đặc biệt?”

Trương Gia Nguyên cầm điện thoại bĩu môi, tự hỏi xem cái con người trong kia sao lại biết cách nói chuyện đến thế. Người ta hay bảo trai thủ đô nghìn năm văn vở, Châu Kha Vũ lại hẳn hai thủ đô, sức sát thương xin phép được nhân đôi.

Gia Nguyên không thèm trả lời, ôm điện thoại vào ngực rồi nhắm mắt chìm vào giấc ngủ.

Trương Gia Nguyên ngồi tàu hơn năm trăm kilomet chỉ để đi thực hiện nốt chuyến hành trình bỏ dở của cậu và Châu Kha Vũ. Nhưng lại mang về cho mình cảm giác bình yên và một bức tranh, bức tranh thay cho dấu chân của cậu và anh tại nơi này.

.

Nhịp sống tại Roma không khác Paris là mấy. Cuộc sống của Châu Kha Vũ và Trương Gia Nguyên cũng vậy. Chỉ khác là anh chọn cho mình những con chữ, còn cậu là những mảng màu sắc.

Trương Gia Nguyên yêu vẽ tranh và yêu cả việc chơi đàn. Nếu như nói đôi tay của cậu đầy hoa tay thì giờ đây nó đều bị che lắp bởi từng vết chai nhỏ đã hằn sâu vào đầu ngón tay do chơi guitar.

Rất nhiều những cảm hứng được vẽ ra đều là xuất hiện khi cậu đang ngồi trên chiếc ghế mây ngoài ban công gảy lên từng nốt nhạc nhỏ. Ngoài tranh là được cất giữ cẩn thận thì còn một quyển nhạc phổ nhỏ do chính tay cậu sáng tác được cất gọn vào ngăn tủ đầu giường.

Gần đây nguồn cảm hứng bất tận đến với Trương Gia Nguyên lại gói gọn trong ba từ "Châu Kha Vũ". Nói không ngoa thì bài hát gần nhất và cả bức tranh trên đảo Burano đều có thể làm bằng chứng. Nhưng xen lẫn trong đó còn có chút gì đó từ quyển sách trong series "Lune" của nhà văn ZDan. Nhà văn trẻ cũng đã làm cậu thao thức không ít ngày.

Tranh vẽ và âm nhạc là cuộc sống của Trương Gia Nguyên. Châu Kha Vũ và ZDan là niềm vui cũng là nỗi trăn trở của cậu. Cậu từng nghĩ nếu hai người là một thì thật tốt, bởi lẽ cậu nhìn thấy ZDan trong Châu Kha Vũ và Châu Kha Vũ bên trong ZDan. Cậu tìm kiếm đâu đó sự dịu dàng của Châu Kha Vũ trong những câu văn ngọt ngào của ZDan, cũng tự tưởng tượng ra sự ấm áp của nhà văn trẻ quen thuộc trong du khách tình cờ gặp gỡ.

Trương Gia Nguyên yêu tự do, theo trường phái tận hưởng, cậu sẽ chỉ ôm niềm vui vào lòng và sống hết mình vì niềm khao khát cháy bỏng trong tim. Có lẽ vì vậy, mà khi những giọt nắng ngập trong tìm mình, Trương Gia Nguyên lại không ngại ngần mà chiều chuộng xúc cảm đầu đời.

Mà tác giả của nỗi nhớ nhung trong tim cậu, xin điểm mặt gọi tên Châu Kha Vũ.
-----------------------------
*sotto casa: tức quán ăn gần nhà, ngay dưới nhà.
*osteria: những quán ăn bình dân, rẻ, phục vụ những thực đơn thức ăn đơn giản, chủ yếu là đặc sản địa phương.
-----------------------------
Xin lỗi mọi người, do tụi mình vừa thi xong còn hơi ngáo nhẹ nên mới đăng trễ như này 😢

Cảm ơn mọi người rất nhiều vì đã quan tâm và ủng hộ cho "𝙻'𝚘𝚛𝚋𝚒𝚝𝚎 𝚍𝚎 𝚕𝚊 𝙻𝚞𝚗𝚎" 😘

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top