3

3


Một trong những ký ức đầu tiên của Mariam là tiếng cọt kẹt của bánh sắt chiếc xe cút kít lăn trên đá. Chiếc xe cút kít mỗi tháng đến một lần, mang theo gạo, bột mì, chè, đường, dầu ăn, xà phòng, thuốc đánh răng. Nó được đẩy tới bởi hai người anh em cùng cha khác mẹ với Mariam, thường thì là Muhsin và Ramin, đôi khi lại là Ramin và Farhad. Leo lên con đường đất, lăn qua đá và sỏi, vòng qua hố đất và bụi cây, hai anh em thay nhau đẩy cho tới khi họ đến được bờ suối. Tại đó, mọi thứ được dỡ ra và khuân sang bờ bên kia. Chiếc xe sau đó cũng được mang sang và chất lại các thứ như cũ. Tiếp theo đó lại là hai trăm mét đẩy xe, lần này thì băng qua đám cỏ cao rậm rì và vòng qua vô số bụi cây. Ếch nhái nhảy vọt ra tránh đường họ đi. Hai anh em phải vung tay để xua lũ muỗi bu đầy trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của họ.

"Bố có nhiều người làm," Mariam nói. "Bố có thể cử một người tới."

"Đó là ông ta muốn hành xác để sám hối đấy," Nana trả lời. 

Âm thanh của chiếc xe kéo Mariam và Nana ra bên ngoài. Có lẽ Mariam sẽ nhớ mãi hình ảnh của mẹ Nana trong Ngày Phân phát*: một phụ nữ cao gầy, chân trần, đứng tựa ở lối ra vào, con mắt kém của bà nheo lại thành một khe hẹp, hai cánh tay khoanh trước ngực đầy vẻ ngang ngược và khinh khỉnh. Mái tóc cắt ngắn của bà ngập trong ánh nắng, để trần và không chải chuốt. Bà mặc một chiếc áo xám không vừa lắm. Trong túi áo đầy những viên đá cỡ bằng hạt óc chó.

*Nguyên văn: Ration Day - ngày chủ đồn điền phân phát thực phẩm cho các nô lệ của mình. 

Các cậu con trai ngồi bên bờ suối đợi đến khi Mariam và Nana chuyển hết đồ tiếp tế vào trong kolba. Họ biết rằng tốt hơn hết là đừng lại gần quá ba mươi mét, mặc dù Nana nhắm không trúng lắm và hầu hết các viên đá đều rơi trước khi gặp được mục tiêu. Nana vừa gào thét về phía các cậu con trai vừa mang các túi gạo vào trong và gọi họ bằng những cái tên mà Mariam không thể nào hiểu được. Bà chửi rủa mẹ của họ, vẻ mặt toát lên sự căm thù. Đám con trai không bao giờ trả đũa sự sỉ nhục đó. 

Mariam cảm thấy thương bọn họ. Cô bé xót xa nghĩ rằng chân tay họ hẳn đã mệt rã rời vì phải đẩy cái xe rất nặng đó. Cô mong sao được phép mangcho họ một chút nước. Nhưng cô đã không nói gì, và nếu họ có vẫy tay với cô thì cô cũng không vẫy lại. Một lần, để làm vui lòng mẹ Nana, Mariam thậm chí còn la mắng Muhsin, nói với anh ta rằng anh ta có cái miệng giống như đuôi thằn lằn, để rồi sau đó lại cảm thấy tội lỗi, hổ thẹn và sợ rằng họ có thể sẽ nói lại với bố Jalil. Nhưng Nana thì cười rũ rượi, những chiếc răng cửa xỉn màu của bà chìa hết cả ra ngoài khiến Mariam nghĩ rằng bà có thể sẽ ngất đi mất. Bà nhìn Mariam khi cô bé mắng Muhsin xong và nói, "Con là một đứa con gái ngoan."

Khi chiếc xe đã trống trơn, hai cậu con trai sợ sệt quay trở lại và đẩy nó đi. Mariam vẫn đứng dõi mắt theo khi họ đi khuất vào trong đám cỏ cao và những cây dại nở hoa.

"Lại đây con ơi."

"Vâng ạ." 

"Bọn chúng cười nhạo con đấy. Thật đấy, mẹ nghe thấy." 

"Con đang đến đây." 

"Con không tin mẹ à?" 

"Con đây ạ." 

"Con biết mẹ yêu con phải không, Mariam bé bỏng của mẹ."

Các buổi sáng, họ bị đánh thức bởi tiếng kêu be be của đàn cừu vọng lại đằng xa và những tiếng sáo cao vút của mấy người chăn cừu làng Gul Daman đang dẫn đàn gia súc đi ăn ở bãi cỏ bên sườn đồi. Mariam và mẹ Nana vắt sữa dê, cho gà ăn và nhặt trứng. Hai mẹ con cùng làm bánh. Nana dạy cô bé cách nhào bột, nhóm lò đất nung và trát những miếng bột bánh đã cán dẹt vào thành trong của lò. Nana cũng dạy cô khâu vá, nấu cơm và làm nhiều món khác nhau: shalqam hầm củ cải, rau bi na nấu sabzi, súp lơ nấu với gừng.

Nana không hề giấu giếm sự khó chịu đối với những người viếng thăm, mà thực ra là đối với tất cả mọi người, nhưng bà cũng có một vài ngoại lệ. Vì thế nên trưởng làng Gul Daman, arbab của làng, Habib Khan, một người đàn ông để râu, bụng bự, thường đến thăm khoảng một tháng một lần, theo sau là người giúp việc mang theo một con gà, đôi khi là một hũ gạo kichiri hoặc một rổ trứng nhuộm màu cho Mariam.

Cũng có một bà già béo ục ịch mà Nana gọi là Bibi jo*, vợ góa của một thợ khắc đá, vốn là bạn của bố Nana. Đi cùng Bibi jo luôn có một trong sáu cô con dâu của bà và một hoặc hai đứa cháu nội. Bà lê bước ì ạch và thở hổn hển trên đường băng qua khu đất trống, sau đó xoa xuýt hông mình rồi từ từ ngồi xuống cái ghế mà Nana kéo ra cho bà, không quên buông ra một tiếng thở dài đau đớn. Bibi jo cũng luôn mang theo cho Mariam cái gì đó, khi là một gói kẹo dishlemeh, khi là một giỏ quả mộc qua. Còn với Nana, đầu tiên bà luôn phàn nàn về tình trạng sức khỏe ngày càng kém đi của mình và sau đó tán gẫu đủ thứ chuyện ở Herat và Gul Daman một cách thật dài dòng và đầy hứng thú, trong khi cô con dâu im lặng ngồi sau lưng bà nhẫn nại lắng nghe.

*Jo: thân mến, thân yêu.

Nhưng người mà Mariam yêu quý nhất, tất nhiên là không kể bố Jalil, là Giáo sĩ Faizullah, một người giảng kinh Koran già, akhund* của làng. Ông từ làng Gul Daman tạt qua một hoặc hai lần mỗi tuần để dạy cho Mariam năm bài kinh cầu namaz hằng ngày và kèm cô bé học thuộc kinh Koran, cũng y như hồi xưa ông dạy cho Nana khi bà còn nhỏ. Chính Giáo sĩ Faizullah là người dạy cho Mariam biết đọc, là người đã kiên nhẫn nhìn qua vai cô bé khi môi cô lẩm nhẩm đọc và ngón tay trỏ ngập ngừng dưới mỗi chữ, ấn xuống cho đến khi gốc móng tay chuyển thành màu trắng, như thể cô bé đang cố vắt ra ngữ nghĩa của những ký hiệu kia vậy. Chính Giáo sĩ Faizullah là người đã cầm tay cô nắn chiếc bút chì theo nét hất lên của từng chữ alef, nét lượn của từng chữ beh và ba dấu chấm của mỗi chữ seh*.

*Từ để chỉ các vị giáo sĩ đạo Hồi. 

*Alef, beh, seh: các chữ cái trong hệ chữ Farsi, tương đương với các chữ cái A,B,C trong hệ chữ Latin. 

Ông là một ông già gầy hốc hác, lưng còng, nụ cười móm mém và bộ râu trắng dài tới tận rốn. Thường thì ông tới kolba một mình, nhưng cũng có khi ông đi cùng cậu con trai có bộ tóc hoe hoe đỏ tên là Hamza, lớn hơn Mariamvài tuổi. Khi Giáo sĩ Faizullah tới kolba, Mariam hôn lên tay ông - mà cứ có cảm tưởng như đang hôn nhúm cành que được bao phủ bằng một lớp da mỏng - còn ông thì hôn lên trán cô bé trước khi họ ngồi xuống để bắt đầu bài học. Sau đó hai thầy trò ra ngồi bên ngoài kolba ăn hạt thông và uống nước chè xanh, ngắm nhìn những chú chim chào mào bay vút từ cây nọ sang cây kia. Thỉnh thoảng họ đi dạo giữa những đám lá khô màu đỏ đồng và những bụi tổng quán sủi, bước dọc theo bờ suối về hướng các đỉnh núi. Giáo sĩ Faizullah lần tràng hạt tashbeh trong khi họ đi dạo và bằng giọng nói run run của mình, ông kể cho Mariam tất cả những câu chuyện mà ông đã gặp khi còn trai trẻ, như chuyện ông tìm thấy con rắn hai đầu ở Iran, bên chiếc cầu Ba mươi ba Cửa Tò vò nổi tiếng ở thành phố Isfahan hoặc chuyện quả dưa hấu mà ông đã bổ ở bên ngoài Thánh đường Màu xanh ở Mazar và rồi tìm thấy những hạt dưa có chữ Allah ở nửa này và Akbar* ở nửa kia. 

*Chữ Allah và chữ Akbar ghép lại sẽ thành Allah-u-akbar, nghĩa là Đức Allah vĩ đại, mang ý nghĩa ca tụng. 

Giáo sĩ Faizullah thú nhận với Mariam rằng đôi khi ông không hiểu nghĩa của các chữ trong kinh Koran. Nhưng ông thích những âm thanh quyến rũ của từng tiếng Ả rập khi chúng bật ra từ miệng mình. Ông nói chúng làm ông thanh thản, xoa dịu trái tim ông. 

"Chúng cũng sẽ làm con cảm thấy thanh thản, Mariam yêu quý," ông nói. "Con có thể gọi chúng đến mỗi khi con thấy cần, và chúng sẽ không làm con thất vọng. Lời của Thượng đế sẽ không bao giờ phản bội con, con gái ạ."

Giáo sĩ Faizullah kể chuyện và nghe Mariam kể chuyện. Khi cô bé cất tiếng, ông luôn lắng nghe một cách chăm chú. Ông chậm rãi gật đầu và mỉm cười với vẻ biết ơn, như thể ông vừa được ban một đặc ân nào đó. Mariam có thể dễ dàng nói với Giáo sĩ Faizullah nhiều thứ mà cô bé không dám nói với mẹ Nana. 

Một ngày nọ, khi họ đang đi dạo, Mariam nói với ông rằng cô bé ước gì mình được phép đến trường.

"Ý con là một ngôi trường thật cơ, thưa akhund. Kiểu như trong một lớp học. Giống như những người con khác của bố con ấy."

Giáo sĩ Faizullah dừng lại.

Tuần trước đó, Bibi jo đã nói cho Mariam nghe rằng hai con gái của Jalil là Saideh và Naheed đã tới theo học trường nữ sinh Mehri ở Herat. Kể từ đó, ý nghĩ về các lớp học, thầy cô giáo, quyển vở có dòng kẻ, những cột số và cái bút viết được những chấm đen to, đậm cứ chạy nhảy trong đầu Mariam. Cô bé tưởng tượng mình ở trong một lớp học với các cô bé khác trạc tuổi mình. Mariam khao khát được đặt cái thước kẻ trên trang giấy và kẻ những đường thẳng trông có vẻ rất trang trọng. 

"Có phải đó là điều con muốn?" Giáo sĩ Faizullah hỏi, nhìn cô bé với đôi mắt dịu dàng và long lanh nước, đôi tay chắp sau tấm lưng còng, bóng của chiếc khăn ông đội trên đầu đổ dài trên mảnh đất có những cây mao lương hoa vàng mọc tua tủa. 

"Vâng ạ."

"Và con muốn ta xin phép mẹ con."

Mariam mỉm cười. Cô bé nghĩ, ngoại trừ bố Jalil ra thì không ai trên thế giới có thể hiểu cô hơn là thầy giáo già của mình.

"Thế thì ta còn có thể làm gì được nào? Thượng đế, bằng sự thông thái của Người, đã mang đến cho mỗi chúng ta những điểm yếu khác nhau, và điểm yếu nhất trong vô số những điểm yếu của ta là ta không có sức mạnh để từ chối con, Mariam yêu quý," ông nói, gõ nhẹ lên má cô bé bằng một ngón tay bị viêm khớp của mình.

Nhưng sau đó, khi ông đề cập chuyện này với Nana, bà bỏ con dao đang dùng để cắt hành xuống và hỏi, "Để làm gì chứ?"

"Nếu cô bé muốn học, thì hãy để cho cháu học, con yêu quý. Hãy để cho cô bé được giáo dục."

"Học? Học cái gì chứ, thưa Giáo sĩ?" Nana đáp lại đầy gay gắt. "Có gì để học ở đó cơ chứ?"

Bà quất ánh mắt về phía Mariam.

Mariam nhìn xuống hai tay mình. 

"Có lý gì trường học dạy dỗ một đứa con gái như mày chứ? Chẳng khác nào chiếu sáng một cái ống nhổ. Và mày sẽ chẳng học được gì có giá trị từ những cái trường đó. Chỉ có một điều duy nhất, một điều duy nhất mà những người đàn bà như tao và mày cần có trong cuộc sống thì họ lại không dạy điều đó ở trường. Nhìn tao này."

"Con không nên nói như thế với nó, con gái ạ," Giáo sĩ Faizullah nói.

 "Nhìn mẹ đây." 

Mariam vâng lời. 

"Chỉ cần một kỹ năng. Và đó là: tahamul. Chịu đựng." 

"Chịu đựng gì hả mẹ?" 

"Ồ, con không cần phải băn khoăn về chuyện đó," Nana nói. "Sẽ không thiếu một thứ gì hết."

Rồi bà tiếp tục nói về chuyện bị các bà vợ của Jalil gọi là con gái của người thợ đẽo đá xấu xí và thấp hèn như thế nào, chuyện họ bắt bà phải giặt quần áo ngoài trời lạnh cho đến lúc mặt tê cóng và các đầu ngón tay tím tái cả lại ra sao.

"Đó là số phận của chúng ta, Mariam ạ. Những người phụ nữ như chúng ta. Chúng ta phải chịu đựng. Đó là tất cả những gì chúng ta có. Con có hiểu không? Không những thế, chúng sẽ cười nhạo con ở trường. Chúng sẽ làm như thế đấy. Chúng sẽ gọi con là harami. Chúng sẽ nói những điều tồi tệ nhất về con. Mẹ không chấp nhận điều đó." 

Mariam gật đầu. 

"Và không được nói về chuyện đi học nữa. Con là tất cả những gì mẹ có. Mẹ sẽ không đánh mất con vào tay bọn họ. Hãy nhìn mẹ đây. Không được nói về chuyện trường học nữa nghe chưa?"

"Thôi nào. Hãy có lý một chút. Nếu con bé muốn..." Giáo sĩ Faizullah bắt đầu nói.

"Và ông nữa, thưa akhund, với tất cả lòng kính trọng của mình, tôi nghĩ rằng ông lẽ ra nên nhận thấy tốt hơn cả là đừng khuyến khích những ý nghĩ ngu ngốc này của con bé. Nếu ông thực sự quan tâm đến nó thì hãy làm cho nó thấy rằng nó thuộc về nơi này, ở nhà với người mẹ của nó. Chẳng có gì ngoài kia dành cho nó. Không gì hết ngoại trừ sự ruồng bỏ và sự đau đớn. Tôi biết mà, thưa akhund. Tôi biết." 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top