thằng này nghèo hèn
Tôi là thằng sửa xe, suốt ngày mài mặt với khói nhớt, bu lông.
Cái mùi hôi hám ám đầy lên người, lúc nào tôi cũng có thể ngửi thấy sự nồng nặc ấy, nhưng tôi không ghét nó.
Ghét nó thì được gì? Đó là thứ nuôi sống tôi.
Tôi không cha, không mẹ, chỉ là thằng mồ côi bị bỏ rơi bên bụi hoa hồng đầy gai, bị kiến cắn đến lở loét cả da thịt.
May mắn cho tôi, có một ông chú nhặt ve chai đã nhìn thấy và vì thương xót mà đem tôi về nuôi, đặt cho tôi cái tên Dohyeon.
Học hết cấp một, tôi không học tiếp vì nhà nghèo.
Tôi phụ chú nhặt ve chai, mười lon chỉ được hai đồng.
Chưa bao giờ tôi biết yêu là gì.
Ở cái kiếp mà mỗi ngày đều phải lo không biết hôm nay có gì để lót bụng thì làm sao mà dám mơ tới những thứ xa xỉ như tình yêu?
Có hôm, tôi bị đánh vì tranh địa bàn nhặt ve chai với một thằng nhóc khác. Má tôi bị rách, máu từ miệng tuôn ra.
Nghèo thì làm gì có tiền mua thuốc, tôi đành chịu.
Về nhà với vết thương trên mặt, may mà máu cũng tự đóng mài lại. Nhìn thì hơi tởm nhưng ít ra cũng không đến nỗi quá xấu.
Chú nhìn tôi chẳng nói câu nào, chỉ lặng lẽ lấy miếng giẻ cũ nhúng nước lau máu cho tôi. Chú già rồi, đôi tay thô ráp run run. Chú không phải người hay nói. Thỉnh thoảng lắm giữa lúc lượm ve chai trong những con hẻm đầy rác, chú mới thốt ra vài câu.
Được lần chú bảo, "Cuộc đời này, có hai thứ mày phải giữ chặt, một là đôi tay, hai là cái lòng tự trọng. Đôi tay giúp mày kiếm sống, lòng tự trọng giúp mày làm người."
Mỗi lần nghe chú nói tôi chỉ gật đầu, chẳng dám cãi.
Như khi tôi bị người ta giật mất cả bao ve chai đã nhặt cả ngày, hay khi bụng đói cồn cào mà chẳng có gì để ăn. Tôi không bao giờ ngửa tay xin xỏ vì chú đã dạy tôi tự trọng là cái vốn quý nhất của người nghèo.
Có bữa tối, hai chú cháu ngồi ăn chung một tô cơm nguội với mấy miếng dưa chua, tôi nghe chú ho khù khụ từng cơn.
Chú già yếu rồi, tôi biết.
Nhưng ông không bao giờ chịu nghỉ, cứ sáng ra là lại đẩy cái xe ba gác cọc cạch đi khắp phố phường, nhặt từng cái lon, cái chai.
Tôi hỏi chú sao không nghỉ ngơi, chú chỉ cười: "Nghỉ rồi ai nuôi mày, thằng ngốc?"
Có lẽ, cái nghề nhặt ve chai không phải là thứ tôi chọn nhưng nó đã nuôi tôi lớn.
Nhìn chú gầy yếu dần, ho ngày càng nhiều tôi biết mình không thể cứ bám mãi vào cái túi ve chai này.
Lắm lúc tôi nghĩ, hay là thôi, bỏ hết mà đi làm gì cũng được, miễn kiếm ra tiền lo cho cả hai chú cháu.
Nhưng rồi mỗi lần nhìn đôi tay nhăn nheo, đầy vết chai sạn của chú tôi lại không nỡ.
Một hôm, chú bảo tôi, "Mày phải học nghề đi, cái nghề ve chai này không thể theo cả đời đâu. Chú già rồi, chẳng biết còn được bao lâu nữa."
Tôi nhìn quanh xóm, thấy mấy thằng nhóc khác kiếm tiền dễ dàng bằng cách đi theo đại ca đòi nợ.
Ban đầu tôi nghĩ đó chỉ là chuyện vặt, miễn có tiền để lo cho chú là được.
Những thằng đó suốt ngày ăn mặc bảnh bao, tiền tiêu không hết nhờ cái nghề bảo kê cho mấy tiệm cầm đồ, đòi nợ thuê. Tôi nghĩ nếu làm theo tụi nó, có lẽ tôi và chú sẽ không phải lo từng đồng từng cắc như trước nữa.
Thế là một ngày, tôi quyết định thử.
Tôi đi theo tụi nó, ban đầu chỉ đứng ngoài quan sát nhưng rồi nhanh chóng bị kéo vào cuộc.
Chẳng bao lâu tôi cũng được giao vài việc vặt: đi đòi nợ mấy ông thiếu tiền không trả, đôi khi còn dọa nạt chút cho họ sợ mà nộp tiền.
Lúc đó tiền kiếm được nhiều thật, chỉ cần vài buổi là đã có cả xấp tiền nhét túi, không phải chật vật nhặt ve chai cả ngày như trước nữa. Tôi bắt đầu nghĩ có lẽ đây là cách thoát nghèo nhanh nhất.
Nhưng một hôm khi tôi vừa về nhà, chú đã đứng đợi sẵn ở cửa.
Tôi chưa kịp mở miệng, chú đã lao tới đánh tôi một cái rõ đau vào vai.
Đây là lần đầu tiên tôi thấy chú tức giận đến thế.
Chú nhìn tôi, đôi mắt đầy giận dữ nhưng cũng xen lẫn thất vọng: "Mày làm cái gì vậy? Mày tính theo cái đám lưu manh ngoài kia để kiếm tiền bẩn à?"
Tôi không dám cãi.
Chú tiếp tục mắng: "Tao nghèo, tao không thể cho mày cái gì nhiều nhưng ít nhất tao dạy mày phải sống cho đàng hoàng. Mày có thể không giàu, nhưng nhất định không được làm cái nghề hại người. Mày nghe rõ chưa?"
Tôi nhìn vào đôi tay run run già nua của chú, đôi tay đã chăm sóc tôi bao nhiêu năm qua.
Phải rồi, tôi làm tất cả là vì muốn lo cho chú nhưng lại không ngờ rằng cái cách kiếm tiền này lại khiến chú thất vọng đến vậy.
Chú nói: "Nghèo thì nghèo, nhưng mình phải có lòng tự trọng. Tao không cho phép mày biến thành loại người như thế."
Tiền kiếm được dễ dàng nhưng cái giá phải trả là mất đi lòng tự trọng và cả sự tôn trọng từ người duy nhất mà tôi yêu thương thì tôi không cần nữa.
Từ đó, tôi cắt đứt mọi liên hệ với tụi đòi nợ thuê.
Sau cái đêm chú đánh tôi, mắng tôi vì cái chuyện đi theo bọn đòi nợ, tôi nằm suy nghĩ mãi.
Nhìn trần nhà tăm tối, tôi mới thật sự nhận ra tiền nhiều rồi thì sao? Nếu mất đi lòng tự trọng, mất đi cái lẽ sống mà chú dạy từ nhỏ thì tôi còn gì để mà bấu víu?
Tôi quyết định rồi, phải thay đổi.
Tôi không thể sống kiểu tạm bợ như thế mãi, và cũng không muốn làm chú đau lòng thêm lần nào nữa.
Tôi bắt đầu đi tìm việc.
May mắn sao có một ông thợ sửa xe trong xóm đang cần người phụ. Cái nghề này thì tôi chưa rành nhưng tôi nghĩ học sửa xe không phải chuyện gì quá khó.
Còn trẻ, còn khỏe, chỉ cần cố gắng là được.
Vậy là tôi xin vào làm, bắt đầu học từ những việc đơn giản nhất.
Ban đầu, tôi gặp nhiều khó khăn lắm.
Tay tôi quen cầm mấy cái lon, cái chai, giờ phải vặn ốc, lắp máy móc, thấy cái gì cũng lạ lẫm.
Ông chủ thỉnh thoảng còn quát: "Mày làm hỏng nữa là tao đuổi mày đó, hiểu chưa?"
Vài lần vặn nhầm con ốc, dầu nhớt phun tung tóe, tôi bị mắng một trận nhưng vẫn cố gắng kiên trì học.
Mỗi tối về nhà, tay chân mệt nhoài, mùi dầu máy bám đầy người.
Tôi đã bắt đầu học được những điều cơ bản: thay bánh xe, chỉnh ốc, làm vệ sinh máy móc... Mỗi ngày tôi đều thấy mình tiến bộ hơn một chút.
Chú thấy tôi mải mê với cái nghề mới này không nói gì, chỉ thỉnh thoảng nhìn tôi gật đầu cười cười. Tôi biết trong lòng chú, ông tự hào lắm nhưng ông không nói ra.
Dần dần, tôi trở nên lành nghề hơn.
Những chiếc xe hư hỏng nặng được tôi sửa lại, người ta bắt đầu tin tưởng giao xe cho tôi nhiều hơn.
Ông chủ không còn mắng nữa, thậm chí còn khen tôi có tay nghề.
Ngày qua ngày, cái cảm giác tự tin ấy lớn dần trong tôi.
Những buổi chiều muộn, khi phố xá thưa người tôi ngồi một mình trong tiệm, lau chùi những dụng cụ sửa xe. Nhìn đôi tay dính đầy dầu nhớt, tôi mỉm cười.
Tôi bắt đầu kiếm được tiền từ nghề sửa xe, cuộc sống của tôi dần thay đổi.
Tôi cũng có cơ hội gặp gỡ nhiều người hơn.
Choi Hyeonjoon, cậu bạn cùng tuổi với tôi, cậu bạn này hiện tại là sinh viên đại học rồi nhưng vì xe hay hư nên ghé tiệm tôi sửa hoài.
Ban đầu chỉ là những câu chào hỏi xã giao, nhưng dần dần chúng tôi trở nên thân quen hơn qua những lần trò chuyện trong lúc sửa xe.
Cậu bạn thường hay kể về những trải nghiệm trong trường đại học, những môn học thú vị và cả những người bạn mới mà cậu đã kết bạn.
Những câu chuyện ấy khiến tôi cảm thấy dường như có một thế giới khác ngoài những gì mình đang sống.
Tôi khao khát muốn được đi học quá.
Cậu bạn Hyeonjoon bắt đầu dạy cho tôi những thứ liên quan tới tính toán, vì cậu bạn bảo tôi nhạy với con số.
Tôi không ngờ rằng những phép toán đơn giản lại mang đến cho tôi nhiều niềm vui đến vậy.
Từ những bài toán cơ bản, tôi bắt đầu mày mò với những công thức phức tạp hơn. Đến khi tiệm sửa xe đóng cửa, là tôi lao vào làm toán.
Tôi càng học càng hăng, giải đến nửa đêm mới dừng, không cảm thấy mệt mỏi mà chỉ thấy hào hứng.
Có hôm, Hyeonjoon thấy tôi miệt mài quá cậu bạn bảo: "Hôm nay nghỉ một bữa đi, tao dắt mày đi uống trà sữa với gặp thằng này, nó cũng vui lắm."
Ngẫm nghĩ một hồi, tôi gật đầu.
Lần đầu tiên sau bao lâu tôi cảm thấy cần một chút thay đổi, một chút không khí mới. Tôi nói với chú một tiếng, không quên dặn chú rằng mình sẽ về muộn hơn thường lệ.
Tôi quyết định lấy bộ đồ mới toanh mình chưa mặc lần nào, bộ mà tôi đã mua vào dịp sinh nhật, còn nguyên tem mác.
Khi tôi đứng trước gương ngắm mình trong bộ đồ ấy, lòng tôi tràn đầy háo hức.
Đúng là lần đầu tiên trong đời tôi mặc một bộ quần áo như vậy cảm giác thật khác biệt.
Hyeonjoon chở tôi đến một quán trà sữa, và thật sự là hào nhoáng quá mức so với những gì tôi thường thấy.
Mới bước vào, tôi đã choáng ngợp bởi không gian trang trí sáng sủa, màu sắc bắt mắt và hàng chục loại trà sữa với đủ hương vị.
Tôi ngơ ngác không biết phải làm gì, chỉ biết đi theo Hyeonjoon. Cậu bạn đã chủ động gọi cho tôi một ly cà phê sữa, còn cậu thì chọn một ly trà sữa xoài đặc biệt.
Chúng tôi bắt đầu trò chuyện và Hyeonjoon giới thiệu cho tôi về người bạn mới tên Jeong Jihoon. Jihoon là một chàng trai năng động, có đôi mắt sáng và nụ cười tươi rói. Tôi cảm nhận được sự thân thiện từ cậu ấy, điều này khiến tôi bớt lo lắng hơn.
Mất vài phút để giới thiệu về nhau nhưng rất nhanh chóng để hòa nhập vào cuộc trò chuyện.
Tôi kể họ nghe về những phụ kiện xe, cách mà tôi đã tự tay sửa chữa từng bộ phận để chiếc xe hoạt động trơn tru. Hyeonjoon và Jihoon chăm chú lắng nghe.
Đáp lại Jihoon chia sẻ về chương trình kỹ thuật mà mình đang học ở trường đại học, những dự án thú vị mà cậu ấy tham gia, từ việc lắp ráp robot cho đến nghiên cứu các công nghệ mới.
Rồi họ hỏi tôi đã từng yêu ai chưa? Tôi chỉ lắc đầu cười trừ, tới râu mọc rậm rạp mà còn tiếc tiền mua lưỡi dao cạo, cơm ngày ba bữa lo chưa xong, tình yêu với một đứa nghèo chính là thứ không nên nghĩ tới.
Thế là Jihoon hỏi tôi, "Có muốn thử đi tìm cảm giác này không? Nghèo không phải là cái tội, nghèo vẫn được quyền nói chuyện yêu đương."
"Nghèo không có nghĩa là không có quyền mơ mộng, phải không?"
Thằng Hyeonjoon tiếp lời.
"Mày không cần phải có tiền hay địa vị mới có thể yêu thương ai đó. Tình cảm thật sự đến từ con người, từ trái tim chứ không phải từ những thứ vật chất."
Tôi chỉ ậm ừ thôi, hoàn cảnh tôi và họ khác nhau, sinh ra còn bị chối bỏ thì hỏi xem dám mơ mộng gì.
.
.
.
.
dáng vẻ râu ria của park doyeon mà tôi yêuuuuu
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top