ngày nắng tàn, ta đợi người về
Người phụ nữ tay xách đồ đi đằng trước một cô bé 17 tuổi, hai người đội nắng đi vào căn nhà nhỏ có lối đi hai bên rợp bóng cây. Thời tiết tháng bảy của miền bắc vẫn còn nắng rát, từng cơn gió khô thổi qua đem theo vài phần hơi nóng làm khô mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán của thiếu nữ. Con bé không chịu được nắng, chạy ào vào hiên nhà trước mẹ.
- Lần sau mẹ có thể chọn ngày khác có được không?Trưa nắng thế này, có khi ông ngoại còn đang ngủ.
- Ngày này mới cần về với ông, đi vào nhà xem ông ở đâu đi!
Con bé đứng dưới mái hiên đã mát người hơn một chút, nghe mẹ nói vậy liền chạy vào nhà tìm ông nó. Căn nhà nhỏ im ắng đến độ còn nghe được tiếng gió và tiếng xào xạc của tán cây, con bé khẽ khàng gọi :
- Ông ơi.
Ông nó không đáp lại, nó nhìn quanh quất rồi thấy ông đang ngồi tựa lưng lên chiếc ghế mây, quay mặt nhìn vườn cây trước mắt. Ông nó đã thiu thiu ngủ vì làn gió mát, chiếc ghế mây khẽ đung đưa như võng. Trên đôi bàn tay nhăn nheo của ông giữ một tấm ảnh nho nhỏ, dù đã ngủ nhưng ông vẫn nắm nó rất chặt như sợ nó biến mất. Con bé đi lại gần, tiếng bước chân làm ông tỉnh dậy, quay qua thấy nó thì cười hiền hậu.
- Con về từ lúc nào thế, kéo cái ghế ngồi đây cho mát.
Nó lấy cái ghế con, ngồi xuống bên cạnh ông.
- Ảnh gì đây ông?
Vết chân chim bên khoé mắt của ông lão hơn 70 tuổi hằn sâu lại, ngón tay khẽ vuốt tấm ảnh rồi đưa cho nó. Tấm ảnh đen trắng cũ mèm đến nỗi nó phải nheo mắt mãi mới thấy trong ảnh là hai người con trai đứng chụp trước chiếc xe quân đội . Người con trai người nhỏ hơn khiến nó thấy rất quen, con bé ngước mắt lên nhìn ông ngoại nó một hồi rồi chợt nhận ra, đấy là ông ngoại nó thời trẻ.
- Người này là ông ạ, trông giống quá.
- Ừ, hồi ấy ông 20 tuổi.
- Trẻ quá !
Tuy bức ảnh đã hơi mờ vì trải qua bao tháng năm nhưng nó vẫn thấy được ông nó ngày xưa rất đẹp trai. Khuôn mặt nhỏ nhắn, khoé mắt hoa đào tươi tắn mỉm cười. Bên cạnh ông nó là một người con trai khác, nét mặt góc cạnh, cứng cáp hơn đang nhìn ông nó. Không hiểu sao nó lại thấy được sự dịu dàng trong ánh mắt của người con trai kia, con bé tò mò hỏi ông :
- Ông ơi, ai đây ông ?
- Lê Thế Nam.
- Đồng đội của ông ạ?
Ông ngoại nó lặng lẽ nhìn tán cây bằng lăng cạnh hiên sau của căn nhà, ánh mắt trầm lặng, xa xăm. Đôi mắt đục ngầu vì tuổi già của ông đỏ lên, hồi tưởng về những tháng năm tuổi trẻ không thể quên.
- Nói như vậy cũng đúng, nếu nói chính xác hơn là người ông thương.
Con bé bất ngờ, giờ nó đã hiểu tại sao mình không có bà ngoại như những bạn khác. Nhưng mỗi khi nó hỏi mẹ thì mẹ thường tìm cách lờ đi hoặc viện những lí do để né tránh câu hỏi của nó. Hoá ra là ông nó thích đàn ông ,nhưng tại sao nó chưa từng nghe thấy mẹ hay ông nhắc về người ấy.
- Sao con không thấy ông nhắc gì tới người kia vậy? Ông ấy giờ đâu rồi ?
- Hi sinh rồi cháu ạ.
Giọng ông nó run lên, con bé tự nhiên thấy rất hối hận vì đã chạm đến nỗi đau luôn chôn kín trong lòng của ông ngoại nó.
- Năm ấy vì không chịu được cảnh đất nước bị chia cắt, nhân dân lầm than vì khói đạn chiến tranh, chúng ta đã nên đường nhập ngũ. Hồi ấy còn trẻ lắm, tầm hơn cháu một hai tuổi thôi nhưng hừng hực khí thế lên đường vào mặt trận.
- Năm ấy là năm bao nhiêu ạ?
- Năm sáu nhăm, ông vào hẳn Trường Sơn đấy.
Ông nó giọng đều đều, kể về những ngày tháng thanh xuân gắn liền với bom đạn .
- Ông được tập huấn chính với ông Nam vài tháng sau đó ông ở lại làm thanh niên mở đường cho xe chạy. Ông Nam thì được đi đào tạo lái xe, vận chuyển quân nhu vào miền Nam.
- Giống bài thơ " Bài thơ về tiểu đội xe không kính" ông nhỉ?
- Ừ.
Ông nó khe khẽ mỉm cười, xoa đầu nó rồi kể tiếp.
- Ngày ấy đường Trường Sơn là con đường bom đạn , khốc liệt lắm nhưng nó lại là huyết mạch nối liền hai miền. Quân mỹ thả bom dữ dội lắm, cứ chốc chốc lại một đợt trút xuống. Ở chỗ ấy nhiều, quen rồi cứ thấy tiếng máy bay hay tiếng rít của bom rơi là phải đi núp ngay.
- Trung đội của ông làm nhiệm vụ san lấp đường, phá bom và đảm bảo cho những chuyến xe đi qua an toàn vào miền trong. Ông Nam lúc ấy còn trẻ mà đã làm tiểu đội trưởng rồi, dẫn đầu một tiểu đội hơn chục xe.
- Ngầu quá !
- Lúc ấy ông cũng cảm thấy thế nhưng dần chuyển sang sợ. Tử thần lúc nào cũng chực chờ ngay trên đầu, đã thế dưới đường cũng có nhiều bom bi hay những quả bom bị đất đá lấp đi mất còn chưa kịp nổ. Cái chết rình rập vờn quanh, nên hồi ấy trước những lúc đi bọn ông thường viết thư phòng hờ trường hợp xấu. Lúc ấy đoàn xe của trung đoàn ông Nam hay nghỉ lại chỗ của bọn ông, lần nào trước khi ra trận ông Nam cũng viết rồi đưa cho ông giữ.
Cái giọng nghèn nghẹn có chút khàn khàn của ông nó gieo vào lòng con bé những kí ức phủi bụi về cuộc chiến tranh mà nó học thông qua sách vở. Con bé như thấy được trước mắt con đường thông rừng thông núi nhưng lại gập ghềnh khó qua, nó thấy những cái chòi lợp lá tạm bợ của ông nó thời ấy. Nó chợt nhớ đến những chiếc xe không kính mà nó đã được học, con xe vì bom rơi đạn nổ mà vỡ hết kính, chỉ còn trơ lại khung xe với những người lính trẻ với tình yêu tổ quốc mãnh liệt.
Ông nó vịn tay ghế đứng dậy, đi vào trong tủ quần áo lấy ra một bộ quân phục đã sờn vải và chiếc hộp thiếc đã gỉ sét. Ông chầm chậm mở cái hộp ra, bên trong là một sấp thư được viết từ những năm tháng ấy, ố vàng và những con chữ nhoè mực. Nó đón lấy cái hộp, cẩn thận mở từng bức thư đã cũ đến mòn góc.
" Gửi Minh thân mến ,
Có vẻ lần này lũ mỹ nguỵ kiên quyết đánh sập đường rồi, chúng nó xả bom mạnh lắm. Cứ chốc chốc là lại có mấy con chim sắt ầm ầm phóng trên đầu, xe đã vỡ hết cả kính, bung cả đầu lên rồi. Nhưng em đừng lo, anh vẫn lái được. Bom chúng nó dội xuống mất đường thì ta lấp, bom rung vỡ kính thì ta sửa nhưng làm sao có thể làm nứt vỡ nhiệt huyết của chúng ta với tổ quốc cho được. Anh tin em vẫn làm tốt, hẹn gặp lại em khi nước nhà độc lập."
15/10/1966
" Gửi Minh thân mến,
Vừa hôm qua mới dừng chân chỗ đơn vị em nhưng em lại đi làm nhiệm vụ mất rồi. Anh nghe mọi người ở đấy kể là em phá bom rất giỏi, Minh của anh bây giờ không còn là cậu thanh niên co mình vì tiếng bom nổ nữa rồi . Cậu Văn lái phụ với anh mới bị sốt rét, người lúc nào cũng lả đi may mắn là kịp đưa tới trạm xá, bây giờ xe chỉ còn mình anh lái. Mong chuyến này sẽ vẫn trót lọt, hẹn gặp lại em khi nước nhà độc lập."
9/2/1967
Từng bức thư viết vội của người lính trẻ lúc dừng chân được ông nó cất giữ cẩn thận, nó mở ra đọc hết. Ông nó lặng nhìn vườn cây, đuôi mắt nhăn nheo hằn sâu vết chân chim . Đọc xong chồng thư nó mới được phát hiện một bức thư còn nguyên phong bì, còn chưa bóc tem im lặng nằm cuối hộp. Con bé tò mò ngước mắt lên nhìn ông ngoại nó thấy mắt ông đỏ hoe rồi lại cúi xuống nhìn phong thư đã nhoè hết mực chữ viết bên ngoài. Trên ấy có lẽ nhìn rõ nhất là dòng " 15/8/1969" , còn lại đều là những vết mực loang lổ tròn tròn. Con bé ngầm hiểu được, nó lờ mờ đoán được đây là bức thư cuối cùng là người lính lái xe gửi cho ông nó trước khi hi sinh.
- Ông ấy hi sinh ngày 20 tháng 8 năm sáu chín. Bức thư này ông được nhận vào ngày hai lăm cùng với tin hi sinh của ông ấy.
Lòng con bé hẫng một cái, nó lặng người nhìn người ông mà hồi bé nó nghĩ là người ngầu nhất trong lòng nó. Ông nó trở về sau khi chiến tranh kết thúc, đem theo thân thể đầu vết thương vì bị bom cắt, đạn sượt và một trái tim chai sạn đã héo mòn. Những vết thương ấy sẽ sưng tấy lên, đau nhức mỗi khi trái gió trở trời nhưng vết thương trong tim ông nó cứ mãi day dứt, âm ỉ quặn thắt.
- Ông khi ấy không dám mở bức thư này ra, ông sợ đọc xong ông sẽ không còn sức hay tâm trạng để tiếp tục chiến đấu nữa. Ông ấy cũng không muốn như vậy nên ông cất giữ nó suốt hơn năm chục năm qua.
Ông cầm bộ quân phục cũ lên, ngón tay run run vuốt phẳng nơi ngực áo. Ông nó khóc, người đàn ông lớn tuổi đã trải qua bao thăng trầm của cuộc đời giờ đây rơi nước mắt vì nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ. Sống mũi của con bé cay cay, nó chợt nhận ra để đổi lấy những ngày tháng hoà bình hạnh phúc như hiện tại, thế hệ trước như ông nó đã phải đánh đổi rất nhiều thứ. Đó là những gia đình đã phải ly tán, những người mẹ dứt ruột để con đi rồi nhận được tấm giấy báo tử , là những người vợ người con bơ vơ lay lắt sống trong nhung nhớ . Hay là như ông nó cứ sống với nỗi ám ảnh khôn cùng vì mất đi đồng đội, mất đi người thương và ám ảnh về cái chết luôn chực chờ đổ xuống đầu.
Nó khẽ tựa đầu vào tay ghế, nhìn những giọt nước mắt lăn xuống thấm ướt áo của ông nó. Trong ánh mắt trong veo của thiếu nữ hiện lên những nỗi buồn xa xăm, nó buồn về chuyện của ông nó, về một tuổi trẻ sống cháy rực vì quê hương nhưng lỡ dở . Ông nó chùi nước mắt, giọng khản đặc .
- Ngày độc lập ai cũng vui mừng riêng ông lại cứ ở mãi trong chòi không chịu ra ngoài. Ông ấy hẹn gặp lại ông ngày độc lập nhưng cuối cùng lại đi mất, đến ngày hẹn cũng không thèm tới. Tiểu đội của ông ấy sau chuyến cuối cùng qua Trường Sơn để về miền bắc có ghé qua chỗ ông, đưa cho ông bộ quân phục còn sót lại của ông ấy. Cậu phụ lái cứ tự trách mình mãi, nhưng chiến tranh thì ai mới là người có lỗi hả cháu? Nếu không đi thì nước nhà làm sao được hoà bình, nếu cứ ích kỉ về bản thân thì ai mới chịu xả thân cho sự nghiệp của quê hương đây ?
Chẳng có nỗi đau nào đau hơn nỗi đau chia ly, âm dương cách biệt. Người đi không nỡ người ở lại thì thầm lặng nhớ nhung. Nhưng ông nó chẳng nỡ trách người ấy vì sao lại bỏ ông ở lại, hoá thân thành một phần mảnh đất quê hương, vùi mình nơi rừng sâu núi thẳm.
Ông khẽ đung đưa cái ghế, nắng cuối hè bỏng rát đã dịu đi. Ông lại kể tiếp cho nó nghe về chuyện của hai người, kể về cái thời khổ cực nhưng lại huy hoàng ấy. Ông kể về cậu thanh niên vừa mới học hết lớp bổ túc văn hoá đã xung phong lên đường ra mặt trận sau đó được đưa đến chiến trường khốc liệt nhất lúc bấy giờ. Rồi cậu thanh niên ấy gặp được một người đồng đội cùng chỗ tập huấn, mỗi lần cậu run người vì tiếng bom nổ người kia đã an ủi cậu ra sao, mỗi lần phá bom mìn người kia luôn kéo cậu vào chỗ an toàn nhất rồi nói :
- Cậu không biết tự đảm bảo an toàn cho bản thân thì làm sao mà đảm bảo làm tốt nhiệm vụ được giao bây giờ?
Những ngày tháng đói rét cơ cực, bộ đội nằm rừng nấp suối không có thức ăn hay thuốc men, những bát cháo loãng hay bát canh rau dại phải chia nhau từng miếng một. Những ngày cậu thanh niên ấy lên cơn sốt rét rừng, trong cơn mê vừa nóng vừa lạnh luôn có người bên cạnh chăm sóc, nhường cả mảnh chăn dã chiến duy nhất cho cậu. Sau đó người ấy được đưa đi đào tạo lái xe, mỗi lần đi qua đều dừng chân lại chỗ đơn vị cũ đưa cho cậu những thỏi lương khô hiếm hoi thời bấy giờ để cậu chống lại cái đói . Rồi người ấy gửi thư cho cậu, những bức thư vài dòng lên xuống nhưng chất chứa nỗi niềm và lời hẹn gặp khi chiến thắng.
Nhưng rồi cuối cùng ngày thống nhất đã đến, cậu thanh niên cầm trong tay bức thư cuối cùng của người ấy khóc đến nỗi ngất đi.
" Tuổi hai mươi, anh nằm lại rừng xanh.
Anh không được vui niềm vui đại thắng!
Anh nằm lại nơi rừng hoang núi thẳm.
Hoá thân mình thành sông núi nước Nam."
(từ Người lính chiến - Người cầm bút)
Mẹ nó đứng ở cạnh cửa nghe hết cuộc trò chuyện của ông cháu nó, đi đến đưa ông cốc nước vối nóng rồi ngồi xuống cạnh nó.
- Con này, sau bố mất thì đem mấy cái này đốt hết đi nhé !
- Sao lại đốt đi hả ông ?
- Đến lúc ấy ông đi gặp ông ấy rồi, cần gì những cái này nữa hả cháu.
Mẹ nó vẫn im lặng, con bé thấy mắt của mẹ nó nhoè đi bởi nước mắt. Ông ngoại nó khẽ cười, trêu mẹ nó :
- Gớm nữa, chị nghe cái này bao nhiêu năm rồi mà vẫn cứ khóc. Còn không bằng con bé kìa !
- Bố đừng nói thế.
Mẹ nó hờn dỗi nói, ông nó chỉ cười nhìn nắng trong vườn tàn dần rồi mất hẳn . Bỗng ông nói:
- Ngày xưa có lần ông ấy bảo rằng, đến khi nắng tàn ông ấy sẽ trở về. Nắng tàn rồi, ta cứ đợi mà chả thấy người đâu !
Buổi tối trước khi về nhà, con bé quay đầu lại nhìn căn nhà nhỏ sáng đèn và bóng lưng lọm khọm của ông . Nó không đành lòng, chạy lại vào nhà ôm ông thật chặt . Ông hơi giật mình nhưng nhanh chóng ôm nó, tay xoa xoa lưng nó như hồi còn bé. Nó rất muốn oà khóc nhưng lại không nỡ lòng nào nhìn ông buồn bên những giọt nước mắt chực rơi ra đã bị nó nuốt lại .
Về đến nhà, nó vẫn chưa hết buồn. Mẹ thấy thế mới kể thêm cho nó nghe. Sau khi trở về từ cuộc chiến ông nó đã đến thăm nhà của ông Nam, trong nhà chỉ có mẹ ông đang ngồi hiên cửa chờ con về. Bà khóc oà lên khi nhận được tờ giấy báo tử lạnh lẽo của con trai, tay cầm tấm ảnh cùng bức thư cuối cùng ôm chặt vào lòng. Ông nó trở về nhà , không có tâm trạng làm bất cứ việc gì. Mọi người đều giục ông đi lấy vợ nhưng ông vẫn mãi nặng lòng với người lính lái xe ấy nên chẳng thiết tha gì.
Mẹ nó bảo mẹ nó cũng không phải là con ruột của ông mà là được ông nhận nuôi. Vì trước đó, ông Nam đã từng hứa với ông rằng sau này khi hoà bình cả hai sẽ cưới nhau, cùng nhận nuôi một đứa trẻ và an nhà sống đến cuối đời. Nhưng ông ấy đã bỏ ông nó đi trước, ông nó dốc sức thực hiện lời hứa còn dang dở, nhận nuôi mẹ nó chịu cảnh gà trống nuôi con một mình sau đó nhìn mẹ nó lớn lên, kết hôn rồi sinh ra nó.
- Ngày trước khi còn tầm tuổi con, mẹ lúc nào cũng trách ông vì không chịu kể cho mẹ nghe . Hồi ấy lúc nào cũng bị trêu chọc rằng không có mẹ, mẹ chạy về bảo với ông thì ông chỉ cười mà không nói gì. Sau này mới biết, ông cũng rất khổ tâm.
- Thế nên năm nào mẹ cũng về thăm ông ngày 27/7 ạ ?
- Ừ, mẹ sợ ông cô đơn. Nên mẹ cũng mong con sẽ hiểu.
Con bé gật đầu, chuyện của ông nó vẫn khiến nó rối bời. Con bé vốn đã thương ông nay lại càng thương, chỉ cần nhớ đem an bóng lưng lủi thủi một mình của ông nó với căn nhà trống là con bé lại muốn khóc. Nó chợt thấy cảnh cậu thanh niên xung phong và anh lính lái xe trẻ năm ấy gặp lại nhau trong vụn nắng thoáng qua trong đầu .
________________
trời ơi định viết rồi đăng đúng ngày 27/7 cơ nhưng mà đến tận chiều mới bắt đầu viết nên không kịp mất rồi 😞. Nhưng dù sao vẫn tri ân tới các anh hùng thương binh liệt sĩ cùng các cựu chiến binh, những bà mẹ Việt Nam anh hùng và rất nhiều những cá nhân , tập thể đã chiến đấu, hi sinh để đổi lấy độc lập cho tổ quốc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top