1.5. nhưng nào phải ai cũng sẽ nhận trọn chữ yêu.
Cái lưỡi răng của giày trượt băng không quá bén, nhưng đủ để khiến những câu từ ung thối lăn ra từ lưỡi bố tôi hoen gỉ vì màu máu úa.
Ông ấy chết, vào một buổi chiều mùa đông.
Tôi sinh ra trong một gia đình có tham vọng ngất ngưởng; tôi biết là bạn chán ngấy nghe mấy cái truyện lảm nhảm về gia cảnh và điều ấy khiến tôi vỡ toạc như nào rồi. Nhưng ít nhất thì tôi muốn bạn biết gốc gác thật sự của tôi trước khi bắt đầu lảm nhảm một vài thứ liên quan đến nó.
Năm tôi mười một tuổi. Trong sân băng riêng của nhà. Bố tôi chết, chết thảm dưới lưỡi răng thép của đôi giày trượt mà ông tặng tôi khi lần đầu tuổi tôi chính thức bắt đầu được đếm bằng hai con số. Đấy là một sự chuyển biến. Ông ấy chết. Không, không phải tai nạn, do tôi giết ông ấy.
Đôi bàn tay rướm máu, tôi nhìn ông hấp hối. Và bằng tất cả sức lực và vốn liếng còn đọng lại trong tiềm thức, ông bắt đầu chửi tôi đổng lên. Thằng con lỗ mãng! Trong đôi mắt ông chứa đựng cả một mảng trời thu vời vợi. Một đôi mắt sáng màu hiếm thấy, tôi luôn xuýt xoa khi nhìn nó. Con ngươi trong veo, màu nâu nhàn nhạt chấm thêm vài đốm đen lấm tấm như những chiều hoàng hôn nhấp nhoáng bóng mặt trời chuyển giao sang đêm trăng lòa nhòa. Tôi ngờ ngợi chẳng biết đôi mắt này là thật hay giả, hay chỉ là sản phẩm tạm thời được tạo ra bởi những liều ma tuý, hay vài ba cái thuốc kích thích rẻ tiền mạt hạng phát âm bằng vỏn vẹn vài âm tiết mà tôi không nhớ cách uốn lưỡi.
Ông bảo tôi rằng ông đã biết sẽ có ngày chuyện này xảy ra. Có, tôi có tính đến ngày này sớm hơn rồi, và sự trễ nãi này đúng là ngoài dự định. Mùi máu của ông vẫn đặc quánh, kết dính trong thành thanh quản của tôi, tôi không thể khạc ra bất kì từ gì. Cuống họng tôi nghẹn ứ và tâm trí tôi cứng đờ khi vị mằn mặn của nước mắt hoen trên má tràn vào khoang miệng. Sao mà mỉa mai đến lạ.
"Bố", tôi thì thào.
Hai tay tôi buông thõng. Đôi giày trắng nhuốm màu máu đỏ au. Thế là bẫng một kiếp người.
Tôi ngẩng đầu lên, lão quản gia đã đứng ở đấy tự khi nào. Im thít.
Lão đã đề nghị giúp tôi dọn dẹp đống tạp nham gỉ sét của máu, tôi không rõ động cơ của lão ấy là gì, nhưng chắc hẳn lão cũng chẳng ưa gì bố tôi đâu. Tôi gật đầu. Màu đỏ của máu và màu trắng của băng tương phản nhau, đốm đồi loang lổ và bắt đầu lan rộng ra xung quanh. Và lão nói một điều khiến cho một đứa trẻ tuổi mười một sững sờ chết đứng, lão đề nghị biến đống thịt rữa của bố tôi thành nguồn đạm của buổi tối hôm đấy. Một cách tuyệt vời để giấu xác, có phải không, tôi nghe lảng vảng bên tai mình giọng nói của bố, và tôi biết mình không thể từ chối. Và bởi lão bảo với tôi là: ăn thịt là một cách để tôn vinh ông ấy, nếu không, tất cả chỉ là tàn sát.
Ít nhất tôi nên cảm ơn ông ấy vì đã tạo ra sự hiện diện của tôi trên cõi đời, và rồi méo mó hối hận về nó.
Thịt thăn lợn sốt quả mọng và ống chân bê om cắt khúc, lão quản gia nói với mẹ tôi. Tôi đã nôn thốc tháo ngay tắp lự khi nhìn thấy món thịt tối hôm ấy được bày lên bàn ăn. Không, tôi không muốn cảm nhận vị thịt của ông đấy, bẩn tưởi và gớm guốc biết bao. Bụng tôi cuộn lên một sự cồn cào khó tả. Tôi nhìn vào mắt mẹ tôi khi bà cố gắng trấn an mình mà chẳng biết đối diện như nào, tôi biết tôi chẳng thể thốt lên thứ bà vừa nuốt khoảng chừng hai phút trước chính là người đàn ông chẳng coi bà ra gì được. Giờ là đã, đã từng chẳng coi bà ra gì.
Tôi sốt li bì hai ngày sau khi ngất đi trên bàn ăn.
Sự biến mất của bố tôi đã khuấy động xã hội một thời gian, rồi lại chìm nghỉm không còn ai đoái hoài tới. Cảnh sát vào cuộc, rồi lại lắc đầu bước ra để khép vào án treo.
Cái chết của bố tôi có lẽ cần được miêu tả thật kịch tính, thống thiết và dài, tỉ như Victor Hugo trong tiểu thuyết "Chín mươi ba". Nhưng tôi nghĩ điều ấy chẳng cần thiết. Tôi không thể kể lại lựa chọn của tôi bằng giọng văn sến súa, hối lỗi và bộ tịch ủy mị như vậy được. Cái chết của ông đấy là một sự mơ màng, lãng đãng, và qua giọng văn tôi thêu dệt trở nên tầm phào làm sao. Nếu gọi cái chết là một sự tầm phào, thì lời nói đó thực là quá độc ác. Nhưng tôi không muốn trải qua những gì tệ hại xong lúc về cầm bút lại khăng khăng muốn tả cảnh khốn cùng, để bắt bạn phải nhiều ít suy tư về một cuộc cách mạng lý tưởng và chiêm nghiệp về đời người có chiêm bao huyền hão. Thế thì kệch cỡm quá! Cảm giác như tôi đang nhặt nhạnh một câu chuyện bên vệ đường và kể lại cho bạn nghe một cách dè sẻn vậy.
Tôi hôn lên trán Jay. Người sẽ chẳng thể nào biết tôi đang nghĩ gì bây giờ. Tôi rủ rỉ với anh về miếng thịt thăn tối ngày đông ấy và những vệt máu lợn cợn đã bủa vây tâm trí tôi thế nào trong những đêm mưa rơi ồn ã trong khi mắt anh đang nhắm nghiền và tiếng thở đều vang lên. Tôi muốn anh biết, nhưng tôi cũng chẳng muốn hé với anh nửa lời về đôi giày trắng úa máu để trong chiếc hộp thiếc cạnh cái mộ lưu niệm chẳng mấy đẹp đẽ gì của bố tôi. Vậy đấy, anh.
Tôi dễ dàng quên đi các bất hạnh; nhưng tôi không thể quên những lỗi lầm, và càng ít quên những tình cảm của mình.
\
★
(viết lơ thơ chưa rõ chủ đích tui 0 biết nữa)
ra ngoài chạm cỏ mới thấy xã hội nó gàn dở như nào. nhắc mới nhớ bữa hôm đọc được cái văn vở là cái lúc năm xưa, vì dám viết ra bài thơ-thiên khảo luận táo bạo về tình yêu (tình yêu theo thi sĩ là để hướng đến khoái lạc chứ không phải để sinh con đẻ cái) mà ovid đã bị hoàng đế la mã august cho đi đày biệt xứ, thành ra đày đi rồi lại có danh có tiếng, rồi sau này người ta lôi cái đó ra làm đề tài. lẽ dĩ nhiên, nguyên nhân thực của hình phạt ấy có thể rất khác (có thể do mấy cái lẩn thẩn lơ thơ tay ném lá chân đá ống bơ) nhưng có ai dám đoan chắc chuyện đã không xảy ra đúng như vậy chớ.
nói chung là vì tình yêu trông thì như một lẽ đương nhiên nhưng lại là cấm kỵ lớn của loài người, và hình phạt sẽ đến với những kẻ liều lĩnh tìm cách hiểu nó. nói ra thì nghe lảm nhảm nhưng không ngoe khi bảo số phận của tất cả chúng ta đều thấm đẫm sự nước đôi (h tui lơ mơ viết sếch thì chắc cũng o bị đày đi biệt xứ đâu nhề, bảo trọng nhé các bồ tèo).
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top