Chuyện nhà thầy Phạm ở làng Sen

  — món quà số 2 • Chuyện nhà thầy Phạm ở làng Sen|22:00 • 24| hinniaudividesile

— được hỗ trợ vận chuyển bởi @irisARR

_________

  Nói đến đất Nam người ta thường hay nhắc tới mấy tay buôn lão luyện, giàu nứt đố đổ vách. Bị cái được này thì mất kia, con nít xứ này chuyện đèn sách lại tối dạ, ba má tụi nó cũng đốc thúc dữ lắm mà hổng có ăn thua. Vậy ấy mà làng Sen thì lại lắm người tài, từ độ chục năm nay cứ dăm ba năm lại có người vinh quy bái tổ, nghe dân trong làng nói được vậy là nhờ thầy Phạm cả.
   Thầy Phạm năm nay mới 20 mấy cái xuân xanh ấy vậy mà tài, đám trẻ thầy dạy lúc đầu ham chơi lười học lắm nhưng cắp sách theo thầy vài năm, không đỗ vào quan trường thì cũng thành ông này bà nọ. Mấy nhà phú hộ, lái buôn trong vùng nghe vậy cũng đem con tới nhờ thầy rèn chữ, ngặt nỗi cả làng có mỗi thầy Phạm dạy giỏi thành ra ai cũng gửi con cho thầy mà thầy đơn chiếc nên có lo xuể đâu. Vậy nên mỗi năm thầy nhận có hơn chục trò rồi thôi.
    Để mà nói về gia cảnh nhà thầy Phạm thì cũng thương lắm. Hồi nhỏ thầy mồ côi cha mẹ, đi chăn trâu cho mấy nhà giàu trong vùng để tự nuôi thân. Hàng xóm thấy vậy cũng thương nên hay rau cháo đỡ cho, ốm đau thì qua ngó thầy. Bởi, sống trong cái khổ thì mới biết mạnh mẽ vượt qua, hoàn cảnh ngặt nghèo vậy đó chớ thầy ham học lắm, cứ tranh thủ vừa làm vừa học, dăm ba bữa lại đứng trước cửa lớp của mấy thầy trong làng để học lỏm. Sau, thầy đi thi đỗ tận Thám Hoa mà thầy không chịu làm quan, về quê mở lớp dạy cho tụi nhỏ, tiền công cũng chẳng lấy nhiều, dân người ta thấy vậy nên tin tưởng gửi con cho thầy. Mới đầu có mỗi mấy đứa nhỏ trong làng học thôi, về sau cả xứ Nam nghe danh thầy nên nhiều người cũng lặn lội xa xôi tới bái sư.

  Trong làng Sen nhà giàu có nhất là nhà của ông Nghiêm, năm đời làm lái buôn lại có cụ tổ làm mệnh quan triều đình nên vừa có tiền vừa có tiếng. Ai trong dòng họ Nghiêm cũng có tài có đức ấy vậy mà tới đời ông Nghiêm Hào lại bạc phước. Cậu cả - Nghiêm Thành Hưng nhà ông suốt ngày chỉ biết tụ tập với mấy công tử nhà khác ăn chơi trác táng làm ông khổ tâm vô cùng. Đường cùng, ông đành nhờ thầy Phạm dạy dỗ thằng con trời đánh này. Ban đầu, thầy Phạm cũng từ chối dữ lắm nhưng nghĩ lại nhà ông Nghiêm tuy giàu có nhưng lại không có thói cậy tiền cậy quyền mà còn hay giúp đỡ dân nghèo nên thầy cũng mủi lòng mà chấp nhận.
  Cậu Nghiêm Thành Hưng nghe tới chuyện đi học là làm trận làm thượng không chịu. Cả nhà ông Nghiêm phải vừa khuyên nhủ vừa la mắng mới lôi được cậu tới lớp học. Mà cậu nào có ngoan ngoãn học hành gì đâu, bữa đi bữa nghỉ, vô lớp thì lại bày trò phá phách thầy. Mấy cậu học trò ở đó tức lắm, nhiều người muốn theo thầy rèn chữ mà còn không được, trong khi cậu may mắn được thầy dạy dỗ lại chẳng biết chăm chỉ học hành, nói vậy thôi chứ có làm gì được cậu ta đâu. Ai biểu nhà cậu ta vừa có quyền vừa có tiền làm chi. Thầy Phạm thì chẳng buồn nổi giận cứ mặc cậu mà giảng bài.
  Chuyện rồi cũng tới tai ông Nghiêm, cả nhà họ Nghiêm hôm đó gà bay chó sủa.
- Cái thằng phá gia chi tử, học hành thì chả ra cái đám ôn gì mà suốt ngày tập bè tập lũ theo cái đám hư đốn kia chơi bời. Sao tao dám giao lại cái cơ ngơi này cho mày mà nhắm mắt xuôi tay hả thằng nghịch tử!

- Cha cứ khéo lo, nhà mình buôn bán thì chỉ cần biết tính toán là được rồi, học ba con chữ đó làm chi cho mệt người.

- Ngu dốt! Một chữ bẻ đôi không biết thì làm sao mà chăm lo sổ sách giấy tờ, nói như mày thì tao vơ đại thằng ăn xin ngoài đường vào cũng đã ăn đứt mày rồi.

- Cha đừng có quá đáng, con làm sao mà so sánh với mấy thằng ăn xin đó được chứ.

- Ừ, mày cứ lo chơi bời mà quên cả học xem sau này mày có phải ăn xin không.

- Cha!

Trong lúc cha con nhà ông Nghiêm cãi vã nảy lửa, thầy Phạm thần thái thanh nhã bước vào.

- Chào ông Nghiêm. Hôm nay tôi đến đây để nói về tình hình rèn chữ của cậu cả nhưng có lẽ tôi đến không đúng lúc rồi.

- Ây, nào có. Mời thầy Phạm ngồi, thằng con nhà tôi quý hoá lắm mới được thầy quan tâm, thầy cứ nói, tôi xin nghe.

- Chuyện học hành có kiên trì được hay không cốt cũng là trong tâm mỗi người. Có lẽ cậu cả không thích học, cũng không cần tôi chỉ dạy nên tốt nhất là cứ cho cậu về theo ông mà học hỏi chuyện giao thương là được rồi.

- Không được! Thầy nể mặt tôi đừng đuổi học nó, tuy nó học hành chậm chạp nhưng nó thật tâm muốn học mà thầy Phạm ơi.

- Cha, con có muốn học đâu.

- Mày...

- Ông Nghiêm cứ bình tĩnh, không phải tôi đuổi học cậu cả đâu, tôi chỉ đang xem trọng suy nghĩ của cậu thôi, mong ông đừng hiểu lầm mà tội cho tôi.

- Thầy ơi, xin thầy suy nghĩ lại, 5 đời nhà tôi làm gì có thương nhân nào ngu dốt đâu, nó lại là con một, tôi không trông chờ vào nó thì biết trông chờ ai hả thầy. Mày còn đứng đó nữa, không biết năn nỉ thầy, hôm nay mày mà không giải quyết cho đàng hoàng thì đứng mong có một xu dính túi.

Cậu cả tức lắm nhưng cũng phải nghe lời cha mà đi học đàng hoàng, nói vậy thôi chứ cậu lên lớp toàn ngủ cả buổi rồi đi về; có hôm thì đọc được vài ba trang sách rồi lại bày trò phá thầy Phạm, thầy thì quen rồi nên chẳng để ý mấy trò vặt vãnh của cậu. Mãi cho đến hôm nọ. Quá chán nản với mấy con chữ im lìm, Nghiêm Thành Hưng lẻn vào thư phòng của thầy Phạm để phá phách, lục lọi một hồi cậu tìm được một cây bút bằng thủy tinh và một quyển sách bọc da trông lạ vô cùng. Hí hửng trở về thư quán, cậu gỡ toang miếng da bọc ngoài bìa sách xem xem ở trong có gì. Lại đến cây bút, cậu mài mực rồi nhúng thật đẫm đầu bút vào nghiên, đang say mê với thú vui mới cậu bỗng nghe tiếng bước chân dồn dập chạy đến.

- Nghiêm Thành Hưng! Cậu làm cái quái gì vậy hả?

* Choang * Cây bút rơi xuống, vỡ tan tành.

- Ôi trời, giật cả mình. Tôi mượn chơi có xíu mà thầy quát tôi to thế. Có mỗi cây bút với quyển sách bé tí mà thầy làm quá lên vậy. Thích thì tôi đền thầy, chả đáng mấy đồng bạc lẻ.

- Câm miệng lại. Cậu có biết đây là cây bút và quyển sách của sư phụ quá cố tặng cho tôi không? Tôi nâng niu chẳng dám dùng đến vậy mà cậu làm hư chúng nó, có bán cả cái mạng của cậu cũng chẳng xứng đền lại.

- Thì...thì tôi không biết thôi, ai bảo thầy không cất kĩ, coi như tôi xin lỗi thầy đi.

- Đi về đi.

- Hả?

- Tôi nói cậu về đi và đừng bao giờ đặt chân đến đây nữa. Còn ông Nghiêm, cứ để tôi nói chuyện với ông sau.

- Nè, thầy đuổi tôi à? Tôi không biết thật mà, tôi cũng xin lỗi rồi còn gì, thầy bình tĩnh đi.

- Về đi, tôi không còn gì để dạy cậu nữa.

- Thầy, thầy Phạm!

  Phạm Lộc Hàn quay đi, đây có lẽ là lần đầu tiên và là lần duy nhất thầy cảm thấy thất bại trong việc dạy học. Thầy dạy hắn học chữ nhưng chẳng thể dạy hắn làm người.

Chiều hôm đó, một bức thư được gửi đến Nghiêm gia, chẳng ai biết trong đó viết gì chỉ biết từ dạo ấy chẳng ai thấy cậu Nghiêm lui tới lớp học của thầy Phạm nữa. Nhưng trong suốt một năm ròng, ngày nào người ta cũng thấy một cây bút và một quyển sách lạ được gửi đến nhà thầy, thầy không dùng mà đem tặng cho lũ trẻ khó khăn trong làng.

Bẵng đi một năm nữa, lớp học của thầy Phạm vẫn như cũ.
Còn nhà họ Nghiêm, cậu cả nhà họ bỗng thay đổi chóng mặt, không ăn chơi phá phách nữa mà chí thú làm ăn, nối tiếp sự nghiệp của tổ tiên. Lạ hơn nữa là cậu cũng tự mày mò học hành, đến giờ đã thành thạo đọc viết, kiến thức cũng sâu rộng vô cùng.
Mỗi tháng cậu đi buôn một tuần, ba tuần còn lại cậu ở nhà mở lớp học miễn phí cho đám trẻ trong làng vào buổi tối. Chẳng ai biết tại sao cậu trở nên như vậy, duy chỉ có hai người.

- Chào cậu Nghiêm, cậu đến tìm tôi có việc gì?

- Thầy Phạm, tôi thành thật xin lỗi về chuyện ngày đó, tôi mong thầy tha thứ cho lỗi lầm của tôi. Tôi cũng biết không thể đền bù lại được cho thầy nhưng tôi đã cố gắng thay đổi, chỉ mong thầy đừng làm lơ tôi nữa.

- Chuyện cũng qua rồi, tôi không để bụng đâu, cậu đừng day dứt nữa. Tôi nghe nói cậu có dạy học cho bọn trẻ hả?

- Cũng không phải dạy học gì đâu thầy, chỉ là tôi biết gì thì chỉ chúng nó cho chúng nó biết chữ, sau này chúng đỡ khổ thôi.

- Vậy là tốt lắm rồi, cậu có thiếu gì thì cứ qua tìm tôi mà lấy. Hôm nào rảnh tôi sẽ sang giúp cậu.

- Thiệt hả thầy? Được vậy thì tốt quá. Cảm ơn thầy nhiều lắm.

Từ đó, cứ cách vài hôm Phạm Lộc Hàn lại sang đứng lớp cho Nghiêm Thành Hưng, dần dà hai người cũng trở nên thân thiết lúc nào không hay.

- Lộc Hàn, tôi đem mấy thứ đồ phương Bắc cho anh nè.

- Phiền cậu quá, cậu đi buôn đã mệt còn mang đồ về cho tôi nữa.

- Ôi, phiền gì đâu, anh thích là tôi vui rồi.

...

- Thành Hưng, bạn tôi trên Kinh gửi về mấy quyển sách hay lắm, tôi đem sang cho cậu này

- Sao anh không để đấy chiều tôi sang lấy, trời nắng chang chang thế này mà anh chạy qua làm gì?

- Có gì đâu, cũng gần mà. Với lại tôi nghĩ cậu thích nên đem cho cậu ngay.

Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, Phạm Lộc Hàn cũng không còn giận chuyện ngày ấy mà ngược lại còn có cảm tình với cậu thiếu gia này nhiều hơn. Ai mà nghĩ tới, một người căm thù việc học nay lại trở thành thầy giáo của người ta đâu. Còn Nghiêm Thành Hưng, ban đầu vì cảm thấy có lỗi mà tiếp cận thầy Phạm nhưng dần dà cậu lại nhận ra trái tim mình loạn nhịp mỗi khi đứng gần thầy, có đồ quý đồ tốt cũng muốn chia sẻ với thầy đầu tiên, người ta bảo: Cậu cả nhà ông Nghiêm biết yêu rồi.

- Cha, con có chuyện muốn nói.

- Chuyện gì, con nói đi.

- Cha... Cha hỏi cưới thầy Phạm cho con nha?

- Cái gì? Mày giỡn hả Hưng? Mày với thầy đều là con trai thì làm sao nối dõi tông đường được? Chưa kể người ta cao quý, ai lại ngó ngàng đến mày hả con?

- Cha, dù gì nhà mình cũng giàu có nhất nhì xứ này còn thầy lại là người uyên bác không ai bằng. Nói ra chẳng phải môn đăng hộ đối thì là gì? Còn cái chuyện con cái cha khỏi có lo, con tính hết cả rồi. Vậy, cha hỏi cưới thầy cho con nha?

- Chậc, con với cái, hết nói nổi mày. Để tao nhờ bà mối coi sao.

Mồng 4 tháng Giêng, pháo hoa rợp trời, trống nhạc rộn ràng, người người xúng xính áo quần đến dự đám cưới lớn nhất xứ Nam. Đôi tân lang rạng rỡ ra mắt gia tiên, tiếng chúc mừng không ngớt.
Hôm ấy, Phạm Lộc Hàn về với Nghiêm Thành Hưng. Đôi trẻ hạnh phúc đến bạc đầu răng long.
Một năm sau, nhà ông Nghiêm đón cậu quý tử Nghiêm Thành Nhân, gia đình viên mãn.
__________

— món quà số hai mươi bốn • Đừng táy máy | 23:00 • 24 | vthaovi

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top