Chương 25: Lấy lá đựng cá

Hoàng Tử Hà thoáng sững ra, rồi lập tực ngồi thụp xuống, dùng tay vốc cá lên.

Lý Thư Bạch nuôi con cá này đã lâu, nó chính là sắc màu tươi sáng duy nhất trong cuộc đời tất bật mà tẻ nhạt của y, để y ngắm nhìn những lúc được thảnh thơi hiếm hoi.

Bởi vậy, khi nâng nó trong lòng bàn tay, Hoàng Tử Hà cũng hơi hối hận.

Cô không thể để nó chết, không thể chính tay làm hỏng màu sắc tươi sáng duy nhất của y.

Nước trong chậu rửa bút đã nhuốm màu mực, trà trong ấm lại nóng, cá không sống nổi. Hoàng Tử Hà quay phắt người chạy vụt ra ngoài, đài Chẩm Lưu xây bên bờ hồ, bốn bề rợp những hoa sen, xuống mấy bậc thềm là chạm vào mặt nước.

Cô nhúng hai bàn tay đang khum khum giữ cá xuống nước, thấy nó lại quẫy đuôi lật mình lại, mới thở phào nhẹ nhõm ngước nhìn y.

Lý Thư Bạch đứng trong phòng, cặp mắt sâu thăm thẳm dõi theo cô, chỉ thấy cô bưng cá trong tay, đăng lặng lẽ nhìn y.

Quỳ vương thoáng khựng lại, rồi với lấy một chiếc tước* bằng đồng điếu trên giá đồ cổ, bước đến cạnh cô.

* Một loại chén cổ dùng để uống rượu, có ba chân, rất thịnh hành trong giới quý tộc trước thời Tần.

Nhưng đúng vào lúc Hoàng Tử Hà bưng cá lên định thả vào tước, con cá bỗng hoảng hốt búng mình vọt ra khỏi tay cô, lao thẳng xuống nước.

Một vòng sóng gợn loang ra, con cá vừa rơi xuống đã lẩn mất hút.

Hoàng Tử Hà kinh hãi ngồi thụp xuống bên hồ, còn kịp trông thấy Lý Thư Bạch tái mặt.

Hồ rộng mênh mông, lại trồng đầy sen, trong khi con cá chỉ bé bằng đốt ngón tay. Dù nhổ hết sen trong hồ rồi rút cạn nước đi, cũng không cách nào tìm được một con cá bé như thế.

Hoàng Tử Hà thấy đôi mày Lý Thư Bạch cau rúm lại.

Y luôn mang chiếc bình lưu ly có con cá nhỏ này theo bên mình. Lần đầu gặp gỡ, y đã nói, nó liên quan tới một bí mật mà ngay hoàng thượng cũng không thể hỏi tới. Vậy mà, chính tay cô lại làm mất nó.

Hoàng Tử Hà đứng bên bờ, vốc nước trong tay đổ ướt cả vạt áo, cô nơm nớp ngẩng lên nhìn Lý Thư Bạch, xong y chẳng buồn nhìn cô, cũng chẳng nói năng gì, hồi lâu mới quay người đi vào.

Còn lại một mình Hoàng Tử Hà đứng đó, gió lay sen động, tà dương rực rỡ, khiến mọi vật trước mắt cô nhòa hẳn đi.

Hồi tưởng lại bốn năm trước, cũng vào một ngày hè thế này, cô chân trần lột xuống hồ hái sen, nghe thấy tiếng cha gọi bèn ngoái đầu lại, bắt gặp Vũ Tuyên đứng phía sau cha, giữa ráng chiều vàng rực, đang lặng lẽ nhìn mình.

Nụ cười cùng ánh mắt đăm đăm của hắn trong khoảnh khắc ấy đã thay đổi cả cuộc đời cô.

Cô bỗng thấy cả người bải hoải, bèn ngồi phịch xuống, thẫn thờ nhìn ra mặt hồ.

Hôm ấy, cha dẫn Vũ Tuyên về nhà, nói rằng hắn là trẻ lang thang, mồ côi cha mẹ, nương náu trong ngôi chùa đổ. Một người bạn cũ của cha mở trường dạy học, thấy có đứa ăn mày thường mon men đến đứng ngoài cửa sổ nghe giảng, hỏi câu nào hắn cũng đối đáp trôi chảy, khiến người ta phải tấm tắc. Lại hỏi hắn học chữ từ đâu, hắn nói lúc trước nhặt được một cuốn sách, nghe người ta nói là Kinh Thi, gặp đúng lúc thầy giáo ở trường bắt đầu giảng Kinh Thi, hắn bèn chiếu theo những gì thầy giáo dạy, học thuộc các chữ trong bài, học hết chữ trong Kinh Thi, hắn lại xin những sách cũ người ta vứt đi, dựa vào vốn chữ học được từ Kinh Thi mà bập bõm đọc hết tứ thư ngũ kinh. Tiên sinh kia nghe nói cũng rung động trước thiên tài của hắn, bèn kể với cha cô, cha cô vừa gặp Vũ Tuyên đã động lòng tiếc tài, liền dẫn hắn về nhà.

Đúng thế, một thiếu niên lưu lạc giữa đời như Vũ Tuyên, ai lại không rủ lòng thương xót?

Hoàng Tử Hà ngồi trên thềm, gục mặt vào đầu gối, lặng lẽ nhìn phiến lá sen xoay trong gió.

Gió đã se se, trời sắp sập tồi. Gió thổi đến đâu, cuốn theo lớp lớp lá sen lay động đến đó, nhìn như muôn ngàn đợt sóng.

Lòng cô cũng xáo động như sóng, khó mà dẹp yên được.

Vũ Tuyên nói, ta đợi muội ở Thành Đô.

Nhưng người đã hứa sẽ dẫn cô tới Thành Đô, giờ lại đang nổi giận.

Hơn nữa còn rất tức giận.

Cô bất giác thở dài.

Tuy cô biết Lý Thư Bạch sẽ không vì thế mà nuốt lời, nhưng cô không muốn y cáu giận vì mình.

Bởi...

Cô nhớ y từng nói, trí nhớ của cá chỉ bằng bảy cái búng tay, bất kể đối tốt hay xử tệ với nó nhường nào, thì sau bảy cái búng tay, nó cũng quên hết.

Nhưng cô không phải giống cá dễ dàng lãng quên người khác chỉ sau bảy cái búng tay.

Cô nghĩ, lẽ ra lúc đó nên thưa với y rằng mình không phải cá, dù bảy tháng, bảy năm, bảy mươi năm cũng không quên những người đã khắc cốt ghi tâm.

Nghĩ đoạn, cô đưa ngón tay lên miệng cắn thật mạnh.

"A Già Thập Niết thích nhất máu người. Nghe nói Quỳ vương cũng nuôi một con, Dương công công nhớ đem bí quyết này mách lại với vương."

Trong cung Thái Cực, Vương Tông Thực từng nói với cô như vậy.

Cắn rách ngón tay, một giọt máu đỏ tươi tức thì ứa ra, nhỏ xuống mặt nước dưới chân.

Trời đã nhá nhem, cuối chân trời ngả màu tím sẫm, cô đang vớt vát chút ánh sáng cuối ngày đề dụ con cá kia ra.

Máu tươi nhỏ xuống nước, loang ra, tan biến.

Cô đợi một lúc, thấy mặt nước không có động tĩnh gì, bèn nặn vết thương, nhỏ thêm hai giọt máu xuống.

Máu đỏ tan vào làn nước trong vắt, sóng chỉ hơi gợn lên.

"Ngươi làm gì vậy?" Sau lưng vang lên một giọng thanh thanh lạnh lùng.

Cô không ngoái lại mà cúi đầu chăm chú quan sát mặt nước, đáp khẽ: "Nô tài đang thử xem nó còn ở quanh đây không."

"Dù còn, chẳng lẽ ngửi mùi máu ngươi nó lại bơi ra sao?"

Hoàng Tử Hà không đáp, bởi dưới bóng chiều nhập nhoạng, cô đã trông thấy con cá nhỏ từ sau một gốc sen, chầm chậm bơi về phía mình.

Qua nhiên nó vẫn nấp quanh đây.

Cô chậm rãi nhúng tay xuống nước, lập tức máu từ vết thương loang ra thành một sợi dây mỏng nhanh, phất phơ trong nước, tan thành hư vô.

Nhưng con cá nhỏ kia lại như bị sợi dây vô hình ấy lôi kéo, bơi về phía tay cô.

Cô từ từ nâng dần tay lên, tới khi sắp nhấc khỏi mặt nước thì thình lình ụp hai bàn tay lại, giữ chặt con cá nhỏ bên trong, rồi vui vẻ quay lại gọi y: "Gia mau đem cái gì ra đựng cá đi."

Nụ cười của cô bừng lên rạng rỡ trong ánh sáng rơi rớt cuối ngày, khiến Lý Thư Bạch ngẩn ngơ.

Y lặng lẽ chìa cái tước đồng khi nãy ra, để cô bỏ cá vào.

Cô giơ đôi tay ướt sũng lên, cúi nhìn con cá nhỏ trong lòng chiếc tước đồng cổ kính. Thoạt tiên, nó còn hốt hoảng quẫy đuôi, nhưng chỉ lát sau liền bắt đầu bơi nhởn nhơ, xem chừng đã quen với hoàn cảnh lạ lẫm này.

Cô thò ngón tay vào trên nó, mắng yêu: "Nguy hiểm quá, suýt nữa để mày chuồn mất rồi."

"Sao ngươi biết nó thích mùi máu?" Lý Thư Bạch chăm chú nhìn gương mặt nghiêng tươi cười của cô, giọng trầm xuống.

Hoàng Tử Hà ngẩng lên, thành thật đáp: "Vương công công, Vương Tông Thực bảo cho tôi biết."

Lý Thư Bạch bất giác nhíu mày: "Sao ngươi lại quen hắn ta?"

"Tôi từng gặp ông ta trong cung Thái Cực hai lần. Hôm Đồng Xương công chúa qua đời, hai tay tôi dính đầy máu công chúa, Vương công công bèn nhúng tay tôi vào chậu cá của ông ấy, ngay lập tức, lũ cá lao đến liếm sạch máu tươi..." Kể đến đó, cô vẫn không nén nổi cảm giác ghê tởm, sởn cả gai ốc.

Lý Thư Bạch làm thinh thật lâu rồi cầm lấy chiếc tước đồng, lặng lẽ nhìn con cá bên trong: "Ta nuôi con cá này mười năm rồi."

Hoàng Tử Hà ngạc nhiên hỏi lại: "Mười năm rồi ư?"

Nuôi mười năm mới lớn bằng ấy, hơn nữa còn chưa chết.

"Phải, mười năm rồi. Vào đúng hôm phụ hoàng băng hà. Ngươi đoán xem ta tìm thấy nó ở đâu?" Lý Thư Bạch ngước lên nhìn cô, ánh mắt đầy thâm ý: "Giữa vũng máu phụ hoàng khạc ra. Nó quẫy mình vùng vẫy trong máu. Bấy giờ ta đang bưng một bát nước, dùng khăn bông thấm nước lau miệng cho phụ hoàng. Nào ngờ Chiêu vương, bấy giờ còn bé, lại nhặt con cá lên, bỏ vào bát nước trên tay ta."

Ánh mắt y dần trở nên xa xăm, như đang nhìn xuyên qua mười năm thời gian, trông thấy một bản thân bơ vơ năm ấy.

"Ta vội đặt bát nước lên bậu cửa sổ, mãi tới sau khi phụ hoàng qua đời, hoàng thượng đăng cơ, ta chuẩn bị rời khỏi cung Đại Minh, mới sực nhớ đến nó, bèn tới tẩm cung của phụ hoàng xem thử, thì thấy nó vẫn nhởn nhơ bơi lượn trong bát. Mọi chuyện xảy ra trên đời chẳng liên quan gì tới nó, dù trời có sập xuống, nó cũng chỉ cần một bát nước, là đủ sống thảnh thơi như thường."

Y hơi nghiêng tước đồng, lớp gỉ đồng làm làn nước bên trong nhốm màu xanh lục, khiến con cá đỏ rực càng thêm nổi bật.

"Ta đem nó ra khỏi cung, về phủ đệ của mình. Mười năm, ta từ Quỳ vương trở thành Thông vương rồi lại thành Quỳ vương, từ một thiếu niên ngờ nghệch đến bây giớ, thật chẳng ngờ, kẻ bầu bạn bên mình lâu nhất, lại là con cá này." Y lặng lẽ nhìn con cá đang bơi trong nước, loài sinh vật dễ dàng quên sạch mọi thứ chỉ trong bảy cái búng tay này, sống thực thảnh thơi thoải mái.

Không có tri giác, nên chẳng có lo phiền.

Hoàng Tử Hà cũng đang chăm chú nhìn nó, nói khẽ: "Tôi nghe nói... tiên hoàng uống lầm đan dược, không lâu thì qua đời."

"Phải." Lý Thư Bạch xưa nay vốn hờ hững với mọi người xung quanh, cuối cùng cũng thở dài một tiếng, ngẩng lên nhìn cô, cặp mắt y thật sâu, thật tối, "Tại sao lúc hấp hối phụ hoàng lại khạc ra con cá này? Câu hỏi này đã đeo đẳng ta suốt mười năm nay. Giống như lá bùa không thể xuất hiện kia vậy, khiến ta nghĩ nát óc mà không sao hiểu nổi, cũng chẳng thể sống yên. Bây giờ... lại xuất hiện bức tuyệt bút của phụ hoàng, cùng ba mảng mực không thể lý giải ấy nữa."

Hoàng Tử Hà cúi đầu nhìn vết thương trên tay, nói khẽ: "Vương Tông Thực cũng có A Già Thập Niết."

"Hắn ta cứ ở riết trong nhà, hiếm khi giao du với người ngoài, nhưng lại rất thích nuôi cá, đặc biệt là những giống quý hiếm, có A Già Thập Niết cũng chẳng có gì lạ."

Lý Thư Bạch đứng dậy, đặt chiếc tước đồng lên giá, chậm rãi nói: "Lúc tiên hoàng băng hà, Vương Tông Thực cũng ở bên cạnh."

Hoàng Tử Hà biết y có cùng ý nghĩ với mình, nhưng không nói ra. Dù sao có những chuyện, dẫu bên cạnh không người, cũng không nên phỏng đoán.

Lý Thư Bạch nhìn sắc trời ngoài cửa rồi đổi chủ đề: "Sáng mai ngươi định ăn nói thế nào với Đại Lý Tự?"

Cô trịnh trọng nhìn y: "Nô tài muốn thỉnh giáo vương gia một chuyện."

Y không trả lời, chỉ nghiêng đầu liếc cô.

"Nếu người được phủ Quỳ vương bảo lãnh lại bỏ trốn, sẽ gây ra phiền phức thế nào?"

Nhìn vẻ mặt thận trọng pha lẫn lo âu của cô, Lý Thư Bạch khẽ cười: "Nếu không phải muốn cô ta trốn đi, thì ta bảo lãnh cô ta ra làm gì?"

Vỏn vẹn một câu như vậy, xong Hoàng Tử Hà lại trợn tròn mắt nhìn y, vừa kinh ngạc vừa kích động.

Gương mặt y thoáng qua một nụ cười hiếm hoi, tựa như gió đên xua hết mây mờ, để lộ vầng trăng tháng Năm vằng vặc giữa thinh không. Tuy chỉ thoáng qua, xong lại khiến cô bàng hoàng ngơ ngẩn, ngây người ra đó.

"Có điều chút chuyện vặt này tùy tiện động tay chẳng phải có thể tránh được ư? Sao phải khiến mình bị rầy rà?" Y nói thêm.

Hoàng Tử Hà chẳng buồn tìm hiểu cách làm của y, chỉ hỏi: "Vương gia... đã biết ai là hung thủ rồi ư?"

"Đoán được rồi, nhưng vẫn còn vài tình tiết nhỏ chưa khớp, coi như phá giải được một nửa đi. Còn ngươi?"

Cô nhoẻn cười tươi tắn: "Toàn bộ."

Lý Thư Bạch ngạc nhiên nhìn nụ cười tự tin của cô, bỗng ngẩn ngơ: "Ngươi đoán được toàn bộ... ba vụ án không manh mối, di bút của tiên hoàng, cách tạo ra hiện tượng trời phạt cùng động cơ của mỗi người rồi ư?"

"Vâng." Cô gật đầu đầy quả quyết, "Vụ án này kết thúc rồi."

Vầng dương vừa lên đến đầu ngọn cây đã ra oai, chiếu khắp cả Đại Lý Tự, xem ra hôm nay lại là một ngày nóng bức.

Hôm nay, tam pháp ty hội thẩm. Ba vị trưởng quan của Ngự Sử Đài, bộ Hình và Đại Lý Tự dàn hàng ngang ngồi trên. Theo lệ, khi tam ty hội thẩm, Đại Lý Tự sẽ nêu chứng cứ, định án, bộ Hình phán quyết còn Ngự Sử Đài giám sát chung.

Đại Lý Tự xưa nay đều do thiếu khanh chủ trì. Thấy Hoàng Tử Hà theo sau Lý Thư Bạch, Thôi Thuần Trạm nhìn cô đầy ai oán, thiếu điều la lên: Xin công công đấy, hôm nay công công đừng lên tiếng, cứ kết án thế này đi!

Thượng thư bộ Hình Vương Lân, đương nhiên còn nhớ rõ Hoàng Tử Hà là kẻ đầu sỏ đẩy Vương hoàng hậu vào cung Thái Cực, nên chẳng buồn nhìn cô, chỉ khẽ gật đầu với Lý Thư Bạch.

Thị ngự sử trung thừa của Ngự Sử Đài là Tưởng Quỳ, đương nhiên hết sức coi thường vụ án mạng mà mình xui xẻo phải giám thẩm, chẳng qua vì trong số nạn nhân có một vị công chúa nên mới miễn cưỡng ngồi vào vị trí này, khoanh tay nhắm mắt dưỡng thần.

Mọi người có liên quan tới vụ này lần lượt tới đông đủ.

Phò mã và Ngạc vương ngồi một bên. Phò mã cứ ngây ra nhìn hoa văn trên chiếc hộp Ngạc vương mang theo, vẻ mặt bàng hoàng, dáng người gầy võ.

Bốn ả Thùy Châu, Lạc Bội, Trụy Ngọc, Khuynh Bích đứng phía sau, lộ vẻ lo âu ra mặt, chẳng biết kết cục bản thân sẽ ra sao.

Trương Hàng Anh và Lữ Tích Thúy sóng vai đứng dưới công đường, Tích Thúy trông rất võ vàng, sắt mặt tái mét. Trương Hàng Anh lặng lẽ nắm tay nàng trấn án.

Lữ Chí Nguyên đứng dưới bóng râm cách đó không xa, cúi đầu nhìn chằm chằm mảng rêu xanh dưới chân.

Tiền Quan Sách bị giải từ đại lao sang, rũ rượi dựa vào cột nhà, cả người rệu rã, run lên bần bật, mặt xám ngoét.

Bấy nhiêu người, chỉ có Chu Tử Tần vẫn phởn phơ như thường, vận một bộ đồ lòe loẹt, hớn hở vẫy Lý Thư Bạch và Hoàng Tử Hà lia lịa: "Tôi theo vụ này lâu nay nên tuy không được gọi vẫn đến dự thẩm, vương gia không trách tội chứ?"

"Tử Tần cứ tự nhiên, miễn là lát nữa nếu không được hỏi thì đừng lên tiếng." Chỉ một câu của Lý Thư Bạch đã chặn đứng ý định gây rối của Chu Tử Tần, gã đành xị mặt gật đầu.

Đại Lý Tự kê ghế cho Lý Thư Bạch ngồi cạnh Ngạc vương. Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần đứng phía sau y, người trầm tư, kẻ dáo dác ngó nghiêng.

Lý Nhuận quay sang nhìn Hoàng Tử Hà, nở nụ cười ôn hòa quen thuộc: "Dương công công, chân tướng vụ án này đã rõ, hẳn công công cũng có thể thở phào nhẹ nhõm thảnh thơi đôi phần, sao trông vẫn trùng trùng tâm sự, muôn mối tơ vò thế kia?"

Hoàng Tử Hà ngượng ngùng cúi đầu: "Thưa vâng, đa tạ Ngạc vương gia quan tâm."

Lý Nhuận lại quay sang khẽ hỏi Lý Thư Bạch: "Tứ ca dặn đệ mạng bức họa kia tới làm gì vậy?"

Lý Thư Bạch gật đầu: "Ừm, các thủ pháp trong vụ án này, xem ra đều bắt nguồn từ di bút của phụ hoàng cả đấy."

Lý Nhuận nghi hoặc hỏi: "Nhưng... phụ hoàng qua đời mười năm nay rồi, sao giờ lại dính dáng đến một vụ án thế này?"

Lý Thư Bạch chưa kịp đáp thì thấy một đám hoạn quan sắp hàng từ ngoài cửa tiến vào, ra là hoàng đế đến.

Đi cùng ngài ngự còn có Quách thục phi. Người của Đại Lý Tự vội vã chạy ra sau bê ghế lên, để phi ngồi phía sau hoàng đế.

Đợi mọi người ai vào chỗ nấy, Thôi Thuần Trạm vỗ bàn, cả công đường tức thì lặng phắc.

Bản cung khai của Tiền Quan Sách đã được sao chép rõ ràng trình lên, chỉ đợi kí tên điểm chỉ.

"Tiền Quan Sách, ngươi giết hại Đồng Xương công chúa, Ngụy Hỷ Mẫn, Tôn ghẻ, chứng cứ rành rành, còn không mau thuật lại quá trình gây án, nhận tội chịu hình?"

Tiền Quan Sách béo tốt phương phi, sau mấy ngày bị hành hạ đã sọp hẳn đi, tuy vẫn còn mập mạp nhưng đã trở nên thất thần đờ đẫn, như một cái xác không hồn.

Chỉ thấy hắn tóc tai rũ rượi, mặc áo tù, ngồi bệt dưới đất như một chiếc bong bóng lợn.Nghe Thôi Thuần Trạm hỏi, hắn run rấy toan chống tay thẳng người dậy trả lời, xong hai tay đã phồng dộp, lại bị ngâm nước đến trắng bợt ra, mười ngón tay không còn một cái móng, đau đớn không sao chịu nổi, đành ngồi bệt tại chỗ rên rỉ: "Tội nhân... nhận tội..."

"Mau thành thật khai ra!"

"Tội nhân... thèm thuồng kỳ trân dị bảo ở phủ công chúa, nên đã mua chuộc hoạn quan thân cận công chúa là Ngụy Hỷ Mẫn, cùng nhau đánh cắp cóc vàng. Người nhà tội nhân không hay biết gì cả, vì tội nhân luôn giấu kín..."

Thôi Thuần Trạm chẳng thèm đếm xỉa tới lời họ Tiền phân trần, hỏi thẳng: "Ngụy Hỷ Mẫn làm sao mà chết?"

"Là vì... chia chác không đều nên hắn trở mặt, tội nhân sợ lộ chuyện, bèn... nhân lúc cùng đến chùa Tiến Phúc dự pháp hội, thừa cơ cây nên bắt cháy, xô hắn vào đống lửa..."

"Còn Tôn ghẻ?"

"Là vì..." Tiền Quan Sách đờ đẫn mấp máy môi, sắc mặt xám ngoét, hai hốc mắt trũng sâu, tăm tối: "Lúc tội nhân sát hại Ngụy Hỷ Mẫn, xui xẻo bị hắn bắt gặp, rồi vin vào đó để uy hiếp, tội nhân đành thừa cơ nạo vét đường nước, cho người dưới lui ra hết, lẻn vào giết chết hắn..."

Thôi Thuần Trạm liếc nhìn hoàng đế, thấy ngài ngự chăm chú lắng nghe mới hơi yên lòng, hỏi tiếp: "Vậy vì sao ngươi lại sát hại Đồng Xương công chúa?"

"Tội nhân... Tội nhân..." Tiền Quan Sách mấp máy môi, lấm lét liếc hoàng đế cùng mấy người ngồi phía sau, hồi lâu không dám nói tiếp.

Thôi Thuần Trạm đập bàn quát: "Nếu không muốn bản quan dùng hình, thì mau khai ra!"

"Là... tội nhân chưa dứt lòng tham, nghe nói công chúa mơ thấy cây trâm Cửu loan biến mất, nên lại lẻn vào phủ công chúa trộm cây trâm đi... nào ngờ hôm đó lúc đi trên phố, tội nhân nổi hứng rút ra xem, bị công chúa trông thấy, đuổi theo đến chỗ vắng, tội nhân nhất thời lỡ tay..."

Sắc mặt hoàng đế sa sầm, trừng trừng nhìn Tiền Quan Sách đầy căm hận và tuyệt vọng, lúc này đây, ngài ngự chỉ hận rằng mình không phải một người dân thường để xông tới đánh cho hung thủ giết hại con gái một trận nhừ tử, ít ra cũng trút được phần nào oán giận.

Quách thục phi nghiến răng đứng phắt dậy gào lên: "Xin hoàng thượng xử quyết hắn ngay tại công đường, báo thù cho Linh Huy!"

Hoàng đế nghiến răng, giơ tay ngăn phi lại: "Có tam pháp ty ở đây, cần gì chúng ta ra tay!"

Hoàng Tử Hà đứng sau lưng Lý Thư Bạch, chăm chú lắng nghe Tiền Quan Sách cung khai.

Tiền Quan Sách mình đầy thương tích, nửa như rên rỉ nửa như lẩm bẩm: "Tất cả... đều do một tay tội nhân gây ra, vợ con bạn bè không hề liên quan... tội nhân nhận tội..."

"Đã vậy thì ký tên điểm chỉ đi." Thôi Thuần Trạm cầm bản cung do Đại Lý Tự ghi lại xem qua một lượt, rồi sai người đem xuống cho Tiền Quan Sách điểm chỉ.

Tiền Quan Sách nằm mọp dưới đất, gắng gượng nhỏm dậy đọc một lượt, rồi giơ bàn tay tưa tướp máu me cầm bút lên, nhắm nghiền mắt, chuẩn bị ký tên.

Đúng lúc này, chợt nghe "bịch..." một tiếng, phá vỡ bầu không khí yên tĩnh trên công đường.

Là Tích Thúy, có lẽ vì quá khiếp sợ, thân thể lại yếu sẵn, nên ngã lăn ra ngất xỉu.

Tay Tiền Quan Sách bất giác run bắn lên, vạch thành một vệt dài trên bản cung.

Hoàng Tử Hà đứng cạnh Tích Thúy vội giơ tay ra đỡ lấy nàng. Trương Hàng Anh lo lắng nhìn sang, chỉ thấy ánh mắt Tích Thúy đờ ra, cả người lạnh buốt, vội lên tiếng tâu trình: "Bẩm Thôi đại nhân, A Địch... Tích Thúy sau khi rời Đại Lý Tự thân thể suy yếu, e rằng không thể nghe thẩm vấn được nữa..."

Thôi Thuần Trạm nhìn gương mặt xám ngoét của Tích Thúy, cũng thấy không ổn, bèn quay sang dò ý hoàng đế.

Hoàng đế vẫn không rời mắt khỏi Tiền Quan Sách, hỏi: "Cô ta là ai?"

"Là nghi phạm ban đầu, nhưng giờ đã chứng minh được cô ta không liên qua tới vụ này. Vì khi công chúa bị sát hại, cô ta đang bị giam trong Đại Lý Tự."

Ngài ngự liền xua tay: "Còn không mau cho những kẻ không liên quan ra ngoài đi."

Trương Hàng Anh cả mừng, vội đỡ lấy Tích Thúy, toan dìu nàng ra ngoài, nào ngờ Thôi Thuần Trạm lại nói: "Trương Hàng Anh, ngươi có liên quan tới vụ này, không được tự ý rời khỏi công đường."

Lý Thư Bạch liền ra hiệu cho Cảnh Hữu dìu Tích Thúy lui xuống.

Tích Thúy ngỡ ngàng, vừa nãy đang yên đang lành, Hoàng Tử Hà bỗng chạm nhẹ vào vai nàng, tứ thì nàng ngửi thấy một mùi hương lạ, rồi ngã xuống ngất lịm. Nhưng nàng chỉ ngất đi trong chốc lát, đã tỉnh táo lại ngay.

Tích Thúy nhìn sang Trương Hàng Anh, đang định lên tiếng bảo mình không sao, thì nghe Hoàng Tử Hà ghé tai nói khẽ: "Đi đi!"

Nàng tròn mắt ngạc nhiên, định quay lại nhìn Hoàng Tử Hà, hỏi xem cô nói vậy là ý gì, nhưng Hoàng Tử Hà đã băng qua nàng, đi đến trước công đường.

Tích Thúy được Cảnh Hữu dìu ra cổng. Nha sai canh cổng Đại Lý Tự trỏ Tích Thúy hỏi: "Công công, có chuyện gì thế?"

"Hình như cô ta mắc bệnh, hoàng thượng khẩu dụ, lập tức đưa ra ngoài." Đoạn Cảnh Hữu buông nàng ra, tỏ ý: "Còn không mau đi đi?"

Tích Thúy đứng giữa trời nắng gắt, nhìn cổng lớn của Đại Lý Tự, chợt thấy choáng váng cả người.

Giọng Hoàng Tử Hà lại văng vẳng bên tai: "Đi đi!"

Nàng lưỡng lự, rồi quay ngoắt người rảo bước đi thẳng, hòa vào dòng người tấp nập qua lại trên đại lộ Chu Tước.

Đại Lý Tự đã sao lại một bản cung mới, đưa tới trước mặt Tiền Quan Sách.

Tiền Quan Sách nhìn bản cung, run rẩy cầm bút lên, giương cặp mắt khô khốc nhìn Thôi Thuần Trạm vẻ van nài.

Thôi Thuần Trạm gật đầu giục: "Ngươi nhận tội cho mau, có lẽ còn giữ được tính mạng của người nhà."

Ánh mắt Tiền Quan Sách đầy tuyệt vọng, nghiến răng nhắm mắt lại, toan ký tên.

"Đợi đã."

Chợt một giọng thâm trầm thong thả vang lên, phá tan bầu không khí yên tĩnh.

Thôi Thuần Trạm chỉ mong mọi chuyện suôn sẻ, đầu xuôi đuôi lọt, giờ hiểu ra mình không tránh khỏi trở ngại này, đành nhăn mặt nhìn lên thượng cấp ngồi trên.

Mọi người trên công đường cũng đổ dồn mắt về phía người vừa lên tiếng.

Kẻ này, đương nhiên là Quỳ vương Lý Thư Bạch.

Y ngồi thẳng người dậy, trầm ngâm hỏi: "Thôi thiếu khanh, vụ này do thiếu khanh điều tra, xong bản vương còn mấy điểm chưa rõ, mong thiếu khanh giải thích cho."

Thôi Thuần Trạm suýt rơi nước mắt. Quỳ vương gia ơi là Quỳ vương gia, gia có biết vụ này liên quan đến tính mạng gia đình dòng tộc của hết thảy người trên kẻ dưới Đại Lý Tự hay không? Gia cũng có biết mình là người cao nhất trong Đại Lý Tự hay không chứ?

"Xin... vương gia cứ hỏi."

"Nếu thoạt đầu phải thông qua Ngụy Hỷ Mẫn để đánh cắp cóc vàng, thì tại sao về sau chỉ một mình Tiền Quan Sách lại có thể trộm trâm Cửu loan đi? Hơn nữa ta nghe nói sau khi Đồng Xương công chúa gặp ác mộng, lo rằng có người lấy trộm trâm Cửu loan, nên đã cho cất giữ thật kỹ. Nếu không có Ngụy Hỷ Mẫn phối hợp, làm sao phạm nhân đánh cắp được cây trâm?"

Cả công đường lặng phắc như tờ, mọi người đều trầm ngâm nghĩ ngợi, không ai dám lên tiếng.

Hoàng đế nhìn sang Thôi Thuần Trạm: "Thôi thiếu khanh."

Thôi Thuần Trạm không dám đáp lời, mồ hôi đã đầm đìa lưng áo: "Thần... Thần vẫn..."

Thấy hắn lúng túng, hoàng đế lại trỏ Tiền Quan Sách đang nửa quỳ nửa bò rạp dưới đất: "Ngươi nói xem!"

Tiền Quan Sách run cầm cập, quỳ mọp dưới đất, không thốt nổi lên lời.

Hoàng đế nghiến răng quát: "Còn không mau khai ra, trẫm sẽ tru di chín họ nhà ngươi!"

Tiền Quan Sách cuống lên, lập cập thưa: "Tội nhân... Tội nhân từng dẫn một đám thợ tới phủ công chúa sửa sang đường nước... Tội nhân theo đường nước lẻn vào..."

"Phòng công chúa ở trên đài cao, đồ ăn thức uống và nước nôi đều do thị nữ hoạn quan bưng lên, lấy đâu ra đường nước?" Hoàng đế giận giữ phản bác: "Thôi thiếu khanh giải thích xem, phạm nhân làm thế nào lấy cắp được trâm Cửu loan?"

Thôi Thuần Trạm chẳng biết đáp thế nào, đành đứng dậy nhận tội: "Là thần sơ ý! Thần chỉ mong sớm ngày bắt hung thủ đền tội để an ủi vong linh công chúa trên trời nên đã gấp rút tra án suốt đêm ngày, khiến tinh thần không minh mẫn, bỏ qua một đầu mối quan trọng như vậy! Khẩn xin hoàng thượng đợi cho một lát, để bọn chúng thần thẩm vấn lại."

Đại Lý Tự thừa lập tức gọi mấy vị chủ sự và tri sự lại trao đổi. Ngự sử trung thừa Tưởng Quỳ từ đầu vẫn khoanh tay nhìn, giờ mới thong dong hỏi: "Thôi thiếu khanh, những việc phạm nhân đã làm, sao còn cần các ngài trao đổi nữa?"

Biết y thừa cơ đổ dầu vào lửa, xong Thôi Thuần Trạm cũng chẳng lấy làm điều, chỉ đáp: "Lúc trước là bộ Hình phái người đến cùng Đại Lý Tự thẩm vấn, nên chúng tôi e rằng có lẽ đôi bên chưa thật hiểu nhau, thành ra sơ suất chăng?"

Thượng thư bộ Hình Vương Lân đã toan đứng ngoài cuộc, giờ thấy mình lại bị kéo vào, đành chắp tay nói: "Quả có chuyện đó, nhưng ta bận rộn, đành chọn ra mấy kẻ được việc nhất trong bộ, dốc hết sức hỗ trợ, còn về những việc khác, bản bộ thiên về định tội theo luật và xử phạt, không thể giúp đỡ quá nhiều được."

Nghe tam pháp ty đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, kẻ nào kẻ nấy chỉ biết khuấy cho nước đục ngầu lên, hoàng đế ngán ngẩm quay lại, thấy Quách thục phi đang thẫn thờ ngồi đó, con gái qua đời mới mấy hôm mà phi dường như đã già thêm mấy tuổi, ngài ngự không khỏi chạnh lòng, cảm thấy chỉ có phi mới là người chung thuyền mưa gió với mình, bèn đứng phắt dậy quát lên: "Câm miệng hết cho trẫm!"

Mọi người lập tức nín thít.

Hoàng đế quét mắt nhìn khắp lượt, cuối cùng dừng ở Hoàng Tử Hà: "Dương Sùng Cổ!"

Hoàng Tử Hà vội thưa: "Có nô tài."

"Ngươi là người được trẫm chỉ định hỗ trợ Đại Lý Tự, cảm thấy vụ này thế nào?"

"Tâu hoàng thượng, vụ này can hệ rất nhiều, một vài lời không thể giải thích tận tường được. Cái chết của công chúa cũng do đủ thứ mắt xích lần lượt móc nối vào nhau gây ra, có cái là trùng hợp, cũng có thứ là con người cố tình tạo nên, không thể tách ra mà giải thích. Nếu bệ hạ cho phép, nô tài xin được thuật lại mọi chuyện từ đầu đến cuối, bắt đầu từ vụ Ngụy Hỷ Mẫn."

Hoàng đế gắng nén cơn giận, lạnh lùng nhìn cô: "Được, tam pháp ty đã không giải thích được thì ngươi thử nói xem sao!"

"Thưa vâng." Hoàng Tử Hà khom lưng đáp, "Nô tài cho rằng, căn nguyên của chuỗi án mạng này khởi đầu từ việc một người con gái bị lăng nhục, nhưng thứ liên kết lại tất cả đầu mối lại là một bức tranh. Chính là bức ngự bút của tiên hoàng được người nhà họ Trương cất giữ, cũng có thể nói là tuyệt bút của tiên hoàng."

Đoạn cô ra hiệu cho Trương Hàng Anh đưa bức họa ra, rồi tiếp tục giải thích: "Đến bây giờ, chúng nô tài vẫn không hiểu tại sao tiên hoàng lại vè ra bức tranh này, cũng như ý nghĩa thực sự của nó là gì. Nhưng có một điểm không thể nghi ngờ, là thủ pháp của hung thủ, hay có thể nói là cách chết của ba người trong vụ án này đều được mô phỏng theo hình vẽ trong tranh."

Hoàng đế nhìn bức tranh, vẻ mặt phức tạp: "Đây là thủ bút tiên hoàng thực ư?"

"Tâu hoàng huynh, không còn nghi ngờ gì nữa." Lý Thư Bạch đáp.

Ngài ngự nghe nói liền cầm lấy bức họa xem xét hồi lâu, đoạn thở dài hỏi: "Chẳng biết tiên hoàng để lại bức tranh này là ý gì?"

"Chuyện đó thì nô tài không rõ. Chỉ là, ba người chết trong vụ án này, Ngụy Hỷ Mẫn ứng với hình vẽ đầu tiên, bị sét đánh chết cháy. Hình vẽ thứ hai, là một người bị giam trong lồng sắt, báo hiệu cái chết của Tôn ghẻ. Hình thứ ba là loan phượng bổ xuống mổ người, ứng với..." Nói đến đây, cô ngước nhìn hoàng đế, ngừng lời. Ngài ngự cũng hiểu, cô đang muốn nhắc đến công chúa chết dưới trâm Cửu loan.

Hoàng đế săm soi bức tranh thêm một lúc thật lâu, rồi nghèn nghẹn hỏi: "Bứa họa tiên hoàng để lại từ mười năm trước, sao lại trùng hợp với ba vụ án mạng này được?"

"Tiên hoàng anh minh thần võ, nhưng nô tài trộm nghĩ, hẳn cũng không biết trước những vụ án của mười năm sau, càng không thể vẽ lại thành tranh để nhắc nhở hậu nhân được. Có lẽ bức tranh này có ý riêng của nó, nhưng trong vụ án này, lại được dùng vào một mục đích khác: để che đậy tội trạng của mình, đồng thời đổ tất cả nguyên nhân cho trời phạt, hung thủ sau khi xem bức họa này đã cố ý dựa vào nó mà gây án, hòng tạo ra một câu chuyện rùng rợn bưng bít tai mắt người đời, tránh khỏi bị pháp luật trừng phạt!"

Hoàng đế chậm rãi gật đầu: "Vậy chỉ cần tra xem nhưng kẻ nào từng trông thấy bức tranh, là có thể khoanh vùng hung thủ rồi."

"Thưa phải, đây cũng là điểm hung thủ khéo quá hóa vụng. Một mặt, cách làm này khiến cho ba vụ án mạng trở nên mông lung mịt mờ, không biết phải bắt tay điều tra từ đâu; nhưng mặt khác, cũng xâu chuỗi cả ba vụ lại, khiến người ta hiểu ngay, hung thủ trong ba vụ chỉ là một người. Chúng nô tài chỉ cần tập hợp những điểm chung của ba nạn nhân lúc sinh thời là đoán được hung thủ ắt phải có liên quan mật thiết đến Lữ Tích Thúy, hơn nữa cũng từng xem qua bức tranh của nhà họ Trương."

Mọi người trên công đường đều đổ dồn mắt vào Trương Hàng Anh.

Trước ánh mắt của mọi người, Trương Hàng Anh hết sức căng thẳng, luống cuống lùi lại một bước. Xong Hoàng Tử Hà chăm chú nhìn gã nói tiếp: "Đúng vậy, xét ra thì Trương Hàng Anh rất đáng nghi. Trong số những người có liên quan tới vụ việc của Lữ Tích Thúy, thì bản thân cô ta có thời gian gây án ở vụ Ngụy Hỷ Mẫn và Tôn ghẻ, nhưng khi công chúa qua đời, cô ta lại đang bị giam trong tịnh thất Đại Lý Tự, hoàn toàn không thể lẻn ra ngoài giết người rồi âm thầm trở về được.

"Lữ Chí Nguyên, có thời gian gây án khi công chúa qua đời, xong lúc Ngụy Hỷ Mẫn chết, ông ta lao lực quá độ mà ngất xỉu, được khiêng về nhà, có đại phu và hàng xóm chăm sóc, không thể lẻn từ phường Phong Ấp đến tận chùa Tiến Phúc giết người được. Khi Tôn ghẻ chết, ông ta cũng đang vùi đầu vào trong tiệm làm cây nến khác để cúng tiến cho chùa Tiến Phúc, rất nhiều chủ tiệm và khách khứa ở chợ Tây đều có thể làm chứng

"Chỉ có.. Trương Hàng Anh, trong cả ba vụ đều không có chứng cớ ngoại phạm. Hay nói cách khác, khi cả ba vụ án xảy ra, Trương Hàng Anh đều có mặt tại hiện trường."

Thấy mọi ánh mắt đều đổ dồn lên mình, Trương Hàng Anh kinh hoàng lùi lại, vô thức phân bua: "Không... tôi, tôi không giết người mà..."

Chu Tử Tần cũng cuống quýt kéo tay Trương Hàng Anh phân trần: "Sùng Cổ, tuy Trương nhị ca có lý do ra tay, nhưng ta tin rằng huynh ấy không giết công chúa! Dù muốn giết người, huynh ấy cũng sẽ không dùng những cách ấy, con người ngay thẳng như huynh ấy, sao có thể bày ra nhiều kế sách thế được!"

Hoàng Tử Hà gật đầu với gã, rồi quay ra nói với tất cả: "Theo trình tự thời gian thì vụ án đầu tiên là Ngụy Hỷ Mẫn chết tại chùa Tiến Phúc. Nghi vấn lớn nhất trong cái chết của y là bấy giờ chùa Tiến Phúc người đông như nêm, khi sấm sét giáng xuống làm cây nổ nến, mọi người bỏ chạy tứ tán, người khác chỉ dính vài đốm lửa, riêng Ngụy Hỷ Mẫn cả người bắt lửa cháy bùng lên mà chết. Ai nấy đều nói chuyện này do trời giáng sấm sét trừng phạt, nhưng trời cao có bao giờ động lòng trước một phận người nhỏ nhoi? Theo nô tài thấy cái chết của y là do hung thủ cố tình sắp xếp, bất kể trời có giáng sấm sét hay không thì hôm ấy Ngụy Hỷ Mẫn cũng sẽ chết cháy."

Lý Nhuận tròn mắt hỏi: "Nhưng... trừ thần Phật ra, lẽ nào trên đời thực sự có kẻ thao túng được được sấm sét đánh trúng người mình muốn giết ư?"

"Tân vương gia, nhìn bề ngoài rõ ràng là báo ứng, không mảy may sơ hở, tiếc rằng hung thủ vẫn để lại dấu vết tại hiện trường, chúng nô tài truy ra từ đó, mới lần ra rất nhiều điểm nghi vấn." Nói đến đây, Hoàng Tử Hà nhìn lướt qua tất cả mọi người đứng trên công đường. Ngay cả hoàng đế và Quách thục phi lần này đến đây chỉ vì cái chết của Đồng Xương công chúa, cũng phải sinh lòng nghi hoặc, chăm chú lắng nghe.

Hoàng Tử Hà quay lại, gật đầu ra hiệu cho Chu Tử Tần.

Gần đây Chu Tử Tần phối hợp với cô cực kì ăn ý, lập tức vào kho vật chứng Đại Lý Tự lấy ra một sợi dây sắt, đưa cho cô: "Sợi dây sắt này được phát hiện ở chùa Tiến Phúc, có liên quan gì tới vụ án không?"

"Đa tạ công tử, đây chính là vật để hung thủ che đậy thủ pháp của mình, cũng là công cụ giết người." Cô nhận lấy sợi dây, trò vào đầu đã cháy thành màu xanh đen, nói tiếp: "Cháy đến thế này, rõ ràng không thể do mấy đốm lửa vung vãi ở hiện trường được, mà phải bị thiêu đốt khá lâu. Bấy giờ tại chùa Tiến Phúc, nơi nào có lửa cháy thật lâu, khiến sợi dây thành ra thế này? Nô tài nghĩ, chỉ có hai cây nến lớn. Hơn nữa, người duy nhất có thể nhét thứ này vào trong nến, đương nhiên là..." Cô cầm sợi dây sắt, quay đầu nhìn về phía Lữ Chí Nguyên đang lặng thinh đứng ở cuối công đường.

"Lão Lữ, ta có chuyện muốn hỏi, lão nhét sợi sắt này vào nến để làm gì vậy?"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #travel