CHƯƠNG 3: ĐÁNH CƯỢC

Chu Phỉ đá một cú lên cửa, cả bản lề và cửa đều cùng nhau văng ra, vang to một tiếng, bụi bay mù mịt.


Lý Thịnh đang luyện kiếm trong viện, nghe tiếng quay đầu lại, thấy cửa bay ra thì không hề bất ngờ, động tác hơi dừng lại rồi từ từ tra kiếm vào vỏ, biết rõ còn cố hỏi:

- A Phỉ, ngươi làm gì vậy?

Ngụy quân tử trong thiên hạ trông thế nào Chu Phỉ chưa từng biết, nhưng dựa theo trí tưởng tượng cằn cỗi của nàng thì trong đầu luôn hiện ra hình ảnh to tướng của Lý Thịnh. Chỉ nhìn khuôn mặt đó của hắn, ngực nàng liền bừng bừng lửa giận như thiêu như đốt.

Kỳ thực nàng rất nhanh mồm nhanh miệng nhưng lúc ra tay tuyệt đối không nhiều lời, đao lưng hẹp trong tay nàng đánh ra, nàng ngay cả câu chào hỏi cũng không có, trực tiếp đánh vào đầu Lý Thịnh.

Lý Thịnh sớm đã đề phòng nàng ra tay, lập tức giơ kiếm chặn một đao bổ xuống của nàng, cảm thấy cổ tay chấn động mạnh, hắn không dám khinh thường, đao kiếm hai người đều không tuốt ra khỏi vỏ, trong chớp mắt họ đã đánh bảy tám chiêu, sau đó Chu Phỉ bỗng dưng tiến lên một bước, đao lưng hẹp quét ngang qua, con ngươi Lý Thịnh co rụt lại____nàng vậy mà dùng trường đao làm mâu, đánh ra một chiêu "Chấn Nam Sơn".

Chiêu "Ngàn chuông vang vọng, vạn núi rền vang" này vốn mang khí phách tông sư, có điều các đệ tử công lực chưa đủ, nên có vẻ thô cứng, lúc đấu võ mới bị Lý Thịnh nhẹ nhàng phá giải, không biết có phải bởi nguyên nhân Chu Phỉ dùng lưỡi đao sắc bén thay trường mâu hay không nhưng một chiêu này vào tay nàng lại có thêm khí thế tàn bạo uy nghiêm nổi giận chém núi xanh.

Trường đao còn trong vỏ mang theo kình phong mà đến, trong nháy mắt Lý Thịnh hơi sợ hãi, ngẩn người không dám xài lại chiêu cũ.

Vào lúc hắn định bất chấp kiên trì chống đỡ thì ngoài cửa chợt vang lên một tiếng thét chói tai:

- Dừng tay!

Tiếp theo, một vật bay qua không trung đánh tới.

Đao lưng hẹp bỗng dừng giữa không trung, Chu Phỉ dùng mũi đao khều nhẹ một cái, treo vật kia lên______đó là một hà bao của bé gái, trên lớp vải gấm thêu vài con chim bói cá ngây thơ, thế đi của hà bao quá mạnh, làm văng ra vài viên kẹo hoa quế.

Lý Thịnh hoàn hồn, nỗi sợ hãi trong nháy mắt vừa nãy chưa tan, tim vẫn còn đập mạnh, cơn lúng túng khó diễn tả bằng lời dâng lên. Hắn đưa tay nắm lấy hà bao trên mũi đao Chu Phỉ, vứt vào lòng người mới tới, tức giận nói:

- Muội tới phá rối gì đấy?

Một cô bé mặc y phục màu hồng chạy nhanh đến giữa hai người họ, lớn tiếng nói:

- Hai người không được đánh nhau!

Cô bé này tên Lý Nghiên, là muội muội ruột của Lý Thịnh, nhỏ hơn họ hai tuổi, mặt trái xoan nhỏ nhắn, mắt to, vô cùng thanh tú, đáng tiếc là bề ngoài vàng ngọc, bề trong thối rữa, là một đứa nhỏ không tim không phổi. Mười một tuổi mà đầu to óc như trái nho, trong đầu chỉ có hai quan niệm____điều A Phỉ nói luôn đúng, A Phỉ thích gì muội thích đó... trừ luyện công.

Chu Phỉ và Lý Thịnh đều không có gì hay ho để nói với muội ấy, cũng lười dẫn muội ấy đi chơi, tiếc rằng Lý nhị tiểu thư tự mình đa tình, bên trái sùng bái biểu tỷ, bên phải lo cho ca ca ruột, thường xuyên chìm đắm trong sự bối rối không biết nên thiên vị bên nào, tiêu tốn hơn nửa thời gian nhi đồng trong nỗi xoắn xuýt ấy.

Chu Phỉ nghiêm mặt như nước nói:

- Tránh qua một bên.

Lý Nghiên giang rộng hai tay, vẻ mặt đưa đám chắn trước mặt Chu Phỉ, mềm giọng nói:

- A Phỉ tỷ, tỷ nể mặt muội, đừng đánh nhau với ca ca muội được không?

Chu Phỉ cả giận nói:

- Mặt muội đáng mấy đồng? Tránh ra!

Ánh mắt Lý Thịnh u ám, gằn từng chữ:

- Lý Nghiên, nơi này không có việc của muội.

Lý Nghiên không chịu bỏ qua, đưa tay kéo ống tay áo Chu Phỉ:

- Đừng...

Chu Phỉ phiền nhất chính là điệu bộ đeo dính này, lập tức nóng nảy nói:

- Buông tay!

Nàng giơ tay đẩy, vô thức dùng chút sức, tuy hai người chỉ chênh nhau hai tuổi nhưng đang là tuổi lớn, Chu Phỉ hầu như cao hơn biểu muội quá nửa cái đầu, thường ngày Lý Nghiên lại luyện võ lơ tơ mơ, bị nàng đẩy ngã dập mông ngồi dưới đất.

Lý Nghiên không tin nổi ngồi trên đất một hồi mới gào lên khóc.

Tiếng gào khóc này thành công quấy nhiễu bầu không khí giương cung bạt kiếm giữa hai người, Lý Thịnh chậm rãi thu lại kiếm trong tay, cau mày, Chu Phỉ hơi luống cuống đứng bên cạnh một lát, hai người họ nhìn nhau rồi đồng thời chướng mắt dời ánh nhìn đi chỗ khác.

Sau đó Chu Phỉ thở dài, khom người duỗi một tay về phía Lý Nghiên.

- Tỷ không cố ý đẩy muội.

Chu Phỉ hơi dừng lại rồi chán nản nói:

- Chuyện đó... gì nhỉ, tỷ không đúng, được chưa? Nào, đứng dậy.

Lý Nghiên đưa tay lau nước mắt, nước mắt nước mũi dính đầy tay ướt chèm bẹp nắm lấy tay Chu Phỉ, dính lên đó.

Gân xanh trên trán Chu Phỉ nhảy lên hai cái, suýt vung muội ấy ra thì nghe Lý Nghiên thút thít nói:

- Muội sợ đại cô cô đánh tỷ nên cố ý đi tìm cô phụ tới... tỷ, tỷ vậy mà đẩy muội! Tỷ không biết lòng người tốt!

Chu Phỉ bị Lý Nghiên dùng "vũ khí bí mật" trét đầy lòng bàn tay thì sát tâm muốn xiên Lý Thịnh thành xiên thịt người đã chết chìm trong đống nước mũi, nàng dứt khoát ngồi xổm một bên, buồn bực ngán ngẩm nghe Lý Nghiên thút thít lên án mình, đồng thời phân tán chút tâm tư cho rằng Lý Nghiên cũng có chỗ đáng khen___ngay cả con cọp cái Lý Cẩn Dung ở trước mặt muội ấy cũng phải hòa nhã thân thiện như Bồ Tát sống, người như Lý Nghiên không cần nhiều, khoảng 180 người là đủ, chỗ nào có đánh nhau thì thả "nhóm biểu muội" ra trước hai quân, chắc chắn ngày thiên hạ thái bình sẽ không còn xa.

Một ý nghĩ nho nhỏ nảy lên trong lòng nàng, Chu Phỉ nghĩ thầm: "Mình bắt chước muội ấy một chút không được sao?"

Tiếp đó nàng dùng ánh mắt vô hồn nhìn chằm chằm Lý Nghiên, tưởng tượng cảnh mình ngồi dưới đất ôm một cái hà bao gào khóc thì rùng mình, cảm thấy Lý Cẩn Dung sợ là sẽ tìm một cây lang nha bổng chữa não cho mình.

Lý Thịnh đứng một bên, trong tiếng khóc của Lý Nghiên, hắn khẽ hoạt động cổ tay bị chấn tê rần của mình, vẻ mặt âm u khó nhận ra.

Mùa đông năm ngoái, hắn luyện kiếm gặp phải chỗ khúc mắc, bèn đi loanh quanh giải sầu, lúc đến sau núi vừa hay nhìn thấy Lý Cẩn Dung giúp Chu Dĩ Đường đang mang bệnh đi tản bộ ở xa xa, Lý Thịnh vốn định chạy tới hỏi thăm một tiếng, không ngờ vô tình nghe được vài câu nói truyền trong gió.

Lý Cẩn Dung rất lo âu nói với Chu Dĩ Đường:

- ...Đứa trẻ này tư chất không tính là cao, nhưng không sao, từ từ là được, thiếp chỉ sợ nó hỏng ở chỗ tâm tư quá nặng, quá nhiều tạp niệm, lại không biết nói với nó thế nào...

Chu Dĩ Đường trả lời ra sao, Lý Thịnh không nghe được, đôi câu vài lời bay theo gió ấy giống như một cây đinh thép, đâm vào lòng hắn không chút lưu tình.

Lý Cẩn Dung tuy không chỉ đích danh nhưng Lý Thịnh biết người bà nói chắc chắn là mình, bởi vì người lớn lên bên cạnh bà tổng cộng chỉ có ba người, nếu lúc Chu Phỉ luyện công dám cả gan phân tâm thì sớm đã bị đánh rồi, đại cô cô sẽ không sầu não ở sau lưng rằng "không biết nói thế nào", còn Lý Nghiên là con ngốc tuổi nhỏ ngây thơ, dùng tám gậy tre cũng với không tới mấy chữ "tâm tư quá nặng".

Điều đả kích Lý Thịnh nhất không phải là câu Lý Cẩn Dung lo lắng "hỏng ở chỗ quá nhiều tạp niệm" mà là câu "tư chất không tính là cao", hắn từ nhỏ tự khoe mình là con cưng của trời, móng vuốt rất mạnh, hận không thể ai cũng khen hắn giỏi, ai cũng không bới móc được chút khuyết điểm nào của hắn, sao có thể chịu đựng được đánh giá "tư chất không cao"?

Lý Thịnh đã quên mất ngày hôm đó mình chạy đi thế nào, nghĩ may mà hôm đó sau núi gió lớn, người ở trạm gác các nơi đều có mặt nên Lý Cẩn Dung mới không chú ý đến sự tồn tại của hắn.

Từ đó về sau, "tư chất không cao" quả thực đã thành ác mộng của Lý Thịnh, luôn xuất hiện trong đầu hắn, trào phúng châm biếm khiến lòng hiếu thắng vốn mạnh mẽ của hắn hầu như sắp nổ tung.

Lý Thịnh nghĩ, hắn tư chất không cao, lẽ nào Chu Phỉ tư chất rất cao sao?

Hắn nhất định phải vượt qua Chu Phỉ.

Nhưng bất kể hắn khiêu khích hay sỉ nhục, Chu Phỉ đều không phản ứng, chưa bao giờ xảy ra xung đột với hắn.

Bình thường so chiêu với nhau, cô ấy cũng đến điểm là dừng, nếu hắn cố tình ép buộc, cô ấy sẽ đàng hoàng lùi sang một bên, đúng là xem thường hắn.

Lâu dần, việc né tránh của Chu Phỉ gần như biến tâm thắng bại của Lý Thịnh thành chấp niệm.

Lần này cũng là hắn cố ý chọc giận Chu Phỉ.

Lý Thịnh giơ tay xách Lý Nghiên lên, hờ hững phủi bụi đất trên người muội ấy, một lần nữa đeo khuôn mặt ngụy quân tử vào, nở nụ cười như có như không tiêu chuẩn với Chu Phỉ:

- Cho nên hôm nay muội giận dữ như vậy là trách huynh không giúp muội mời cô phụ tới sao? A Phỉ, không phải đại ca không nói hộ cho muội, muội nghịch cũng quá đáng rồi, tiên sinh giảng sách là muốn tốt cho muội, hơn nữa lão nhân gia ông ấy nói có gì sai? Nữ tử thì nên an phận thủ thường, cả ngày hô đánh hô giết làm gì? Muội xuất thân từ 48 trại, dù tương lai lập gia đình, có huynh ở đây, còn ai dám bắt nạt muội sao?

Chu Phỉ từ từ đứng dậy, nhướng một bên mày, chân mày của nàng rất ngay ngắn, bẩm sinh đã trông như được cắt sửa tỉ mỉ, nghiêng thẳng vào thái dương, nàng hơi cười lạnh:

- Lời này sao ngươi không đi nói với đại đương gia ấy? Bảo bà ta cũng an phận thủ thường ở trong phòng thêu hoa đi, ta rất tán thành.

Lý Thịnh điềm tĩnh nói:

- 48 trại xem trại Lý gia là thủ lĩnh, đại cô cô dẫu sao cũng họ Lý, năm xưa trong trại không người, cha ta nhỏ tuổi, là đại cô cô nhận nhiệm vụ lúc lâm nguy... Chỉ là chuyện này không phiền đến "Chu" cô nương nhỉ.

Chu Phỉ lập tức trả lời:

- Đa tạ đã thương cảm, không phiền phế vật nhọc lòng.

Một câu tranh cãi vô tình của nàng nhưng vừa vặn chọc trúng tâm bệnh của Lý Thịnh, lòng dạ thiếu niên chưa đủ sâu, sắc mặt Lý Thịnh chợt trầm xuống:

- Chu Phỉ, ngươi nói ai?

Chu Phỉ cảm thấy hôm nay sợ là không đánh được, bởi vậy liền giắt đao lưng hẹp ra sau lưng, dứt khoát trổ tài miệng lưỡi nhanh nhạy:

- Ta nói heo nói chó nói chuột, nói ai ai nhận thì là người đó, sao hả, đại biểu ca muốn bất bình cho súc sinh sao?

Bàn tay cầm kiếm của Lý Thịnh siết chặt rồi lại buông, miễn cưỡng nở ra một nụ cười:

- Nếu ngươi tự phụ vào bản lĩnh thì có dám tỷ thí với ta một trận không?

Chu Phỉ mỉa mai nhìn hắn:

- Hiện tại thì không dám, muội muội ngươi nếu đi tố cáo, đại đương gia nhất định sẽ lột da ta.

- Bà ấy sẽ không đâu.

Trước khi Lý Nghiên mở miệng kháng nghị, hắn đã giành nói trước:

- Ta muốn vượt qua sông Tẩy Mặc, ngươi dám đi hay không?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #priest