Rõ ràng là tôi đã tập luyện rất nhiều khi ở nhà. Nhưng khi đứng trước mặt Tại Dân thì tôi lại quên sạch sẽ.

Phải thừa nhận tôi là đứa ít giao tiếp nhưng không hẳn là kiểu người hay ngại ngùng xấu hổ. Tôi chỉ bối rối khi ở cạnh Tại Dân thôi. Nhất là khi em chủ động ôm tôi, hồn vía tôi cứ thế bay đi đâu hết.

Em đi rồi. Tôi đáng ra nên buồn cái nỗi buồn của một đứa trẻ phải xa người bạn thân nhất đời. Nhưng thay vào đó, tôi lại đau như đánh mất người thương vậy. Tôi thấy cái biểu hiện nó lộ rõ quá, không biết Dân có phát hiện ra không.

Tôi sẽ gọi cảm giác này là thích. Ở tuổi bồng bột như bây giờ, chỉ nên dừng lại ở thích thôi. Tôi vẫn chưa thể gọi nó là một cái gì xa hơn.

Mười lăm tuổi. Chóng lớn thì càng chóng quên. Rồi những xao động trong tôi sẽ nhòa dần. Và hình ảnh em cũng sẽ sớm tan biến mất.

-------

Nhanh thật. Mới đó mà đã đến Trung thu.

Phố Hàng Mã ngợp trong đèn lồng đỏ, trong những món đồ chơi mà đứa trẻ con nào cũng mê tít. Ngày xưa tôi hay a dua theo bọn nó đòi tiền bố mẹ mua đủ thứ. Mặt nạ hình, đèn lồng với cái trống con. Cái gì bày ở Hàng Mã dịp Trung thu đều đã qua tay tôi cả.

Còn bây giờ dù chẳng tha thiết gì với mấy thứ đấy nữa, tôi vẫn mua cho có lệ. Tôi nghĩ mình hãy cứ làm theo thói quen của năm cũ. Có thế thì mới xua đi cảm giác trống trải.

Trăng tròn vằng vặc. Ánh trăng phủ lên khắp các cành cây, ngọn cây một màu bàng bạc huyền ảo. Đám trẻ con phá cỗ, cầm đèn ông sao, háo hức nắm tay nhau chạy quanh xóm. Chúng nó nghêu ngao hát mấy bài về ông trăng, về Tết Trung thu khiến phố phường rộn ràng, náo nức hẳn lên.

Tôi phì cười vì thấy giống mình hồi bé quá.

Hồi đấy thằng Thành còn được cử lên biểu diễn văn nghệ. Nó nhảy nhót điêu luyện lắm. Mà bây giờ nó đương tuổi dở dở ương ương, có cho tiền nó cũng không thèm thể hiện.

Còn thằng Hách thì chuyên gia đầu têu đủ trò nghịch dại, làm cho cả đám cãi nhau chí chóe. Thế là mùa Trung thu năm nào xóm tôi cũng được chứng kiến cảnh nó bị mẹ tét mông, mắng cho tới số. Thực ra không có gì căng thẳng đâu, chỉ là đánh yêu thôi. Nhờ cái kiểu tếu táo đáo để của nó mà đám chúng tôi cứ sắp đến Trung thu là háo hức.

Có lẽ, thời gian đã thay đổi nhiều thứ.

Năm nay thằng Hách, thằng Thành có mặt đủ cả nhưng Trung thu đã chẳng còn là Trung thu nữa.

À, phải rồi. Còn thiếu một cậu bé trắng trắng xinh xinh nữa. Một cậu bé năm cũ bên tai tôi còn cười khanh khách. Một tay em khoác vai tôi, tay kia dúi cho tôi mấy cái kẹo trái cây, miệng thủ thỉ, "Ăn nhanh không bọn nó biết bọn nó giành bây giờ". Lúc đó, tôi thấy mấy cái kẹo ngon ngọt lạ thường, đến nỗi phải ăn dè vì sợ nó nhanh hết.

Chẳng bù cho bây giờ. Nhai ngấu nghiến vẫn chả thấy vị gì sất.

Chắc tại tôi lớn rồi.

Hoặc là do không phải kẹo em đưa.

-------

Mùa đông đến là lúc cánh thư đầu tiên của em tới nơi.

Tôi cầm bức thư, tay run run. Em kể Pa-ri đẹp lắm. Nó mang vẻ thanh bình và lãng mạn hệt như Hà Nội. Em kể vậy chứ tôi thừa biết Pa-ri hoa lệ hào nhoáng hơn thế nhiều. Tháp Ép-phen, vườn hoa thủ đô, khải hoàn môn. Riêng mấy thứ đó đã đủ ăn đứt Hà Nội rồi.

Em bảo chưa quen với cuộc sống Pa-ri, cốt là vì ở đây không có đèn lồng Trung thu giống như ở nhà. Em nhớ lễ rước đèn. Nhớ quán cháo nóng ăn khuya khi trời trở lạnh. Nhớ Hà Nội.

Và nhớ tôi nữa.

Tôi ôm bức thư trong lòng. Tự dưng thấy mắt mình nhoè đi. Sau một đêm, cái gối đã ướt đẫm.

Sáng dậy, tôi lập tức lấy tờ giấy, đặt bút viết thư hồi âm. Thư chuyển đi chậm lắm. Phải một, hai tháng mới tới nơi. Giờ tôi viết nhanh thì em mới sớm nhận được thư.

Sốt sắng nghĩ ngợi mà cuối cùng tôi lại chẳng biết viết thêm được gì ngoài ba chữ "Gửi Tại Dân". Tôi không có gì để viết cả. Em có thể kể về một Pa-ri cựa quậy sống động dù chỉ là trong bức thư nét mờ, nhưng tôi thì khác. Hà Nội còn có điều gì mới mẻ và xa lạ với em nữa đâu. Vả lại, tôi ngại bộc lộ cảm xúc. Đặc biệt là với Tại Dân. Thế nên, tôi cũng không thể để một câu "Tôi nhớ cậu" lấp kín mấy trang giấy được.

Thôi thì tôi đem chuyện thằng Hách, thằng Thành ở trường ra kể lể cho dài. Dạo này chúng nó quậy phá, bị cô giáo phạt dọn vệ sinh suốt ngày. Chuyện của hai thằng này thế mà ngốn đẫy hai trang.

Tôi tự động quay về trạng thái bí. Đang ngồi ngẩn ra thì giọng mẹ từ ngoài sân vọng vào.

"Nỗ, ra đây! Mẹ đảm bảo có cái này mày thích lắm!"

Tôi chạy ra thấy mấy người nhà cô Hiền khệ nệ bê cái thùng gì vào trong nhà. Có mỗi cái thùng mà cả xóm xúm xít. Mẹ tôi hẩy hẩy tay, mặt hớn hở bảo, "Đấy! Nhà cô Hiền mới sắm vô tuyến màu, khà khà."

Ồ, hóa ra giờ người ta sản xuất được tivi có màu rồi.

Chỗ tôi ti vi cũng không phải dạng hiếm. Vài hộ có điều kiện đã mua rồi. Nhưng mà ngày xưa hình ảnh chỉ toàn là đen với trắng thôi, màn hình nhỏ xíu, còn hay bị nhiễu nữa.

Hồi đó tôi mới lên cấp hai. Nhà cô Hiền là nhà đầu tiên trong phố mua ti vi ăng – ten. Thế là cái tivi trở thành niềm háo hức của mọi đứa trẻ. Mỗi lần tan học về, cả bọn nhanh nhanh chóng chóng vứt gọn cặp sách, rồi chạy hộc tốc dốc gan sang nhà cô Hiền xem nhờ tivi. Không nhanh chỉ có thiệt. Bọn "giặc" xóm này đông lắm, chúng nó chen chúc nhau. Phải sang sớm mới được ngồi gần tivi.

"Nỗ, chỗ này!", Tại Dân vỗ vỗ tay xuống nền đất.

Tại Dân ngoan nên được cô Hiền quý lắm, cô toàn cho ngồi trên. Và em cũng không bao giờ quên giữ chỗ cho tôi. Thế là mấy năm liền tôi được hưởng ké đặc quyền ngồi gần vô tuyến.

Phòng khách chật ních cả trẻ con lẫn người lớn. Ai nấy đều hồi hộp chờ nhạc điệu chương trình vang lên lúc 19 giờ. Chương trình "Những bông hoa nhỏ".

Chương trình phát nhiều bài nhạc hay cực kỳ, còn có hoạt hình mô phỏng vô cùng sống động. Cứ nghe thấy nhạc là bọn trẻ con phấn khích tột độ. Mắt ai cũng tức thì sáng lên, dán chặt vào màn hình vô tuyến, như thế đang xem một trò ảo thuật thôi miên nào đấy.

Đến giờ, tôi vẫn không thể ngờ được một chương trình vô tuyến vỏn vẹn mười lăm phút có thể mang lại ngần ấy điều kì diệu. Dù nó là cái đồng hồ báo thức chạy theo kiểu "xem xong rồi về học" làm bọn trẻ con tiếc rẻ không thôi, nó đồng thời là một phần tuổi thơ của chúng tôi.

Bây giờ "Những bông hoa nhỏ" vẫn được phát sóng hàng ngày với nhiều bài hát thiếu nhi vui tươi. Nhưng tôi không chắc cái cảm giác náo nức mong chờ ấy còn hay đã mất.

Tôi lẳng lặng bước vào trong nhà, cầm cây bút lên viết tiếp dòng thư dang dở.

"Xóm mình có cái vô tuyến màu xem rồi, Dân ạ."

Nhưng lòng tôi đã không còn háo hức như ngày trước nữa rồi.

Tết đến. Hà Nội xanh trong và rực rỡ sắc đào, sắc mai. Tôi khoác vội cái áo phao to sụ đạp xe ra chợ bê cây với bố. Giữa cái rét cắt da cắt thịt, lòng người vẫn còn nô nức. Chợ Đồng Xuân cứ gần đến Tết là tấp nập khác thường. Các bà các chị cần mua gì, Đồng Xuân có hết, từ cân miến tàu, chiếc giò lụa, hộp mứt dừa, ít măng lưỡi lợn, nấm hương, mộc nhĩ, con cà cuống...cho tới vải vóc, tơ lụa, gấm nhung lộng lẫy. Các chú các ông thì đắm đuối với chậu cây cảnh ngày Tết, còn trẻ em lại mê mải với con cá vàng và chục pháo dây...

Bố tôi năm nay bạo dạn lắm. Về đến nhà thấy ông khui ra chai Nàng Hương, bảo là mừng con trai chuyển cấp, "phải uống cái này cho nó có không khí". Mẹ tôi cũng sắm sửa thêm nhiều quần áo mới giục con tắm gội sạch sẽ để đón năm mới. Đêm giao thừa, gia đình tôi làm mâm cơm cúng tổ tiên rồi ngồi quây quần ở phòng khách, riêng tôi thì ra trước hiên nhà vì có hẹn với mấy thằng trong xóm.

Tôi khấp khởi mong Tết từng ngày dù mâm cơm Tết vẫn đơn sơ và gia đình tôi cũng không có lệ gói bánh chưng như nhiều gia đình khác. Cái không khí khấp khởi đó một phần là nhờ có kẹo trứng chim, có miếng mứt dừa và mấy cái bánh pháo Tết. Tiếng pháo nổ rộn ràng hòa lẫn tiếng trẻ con cười khanh khách. Đốt xong, bọn nó đi tìm xác pháo chưa cháy hết để đập cho nổ bằng hết thì thôi. Pháo nổ ầm ĩ khắp đường phố. Người ta bịt hờ tai lại mà lòng còn rộn rã chưa muốn dứt. Ánh sáng lóe lên đỏ rực trong đêm giao thừa.

Dưới ánh sáng ấy, tôi vẫn mường tượng ra nụ cười em. Rạng rỡ nở rộ rồi chợt vụt tắt...

----------

Tết qua thì thư em về. Em kể là ở bên này cũng làm mâm cơm thắp hương mấy ngày Tết, cũng có mứt, có cây cảnh nhưng mấy nay ảm đạm lắm. Cái không khí của Hà Nội vẫn luẩn quẩn trong em, nghe chừng khó mà dứt được. Tôi viết thư hồi âm chủ yếu là an ủi em. Hôm ấy có mẹ tôi ngồi cạnh gợi ý cho mấy thứ hay hay để viết. Hai mẹ con càng hào hứng càng dài dòng, viết kín hết mấy tờ giấy. Tôi viết dài lắm mà vẫn thấy thiếu thiếu. Mẹ tôi nghiền ngẫm tấm thư thêm tẹo nữa, rồi hai mẹ con lại tặc lưỡi gấp gáp gửi đi. Thư cả tháng mới đến được nơi, phải gửi ngay để em khỏi chờ lâu.

Gửi rồi tôi mới nhận ra là thiếu cái gì.

Cái câu "Tôi nhớ cậu", hai lần rồi tôi vẫn quên không viết vào.

----------

Thu năm ấy là thu đầu tiên Hà Nội vắng em. Tôi ngồi trên ghế đá đọc thư. Em kể về nước Pháp và nền văn minh của họ. Pa-ri phát triển lắm, cái gì cũng lạ, cái gì cũng hay. Đợt này trời đỡ lạnh em đã dạo chơi được nhiều nơi. Nghĩ đi nghĩ lại thì Hà Nội của mình cũng đổi khác nhanh quá, nhưng có lẽ không bằng Pa-ri được đâu. Em bắt đầu quen với cuộc sống bên ấy rồi, liệu có nhớ Hà Nội không?

Những năm học cấp ba bận bịu. Đầu óc tôi cứ quay mòng mòng với mấy chuyện trường lớp, và Thủ đô cũng thế. Đất nước đang bước sang giai đoạn hiện đại hóa. Người ta đập đi rồi phải xây mới nhiều thứ để phục vụ nhu cầu của người dân. Tôi gắn bó suốt với Hà Nội mà còn thấy lạ, huống chi là người đất khách.

Có cái hay là nhờ vậy mà con đường lấy thư ngắn và dễ đi hơn xưa nhiều. Dạo này thư em bắt đầu thưa dần. Tôi vì thế mà lại càng thêm hồi hộp. Em bảo là đang học hành với đi làm thêm, ít có thời gian viết thư gửi cho mọi người. Nhưng em vẫn cố gắng viết thật dài. Em kể về nhiều thứ. Vẫn là những cái lạ lẫm mà tôi chưa mường tượng được. Từ bao giờ mà tôi đã nghĩ Pa-ri quả thật thần kì. Ở đấy có cái gọi là điện thoại di động. Nghe nói khi dùng có thể nói chuyện từ xa. Chỉ cần áp vào tai, dù cách bao nhiêu ki lô mét vẫn có thể nghe thấy giọng của nhau. Ước gì Hà Nội cũng kì diệu như vậy, để tôi có thể nhớ rõ tiếng em.

Kết thư, vẫn như bao lần khác, em nói em thèm một chuyến về với Hà Nội, và nhắn là nhớ tôi da diết. Chuyện hồi âm của tôi chẳng khấm khá hơn là bao, chỉ toàn độc tả, độc kể về Hà Nội.

"Người ta vừa làm lại mấy con đường. Đường cũ xen với đường mới. Mà giờ vào thu rồi, tôi mới thấy cũng giống nhau cả thôi. Đường nào mà chẳng vàng ruộm với thơm mùi cốm sữa, Dân nhỉ?"

-----------

Mấy năm cấp ba vất vả cũng chóng qua. Thế là tôi đã lên năm nhất đại học. Trong cả đám bạn có mỗi tôi là tiếp tục học đại học. Thằng Hách học hết phổ thông rồi nó đi học nghề giống bố mẹ nó. Nhà tôi thì mới mở cái tiệm bách hóa được vài ba năm nay. Bố mẹ được thể khuyến khích con đi học kinh doanh nọ kia để sau này còn đỡ đần việc nhà. Hà Nội bây giờ đã sầm uất hơn xưa nhiều thế nên người ta càng có nhu cầu mua bán. Nhờ nhà nước đổi mới chính sách mà cái bách hóa nhà tôi cũng phát đạt ra trò. Bố tôi cũng tiết kiệm được kha khá. Tôi chuyển cấp là bố sắm sửa xe máy mới cho. Mà tôi nhất quyết không đi. Ông tôi với bố ngày nào cũng rít lên bảo thằng này có của không biết hưởng, mày cứ lóc cóc cái xe đạp đi nắng gió mệt cả người ra. Nhưng về sau ông tôi ca thán nhiều cũng mệt, chẳng thèm nói nữa. Thôi thì cái xe máy để cho bố mẹ lái. Cái xe đạp tôi đi quen rồi, không muốn đổi.

Thằng Hách nó không có học đại học nên ngày nào tôi cũng có một mình lật đật cái xe đạp đến trường. Dạo này ô mai ra thêm nhiều vị, đám trẻ con xúm xít đen đỏ bên lề đường để mua. Tôi mà chạy xe lơ đãng tí nữa thì kiểu gì cũng có đứa phải ngã nhào ra.

Thực ra, ngày bé tôi cũng chẳng khác gì chúng nó, cũng thích ăn ô mai. Mà tôi có giá lắm nhé, toàn được Tại Dân bao không phải trả tiền.

Dân hay tiết kiệm mấy đồng mà ông nội cho để mua ô mai cho hai đứa. Mấy đồng đó bây giờ không có giá trị mấy nhưng ngày xưa là đủ cho tôi một bữa no ô mai.

Nhưng Dân đãi nhiều làm tôi cũng ngại. Thế là hôm đó tôi trộm tiền mẹ đãi em được một bữa. Cơ mà tôi là đứa kém may mắn. Mẹ tôi phát hiện ra ngay tức khắc. Tôi bị lôi ra giữa sân đánh đòn. Em biết tin, hộc tốc chạy sang can, xin mẹ tôi đừng đánh. Đến giờ ăn cơm tôi mới được tha. Xong xuôi, em còn ngạc nhiên hỏi sao tôi không khóc. Tôi ưỡn ngực phán là nam nhi việc gì phải khóc. Em thán phục lắm. Từ đó, mấy đứa trong xóm học tập tôi mà bớt mè nheo hẳn đi.

Nhưng sự thật không ai hay biết là mẹ tôi giơ cao đánh khẽ. Cố tình đánh trước bàn dân thiên hạ cho tôi biết nhục, biết nhục để lần sau chừa cái tật trộm tiền bố mẹ đi. Chứ nếu mẹ đánh thật, chắc tôi vừa khóc vừa la oai oái.

Giờ ngẫm lại thấy chuyện vừa bi vừa hài.

Những cái chuyện tưởng là của thời trẻ con thôi nhưng mà đến lớn vẫn nhớ như in.

Mà nhất là mấy chuyện của tôi với Tại Dân.

Đã ngót nghét bốn năm rồi. Tôi cũng đủ tuổi hiểu chuyện rồi, khó lòng lấy cái lí do tuổi tác còn nhỏ để trốn tránh việc gì. Đến bây giờ mà vẫn còn nói thích em thì hẳn là tôi đang nói dối.

Tôi đã yêu rồi. Em ở xa vời vợi mấy năm nay vậy mà tôi không tài nào quên nổi. Càng nhớ càng yêu. Thế mà trong thư tay, chưa bao giờ tôi nhắn là tôi nhớ em.

Tính tôi cứ như thế. Cái cảm xúc tôi vẫn luôn âm ỉ ở ngòi bút nhưng để biến nó thành tiếng, thành lời, thành chữ nghĩa thì khó lắm.

Chẳng mấy chốc mà tôi thành sinh viên năm ba. Hà Nội ngày càng nhộn nhịp hơn xưa. Còn tôi thì thấy nó ngày càng ảm đạm.

Tôi vẫn yêu Hà Nội. Nhưng mà theo cái kiểu tình yên đơn phương mà chưa bao giờ được hồi đáp lại. Người tình trong mắt càng đẹp lộng lẫy thì tôi càng khó nắm bắt.

Mùa thu năm nay là năm thứ bảy Hà Nội vắng em.

Tôi tự pha một ấm trà, trên bàn là bọc cốm thơm phức. Tôi giở tấm thư của em ra đọc. Mấy năm gần đây tôi không còn hồi hộp và vội vàng đọc thư như trước nữa. Không phải vì tôi hết yêu mà là vì tôi đã học được cách chờ đợi. Ngụm trà nhàn nhạt còn đang phảng phất trong làn khói. Lá thư viết vội dài lê thê mà trong mắt tôi chỉ có vỏn vẹn sáu chữ.

"Tôi hứa năm sau sẽ về."

Tim tôi ào ra khỏi lồng ngực. Tôi chạy vội vào nhà lấy giấy ra viết một mạch hết mấy trang giấy. Tay run như lần đầu viết thư gửi em vào bảy năm trước.

"Dân nói được thì phải làm được đấy nhé. Tôi chờ."

Và cũng mong em biết rằng vẫn còn một trái tim nơi Thủ đô tấp nập đang nhớ nhung em từng phút giây.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top