zzzDCzzz
Các bài thuốc y học cổ truyền, thường quen gọi bằng một cụm từ trong chuyên ngành là “Phương tễ”. Phương tễ là bộ phận quan trọng của lý pháp phương dược của Y học cổ truyền, đó là sự phối ngũ các vị thuốc trên cơ sở lý pháp phương dược hoặc làm mất tác dụng của vị thuốc nào đó, hoặc làm cho thuốc có thêm tác dụng mới. Phương tễ không cố định có thể gia giảm tuỳ theo chứng bệnh cụ thể. Các bài thuốc y học cổ truyền có những bài chỉ bắt đầu có 1 vị thuốc như bài “Độc sâm thang”... gọi là đơn phương, nhưng thường là phối hợp từ hai vị thuốc trở lên gọi là phức phương. Những bài thuốc này dùng để chữa một bệnh, một hội chứng bệnh hay một triệu chứng của bệnh.
Các bài thuốc được thiết kế và xây dựng theo một số nguyên tắc nhất định, trên một số nguyên tắc này người ta có thể mở rộng phạm vi sử dụng của bài thuốc bằng cách thêm hay bớt vị thuốc trong bài, thay đổi sự phối ngũ, thay đổi liều lượng của các vị thuốc... mà trong y học cổ truyền quen gọi là sự “gia giảm”, tất nhiên phương thức này đa phần chỉ ứng dụng trong các bài thuốc cổ phương. Ngoài ra người ta cũng có thể còn thay đổi các dạng bào chế ví như từ thuốc sắc chuyển sang dạng viên hoàn, thuốc bôi..., ngày nay có thể chuyển sang dạng viên nang, chè hãm, thậm chí có thể bào chế dưới dạng thuốc tiêm truyền tĩnh mạch... tất cả chỉ nhằm mục đích có được bài thuốc, dạng thuốc phù hợp với tình hình thực tế của bệnh tật và yêu cầu không ngừng nâng cao hiệu quả điều trị lâm sàng cho người bệnh.
I. Cách thiết kế và xây dựng một bài thuốc
1.1. Nguyên tắc thiết kế một bài thuốc
- Một bài thuốc có thể có ít nhiều vị thuốc, tùy thuộc vào tình hình thực tế của bệnh tật, thể trạng người bệnh và yêu cầu của việc chữa bệnh.
- Một bài thuốc hoàn chỉnh được cấu tạo theo nguyên tắc: Quân - thần - tá - sứ.
1.1.1. Quân: là vị thuốc chính và được coi là chủ dược của bài thuốc, dùng để chữa nguyên nhân gây ra bệnh, triệu chứng chính trong hội chứng bệnh lý. Trong một bài thuốc thông thường có 1 đến 2 vị là quân, nó trở thành bộ phận chủ yếu của bài thuốc. Ví dụ như trong 3 bài Thừa khí thang: Đại thừa khí thang - Tiểu thừa khí thang - Điều vị thừa khí thang, đều lấy vị Đại hoàng làm quân vì đã xác định công hạ vị trường thực nhiệt gây đại tiện bí kết là trọng tâm của điều trị.
1.1.2. Thần: là vị thuốc hỗ trợ cho vị thuốc chủ dược, nhằm làm tăng cường tác dụng của vị thuốc đóng vai trò quân. Ví dụ như trong bài “Ma hoàng thang” sử dụng Quế chi làm vị thuốc đóng vai trò thần, bởi nó có tác dụng hỗ trợ cho Ma hoàng, làm tăng cường tác dụng tân ôn giải biểu.
1.1.3. Tá: là vị thuốc chữa các triệu chứng phụ của hội chứng bệnh tật, hay có vai trò hạn chế tác dụng quá mạnh hay có độc tính của vị thuốc chủ dược, nó cũng còn tăng tác dụng của vị thuốc chính. Ví dụ trong hội chứng bệnh lý của người bệnh có ho, người ta có thể gia thêm các vị thuốc chỉ khái: Hạnh nhân, Tử uyển..., hay ăn uống khó tiêu gia thêm các vị thuốc tiêu thực đạo trệ như Thần khúc, Mạch nha...
1.1.4. Sứ: là vị thuốc đưa tác dụng của bài thuốc đến nơi có bệnh thuộc tạng phủ hay kinh lạc nào đó và còn có tác dụng điều hòa tính năng của các vị thuốc trong bài thuốc. Ví dụ như Cát cánh dẫn thuốc lên trên, Ngưu tất dẫn thuốc xuống dưới, Cam thảo vị thuốc tính bình để điều hòa các vị thuốc...
Để minh họa cho nguyên tắc xây dựng bài thuốc có Quân - Thần - Tá - Sứ này có thể lấy bài “Ma hoàng thang” để minh họa: bài thuốc này gồm có 4 vị Ma hoàng, Quế chi, Hạnh nhân, Cam thảo, chuyên dùng để điều trị chứng cảm mạo phong hàn, trên lâm sàng người bệnh: sợ lạnh, sốt, không ra mồ hôi, ho, khó thở. Trong bài thuốc vị Ma hoàng có tính ấm, vị cay, tác dụng phát tán phong hàn, làm ra mồ hôi, đóng vai trò chủ dược, là quân. Quế chi trợ giúp cho Ma hoàng, tăng cường tác dụng phát hãn, giải biểu, đóng vai trò là thần. Hạnh nhân có tác dụng chỉ khái, định suyễn để giải quyết triệu chứng ho và khó thở, là tá. Cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc khác, đóng vai trò là sứ.
1.2. Vấn đề gia giảm biến hóa của một bài thuốc
Trong phương pháp biện chứng luận trị của những chứng bệnh cụ thể của Y học cổ truyền thì cấu tạo của một bài thuốc, bất luận là cổ phương hay tân phương đều có nguyên tắc nhất định và phạm vi chỉ định điều trị nhất định. Do vậy, các bài thuốc trong y học cổ truyền không phải là bất biến mà khi ứng dụng trên lâm sàng sẽ được điều chỉnh thay đổi tùy theo từng tình trạng bệnh lý cụ thể, gia giảm linh hoạt tuỳ theo thể trạng của người bệnh, lứa tuổi, giới tính của người bệnh, những vị thuốc thường có ở địa phương đó...
1.2.1.Biến hóa một bài thuốc đã có bằng cách tăng hay giảm các vị thuốc để tạo thành bài thuốc mới
Tạo bài thuốc mới bằng tăng hay giảm các vị thuốc trong bài thuốc đã có được căn cứ vào tình hình triệu chứng của bệnh tật, của hội chứng bệnh cho phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng của từng người bệnh. Nhưng phải gia giảm trên cơ sở những vị thuốc chủ dược và những vị thuốc hỗ trợ của bài thuốc vẫn là hạch tâm được duy trì.
Ví dụ: Bài thuốc Ma hoàng thang với tác dụng chủ yếu là để phát hãn giải biểu, chữa chứng cảm mạo phong hàn người bệnh không ra mồ hôi, sợ lạnh, phát sốt, khó thở. Nếu trên lâm sàng xuất hiện triệu chứng vật vã, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng... là bệnh đã vào lý, phải gia thêm các vị Thạch cao để thanh nhiệt, trừ phiền và Sinh khương, Đại táo để điều hòa dinh, vệ và chuyển tên gọi là bài “Đại thanh long thang”.
1.2.2. Biến hóa một bài thuốc đã có bằng cách thay đổi sự phối ngũ của các vị thuốc để tạo thành bài thuốc mới.
Vị thuốc đóng vai trò quân (chủ dược) trong bài thuốc không thay đổi, nhưng các vị thuốc phối ngũ với vị quân thay đổi, sẽ làm tác dụng chữa bệnh của bài thuốc cũng sẽ thay đổi theo.
Ví dụ: Bài “Tả kim thang” gồm có Hoàng liên vị đắng, tính lạnh có tác dụng thanh nhiệt ở vị phối ngũ với Ngô thù vị cay tính ấm để chỉ nôn và điều trị triệu chứng ợ hơi, ợ chua trong bệnh Vị quản thống (Viêm - loét dạ dày, hành tá tràng). Nếu Hoàng liên lại phối ngũ với bắc Mộc hương, có tác dụng hành khí ở trung tiêu, chữa triệu chứng đầy bụng, mót rặn thì lại chuyển tên gọi là bài “Hương liên hoàn” để chữa chứng lỵ.
1.2.3. Biến hóa của bài thuốc đã có bằng phương pháp thay đổi liều lượng của các vị thuốc để tạo thành bài thuốc mới
Một số bài thuốc, cùng do một số vị thuốc tạo thành, nếu có sự thay đổi liều lượng của vị thuốc trong bài, thì tác dụng chủ yếu của bài thuốc này cũng có sự thay đổi, các bài thuốc có thể mang tên khác nhau và tác dụng chữa bệnh khác nhau.
Ví dụ: Ba bài thuốc: Tiểu thừa khí thang, Hậu phác tam vật thang, Hậu phác đại hoàng thang đều do 3 vị thuốc: Đại hoàng, Hậu phác, Chỉ thực tạo thành, nhưng liều lượng từng vị trong mỗi bài có thay đổi khác nhau, nên tác dụng giữa chúng cũng có khác nhau:
1.2.4. Biến hóa của bài thuốc, bằng cách thay đổi dạng thuốc để tạo thành bài thuốc mới.
Bài thuốc thường được dùng theo dạng bào chế khác nhau, là tùy thuộc vào tình hình bệnh tật, và yêu cầu điều trị của từng giai đoạn bệnh, nhưng thường trên một nguyên tắc chung. Bệnh cấp tính, bệnh nặng... thường dùng dưới dạng thuốc sắc. Đối với các bệnh mạn tính... thường dùng dưới dạng viên hoàn. Hay ở giai đoạn củng cố kết quả chữa bệnh... thường dùng dưới dạng thuốc tán, hoàn, rượu thuốc...
Ví dụ: Bài thuốc Lý trung hoàn có công dụng để chữa trung tiêu hư hàn, nếu dùng thang thuốc sắc lại có công dụng chữa hung tý do thượng tiêu hư hàn được gọi là Nhân sâm thang.
Bên cạnh đó cũng có những trường hợp ngoại lệ, như “An cung ngưu hoàng hoàn”, “Tử tuyết đan”, “Chí bảo đan”... lại thường được sử dụng trong cấp cứu.
II. Các dạng thường dùng trên lâm sàng của bài thuốc YHCT
Tùy theo yêu cầu chữa bệnh trên lâm sàng, tính chất các vị thuốc và sự cấu tạo của bài thuốc, các bài thuốc có thể sử dụng dưới nhiều dạng bào chế khác nhau. Những dạng thường sử dụng trên lâm sàng là:
2.1. Dạng thuốc sắc (thuốc thang)
- Mỗi vị thuốc, hay nhiều vị thuốc cấu tạo thành bài thuốc gọi là thang tễ, cho vào nước để sắc, bỏ bã lấy nước uống, thường là uống ấm thì gọi là thuốc sắc hay thuốc thang.
- Thuốc sắc là một dạng thuốc thường dùng trong y học cổ truyền, nó thích hợp với nhiều loại bệnh tật, đặc biệt là bệnh cấp tính, hay giai đoạn cấp của các bệnh mạn tính.
- Do bởi thuốc y học cổ truyền có nguồn gốc phần lớn là thực vật, nên khi sắc, các thành phần của thuốc dễ hòa tan vào nước, khi uống dễ được hấp thu và phát huy hiệu quả điều trị nhanh, mạnh. Đồng thời người thày thuốc dễ gia giảm để phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng, nhất là những bệnh cảnh lâm sàng phức tạp. Ngày nay người ta đã khắc phục nhược điểm của phương pháp sắc thuốc bằng than, củi, bếp ga... (không thuận tiện) bằng sắc ấm cắm điện tự động, được sản xuất từ nhiều nước, thuận tiện hơn.
2.2. Dạng thuốc bột (thuốc tán)
Đem các vị thuốc trong bài thuốc, sao ròn tán thành bột thô hoặc min, gọi là thuốc tán. Thuốc tán chia thành 2 loại: thuốc uống trong và thuốc dùng ngoài. Khi dùng uống trong, uống với nước đun sôi để nguội (bột mịn), hoặc gói lại cho vào thang để sắc (bột thô). Thuốc bột dùng bên ngoài thường rắc lên trên vải thưa, mỏng hoặc có thể rắc trực tiếp vào vết thương... thường dùng chữa các vết thương ngoại khoa. Đặc điểm của thuốc bột là dễ sử dụng, dễ mang theo, ít biến chất... nhưng sự hấp thu chậm hơn so với thuốc sắc.
2.3. Dạng thuốc hoàn (viên tròn)
- Thuốc được tán thành bột thật nhỏ, dùng nước mật, nước hồ gạo... bào chế thành viên hoàn tròn, tùy theo yêu cầu của bào chế mà có các kích cỡ khác nhau. Thuốc hoàn là một dạng thuốc thường dùng trong y học cổ truyền.
- Thuốc hoàn có đặc điểm là hấp thu chậm, tác dụng chậm, nhưng thể tích nhỏ dễ đem theo, dễ sử dụng và bảo quản. Sử dụng phù hợp với các bệnh mạn tính, cần uống thuốc lâu dài vừa nâng cao thể trạng người bệnh hay duy trì kết quả chữa bệnh. Nhưng nhược điểm do sinh dược chứa trong viên hoàn thấp, hấp thu chậm, nên người bệnh cần sử dụng lâu dài mới phát huy tác dụng. Tuy nhiên, ngoại trừ một số bài thuốc mang tính cấp cứu (thuốc khai khiếu) như An cung ngưu hoàng hoàn, Tử tuyết đan, Chí bảo đan... vì nó gồm những vị thuốc, nếu sắc rất dễ bị sức nóng phân hủy mất tác dụng hoặc gây độc như Chu sa thì cũng thường dùng dưới dạng thuốc hoàn.
- Các dạng thuốc hoàn thường gặp:
2.3.1. Hoàn mật: Các vị thuốc được sao ròn, tán thành bột. Dùng nước đường đen, nước mật hay mật ong trộn với lượng vừa đủ để làm viên hoàn. Viên hoàn mật có đặc tính nhu nhuận, hòa hoãn, là dạng bào chế thường sử dụng với các bài thuốc bổ.
2.3.2. Hoàn nước: Tán các vị thuốc thành bột, dùng nước đun sôi để nguội, rượu, dấm hoặc một phần nước thuốc sắc trộn lẫn để làm thành viên.
So với hoàn mật thì hoàn nước dễ vỡ hơn, nhưng hấp thu nhanh hơn.
2.3.3. Hoàn hồ: Tán nhỏ các vị thuốc thành bột, dùng hồ gạo chế thành viên. Lâu hấp thu hơn hoàn nước và hoàn mật, sau khi uống thuốc được hấp thu từ từ, thích hợp với việc dùng các thuốc kích thích niêm mạc dạ dày.
2.3.4. Hoàn đậm đặc: Sắc thuốc xong cô lại thành cao, hoặc dùng dung môi thích hợp (rượu) chiết xuất hoạt chất, rồi cô đặc lại thành cao đặc, làm khô thành bột dùng nước, rượu, nước thuốc sắc làm thành viên hoàn, có thể dùng để chữa các loại bệnh khác nhau.
Các viên thuốc hoàn, hàm lượng to hay nhỏ, để trần hay có vỏ sáp bọc là tùy theo yêu cầu: viên to có thể từ 4 - 16g, viên nhỏ bằng hạt đậu...
2.4. Rượu thuốc
Dùng rượu làm dung môi chiết xuất hoạt chất của các vị thuốc, có thể dùng uống trong, hay dùng xoa ngoài, thường có tác dụng bổ hư, tiêu ứ, giảm đau.
2.5. Thuốc cao
Thuốc được đem đun sắc thành nước, rồi đem cô đặc lại thành thể keo, gọi là thuốc cao. Chia thành 2 loại: thuốc uống trong (hay dùng dạng cao lỏng) hoặc dùng ngoài thường là cao mềm).
2.5.1. Thuốc cao dùng để uống trong: Là các vị thuốc đem đun sắc thành nước, bỏ bã, sau đun tiếp nhỏ lửa để cô đặc lại, có thể cho thêm đường phèn hay mật ong... hàm lượng trung bình 1ml cao lỏng tương đương với 1g thuốc.
Dễ uống, liều lượng chuẩn xác, thích hợp với các loại thuốc bổ, nhưng khó bảo quản được lâu ngày. Ngoài ra, còn dạng thuốc cao đặc hơn, cách làm như trên, nhưng hàm lượng 1ml cao tương đương với 2 - 5g thuốc.
2.5.2. Thuốc cao dùng ngoài: Có 2 loại cao mềm và cao cứng.
- Cao mềm: đem các vị thuốc trong bài thuốc nấu thành cao, cho tá dược (Vaselin, dầu thực vật) trộn lẫn làm thành cao mềm. Thường dùng cho các vết thương phần mềm, bỏng...
- Cao cứng: đem bài thuốc nấu thành cao, cho tá dược (nhựa thông, sáp ong...) trộn lẫn làm thành cao cứng, phết lên vải, giấy làm cao dán lên mụn nhọt, khớp xương... khi gặp nhiệt độ 36o - 37oC trên mặt da của cơ thể thì thuốc sẽ chảy ra.
- Cao dán có tác dụng cục bộ hay toàn thân.
* Ưu điểm của thuốc cao, thành phần sinh dược của thuốc có thể lợi dụng được nhiều vì đã kinh qua đun sắc, cô đặc, với vị thuốc ngọt dễ uống. Dạng thuốc này thường dùng để điều trị các bệnh mạn tính hay nâng cao thể trạng. Nhưng nhược điểm là thuốc không để được lâu, nhất là trong thời tiết nóng, cho nên phần nhiều thuốc dạng cao hay sử dụng về mùa đông.
2.6. Thuốc đan (đan tễ)
Đan trong các dạng thuốc bào chế kinh điển của y học cổ truyền (Cao, Đan, Hoàn, Tán) là dạng thuốc bào chế đã kinh qua thuốc hoàn hay tán, nhưng được tinh chế kỹ lưỡng như “Cam lộ tiêu độc đan”, “Chí bảo đan”, “Tử tuyết đan”... tác dụng của dạng bào chế này cũng còn mang thêm một ý nghĩa khác là tác dụng nhanh, mạnh, có hiệu quả cao.
Trong những thập kỷ cuối của thế kỷ XX trở lại đây, kết hợp với y dược học hiện đại, để nâng cao hiệu quả điều trị của thuốc y học cổ truyền, nên nhiều dạng bào chế mới của thuốc y học cổ truyền đã xuất hiện như dạng viên dẹt, viên nang, sirop, thuốc tiêm... bên cạnh các dạng bào chế kinh điển.
III. Cách dùng thuốc sắc (thuốc thang)
Thuốc sắc là dạng thuốc hay được sử dụng nhất. Để phát huy được đầy đủ tác dụng chữa bệnh của các vị thuốc, tránh lãng phí thuốc, cách sắc thuốc và uống thuốc được trình bày qua những điểm cơ bản sau đây:
3.1. Cách sắc thuốc
- Dụng cụ sắc thuốc: tốt nhất dùng siêu đất để sắc thuốc, không dùng nồi kim loại để tránh sự biến chất của các vị thuốc. Ngày nay để tiện dụng cho sắc thuốc, người ta đã sử dụng siêu ấm điện, chuyên dụng để sắc thuốc có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đặc điểm là sử dụng vật liệu là gốm, sành hay thủy tinh chịu nhiệt với chế độ cắm điện và tự động ngắt khi thuốc đã sắc được, rất thuận tiện cho người bệnh sử dụng sắc thuốc cá nhân. Ngoài ra còn máy sắc thuốc và đóng thành túi thuốc tự động, rất thuận tiện phục vụ cho bệnh nhân trong các bệnh viện y học cổ truyền hay khoa y học cổ truyền của bệnh viện đa khoa.
- Cách sắc thông thường: đổ nước sạch ngập các vị thuốc, các vị thuốc nổi lên trên mặt nước, khi sắc phải quấy luôn, hoặc ngâm nước trước khi sắc. Khi đã sôi nước, để nhỏ lửa, sôi âm ỉ, tránh sôi trào ra, dễ cạn nước. Không nên mở vung ấm sắc thuốc luôn dễ bay hơi, mất hoạt chất có tác dụng.
- Những chú ý trong khi sắc thuốc:
+ Trước khi sắc thuốc nên dùng nước sạch ngâm thuốc từ 15 - 20 phút để cho nước thấm cả vào bên trong và bên ngoài vị thuốc, khi sắc sẽ làm các vị thuốc được chiết xuất dễ hơn. (Riêng bệnh cấp thì không dùng phương pháp này).
+ Những vị thuốc phương hương phát tán (những vị thuốc có tính vị cay thơm dễ bay hơi) thì khi sắc thuốc sôi mới cho các vị thuốc này vào khoảng 3 - 5 phút thì bắc thuốc ra. Nếu trong bài thuốc có 1 - 2 vị thuốc này thì cho vào sau, hoặc tán nhỏ hòa vào nước thuốc uống.
+ Các vị thuốc bổ là chủ đạo trong bài thuốc thì khi sắc thuốc nên đun nhỏ lửa và sắc từ từ như Thục địa, Bạch truật, Hoài sơn, Long nhãn, Liên nhục,...
+ Các loại mai, khoáng vật, nên đập vụn ra trước khi cho vào sắc như: Miết giáp, Qui bản, Long cốt, Mẫu lệ,...
+ Các loại thuốc có độc như Hắc phụ tử... thì nhất định phải sắc trước, sắc một lúc thì mới nên bỏ các vị thuốc khác vào.
+ Một số vị thuốc nếu đun sôi và lâu thì thành phần tác dụng của nó trong vị thuốc dễ bị giảm nên thường phải bỏ vào sau, sắc trong thời gian ngắn như Câu đằng, Đại hoàng...
+ Một số các vị thuốc quý, đắt tiền nên cần phải sắc riêng, sau khi đã sắc được rồi, mới hòa nó vào trong nước thuốc mà uống. Đặc biệt các loại thuốc quý, lại là những thuốc khó tan như sừng tê giác, linh dương giác cần phải tán bột hay mài với nước, rồi hòa với thuốc sắc mà uống.
+ Các vị thuốc có tính dẻo, dính như: Di đường, Mật ong, A giao,... thường sau khi nước thuốc vừa sắc xong còn đang sôi thì cho các vị thuốc đó vào để hòa tan rồi uống. Đối với các vị thuốc như: Mang tiêu, Huyền minh phấn cũng làm như vậy.
+ Các vị thuốc y học cổ truyền sử dụng dưới dạng còn tươi như: Bồ công anh, Cỏ nhọ nồi,... thì rửa sạch rồi giã lấy nước uống.
+ Các loại thuốc dưới dạng quả, hột như: Toan táo nhân, Bá tử nhân, Hạnh nhân, Đào nhân, Sa nhân, Nhục đậu khấu,... đem giã nát trước rồi mới cho vào thang thuốc để sắc.
+ Những loại thuốc là hạt nhỏ như Xa tiền tử, Tô tử, Đình lịch tử,... hay như các vị thuốc có lông nhỏ như: Tỳ bà diệp, Toàn phúc hoa,... có thể kích thích hầu họng, nên thường những vị thuốc này phải gói lại trong túi vải mà sắc, nếu không sau sắc thuốc khi uống phải lọc kỹ.
+ Những vị thuốc có kích thước lớn như: Ty qua lạc (Xơ mướp), Kim tiền thảo,... trước hết lấy riêng những vị thuốc đó, sắc trước bỏ bã đi, lấy nước sắc với các vị thuốc khác để uống.
3.2. Phương pháp uống thuốc
- Đối với mục đích uống thuốc nhằm điều trị các bệnh mạn tính hay nâng cao thể trạng trong các trường hợp suy nhược mạn tính, thì mỗi ngày nên uống 1 thang thuốc, sắc 2 lần, sau hòa lẫn vào, chia ra uống sau bữa ăn khoảng 2 giờ.
- Nhưng đối với các bệnh cấp tính, bệnh nặng, bệnh ngoại cảm có sốt như vậy không hợp lý, mà tùy theo diễn biến của tình trạng bệnh mà mỗi ngày có thể uống từ 2 - 3 thang, cách nhau khoảng 3 - 4 giờ.
- Thời gian uống thuốc nói chung sau bữa ăn 2 - 3 giờ là tốt, uống thuốc nên uống ấm, thuốc giải biểu cần uống nóng để cho ra mồ hôi. Những trường hợp bệnh nhiệt chứng rõ thì nên uống thuốc hơi nguội. Người bệnh bị nôn mửa thì uống thuốc phải chia nhiều lần, uống dần dần để khỏi nôn ra thuốc (trẻ em cũng vậy). Thuốc dạng cao nên uống vào lúc đói buổi sáng hoặc uống vào lúc trước khi đi ngủ.
I. Đại cương
Thông qua các khám bệnh (tứ chẩn) để phát hiện các triệu chứng, tập hợp các triệu chứng thành hội chứng để biện chứng (phân tích nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh) từ đó đưa ra chẩn đoán (bát cương, tạng phủ, bệnh danh); Từ chẩn đoán đưa ra một phương pháp điều trị thích hợp (bát pháp) dựa vào pháp điều trị này mà xây dựng một bài thuốc gọi là phương dược mang tính chất toàn diện và triệt để tức là điều trị nguyên nhân điều trị triệu chứng, điều trị theo cơ chế và các bệnh kèm theo cho nên muốn ghi một đơn thuốc tốt cần chú ý:
- Phần y:
+ Khám bệnh kỹ để phát hiện triệu chứng để chẩn đoán chính xác và đưa ra một pháp điều trị hợp với chẩn đoán tức là kê đơn hợp với tình hình bệnh.
+ Dựa vào giới, tuổi, thời tiết, đời sống xã hội, địa cư và các lý luận của Y học cổ truyền.
- Phần dược:
+ Phối ngũ các vị thuốc trong bài thuốc, các tương tác của các vị thuốc khi phối ngũ.
+ Nắm vững tính năng tác dụng của từng vị thuốc nhất là đặc trị của vị thuốc đó.
+ Liều lượng của các vị thuốc sử dụng cho hợp lý với các cách bào chế thích hợp.
- Nguyên tắc kê đơn thuốc: Trong ghi đơn thuốc thường theo các nguyên tắc: Quân, thần, tá, sứ để kết hợp các vị thuốc với nhau thành bài thuốc:
+ Quân: Là một vị hoặc nhiều vị thuốc chính mục đích để điều trị nguyên nhân hoặc bệnh chính hoặc triệu chứng chính, là chủ dược.
+ Thần: Là một vị hoặc nhiều vị thuốc có tác dụng tăng cường tác dụng hoặc giảm độc tính của quân, là thuốc bổ trợ cho chủ dược.
+ Tá: Là một vị thuốc hay nhiều vị thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng hoặc các bệnh liên quan đến các bệnh kèm theo, là thuốc trợ giúp cho quân, thần dược.
+ Sứ: Là một vị thuốc (không thể là nhiều vị được) có tác dụng dẫn thuốc, làm dễ uống và điều hoà chung các vị thuốc trong bài thuốc hay dùng là Cam thảo, Can khương, Đại táo, Cát cánh, Ngưu tất.....
- Chú ý:
+ Bài thuốc càng ít vị mà có tác dụng tốt là hay nhất.
+ Các bài thuốc cổ phương, đối chứng luận trị hoặc toa căn bản đều thể hiện rõ nguyên tắc quân, thần, tá, sứ.
+ Quân thần còn gọi là chủ dược, có khi vị thuốc vừa làm Thần vừa làm Xứ, vị thuốc làm Sứ có thể làm Thần hoặc làm cả Tá. Thường là Quân 1 vị, thì Thần là 2 vị và liều dùng của Quân thường lớn hơn của Thần, Tá và Sứ.
II. các cách kê đơn
Hiện nay có các cách kê đơn thuốc sau: Nghiệm phương, gia truyền, cổ phương, tân phương, đối pháp lập phương, toa căn bản và theo kết hợp YHCT với YHHĐ.
2.1. Cách kê đơn thuốc theo cổ phương
- Cổ phương là những bài thuốc từ người xưa để lại có kết quả điều trị tốt một bệnh một hội chứng nhất định thí dụ bài “Lục vị” điều trị thận âm hư (từ xưa ở nước ta có thể lấy mốc từ đại danh y Hải Thượng Lãn Ông trở về trước ở Trung Quốc từ triều Minh trở về trước). Thường những bài thuốc này được thành lập qua lý luận YHCT và kinh nghiệm.
- Cách sử dụng: Có thể dùng nguyên bài hợp với người bệnh (nhưng khi bỏ vị và thêm vị không quá 1/3 số vị có trong bài cổ phương).
2.2. Cách kê đơn thuốc theo đối pháp lập phương
- Cách kê đơn thuốc theo đối pháp lập phương là cách kê đơn dựa vào triệu chứng chẩn đoán và pháp điều trị để thành lập một bài thuốc có quân, thần, tá và sứ cho nên còn gọi là cách kê đơn theo đối chứng luận trị. Muốn ghi cách kê đơn này cần phải giỏi cả y và cả dược.
- Ví dụ:
+ Triệu chứng: Người gầy, da xanh, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, nói và thở yếu, gặp lạnh, ăn lạnh tăng đau bụng, đau bụng âm ỉ hay về đêm, đầy bụng kém ăn khó tiểu, đại tiện phân nát phân sống, cơ nhẽo mạch trầm tế, chân tay lạnh, ngủ kém.
+ Biện chứng: Da xanh, chân tay lạnh, mùa lạnh và ăn lạnh gây đau bụng, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhạt là bệnh thuộc hàn.
+ Đầy bụng kém ăn khó tiêu, phân nát và phân sống cho nên thuộc tỳ và vị hư không vận hoá được thuỷ cốc sinh ra: Tỳ liên quan cơ nhục cho nên tỳ hư làm cho người gầy, cơ nhẽo, bệnh ở tỳ hư cho nên thuộc lý hư cho nên có mạch trầm tế.
+ Mất ngủ do tâm hư vì tỳ là hành con của tâm cho nên tỳ hư gây tâm hư (con hư do mẹ).
+ Chẩn đoán: (Bát cương) Lý hư hàn và (Tạng phủ) Tỳ vị hư hàn.
+ Pháp điều trị: Ôn trung kiện tỳ, tiêu thực và an thần.
+ Phương dược:
Trần bì 06g Can khương 06g
Mộc hương 08g Hoàng kỳ chích 10g
Đẳng sâm 12g Thần khúc 12g
Bạch truật 12g Liên nhục 12g
Bán hạ chế 06g Bạch thược 12g
Đại táo 10g Táo nhân 08g
2.3. Cách kê đơn thuốc theo toa căn bản
- Xuất xứ: Do Nguyễn Văn Hưởng đặt ra, dựa vào những nguyên nhân gây rối loạn và triệu chứng cơ bản nhất trên người bệnh theo quan điểm của Y học hiện đại (Tây y) và Y học cổ truyền (Đông y) đặt ra các tác dụng tìm các vị thuốc cơ bản nhất dễ kiếm nhất để người thầy thuốc dựa vào đó mà gia giảm điều trị bệnh. Bài thuốc xuất xứ ở thời kỳ chống Pháp, quân và dân thiếu thuốc thiếu thầy thuốc trầm trọng cho nên bài thuốc đã được ứng dụng rộng rãi đối với các bệnh thuộc nội khoa thông thường.
- Cấu tạo của bài thuốc có 2 phần:
+ Phần điều hòa cơ thể, đó là phần cơ bản gồm có 6 tác dụng và 10 vị thuốc (cho nên gọi toa căn bản).
* Nhuận gan: Sài đất
* Thanh nhiệt giải độc: Rau má
* Nhuận huyết: Huyết dụ
* Lợi niệu: Rễ có tranh, râu ngô
* Nhuận tràng: Muồng trâu hoặc chút chít
* Kích thích tiêu hóa: Gừng, xả
Các vị thuốc trên tuỳ theo nơi ở có hay không mà thay thế: Cụ thể giải độc có thể thay Cỏ màn trầu, Ké đầu ngựa, Kim ngân hoa; Nhuận huyết có thể thay Cỏ nhọ nồi, rau Rền đỏ, Hà thủ ô đỏ; Lợi niệu có thể thay Bông mã đề; Kích thích tiêu hóa có thể thay Vỏ quýt, Giềng.
+ Phần tấn công bệnh: Dựa vào tình hình của bệnh tình mà thêm bớt, cụ thể:
* Nếu sốt rét thêm lá Thường sơn.
* Nếu lỵ thêm Cỏ sữa.
* Nếu mất ngủ thêm Lá vông.
* Nếu cơ thể yếu hư thì bổ như thêm Hoài sơn, bố chính sâm.
* Nếu ho thêm Tang bạch bì.
* Nếu đau khớp xương thì thêm Tang ký sinh, Dây đau xương.
* Nếu ỉa lỏng bỏ nhuận tràng, nếu đái nhiều không phù bỏ lợi niệu...
- Cách sử dụng: Sắc uống.
* Nếu người bệnh tính nhiệt thì sắc uống tươi.
* Nếu người bệnh hàn thì sao vàng sắc uống.
- Dựa vào bệnh tình có thể gia giảm phần điều hòa cơ thể, cụ thể: Nếu không táo bón thì bỏ nhuận tràng, nếu không nhiễm trùng (nhiệt bệnh) thì bỏ thanh nhiệt giải độc, nếu đi tiểu nhiều thì bỏ lợi niệu, nếu ăn tốt thì bỏ kích thích tiêu hóa.
- Tuỳ theo có hay không các vị thuốc có thể thay các vị cho cùng tác dụng.
- Phần tấn công bệnh là gồm các tác dụng và các vị thuốc thêm vào mà trong phần điều hòa cơ thể của bài thuốc không có để phù hợp với bệnh tình của người bệnh.
2.4. Cách kê đơn thuốc theo nghiệm phương
Cách kê đơn theo nghiệm phương là cách kê theo kinh nghiệm của các thầy thuốc, đã qua nghiên cứu hoặc chưa qua nghiên cứu, cho nên có hai loại:
- Bài thuốc nghiệm phương do kinh nghiệm của các thầy thuốc đúc kết từ quá trình điều trị và nghiên cứu rút ra đó là bài thuốc kết hợp lý luận Y học cổ truyền và Y học hiện đại, cùng với kinh nghiệm có thể gọi bài đó là Tân phương: Ví dụ đơn số 12 của Học viện Quân y, chè tan BTD của Phạm Văn Trịnh, viên Tô mộc điều trị Viêm đại tràng.
- Bài thuốc nghiệm phương do kinh nghiệm của các thầy thuốc qua hành nghề để lại không thông qua lý luận của Y học hiện đại có thể qua lý luận YHCT, ví dụ: Bài thuốc cam hàng bạc điều trị suy dinh dưỡng trẻ em, kem con ong điều trị bỏng chấn thương và vết thương phần mềm, cao thông u điều trị bệnh động mạch chi dưới.
2.5. Cách kê đơn thuốc theo gia truyền
Cách kê đơn thuốc theo cách gia truyền là dùng các vị và bài thuốc theo kinh nghiệm xương máu của gia đình hoặc cá nhân để lại không thông qua lý luận và nghiên cứu, ví dụ: Bột cam cóc điều trị suy dinh dưỡng, cây sống đời điều trị bỏng.
2.6. Kê đơn thuốc kết hợp YHCT (Đông y) với YHHĐ (Tây y)
Cách kê đơn thuốc kết hợp Đông y với Tây y, có hai cách:
- Dùng cách kê đơn thuốc theo Đông y (một trong 5 cách trên) và thêm các vị thuốc Đông y đã được nghiên cứu về cơ chế và tác dụng của Tây y thuộc bệnh mà thầy thuốc đã chẩn đoán Tây y.
+ Bệnh về viêm gan mạn tính theo Y học cổ truyền (Đông y) là âm hoàng, nếu theo biện chứng luận trị dùng bài Tiêu dao thì cần thêm Nhân trần và Ngũ vị tử. Vì Nhân trần đã được chứng minh là tăng tiết mật và làm lưu thông dẫn mật, Ngũ vị tử đã được nghiên cứu là nâng cao chức năng gan chống thoái hóa tế bào gan.
+ Bệnh đái tháo đường nằm trong bệnh Tiêu khát nên được chẩn đoán là thận âm hư thì có thể kê bài lục vị nhưng cần thêm Thiên hoa phấn vì Thiên hoa phấn đã được nghiên cứu là hạ đường huyết tốt.
- Dùng cách kê đơn thuốc Đông y và thêm các thuốc Tây y để dùng cho các bệnh không thể dùng điều trị nội khoa Đông y đơn thuần hoặc Tây y đơn thuần (nếu dùng thuốc cách nhau trên 1 giờ không có nghi ngờ chống nhau).
Cách kê đơn này tương đối tốt nhưng yêu cầu các thầy thuốc phải “sâu sắc về Đông y và hiện đại về Tây y” nghĩa là vừa giỏi cả Đông y vừa giỏi Tây y và thường xuyên nắm bắt các thông tin khoa học và tham gia nghiên cứu thuốc Đông y.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top