[1]
Triều Nhạc Thuỵ kết thúc vào năm thứ hai mươi bảy. Nhạc Thụy tiên đế băng hà đột ngột trong niềm tiếc thương vô tận của con dân Đông Nhạc quốc. Tiên đế một đời anh minh, luôn lấy sự ấm no sung túc của bá tánh muôn dân làm đầu. Đông Nhạc quốc qua hai mươi bảy năm dưới triều tiên đế trị vì ngày càng hưng thịnh. Hoàng thái tử đăng cơ, lấy hiệu là Nhạc Duy đế, phúc như sơn nhạc, kỳ mệnh duy tân.
Bắc Tấn quốc rục rịch đã lâu, dã tâm muốn đánh chiếm Đông Nhạc bị đè nén bao năm này nhân cơ hội này lại càng bùng lên mãnh liệt.
Nhạc Duy đế có tổng cộng ba người con. Đại hoàng tử học hành sáng dạ, sớm tối không rời việc đọc sách, lại đức độ hiền hoà, biết cách đối đãi với người trên kẻ dưới. Song đại hoàng tử từ nhỏ đã mang bệnh đầy người, đến lưng ngựa cũng chưa một lần thử. Tam hoàng tử dù từ rất sớm đã bộc lộ bản thân tư trời thông tuệ, càng có hứng thú với việc cầm binh, nhưng tiếc thay tuổi còn quá nhỏ, chỉ có thể tham gia bàn bạc, chưa thể tự mình tiến quân.
Mùa xuân năm Nhạc Duy thứ ba, loạn giặc ngoại xâm ngày càng nghiêm trọng. Nhị hoàng tử tài lược trầm hùng, văn võ hơn người, lĩnh mệnh dẫn theo ba vạn quân đến trấn giữ biên giới phía Bắc, mất gần năm năm mới đè nén được sự giày xéo của Bắc Tấn. Đông Nhạc quốc cũng nhờ thế mà yên ổn thêm được một thời gian.
Bờ cõi được giữ yên, Đông Nhạc quốc lại một lần nữa hưng thịnh. Quan hệ giữa các nước lân cận ngày càng mở rộng, việc tiếp đón các sứ đoàn lẫn thương đoàn, thắt chặt thêm tình hữu nghị hay mở rộng giao thương cũng ngày càng được lưu tâm. Các đại gia tộc ở kinh thành đương nhiên không muốn bỏ lỡ cơ hội này, một lòng muốn được nhận trách nhiệm đón đãi khách quan. Nhạc Duy đế cân nhắc rất lâu, rốt cuộc miếng bánh lớn này lại rớt trúng vào Châu gia.
Châu gia vốn là đại gia tộc ở kinh thành, Châu đại lão gia trước kia vốn là Quận Công dưới triều tiên đế, một trong bốn vị khai quốc công thần, nắm giữ nhân mạch trải rộng khắp nơi, giúp tiên đế giữ cho lòng dân yên ổn. Tiên đế băng hà, Châu Quận Công không lâu sau đó cũng tạ thế theo. Châu gia vẫn hết sức được coi trọng dưới triều đại mới. Châu lão gia lúc này là công thần đương triều, vẫn luôn là tâm phúc của Nhạc Duy đế. Năm đó tân đế vừa đăng cơ, Châu quận công tạ thế chưa lâu, Châu lão gia liền được tấn phong thành Khanh Lạc Hầu, là một vị Tư Thổ được toàn triều kính trọng.
Châu Kha Vũ là nhị công tử của Hầu phủ nức tiếng kinh thành, ôn văn nhĩ nhã, khí vũ hiên ngang. Người này không những lớn lên có dung mạo, có lễ độ, có khí tiết, mà còn tài tư mẫn tiệp, đầu óc cực kì thông minh. Nhị công tử dù chưa lĩnh chức chính thức, nhưng việc tiếp đón các sứ đoàn đều một tay cáng đáng. Nhân gian gọi Châu Kha Vũ là Tinh Hoà công tử, lưu truyền rằng Hầu phủ có một vị được cát tinh cao chiếu, được trời cao giúp đỡ, làm việc gì cũng mỹ mãn, thuận lợi.
Năm Nhạc Duy thứ mười, bờ cõi biên giới đã yên, mối quan hệ giao hảo giữa Đông Nhạc quốc với các nước lân bang vô cùng tốt đẹp, thắt chặt mối quan hệ, mở rộng giao thương. Nhị hoàng tử sau gần mười năm trấn thủ ở phương xa, thương nhớ phụ hoàng, rốt cuộc cũng hồi kinh. Đúng dịp thọ yến của hoàng đế, lại còn cỏ cả nhị hoàng tử vinh quang vô lượng sắp trở về, trong cung đương nhiên là mở tiệc linh đình. Khanh Lạc Hầu và Hầu phủ có công lớn, liền được vời vào cung tham gia thọ yến của hoàng đế. Châu Kha Vũ vì thế cũng lần đầu tiến cung.
Lần đầu tiến cung, gặp người không nên gặp. Nhưng đấy là chuyện sau này người mới hay.
Thọ yến vốn là chuyện vui, nên không khí bữa tiệc cũng vô cùng dễ chịu. Nhạc Duy đế là người trọng hiền tài, không hề tiếc lời khen cho Khanh Lạc Hầu, rồi hào phóng ban thưởng đến nhiều người phải đỏ mắt. Châu Kha Vũ từ đầu đến cuối luôn yên tĩnh đứng sau phụ thân và huynh trưởng, ngay cả lúc nhập tiệc cũng vô cùng trầm lặng, an ổn làm việc của mình. Nhưng người như nhị công tử trời sinh đã anh tư khác người, dù có yên yên ổn ổn thu mình ngồi đó vẫn toả ra khí độ thong dong, một chút cũng không kém các vị hoàng tử khác.
"Kia là?", tiếng hoàng đế trầm ổn, là câu hỏi nhưng lực thoát ra lại là mệnh lệnh không thể khước từ.
Khanh Lạc Hầu ra hiệu, Châu Kha Vũ một đường tiến lên giữa điện, quỳ xuống làm lễ, rồi mới từ tốn giới thiệu bản thân.
"Thì ra đây là vị Tinh Hoà công tử mà bá tánh hay nhắc đến đây sao. Quả thật là tiếng lành đồn xa.", nhị hoàng tử hào hứng lên tiếng, lại quay sang Nhạc Duy đế, đoạn nói, "Châu nhị công tử trông cũng trạc tuổi tam đệ. Vậy mà phụ hoàng xem sự khác biệt này lớn đến như thế nào?"
Nhạc Duy đế bật cười, nhìn sang đứa con ngốc nghếch của mình đang vô tư thưởng thức món ngon, không buồn ngẩng đầu lên tham gia vào cuộc trò chuyện.
"Phải để các khanh chê cười, nó vẫn là một đứa trẻ ấu trĩ.", hoàng đế tặc lưỡi than thở.
Khanh Lạc Hầu cùng hai vị công tử đương nhiên không dám đồng tình, chỉ có thể cười xoà rồi bảo hoàng tử dù sao vẫn còn rất nhỏ.
Tam hoàng tử của Đông Nhạc quốc, từ nhỏ được đại hoàng tử chỉ dạy trong sách vở, được nhị hoàng tử chỉ điểm võ công. Mười sáu tuổi đứng ở sân luyện võ thì khí thôn sơn hà, ngồi vào bàn tham mưu lại hùng thao vĩ lược, nhưng rốt cuộc vẫn là một đứa trẻ được nuông chiều và bao bọc không một kẽ hở. Tam hoàng tử có một chút ngây thơ, lại không biết đời ấm lạnh như nào.
Tam hoàng tử quá ngây thơ, vậy thì nhờ vị Tinh Hoà công tử này chỉ giúp chút đi. Hoàng đế có lệnh, tam hoàng tử đã đến lúc nên ra sức vì quốc gia, nay chuyển đến Hầu phủ nhằm giúp đỡ Khanh Lạc Hầu tiếp đón các đoàn sứ giả.
Năm Trương Gia Nguyên mười sáu tuổi, nhập Hầu phủ, trở thành người sớm tối bên cạnh Châu Kha Vũ.
Người biết chuyện thì liền hiểu tam hoàng tử đến Hầu phủ cốt là để học tập.
Nhân gian lại lan truyền vị hoàng tử đầu tiên của hoàng đế thành gia lập thất ấy thế mà lại là tam hoàng tử Trương Gia Nguyên, gả cho Châu Kha Vũ, nhị công tử của Khanh Lạc Hầu.
Tiếng lành đồn xa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top