Đoản văn
Tuyết trắng bay đầy trời. Kinh thành ngập trong sắc đỏ của đèn hoa đại hỉ, là đại hỉ lớn nhất của thành Hoài An. Năm Châu Đan thứ 8, tức 8 năm sau khi hoàng đế đăng cơ, cuối cùng người cũng lập phi.
Một ngày bận rộn của tất cả mọi người.
Ta đương nhiên cũng không ngoại lệ. Ta là Tú Hoa, một trong ba trưởng sự của Điện Vấn Hồi, đã ở trong cung hơn hai mươi năm. Chủ nhân của nơi này, cũng là chủ nhân của ta, là Trương Gia Nguyên - nhị thiếu gia của Trương đại tướng quân.
Vị tiểu thư được lập thành Viên phi kia chính là Trương Giai Viện, muội muội của Trương nhị thiếu. Phía trên hai người họ còn có huynh trưởng là Trương Đằng, phía dưới có tiểu đệ là Trương Tinh Đặc, đều là tướng quân đã có chiến tích hiển hách, chia nhau trấn giữ biên ải Bắc Nam.
Trương gia là dòng dõi con nhà tướng, nhiều đời phò tá Châu gia, hết mực trung thành với hoàng thất. Trương Gia Nguyên vốn dĩ cũng là một tướng quân xuất chúng, sinh ra trong cung tiễn, lớn lên trong gươm đao, trở về từ chiến trận. Trương đại tướng quân gần như không cần lo lắng, ba người Trương nhất Trương nhị Trương tam bọn họ trưởng thành liền có thể giúp hoàng đế giữ thiên hạ thái bình.
Nhưng mùa đông 5 năm trước, Trương Gia Nguyên trở về, mãi mãi không thể xuất chinh được nữa.
Một năm sau đó Điện Vấn Hồi mới được dựng, ta cũng chuyển từ Tàng Tâm Các qua đây, thông tin dò la được chỉ gói gọn trong hai chữ "phản tặc". Trong quân có nội gián, Trương nhị tướng quân bị mai phục, còn có trợ giúp từ Tây Vực.
Tuy cuối cùng Trương nhị tướng quân có thể trở về từ quỷ môn quan nhưng trên người đã mang kịch độc, y sĩ Trung Hoa vô phương cứu chữa, từ đó không thể vận nội công, không thể luyện võ thuật binh đao được nữa. Mà rất lâu sau này ta mới biết, vì trận chiến lần đó, trên lưng Trương nhị tướng quân có một vết thương lớn mãi không lành.
Ngay sau khi kinh thành nhận được tin, Trương đại tướng quân đích thân dẫn quân san bằng cả một châu nơi biên giới hai nước, thẳng đến khi quốc vương Tây Vực quy hàng, tự dâng lên cống phẩm trị giá ba năm thương du của bọn họ, Trương đại tướng quân mới dừng lại.
Tất nhiên số vàng bạc châu báu đó Trương gia không cần, cũng không thể trả lại cho Trương gia một nhị thiếu gia tiêu sái trên lưng ngựa. Hoàng đế đánh tiếng cho Trương gia tự chủ trương phần cống phẩm kia, chưa tới một tuần trăng thì đã chiếu cáo đổi hết thành lương thực, phát cho dân nghèo.
Lại nói về Điện Vấn Hồi của ta, nơi này trước đây không có, chỉ là vì Trương nhị tướng quân nên mới dựng. Bây giờ không còn Trương nhị tướng quân nữa, chỉ có Trương nhị thiếu đứng đầu Điện Vấn Hồi, một tay sắp xếp các vấn đề liên quan tới nghệ thuật trong cung.
Nghệ thuật là một phạm trù rất lớn. Ban đầu Điện Vấn Hồi chỉ có Cầm Các chuyên dạy đàn, Họa Các chuyên dạy vẽ tranh, Tú Các chuyên dạy thêu thùa, sau này Trương nhị thiếu đi rất nhiều nơi, nghiên cứu thêm rất nhiều lĩnh vực khác, cũng phát triển Điện Vấn Hồi nhiều hơn.
Hoàng đế nhiều lần muốn sắc phong chức tước cho Trương nhị thiếu nhưng đứa trẻ này luôn khéo léo từ chối, nói rằng không cần quá khoa trương, dù sao cũng là người Trương gia, gọi một tiếng Trương nhị thiếu không sai không sót là được.
Và tất nhiên, ngoại trừ chính điện chính cung cùng Phủ Nội Vụ, nơi bận rộn nhất chính là Điện Vấn Hồi. May sao Trương nhị thiếu làm việc rất có quy củ, người làm trưởng sự như ta dẫu có không ngơi tay thì cũng không bận tới mức kiệt sức.
Bản thân ta phụ trách Họa Các, việc quan trọng nhất cho đại hỉ sự của hoàng đế cùng Viên phi chính là bức bình phong lớn trong Viên Tâm Cung, dẫu cho đã được 12 họa sư giỏi nhất kinh thành thực hiện trong suốt 3 tháng thì ta vẫn phải kiểm tra kĩ lưỡng, không thể có bất kì sơ suất nào. Thẳng tới khi Trương nhị thiếu nói ổn, ta mới có thể yên tâm một chút.
Bức bình phong lớn đó vẽ một hậu viện, chính giữa là Viên phi đang chơi cầu mây cùng mấy đứa nhỏ. Trương nhị thiếu nói với ta đó chính là ý nguyện cả đời của bốn nam nhân nhà họ Trương bọn họ, chỉ mong nữ nhi duy nhất trong nhà có thể bình bình an an, vui vẻ một đời. Ta thấy trong ánh mắt Trương nhị thiếu nhìn bức bình phong đó có thấp thoáng vài phần nuối tiếc, ta đoán Trương gia chưa nỡ gả nữ nhi vào nhà đế vương. Một đời bình an vui vẻ không thể tìm thấy được ở chốn thâm cung, Trương gia tất nhiên hiểu rõ hơn ta rất nhiều.
Lại nói về chuyện hỉ sự, việc Viên phi nhập cung đã là hỉ sự lớn nhất thành Hoài An, tất nhiên trừ bỏ những chuyện của tiền triều. Hoàng đế hiện tại là Châu Kha Vũ, hiệu Châu Đan, là tam hoàng tử tiền triều, mười bảy tuổi sắc phong làm thái tử. Hai năm sau, tiên đế băng hà, thái tử đăng cơ trị quốc.
Kể từ khi còn là trữ vương, hoàng đế đã không có trữ phi, sau này lập thái tử cũng không lập thái tử phi. Trong suốt 8 năm đăng cơ, 8 mùa tuyển tú, hoàng đế chỉ chọn lấy 18 người, cao nhất chỉ sắc phong tới tiệp dư.
Vốn dĩ ta tưởng rằng sẽ có ngày triều thần phải đứng ra khuyên giải hoàng đế lập phi lập hậu, nào ngờ vào cung yến đầu năm, hoàng đế trực tiếp đề thân với Trương gia. Trùng hợp hôm đó là sinh thần của Trương nhị tướng quân, cũng coi như song hỉ.
Đại hỉ sự được ấn định vào tháng 11, đợt đại hàn lớn nhất. Đèn hoa đỏ rực khắp nơi như xoa dịu bớt đi cái lạnh thấu da thịt. Hoàng đế chiếu cáo thiên hạ lập Trương tiểu thư làm Viên phi, ban cung điện mới xây dựng, đề Viên Tâm Cung, ngoài ra còn đại xá cho rất nhiều phạm nhân được trở về nhà cùng gia đình, đón hỉ sự xong chẳng mấy chốc lại tới năm mới, không phải chịu đựng cả mùa đông nơi ngục giam lạnh lẽo. Hoàng đế cũng bỏ lễ diễu hành quanh thành, thay vào đó chỉ rước Viên phi từ phủ Trương gia tới thẳng điện Kính An làm lễ. Hoàng đế nói bách tính trong kinh không cần ra đường, tránh bị cảm lạnh, không cần vì hỉ sự hoàng thất mà ảnh hưởng sức khỏe. Cuối ngày còn có người của Trương gia đi phân phát bánh khoai môn để dân thường chung vui, nghe nói đó là loại bánh Viên phi thích nhất.
Đại hỉ sự liền một tuần trăng như thể sưởi ấm toàn thành Hoài An, Viên phi vào cung cũng danh chính ngôn thuận trở thành phi tử đầu tiên của hoàng đế, nắm quyền chủ quản nhất hậu cung, nhà đế vương và nhà tướng thân càng thêm thân.
Tất nhiên hỉ phục của Viên phi là do Tú Các chế tác. Cung yến đại hỉ, văn võ bá quan trong triều cũng được dự thính Trương nhị thiếu đích thân đàn mười khúc chúc mừng.
Trong cung yến, bất ngờ nhất có lẽ là chuyện Trương đại tướng quân cáo lão hồi phủ, trả lại binh phù. Nhưng chuyện này, chỉ cần là người biết nghĩ thì đều hiểu được. Ta biết trong lòng ông ấy có bao nhiêu lo lắng cho nữ nhi. Nếu ngoại thất hoàn toàn nắm trong tay binh quyền, Viên phi chắc chắn sẽ thất sủng, đại kị là nàng sẽ không được mang thai con trai. Trương đại tướng quân chắc chắn không thẹn với lòng, cả một đời vì giang sơn xã tắc của nhà họ Châu, chắc chắn sẽ không mưu phản. Nhưng ngộ nhỡ sau này Viên phi thực sự sinh con trai, ngộ nhỡ được lập làm thái tử, thiên hạ khó tránh được lời ra tiếng vào rằng Trương gia bọn họ đã nhòm ngó vương vị từ lâu. Nghĩ đi nghĩ lại, lựa chọn của Trương đại tướng quân vẫn là việc tốt nhất ông ấy có thể làm cho nữ nhi rồi, thực sự muốn đứa con này bình bình an an mà sống.
Hoàng đế ngoài miệng cũng hết lời níu giữ, nhưng ta biết, tâm cơ đế vương vốn đừng nhìn mặt chữ làm gì. Một hồi nói qua nói lại thì hoàng đế cũng ân chuẩn, tạm thời giữ lại binh phù. Sớm muộn gì hoàng đế cũng sẽ trao lại cho tướng quân Trương Đằng, nhưng hẳn là không phải ngay sau khi mới lập Trương Giai Viện làm Viên phi. Hoàng đế cũng không phải người không thức thời, sau khi phê chuẩn liền ban chiếu chỉ tăng bổng lộc cho văn võ quan Trương Gia, một tuần trăng sau đó cũng chỉ hạ giá Viên Tâm Cung, không lật thẻ bất kì tú nữ nào khác.
Những ngày tháng sau đó cũng rất yên ấm. Biên ải Bắc Nam không có vấn đề, hai vị Trương tướng quân hồi kinh dự hỉ cũng ấn định rằm tháng Giêng mới rời đi. Viên phi kia nghe nói quán xuyến hậu cung cũng không có vấn đề gì cả, phần vì hậu cung neo người, phần vì nàng xuất thân từ Trương gia, phần vì sủng hạnh của hoàng đế.
Ít nhất là ta nghĩ như vậy.
Cho tới ngày Chúc Mai ghé qua phòng của ta.
Chúc Mai hơn ta hai tuổi, là trưởng sự phụ trách Cầm Các, cũng là trưởng sự duy nhất của Điện Vấn Hồi được phong nữ quan.
Chúc lão gia trước đây là một phú thương, có hai tiệm vải lớn trong kinh thành, tuy không tới mức chuẩn bị vải vóc, y phục cho hoàng thân nhưng cung nhân thì đều đã quen vải từ đây, Phủ Nội Vụ cũng tín nhiệm không ít. Chúc phu nhân là một tài nữ, khi còn trẻ là một cầm sư có tiếng trong kinh thành. Chúc Mai là nữ nhi nhỏ nhất của Chúc gia, cũng là người thừa hưởng thiên phú âm nhạc tốt nhất trong 6 người nhà họ, lớn lên cũng là một cầm sư thường xuyên được mời vào cung diễn tấu.
Chúc Mai tới Điện Vấn Hồi sau ta hai tháng, cũng là trưởng sự cuối cùng được ấn định. Vị trí của Chúc Mai rất đặc biệt. Khác với ta, nàng được Trương nhị thiếu mời về chủ quản Cầm Các.
Trong các lĩnh vực nghệ thuật mà Trương nhị thiếu nghiên cứu, âm nhạc là phương diện y dốc tâm nhiều nhất, đặc biệt là đàn. Vậy nên vị trí đảm nhiệm Cẩm Các thực sự không phải ai cũng có thể ngồi được, càng không nói sẽ ngồi một mạch 5 năm chưa từng có bất cứ vấn đề gì.
Chúc Mai tìm tới ta khi ta vừa thổi nến chuẩn bị an giấc. Nàng và ta cũng hay chuyện trò, chỉ là chúng ta chủ yếu nói về sự vụ trong Điện Vấn Hồi, tự nhiên sẽ không phải vào khung giờ như thế này. Bọn ta nói qua nói lại một hồi liền nói tới giờ Mão.
Chúc Mai nói, nàng vô tình nhìn thấy, cổ tranh của Trương nhị thiếu nứt rồi.
Chúc Mai nói, nàng vô tình nhìn thấy, trong thư phòng của Trương nhị thiếu có một chậu tro lớn. Hoàng đế muốn y qua diễn tấu, gửi qua bao nhiêu chỉ dụ, y liền đốt bấy nhiêu.
Chúc Mai nói, nàng vô tình nhìn thấy, mấy ngày trước, Trương nhị thiếu nhận được hồi báo từ Viên Tâm Cung, thủ cung sa của Viên phi vẫn chưa mất.
Ta nói với Chúc Mai rất nhiều, khuyên nàng chỉ nên giữ trong lòng. Trương nhị thiếu là một đứa trẻ tốt, quản sự như chúng ta không giúp được ưu tư trong lòng y thì nên giúp y quản tốt Điện Vấn Hồi.
Nhưng ta không thể nói với Chúc Mai một chuyện. Vết thương sau lưng của Trương nhị thiếu lại đổ máu rồi.
Ta biết ta không nên giấu nàng nhiều chuyện như vậy. Nhưng ta không muốn nàng lo. Sự vụ ở Cầm Các rất bận rộn, hơn nữa Cầm Các gần như là xương máu của Trương nhị thiếu. Ta không muốn Chúc Mai phiền lòng, càng không muốn đứa nhỏ kia phải lo lắng thêm nữa.
Cũng may mắn, qua được mùa đông, ta không còn thấy Trương nhị thiếu phải lén thay băng máu nữa. Đứa nhỏ này từng chinh chiến sa trường, vẫn là không muốn ai lo, dựng lên cái vỏ bọc mạnh mẽ làm gì. Ta đã ở trong cung quá nửa phần đời, nói không nhận ra là nói dối.
Thành Hoài An lại tất bật chuẩn bị cho năm mới, đèn hoa đỏ lại được treo lên phủ kín trời. Tết Châu Đan đầu tiên có Viên phi, nghi lễ đều làm lớn hơn các năm trước vài phần, kéo theo Điện Vấn Hồi cũng tất bật.
Chỉ là năm nay, Trương nhị thiếu của chúng ta không đàn cổ tranh nữa.
Trong cống phẩm của đoàn sứ thần phương Tây, không hiểu sao Trương Gia Nguyên tìm được một nhạc cụ rất lạ, là một nhạc cụ bộ dây, có thùng đàn lớn, dây đàn kim loại, âm sắc rất dễ nghe.
Ta không hiểu quá nhiều về âm nhạc, lại xách thân đi hỏi Chúc Mai. Nàng bảo thứ nhạc cụ ấy là jita gì đó, nàng dạy mãi ta mới đọc được từ guitar. Ngôn ngữ phương Tây của bọn họ thật khác với Hán tự, chữ viết thoạt nhìn đơn giản hơn nhưng phần đọc lại khó như vậy.
Ta vốn không định để ý thứ đồ lạ này, nhưng Chúc Mai lại nói thêm với ta, đồ vật này vốn dĩ không phải do quốc vương bên kia dâng tặng mà là sứ thần của bọn họ tặng riêng cho Trương nhị thiếu. Ta tò mò, trong cung yến cũng chú ý hơn. Dẫu cho vị trí ngồi của quản sự Điện Vấn Hồi bọn ta không quá tốt, ta vẫn có thể theo hướng chỉ tay của Chúc Mai mà nhìn được sứ thần kia, là một người trẻ tuổi, chắc chỉ trạc tuổi Trương nhị thiếu, hơn nữa còn rất cao, ngồi xuống vẫn không quá khuất, phỏng chừng còn cao hơn Trương nhị thiếu một chút. Ta loáng thoáng nghe được tên hắn ta là gì đó giống hiệu của hoàng đế, Chúc Mai sửa lại phát âm cho ta, nói rằng tên hắn là Daniel.
Sau cung yến, ta bắt gặp Daniel nhiều hơn. Hắn thường xuyên ghé Điện Vấn Hồi của bọn ta, đàm đạo âm nhạc với Trương Gia Nguyên. Hai đứa nhỏ đó, chân dài mặt sáng, đi cùng nhau đẹp như hoa nở mùa xuân. Trương nhị thiếu của bọn ta hình như rất hợp với Daniel, ở bên cạnh hắn, y như được sống bù những năm tháng tuổi thơ đã dành hết cho quốc sự. Ta thấy Trương nhị thiếu cười nhiều hơn, cười đến là vui vẻ.
Mãi tới một ngày, Chúc Mai hỏi ta, liệu ta có thấy ánh mắt Trương nhị thiếu nhìn Daniel có gì khác lạ không. Khi đó ta bỗng nhiên nhận ra, ánh mắt đó rất đặc biệt, cũng rất quen thuộc.
Rất nhiều năm trước, ta mới vào cung mấy năm, làm một nha hoàn nho nhỏ. Ta từng nhìn thấy một đứa nhỏ dùng sáo ngọc luyện kiếm cùng tam hoàng tử, cũng chính là hoàng đế bây giờ. Thì ra đứa nhỏ đó là Trương Gia Nguyên, thì ra hai nam tử nhìn nhau cũng có thể dùng ánh mắt dịu dàng tới như vậy.
Cung yến năm mới, Trương nhị thiếu diễn tấu bằng đàn guitar. Daniel cũng biểu diễn một loại hình nghệ thuật gì đó, nghe như đang đọc nhưng lại có đệm nhạc, còn có tiết tấu, vần điệu, ngắt nghỉ nhả chữ rất thú vị.
Daniel mang tới rất nhiều thứ mới mẻ. Nhưng ta không hề nghĩ tới một ngày, Daniel mang Trương Gia Nguyên của bọn ta đi.
Vào sinh thần của Trương Gia Nguyên, y cáo bệnh, rời khỏi Điện Vấn Hồi, giao lại sự vụ cho Chúc Mai. Y dâng tấu tới hoàng đế, thưa rằng vết thương cũ không có cách nào cứu vãn, y không còn nhiều thời gian, mong có thể cùng đoàn sứ thần của Daniel trở về, tiện thể thăm thú một chút trước khi tạ thế. Hoàng đế chuẩn tấu.
Hai mươi mấy năm ở trong cung, ta chưa từng thấy bối rối như thế. Tám năm Châu Kha Vũ tại vị, ta chưa từng thấy hoàng đế từ chối Trương Gia Nguyên bất cứ điều gì. Chỉ là khi hắn nâng lên ly rượu chúc mừng sinh thần Trương nhị thiếu, ta thấy hắn rơi nước mắt. Viên phi ngồi bên cạnh hẳn cũng đã nhìn thấy rồi, nhưng nàng không có biểu tình gì, chỉ lặng lẽ tiếp tục cung yến.
Sau cung yến, Trương nhị thiếu liền bàn giao hết lại công việc cho bọn ta, về Trương phủ thăm phụ mẫu.
Rằm tháng Giêng, hai vị Trương tướng quân rời thành Hoài An, trở về thống lĩnh biên ải. Đoàn sứ thần phương Tây cũng cáo biệt, Daniel cũng mang Trương Gia Nguyên rời đi.
Hoàng đế cùng Viên phi đích thân ra khỏi thành tiễn bọn họ, nhưng cũng trở vào rất nhanh. Có lẽ lúc đó ta đã không nhìn ra, vạt áo của hoàng đế có mấy phần luyến tiếc, mấy phần không nỡ, mấy phần cô độc.
Ta cùng Chúc Mai đứng trên tường thành trông theo Trương Gia Nguyên rất lâu, cuối cùng nàng vẫn phải về Điện Vấn Hồi trước, công việc còn nhiều, chỉ có ta nán lại. Nàng đưa cho ta một thứ rất lạ, nói rằng đó là ống nhòm Daniel cho nàng, nhìn được rất xa, rất rõ.
Ta thấy đoàn sứ thần đi gần khuất khỏi tầm mắt thì bọn họ bỗng ngừng lại một chút. Ta đưa ống nhòm lên, vụng về hướng nó về phía chân trời. Ta chỉ thấy được bóng người mờ mờ, nhưng dựa vào màu áo choàng, ta biết đó là ai. Ta thấy Daniel đỡ Trương Gia Nguyên xuống từ xe ngựa, lại đỡ y lên ngựa của hắn, chính mình cũng leo lên phía sau, đỡ lưng cho y.
Ta không rõ lần cuối ta thấy Trương nhị thiếu của ta cưỡi ngựa là khi nào, hẳn là cũng mấy năm trước rồi. Vết thương của hắn ngày một nặng, ngồi chơi đàn cũng khó khăn, cưỡi ngựa đương nhiên là không làm được nữa.
Không ngờ nhìn thấy một màn kia, trong lòng ta bỗng nhiên rất ấm, rất muốn khóc. Đứa nhỏ tốt đẹp ấy có lẽ đã tìm được một người y có thể dựa vào.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top