Thần học Đại kết của Congar và hiện tình Đại kết
Thật là một niềm vui và vinh dự cho tôi khi được mời nói về tình hình và những vấn đề hiện thời của phong trào Đại kết, trong khung cảnh của cuộc hội thảo được tổ chức nhân dịp Bách chu niên sinh nhật của một tu sĩ Đa Minh và cũng là một nhà thần học có tầm vóc lớn, cha Yves-Marie Congar (1904-1995). Đây cũng là một đề tài quan trọng liên quan không phải là ít đến hình thể của Hội Thánh ngày mai. Đại kết, cùng với sứ vụ truyền giáo, là phận vụ chính yếu của Dân Thiên Chúa đang lữ hành trong dòng lịch sử. Nhưng làm thế nào để vạch ra con đường của Hội Thánh mà trước hết lại có thể bỏ qua không nhìn lại những nền tảng đã được cha Yves Congar đặt ra trước cả khi khai mạc Công đồng Vaticanô II và đã được cha đưa vào suốt thời gian họp Công đồng. Cha Yves Congar đúng là một người tiền hô. Với tư cách đó, cha đã và vẫn còn đang là một trong những khuôn mặt nhà thần học đáng khâm phục và có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX. Cha cũng đã tiên đoán cả những vấn đề và những thách đố sẽ được đặt ra cho chúng ta ở thế kỷ XXI nữa.
I- Cha Yves Congar – nhà tiên phong
Thật là một niềm vui và vinh hạnh cho tôi khi được mời nói về tình hình và những vấn đề hiện thời của việc đại kết, trong khung cảnh của cuộc hội thảo được tổ chức nhân dịp Bách chu niên sinh nhật của một tu sĩ Đa Minh và cũng là một nhà thần học có tầm vóc lớn, cha Yves-Marie Congar (1904-1995). Đây cũng là một đề tài quan trọng liên quan không phải là ít đến hình thể của Hội Thánh ngày mai. Đại kết, cùng với sứ vụ truyền giáo, là phận vụ chính yếu của Dân Thiên Chúa đang lữ hành trong dòng lịch sử. Nhưng làm thế nào để vạch ra con đường của Hội Thánh mà trước hết lại có thể bỏ qua không nhìn lại những nền tảng đã được cha Yves Congar đặt ra trước cả khi khai mạc Công đồng Vaticanô II và đã được cha đưa vào suốt thời gian họp Công đồng. Cha Yves Congar đúng là một người tiền hô. Với tư cách đó, cha đã và vẫn còn đang là một trong những khuôn mặt nhà thần học đáng khâm phục và có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX. Cha cũng đã tiên đoán cả những vấn đề và những thách đố sẽ được đặt ra cho chúng ta ở thế kỷ XXI nữa.
I. Cha Yves Congar – người tiên phong
Để trình bày lịch sử phong trào đại kết và vị trí của phong trào này hiện nay trong Hội Thánh Công giáo, khó có thể quên danh tánh và công trình của cha Yves Congar. Trong cuốn “Hồi ký Công đồng”, tác phẩm được xuất bản năm 2002, sau khi cha qua đời, cha viết “Tôi đã làm việc nhiều để chuẩn bị cho Công đồng. Tại Công đồng, tôi cũng đã làm việc nhiều. Tôi hầu như có thể nói như thế”, và cha dẫn lời thánh Phaolô, “plus omnibus laboravi” (“tôi đã làm việc nhiều hơn mọi người”). Chỉ có một trường hợp ngoại lệ được cha viết như thế, đó là khi cha viết về nhà thần học Gérard Philips, thuộc Louvain (II,510). Nhà thần học này là “con ngựa thồ” khi Hiến chế về Hội Thánh, “Lumen gentium”, được soạn thảo.
Lần đầu tiên tôi thăm cha Yves Congar, khi tôi đã biết cha, lúc có những khó khăn nghiêm trọng với Thánh Bộ, buộc cha phải rời ghế giáo sư ở Saulchoir mà không được người ta cho biết lý do. Vào thời đó, tôi biết nhiều nhất là tác phẩm canh tân của cha, “Jalons pour une théologie du lẳcat” (1953) vừa xuất bản và tôi rất ngưỡng mộ. Bấy giờ, cha đang làm việc ở Strasbourg, nơi đức cha Weber đã tiếp đón cha với tâm tình bằng hữu. Cha tiếp tôi trong một căn phòng làm việc nhỏ, trần cao, các kệ đầy ắp sách đụng tới trần nhà, cứ như muốn sụp xuống. Bàn làm việc của cha kín mít đầy những hộp đựng các “fiches” ghi chú. Lúc bấy giờ làm việc bằng máy vi tính không phải là chuyện thông dụng như ngày nay. Với một người như tôi, khi ấy vừa mới hoàn tất học thuật với văn bằng tiến sĩ, tất cả hình ảnh ấy cho tôi cảm tưởng về một sự uyên bác mênh mông mà chỉ có thể đem lòng kính phục mà thôi.
Bản liệt kê các ấn phẩm của cha Congar dài lắm. Đó phần lớn là những tập khảo luận uyên bác có tính cách lịch sử, kèm theo vô số những chú thích tham chiếu văn phẩm của các Giáo phụ, kinh viện thời Trung cổ cũng như vấn đề hiện tại đang được bàn cãi. Cha Congar là một thư viện lưu động. Về căn bản, cha chịu ảnh hưởng của nhà thần học kiệt xuất, thánh Tôma Aquinô, và cha không thể khác thế được để là một người tu sĩ Đa Minh chân chính như cha đã là. Cha rất sớm để ý tới Trường phái Tubingen, nhất là giáo sư Adam Mohler, cũng như các tác phẩm của các nhà thần học chính thống như Chamjakov, Soloviev và Bulgakov. Với các vị vừa kể tên sau này, cha ý thức rằng Hội Thánh không phải chỉ là một thể chế, nhưng trước tiên Hội Thánh là sự sống và là cộng đoàn đầy Chúa Thánh Thần.
Rất nhanh, hiểu biết sâu rộng của cha về lịch sử đã cho phép cha giữ khoảng cách đối với giáo hội học được trình bày trong các trường ốc. Cha nhận thấy rằng truyền thống còn phong phú hơn thần học hẹp hòi và xơ cứng nhiều, theo như kiểu của một Bainvel và một Dublanchy mà người ta vẫn giảng dạy ở trường học. Hầu như cha luôn thấy rằng những đảo lộn sâu sắc ở thế kỷ XI là tượng trưng cho bước chuyển đổi từ một quan niệm về Hội Thánh như là sự hiệp thông sang một quan niệm về tính cách phổ quát. Ýù tưởng này được tổng hợp lại trong tác phẩm đồ sộ “L’Église. De saint Augustin à l’époque moderne”.
Như vậy, cha Congar, cùng với Chenu, Bouillard, Lubac, Danielou và nhiều người khác, là một phần của nhóm các nhà thần học theo tinh thần của các Giáo phụ và của triết học về sự sống, nhất là cùng với Maurice Blondel, cha có quan niệm về một thần học có tính cách lịch sử. Sau này, người ta đặt cho hướng đi thần học này tên gọi là “tân thần học” (nouvelle théologie). Nhưng thực ra, đó là sự canh tân thần học cổ kính của các Giáo phụ. Thế nhưng, hướng đi thần học này lại bị nhiều người khác công kích dữ dội, ngay cả ở bên trong Dòng của cha, cho tới khi Đức giáo hoàng Gioan XXIII và Công đồng Vaticanô II giúp cho khuynh hướng này được xác nhận vững vàng, và Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã đặt cha Congar, một năm trước khi cha qua đời, làm hồng y của Hội Thánh Rôma (1994) cũng như Lubac và Daniélou.
Với kiến thức sâu rộng và những khả năng đáng kinh ngạc của cha, cha Congar đã để lại dấu ấn của mình trong nhiều văn kiện của Công đồng Vaticanô II (1962-65) : Các Hiến chế tín lý về Hội Thánh và Mạc khải của Thiên Chúa, các Sắc lệnh về đại kết, tông đồ giáo dân và hoạt động truyền giáo của Hội Thánh –ấy là chỉ kể sơ qua một vài văn kiện. Như thế, cha Congar, một trong những người tiền phong của Công đồng Vaticanô II, cũng đã là một trong số những nhà thần học có nhiều ảnh hưởng nhất đối với Công đồng. Cách nào đó, cha là một trong những Giáo phụ hậu Công đồng, một Công đồng như vẫn mãi còn là một công trường xây dựng hơn là một căn nhà tiện nghi đã khánh thành.
Cách riêng, lộ trình của thần học đại kết công giáo của thế kỷ XX không thể tách rời khỏi tên tuổi của cha. Cha đã chuẩn bị từ rất sớm con đường cho thần học này với hai tác phẩm đã được mọi người biết đến : “Chrétiens désunis. Principles d’un oecuménisme catholique” (1937) và “Vraie et fausse réforme dans l’Église” (1950). Cho dù sau này những viễn tượng có thay đổi, nhưng hai tác phẩm này vẫn còn là những cuốn sách kinh điển của thần học đại kết. Đấy là một thần học đặt cơ sở trên mảnh đất vững chãi của tín điều chứ không phải chủ trương đại kết tự do phóng khoáng dựa trên cơ sở kinh nghiệm chủ quan hay hành động thực tiễn, lúc bấy giờ có phong trào “Life and Work” theo đường lối này.
Những gì được khai triển trong hai tác phẩm trên đã được xác nhận tại Công đồng Vaticanô II trong Sắc lệnh công đồng về Đại kết, “Unitatis redintegratio”. Trong cuốn Hồi ký Công đồng, cha Congar diễn tả sự chán nản mà không giận dữ đối với một số những sửa chữa vào phút chót, những sửa chữa có thể làm giảm đi ý nghĩa (II,279tt). Cha viết : “Sắc lệnh De oecumenismo coi như mất đi sự đồng trinh hay là một phần tinh tuyền” (II,287). Nhưng dầu gì đi nữa cuối cùng thì “bản chất vẫn còn là nguyên vẹn” (G. Alberigo IV,441). Lối mở quyết định đã thành công.
Lối mở này chính yếu là gì ? Câu trả lời hiện rõ lên nếu ta nhớ lại rằng Đức giáo hoàng Piô XII, trong tông thư “Mystici corporis” (1943), đã dạy rằng Hội Thánh công giáo Rôma « là » thân mình của Chúa Ki-tô, nên cho dầu thực sự ở bên ngoài những biên cương khả thị của Hội Thánh công giáo, có những Kitô hữu thuộc về Hội Thánh bằng lòng ước ao, nhưng không có thực tại Hội Thánh ở bên ngoài Hội Thánh công giáo. Sau này, cha Congar đòi là người đầu tiên, trong “Chrétiens désunis”, phá vỡ chủ trương cực đoan trên khi nói đến những vestigia và elementa của Hội Thánh bên ngoài Hội Thánh công giáo (Essais oecuméniques, 1984). Lý thuyết này rất chóng được nhiều nhà thần học khác lấy lại và, tiếp đó, được Công đồng tuyên bố là giáo lý chính thức của Hội Thánh (LG 8 ; 15 ; UR 3tt).
Nội dung của lối mở ấy là thế này : bên ngoài những biên cương của cộng đoàn công giáo – như sau này Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô nói – không có một khoảng trống không có Hội Thánh (UUS 13). Dầu cho ở đó không có “Hội Thánh”, - một Hội Thánh chỉ lập hữu trong Hội Thánh công giáo (LG 8), nhưng người ta thấy ở đó không phải chỉ có các Kitô hữu cá nhân riêng lẻ, mà còn cả những cấp độ khác nhau của thực tại Hội Thánh, và cả trong trường hợp của các Hội Thánh Đông phương, các Hội Thánh địa phương đích thực. Thần Khí của Thiên Chúa cũng đang hoạt động trong các Hội Thánh và các Cộng đoàn Hội Thánh này. Người ta cũng thấy ở đó nhiều ân huệ của Thần Khí. Chỉ trên cơ sở này mới có được đối thoại đại kết, mới khả dĩ có được một sự hội thoại và trao đổi giữa các Hội Thánh.
Sau Công đồng, cha Congar tiếp tục suy nghĩ về lập trường của mình và về lập trường của Công đồng. Cha thực hiện việc ấy chính yếu trong Thần Khí học gồm ba cuốn nhan đề “Je crois en l’Esprit Saint” (1979-80). Trong tác phẩm đồ sộ này, cha đi xa hơn cách tiếp cận Kitô học nguyên sơ của cha. Khởi đi từ Thần Khí học, cha đã khám phá ra những khía cạnh mới đưa cha xích lại gần các Hội Thánh Đông phương và đã dẫn cha đến chỗ gập gỡ và đương đầu với những hướng đi đặc sủng gần đây nhất. Như thế, quan điểm có tính cách thể chế và một chiều về Hội Thánh đã hoàn toàn lỗi thời. Nói cho cùng, điều cha nghĩ nhiều, trong “Diversité et communion” (1982), trong khung cảnh một giáo hội học về hiệp thông, đó là đề tài đại kết chính yếu của sự hiệp nhất và tính cách đa dạng trong Hội Thánh. Điều ấy đưa cha đến vấn đề đại kết, như được đặt ra hôm nay, trong đó ta nói đến sự hiệp nhất như là một sự đa dạng đã được hoà giải.
Với tác phẩm được cha Congar viết lúc cha đã đạt độ chín muồi, các chiều kích vẫn còn bị che khuất lại dẫn đi rất xa vào tương lai. Chúng ta vẫn còn chưa phân tích hết được những viễn tượng đã được cha khai mở cho chúng ta. Chính cha cũng đủ lương thiện và khiêm tốn để từ chối để đưa ra một trình bày hệ thống riêng của mình về giáo hội học, vì cha cho rằng thời gian cần có để làm như thế chưa chín đủ.
Ngay từ đầu thập niên tám mươi, cha đã nhận thấy rằng hình như phong trào đại kết đang giậm chân tại chỗ (9 ; 11). Cha chứng nhận là “những người trẻ hiện không có lòng ái mộ đối với Hội Thánh của Đức Giêsu Kitô”. Thế nhưng, cha không chia sẻ thái độ chủ bại đang lan rộng. Cho dẫu gần thượng thọ bát tuần, lập lại một cách diễn tả của thi sĩ Paul Valéry, cha viết : “La jeunesse prophétise par son existence même, étant ce qui sera” (Tuổi trẻ tuyên sấm bằng chính cuộc đời của tuổi trẻ, họ đang là cái họ sẽ là) (15).
Theo cha, Hội Thánh tự bản chất là một thực thể cánh chung. Hội Thánh là dân cánh chung của Thiên Chúa đang trên đường lữ hành. Hội Thánh không ngừng vượt qua, đi tới có tính cách lịch sử, trong Thần Khí. Hội Thánh thực hiện điều đó qua sứ vụ truyền giáo và việc đại kết. Cũng như qua sứ vụ truyền giáo, Hội Thánh đón nhận theo một thể cách sáng tạo các dân tộc và văn hoá của họ thế nào, thì trong việc đại kết, Hội Thánh cũng đón nhận những ân huệ của các Hội Thánh khác như vậy (238tt). Trong cả hai trường hợp, Hội Thánh vừa là Hội Thánh trao tặng một cách dồi dào lại vừa là Hội Thánh đón nhận một cách dư dật. Chỉ qua sứ vụ truyền giáo và việc đại kết, Hội Thánh trở thành, trong lịch sử cụ thể, điều mà Hội Thánh tự bản chất đã là từ muôn năm trước : một una sancta catholica et apostolica ecclessia (một hội thánh thánh thiện, công giáo và tông truyền) phổ quát. Theo cha Congar, ngược với chủ trương đại kết cổ kính tức là bằng cách trở lui, việc đại kết hướng không phải về quá khứ mà tới tương lai, và đại kết được hướng tới một thể thức mới của Hội Thánh và hướng tới sự hiệp nhất xét như là hiệp thông. Dĩ nhiên, trong thực tế viên mãn, sự hiệp nhất tiên vàn phải là một hồng ân cánh chung.
Tóm lại, thể thức có tính cách lịch sử trong tương lai là công trình của Thần Khí. Như thế, thể thức ấy không để cho mình được xác định cách cụ thể và theo cách thức tương xứng trước. Và nhất là người ta không thể nào ấn định được thời gian hay khoảnh khắc. Chính vì Thần Khí không thể nào tự mâu thuẫn và Hội Thánh vẫn là chính mình trải qua mọi thế kỷ, cho nên sự hiệp nhất vĩ đại tương lai đã được ghi trong đường đi của Truyền Thống, một Truyền Thống mà cha Congar rõ ràng không quan niệm như là một tổng thể những truyền thông đặc thù cứng nhắc, nhưng như là sự hiện tại hoá một Truyền Thống sống động, được nâng đỡ và gia tăng nhờ Thần Khí ngự giữa lòng Hội Thánh (La Tradition et les traditions, 2 vol., 1960-63 ; La Tradition et la vie de l’Église, 1963).
Sau khi đã biết những tiêu chuẩn căn bản trong hướng nhìn của cha Congar, chúng ta thắc mắc tự hỏi : hôm nay đây, sau 40 năm Sắc lệnh công đồng về Đại kết, chúng ta đang đứng ở chỗ nào ? Tình trạng hiện nay của việc đại kết như thế nào ? Có những tiến bộ, những vấn nạn và những chướng ngại nào ? Chúng ta đang hướng tới đâu ?
II. Đại kết với các Hội Thánh Đông phương
Chúng ta bắt đầu bằng việc đại kết với các Hội Thánh Đông phương. Cha Congar đã cống hiến cho lãnh vực này một tác phẩm, vẫn hay được trích dẫn, nhan đề “Neuf cents ans après. Note sur le ‘schisme oriental’” (Chín trăm năm sau. Chú nhận về ‘cuộc ly giáo Đông phương’) (1954). Cuốn sách này được phát hành nhân kịp kỷ niệm 900 năm cuộc ly giáo mà người ta cho là vào năm 1054 này. Đối với cha, tính cách chính thống (orthodoxie) là điểm tham chiếu chính trong thần học của cha về đại kết.
Ngoài những Hội Thánh chính thống, các Hội Thánh Đông phương cũng bao gồm cả các Hội Thánh Đông phương cổ kính (copte, syria, armenia, ethiopia, malankare) là những Hội Thánh, ngay từ thế kỷ IV và V, đã tách ra khỏi cái lúc bấy giờ là Hội Thánh thuộc đế quốc. Đối với những người phương Tây như chúng ta, cảm tưởng về các Hội Thánh ấy là cổ kính xa xưa rồi. Nhưng đó là những Hội Thánh sống động, đã thấm nhuần sâu xa vào cuộc sống của các dân tộc và các nền văn hoá của các dân tộc đó. Khi đi vào phong trào đại kết, các Hội Thánh ấy ra khỏi sự cô lập lâu dài và đã lấy lại được vị trí của mình giữa lòng toàn thể Kitô giới.
Những lý do nền tảng của việc các Hội Thánh ấy tách ra, không kể những lý do chính trị, phải tìm trong cuộc đụng độ về công thức Kitô học. Trong khi công đồng Chalceđonia (451) chủ trương rằng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là con người thật trong một ngôi vị mà thôi, tức là một ngôi vị mà có hai bản tính, thì các Hội Thánh này lại theo công thức của thánh Syrillô Thành Alexandria, nghĩa là bản tính Thiên Chúa độc nhất đã trở thành xác phàm. Sau một cố gắng chuẩn bị cam go, bao gồm một cuộc nghiên cứu có tính cách lịch sử về các tín điều và một cuộc tranh luận do Hiệp hội « Pro Oriente » có trụ sở tại Vienne làm nhà trung gian, thì mới gần đây cuộc tranh cãi đã được giải quyết thông qua những tuyên bố song phương giữa Đức Thánh Cha và các Đức Thượng Phụ hữu quan. Ta nhận thấy rằng khi nói về một ngôi vị duy nhất và về hai bản tính, ta đã khởi đi từ một khái niệm triết học khác nhau về « ngôi vị » và về « bản tính », tuy nhiên ý nghĩa của khái niệm này luôn đồng nhất về mặt nội dung. Khái niệm này đã cho phép bảo toàn cùng một đức tin vào Đức Giê-su Ki-tô, mà không bên nào có thể áp đặt công thức của mình cho những người khác. Kết quả cuối cùng là nhắm đến sự hiệp nhất trong sự đa dạng của những phương thế biểu đạt.
Giờ đây, chúng ta đã bước vào giai đoạn thứ hai của cuộc đối thoại, lần này là với toàn thể các Hội Thánh Đông phương cổ kính. Sau khi bàn về khoa Ki-tô học, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề Hội Thánh được quan niệm là sự hiệp thông. Chúng tôi hy vọng rằng những bước đi cụ thể sẽ có khả năng lần lượt được tiến hành và trong tương lai việc hoạch định những viễn tượng về một sự hiệp thông trọn vẹn sẽ là điều khả dĩ.
Dù vẫn chưa có một thoả thuận chính thức nào được thực hiện với các Hội Thánh Chính thống thuộc truyền thống Byzantine và Slave. Tuy nhiên, những lần ra vạ tuyệt thông « excommunication » vào năm 1054, thời điểm biểu tượng cho sự chia rẽ giữa Đông phương và Tây phương, đã được xoá bỏ khỏi « tâm trí của Hội Thánh » vào ngày cuối cùng của Công đồng Vaticanô II ( 7-12-1965). Cha Congar đã xúc động sâu xa về sự kiện đó, cha ghi nhận : « Tất cả thật tuyệt vời biết bao » (II, 508). Thời điểm mốc năm 1054 tất nhiên là mang tính biểu tượng. Đông phương và Tây phương đã đón nhận sứ điệp Tin Mừng theo những cách thế khác nhau và đã phát triển những truyền thống khác nhau (UR 14 ; 16), những hình thức văn hoá và não trạng riêng biệt. Tuy nhiên, bất chấp những điểm dị biệt này, tất cả đều đã sống trong cùng một Hội Thánh. Nhưng trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất, Đông phương và Tây phương khi mà mỗi bên đã càng ngày càng lớn mạnh về phần mình thì lại càng ngày càng ít hiểu nhau hơn. Sự xa cách này – như cha Congar đã xác định rõ – chính là lý do của sự chia rẽ đã diễn ra vào thiên niên kỷ thứ hai.
Như thế, ngay cả trong thời đại chúng ta đây, mỗi khi gặp gỡ với các Hội Thánh Chính thống, chúng ta nhận thấy rằng dù rất đỗi gần gũi trong đức tin và trong đời sống bí tích, chúng ta vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn để có thể hiểu biết lẫn nhau trên bình diện văn hoá và tinh thần. Tại Đông phương, một đàng chúng ta giao ngộ với một nền văn hoá đã phát triển rất cao, nhưng nền văn hoá này đã không kinh qua tiến trình tách biệt giữa Hội Thánh và Quốc gia như tại Tây phương, và cũng không trải nghiệm về những phong trào ánh sáng thời hiện đại, và đàng khác chúng ta lại gặp gỡ với một tâm thức đã mang đậm dấu ấn của 50 năm hay 80 năm dưới sự áp bức của chủ nghĩa cộng sản. Sau những thay đổi vào giai đoạn cuối của thế kỷ XX, giờ đây các Hội Thánh này đã được tự do vì đây là lần đầu tiên các Hội Thánh này được tự do như vậy – tự do với các hoàng đế Byzantin, tự do với những người Thổ Nhĩ Kỳ, tự do với các Xa hoàng và tự do với chế độ cộng sản độc tài. Nhưng các Hội Thánh này đang phải đương đầu với một thế giới đã hoàn toàn thay đổi, trong thế giới này các Hội Thánh trước hết phải tìm ra con đường cho chính mình. Để thực hiện được điều ấy cần phải có thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn.
Ba tài liệu do « Ủy ban hỗn hợp Công giáo - Chính thống đối thoại thần học » soạn thảo vào giữa những năm 1980 và 1990, chứng tỏ cho thấy rằng đã có một sự hiệp thông sâu xa trong quan niệm về đức tin, về Hội Thánh và về các bí tích. Trong tinh thần này, việc canh tân những yếu tố quan trọng của sự hiệp thông xưa kia trong Hội Thánh đã trở nên khả dĩ, với các Hội Thánh Chính thống cũng như là với các Hội Thánh chị em cổ kính Đông phương : những cuộc thăm viếng qua lại và việc trao đổi thư tín đều đặn giữa Đức Thánh Cha và các Đức Thượng Phụ, những cuộc tiếp xúc thường xuyên thuộc cấp độ Giáo hội phổ quát và địa phương cũng như thuộc cấp độ các đan viện, đây là điều quan trọng đối với các Hội Thánh Đông phương vốn mang đâm ảnh hưởng đời sống đan tu.
Ngoài tín khoản « Filioque » trong kinh Tin Kính (theo thiển ý của tôi, đây là một lập trường mang tính bổ sung hơn là mâu thuẫn), thì vấn đề thần học nghiêm túc duy nhất gây tranh cãi giữa chúng ta và Hội Thánh Chính thống là vấn đề tối thượng quyền của Rô-ma. Như Đức Thánh Cha Phaolô VI và Gioan –Phaolô II đã từng nói, vấn đề này, đối với các Ki-tô hữu không thuộc Hội Thánh Công giáo, là một vấn đề gay cấn nhất trong các trở ngại. Trong viễn tượng này, Đức Thánh Cha Gioan – Phaolô II, trong thông điệp về đại kết « Ut unum sint »( 1995) đã mời gọi một cuộc đối thoại huynh đệ về việc thực thi quyền tối thượng trong tương lai. Đây là một động thái hoàn toàn mang tính cách mạng đối với một vị Giáo hoàng !
Tiếng vang thật đáng kể ; Hội đồng Giáo hoàng đặc trách cổ võ sự hiệp nhất các Ki-tô hữu đã thu thập những phản ứng và đồng thời đã thông báo cho tất cả các Hội Thánh và các tổ chức thuộc các Hội Thánh có liên hệ. Kết quả của giai đoạn thứ nhất – như người ta đã có thể mong đợi – còn lâu mới đi đến chỗ nhất trí chung ; nhưng dường như đã có một bầu khí mới, một mối bận tâm mới và một thái độ cởi mở đầy mới mẻ đã được kiến tạo. Giờ đây, chúng ta hy vọng có thể tiến hành giai đoạn thứ hai của cuộc đối thoại. Vào tháng 5 năm 2003, Hội đồng Giáo hoàng đặc trách cổ võ sự hiệp nhất các Ki-tô hữu đã tổ chức một cuộc hội thảo chuyên đề thần học về tác vụ của thánh Phê-rô, với sự tham dự của các thần học gia thuộc các Hội Thánh Chính thống quan trọng ; rõ ràng là vẫn chưa thể tìm ra được một giải pháp cho vấn đề, nhưng những thái độ cởi mở thật đáng khích lệ là điều không thể phủ nhận từ phía này cũng như phía kia. Do đó, điều thích hợp là thể thức đối thoại này cần phải được tiếp tục tiến hành trên bình diện học thuật.
Thật không may mắn là, sau những thay đổi về chính trị diễn ra tại Trung và Đông Âu vào năm 1989-1990, những mối tương giao với các Hội Thánh Chính thống lại trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Tại Ukraina và Rumani, các Hội Thánh Đông phương hiệp nhất với Hội Thánh Rô-ma, sau một thời gian dài bị áp bức và bị bách hại dưới các chế độ cộng sản, đã bước ra khỏi các hang toại đạo và đã lấy lại vị trí của mình trong đời sống xã hội. Mối hiềm thù xưa kia đối với thái độ nhiệt tâm lôi kéo tân tòng và đối với cái mà người ta gọi là chủ trương hiệp nhất Hội Thánh Đông phương với Rô-ma đã một lần nữa lại nổi lên và kể từ đó, cuộc đối thoại đã trở nên khó khăn hơn và thậm chí đôi khi gây nên những cuộc bút chiến. Tại phiên họp khoáng đại cuối cùng của « Ủy ban quốc tế », được tổ chức tại Baltimore năm 2001, đáng tiếc thay chúng ta vẫn chưa thực hiện được bước tiến triển nào liên quan đến vấn đề gai góc, đó là sự hiệp nhất giữa Hội Thánh Đông phương với Rô-ma. Hơn thế nữa, sau Baltimore, thậm chí Ủy ban quốc tế không còn có thể triệu tập được nữa. Những vấn đề cũng như những khó khăn đã bùng lên đặc biệt là với Hội Thánh Chính thống quan trọng, Hội Thánh Chính thống Nga, sau khi thiết lập bốn giáo phận tại Liên bang Nga.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cuộc đối thoại đang rơi vào điểm chết. Nhờ vào những cuộc thăm viếng với tư cách cá nhân và những cuộc tiếp xúc huynh đệ - đây là điều người ta gọi là cuộc đối thoại trong đức ái – chúng ta đã có thể cải thiện được những mối tương quan song phương giữa chúng ta với các Hội Thánh Chính thống tại Rumani, Serbi và Bulgari. Những cuộc thăm viếng trao đổi qua lại đã được các phái đoàn cấp cao thực hiện. Đặc biệt, sau cuộc viếng thăm lịch sử của Đức Thánh Cha tại Athènes vào năm 2001, thì những mối tương giao giữa chúng ta với Hội Thánh Hy-lạp, cho đến tận thời điểm bấy giờ vốn vẫn rất lạnh nhạt, đã được hâm nóng lại và đã tạo cơ hội cho một tiến trình cộng tác ngày càng chặt chẽ hơn. Hơn một bước đi đã được thực hiện với cuộc thăm viếng của phái đoàn Toà Thánh tới Athènes, tiếp sau đó là cuộc viếng thăm Rô-ma của phái đoàn Công Nghị Đông phương và của một nhóm gồm ba mươi linh mục thuộc Hội Thánh Chính thống Hy-lạp – mới hai năm trước đây thôi, những cuộc viếng thăm như thế này vẫn còn là điều hoàn toàn không thể mường tượng được. Rõ ràng có những dấu hiệu cho thấy tình hình đã bớt căng thẳng và đã được cải thiện với Moscou. Trong suốt những tuần lễ cuối cùng này, xem ra chúng ta đã có thể hy vọng lật sang một trang sử mới trong những mối tương giao giữa chúng ta với Hội Thánh Chính thống Nga cũng như với truyền thống tâm linh và văn hoá vừa cổ xưa vừa phong phú của Hội Thánh này.
Vấn đề thần học chính yếu hiện tại chúng ta đang phải đối diện, là quan niệm của chúng ta về sự hiệp thông (koinonia), cùng một trật vừa giống nhau vừa dị biệt. Trọng tâm sự khác biệt của chúng ta hệ tại ở chỗ : một đàng là tác vụ của Thánh Phê-rô và đàng khác là quan niệm về quyền tự trị. Vấn đề cốt yếu là phải cứu xét để làm thế nào có thể đạt đến một cuộc tái giải thích và tái tiếp nhận Công đồng Vaticanô I, như đã được cha Congar kiến nghị, nghĩa là vừa bảo đảm được hồng ân của tác vụ Thánh Phê-rô đối với sự duy nhất và tự do của Hội Thánh, trong khi vẫn bảo lưu truyền thống của các Hội Thánh Đông phương, cùng với truyền thống thần học, tâm linh và luật pháp của các Hội Thánh ấy, mà không sa vào bẫy của các Hội Thánh quốc gia tự trị mà chính bản thân một số các thần học gia Chính thống đã nhìn nhận như là một điểm yếu của Hội Thánh Chính thống hiện thời.
Mặc dù trong tương lai, chúng ta sẽ phải luôn luôn đối diện với những khó khăn cũng như các vấn đề tế nhị, nhưng tôi có cảm tưởng là chúng ta đang đứng trước buổi bình minh của một giai đoạn mới đầy tràn hứa hẹn. Trong quá khứ, những yếu tố chính trị đã góp phần khiến chúng ta chia rẽ nhau ; ngày hôm nay, những yếu tố ấy lại giúp đỡ, cổ võ và khích lệ chúng ta xích lại gần nhau hơn. Việc cộng đồng Âu- châu mở rộng về phía Đông sẽ không thể thành công mỹ mãn nếu không có sự tham gia của các Hội Thánh Chính thống là những Hội Thánh vốn đã khuôn hình nên và để lại ảnh hưởng quá sâu đậm trên nền văn hoá của các quốc gia Đông Âu này. Nhưng nếu các Hội Thánh Chính thống này nhất thiết phải mở cửa ra với Tây phương, thì chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng phải mở cửa đón nhận kho tàng phong phú về văn hoá và tâm linh của các Hội Thánh đó. Chỉ khi nào tất cả đều mở lòng ra đón nhận như thế thì chúng ta mới cụ thể trở thành một Hội Thánh Công giáo trong sự sung mãn đích thực của mình.
III. Đại kết với các Hội Thánh thuộc truyền thống Cải cách
Tôi thâm tín rằng việc cải thiện những mối tương giao đại kết giữa chúng ta với các Hội Thánh Đông phương cũng vô cùng quan trọng đối với việc vượt qua những mối chia rẽ ngay trong lòng Ki-tô giới Tây phương. Thực vậy, sau khi tách ra khỏi Đông phương, Ki-tô giới La-tinh đã phát triển theo hình thức một chiều, hầu như có thể nói được rằng Ki-tô giới La-tinh chỉ còn hít thở với một buồng phổi duy nhất và ngày càng trở nên nghèo nàn. Tình trạng nghèo nàn này đã là một nguyên nhân, giữa vô vàn nguyên nhân khác, gây nên cuộc khủng hoảng trầm trọng vào cuối thời Trung cổ và dẫn đến thảm kịch chia rẽ vào thế kỷ XVI.
Có lẽ đây là một trong những lý do mà vì đó sau này Yves Congar đã chuyên tâm nghiên cứu về Luther, đặc biệt là về Ki-tô học của Luther, trong nền Ki-tô học này, Congar đã khám phá ra được sự khác biệt căn bản vốn đã để lại những hệ quả đối với khoa Giáo hội học (Regards et réflexions sur la christologie de Luther, 1954). Theo sau tác phẩm này là một ấn phẩm đặc biệt với nhan đề « Martin Luther. Cuộc đời, đức tin, tinh thần cải cách của ông » (1983). Đối với Congar, nói đến Cải cách phải đặc biệt kể đến Luther.
Như vậy, những ghi nhận sau đây sẽ được giới hạn vào cuộc đối thoại với những anh em thuộc các Hội Thánh Luther, cũng như cuộc đối thoại được mở rộng với Hội Thánh Anh-quốc. Đã tiến hành thực hiện rất nhiều công việc với Hiệp hội Luther Thế giới trong suốt những thập niên gần đây, thông qua nhiều cuộc đối thoại thuộc cấp độ quốc tế, khu vực và điạ phương. Sau một thời gian dài chuẩn bị, bản « Tuyên bố chung về học thuyết ơn công chính hoá » đã được ký kết trọng thể tại Augsbourg năm 1999. Đây là một biến cố đặc biệt – như Đức Thánh Cha đã phát biểu cực kỳ đúng đắn – có nghĩa rằng đây là một bước tiến quan trọng, nhưng điều đó vẫn chưa phải là đã hoàn thành một hành trình dài đằng đẵng. Hẳn nhiên, còn rất nhiều vấn nạn vẫn đang cần phải được giải quyết. Tuy nhiên, các Hội Thánh không nhất thiết phải đồng thuận với nhau về từng điểm một trong tất cả mọi vấn nạn thần học. Bởi lẽ một khi đã có được sự đồng thuận về những gì là căn bản, thì lúc ấy tất cả những điểm dị biệt không tất yếu phải là những nguyên do gây ra ly khai ; một số trong những điểm dị biệt ấy có thể được nhìn nhận là mang tính bổ túc hơn là mâu thuẫn. Theo ý nghĩa này, thì sự đồng thuận trong khác biệt, sự đa dạng đã được hoà giải, hay bất kỳ một hạn từ nào đó được sử dụng, đều khả dĩ chấp nhận được.
Một số các thần học gia, đặc biệt là các thần học gia Tin Lành, đã bày tỏ thái độ thất vọng của mình với bản Tuyên bố chung. Họ lấy làm tiếc vì sự thiếu tác dụng đối với các Hội Thánh cụ thể. Theo thiển ý của tôi, ngoại trừ sự kiện chính bản Tuyên bố chung đã nói rất rõ ràng là không muốn giải quyết những vấn đề thuộc bình diện Giáo hội học, sự chỉ trích phê bình này là không chính đáng. Bản Tuyên bố chung đã kiến tạo được một chiều kích và một cường độ vừa mới mẻ vừa sâu xa hơn trong những mối tương giao với các anh chị em của chúng ta thuộc các Hội Thánh Luther, một chiều kích hiện không có trong những mối tương giao với các giáo phái Tin lành khác. Nói tóm lại, bản Tuyên bố chung giúp chúng ta cùng nhau làm chứng cho bản chất của Tin Mừng trước mặt thế giới : Đức Giê-su Ki-tô và ý nghĩa cứu độ của Người. Đây là điều không được phép xem nhẹ trong thế giới của chúng ta vốn đang bị tục hoá lan tràn.
Những điểm căn bản vẫn chưa được giải quyết là vấn đề Hội Thánh và vấn đề thừa tác vụ gắn liền với Hội Thánh. Những vấn đề này hiện tại đang nằm trong chương trình đối thoại. Theo ý nghĩa cải cách, Hội Thánh là « công trình sáng tạo của Ngôi Lời » [creatura verbi] ; người ta chủ yếu quan niệm Hội Thánh qua việc công bố Lời và thái độ đáp trả trong đức tin ; Hội Thánh là sự quy tụ của cộng đoàn tín hữu, trong đó Tin Mừng được rao giảng trong sự tinh ròng và các bí tích được quản trị theo cách thế phù hợp với Tin Mừng (CA 7và 8). Do đó, trọng tâm không còn nằm trong Hội Thánh nữa nhưng nằm trong cộng đoàn được coi như là điểm quy chiếu trung tâm của các quan điểm cải cách và của các cơ cấu theo não trạng duy nền tảng. Chính vì lý do này, các Hội Thánh thuộc truyền thống cải cách có một dạng thức cơ cấu không có hàng giáo phẩm nhưng theo kiểu hội đồng – công nghị và hội đồng mục sư ; xét theo quan điểm thần học, chức giám mục là một chức vụ với chức năng cai quản Hội Thánh ; việc giải thích này vẫn còn ghi đậm dấu ấn trong các Hội Thánh Cải cách nhiều hơn là trong các Hội Thánh Luther.
Tuy nhiên, đã có một sự thay đổi nào đó đang diễn ra vào hai thập niên cuối cùng này. Các tài liệu Li-ma về « Thánh Tẩy, Thánh Thể và Thừa Tác Vụ » (1982), trong các tài liệu này, sự kế vị các thánh Tông đồ trong chức vụ giám mục được nhìn nhận « là dấu chỉ, nhưng không phải là một sự bảo đảm, của sự liên tục và sự duy nhất của Hội Thánh » (số 44), đã được nhiều người hoan nghênh. Giữa lúc đó, trong cuộc đối thoại với các Hội Thánh Anh-quốc – xét theo quan điểm đại kết, các Hội Thánh này chiếm một vị trí quan trọng và mang tính trung gian – các Hội Thánh Luther thuộc vùng Scandinave và Hoa Kỳ đã đề cập đến vấn đề chức vụ giám mục trong lịch sử. Các Hội Thánh Luther tại Âu châu lục địa thuộc Cộng đoàn Leuenberg có một lập trường khác ; đối với các Hội Thánh này, chức vụ giám mục và chức vụ hội đồng - trưởng lão (ordre synodal – presbytéral) cả hai đều hợp pháp trong khung cảnh của nhiều chức vụ khác nhau và nhiều cơ cấu của các Hội Thánh.
Như vậy, chúng ta buộc phải đối chiếu với hai phương pháp tiếp cận khác nhau : một bên là phương pháp tiếp cận hàng giáo phẩm theo hướng phổ quát của những người thuộc Hội Thánh Anh –quốc và của một số Hội Thánh Luther, được khởi hứng từ truyền thống cổ xưa của Hội Thánh, và bên kia là phương pháp tiếp cận hàng linh mục được tập trung nhiều hơn trên cộng đoàn địa phương. Căn cứ trên hai phương thức tiếp cận này, người ta có thể nhận thức và phân định được những giải thích khác nhau về các ý hướng đích thực của Cải Cách. Phải chăng các nhà Cải cách muốn canh tân Hội Thánh phổ quát bằng cách duy trì sự liên tục với cơ cấu nền tảng của Hội Thánh ấy, chẳng hạn như bản Tuyên xưng Augsbourg (Confession d’Augsbourg) (1530) và một vài các thần học gia Luther đương đại như W. Pannenberg đã gợi ý, hay sự phát triển của một thể thức mới và một dạng thức mới của Hội Thánh phải chăng là hệ quả tất yếu từ những ý hướng thực sự của họ ? Liệu đang hiện hữu một sự đồng thuận căn bản hay – như nhiều người ngày hôm nay khẳng định – một sự khác biệt căn bản ?
Chúng ta hiện tại đang đón nhận những tín hiệu khác nhau từ phía các đối tác của chúng ta và trong thời điểm này thật không dễ để có thể phân biệt được hướng đi mà các đối tác này hướng đến. Việc làm sáng tỏ những vần đề thuộc bình diện Giáo hội học vẫn luôn là điều cần thiết, đặc biệt là trong những gì liên quan đến thừa tác vụ có chức thánh trong khung cảnh của việc đại kết cũng như trong chính thế giới Thệ phản. Ủy ban hỗn hợp vì một cuộc đối thoại quốc tế cùng với các Hội Thánh Luther hiện đang làm việc về những vấn đề này. Ủy ban Đức Tin và Định Chế, về phần mình, đã bắt tay thực hiện tiến trình tham khảo ý kiến về « Bản chất và mục đích của Hội Thánh », - chúng ta hy vọng – sau này Ủy ban cũng sẽ đào sâu theo một hình thức sáng tạo nội dung của các tài liệu Li-ma về « Thánh Tẩy, Thánh Thể và Thừa tác vụ » (1982).
Thật không may, ngay lúc mà chúng ta đang phải tìm cách giải quyết những điểm dị biệt của các truyền thống và những điểm dị biệt khác tương tự như vậy, thì những vấn đề phức tạp mới hiện lại nổi lên trong lãnh vực đạo đức, về vấn đề này cho đến thời điểm hiện tại, sự đồng thuận vẫn chỉ dừng lại ở mức độ chung chung. Vấn đề đang bàn ở đây không chỉ liên quan đến việc truyền chức cho phụ nữ, vốn đã bị Luther hoàn toàn bác bỏ, ngày hôm nay, những anh chị em thuộc Hội Thánh Anh-quốc và Thệ phản đang chia rẽ nhau sâu xa về những vấn đề đạo đức vốn đang là đối tượng gây tranh cãi trong nền văn hoá Tây phương hiện đại của chúng ta, như phá thai, đồng tính luyến ái, cái chết êm dịu và nhiều vấn đề khác nữa. Nhiều hố ngăn cách mới đang được tạo ra khiến cho việc cùng nhau làm chứng, vốn là điều mà thế giới đang cần biết bao, lại càng trở nên khó khăn hơn và đôi khi thậm chí là bất khả.
Trong những điều liên quan đến vấn đề thừa tác vụ của Hội Thánh và vấn đề đạo đức, chúng ta có điểm chung với thần học Cải cách : sự tự do Ki-tô giáo. Khảo luận nổi tiếng của Luther năm 1520, « Về tự do Ki-tô giáo », một trong những tác phẩm chính yếu về cải cách của ông, một lần nữa lại trở nên rất thời sự. Luther thường được coi, thường thường là sai lầm nhiều hơn, là một nhà giải phóng đã có công đặt dấu chấm hết cho cái ách của Giáo hoàng, và là một nhà tiên phong của sự tự do lương tâm hiện đại. Như vậy, trong những vấn đề liên quan đến cuộc đối thoại với các Hội Thánh phát sinh từ truyền thống Cải cách, sau những nỗ lực minh giải về học thuyết ơn công chính hoá, thì những vấn đề hiện vẫn chưa được giải quyết đặc biệt là những vấn đề liên quan đến Giáo hội học. Nhưng giải pháp cho những vấn đề Giáo hội học phải được nhìn trong một bối cảnh rộng lớn hơn theo một cách thức mà chúng ta liên hệ với nền văn hoá hiện đại và hậu hiện đại của chúng ta, và cách thức quan niệm tự do Ki-tô giáo so với sự tự do phóng khoáng của Tây phương.
IV. Khoa Thần Khí Học Là Vấn Đề Nền Tảng Của Việc Đại Kết
Hiển nhiên là trong bối cảnh của chúng ta, chúng ta không thể bàn luận vấn đề cuối cùng này dưới tất cả mọi phương diện của nó. Chúng ta buộc lòng phải giới hạn vào vấn đề đại kết và thần học. Trong chương này, chúng ta sẽ nghiên cứu sự tự do Ki-tô giáo trong khung cảnh các công trình đã được Yves Congar thực hiện trong suốt giai đoạn cuối cùng của cha : Thần Khí học là vấn đề nền tảng của việc đại kết trong tương quan với Đông phương cũng như Tây phương.
Người ta thường phản bác là không bình thường chút nào khi chúng ta buộc lòng phải sống trong những Hội Thánh chia rẽ nhau và không thể cùng nhau tham dự vào Bữa Tiệc của Đức Chúa, duy chỉ vì vấn đề thừa tác vụ trong Hội Thánh – chức tư tế, hàng giám mục, thừa tác vụ Thánh Phê-rô. Và tất nhiên là như thế đấy ! Các thần học gia thuộc các Hội Thánh Chính thống và các thần học gia thuộc truyền thống Cải cách khiến người ta nhận thấy rằng về vấn đề thừa tác vụ, rõ ràng hiện đang có một sự dị biệt sâu xa hơn nhiều. Chúng ta chỉ có thể tiến xa lên phía trước trong cuộc đối thoại này nếu chúng ta đạt tới chỗ xác định minh tường nhất có thể sự dị biệt sâu xa này, không phải để củng cố sự đa dạng nhưng là để triệt tiêu sự đa dạng này cách dễ dàng hơn.
Đối với một số thần học gia Chính thống, sự dị biệt căn bản liên quan đến cuộc tranh luận về vấn đề « và Chúa Con » [Filioque] mà những người La-tinh đã thêm vào kinh Tin kính của Công đồng Nicê-constantinope của Hội Thánh cổ xưa. Thoạt nhìn, luận đề này xem ra có vẻ hơi kỳ cục. Nhưng theo quan điểm của một số thần học gia Chính thống, đặc biệt là V. Lossky, thì vần đề « filioque » đã có những hệ quả cụ thể đối với sự hiểu biết của Hội Thánh. Đối với các thần học gia này, như vậy toàn thể công hiệu của Thần Khí dường như gắn liền với ngôi vị và với hoạt động của Đức Giê-su Ki-tô, điều này không để lại một không gian tự do nào cho Thần Khí ; hầu như có thể nói, « filioque » hoàn toàn trói buộc Thần Khí vào những định chế đã được Đức Ki-tô thiết lập. Theo cách giải thích này, với « filioque », những người Công giáo đã buộc các đặc sủng phải phục tùng định chế, tự do cá nhân phải phục tùng quyền bính của Hội Thánh, ngôn sứ phải phục tùng pháp lý, thần bí phải phục tùng kinh viện, tư tế cộng đồng phải phục tùng tư tế phẩm trật, và cuối cùng Giám mục đoàn phải tùng phục tối thượng quyền Rô-ma.
Lời trách cứ về một nền Ki-tô học nhất nguyên luận[Christomonisme] một chiều [duy chỉ nhấn mạnh đến Đức Ki-tô –ND] – như cha Yves Congar đã nhấn mạnh – không thể được biện minh trong những điều liên quan đến toàn thể truyền thống Công giáo, nhưng lời trách cứ này chứa đựng một chút chân lý có ý nghĩa tương đối về khoa Giáo hội học hậu cải cách vì trên thực tế khoa Giáo hội học này là một khoa phẩm trật học [hiérarchologie] thì đúng hơn.
Chúng ta tìm thấy những luận chứng tương tự, dựa trên những nguyên tắc hoàn toàn khác biệt, từ phía anh em Thệ phản. Các Hội Thánh Cải cách chắc chắn đều nằm trong truyền thống La-tinh và nói chung là vẫn bảo toàn công thức « filioque » ; nhằm chống lại những người theo thuyết thần ứng, các Hội Thánh này đã khẳng định dứt khoát rằng Thần Khí là Thần Khí của Đức Giê-su Ki-tô và Thần Khí đã được kết hiệp với Lời và bí tích. Nhưng đối với các Hội Thánh này cũng vậy, vấn đề quan trọng là quyền tối thượng của Lời Thiên Chúa trong và trên Hội Thánh, đối lập với quan niệm mang tính pháp lý-định chế của Hội Thánh. Như vậy, các Hội Thánh này khẳng định sự tự do Ki-tô giáo là một sự tự do đối với tất cả mọi trung gian của Hội Thánh thông qua những ân xá và với toàn thể hệ thống tư tế và bí tích. Tự do Ki-tô giáo này, quá đắt giá đối với những nhà cải cách, xứng hợp với sự tự do của Thiên Chúa và Thần Khí của Người.
Giữa lòng phong trào Cải cách, sự xuất hiện của nhiều phong trào thức tỉnh lòng đạo quần chúng [revivalisme] cũng như những phong trào mộ đạo, và các Hội Thánh tự do, với việc nhấn mạnh sự tự do của Thần Khí, một phần như thể phản ứng lại các Hội Thánh thệ phản cũng đã được định chế hoá và được chính thức thiết lập cách quá nhanh chóng, xét trong mức độ nào đó, hàm chứa một sự lô-gíc nội tại về mặt lich sử trong những quyết định căn bản của các nhà cải cách. Sau những phong trào thức tỉnh lòng đạo quần chúng khác nhau và các Hội Thánh tự do cố cựu như (méthodistes, baptistes, mennonites, adventistes, Disciples du Christ, etc...), hiện tại chúng ta phải thêm vào số đó là sự xuất hiện của các phong trào đặc sủng và các giáo phái Ngũ Tuần rất năng động và đang phát triển nhanh chóng trên khắp thế giới, đúng khi mà đa phần các Hội Thánh thệ phản đang rơi vào tình trạng suy thoái trên cấp độ toàn cầu. Như vậy, sân khấu đại kết đã trải qua một cuộc dâu bể thực sự. Rất nhiều vấn nạn mới cũng như những thách đố mới đã được đặt ra, đặc biệt là tại bán cầu nam, với những phong trào mà người ta thường gọi chung chung là các giáo phái [secte].
Các giáo phái Lễ Ngũ Tuần luôn luôn không phải là những đối tác dễ dàng đối thoại. Một số trong các giáo phái này có thái độ rất khiêu khích và thực hành công cuộc chinh phục tân tòng ; các giáo phái này đang gây ra nhiều vấn đề trầm trọng cho Hội Thánh Công giáo, đặc biệt là tại Mỹ châu La-tinh. Cùng với các Hội Thánh khác, chúng ta đã có thể dấn thân thực hiện một cuộc đối thoại tích cực dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Họ đã bám rễ thật sâu trong những niềm tin vào Chúa Ba Ngôi và Ki-tô học cũng như vào trong những xác tín luân lý đạo đức của họ. Nói chung, họ là những Ki-tô hữu nghiêm túc, nhưng họ lại thiếu hiểu biết về một nền Giáo hội học đã được khai triển chín muồi và nhất là một nền Giáo hội học phổ quát vượt lên trên các cộng đoàn địa phương riêng rẽ. Cuộc đối thoại với các cộng đoàn này, và những vấn nạn do các cộng đoàn này nêu lên, sẽ có một tầm quan trọng lớn lao đối với tương lai của cuộc đối thoại đại kết.
Công đồng Vaticanô II cũng đã đem đến cho khoa Thần Khí học một sự mới mẻ trong chiều kích đặc sủng của Hội Thánh (LG 4 ; 7 ; 12 ; 49 và...). Công đồng không chỉ nói đến hoạt động của Thần Khí qua trung gian các giám mục nhưng đúng hơn nói về ý nghĩa đức tin của toàn thể các tín hữu (LG 12 ; 35), về việc nhờ Thần Khí dẫn đưa vào trong chân lý trong suốt chiều dài của đời sống Giáo hội (DV 8). Như vậy, theo Vaticanô II, không hề có một kiểu tương quan một chiều từ trên cao xuống thấp giữa các giám mục và linh mục (LG 28 ; PO 7 ; CD 16 ; 28) hay giữa giáo dân, linh mục và giám mục, nhưng trái lại, có một mối tương quan hỗ tương dựa trên tình huynh đệ và tình bằng hữu (LG 37 ; PO 9 ; AA 25).
Hệ quả thực tiễn phát sinh từ tình hình này đó là phong trào đặc sủng, thông qua phong trào này, phong trào Ngũ tuần đã tìm được nẻo đường đi vào trong Hội Thánh Công giáo. Tại rất nhiều giáo xứ và hội đoàn, trong một ý nghĩa nào đó, thậm chí người ta có thể nói đến một lễ « ngũ tuần hoá » [pentecôtisation] của Hội Thánh Công giáo, điều này có thể nhận ra được qua cung cách các cộng đoàn này cử hành phụng vụ. Tuy nhiên, trái ngược hẳn với phong trào ngũ tuần bên ngoài Hội Thánh Công giáo, phong trào đặc sủng Công giáo vẫn luôn nằm trong cơ cấu bí tích và định chế của Hội Thánh ; như thế phong trào này có khả năng đem đến cho Hội Thánh một hiệu quả rất đáng khích lệ.
Phương pháp tiếp cận theo khoa Thần Khí học này có thể dễ dàng được lồng vào trong khoa Giáo hội học mang tính hiệp thông vốn đã được canh tân, và đã luôn luôn trở thành một kiểu nói vô cùng quan trọng trong phần lớn các tài liệu đối thoại đại kết của những thập niên sau cùng này. Tư tưởng trọng tâm và căn bản là sự tham dự của tất cả mọi tín hữu vào trong đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ Thần Khí (1 Ga 1, 3). Thần Khí phân phát các ân huệ của Người theo cách thức vô cùng đa dạng (1Cr 12, 4-11). Điều này hàm chứa rất nhiều vấn đề thuộc khoa Giáo hội học, bao gồm mối tương quan giữa chức tư tế phổ quát của tất cả mọi người đã lãnh nhận bí tích Thanh tẩy và chức tư tế phẩm trật, giữa quyền tối thượng và cơ cấu thượng hội đồng hay công đồng của Hội Thánh, những mối tương quan giữa các giám mục, linh mục và phó tế, giữa các vị Mục tử và toàn thể dân Thiên Chúa. Đồng thời phương pháp tiếp cận này cũng mở ra rất nhiều cánh cửa có khả năng giúp giải quyết những vấn đề này theo một phương thức ít mang tính bất động nhưng mang tính năng động nhiều hơn.
Việc cùng nhau tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi cho thấy rõ rằng Hội Thánh được thiết lập theo hình ảnh của Ba Ngôi Chí Thánh (LG 4 ; UR 3). Xét về bản chất, học thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi là sự khai triển từ lời tuyên bố được chứa đựng trong Thư thứ nhất của thánh Gio-an ; « Thiên Chúa là tình yêu » (1Ga 4, 8, 16). Trong chính bản thân Người, Thiên Chúa là tương quan tình yêu thuần tuý và, đặc biệt, Thần Khí là tình yêu trong tương quan ngôi vị. Từ nơi Người phát sinh một nền hữu thể học mang tính tương quan vốn có một tầm quan trọng căn bản đối với khoa Giáo hội học hiệp thông đã được canh tân. Hữu thể chỉ khả dĩ quan niệm được bằng những hạn từ có tính tương quan, chẳng hạn như trao tặng cho nhau một khoảng không gian và cùng nhau trao đổi những mối tương giao. Kế đến cần phải có một nền linh đạo về hiệp thông, bởi nếu không có linh đạo này thì tất cả mọi cuộc tranh luận về các cơ cấu hiệp thông đều sẽ trống rỗng và vô hồn.
Như vậy, sự tự do mà Thần Khí ban tặng cho chúng ta không phải là một sự tự do theo kiểu chủ nghĩa cá nhân và vị kỷ, nhưng là một sự tự do mang tính cách cộng đoàn vì tha nhân và cùng với tha nhân ; xét về căn bản, tự do Ki-tô giáo được liên kết chặt chẽ với một trách nhiệm nào đó và tìm thấy sự viên thành của mình trong đức ái vô vị lợi và phục vụ tha nhân. Thánh Phao-lô tông đồ, trong thư gửi các tín hữu Ga-lát, đã cảnh giác : « Qủa thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau » (Gl 5,13).
Luther, trong khảo luận của ông bàn « Về tự do Ki-tô giáo », đã lấy lại cực kỳ chính xác tư tưởng này, nhưng một thần học gia rất nổi tiếng, là Adam Mưhler, thuộc trường Tbingen, đã nắm bắt được một ý nghĩa cũng mang tầm vóc Hội Thánh từ vấn đề đang bàn qua những lời đáng chú ý sau đây : « Trong đời sống của Hội Thánh, tất nhiên có thể tồn tại hai thái cực, và tất cả hai đều đáng bị gọi là vị kỷ : đó là khi mà từng ngôi vị hay bất kỳ một ngôi vị nào đó đều muốn mình trở thành tất cả ; trong trường hợp sau, mối liên hệ hiệp nhất trở nên quá chật chội tù túng và tình yêu quá nồng nhiệt đến độ người ta khó có thể tránh khỏi bị chết ngạt ; trong trường hợp đầu, tất cả đều bị sụp đổ tan tành và quá lạnh lẽo đến độ người ta chết cóng. ; một kiểu vị kỷ này sẽ lại làm nảy sinh một kiểu vị kỷ khác, nhưng không nhất thiết một ngôi vị hay từng ngôi vị nào đó cứ phải khao khát để được là tất cả ; chỉ khi nào mà tất cả đều cùng sát cánh bên nhau thì khi đó người ta mới có thể trở thành tất cả và sự hiệp nhất của tất cả sẽ trở thành một toàn thể. Đó là tư tưởng của Hội Thánh Công giáo ».
Điều đó dẫn lối đưa đường giúp chúng ta nghĩ đến một Hội Thánh trong đó những thẩm cấp khác nhau và những đặc sủng khác nhau cùng cộng tác trong mối tương quan tác động qua lại, cởi mở. Trong mối tương tác cởi mở này, huấn quyền, chẳng hạn, đóng vai trò không thể chuyển nhượng và không thể thay thế được của mình, nhưng đồng thời không loại trừ cảm thức và đồng cảm thức đức tin của các tín hữu, tiến trình tiếp nhận, chức năng của huấn quyền đối với một số thần học gia, và nói chung là chứng tá của phụng vụ. Trong mối tương tác của tất cả các thẩm cấp khác nhau này, sự tự do của Thần Khí hoạt động không riêng từ phía nào, nhưng là từ bên trong và qua trung gian sự hiệp thông Hội Thánh và qua sự chuyển thông của Hội Thánh. Như thế, hiệp thông Hội Thánh vừa là một định chế vừa là một sự biểu lộ đặc sủng luôn luơn mới mẻ. Đấy là toàn thể các vấn đề mà cha Yves Congar đã làm việc và đã viết không ngơi nghỉ.
Nhãn quan về Hội Thánh xét như là một sự hiệp thông trong Thần Khí như Yves Congar đã nhìn sẽ bảo lưu được tất cả những lập trường chính yếu của Hội Thánh Công giáo về thừa tác vụ và về huấn quyền ; đồng thời một nhãn quan như thế sẽ là lời đáp trả cho các chỉ trích phê bình của những người anh em đã tách ra khỏi chúng ta và sẽ đón nhận những gì mà các anh em đó đang có để trao tặng cho chúng ta. Chung quy, chúng ta buộc lại phải nói về một cuộc đại kết tâm linh. Bởi vì « thực hiện » hay « tổ chức » một kiểu hiệp thông như thế này không nằm trong khả năng của chúng ta ; đây là một ân huệ của Thần Khí.
Như thế chúng ta có thể đi đến kết luận khi nói rằng lời nguyện cầu « Hãy đến, Lạy Thánh Thần Sáng tạo » là lời đáp trả chung cuộc cho vấn nạn tìm cách làm thế nào để có thể thoả mãn sự thôi thúc mà Thần Khí yêu cầu chúng ta đặt dấu chấm hết cho sự tai tiếng vì đã gây nên chia rẽ và chu toàn ý muốn của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng mời gọi chúng ta tiến đến sự hiệp nhất và duy nhất. Chỉ trong Thần Khí Sáng tạo và Cứu chuộc thì chúng ta mới có khả năng thực thi lời nguyện của Đức Chúa chúng ta vào lúc Người sắp chịu tử nạn, « để tất cả nên một » (Ga 17,21).
Để trình bày lịch sử phong trào đại kết và vị trí của phong trào này hiện nay trong Hội Thánh Công giáo, khó có thể quên danh tánh và công trình của cha Yves Congar. Trong cuốn “Hồi ký Công đồng”, tác phẩm được xuất bản năm 2002, sau khi cha qua đời, cha viết “Tôi đã làm việc nhiều để chuẩn bị cho Công đồng. Tại Công đồng, tôi cũng đã làm việc nhiều. Tôi hầu như có thể nói như thế”, và cha dẫn lời thánh Phaolô, “plus omnibus laboravi” (“tôi đã làm việc nhiều hơn mọi người”). Chỉ có một trường hợp ngoại lệ được cha viết như thế, đó là khi cha viết về nhà thần học Gérard Philips, thuộc Louvain (II,510). Nhà thần học này là “con ngựa thồ” khi Hiến chế về Hội Thánh, “Lumen gentium”, được soạn thảo.
Lần đầu tiên tôi thăm cha Yves Congar, khi tôi đã biết cha, lúc có những khó khăn nghiêm trọng với Thánh Bộ, buộc cha phải rời ghế giáo sư ở Saulchoir mà không được người ta cho biết lý do. Vào thời đó, tôi biết nhiều nhất là tác phẩm canh tân của cha, “Jalons pour une théologie du laicat” (1953) vừa xuất bản và tôi rất ngưỡng mộ. Bấy giờ, cha đang làm việc ở Strasbourg, nơi đức cha Weber đã tiếp đón cha với tâm tình bằng hữu. Cha tiếp tôi trong một căn phòng làm việe nhỏ, trần cao, các kệ đầy ắp sách đụng tới trần nhà, cứ như muốn sụp xuống. Bàn làm việc của cha kín mít đầy những hộp đựng các “fiches” ghi chú. Lúc bấy giờ làm việc bằng máy vi tính không phải là chuyện thông dụng như ngày nay. Với một người như tôi, khi ấy vừa mới hoàn tất học thuật với văn bằng tiến sĩ, tất cả hình ảnh ấy cho tôi cảm tưởng về một sự uyên bác mênh mông mà chỉ có thể đem lòng kính phục mà thôi.
Bản liệt kê các ấn phẩm của cha Congar dài lắm. Đó phần lớn là những tập khảo luận uyên bác có tính cách lịch sử, kèm theo vô số những chú thích tham chiếu văn phẩm của các Giáo phụ, kinh viện thời Trung cổ cũng như vấn đề hiện tại đang được bàn cãi. Cha Congar là một thư viện lưu động. Về căn bản, cha chịu ảnh hưởng của nhà thần học kiệt xuất, thánh Tôma Aquinô, và cha không thể khác thế được để là một người tu sĩ Đa Minh chân chính như cha đã là. Cha rất sớm để ý tới Trường phái Tubingen, nhất là giáo sư Adam Mohler, cũng như các tác phẩm của các nhà thần học chính thống như Chamjakov, Soloviev và Bulgakov. Với các vị vừa kể tên sau này, cha ý thức rằng Hội Thánh không phải chỉ là một thể chế, nhưng trước tiên Hội Thánh là sự sống và cộng đoàn đầy Chúa Thánh Thần.
Rất nhanh, hiểu biết của cha về lịch sử đã cho phép cha giữ khoảng cách đối với giáo hội học được trình bày trong các trường ốc. Cha nhận thấy rằng truyền thống còn phong phú hơn thần học hẹp hòi và xơ cứng nhiều, theo như kiểu của một Bainvel và một Dublanchy mà người ta vẫn giảng dạy ở trường học. Hầu như cha luôn thấy rằng những đảo lộn sâu sắc ở thế kỷ XI là tượng trưng cho bước chuyển đổi từ một quan niệm về Hội Thánh như là sự hiệp thông sang một quan niệm về tính cách phổ quát. Ý tưởng này được tổng hợp lại trong tác phẩm đồ sộ “L’Église. De saint Augustin à l’époque moderne”.
Như vậy, cha Congar, cùng với Chenu, Bouillard, Lubac, Danielou và nhiều người khác, là một phần của nhóm các nhà thần học theo tinh thần của các Giáo phụ và của triết học về sự sống, nhất là cùng với Maurice Blondel, cha có quan nệim về một thần học có tính cách lịch sử. Sau này, người ta đặt cho hướng đi thần học này tên gọi là “tân thần học” (nouvelle théologie). Nhưng thức ra, đó là sự canh tân thần học cổ kính của các Giáo phụ. Thế nhưng, hướng đi thần học này lại bị nhiều người khác công kích dữ dội, ngay cả ở bên trong Dòng của cha, cho tới khi Đức giáo hoàng Gioan XXIII và Công đồng Vaticanô II giúp cho khuynh hướng này được xác nhận vững vàng, và Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã đđặt cha Congar, một năm trước khi cha qua đời, làm hồng y của Hội Thánh Rôma (1994) cũng như Lubac và Daníelou.
Với kiến thức sâu rộng và những khả năng đáng kinh ngạc của cha, cha Congar đã để lại dấu ấn của mình trong nhiều văn kiện của Công đồng Vaticanô II (1962-65) : Các Hiến chế tín lý về Hội Thánh và Mạc khải của Thiên Chúa, các Sắc lệnh về đại kết, tông đồ giáo dân và hoạt động truyền giáo của Hội Thánh –ấy là chỉ kể sơ qua một vài văn kiện. Như thế, cha Congar, một trong những người tiền phuông của Công đồng Vaticanô II, cũng đã là một trong số những nhà thần học có nhiều ảnh hưởng nhất đối với Công đồng. Cách nào đó, cha là một trong những Giáo phụ hậu Công đồng, một Công đồng như vẫn mãi còn là một công trường xây dựng hơn là một căn nhà tiện nghi đã khánh thành.
Cách riêng, lộ trình của thần học đại kết công giáo của thế kỷ XX không thể tách rời khỏi tên tuổi của cha. Cha đã chuẩn bị từ rất sớm con đường cho thần học này với hai tác phẩm đã được mọi người biết đến : “Chrétiens désunis. Principles d’un oecuménisme catholique” (1937) và “Vraie et fausse réforme dans l’Église” (1950). Cho dù sau này những viễn tượng có thay đổi, nhưng hai tác phẩm này vẫn còn là những cuốn sách kinh điển của thần học đại kết. Đấy là một thần học đặt cơ sở trên mảnh đất vững chãi của tín điều chứ không phải chủ trương đại kết tự do phóng khoáng dựa trên cơ sở kinh nghiệm chủ quan hay hành động thực tiễn, lúc bấy giờ có phong trào “Life and Work” theo đường lối này.
Những gì được khai triển trong hai tác phẩm trên đã được xác nhận tại Công đồng Vaticanô II trong Sắc lệnh công đồng về Đại kết, “Unitatis redintegratio”. Trong cuốn Hồi ký Công đồng, cha Congar diễn tả sự chán nản mà không giận dữ đối với một số những sửa chữa vào phút chót, những sửa chữa có thể làm giảm đi ý nghĩa (II,279tt). Cha viết : “Sắc lệnh De oecumenismo coi như mất đi sự đồng trinh hay là một phần tinh tuyền” (II,287). Nhưng dầu gì đi nữa cuối cùng thì “bản chất vẫn còn là nguyên vẹn” (G. Alberigo IV,441). Lối mở quyết định đã thành công.
Lối mở này chính yếu là gì ? Câu trả lời hiện rõ lên nếu ta nhớ lại rằng Đức giáo hoàng Piô XII, trong tông thư “Mystici corporis” (1943), đã dạy rằng cho dầu thực sự ở bên ngoài những biên cương khả thị của Hội Thánh công giáo, có những Kitô hữu thuộc về Hội Thánh bằng lòng ước ao, nhưng không có thực tại Hội Thánh ở bên ngoài Hội Thánh công giáo. Sau này, cha Congar đòi là người đầu tiên, trong “Chrétiens désunis”, phá vỡ chủ trương cực đoan trên khi nói đến những vestigia và elementa của Hội Thánh bên ngoài Hội Thánh công giáo (Essais oecuméniques, 1984). Lý thuyết này rất chóng được nhiều nhà thần học khác lấy lại và, tiếp đó, được Công đồng tuyên bố là giáo lý chính thức của Hội Thánh (LG 8 ; 15 ; UR 3tt).
Nội dung của lối mở ấy là thế này : bên ngoài những biên cương của cộng đoàn công giáo – như sau này Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô nói – không có một khoảng trống không có Hội Thánh (UUS 13). Dầu cho ở đó không có “Hội Thánh”, - một Hội Thánh chỉ lập hữu trong Hội Thánh công giáo (LG 8), nhưng người ta thấy ở đó không phải chỉ có các Kitô hữu cá nhân riêng lẻ, mà còn cả những cấp độ khác nhau của thực tại Hội Thánh, và cả trong trường hợp của các Hội Thánh Đông phương, các Hội Thánh địa phương đích thực. Thần Khí của Thiên Chúa cũng đang hoạt động trong các Hội Thánh và các Cộng đoàn Hội Thánh này. Người ta cũng thấy ở đó nhiều ân huệ của Thần Khí. Chỉ trên cơ sở này mới có được đối thoại đại kết, mới khả dĩ có được một sự hội thoại và trao đổi giữa các Hội Thánh.
Sau Công đồng, cha Congar tiếp tục suy nghĩ về lập trường của mình và về lập trường của Công đồng. Cha thực hiện việc ấy chính yếu trong Thần Khí học gồm ba cuốn nhan đề “Je crois en l’Esprit Saint” (1979-80). Trong tác phẩm đồ sộ này, cha đi xa hơn cách tiếp cận Kitô học nguyên sơ của cha. Khởi đi từ Thần Khí học, cha đã khám phá ra những khía cạnh mới đưa cha xích lại gần các Hội Thánh Đông phương và đã dẫn cha đến chỗ gập gỡ và đương đầu với những hướng đi đặc sủng gần đây nhất. Như thế, quan điểm có tính cách thể chế và một chiều về Hội Thánh đã hoàn toàn lỗi thời. Nói cho cùng, điều cha nghĩ nhiều, trong “Diversité et communion” (1982), trong khung cảnh một giáo hội học về hiệp thông, đó là đề tài đại kết chính yếu của sự hiệp nhất và tính cách đa dạng trong Hội Thánh. Điều ấy đưa cha đến vấn đề đại kết, như được đặt ra hôm nay, trong đó ta nói đến sự hiệp nhất như là một sự đa dạng đã được hoà giải.
Với tác phẩm được cha Congar viết lúc cha đã đạt độ chín muồi, các chiều kích vẫn còn bị che khuất lại dẫn đi rất xa vào tương la. Chúng ta vẫn chòn chưa phân tích hết được những viễn tượng đã được cha khai mở cho chúng ta. Chính cha cũng đủ lương thiện và khiêm tốn để từ chối để đưa ra một trình bày hệ thống riêng của mình về giáo hội học, vì cha cho rằng thời gian cần có để làm như thế chưa chín đủ.
Ngay từ đầu thập niên tám mươi, cha đã nhận thấy rằng hình như phong trào đại kết đang giậm chân tại chỗ (9 ; 11). Cha chứng nhận là “những người trẻ hiện không có lòng ái mộ đối với Hội Thánh của Đức Giêsu Kitô”. Thế nhưng, cha không chia sẻ thái độ chủ bại đang lan rộng. Cho dẫu gần thượng thọ bát tuần, lập lại một cách diễn tả của thi sĩ Paul Valéry, cha viết : “La jeunesse prophétise par son existence même, étant ce qui sera” (Tuổi trẻ tuyên sấm bằng chính cuộc đời của tuổi trẻ, họ đang là cái họ sẽ là) (15).
Theo cha, Hội Thánh tự bản chất là một thực thể cánh chung. Hội Thánh là dân cánh chung của Thiên Chúa đang trên đường lữ hành. Hội Thánh không ngừng vượt qua, đi tới có tính cách lịch sử, trong Thần Khí. Hội Thánh thực hiện điều đó qua sứ vụ truyền giáo và việc đại kết. Cũng như qua sứ vụ truyền giáo, Hội Thánh đón nhận theo một thể cách sáng tạo các dân tộc và văn hoá của họ thế nào, thì trong việc đại kết, Hội Thánh cũng đón nhận những ân huệ của các Hội Thánh khác như vậy (238tt). Trong cả hai trường hợp, Hội Thánh vừa là Hội Thánh trao tặng một cách dồi dào lại vừa là Hội Thánh đón nhận một cách dư dật. Chỉ qua sứ vụ truyền giáo và việc đại kết, Hội Thánh trở thành, trong lịch sử cụ thể, điều mà Hội Thánh tự bản chất đã là từ muôn năm trước : một una sancta catholica et apostolica ecclessia (một hội thánh thánh thiện, công giáo và tông truyền) phổ quát. Theo cha Congar, ngược với chủ trương đại kết cổ kính tức là bằng cách trở lui, việc đại kết hướng không phải về quá khứ mà tới tương lai, và đại kết được hướng tới một thể thức mới của Hội Thánh và hướng tới sự hiệp nhất xét như là hiệp thông. Dĩ nhiên, trong thực tế viên mãn, sự hiệp nhất tiên vàn phải là một hồng ân cánh chung.
Tóm lại, thể thức có tính cách lịch sử trong tương lai là công trình của Thần Khí. Như thế, thể thức ấy không để cho mình được xác định cách cụ thể và theo cách thức tương xứng trước. Và nhất là người ta không thể nào ấn định được thời gian hay khoảnh khắc. Chính vì Thần Khí không thể nào tự mâu thuẫn và Hội Thánh vẫn là chính mình trải qua mọi thế kỷ, cho nên sự hiệp nhất vĩ đại tương lai đã được ghi trong đường đi của Truyền Thống, một Truyền Thống mà cha Congar rõ ràng không quan niệm như là một tổng thể những truyền thông đặc thù cứng nhắc, nhưng như là sự hiện tại hoá một Truyền Thống sống động, được nâng đỡ và gia tăng nhờ Thần Khí ngự giữa lòng Hội Thánh (La Tradition et les traditions, 2 vol., 1960-63 ; La Tradition et la vie de l’Église, 1963).
Sau khi đã biết những tiêu chuẩn căn bản trong hướng nhìn của cha Congar, chúng ta thắc mắc tự hỏi : hôm nay đây, sau 40 năm Sắc lệnh công đồng về Đại kết, chúng ta đang đứng ở chỗ nào ? Tình trạng hiện nay của việc đại kết như thế nào ? Có những tiến bộ, những vấn nạn và những chướng ngại nào ? Chúng ta đang hướng tới đâu ?
II. Đại kết với các Hội Thánh Đông phương
Chúng ta bắt đầu bằng việc đại kết với các Hội Thánh Đông phương. Cha Congar đã cống hiến cho lãnh vực này một tác phẩm, vẫn hay được trích dẫn, nhan đề “Neuf cents ans après. Note sur le ‘schisme oriental’” (Chín trăm năm sau. Chú nhận về ‘cuộc ly giáo Đông phương’) (1954). Cuốn sách này được phát hành nhân kịp kỷ niệm 900 năm cuộc ly giáo mà người ta cho là vào năm 1054 này. Đối với cha, tính cách chính thống (orthodoxie) là điểm tham chiếu chính trong thần học của cha về đại kết.
Ngoài những Hội Thánh chính thống, các Hội Thánh Đông phương cũng bao gồm cả các Hội Thánh Đông phương cổ kính (copte, syria, armenia, ethiopia, malankare) là những Hội Thánh, ngay từ thế kỷ IV và V, đã tách ra khỏi cái lúc bấy giờ là Hội Thánh thuộc đế quốc. Đối với những người phương Tây như chúng ta, cảm tưởng về các Hội Thánh ấy là cổ kính xa xưa rồi. Nhưng đó là những Hội Thánh sống động, đã thấm nhuần sâu xa vào cuộc sống của các dân tộc và các nền văn hoá của các dân tộc đó. Khi đi vào phong trào đại kết, các Hội Thánh ấy ra khỏi sự cô lập lâu dài và đã lấy lại được vị trí của mình giữa lòng toàn thể Kitô giới.
Những lý do nền tảng của việc các Hội Thánh ấy tách ra, không kể những lý do chính trị, phải tìm trong cuộc đụng độ về công thức Kitô học. Trong khi công đồng Chalceđonia (451) chủ trương rằng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là con người thật trong một ngôi vị mà thôi, tức là một ngôi vị mà có hai bản tính, thì các Hội Thánh này lại theo công thức của thánh Syrillô Giêrusalem, nghĩa là bản tính Thiên Chúa độc nhất đã trở thành xác phàm. Sau một cố gắng chuẩn bị cam go
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top