Phần I : Yves Congar, con người và tư tưởng

1- Yves Congar là ai ?

Ngày 13-4-2004 kỷ niệm đúng 100 năm ngày sinh của hồng y Congar, một người đã dâng hiến cả cuộc đời để phục vụ Giáo hội, đặc biệt trong lãnh vực Giáo hội học và Đại kết. Nhưng cũng thật là một điều nghịch lý và mỉa mai, khi vì chính sứ vụ phục vụ cho hiệp nhất ấy, mà cha Congar đã có thời gần như bị loại trừ, hay nói đúng hơn, bị đẩy ra bên lề Giáo hội, bị “cấm vận”, cô lập hoá, mãi cho đến ngày chân phúc Gioan XXIII lên kế vị Thánh Phêrô, mới được phục hồi danh dự, hơn thế nữa, còn được chọn làm một chuyên viên thượng thặng của Công đồng Vatican II,[1] và người ta đã không lầm mà coi ngài như một trong những cột trụ xây nên Công đồng

Yves Congar là ai ?

Ngài là con út của một gia đình có bốn anh chị em, ba trai, một gái, sau này sẽ trở thành nữ tu dòng Biển Đức. Yves Congar sinh ngày 13-4-1904 tại Sedan, nước Pháp.

Ngay trong tuổi thơ, Yves Congar đã phải trải qua kinh nghiệm của Đệ nhất thế chiến, đã phải sống trong lãnh thổ bị Đức chiếm đóng. Chính vì phải sống những biến cố như vậy, nên bà mẹ của Yves đã khuyên các con ghi chép lại những kỷ niệm trong những trang nhật ký, và nhờ vậy, Yves đã có thói quen ghi nhớ kỹ và ghi lại những biến cố của đời mình, cũng như của xã hội và Giáo hội. Cái "nghề" viết lách khởi sự từ đó.

Sau chiến tranh, Yves đã tìm được ơn gọi tu sĩ và linh mục, nhờ ảnh hưởng của linh mục Daniel Lallement, một người mà sau này cha Congar sẽ có những bất đồng sâu sắc về thần học và tu đức, đến nỗi hai người không còn có thể gặp gỡ và đối thoại với nhau.

Nhưng trước đó, Yves đậu bằng cử nhân triết học tại đại học Sorbonne, rồi nhập ngũ thi hành nghĩa vụ quân sự, với tư cách là sinh viên sĩ quan trường võ bị Saint-Cyr, rồi như sĩ quan quân đội chiếm đóng bên Đức. Giải ngũ, Yves dứt khoát chọn lựa dòng Đa Minh, thay vì dòng Biển Đức. Vào nhà Tập tỉnh dòng Pháp cuối năm 1925, tại Amiens, khấn dòng ngày 8-12-1926.

Kế đó là cuộc lưu đầy đầu tiên, hoàn toàn có tính cách tự nguyện, vì lý do chính phủ cực tả của Pháp thời bấy giờ không chấp nhận các tu sĩ. Dòng Đa Minh cũng như các dòng khác phải chọn con đường lưu vong. Yves cùng với các anh em sang Bỉ, “tị nạn” ở Saulchoir. Congar thụ phong linh mục ngày 25-7-1930, năm sau trình bày luận án Lectorat (1) về một đề tài liên quan tới Hiệp nhất. Ngay sau đó được cử làm giáo sư môn hộ giáo, rồi Giáo hội học. Chính trong giai đoạn này cha Congar nhận thức được ơn gọi Đại kết của mình. Cũng trong thời kỳ này hình thành mối quan hệ đặc biệt giữa cha Congar với cha Dominique Chenu và cha Henri-Marie Féret, khiến ba người mãi mãi gắn bó không bao giờ xa rời nhau. Cha Chenu vừa là thầy, vừa là bạn, còn cha Féret là người bạn đồng hành tâm giao nhất, lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ trọn vẹn mọi nỗi vui nỗi buồn, và cả những lúc cay đắng, tuyệt vọng nhất trong đời cha Congar.

Chúng ta không thể tóm gọn, trong khuôn khổ một bài thuyết trình, cuộc đời phong phú nhưng cũng đầy sóng gió khủng khiếp của  nhà thần học vĩ đại này, bởi vì nguyên cuốn Nhật ký một nhà thần học,[2] ghi lại những biến cố xảy ra trong vòng 10 năm, từ 1946-1956, đã dày tới 441 trang !

Ở đây, chỉ xin gợi lên một vài nét chính của cuộc đời cha Congar, đặc biệt là nói tới hai giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời cha, cũng như cách thức mà cha vượt qua được những cơn thử thách nặng nề hầu như quá sức chịu đựng.

Trước hết, tưởng nên nhắc lại rằng cha Congar là một nhà Giáo hội học, và là ngôn sứ phục vụ cho sự hiệp nhất Giáo hội. Ơn gọi này, theo cha nói, đến với cha vào khoảng những năm 1929-1930, khi cha đọc chương 17 Tin Mừng theo thánh Gioan [3]. Cũng chính vì thế mà cha đã chọn đề tài hiệp nhất cho luận án Lectorat của mình, tựa đề là Sơ thảo luận đề về Hiệp nhất Giáo hội, được trình bày trước hội đồng giám khảo ngày 7-6-1931.

Theo cha Congar, sứ vụ ngôn sứ của ngài là “mở ra” và phục vụ cho sự phát triển. Sứ vụ đó đòi hỏi không chỉ thời gian, mà trước hết là sự tự do. Cha ý thức rằng lãnh vực hoạt động của mình rất tế nhị, đưa cha tới những vùng biên cương, rất dễ bị người ta nghi ngờ, cấm cản[4].

2. những đợt sóng thần

a)-        Đợt sóng thần thứ nhất

          

Mà quả thật điều đó đã xảy ra.

Ngày 22-9-1946, đức Piô XII cảnh cáo Tổng hội dòng Tên và Tổng hội dòng Đa Minh không được rời xa học thuyết của thánh Tôma Aquinô, vốn được giảng dạy từ trước tới nay trong các học viện của hai dòng. Những áng mây đen bắt đầu xuất hiện ở chân trời, khi thông điệp Humani generis ra đời, lên án chủ nghĩa tân thời, modernisme, ngày 24-11-1946. Riêng đối với cha Congar, thì khó khăn trực tiếp là gặp trở ngại khi tái bản cuốn Chrétiens désunis, Người Kitô chia rẽ. Không những thế, ở Rôma, người ta đang chuẩn bị đưa ra những chỉ thị khắt khe liên quan đến các tác phẩm của cha. Vào năm 1950, những tin đồn về việc cha sẽ bị trục xuất khỏi học viện Saulchoir (bấy giờ là Saulchoir gần Paris), thậm chí bị “cấm vận”, được loan truyền.

Tuy nhiên cơn sóng thần chỉ ập tới và đạt cao điểm vào năm 1952, khi lệnh từ bộ Thánh Vụ, Saint-Office, của Tòa Thánh, được công bố, theo đó, cấm tái xuất bản, cấm dịch cuốn Vraie et fausse Réforme dans l’Église, Cải tổ thật và cải tổ giả trong Giáo hội. Hơn thế nữa, nhà thần học của chúng ta còn bị bắt buộc phải nộp tất cả tác phẩm mình cho Bề trên Cả của Dòng kiểm duyệt. Việc kiểm duyệt này theo ý định ban đầu của bộ Thánh Vụ, phải được trao cho các viên chức của bộ, nhưng vì Bề trên Cả Dòng Đa Minh cũng là thành viên của bộ này, nên ngài đã tranh đấu đòi quyền ấy, với hy vọng bênh vực được cho người anh em của mình.

Mặc dầu các tác phẩm nói trên chưa bị đặt vào Index, nghĩa là loại sách cấm đọc: ai đọc thì có tội (!), nhưng cha Congar cũng đã bị một cú sốc kinh khủng. Cha thực sự rơi vào khủng hoảng, vào sự tuyệt vọng khi nghĩ rằng mình sắp sửa bị khóa miệng. Tuyệt vọng đến nỗi theo Étienne FOUILLOUX, người giới thiệu cuốn Journal d’un théologien nói rằng, có lúc cha Congar nghĩ đến một sự sớm chấm dứt cuộc đời.[5]. Cũng từ đó, cha Congar có mối hận sâu sắc với bộ Thánh Vụ, đến nỗi ngài để hai chữ Thánh Vụ trong ngoặc kép, có ý mỉa mai cho rằng đó là một cơ quan chẳng “thánh” tí nào, và không ngần ngại so sánh với Gestapo, cơ quan mật vụ Đức quốc xã ! Điều mà cha Congar phiền trách và chống đối bộ Thánh Vụ hồi đó, là không chấp nhận một chủ nghĩa đa nguyên tối thiểu nào, để nhờ đó người ta có thể đưa ra thảo luận một cách thanh thản những vấn đề chưa được ngã ngũ. Cách thế hành sử quyền bính của bộ là làm thần học dựa vào thế kẻ có quyền, và bắt mọi người phải tuân phục quyền bính của mình, nghĩa là chấp nhận vô điều kiện quan điểm thần học của các viên chức trong bộ. Ngoài ra, với nguyên tắc giữ bí mật thuộc loại tuyệt đối dành riêng cho các thành viên của bộ, các nạn nhân không bao giờ được biết lý do tại sao mình bị lên án. Do đó, mặc dầu cha Suarez, Bề trên Cả dòng Đa Minh thời ấy, dù biết nhưng không được hé răng nói cho người anh em của mình biết để mà đề phòng, tránh né: bởi vì cha là thành viên của bộ ấy.

Điều đáng nói, là nhiều hồng y, giám mục tầm cỡ như Liénart, Tisserant, Montini,[6] Villot [7] v.v. muốn bênh vực cha Congar, nhưng cũng không dám ra mặt công khai… Quyền lực của bộ “Thánh Vụ” làm cho mọi người sợ hãi !

Ngày 15-16 tháng 3/1952, cha ghi trong nhật ký những dòng sau đây: “Tôi như một người mà vợ hay con mắc bệnh nguy đến tính mạng. Người ấy đã chiến đấu với tất cả sức lực của mình, và chính cuộc chiến đấu ấy đem đến đến cho anh ta sức mạnh. Anh ta sẽ có thể tiếp tục chiến đấu hai năm, ba năm nữa. Thế rồi, một đêm, người vợ chết.

Thế là tất cả sự mệt mỏi chồng chất bấy lâu ập xuống cùng một lúc, đè bẹp anh ta. Anh ta còn đó nhưng không còn sức mạnh, chẳng còn tương lai.” [8]

Ngày 18 và 19 tháng 3 cha ghi: “Không có gì cả. Hai trong những ngày xấu nhất của cả đời tôi. Có lẽ đây là hai ngày xấu nhất đời tôi. Tôi nhận được thư khuyến khích thuận phục !!! “Họ” sẽ để tôi thối rữa.”[9]

Cha Congar chỉ còn biết nghĩ tới thập giá và thánh ý Thiên Chúa, và hy vọng ít ra còn có thể làm việc, viết lách, nếu không còn được phép xuất bản. Nhưng cha cũng nghĩ tới khả năng gửi các tác phẩm của mình vào Institut de France, hay giao cho một người công chứng nào đó, để yêu cầu họ xuất bản sau khi cha qua đời. Ngài viết: “Tôi không chấp nhận Gestapo (ám chỉ bộ Thánh Vụ). Tôi vâng phục mệnh lệnh. Tôi không có quyền hy sinh việc phục vụ Chân lý . Rất đơn giản, công việc này sẽ đòi hỏi tôi nhiều hơn.” [10]

Cha phàn nàn rằng phần đông hàng Giáo phẩm hoàn toàn thiếu thực tế trong cách nhìn sự việc. Các ngài chỉ hài lòng với việc cử hành các nghi thức bên ngoài của Giáo hội Công giáo, bảo vệ cái khung, cái vỏ xã hội. Còn những vấn đề thì chẳng bao giờ có thực đối với các ngài. Còn nếu ai nói tới thì sẽ bị coi là kẻ nguy hiểm, gây phiền hà và đáng nghi ngờ. Ngài ghi lại rằng, trong một cuộc đàm đạo với cha Gourbillon, người anh em Đa Minh này có nói với cha: “Đây là Kinh Tin kính của tôi: Tôi tin Hội Thánh đã hoả thiêu Jeanne d’Arc, đã kết án Galilée, và làm thế giới bực mình.” Còn cha Congar thì trả lời: “Còn tôi thì bắt đầu Kinh Tin Kính từ câu: Tôi tin kính Đức Chua Thánh Thần.” [11]

b)-        Đợt sóng thần thứ hai

Đợt sóng thần đầu tiên chưa kịp lắng dịu, thì một đợt sóng thần khác lại ập tới, và lần này có vẻ dữ dội, lan rộng, đe dọa cuốn đi nhiều người, thậm chí còn đe dọa xóa sạch Dòng Đa Minh bên Pháp,[12] và ảnh hưởng tới cả tương lai Giáo hội Pháp nữa.

Chỉ riêng biến cố này cũng đủ cho một bài nghiên cứu dài, nếu không phải là cho một cuốn sách dày. Ở đây, chúng ta chỉ có thể ghi lại một đôi nét tổng quát.

Trước hết, như đã nói, đợt sóng thần thứ hai, 1954, không chỉ đe dọa cha Congar, mà còn đe dọa cả dòng Đa Minh Pháp, và một cách nào đó, cả tương lai Giáo hội Pháp, bởi vì nó đe dọa tới chính sự tồn tại của dòng Đa Minh Pháp, cũng như nền thần học của Giáo hội xứ này.

Thật vậy, dòng Đa Minh Pháp, và cả Giáo hội Pháp không thể quên cái ngày định mệnh 6-2-1954, khi mà Bề trên Cả của dòng Anh em Giảng thuyết bất thình lình tới phi trường Orly, Paris, vào buồi chiều, triệu tập các giám tỉnh của ba tỉnh dòng Pháp phải từ chức, thay thế ba vị này mà không qua thủ tục bầu cử theo đúng Hiến pháp, đòi hỏi giám sát, kiểm duyệt chặt chẽ các báo chí và ấn phẩm của anh em, và nhất là đẩy bốn nhà thần học nổi tiếng của tỉnh dòng Paris ra khỏi thủ đô, đó là các cha Boisselot, giám đốc nhà xuất bản Le Cerf, cha Chenu, người đã từng bị “cấm vận” năm 1946, cha Congar và cha Féret, hai giáo sư của học viện Saulchoir.

Đây đích chực là một cuộc “thanh trừng” xảy ra trong một bối cảnh mà giữa Rôma và Giáo hội Pháp đang có những mối căng thẳng, bất đồng, liên quan tới không những vấn đề tư tưởng thần học, mà còn đặc biệt tới vấn đề các linh mục thợ, mà lệnh rút khỏi các nhà máy được ấn định vào ngày 1-3-1954.

Cá nhân cha Congar bị cưỡng chế rời khỏi Paris, và cha đã chọn trường Kinh Thánh Giêrusalem làm chốn nương thân. Nhưng điều nặng nề hơn cả, chính là ngài bị “cấm vận”, không được giảng dạy, và một lần nữa, các tác phẩm của ngài bị đặt dưới sự kiểm duyệt của Bề trên Cả của dòng.

Tuy nhiên, mặc dầu vậy, lần này cha chịu đựng thanh thản hơn lần trước. Có lẽ vì đã sống quen với bầu không khí thử thách.

Thực ra, cha Congar cũng như các sử gia, cho tới  ngày nay vẫn chưa nắm hết được những lý do sâu xa của cuộc khủng hoảng trầm trọng này, do những bí mật hầu như tuyệt đối của tiến trình đưa đến cuộc thanh trừng. Chỉ biết rằng, vào giai đoạn này, Đức Piô XII đang bệnh nặng (kể từ 26-01-1954), hầu như không qua khỏi, trong khi đó, các thế lực bảo thủ ở Rôma, trong đó có cả những tu sĩ Đa Minh Pháp nổi tiếng như Garrigou, Paul Philippe v.v., cũng là những anh em Đa Minh người Pháp, không ưa gì các anh em của mình tại mẫu quốc. Vậy mà, theo cha Bề trên Cả Suarez, nếu không trả giá bằng sự hy sinh ra đi của ba giám tỉnh và 4 nhà thần học Pháp, thì sự tồn tại của cả dòng Đa Minh sẽ bị trực tiếp đe dọa, chứ không chỉ có dòng Đa Minh bên Pháp. Thực ra, cha Congar, cũng như nhiều người bấy giờ nghĩ rằng tình thế rất có thể sẽ bị lật ngược, hay ít ra dịu bớt, khi mà Đức Piô XII qua đời. Nhưng chuyện đó chỉ xảy ra bốn năm sau. Tuy vậy, dự đoán của mọi người  quả là đúng. Thật vậy, khi lên ngôi kế vị Đức Piô XII, Đức Gioan XXIII đã triệu tập Công đồng Vatican II và triệu cha Congar về Rôma làm chuyên viên cho Công đồng !

Trở lại với cuộc “thanh trừng” năm 1954, theo cha Congar kể lại, cha Bouessé, giáo sư học viện Đa Minh  Saint-Alban-Leysse của tỉnh dòng Lyon, viết cho cha ngày 12 tháng 2 rằng: “Thà làm nạn nhân còn hơn là làm lý hình. Dòng (Đa Minh) bên Pháp sẽ nổi tiếng hơn nhờ biến cố này.” Lời tiên tri này đã được ứng nghiệm.

Có quá nhiều điều phải nói về biến cố này. Chỉ riêng tháng 2-1954, cha Congar đã viết dày trong nhật ký của cha, mà chúng ta đang tham khảo, ghi lại gần như từng chi tiết các sự kiện và những suy nghĩ, phản ứng của cha. Về mặt lịch sử mà nói, riêng biến cố cuộc thanh trừng này đáng được nghiên cứu và trình bày cặn kẽ.

Cha Suarez qua đời do tai nạn xe hơi xảy ra gần Perpignan, Pháp, ngày 30-6-1954, có lẽ trên đường tới Paris với một sứ vụ phiền toái khác, có thể là để thăm dò khả năng thay đổi Hiến pháp Dòng Đa Minh[13] theo ý muốn của Tòa Thánh, hay vì một chuyện gì khác quan trọng, mà chẳng ai biết được.[14] Có người coi cái chết này như một sự giải thoát, cứu Dòng Đa Minh khỏi áp lực  của giới bảo thủ ở Vatican.

Cha Congar từ Giêrusalem trở về Paris ngày 19- 9-1954, trong tâm trạng khá thất vọng, chỉ biết sống ngày này qua ngày khác, bám víu vào đức tin, nhờ lời cầu nguyện.

Tại Rôma, người ta tố cáo rằng anh em Đa Minh chỉ vâng phục bề ngoài mà thôi, còn bên trong thì vẫn tiếp tục hoạt động. Cha chưa biết phải đi đâu. Ngày 28-10-1954, cha Ducatillon, giám tỉnh, mời cha đến trao cho cha thư trả lời của cha Gomez tạm quyền Bề trên Cả, nói rằng cha phải đi Rôma một năm, và ở tại Santa-Sabina, trụ sở Dòng.

Cha ghi trong Nhật ký ngày Chủ nhật 30-10: “Tôi đọc trong Công vụ Tông đồ 23,11: “Hãy vững lòng ! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Giêrusalem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma nữa.”

3. Vác chiếu ra tòa

Cha Congar từ Giêrusalem trở về Paris và được lệnh lên đường sang Rôma. Cha bị trát đòi vác chiếu ra tòa, trả lời trước bộ Thánh Vụ, về những điều mà người ta tố cáo cha, mà quan tòa được chỉ định lại là một anh em Đa Minh, thuộc Tỉnh dòng Toulouse: Marie-Rosaire Gagnebert !

Người ta tố cáo cha về nhiều tội danh chẳng hạn như về những quan điểm sai lầm về Giáo hội học, về Thánh Mẫu học, về con người, không phù hợp với quan điểm của Rôma. Còn cha thì vẫn cho rằng các viên chức bộ ngành, các nhà thần học Rôma có quan niệm về một Giáo hội tự mãn, coi mình là công chính và tự đề cao vinh quang của mình, “lạm phát” trong cách thức diễn tả và lòng sùng kính Đức Maria. Đàng khác, cha cũng lo ngại về nỗi bi quan chia cắt Giáo hội với thế giới, phân cách Rôma của Đức giáo hoàng với cả Giáo hội còn lại. Giáo hội chỉ được dạy cho biết phải đi theo con đường đồng nhất, sùng bái và vâng phục.

Thực ra, cuộc “đối thoại” giữa Congar và Gagnebert trong hai ngày 14 và 18-12-1954 không đến nỗi gay cấn, nặng nề như dự đoán, mặc dầu cha Congar một mình đối diện với cha Gagnebert, không được mang theo bất cứ tài liệu nào, cũng chẳng được tham khảo những tài liệu tố cáo ngài, và không được ghi chép tại chỗ cuộc trao đổi, và phải giữ bí mật tuyệt đối. Dù sao thì cha Gagnebert cũng không muốn làm cho cuộc trao đổi thêm nặng nề, theo kiểu một buổi hầu tòa đúng thủ tục. Một cách khéo léo, cha Congar được gợi ý để giải thích quan điểm và lập trường của cha, không những qua những tác phẩm quan trọng như Chrétiens désunis, Vraie et fausse Réforme dans l’Église, mà còn phải trả lời những tố cáo đủ loại chống lại cha. Cha Congar đã thẳng thắn giải tỏa mọi thắc mắc và tự biện hộ cho mình, chẳng khó khăn gì. Sau mỗi lần trao đổi với nhau như vậy, cha Gagnebert đều làm biên bản, có chữ ký của người anh em Saulchoir. Những biên bản đó được nộp cho  bộ Thánh Vụ để xem xét và đưa ra phán quyết.

Nhưng lần này bộ Thánh Vụ không vội đưa ra phán quyết của mình, khiến cha Congar phải lưu lại Rôma, trong bầu khí căng thẳng. Cha lấp đầy lỗ hổng thời gian bằng cách đi thăm các nhân vật của Rôma, từ hàng giáo phẩm đến các nhà thần học, nhờ vậy mà cha để lại cho chúng ta phác hoạ những chân dung chẳng mấy đáng khen ngợi…

Những ngày đầu ở Rôma, cha Congar cảm thấy thực tế còn tệ hơn là cha đã nghĩ. Không ai nói gì về tương lai của cha. Ai cũng chỉ bảo hãy chờ đợi. Hình như người ta chờ đợi Đức Piô XII qua đời. Cha tự hỏi có nên đi thăm đấng bậc này đấng bậc nọ hay không, nhưng cuối cùng thì cha tự nhủ: ai đi thì đi, chứ mình chẳng muốn đi làm gì !

Cha có cảm tưởng như đâu đâu cũng có bóng của bộ Thánh Vụ, và cái bóng đó bao trùm trên cả những sự việc cỏn con, tựa như việc phải tuân theo “chữ đỏ” trong phụng vụ, những chuyện chỉ đáng để những viên chức cấp dưới quan tâm. Rôma là thế giới yên tĩnh của các linh mục, tu sĩ, các tu viện với bóng những chiếc áo chùng thâm viền đỏ hay viền tím, cùng những tiếng chuông… Người ta thưởng thức rượu, bánh, bíp-tếch và ăn những quả táo… Còn “vấn đề” thì chẳng có, cũng như chẳng có chuyện một nữ tu vượt qua hàng rào nội cấm. Ở đây là luật pháp và trật tự. Thế giới còn đó, thế giới con người vẫn ở ngay bên, nhưng hầu như không có chỗ đứng trong hệ thống tổ chức và sinh hoạt của Giáo hội. Giáo hội tiếp tục tồn tại, nhưng không trên cùng một chiều dài lịch sử với con người. Giáo hội chỉ bận tâm đến sự tồn tại của chính mình, lấy mình làm khởi điểm suy tư,  và suy tư về mình và cho mình, chứ không đi từ con người để phục vụ con người. Giáo hội không còn là Giáo hội được sai đi, vì đã có những người được Giáo hội sai đi, và thuộc các dòng tu chuyên biệt lo việc ấy.

Cha Congar có cảm tưởng như người ta bắt cha tới đây, chỉ với mục đích ngăn cha không được gần gũi với Paris. Cha cảm thấy đau đớn, như bị chấn thương tinh thần, như bị thương trầm trọng… “Họ đã bẻ gãy cái gì đó trong tôi, và từ đây tôi không còn là người như trước nữa.”[15] Tuy nhiên cha vẫn cố gắng lạc quan, nhờ sống cầu nguyện và niềm hy vọng.

Trong những ngày này, cha có những cuộc gặp gỡ, trao đổi với những người như các cha Willebrands, Boyer, Gill, và đức cha Hofer tại đại học Grégorienne, để chuẩn bị cho cuộc hội thảo về đại kết vào tháng 8 (1954). Cha cũng có dịp trao đổi với cha Tromp S.J trong vòng 10 phút. Nhưng cuộc gặp gỡ có ý nghĩa nhất là với Đức cha Veuillot, hồng y tổng giám mục Paris sau này.

Đức cha Veuillot cho cha Congar biết, chỉ có một điều tích cực mà ngài có thể trình bày với Rôma, để bênh vực dòng Đa Minh, đó là sự vâng phục của anh em Đa Minh. Và ngài bảo ở Rôma, người ta cho rằng dư luận  báo chí đang rùm beng lên, là do chiến thuật của các linh mục thợ. Nhưng cha Congar nói với Đức cha rằng dư luận báo chí nổi lên là một do một sự kiện có thực chất, chứ không giả tạo do sự phóng đại của báo chí hay ưa những chuyện giật gân. Đàng khác, không nên chỉ bằng lòng với một sự vâng phục máy móc, mà không cần đến sự đối thoại. Nếu chỉ nhìn theo khía cạnh giáo luật thì không giải quyết được vấn đề. Giữa linh mục thợ và Rôma có một sự bất đồng căn bản, vì đây là hai thế giới khác biệt. Rôma không tin con người (mà Đức Giêsu thì lại làm người)… Nhưng Đức cha Veuillot nói rằng sự thẳng thắn sẽ có hại cho uy tín của ngài ở đây ! Thật đáng tiếc, bởi vì sự thẳng thắn của quyền bính là một trong những điều kiện để người ta vâng phục. Rôma có thế giới riêng của mình, trong thế giới đó, tất cả đều qui về sự vâng phục, một sự vâng phục được pha chế với lòng sùng kính quá mức. Còn thế giới với những sự thật của nó không tồn tại trước mắt Rôma. Ở đây cũng chẳng có câu trả lời nào cho những vấn đề ấy. Chỉ có lòng sùng kính, và chỉ có cỗ máy đạo đức quay êm đều đều, dưới dấu chỉ của hai lòng sùng kính: sùng kính Đức Mẹ và Đức Giáo hoàng ![16]

Phải chờ đến hai tuần lễ cha Congar mới biết điều mà cả cha giám tỉnh Ducatillon, cha Gomez [17], và có lẽ cả cha Giraud [18] đã biết trước, mà không nói, vì phải giữ bí mật liên quan tới bộ Thánh Vụ ! Thì ra cha phải có mặt ở Rôma, chầu chực để gặp cha Gagnebert như hồng y Ottaviani muốn.

Câu chuyện bắt đầu với cuốn Chrétiens désusis. Người ta ca tụng rằng cuốn sách có thể hữu ích, vì vững chắc và nói chung là đúng đắn xét theo tổng thể. Tuy nhiên cần nhiều giải thích… Nhưng chúng ta không có thì giờ đi vào chi tiết. Về cuốn Chrétiens désunis cũng vậy. Người ta cũng trách cha Congar là đã coi Luther là một “thiên tài tôn giáo”, “génie religieux”. Cha Gagnebert bảo rằng các Giáo phụ sẽ chẳng thể nào gọi kẻ rối đạo là “thiên tài” được !

Rồi đến lượt cuốn Vraie et fausse Réforme. Cha Congar thấy trước mặt cha Gagnebert cả một cuốn sách in ấn hẳn hoi. Thì ra đó là cuốn sách in những báo cáo về cuốn sách của cha Congar. Ở Bộ “Thánh Vụ” người ta in tất cả những báo cáo của các nhà thẩm định, chứ không phải của các cố vấn thần học. Người ta cho rằng cha Congar quá lạc quan khi nói tới sự chiến thắng hoàn toàn đối với chủ nghĩa tân thời (modernisme), và như vậy là coi thường những nguy hiểm vẫn có. Thực ra đây chỉ là một sự bất đồng trong quan niệm về chủ nghĩa tân thời. Đối với cha Congar, chủ nghĩa tân thời là một giai đoạn quan trọng trong đời sống Giáo hội đầu thế kỷ XX, còn đối với Rôma, thì đó lại là một phạm trù tư tưởng triển khai mãi tới những thập niên sau này. Người ta cũng trách cha Congar cho rằng thật nguy hiểm khi đưa ra một học thuyết mà chỉ dựa vào những ý tưởng nhất thời hay của một trường phái, chứ không quy chiếu vào truyền thống sâu xa của Giáo hội. Cha Gagnebert còn cho biết người ta phê bình cha Congar quá chú trọng tới khả năng có những canh tân về phụng vụ. Cha Gagnebert tỏ ra vui mừng và đồng tình với cha Congar khi thấy cha không “dính” với các linh mục thợ. Nhưng cha Congar cho biết ngài lấy làm hối hận vì đã không phục vụ các linh mục thợ như một cố vấn thần học: đó phải là một vinh dự cho ngài. Bởi vì theo cha Congar, các linh mục thợ thiếu thần học và thiếu các nhà thần học.

Buổi làm việc kết thúc với việc ký biên bản. Cha Gagnebert khuyên cha Congar nên đi thăm các vị cố vấn thần học của bộ "Thánh Vụ", đặc biệt là cha Browne, Tôn sư của Thánh Điện (Sacré Palais), người sẽ chính thức kế vị cha Suarez làm Bề trên Cả dòng Đa Minh.

Về sứ vụ tư tế của giáo dân, theo cha Gagnebert thì không có dấu vết một lời tố cáo nào liên quan đến cuốn Jalons pour une théologie du Laicat, Mở đường cho một thần học về giáo dân, nhưng cha Gagnebert nghi ngại về cách sử dụng từ ngữ của cha Congar khi nói đến sứ vụ tư tế “riêng biệt” (propre) của giáo dân. Có lúc cha Congar tự nhủ: ở đây, Rôma, những vấn đề thực ra không quan trọng, chỉ cần là mình cử hành cho đúng, cho trọn vẹn cái nghi thức vâng phục quyền bính “Giáo hội”, nói cách khác, quyền bính của Giáo Triều.[19]

4. "Nghỉ hè” ở Paris 

            Cha Congar đến nơi mà cha thường gọi mỉa mai là “Nec nominetur…" [20], tức là bộ "Thánh Vụ", nơi cha đã phải làm việc với cha Gagnebert hai buổi. Bây giờ thì chúng ta cùng phải chờ đợi với ngài, phán quyết của “Nec nominetur” ! Nhưng mặc dầu phán quyết cuối cùng chưa đưa ra, ngày 28-2-1955, cha được cha McDermott [21] vời đến, với giọng giận dữ truyền cha phải lên đường về Paris ngay lập tức. Theo cha McDermott, thì đó lệnh của “Đức Hồng y” (Ottaviani). Nhưng ngày 18, sau khi nhận được mấy chữ của cha Congar, cha P.Philippe đi gặp hồng y Ottaviani, và được ngài sai đi nói lại với cha Congar rằng đây là một cái “phép”, chứ không phải một mệnh lệnh.

Trong thời gian cuối cùng ở lại Rôma, cha Congar đã lợi dụng thời gian gặp gỡ các đấng bậc trong Giáo Triều và trong dòng, trong đó có cha Bề trên Cả Browne. Cuộc gặp gỡ này kéo dài 5 tiếng đồng hồ, rất nồng nhiệt hiếu khách, đúng tinh thần Ái-nhĩ-lan. Cha Browne nói với cha Congar hai điều: phải nhớ kỹ rằng các giám mục, và trên hết là Đức giáo hoàng, vị mục tử thứ nhất, mới là những vị có trách nhiệm trong sứ vụ tông đồ. Các linh mục, các nhà thần học chỉ có bổn phận thông tin, cố vấn, nhưng các giám mục mới có quyền khởi xướng mọi việc. Một cuộc gặp gỡ lý thú khác, là cuộc gặp gỡ với cha Jacques Dupont dòng Biển Đức [22], giáo sư triết học, người đã sống tại Trung Hoa tới năm1952. Cha Dupont nói với cha Congar rằng cộng sản ở đấy không giống với những gì mà các thông điệp giáo hoàng nói tới. Cách tuyên truyền và cái logique của họ rất lôi cuốn. “Nếu chúng ta có thể kinh nghiệm được điều đó khoảng vài tháng hay vài năm, thì tôi ước gì điều đó xảy ra tại đây: người ta  sẽ thấy mọi sự hoàn toàn khác, không còn như  thấy trước kia.” [23]

Ngày 15-2-55, cha McDermott triệu cha Congar tới lúc 11 giờ, thông báo cho ngài rằng ngài có thể đi. Ngài được tự do, và vô điều kiện. Ngài có thể trở về Saulchoir và dạy học. Cha McDermott còn lấy làm vui sướng và chúc mừng cha Congar. Nhưng cha Congar nói ngài muốn ở lại Rôma ít ngày để thanh toán một số công việc, đi thăm một vài người, và để dọn đồ đạc v.v… Nhưng cha NcDermott hỏi: “Bao nhiêu ngày? Nửa tháng? Không ! Bốn ngày thôi, không hơn; cha đi bằng máy bay?”. Cha Congar muốn trả lời rằng tôi muốn lắm chứ, nhưng tiền đâu, lại còn hành lý nữa chứ. Và cha Congar tưởng cha McDermott sẽ bảo cha rằng: Tôi sẽ trả tiền cho cha. Nhưng không, cha McDermott chỉ nói: "Ngày mai là thứ Tư. Chiều chủ nhật, cha đi chuyến tầu đêm !”

Cha Congar phải rời Rôma như thế đó. Đúng như bị đuổi. Và như chúng ta đã nói, vẫn còn bị “án treo”. Chuyện Rôma ám ảnh cha đến nỗi khi về Pháp, cha nằm mơ hai lần thấy Gestapo và thấy KZ (Konzentrationslager), trại tập trung của Đức quốc xã dành cho sĩ quan Pháp, nơi cha từng bị giam giữ.

Ngày 1-8-55, cha Congar gặp cha giám tỉnh Ducatillon vào lúc 19 giờ. Cha giám tỉnh nói ngay với ngài rằng: “Tôi có những chuyện rất nặng nề phải thông báo cho cha đây”, rồi ngài trao cho cha lá thư của cha Bề trên Cả Browne, bằng tiếng Pháp, đề ngày 27-7-55, đó là một “monitum Sancti Officii” liên quan đến bài viết mang tựa đề “Conditions théologiques d’un pluralisme”. Những điều kiện thần học của chủ nghĩa đa nguyên, in trong cuốn Tolérance et communauté humaine, Lòng bao dung và cộng đồng nhân loại. Cuốn sách này phải được thâu hồi lại, và cấm dịch ra tiếng nước ngoài. Cha Bề trên Cả nói rằng đây là một nỗi buồn lớn cho Dòng và cho Giáo hội. Và ngài còn nói: đây là một bí mật của bộ "Thánh Vụ", nên phải giữ kín.

Chưa hết. Sau khi cha Congar nói với cha giám tỉnh rằng tất cả những chuyện này không làm cho cha xúc động lắm, cha giám tỉnh bèn chìa ra một lá thư khác đề ngày 24-7-55, do thư ký đánh máy. Người ta trả lời từ chối không cho cha dạy học ở Hautes Études. Thế là cha Congar bị tước đoạt tất cả, bị cấm vận hoàn toàn: không được in sách, viết báo, giảng dạy và làm việc cho Đại kết, không còn được diễn thuyết ở Saint-Jacques, tham dự các Ngày linh mục…

Cha Congar cảm thấy cái thòng lọng xiết cổ ngài chặt hơn năm ngoái. Cha than phiền với giám tỉnh rằng như vậy là bất công đối với ngài: “Người ta có thể phá hủy một con người, mà vẫn bình thản coi như không có chuyện”. Và cha Congar ngạc nhiên thấy cha giám tỉnh chẳng có lấy một lời nồng ấm tình người, mặc dầu ngài thông cảm và giữ tình cảm huynh đệ với cha. Cha còn được biết cha Browne đã nói ở bộ "Thánh Vụ" ngày 1-3-55 rằng cha Congar là một trong ba hay bốn nhà Giáo hội học lớn nhất. Vậy mà giữa lời nói và hành động thì lại khác xa nhau như vậy !

Mặc dầu đang trong tình trạng bị “cấm vận” như vậy, nhưng cha Congar  vẫn được bầu làm một trong các đại biểu của Tỉnh dòng Pháp đi dự Tổng hội của Dòng tại Rôma, từ 2 đến 12 tháng 4-1955.

Ngày 3-4-55, tại Rôma, sau khi dự lễ khai mạc Tổng hội Dòng để bầu Bề trên Cả, và sau khi kiểm chứng thư của các nghị huynh, cha Congar gặp cha Paul Philippe để xem có tin tức gì mới liên quan đến mình không. Cha Philippe bảo rằng không, nhưng ngài nói Đức hồng y Ottaviani cho rằng bản văn gửi đi như thế là đủ rồi . Nhưng cha Congar cho rằng chưa đủ đối với họ.

Cha Congar dí dỏm cho rằng có lẽ người có khả năng được bầu làm Bề trên Cả dòng Đa Minh phải là người rất thành công đối với các nữ tu, và đối với các giới chức Rôma. Cha Paul Philippe có được những yếu tố đó, nhưng theo ngài thì như thế chưa đủ.

Có nhiều chuyện bất thường trong Tổng hội này. Điều rõ rệt nhất là Toà Thánh muốn can thiệp vào việc bầu Bề trên Cả lần này, và nhân vật được đề cử là cha Paul Philippe, và người đề cử là cha Browne. Cũng có những nghị huynh đề nghị bầu cho cha Aniceto Fernandez. Trong khi đó, cha Congar vận động ráo riết để các nghị huynh ý thức và bảo vệ cho sự tự do của dòng. Tuy nhiên, ngoài cố gắng can thiệp của những người đại diện của Toà Thánh, còn có sự nhất trí của khối nói tiếng Tây ban nha nhất quyết không bầu cho bất cứ người Pháp nào, nhưng cố gắng vận động cho cha Fernandez. Còn nếu như người Pháp nhất trí được với nhau bầu cha P.Philippe, thì có thể dễ dàng được các nghị huynh Mỹ, Canađa, Anh, Bỉ, Thụy Sĩ, Áo và Nam Tư ủng hộ. Riêng người Ý thì có 18 phiếu, buổi sáng thì bầu cho cha P.Philippe, nhưng vào buổi chiều lại đổi ý, theo lời khuyến cáo của cha Fanfani[24], không bầu cho cha P.Philippe nữa. Cha Congar thuyết phục các anh em của mình loại trừ cha P.Philippe ra khỏi danh sách.

Cuối cùng thì người Ý dồn phiếu cho một người khác, không phải là P.Philippe hay Fernandez, mà là cha Browne, với hy vọng cha Browne sẽ qui tụ được nhiều người ủng hộ, và như vậy để có một đa số nói lên sự hiệp nhất của Dòng, để hồng y Piazza có ấn tượng đẹp về sự hiệp nhất của Dòng, và như vậy là làm hài lòng Toà Thánh. Phần cha Browne thì vẫn duy trì candidat của mình: cha Paul Philippe, vì theo ngài, Toà Thánh đang lo ngại về thần học không chính thống của Pháp, nên phải chọn một người được Toà Thánh tín nhiệm, mà cũng phải là người hiểu rõ Pháp. Và ngài còn khẳng định rằng Toà Thánh không áp lực gì cả, và ngài hoàn toàn tự do, muốn bầu cho ai thì bầu.

Những cuộc trao đổi, bàn luận giữa các cá nhân và các nhóm, những cuộc vận động ráo riết tiếp tục diễn ra, kéo dài mãi tới ngày 11-4-55, cuộc bầu cử mới chấm dứt. Kết quả là cha Browne được bầu với 59 phiếu, cha Fernandez về nhì với 33 phiếu. Vào lúc 11 giờ 30 tất cả cộng đồng tu viện được mời xuống hát kinh Te Deum. Tân Bề trên Cả, sau khi tuyên thệ nhậm chức, đã phát biểu mấy lời, trong đó đặc biệt chỉ nhấn mạnh đến bổn phận vâng phục đức Giáo hoàng.

Ngay sau cuộc bầu cử, cha Congar xin cha Bề trên Cả mới cho phép ngài trở về Saulchoir. Cha Browne đã chấp thuận, mặc dầu Tổng hội vẫn còn tiếp tục làm việc tới ngày 17-4-55.

5. Lưu đầy ở Babylon (Anh quốc)

Còn đang sống trong tâm trạng bi quan, buồn chán như vậy, thì ngày 3-11-55, cha giám tỉnh bảo cha Congar đến phòng cha tu viện trưởng và đưa cho ngài một tờ giấy: “Tôi nhận được cái này cho cha đây”.  Đó là thư cha Bề trên Cả, đề ngày 25-10-55, trong đó viết: “Tôi đã quyết định thay đổi cha một thời gian sang bên Anh, tại Cambridge. Cha giám tỉnh, cha Carpenter, đồng ý, và cha bề trên của nhà dòng ở thành phố này chờ đợi cha với tất cả tình bác ái huynh đệ.” Chỉ có thế, không có thêm một lời giải thích. Lại một lần nữa, và đây là lần thứ ba, cha Congar vẫn chưa thấy mọi sự sẽ kết thúc ra sao. Có lẽ cái chết mới là sự kết thúc [25].

Trước khi ra đi, cha Congar gặp gỡ anh em cháu chắt và bạn bè. Cha Féret tặng cha một bộ clergyman. Nhưng cuộc gặp gỡ chia tay ấy càng làm cho ngài cảm thấy như bị tan vỡ. Giờ đây ngài cảm nghiệm rằng đức vâng phục, đi đôi với sự nghèo khó, đưa đến một sự nghèo khó tuyệt đối: ngài không còn là gì nữa, ngoài linh hồn của mình, ngài không còn có gì. Và sự bóc lột tới mức biến ngài ra không, làm cho ngài cảm thấy nặng nề. “Người ta đã cấm đoán tôi mọi sự, hay đã vứt bỏ tôi.” [26]

Ơn gọi sống và phục vụ cho Đại kết bị chận lại, vì ngài không thể hoạt động, cũng chẳng thể xuất bản sách, đặc biệt là không thể tái bản cuốn Chrétiens désunis. Ngài cũng không còn cơ hội để bào chữa cho lập trường thần học của mình, chống lại những kẻ tự coi mình là “công giáo = Rôma”, mà thực ra chỉ là những sự tô màu phóng đại hay thái quá chẳng có nền tảng trong Tin Mừng. Cha đã dần dần bị tách ra khỏi những hoạt động  trong hàng ngũ linh mục, trong giới sinh viên, đặc biệt là khỏi Saulchoir, môi trường tự nhiên của ngài. Ngài không thể tiếp tục in sách. Ba cuốn đang chờ nihil obstat mà không được: đó là Études conjointes pour une théologie du laicat; Mission, sacerdoce et laicat; Le Mystère du Temps và phép tái bản Chrétiens désunis cũng bị từ chối.

Ngài viết: “Nhất là từ Giêrusalem, tôi hiểu rõ hơn đức tin là gì; tôi đã khai triển và tôi đang phác thảo ra bằng cách đưa vào tổng hợp giáo hội học của tôi… Quả thật tôi sẵn sàng phó thác cho sự Phục vụ Chương trình của Thiên Chúa, phục vụ Thánh ý của Người, trong đức tin, nghĩa là không biết Người dẫn đưa tôi tới đâu, nhưng tôi biết rằng tất cả đường lối Chúa đều là ân sủng và thành tín, và Người là Đấng đem lại sự sống bên kia sự chết. Tôi sẽ ra đi trong những sự chuẩn bị sẵn sàng đó”.[27]

Tuy nhiên cha Congar không loại trừ khả năng công việc phục vụ chân lý ấy có thể đưa ngài đến chỗ bị từ chối, hay tới những hành động nào đó. Cha Congar nói không bao giờ nghĩ đến chuyện rời bỏ Giáo hội, mặc dầu có nghĩ tới khả năng đối đầu với "cỗ máy" Giáo hội. Ngài nói: “Tôi sẽ không bao giờ ly khai, không bao giờ trở thành tin lành.” Nhưng ngài nghĩ tới khả năng có thể bị “dứt phép thông công”, nếu như ngài cứ cho người ta xuất bản các tác phẩm của mình, dù không được Nihil obstat. Ngài viết: “Tôi vẫn còn hoàn toàn vâng phục; nhưng công việc tôi đeo đuổi, dưới sức ép của những vấn nạn, những bản văn, công việc đó, ngay bây giờ, ở bên ngoài, bên trên những đòi hỏi của những người  tâm đắc của Rôma, là các bề trên hợp pháp de facto của tôi.” [28]

Cha Browne đến Le Saulchoir có vẻ mệt mỏi. Sau  khi gặp gỡ các anh em trẻ, ngài chờ nghe cha Congar. Cha Congar nói với ngài những gì ngài đã nói với cha giám tỉnh, rằng ngài hoàn toàn bị hủy hoại, chẳng còn gì, chẳng còn là gì. Những lời cha Congar nói có vẻ gây ấn tượng cho cha Browne, ngài có vẻ như chưa từng hay biết. Tuy nhiên, khi cha Congar nhắc lại lá thư mà cha đã viết cho ngài ngày 19-5-55, thì ngài hầu như không nhớ gì, mặc dầu đã gửi thư báo đã nhận được thư ấy. Và ngài lấy luôn cả bản sao mà cha Congar mang theo.

Cha Congar trình bày với Bề trên Cả về nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề Đại kết. Nhưng cha Browne vẫn chủ trương mọi sự phải được giải quyết theo đường hướng “bao cấp”: cần có Ủy ban này nọ nghiên cứu tích cực và chỉ đạo…

Cuối cùng, cha Browne đề cập tới chuyến đi của cha Congar sang Anh. Cha cho phép cha Congar ở lại tới Noel, cho phép cha đi giảng bên Scandinavie. Rồi với giọng quyến rũ, ngài nói với cha Congar: “Cha Congar thân mến ơi, tôi nài van cha hãy xuất bản cuốn sách của cha về quyền tối thượng (primauté của đức giáo hoàng), đó sẽ là vinh quang của cha đay !”. Cha Congar chỉ trả lời: không thể được.[29]

Ngày 5 và 7-11-1956 cha Congar viết tại Cambridge: “Thế là tôi trở về sau ‘kỳ nghỉ hè’ ở ‘Galilê’, (ám chỉ nước Pháp). Tôi cảm thấy trong mình một thứ sung mãn nào đó: tôi cảm thấy kỷ niệm một niềm hạnh phúc thấm nhập khắp người, cảm thấy như  được xức dầu thơm, cảm thấy mình đã được hạnh phúc.

Hạnh phúc vì sao? Tôi thấy ít có những giây phút rõ rệt, nhưng cảm giác hạnh phúc đó liên kết với một sự hiện diện và một sự hiệp thông. Sự hiện diện của những người tôi yêu mến và được yêu mến; giữa họ với tôi có cái gì đó chung nhau, và sự hiệp thông trong cái mà người ta yêu mến, và cái mà nhờ đó người ta sống, cái mà người ta ước muốn, và cái mà người ta làm. Tôi đã gặp lại gia đình, ít ra là một số các cháu, và nhất là cha Féret, tất cả đã làm cho tôi được vui… Tôi nhớ lại vào một buổi chiều, tôi trở lại Saulchoir, trong bóng đêm mờ tối, đi vào nhà nguyện lúc anh em vừa hát bài ca Salve Regina…” [30]

Còn bây giờ thì trái lại, cha Congar cảm thấy trống rỗng và cô đơn, nỗi cô đơn mà cha hay nói tới trong Nhật ký. Ở đây tất cả đều như không hiện diện. Không ai, không gì cả. Ở đây hình như lúc nào cha cũng ở dưới một lớp sương mù dầy từ 2 đến 300 m. Ngài đi ngủ với sương mù, thức dậy với nó, và suốt ngày chẳng thấy nó nhúc nhích, di chuyển, cả gió cũng không lay chuyển được nó. Nhưng điều khủng khiếp chính là sự trống vắng chung quanh. Không ai là bạn, không ai để giao tiếp, chỉ còn có việc là viết cho kín hết những trang giấy, và sống với những kỷ niệm đẹp đẽ trong “kỳ nghỉ hè”. Có những lúc đi dạo bắt gặp trời mưa, cha trú dưới bóng cây mà khóc, cảm thấy nỗi cô đơn lạc lõng, cứ phải mang mãi chiếc vali đi lang thang như một kẻ mồ côi. Cha tự hỏi không biết Chúa có nghe thấy những giọt nước mắt của cha đang rơi xuống hay không. Ngài khóc như vậy hàng giờ và nhiều lần như vậy, nhất là vào cuối tháng 7, đặc biệt là ngày 25 và 26, khi thấy rõ điều gì đã xảy đến cho mình, cảm thấy mình đã thất bại trong cuộc đời và như bị nguyền rủa …

Cha có thì giờ ngẫm nghĩ về cuộc đời đau khổ của những người khác, trong đó có chính mẹ của cha, người đã chịu nhiều khổ đau vì chồng mình. Cha nghĩ tới những nghệ sĩ, những nhà tư tưởng như Rilke, Van Gogh, Péguy, Claudel, Maritain… Cha cũng nghĩ tới những bạn tù không trở về từ những trại tập trung của Đức Quốc xã… Họ đã phải đau khổ hơn cha, bị nghiền nát, bị chà đạp…

Cha nói rằng từ ngày trở về Sedan đến nay, cha hiểu  rõ hơn và thực hành sự hiệp thông với thập giá của con người, hiệp nhất với thập giá Chúa Kitô. Cha nói: “Chắc hẳn là tôi phải trở về với thập giá, phải sống hơn nữa mầu nhiệm mà từ đó tôi khai triển thần học về sự “khôn ngoan của thập giá.” [31]

“Cuối cùng thì tôi phải trở thành người Kitô.” Cha viết như vậy.[32]

Cha thực hành những gì người bạn thân thiết nhất của cha, cha Féret, dặn dò, là phải gìn giữ sức khoẻ, bằng cách thư giãn, nghe nhạc, sống có tình cảm với mọi người… Cha cũng nhận được nhiều lá thư an ủi, động viên, kêu gọi cha giữ vững đức tin và niềm hy vọng, và nói với cha rằng các tác phẩm của cha không phải là vô ích, trái lại, sẽ đem lại kết quả. Cha không thể nói rằng mình bị quên lãng hay bị bỏ rơi, hoặc thiếu vắng những dấu chỉ hoặc những câu trả lời của bạn bè. Vì thế cha coi đó là những bài học, và cha phải có trách nhiệm đối với mọi người. Cha thấy cần  phải xét mình lại. Cha thấy mình đã tự ái, thấy mình là ai đó, đã làm được gì đó, và bây giờ chẳng còn là gì, chẳng còn làm được gì. Chắc chắn cha đã tìm kiếm hay cảm nghiệm được một thứ vinh quang nho nhỏ khi đóng vai một nhân vật nào đó…, nhưng bây giờ bị đuổi ra khỏi gánh hát, và trở về với cái tôi thật của mình. Có gì đâu.

“Tôi đã quá là một “thiên thần chiến đấu”, chỉ nghĩ đến công việc của mình. Tôi đã lơ là không nghĩ đến mọi người, không nghĩ đến phải dâng hiến bản thân cho mọi người… Giờ đây, chẳng còn gì cả, chẳng có ai chung quanh mình, chẳng ai để yêu thương, tôi một đàng phải đi theo con đường phục vụ tình yêu một cách khiêm tốn, tùy cơ hội, đàng khác, mỗi khi dịp thuận tiện đến, phải tự hiến thân mình và yêu thương.

Tôi hiểu rằng từ bản chất sâu xa, con người có một yêu cầu yêu thương và được yêu thương, yêu cầu hiệp thông.”[33] Ngài viết tiếp: “Là thiên thần chiến đấu, tôi đã bị nghiến ngấu bởi đống hồ sơ, các ghi chép, các bài viết hay điểm sách; không dành thì giờ đủ cho sự thư giãn và chia sẻ qua thơ, nghệ thuật và giải trí, thưởng thức chung với người khác, chẳng hạn như âm nhạc. Người ta thường trách tôi rằng tôi đã lầm khi không biết mất thì giờ… Tôi đã “làm việc” nhiều quá mà không “sống” đủ.” [34]

“Tôi thực sự cần phải được vực dậy trong đức tin. Tôi đi lưu đầy, đã gần ba năm,[35] lưu đầy thực sự trong đức tin: đức tin của Ápraham, của Môsê, của Hípri 11 [36]. Tôi đã sống niềm tin đó, đã thường xuyên giảng về đức tin đó xưa nay. Cho đến hết tháng sáu vừa qua. Chính vào tháng bảy đời sống tâm linh của tôi thoái hoá[37], trôi đi một cách nào đó, vì những vết thương để lại sau những cắt bỏ tất cả những gì mà tôi vẫn tin tưởng, bám víu vào đó và hiến tặng cuộc đời. Tôi cần phải khởi sự lại một cuộc đời trong đức tin và niềm hy vọng “contra spem.” [38]

Trong những ngày tháng lưu đầy ở Cambridge, cha Congar còn viết nhiều trang thật sâu sắc, cảm động, bộc lộ tất cả tâm hồn ngài cho chúng ta thấy, ngài vừa là một nhà trí thức lớn, một nhà thần học danh tiếng, nhưng cũng vẫn là một con người, hết sức người là đàng khác, cũng biết tự ái, biết giận dữ, đôi khi cũng kiêu căng một chút, nhưng đồng thời cũng biết hối hận, tự trách mình và quyết tâm sống khiêm tốn hơn. Ngài cũng kể lại có lúc đã khóc nức nở như con nít, và khóc nhiều giờ, nhân ngày kỷ niệm thụ phong linh mục [39]. Nhưng trong thời gian ấy, thời gian sống trong sự nghèo nàn như kẻ bị giam tù, thiếu tự do, không phương tiện, và nhất là thiếu sự thanh thản tâm hồn để làm việc, cha Congar cũng để lại cho chúng ta một “tác phẩm” quí giá, đó là bức thư ngài viết cho mẹ ngài, nhân dịp mừng thượng thọ 80 tuổi của bà cố. Tuy chẳng có gì để tặng mẹ, “ngoài cuộc đời thất bại và lưu đầy không vinh quang”[40], nhưng chính bức thư lại là quà tặng quý giá nhất đối với bà cố, và cả đối với chúng ta. Tôi tin như vậy. Trong bức thư đó, cha nói đến nhiều chuyện, về nỗi cô đơn, buồn phiền thất vọng, cũng như về những niềm an ủi khi nhớ đến anh em bạn bè, và nhất là những lời động viên qua thư từ. Đặc biệt là những lá thư của bà cố Tete yêu quí của cha. Ngài phàn nàn về Giáo hội, về đức giáo hoàng Piô XII, mà ngài cho là độc đoán, muốn mọi người vâng phục, suy nghĩ và làm việc theo ý muốn của giáo hoàng. Đức giáo hoàng muốn các nhà thần học chỉ có một việc làm là chú giải các thông điệp và diễn từ của ngài… Cha Congar phàn nàn rằng các anh em Đa Minh Pháp bị bách hại và bịt miệng không cho nói, khiến cho Giáo hội thành một Giáo hội thầm lặng… Cha cũng nói nhiều đến vấn đề Đại kết, và nhất là nói về những nỗi khốn khổ của mình. Ngài bi quan cho rằng chẳng còn hy vọng gì. Nếu cha Sertillanges cuối cùng thì cũng được trở về Pháp khi được 80 tuổi, còn ngài thì... Người Do Thái cũng đã xây mồ mả cho các ngôn sứ mà cha ông họ đã giết (Lc 11,47), còn cha Congar, có thể sống thêm 25 hay 30 năm nữa, nhưng sẽ chẳng bao giờ tìm lại được tự do hoạt động cũng như điều kiện bình thường để sống. Tất cả những gì ngài đã làm, đã chuẩn bị để làm việc cho tới nay đều không đưa tới đâu cả, và chẳng có tương lai. “Thật tàn bạo quái ác khi bị giết sống như vậy.” [41]

Đã có những giờ phút cha Congar nghi ngờ, bị lung lạc về đức tin. Cha như không còn thấy gì nữa. Những gì ngài tin tưởng và đã từng chiếu sáng cho ngài hình như không còn đứng vững. Tuy vậy cha vẫn tiếp tục sống coi như không có gì xảy ra. Nhưng rồi ngài như thấy trước có ngày mình sẽ hoàn toàn mất đức tin. Có lần rơi vào tâm trạng đó nên ngài định từ chối đi giảng, nhưng ngài vẫn giảng với nỗi niềm đau khổ lớn lao.

Mặc vậy, tinh thần chiến đấu không bao giờ bỏ rơi “thiên thần chiến đấu” của chúng ta. Chiến đấu cho công lý, chiến đấu cho sự thật.

Cho công lý, bởi vì chính ngài là nạn nhân của sự bất công khủng khiếp phá hoại cả cuộc đời của ngài. Cho sự thật, bởi vì về mặt trí thức mà nói, ngài không thể nào đồng ý với hệ thống Rôma. Ngài muốn nói tới “hệ thống” bị thống trị bởi cái “Bộ Tối Cao” (Suprême Congrégation), mà người ta gắn thêm tính từ “thánh” lên đầu: Thánh Vụ (Saint Office), một hệ thống hoạt động theo đường lối công an mật vụ, không cho ai quyền tự bào chữa hay kháng cáo, và ai chẳng may rơi vào tròng thì coi như rồi đời. Ở đó chẳng có công lý, chẳng có lòng nhân từ; ở đó người ta chà đạp lên kẻ khác với một lòng chân thành, tự tin là mình làm đúng…[42]

Cha Congar đã nhiều lúc nghĩ đến cái chết. Nhưng cuối cùng ngài nhất định không chấp nhận giải pháp đó, cũng như ngài nghĩ sẽ không bao giờ ra khỏi Dòng mà ngài ngài đã dấn thân vào với tất cả con người, cả hiện hữu của ngài, trọn vẹn đến cả xương tủy. Và ngài còn nói: “Cho dầu tôi có bị loại ra ngoài về phương diện giáo luật, thì tôi vẫn mãi mãi là một người Đa Minh”. Thế nên ngài sẵn sàng hy sinh tất cả, dẫu  cho đến cả danh dự và sự phát triển tâm linh của cá nhân mình, để chiến đấu chống lại cái hệ thống tai quái này, hầu cho các thế hệ mai sau tránh khỏi ách thống trị của nó. Đối với ngài, đó là một cuộc chiến mà ngài phải đảm nhận, và đó cũng là một chứng tá phải đưa ra. Thế cũng đáng ![43]

Ngài không cho đó là một thái độ kiêu ngạo, bởi vì ngài tin rằng sứ vụ của nhà thần học là phải lên tiếng trên sân khấu của lịch sử. Nhưng ngài cho rằng mình đã thiếu chiều sâu hiện sinh, vì đã quá bận tâm đến việc phải đóng một vai trò nào đó, một vai trò hay, hơn là đi sâu vào những điều kiện thuộc chiều sâu của vấn đề và của công việc phục vụ. Ngài đã quá tìm kiếm và yêu thích công trình của mình. Những gì thuộc bên ngoài. Và như thế đến nỗi hầu như quên đi tất cả: không những sự vui thoả, sự nghỉ ngơi, mà còn ích lợi cho mọi người, sự hiệp thông với mọi người, một sự hiệp thông trong những sự việc lớn lao và sâu xa, trong sự khiêm tốn và nhẫn nại…[44]

Ngài muốn tìm về nguồn là mầu nhiệm thập giá để đền tội cho những kẻ rối đạo, những kẻ ly khai. Đền tội của họ và của cả chúng ta. Đền tội cho cả Rôma, mà ngài phê phán về mặt trí thức, nhưng phải dấn thân vào trong đó một cách hiện sinh, sẵn sàng đánh mất chính mình trong đó, để chuộc tội kiêu ngạo, và tinh thần thống trị…[45]

Ngài nhớ  lại lời cha Couturier nói sau cuộc “thanh trừng” tháng 2-1954: “Công trình của tôi, đó sẽ là trái tim tôi.” [46]

Cuối cùng thì cha Congar cũng tìm được niềm vui trong niềm tin tưởng phó thác trong bàn tay Thiên Chúa. Ngài tìm được gương mẫu nơi chính mẹ mình, và cầu xin Chúa ban thêm tình yêu cùng với đức tin. Bởi vì ngài hiểu rằng sự thất vọng làm cho người ta buồn rầu, yếu nhược. Chỉ có niềm vui đem đến sức mạnh và sự sáng tạo. Niềm vui mở ra viễn tượng của sự xác tín và sự phong phú. Niềm vui đem đến cho tha nhân cái gì đó. Nó là con gái của Chúa, mà chỉ có tình yêu mới ban cho chúng ta…[47]

          

6. Ánh sáng mặt trời lại ló ra

Trong thời gian lưu đầy ở Cambridge, cha Congar được cha Bề trên Cả Browne đến thăm ngày 27-9-1956. Lại một lần nữa cha Congar bị đặt vào một tình huống khó xử. Trước mặt cha là một vị bề trên hiền hậu, đầy thiện chí, đúng là một “bon papa”, nhưng đồng thời cũng là một người của “hệ thống”, mà tinh thần vâng phục và lòng trung thành tuyệt đối theo kiểu thần dân đối với Rôma, khiến ngài quên đi sứ vụ của một tu sĩ Đa Minh là phải chiến đấu cho sự thật, cho dù là phải trả giá. Thật vậy, trong cuộc gặp gỡ này, cha Browne nói với cha Congar rằng: “Sự thật là sự thật, nhưng có một quyền bính trong Giáo hội, và chúng ta phải vâng phục” . Cha Congar trả lời: “Vâng, nhưng sự thật là sự thật cả đối với quyền bính, và quyền bính phải hành sử theo công lý và sự thật”. Nhưng cha Browne có vẻ mệt mỏi, ngài nói với cha Congar rằng ngài cố gắng giải quyết vấn đề nihil obstat cho mấy cuốn sách của cha. Ngài nói với cha Congar rằng ngài rất khổ tâm,  "great sorrow" về chuyện này. Cuối cùng thì ngài hỏi cha Congar  rằng cha thích ở lại đây hay về Pháp. Dĩ nhiên là cha Congar thích về Pháp. Ngài lại hỏi cha Congar có thích dạy học ở Hautes Études, cha Congar trả lời dĩ nhiên là có. Nhưng khi cha Congar hỏi liệu ngài có được dạy ở Saulchoir không, thì cha Browne trả lời ngắn gọn là: không.

Dù sao cha Browne hứa là sẽ thu xếp cho cha Congar trở về Pháp. Nhưng bao giờ? Cha Browne không nói rõ. Tuy nhiên khi cha Congar hỏi nên mua thẻ vào thư viện loại một tháng, hai tháng hay sáu tháng, thì ngài hỏi: “Có mắc không”? – “Không” - Cuối cùng thì ngài bảo: “Vậy hãy mua thẻ sáu tháng”.

Như thế là cánh cửa tương lai đã hé mở được một chút. Ánh sáng mặt trời lại ló ra.

Ngày 12-11-1956, cha Congar nhận được một lá thư của cha giám tỉnh Ducatillon báo tin là cha Bề trên Cả cho phép giám tỉnh chỉ định cha vào một tu viện nào đó của tỉnh dòng Pháp (Paris). Cha Ducatillon quyết định gửi cha đến tu viện Strasbourg, chứ không ở Paris, vì cha Congar vẫn còn là phần tử bị nghi ngờ. Không những anh em Đa Minh mà đức giám mục Webert ở Strasbourg cũng rất hoan hỉ đón tiếp cha. Cha Congar sẽ ở lại Strasbourg hơn 11 năm, cho tới ngày trở về Saulchoir vào năm 1968.

Hai năm sau, vào buổi dáng ngày 20-7-1960, cha Congar ngạc nhiên khi đọc trên tờ La Croix một tin bất ngờ: Đức Gioan XXIII chọn ngài làm consulteur, cố vấn của Ban thần học chuẩn bị Công đồng Vatican II, mà một năm rưỡi trước đó Đức Giáo hoàng đã tuyên bố sẽ triệu tập.

Kể từ đây cuộc đời của cha Congar sang trang, và cha cũng phải sang trang cuốn Nhật ký của ngài. Thật vậy, trong suốt thời gian còn lại của đời mình, cha Congar vẫn tiếp tục phục vụ Hội Thánh với tư cách một nhà thần học, đặc biệt là như một nhà Giáo hội học có tầm cỡ vào bậc nhất.

Ngài đã để lại cho chúng ta nhiều công trình đồ sộ có giá trị. Ngoài những sách về thần học, đặc biệt là về Giáo hội học, về Đại kết, còn có ba cuốn Nhật ký,  cuốn Thứ nhất mang tựa đề Nhật ký về chiến tranh 1914-1918 (Cerf, 1997), cuốn Thứ hai mà chúng ta vừa nói tới, Nhật ký một nhà thần học, 1946-1956 (Cerf, 2000), và cuốn Thứ ba, Nhật ký của tôi về Công đồng, khởi sự từ cuối tháng 7-1960, kết thúc ngày 30-9-1966. Cuốn nhật ký cuối cùng này gồm hai tập, mỗi tập dày trên dưới 600 trang. Đây là cả một kho tư liệu quý giá mà bất cứ người nào muốn nghiên cứu về Vatican II không thể nào bỏ qua.

Cha Congar qua đời ngày 22-6-1995, tại Invalides ở Paris, chưa đđầy một năm sau khi đã được Đức Gioan-Phaolô II trao cho mũ Hồng y trên giường bệnh (1994). Nhiều người khác đã được nhận chiếc mũ đỏ chói này lâu năm, mặc dầu chẳng có công trạng gì to lớn như ngài, hơn thế nữa còn nắm giữ  những chức vụ và có quyền lực cao trong Giáo hội. Cha Congar chẳng có tước hiệu hay quyền bính nào, mà chỉ có một sứ vụ, đó là sứ vụ ngôn sứ. Và chính vì sứ vụ ngôn sứ đó mà ngài đã bị thử thách, có thể nói là bị bách hại, như bao nhiêu người khác, trong đó có cách anh em Đa Minh của ngài, như  Savonarole trước kia, và Joseph Lagrange[48] sau này. Nhưng cha có lẽ vẫn còn may mắn hơn Savonarole, người đã bị thiêu sống vì tội danh "rối đạo", còn Lagrange thì chẳng được cái mũ tím hay mũ đỏ nào. Chỉ có điều là người ta đang vận động phong thánh cho Savonarole và Lagrange.

          

7. Thay lời kết

Đức Giêsu đã trách móc các kinh sư và Pharisêu Do Thái là đã xây mồ và tô mả cho các ngôn sứ mà cha ông họ đã giết chết (x.Mt 23,29-30). Còn thánh Gioan đã viết về Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá: "Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu". (Ga 18,37). Nhà văn Aimatốp của Liên Xô , thì viết trong cuốn Đoạn đầu đài rằng: “Thế giới thường trừng phạt các đứa con của mình vì những tư tưởng và nguyện vọng trong sáng, cao quí nhất”.[49]

Ở Việt Nam ta, Nguyễn Trãi cũng đã phải chịu chung một số phận với các ngôn sứ Ítraen ngày xưa, hay như Savonarole. So với các vị này, thì cha Congar quả thật còn được may mắn hơn nhiều. Nhưng sở dĩ ngài được như vậy, là nhờ sự khôn ngoan sáng suốt, và tình phụ tử tuyệt vời của vị Giáo hoàng của thời đại Vatican II: Gioan XXIII.

Tôi thực sự mới chỉ đọc lướt qua cuốn Journal d’un théologien của cha Congar, và mới chỉ ghi lại đây hết sức ngắn gọn những gì tôi nghĩ rằng phải nói và có thể nói. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một ý nghĩ chủ quan. Có thể người khác sẽ không đọc Nhật ký đó như tôi đọc, và nhất là sẽ không ghi lại những gì tôi đã ghi chép, bởi vì, quả thật có nhiều điều sẽ làm cho nhiều người không hài lòng, thậm chí có thể bị “sốc”, vì thấy hình ảnh Giáo hội, và nhất là hình ảnh nhiều vị lãnh đạo Giáo hội thời tiền Vatican II như bị hoen ố phần nào.

Người Việt Nam ta có câu: “Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”. Tình yêu thường làm cho chúng ta dễ trở nên mù quáng, và yếu đuối, dễ dàng tha thứ, dung túng, chấp nhận mọi lỗi lầm của những người chúng ta yêu thương. Nhưng khi không còn yêu thương nữa, nhất là khi trở thành thù địch, thì chúng ta lại nhất quyết không dung thứ cho dù chỉ một lỗi lầm nhỏ nhặt. Khó có thể có được một tình yêu trong đó tình cảm và lý trí dung hoà, bổ túc cho nhau, khiến cho người ta thấy được con người thật của người mình yêu, mà theo kinh nghiệm ở đời này, chẳng ai toàn vẹn cả.

Nếu chỉ đọc thoáng như tôi đã đọc, nhất là những trang cha Congar viết trong những giờ phút có thể nói ngài đang bị dồn vào chân tường, nên nổi giận và gần như mất bình tĩnh, thì ta có thể coi cha là người dám “nói phạm thượng”, chẳng nể nang gì ai, thậm chí còn là kiêu ngạo, như chính cha đã tự nhận như thế. Tuy nhiên, chỉ cần đọc lại những trang cha viết trong thời “lưu đầy ở Babylon” (Cambridge), chúng ta thấy một cha Congar khác: một cha Congar tự phong cho mình là "thiên thần chiến đấu" (ange combattant), nhưng là chiến đấu không vũ khí và bất bạo động, và chiến đấu chỉ để bênh vực cho chân lý và công lý.

Người ta có thể gán cho ngài không những tội không kính trọng Đức giáo hoàng và các giám mục, hồng y, mà lại còn “nói xấu” các ngài nữa. Nhưng cha Congar không phải loại người “mẹ hát con khen hay”. Trên giường bệnh, trong những ngày gần chết, cha đã tâm sự rằng mình “quá trí thức”. Và quả thật nhiều lần trong Nhật ký chúng ta thấy ngài nói tới chuyện không thể chấp nhận quan điểm này quan điểm nọ của giáo triều, đặc biệt là của bộ Thánh Vụ, hay nói đúng hơn, của những cá nhân nào đó của bộ này, nhưng chỉ trên bình dịện trí thức mà thôi.

Theo tôi nghĩ, câu trả lời cha Congar đưa ra cho cha Bề trên Cả Browne: “Vâng, nhưng sự thật là sự thật cả đối với quyền bính, và quyền bính phải hành sử theo công lý và sự thật”, khi cha Browne bảo ngài: “Sự thật là sự thật, nhưng có một quyền bính trong Giáo hội, và chúng ta phải vâng phục”, câu trả lời đó nói lên tất cả tính trung thực và cương nghị của một người ngôn sứ, có lẽ cũng không khác gì lời của hai tông đồ Phêrô và Gioan đáp lại lời ngăm đe của Thượng Hội Đồng Do Thái: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa…, điều ấy có phải lẽ không”? (Cv 4,19).

Lòng trung thành yêu mến Giáo hội của cha Congar còn được chứng tỏ bởi thái độ kiên trì của ngài, quyết tâm không bao giờ chọn giải pháp ly khai hay tự ý rời bỏ Giáo hội, mặc dầu như ngài nói, cả khi Giáo hội loại bỏ ngài. Có thể áp dụng cho cha Congar lời của một nhà thần học nào đó nói rằng: “Giáo hội vừa là mẹ tôi, vừa là thánh giá của tôi”. Vì yêu mến với Giáo hội, cha Congar đã phải vác thập giá đi qua những chặng đường gian nan khổ cực, và đôi khi thánh giá ấy hầu như đã đè bẹp ngài dưới đất, nhưng nhờ lòng tin tưởng, phó thác, ngài đã vượt qua được, và nhờ đó đã góp công với nhiều nhà thần học khác, như De Lubac, Dominique Chenu, Henri-Marie Féret,  Étienne Schillebeeckx…, và dĩ nhiên là cùng với các giám mục có tinh thần đổi mới, như Líenart, Suenens vv., và đặc biệt là hai vị giáo hoàng vĩ đại của thế kỷ XX, Gioan XXIII và Phaolô VI, đưa Giáo hội bước vào thời kỳ Aggiornamento, mở ra một Mùa Xuân Mới.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top