1.
Hamburg đầy gió.
Em tự hỏi mình là ai, từ khi em đột nhiên xuất hiện giữa Hamburg phồn hoa này. Em là ai?
Tựa như khi con người ta quá cô đơn, hay tuyệt vọng, thì người ta sẽ tự cho rằng mình là kẻ bỏ đi. Em cho rằng mình vô dụng, và ngu ngốc, và gì đó nữa, kiểu như uống phải một liều thuốc khiến mình điên, mình dại. Và rồi em ở đây.
Cảng Hamburg sóng vỗ vào mạn tàu, đều đều. Em có thể nghe thấy tiếng hò hét của công nhân, đang thay phiên nhau bốc dỡ hàng hoá. Đấy là hồi đầu tháng mười hai năm tám mươi tư. Điều cuối cùng còn sót lại trong kí ức, là rất nhiều nỗi đau, hồi ba tháng mười một.
Nắng không còn thấy ở Hamburg nữa, từ cái dạo ấy. Từ cái dạo mà con mòng biển cuối cùng rời khỏi ngôi nhà đối diện toà thị chính, là lúc tia nắng cuối cùng tắt mất. Ngôi nhà hiện lên như một tia sáng hi vọng mong manh không hơi ấm, đơn độc và trơ trụi.
Em thức dậy ở cảng. Ngay vỉa hè, áo quần bẩn thỉu, như cái hồi Đức quốc xã vẫn còn giết người ở Pháp và hồi kinh tế lạm phát, người dân đói khổ đến mức bần cùng rồi lang thang giành giật từng miếng ăn. Đấy rồi em tự hỏi có phải mình ngã đập đầu vào đâu, ngất xỉu, bị mất trí nhớ, rồi lạc cả người thân?
Em cũng đã nghĩ cả về ngôi nhà đấy nữa, cái ngôi nhà màu trắng ngà đối diện toà thị chính. Em muốn đi đến đấy, nhưng rồi em còn chẳng biết mình đang ở đâu, hay mình phải đi về đâu. Em cố tìm kiếm một sự giúp đỡ nào đó, nhưng người ta cứ lướt qua như thể em không tồn tại. Hẳn vì em nhìn như một đứa ăn mày, hoặc vì em không phải người da trắng. Thì rằng, em nghĩ thế, em cũng chẳng chắc chắn nữa. Nhưng tiềm thức, đúng rồi, là tiềm thức, bảo rằng em là một kẻ ngoại dòng phương Đông, theo một đoàn tàu lênh đênh rồi cập cảng Hamburg. Hồi đấy nhiều người đi lắm, có người tới Anh, tới Mỹ, tới Canada, không thì đến Đức.
Em nhìn qua tấm kính trong không hình phản chiếu, đằng sau tấm kính ấy là một tiệm bánh ấm áp, có các loại bánh mì trưng đầy ắp trong tủ ngập ánh đèn vàng. Em chợt nhớ lúc bé, có lần em tựa người lên tủ kính, liền bị chủ tiệm đuổi đi. Ông ta còn lấy cái khăn giắt bên hông, lau lại chỗ kính mà em vừa áp mặt vào. Cái kiểu kí ức nhuốm màu vàng, cũ kĩ, đau đớn như thế, cuối cùng lại chẳng giúp ích được gì cho em, như kiểu một con mèo cào một cái rồi biến mất trong màn đêm.
Em nhớ được một ít như vậy. Chỉ một ít thôi, còn chẳng phải là kí ức tốt đẹp gì.
Thế rồi em lại đi, chốc chốc dừng lại thử hỏi người xung quanh đường đến toà thị chính, nhưng chẳng ai trả lời. Em cứ đi, đi mãi, rồi dừng lại, rồi lại tiếp tục đi. Đôi khi em nản quá, nhưng rồi lại thấy kí ức hiện về, từng chút một.
Em đi ngang qua một bệnh viện, chợt nhớ ra người thân mình đều đã mất hồi mùa đông năm một chín bảy mươi sáu. Người ta nói bố em bị viêm phổi nặng vì làm việc quá độ, năm đó trời còn đổ tuyết lớn. Mẹ em sau bị trầm cảm rồi tự sát. Nhưng em không cố nhớ lại, em chắc rằng đó lại là một thứ kí ức khổ sở khác, không sắc màu, hoặc như một tấm phim vàng úa, tối tăm, không mảy may cứu vãn.
"Tôi sẽ là gia đình của em."
Giọng nói ngọt ngào lướt qua trong phút chốc, em có nhớ là ai đâu nhưng lòng vẫn tràn đầy đau đớn. Chua xót dâng lên sống mũi, cay xè.
Thế rồi em lại đi tiếp. Em đi qua nhà thờ, từ bên ngoài vẫn có thể nhìn thấy cô gái tóc ngang vai, mặc váy cưới tinh khôi bước vào lễ đường. Em cũng muốn bước vào xem một chút, nhưng trái tim đau nhức không thôi. Lồng ngực em nghẹn lại, như có cái gì mắc ở phổi, không thở được.
Bồ câu vẫn cúc cúc, mổ mấy hạt đậu người ta rải dưới sân.
"Thề có chúa, tôi yêu em."
Em gục xuống đường, tay ôm lấy ngực. Đau quá, đau như muốn xé toang yết hầu, bởi cái nỗi đau ấy như đang phình to ra. Nước mắt em trượt dài, vỡ nát trên nền gạch đá. Nhưng em biết vẫn phải chống tay, đứng dậy và bước tiếp.
Em chầm chậm lê chân qua hiệu hoa cuối phố, tiệm nhà Schneider, cánh hoa rũ xuống, buồn tẻ. Em thích lưu ly nằm trong chậu thuỷ tinh ở góc kệ. Hoa xanh, hơi ngả tím, cô đơn lạnh lẽo. Không phải đột nhiên mà thích, lại giống như một chút say mê, cố chấp, kiên định, đến nỗi khờ khạo.
"Người tặng hoa cho em chưa chắc đã yêu em, nhưng yêu em rồi, sẽ tặng hoa cho em." Em còn nhớ, một bó lưu ly gói cẩn thận được dúi vào tay em. Tóc ngang vai, môi cười ngọt ngào.
Người em yêu, người con gái em yêu.
Em không thở nổi, hai mắt hoa lên, chìm trong làn sương mờ ảo, thân thể yếu ớt như những ngón tay người chơi đàn từ những phím bên phải trượt dần sang trái. Nóc toà thị chính hiện ra sau mấy dãy nhà. Em gắng gượng, tưởng chừng không đi nổi, hai tay run rẩy tìm điểm tựa.
Một ngôi nhà ba tầng, màu trắng ngà, cửa đóng kín. Em hối hả chạy, như cố bám víu một hình ảnh quen thuộc, hay một kí ức xa xưa. Một ngôi nhàc có con mèo cam đốm trắng, có tầng áp mái, có cái cửa trập.
Em nhớ cô chủ tóc ngắn ngang vai, mắt hay cười nhưng buồn rượi, em nhớ nàng. Người em yêu. Em nhớ nàng, Kang Kyungwon.
Rồi em dừng lại, ngay trước thềm, nơi người ta gắn những bông hoa trang trí màu sắc, những niềm vui trong đám cưới người em yêu. Em chợt hiểu ra mọi thứ, như một kẻ lang thang đột nhiên tìm được đường ra khỏi khu rừng lạnh lẽo.
Em nhấc chân, người nhẹ hẫng, bay lên trên mái nhà, và ngồi thả chân đung đưa y như trước lúc em nhảy xuống. Em đã từng nằm bên dưới, tóc dài tán loạn. Em nằm giữa vũng máu đỏ tươi, nước mắt trào ra hai bên đường mi cong dài.
Những con bồ câu không bay đi, vì chúng không thấy em. Người ta không thể chỉ đường cho em, vì em không tồn tại. Cũng như, em chẳng thể thấy bóng mình qua cửa kính hiệu bánh nữa.
Em chết rồi, em nhắc nhớ mình, "mày chết rồi, Park Siyeon, mày đã chết từ hồi ngày ba tháng mười một."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top