ytutyu

Học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng đạo đức cách mạng.

Hồ Chí Minh là người tài đức song toàn. Dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ mãi mãi tự hào về Hồ Chí Minh - Người anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới.

Những phẩm chất đạo đức cao quý ở Hồ Chí Minh về tinh thần cách mạng cao cả, suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, về đức khiêm tốn, giản dị, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; mãi mãi là tấm gương sáng về nhân cách cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập.

Xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao vai trò và sức mạnh của đạo đức cách mạng. Theo Người đạo đức là nền tảng của người cách mạng cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông của suối. Người vẫn thường nói, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng. Không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.

Đạo đức cách mạng không chỉ là cái gốc của người cách mạng, mà còn là động lực mạnh mẽ để người cách mạng đi đến cái trí. Và khi đã có trí, hiểu biết về khoa học, chủ nghĩa Mác, phương pháp cách mạng... thì cái đức chính là cái bảo đảm cho người cách mạng giữ vững được chủ nghĩa mà mình đã giác ngộ, đã đi theo.

Sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp to lớn, khó khăn và nặng nề, con đường đi đến độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường dài, không phải là một đại lộ thẳng tắp. Do đó, đạo đức cách mạng giúp người cách mạng vững tin trên con đường đi tới mục tiêu của mình. Có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ cũng không sợ sệt, lùi bước. Do đó, chăm lo cái gốc, cái nguồn, cái nền tảng ấy phải là công việc thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình và mỗi người trong xã hội.

Học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh xây dựng đạo đức cách mạng chúng ta cần tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, trung với nước, hiếu với dân, suốt đời chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của nhân dân.

Trung và hiếu là hai khái niệm cơ bản, là trọng tâm của tư tưởng đạo đức Nho giáo. Ở đó trung là trung với vua và hiếu với cha mẹ; đã được Hồ Chí Minh mở rộng ra phạm vi xã hội là trung với nước, hiếu với dân.

Ở đây nước là của dân và dân là chủ của nước. "Trung", "hiếu" đã mang một chất lượng mới với ý nghĩa cách mạng, hết sức sâu sắc, vượt xa những giá trị đạo đức truyền thống Nho giáo.

Không có gì quý hơn độc lập tự do suốt đời chiến đấu cho độc lập tự do, cho hạnh phúc của nhân dân là tư tưởng đạo đức tiếp nối truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, là phẩm chất đạo đức lớn nhất, cao nhất của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Có thể nói, chiến đấu vì độc lập tự do, vì hạnh phúc của nhân dân, là phẩm chất nổi trội trong các phẩm chất đạo đức Hồ Chí Minh. Phẩm chất này đã trở thành ý chí bất khuất, thành chủ nghĩa anh hùng, thành thái độ không cam chịu nô lệ, "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước". Phẩm chất này đã trở thành bản lĩnh của người Việt Nam trước những thử thách, khó khăn gian khổ, đã hóa thành lối sống có tình có nghĩa, có thủy chung, có văn hóa - lối sống thắm đượm chủ nghĩa nhân đạo chiến đấu. Phẩm chất này đã ảnh hưởng rất lớn và sâu sắc trong cộng đồng người Việt Nam, trong sự tập hợp sức mạnh Việt Nam và sức mạnh nhân loại.

Chiến đấu vì độc lập tự do vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân đã hòa nhập với dòng chảy chung của ý thức đạo đức cao đẹp nhất của nhân loại và nhân loại cũng đã cổ vũ nó, tiếp nhận nó, như là chính phẩm chất và giá trị của mình. Vì vậy, ngày nay khi trên thế giới còn có những đất nước, những bộ phận dân cư chưa được hưởng độc lập tự do, cơm no áo ấm, chưa được học hành, hạnh phúc thì phẩm chất này ở tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vẫn là khát vọng cháy bỏng, là chất men kích thích, là động lực nội tại thúc đẩy nhân loại tiến lên, vươn tới.

Hai là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư là phẩm chất đạo đức cơ bản, được Hồ Chí Minh đề cập thường xuyên vì nó gắn liền với hoạt động hàng ngày của mỗi người cách mạng và quan hệ mật thiết với phẩm chất "Trung với nước, hiếu với dân". Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, theo Bác Hồ giải thích là:

Cần là cần cù siêng năng, tăng năng suất trong công việc. Ví dụ trong sản xuất quan trọng bậc nhất của cần là phát triển sản xuất. Phải lấy hiệu quả của sản xuất mà đo ý chí cách mạng.

Kiệm là tiết kiệm, tức là không lãng phí thời gian, của cải của mình và của dân. Nghĩa là, chữ kiệm có nội dung khá toàn diện: tiết kiệm thời gian, tiết kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong tiêu dùng, tiết kiệm ở cả xã hội và ở mỗi cá nhân.

Liêm tức là không tham ô và luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công, của nhân dân. Liêm đã trở thành thước đo bản chất người, bản chất cách mạng của mỗi người.

Chính là thẳng thắn, thấy điều phải dù nhỏ cũng phải làm, thấy trái dù nhỏ cũng phải tránh. Khi nói tới chính, trước hết phải lấy mình làm đối tượng.

Chí công vô tư là đem lòng chí công, vô tư mà đối với người, với việc; ham làm những việc ích nước, lợi dân, không ham địa vị công danh, phú quý. Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau. Chí công vô tư là chăm lo việc nước như chăm lo việc nhà. Như vậy chí công vô tư không phải là không chăm lo lợi ích riêng. Ở đây Bác chỉ yêu cầu trong quan hệ lợi ích chung và riêng cần phải hài hòa. Nghĩ đến lợi ích riêng nhưng cần ưu tiên lợi ích chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chí công vô tư phải gắn liền với chống chủ nghĩa cá nhân, theo Bác, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân không trái lợi ích tập thể thì không phải là xấu.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #yutyu